Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/02/2018

Căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Tổng hợp

Trả đũa thương mại : Trung Quốc chuẩn bị đánh thuế cao lương của Mỹ (RFI, 05/02/2018)

Thêm một dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ -Trung. Ngày 04/02/2018, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo cho mở điều tra chống bán phá giá nhắm vào cao lương của Mỹ. Hai tuần trước, Hoa Kỳ thông báo tăng thuế nhập khẩu nhắm vào pin mặt trời và máy giặt Trung Quốc.

myhoa1

Ảnh minh họa. Reuters/Thomas White/Illustration

Theo hãng tin AFP đây là một đòn trả đũa của Trung Quốc về mặt thương mại, nhưng thủ tục còn kéo dài và tiến trình điều tra từ phía bộ Thương Mại Trung Quốc dự trù sẽ chỉ hoàn tất vào năm tới.

Trước mắt Bắc Kinh không tiết lộ là sẽ có áp dụng thêm bất kỳ một loại thuế nào hay không nhắm vào hàng Mỹ nhập sang Trung Quốc.

Trong năm 2017 Trung Quốc nhập 4,8 triệu tấn cao lương của Mỹ, trị giá 1 tỷ đô la. Trung Quốc là thị trường mua vào nhiều nhất cao lương, đậu nành của Mỹ.

Trong trường hợp Bắc Kinh tăng thuế nhập khẩu nhắm vào các mặt hàng này, nông gia Mỹ trực tiếp bị thiệt hại, đặc biệt là tại các tiểu bang như Kansas, Texas và Colorado. Đây là các bang từng ồ ạt bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi 2016.

Thanh Hà

*********************

Trung Quốc mở điều tra chống bán phá giá cao lương nhập từ Mỹ (Một Thế Giới, 05/02/2018)

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ mở một cuộc điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ.

myhoa2

Trung Quốc thông báo sẽ mở một cuộc điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4/2 cho biết những bằng chứng sơ bộ và thông tin mà cơ quan này thu thập được, cho thấy cao lương của Mỹ được xuất sang Trung Quốc với giá thấp hơn giá bình thường, làm tổn thương các nhà sản xuất trong nước.

Bộ tự tiến hành cuộc điều tra, vì ngành này trong nước có số lượng những nhà trồng cao lương quy mô nhỏ không có khả năng chuẩn bị tài liệu cần thiết để nộp lên bộ.

Thời gian mà cuộc điều tra chống bán phá giá xem xét là từ ngày 1/11/2016 đến ngày 31/10/2017, còn điều tra về thiệt hại của ngành sẽ xem xét khoảng thời gian từ ngày 1/1/2013 đến 31/10/2017.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ hoàn tất điều tra vào ngày 4/2/2019, nhưng hạn chót có thể dời đến ngày 4/8/2019

Tính đến nay, Mỹ là nhà xuất khẩu cao lương lớn nhất của thế giới. Năm 2017, cao lương Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc đã đạt đến 4,76 triệu tấn. Do có giá rẻ hơn bắp, nên cao lương chủ yếu được dùng làm thực phẩm trong ngành chăn nuôi gia súc khổng lồ của quốc gia Châu Á.

Nikkei Asian Reviewcho biết vào một năm trước, một cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp tương tự đã được tiến hành với bã rượu khô (DDGS, sản phẩm phụ của quá trình chiết xuất etanol từ ngũ cốc lên men), mặc dù thuế giá trị gia tăng với sản phẩm này gần đây đã được giảm.

Quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu căng thẳng từ cuối năm 2017 và dự kiến sẽ bùng nổ thành "chiến tranh thương mại" trong năm 2018, khi kết quả những cuộc điều tra về thép giá rẻ và ăn cắp trí tuệ do Trung Quốc thực hiện sẽ được công bố. Washington tuyên bố đã chuẩn bị sẵn biện pháp trừng phạt cần thiết khi có kết quả điều tra chính thức.

Gần đây nhất, việc Mỹ áp mức thuế cao với sản phẩm pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu đã bị Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Bắc Kinh, bị thiệt hại nặng do là nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới, khẳng định sẽ thực hiện "những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích".

Nhiều chuyên gia nhận định biện pháp trả đũa mà Trung Quốc có thể thực hiện là làm giảm doanh số bán các sản phẩm nhập từ Mỹ hoặc dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản.

Cẩm Bình

(theo Nikkei Asian Review)

******************

Mỹ nói đã sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO (Soha, 20/01/2018)

Ngày 19/1, chính quyền Tổng thống Donald Trump nói Mỹ đã sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 với những điều khoản không thể buộc Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế.

myhoa3

Trụ sở của WTO tại Thụy Sĩ. Ảnh: REUTERS

"Có vẻ như rõ ràng là Mỹ đã sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc tham gia WTO với những điều khoản được chứng tỏ là không hiệu quả trong việc đảm bảo Trung Quốc chấp nhận một chế độ thương mại mở theo định hướng thị trường" - báo cáo thường niên của chính phủ gửi quốc hội về vấn đề tuân thủ cam kết WTO của Trung Quốc nhận định.

"Rõ ràng là các quy tắc của WTO không đủ để hạn chế hành vi bóp méo thị trường của Trung Quốc" - báo cáo cho biết.

Mặc dù báo cáo thường niên của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã chỉ trích các tập quán thương mại không công bằng của Trung Quốc từ lâu nhưng báo cáo trên có giọng điệu gay gắt hơn đối với Bắc Kinh.

Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng tồi tệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và khi Washington đang chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ bị cáo buộc của Trung Quốc. Một quyết định về cuộc điều tra về vấn đề này dự kiến sẽ được đưa ra trong những tuần sắp tới.

Báo cáo còn chỉ ra những hành vi của Nga khi nói Moscow không có ý định tuân thủ các nghĩa vụ của WTO, một xu hướng bị chính quyền Mỹ cho rằng "rất đáng lo".

Một quan chức Nhà Trắng nói bất chấp các cuộc tham vấn với Trung Quốc, nước này vẫn không thực hiện các lời hứa chuyển hướng sang nền kinh tế định hướng thị trường và tuân thủ các quy tắc thương mại của quốc tế.

Trong cuộc phỏng với với Reuters tuần này, Tổng thống Trump nói ông đang cân nhắc một mức "phạt" lớn với Trung Quốc vì buộc các công ty của Mỹ chuyển giao tài sản trí tuệ cho Bắc Kinh như là một chi phí kinh doanh tại nước này.

Ông Trump không đề cập chi tiết ý định của mình nhưng một đạo luật thương mại năm 1974 cho phép đánh thuế trả đũa lên hàng hóa Trung Quốc hoặc các lệnh trừng phạt thương mại khác cho đến khi Trung Quốc thay đổi chính sách.

*****************

Trung Quốc có thể trả đũa Mỹ bằng những cách nào ? (BizLive, 18/01/2018)

Nếu Trung Quốc quyết định giảm lượng USD nắm giữ, điều này sẽ gây ra rối loạn trên thị trường trái phiếu trên quy mô chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ.

myhoa4

Ảnh : NyTimes

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách gây sức ép với Trung Quốc, dường như ông đã quên mất rằng Trung Quốc cũng có cách riêng để tạo sức ép ngược lên đất nước của ông.

Người Mỹ xây dựng được một nền kinh tế giàu có và sáng tạo. Thế nhưng Châu Á cũng góp phần không nhỏ làm nên sự thịnh vượng này. Trung Quốc nắm 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, Nhật sở hữu 1,1 nghìn tỷ USD, Hồng Kông nắm 192 tỷ USD, Đài Loan năm 182 tỷ USD còn Singapore nắm 130 tỷ USD.

10 nước Châu Á hiện đang nắm hơn 3.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Sự hỗ trợ của họ còn quan trọng hơn nữa trong bối cảnh chính phủ Mỹ chuẩn bị thông qua kế hoạch giảm thuế khiến ngân sách Mỹ thâm hụt thêm 1 nghìn tỷ USD.

Chính phủ Mỹ sẽ gặp khó nếu Trung Quốc quyết định giảm lượng USD nắm giữ. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ gây ra rối loạn trên thị trường trái phiếu trên quy mô chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ.

Mới đây, khi Bloomberg đưa tin chính phủ Trung Quốc có thể đang xem xét giảm nắm giữ USD, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lập tức đã lên mức cao nhất trong 11 tháng. Mới đây, nhà đầu tư trái phiếu nổi tiếng Bill Gross cho biết ông đã bán trái phiếu chính phủ Mỹ bởi lo ngại về những rủi ro từ phía Trung Quốc.

Chuyên gia thuộc Schroders Investment Management, ông Rajeev de Mello, phát biểu với CNBC : "Những gì diễn ra gần đây cho thấy Trung Quốc có thể đang nghiêm túc xem xét những lệnh trừng phạt thương mại từ phía Mỹ và có thể cân nhắc biện pháp trả đũa. Thông điệp này không khỏi khiến giới đầu tư tại nhóm thị trường mới nổi lo ngại, tác động của việc Trung Quốc trả đũa Mỹ lên các đồng tiền và tài sản Châu Á sẽ không hề nhỏ".

Không ai có thể khẳng định chắc chắn về những gì có thể xảy ra trong tương lai, thế nhưng có lý do để lo ngại khả năng trên có thể thành hiện thực.

Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một số cam kết về vấn đề tranh chấp thương mại với Trung Quốc khi ông ra tranh cử.

Thứ hai, xếp hạng tín nhiệm AAA không còn được đảm bảo trong thời kỳ của Tổng thống Trump. Chính vì vậy các khoản đầu tư từ phía Trung Quốc không còn an toàn như trước.

Không chỉ trong vấn đề sở hữu đồng USD, Trung Quốc cũng có thể có cách khác để trả đũa Mỹ. Vào năm ngoái, Trung Quốc cũng đã từng trả đũa thành công Hàn Quốc bằng cách hạn chế doanh nghiệp tiếp cận thị trường, Trung Quốc cũng có thể có biện pháp tương tự với Mỹ. Dù biện pháp đáp trả là gì đi nữa, nhiều nước Châu Á khác cũng sẽ phải chịu tác động không nhỏ.

Trung Mến

******************

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung trong năm 2018 : Nước Mỹ trên hết (ANTG, 05/01/2018)

Chính quyền Mỹ đang chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để công bố những chính sách kinh tế cứng rắn đối với Trung Quốc ngay đầu năm 2018 này, từ đó tiến gần hơn đến trạng thái xung đột căng thẳng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại gây tốn kém lớn cho giới doanh nghiệp.

Một số quan chức và giới phân tích chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ đưa ra dự báo Tổng thống Donald Trump có hành động cụ thể đối với một loạt tranh chấp thương mại với Trung Quốc trong vòng vài tuần đầu năm 2018.

Cụ thể, vào cuối tháng 1/2018, Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định đầu tiên nhằm đáp ứng kiến nghị của các công ty Mỹ đòi áp thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, máy giặt sản xuất tại Trung Quốc và các nước láng giềng.

Người ta vẫn chưa rõ các hành động của chính quyền Mỹ sẽ được triển khai với quy mô như thế nào. Cho đến nay, những lời hứa trong lúc tranh cử của ông Trump, được ông lặp đi lặp lại nhiều lần sau khi nhậm chức, về các chính sách "trả đũa kinh tế" đối với Trung Quốc vẫn chưa chuyển hóa thành hành động cụ thể.

Ngay trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11/2017, ông Trump cũng nói tránh đi, đổ lỗi cho những người tiền nhiệm để cho tình trạng thâm thủng mậu dịch song phương kéo dài, chứ không nói thẳng nguồn gốc vấn đề từ phía đối phương.

Và mặc cho tuyên ngôn "Nước Mỹ trên hết" của Trump, lỗ hổng thâm hụt mậu dịch đó vẫn cứ dãn rộng ra kể từ khi ông lên làm Tổng thống Mỹ (trong 10 tháng đầu năm 2017, thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc tăng lên 309 tỉ USD so với 289 tỉ USD trước đó 1 năm).

Trong vài tuần gần đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump có ý định hành động thật sự. Trong chiến lược an ninh quốc gia công bố vào trung tuần tháng 12/2017, Tổng thống Trump đã gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" và tuyên bố rằng Mỹ "sẽ không tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi vi phạm, gian dối hay gây hấn về kinh tế".

Trước đó chưa đầy một tháng, Mỹ cũng chính thức tuyên bố trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường theo các tiêu chuẩn của tổ chức này. Trong một tranh chấp cách đây vài tháng, cả EU và Mỹ đã đồng loạt kết luận rằng ở Trung Quốc, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế vẫn quá lớn, từ đó khó xác định tính chất điều tiết của thị trường trong nền kinh tế. Một khi không phải là nền kinh tế thị trường, Trung Quốc sẽ phải chịu các mức thuế chống phá giá cao hơn, theo luật của Mỹ.

Trong một phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam, đầu tháng 11/2017, ông Trump cũng nói rằng Mỹ mong muốn "các đối tác kinh tế tuân theo một cách chặt chẽ các quy tắc thương mại" giống như nước Mỹ.

Các quan chức chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các thỏa thuận đã ký khi gia nhập thành viên WTO. Họ cho rằng, việc tự do hóa thị trường đã bị chậm lại hoặc thậm chí bị đảo ngược. Các doanh nghiệp nhà nước, vốn được nhà nước cấp vốn hoạt động và hưởng đặc quyền trong hoạt động kinh doanh vẫn nắm ưu thế tuyệt đối, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong cạnh tranh thị trường.

Một khảo sát mới đây của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung cho kết quả 57% công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc nói rằng chưa cảm nhận được tác động nào từ gói cải cách kinh tế quy mô lớn mà Chính phủ Trung Quốc công bố cách đây 4 năm.

myhoa5

Sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ của Trung Quốc nhập ồ ạt vào Mỹ.

Trước tình hình đó, trong vài tuần tới, Tổng thống Trump sẽ phải đưa ra các quyết định thương mại liên quan một loạt vấn đề, như: sự đổ bộ ồ ạt sản phẩm Trung Quốc giá rẻ vào thị trường Mỹ (như tấm pin năng lượng mặt trời), nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật kinh doanh, và tổn thất kinh tế do sản lượng dư thừa của Trung Quốc ở một số hàng hóa chủ chốt như thép.

"Cần có một sự thay đổi căn bản, có hệ thống và một sự cam kết mở cửa thị trường thực thụ từ phía Trung Quốc. Chúng tôi muốn Trung Quốc giữ đúng cam kết của mình và không làm méo mó hệ thống thương mại quốc tế" - một quan chức chính quyền Mỹ nhấn mạnh.

Tổng thống Trump đang tỏ ra thận trọng trong việc quyết định có nên hay không và nên phản ứng như thế nào đối với các vấn đề cần giải quyết trong các vụ việc kéo dài. Chính quyền Mỹ đã hoãn việc điều tra về tác động an ninh quốc gia từ việc gia tăng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, vì còn phải cân nhắc các lợi ích cạnh tranh của các công ty sản xuất và các công ty sử dụng các loại nguyên liệu đó.

Chẳng hạn, trong trường hợp tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt, Tổng thống Trump được yêu cầu phải áp "mức thuế phòng vệ" cao nhằm bảo vệ các công ty Mỹ trước sự cạnh tranh từ bên ngoài. Trong các trường hợp thuế chống phá giá hoặc chống trợ cấp, luật không đòi hỏi chính quyền Mỹ phải chứng minh việc nhập khẩu ồ ạt xuất phát từ một hành động thương mại không công bằng. Giải pháp phòng vệ cũng không giới hạn ở các sản phẩm của chỉ một quốc gia.

Khả năng nhiều nhất là Mỹ sẽ tiến hành điều tra thương mại đối với cáo buộc Trung Quốc lấy cắp tài sản trí tuệ và việc Bắc Kinh yêu cầu một số công ty nước ngoài phải giao nộp các bí mật công nghệ để được phép thâm nhập thị trường 1,4 tỉ người của Trung Quốc.

Đa phần dự báo cho rằng cuộc điều tra sẽ đưa ra kết luận Trung Quốc đối xử không công bằng với các công ty Mỹ, từ đó có thể dẫn đến những biện pháp chế tài nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghệ cao của Mỹ. Ngoài ra, các quan chức chính quyền Mỹ cũng không loại trừ việc áp dụng các giải pháp đơn phương khác, bất chấp vi phạm cam kết của Mỹ với WTO.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đương nhiên sẽ đáp trả lại bất cứ hành động nào từ phía Mỹ, với các biện pháp có thể gây tác động cả về mặt chính trị, như hủy bỏ việc mở cửa thị trường cho thịt bò Mỹ. Trước nguy cơ tiềm ẩn "chiến tranh thương mại" Mỹ - Trung như trên, các thành viên WTO thống nhất ý kiến cho rằng trước hết nên đưa các khiếu nại thương mại ra hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này.

An Châu (tổng hợp)

Quay lại trang chủ
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)