Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/02/2018

Điểm báo Pháp - Trục trặc trong trục Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

RFI tiếng Việt

Trục trặc trong trục Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Ankara là chặng dừng "nhạy cảm nhất" trong vòng công du Trung Đông của ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson, trong bối cảnh hai đồng minh khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, này đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết vì chiến sự Syria.

mytho1

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ gần Núi Barsaya, phía đông-bắc Afrin (Syria), ngày 23/012018. Reuters/Khalil Ashawi

Hai lý do giải thích cho trục trặc trong quan hệ giữa Ankara và Washington lần này. Một là Hoa Kỳ ủng hộ người Kurdistan trong vùng Afrin – Tây Bắc Syria, trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công Afrin từ hôm 20/01/2018. Thứ hai là Washington vừa thông báo bỏ ra nửa triệu đô la để trang bị và đào tạo cho Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS- mà trong đó lực lượng vũ trang của người Kurdistan YPG chiếm đa số.

Giới quan sát loại trừ khả năng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp đối đầu về mặt quân sự, nhưng lo ngại sẽ "khó tránh được những sự cố va chạm". Nhưng không chỉ có thế. Vào lúc mà trục Washington–Ankara bị đe dọa thì nước Nga của tổng thống Putin lại trở thành "đối tác chiến lược" đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Moskva không bỏ lỡ cơ hội "đổ thêm dầu vào lửa". Ngoại trưởng Nga, Sergueï Lavrov làm lung lạc công luận Thổ Nhĩ Kỳ khi tuyên bố thẳng thừng là Mỹ đang có kế hoạch thành lập một Nhà nước Kurdistan ở phía bắc Syria.

Tại Washington, chưa bao giờ lo ngại "để mất Thổ Nhĩ Kỳ" lại lớn như hiện nay. Có điều, như bình luận của một chuyên gia được Le Monde trích dẫn, Ankara "không xích lại gần phương Tây hay phương Đông, mà đang lao vào thế bị cô lập". Không chỉ với Hoa Kỳ, nước Thổ Nhĩ Kỳ trong tay tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn khiến cả NATO đau đầu : có lực lượng lớn thứ nhì trong khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng từ sau cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7/2016 quân đội nước này đang "xa dần các đối tác phương Tây".

Thất bại của Nga trên hồ sơ Syria

Xã luận của La Croix xoáy vào thất bại của Nga tại Syria, nhưng đó là một thất bại chính trị như tựa của bài viết.

Chiến sự tại Syria kéo dài từ 7 năm qua mà vẫn chưa tới hồi kết. Những nước lớn trong khu vực lần lượt theo chân nhau "nhập cuộc". Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, các siêu cường trên thế giới vẫn không tìm ra đồng thuận, cho dù là vấn đề khá đơn giản nếu như các bên chấp nhận đặt quyền lợi của người dân Syria lên trên hết khi biết có tới 13 triệu người – trong đó gần một nửa là trẻ em, cần được cứu trợ nhân đạo.

Vậy thì ai phải chịu trách nhiệm về bế tắc đó ? Theo nhật báo La Croix, "các lực lượng quân sự có mặt tại hiện trường, chủ yếu là Nga và Iran (...). Moskva và Teheran đã giành được thắng lợi trên một mặt trận mà cả Washington, Paris hay Ryad đã không thực sự dấn thân vào. Từ nhiều tháng qua, điện Kremlin cố gắng tạo điều kiện để giảm bớt căng thẳng nhưng đã thất bại. Putin nên nhìn nhận thất bại ấy và mở rộng đàm phán đến nhiều phe phái hơn, đồng thời buộc Damascus giảm cường độ các cuộc giao tranh, ngưng sử dụng vũ khí hóa học".

Tờ báo kết luận : Chỉ khi đó tiến trình đàm phán hướng tới một giai đoạn chuyển tiếp chính trị cho Syria mới hy vọng thành công. Trong khi chờ đợi, Paris "cố gắng nói lên tiếng nói của mình" về xung đột Syria, như nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận sau khi tổng thống Emmanuel Macron dọa là Pháp sẽ "ra tay" nếu có bằng chứng là chế độ Damascus sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Syria.

Seoul đi dây giữa Washington và Bình Nhưỡng

Về thời sự Châu Á, dư âm lời mời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên gửi tới tổng thống Hàn Quốc vẫn còn đọng lại. Le Monde trong bài viết mang tựa đề "Moon, người làm xiếc đi dây giữa Washington và Bình Nhưỡng" nhận định : nếu thuyết phục được Mỹ thay đổi thái độ về chính sách đối với Bắc Triều Tiên thì đây sẽ là thắng lợi rất lớn của tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in.

Không thể phủ nhận là Bình Nhưỡng đã có những tính toán khi tung một đòn ngoại giao ngoạn mục, chìa bàn tay thân thiện với Seoul chia rẽ liên minh Mỹ-Nhật Hàn. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu cho rằng, Bắc Triều Tiên đang thao túng Hàn Quốc và tổng thống Moon Jae-in ngây thơ để bị lọt vào bẫy của Kim Jong Un. Bởi đơn giản là Seoul cũng có nhiều mục tiêu đang nhắm tới.

Những mục tiêu đó là thứ nhất, bảo đảm an ninh cho suốt mùa Thế Vận Hội Pyeongchang. Về điểm này, Moon Jae-in đã ghi được bàn thắng. Thứ hai là, nhìn xa hơn, tổng thống Hàn Quốc muốn xua tan nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của Bình Nhưỡng trong trường hợp Hoa Kỳ khai chiến với Bắc Triều Tiên. Mục tiêu thứ ba mà Seoul đang hướng tới là định hình một chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Để thực hiện được các mục tiêu thứ hai và thứ ba này, tổng thống họ Moon chọn đi theo con đường từng được hai người tiền nhiệm – Kim Dae-jing và Roh Moo-hyun, vạch ra. Đó là chính sách Vầng Thái Dương, trong những năm 1998-2008.

Tác giả bài báo, Philippe Pons ghi nhận : "Có một thay đổi lớn từ đó tới nay. Giờ đây Bắc Triều Tiên đã nắm giữ vũ khí hạt nhân". Dù vậy Seoul và Bình Nhưỡng sưởi ấm quan hệ, tạo cơ hội làm hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên và kể cả việc cho phép mở ra đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Có điều trên ván bài này, Seoul không làm chủ được tất cả mọi nước cờ. Ẩn số lớn nhất là hiềm kị giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Nhưng đổi lại, con đường tổng thống Moon chọn lựa đang khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Seoul. Công luận Hàn Quốc nhận thấy rằng, họ có trách nhiệm và phải có tiếng nói để quyết định về quan hệ với nước láng giềng phương Bắc. Theo như ghi nhận của tác giả bài báo trên tờ Le Monde, "đó là điều mà Mỹ và các đồng minh của Hàn Quốc nên cân nhắc".

Hoàng thân Đan Mạch biết tiếng Việt và tiếng Hoa

Chồng của nữ hoàng Đan Mạch, hoàng thân Henrik vừa tạ thế, thọ 83 tuổi. Le Figaro nhìn lại tiểu sử của một ông hoàng, gốc Pháp và rất am tường về Á Châu. Tên thật là Henri de Monpezat, sinh năm 1934 tại Talence, miền tây nam nước Pháp. Cho đến 5 tuổi, ông sống tại Đông Dương, bố mẹ là chủ đồn điền. Người chồng tương lai của nữ hoàng Đan Mạch đã đỗ tú tài ở Hà Nội, năm 1952.

Ông trở lại Pháp theo học trường Luật ở Sorbonne. Ngay giữa kinh kỳ Paris, ông học tiếng Việt và tiếng Hoa, làm việc trong bộ ngoại giao Pháp. Sau một thời gian phụ trách về hồ sơ Đông Phương, Henri de Monpezat được bổ nhiệm làm thư ký thứ ba tại sứ quan Pháp ở Luân Đôn. Chính trên quê hương của nhà văn Shakespeare ông đã lọt vào mắt xanh của cô công chúa Margreth xứ Đan Mạch. Thành hôn với nàng năm 1967 và chấp nhận, đổi cái tên Henri rất Pháp thành Henrik và vĩnh viễn nhận xứ sở của văn hào Andersen là quê hương thứ hai.

Ít người biết rằng, chính hoàng thân Henrik và nữ hoàng Margreth là tác giả từng dịch Simone de Beauvoir sang tiếng Đan Mạch. Ông sáng tác nhiều tập thơ bằng ngôn ngữ của Beaudelaire và luôn tự hào là một người chơi dương cầm không đến nỗi tệ : hoàng thân Henrik thủa thiếu thời từng là học trò của nhạc sĩ dương cầm bậc thầy, Alfred Cortot.

"Big bang" trong ngành giáo dục Pháp

Pháp thông báo kế hoạch cải tổ thể thức thi tú tài, kể từ năm 2021. Hiện nay, cứ vào quãng tháng 6, học sinh lớp 12 phải thi rất nhiều các bộ môn, tùy theo ban, từ Toán, Lý-Hóa đến Sử-Địa, Sinh Ngữ và cả Thể Thao. Lứa học sinh phải thi tú tài vào năm 2021 sẽ được nhẹ gánh hơn nhiều. Đây là chủ đề chiếm hầu hết trang nhất các báo.

Chuyện hiếm có là các tờ báo thuộc mọi khuynh hướng tả hữu, đều ít nhiều hoan nghênh kế hoạch cải tổ được bộ trưởng Giáo Dục Jean–Michel Blanquer trình làng vào hôm qua 14/02/2018.

"Đơn giản hơn", "rõ ràng hơn" là những cụm từ các tờ báo dành để nói về thủ tục thi tú tài sắp được áp dụng. Vậy học sinh Pháp tới đây sẽ thi tú tài như thế nào và tại sao cần phải thay đổi ?

Có hai thay đổi quan trọng, một là học sinh trung học cấp 3 không còn chia ra thành ban "Khoa học, Văn Chương hay Kinh Tế"

Trong hai năm cuối ở trung học (tức là ở lớp 11 và 12) tất cả đều có chương trình học như nhau ở các môn như Pháp Văn, Triết, Sử-Địa hay Ngoại Ngữ… Bên cạnh đó, tùy sở thích, mỗi học sinh được chọn thêm 3 môn học gọi là "chuyên môn" trong một danh sách gồm hơn một chục môn khác nhau. Trong số này có Toán, Lý Hóa, Khoa Học, Kinh Tế, Tin Học, Nghệ Thuật…

Thay đổi thứ nhì là thể thức thi tú tài. Từ năm 2021, điểm kiểm tra trong suốt hai năm học ở lớp 11 và 12 sẽ được tính vào bảng điểm cuối cùng để được trở thành cô hay cậu Tú.

Cuối năm học lớp 12, học sinh sẽ phải thi 4 môn và nhất là phải trải qua một kỳ thi hỏi đáp, phải trình bày trước một ban ban giám khảo về một chủ đề đã học qua trong năm.

Đó là về nội dung, nhưng báo chí Paris hôm nay đánh giá thế nào về kế hoạch cải tổ đó ? Xã luận của nhật báo Libération thiên tả đánh giá đây là sư sửa đổi "hợp lý". Les Echos không bình luận nhiều nhưng trích lời đại diện của một công đoàn của các thầy cô giáo cho rằng bằng tú tài sắp tới đây "sẽ thích hợp hơn với chương trình đào tạo ở cấp đại học, gần với thực tế hơn" đối với một thanh niên chuẩn bị vào đời, chuẩn bị chen chân vào thị trường lao động.

Le Figaro thiên hữu nhìn nhận đây là một dự án cải tổ "đầy tham vọng và đã được bộ trưởng Blanquer khéo lèo lái để đi đến đích". Cũng tờ báo này hết lời khen ngợi Jean-Michel Blanquer khi cho rằng, "từ thời tướng De Gaulle đến giờ, nước Pháp mới có được một vị bộ trưởng giáo dục có tầm vóc".

Người ta có thể có những cái nhìn rất khác nhau về hệ thống giáo dục của Pháp, về việc đào tạo con em, nhưng không ai có thể chê trách được kế hoạch cải tổ lần này. Tờ Libération thiên tả công nhận rằng bộ trưởng Blanquer là một người quá "khéo léo", không chần chừ đưa ra những biện pháp mạnh thay đổi cả hệ thống giáo dục mà không làm phật lòng một ai, kể cả những thành phần bảo thủ nhất cũng không tìm thấy kẽ hở để tấn công dự án cải tổ của ông.

Năm Tuất lành hay dữ ?

Trước thềm năm Mậu Tuất, mục kinh tế của tờ Le Monde điểm qua thẻ bói của một nhà chiêm tinh không chuyên nghiệp Hồng Kông, Alec So.

Alec So dựa trên tử vi để nhìn vào tương lai thị trường tài chính Hồng Kong năm Mậu Tuất tốt hay xấu. Bằng giọng điệu hài hước, tác giả giải thích : Chó là con vật trung thành với chủ, do vậy năm nay các công ty nên trung thành với thân chủ là hơn. Các nhà đầu tư chớ tham mà tìm kiếm những "cục xương quá lớn".

Sắp chia tay với con Gà Lửa của năm Đinh Dậu để chơi với Chó Đất của năm Mậu Tuất, Alec So nhắc lại ba đời tổng thống Mỹ, là các ông Bill Clinton, George W. Bush và Donald Trump đều cầm tinh con vật thông minh này.

Riêng tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, tuổi Tỵ, thì nhà chiêm tinh Hồng Kông khuyên chủ nhân điện Elysée rằng, năm nay "Nhà nước Pháp nên hợp tác với ngành tài chính và sẽ giàu to. Trong gia đạo, Macron có thể nâng ly rượu mừng cuộc sống êm đềm và hạnh phúc" đang chờ đón ông trong năm Mậu Tuất.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 475 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)