Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/02/2018

Điểm báo Pháp - Phương Tây bất lực trước thảm kịch Syria

RFI tiếng Việt

Phương Tây bất lực trước thảm kịch Syria

"Phương Tây bất lực trước thảm kịch Syria", đó là tựa trên trang nhất của tờ Le Figaro và đó cũng là nhận định chung của các nhật báo Pháp số đề ngày hôm nay, 22/02/2018.

batluc1

Một cảnh ở Đông Ghouta, Syria. Ảnh 21/02/2018. Reuters/Bassam KhabieGhouta

Trong bài xã luận, Le Figaro nhận xét : "Các nước phương Tây bày tỏ sự phẫn nộ trước những hình ảnh cực kỳ tàn khốc của các thường dân bị kẹt trong cái bẫy khủng khiếp Ghouta. Nhưng đằng sau những lời lên án đó, vẫn không có một quyết tâm chống lại lực lượng thân chế độ Damascus. Được rảnh tay hành động, Moskva và Tehran tranh thủ thêm lợi thế của họ".

Le Figaro đặt câu hỏi : "Chúng ta có thể hy vọng gì từ sáng kiến của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, đang yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra một nghị quyết về một cuộc "hưu chiến nhân đạo ?". Theo tờ báo này, Nga mới là trọng tài thật sự ở Syria. Một cuộc hưu chiến có thể phục vụ cho chiến lược của Vladimir Putin. Về lâu dài, chính chủ nhân điện Kremlin sẽ áp đặt ý muốn của ông ta".

Còn theo La Croix, với việc gia tăng tấn công vào vùng Đông Ghouta, chế độ Damascus muốn chặn đứng các vụ bắn pháo từ vùng này về phía thủ đô Syria. Họ cũng muốn chứng tỏ vẫn trong thế mạnh, nhằm buộc nhóm quân nổi dậy cuối cùng phải đầu hàng. Tờ báo trích lời giáo sư Zlad Majed, Đại học Mỹ ở Paris, cho rằng đây có thể là hậu quả từ thất bại của hòa đàm tại Sotchi do Nga tổ chức. Chế độ Damascus chắc là muốn trừng phạt phe đối lập vì phe này việc tẩy chay hội nghị. Đây cũng là một thông điệp gởi đến phương Tây, cho tới nay vẫn không tán đồng giải pháp chính trị của Nga.

Trên tờ Le Monde, Abou Ahed, một bác sĩ có mặt ở Ghouta, tố cáo qua ứng dụng WhatsApp : "Đây là một chính sách hủy diệt giống như là tại Aleppo trước đây. (Tổng thống) Assad muốn phá vỡ ý chí kháng cự của chúng tôi". Cũng qua ứng dụng WhatsApp, một nữ bác sĩ nhi khoa, Amani Ballour, thì lên án "một cuộc thanh lọc chủng tộc". Trước đó vài phút bệnh viện của cô đã bị trúng bom.

Theo Le Monde, chiến dịch oanh kích vào các cơ sở hạ tầng dân sự là thành tố chủ chốt trong chiến lược của chính quyền Syria chống phiến quân. Trước khi đưa quân vào Đông Aleppo trước đây, họ đã dội bom, nã pháo liên tục vào các bệnh viện tại đây, giống như tại Đông Ghouta hiện nay. Cũng theo Le Monde, nhận thấy là phương Tây không có phương tiện, mà cũng chẳng có quyết tâm chống lại chiến lược của chính phủ Damascus, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đề nghị cho Đông Ghouta giải pháp tương tự như ở Alleppo.

Vào lúc đó, vì không thể kháng cự quân chính phủ, quân nổi dậy và những người ủng hộ họ đã phải chấp nhận di tản khỏi thành phố dưới sự giám sát của Hội Hồng Thập Tự, để đi đến một thành phố nằm dưới sự kiểm soát của quân thánh chiến Hồi Giáo. Trong một báo cáo công bố vào tháng 03/2017, Liên Hiệp Quốc đã xem cuộc di tản cưỡng bức này là "tội ác chiến tranh".

Washington và Bình Nhưỡng

Về tình hình Châu Á, giữa Washington và Bình Nhưỡng, "các cuộc thảo luận khởi động một cách khó nhọc". Đó là tựa một bài báo của tờ Les Echos nói về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên hiện nay.

Tờ báo nhắc lại việc các đại diện của chế độ Bắc Triều Tiên đã hủy bỏ vào giờ chót một cuộc họp với phó tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến diễn ra một cách kín đáo vào ngày 10/2 vừa qua tại văn phòng của tổng thống Hàn Quốc ở Seoul.

Theo Les Echos, cho dù hai bên đã lỡ hẹn, việc Washington chấp nhận nguyên tắc một cuộc gặp cấp cao với phía Bình Nhưỡng là biểu hiện của thay đổi trong chính sách của Mỹ về Bắc Triều Tiên. Cho tới gần đây, chính quyền Trump vẫn tuyên bố rằng sẽ không có chuyện thảo luận với Bình Nhưỡng, khi nào mà chế độ Kim Jong-Un không thật sự đi theo con đường phi hạt nhân hóa.

Thái độ phẫn nộ của giới trẻ nước Mỹ sau vụ xả súng

Về thời sự tại Hoa Kỳ, tờ Libération hôm nay đã dành nhiều trang để nói về thái độ phẫn nộ của giới trẻ nước Mỹ sau vụ xả súng thứ tư tuần trước tại trường trung học ở Parkland, bang Florida, giết chết 17 học sinh và giáo viên.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Tiếp nối", tờ Libération nghi nhận là từ sau vụ thảm sát đó, giới trẻ Mỹ đã kêu gọi chống lại việc buôn bán vũ khí tự do. Tờ báo viết : "Những kẻ hay hoài nghi chắc sẽ cho đây là một sự ngây thơ, một khẩu hiệu trống rỗng hoặc một phong trào rồi sẽ xẹp xuống vào tuần tới. Có thể là họ có lý : Hiệp hội NRA sẽ không bao giờ biến mất khỏi chính trường nước Mỹ và việc buôn bán tự do súng ống sẽ vẫn là trụ cột của nền văn hóa bảo thủ của đất nước Hoa Kỳ".

Nhưng theo Libération, đấy có phải là lý do để làm ngơ, khi mà những nhà hoạt động 15 tuổi khuấy động cuộc tranh cãi ? Trái lại, "cần phải đáp lại một sự thật phát ra từ miệng của những đứa trẻ, có suy nghĩ chính chắn hơn biết bao người lớn : thật là vô lý để cho một thiếu niên được mua súng dễ hơn là mua một ly bia".

Libération cho rằng những thành phần cấp tiến ở Mỹ nên chìa tay cho giới trẻ ấy, lắng nghe các em, giúp các em tổ chức phong trào nhưng không định hướng cho các em. Biết đâu chừng, có thể là từ Parkland sẽ nổi lên thế hệ tiếp nối trong lực lượng chống Trump.

Vụ tai tiếng mua dâm của các nhân viên tổ chức Oxfam ở Haiti

Tờ Le Figaro hôm nay đề cập đến vụ tai tiếng mua dâm của các nhân viên tổ chức Oxfam ở Haiti, cho rằng vụ này đang làm vấy bẩn toàn bộ hoạt động từ thiện ở Anh Quốc.

Tờ báo trích lời giám đốc điều hành của Oxfam International Winnie Byanyima, cho rằng chuyện xảy ra ở Haiti là một vết nhơ trên Oxfam "sẽ khiến chúng tôi xấu hổ nhục nhã suốt nhiều năm nữa". Trước mắt Oxfam đã tình nguyện từ bỏ khoản trợ cấp 35 triệu euro của chính phủ Anh, đồng thời cam kết sẽ thiết lập một hệ thống minh bạch hiệu quả.

Bộ trưởng bộ Phát triển Quốc tế của Anh Penny Mordaunt đã cảnh báo là chính phủ sẽ không làm việc với những tổ chức nào mà ban lãnh đạo không có đạo đức trong sạch. Lời cảnh báo này gởi đến toàn bộ các tổ chức phi chính phủ ở Anh, trong bối cảnh mà đến lượt hiệp hội Save the Children nay cũng bị tai tiếng vì các vụ lạm dụng tình dục.

Điều đáng nói, theo Le Figaro, là ngay sau khi vụ tai tiếng tình dục của Oxfam bị phanh phui, dân biểu bảo thủ Jacob Rees – Mogg đã tung ra một kiến nghị đòi chấm dứt mọi viện trợ nhân đạo của Anh Quốc cho nước ngoài.

Kềm chế được mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C

Mực nước các đại dương sẽ tăng từ 0,7 đến 1,2 mét, cho dù hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có được thực thi nghiêm chỉnh, tức là kềm chế được mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C. Đó là tính toán của các nhà nghiên cứu, theo một bài báo đăng trên Le Figaro.

Các nhà nghiên cứu nhắc lại rằng những nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao là : nước biển giãn nở khi nóng lên thêm, băng tan, nhất là tại vùng Groenland và Nam Cực. Những tác động này có thể sẽ còn rõ nét hơn nữa trong thế kỷ tới.

Vấn đề, theo Le Figaro, là khi đưa ra các kịch bản khác nhau, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể dự đoán được nhiều điều, đặc biệt là không thể dự báo chính xác tầm mức và tốc độ tan chảy của băng ở Nam Cực. Cho nên, họ không loại trừ khả năng là đến năm 2300 mực nước biển sẽ dâng cao đến 3 mét

SpaceX phát động cuộc chiến vệ tinh

Tờ Les Echos đặc biệt quan tâm đến việc công ty của Elon Musk hôm nay sẽ phóng hai vệ tinh trong chòm vệ tinh Starlink của họ.

Về mặt chính thức, mục tiêu của việc phóng tên lửa Falcon 9 của SpaceX là đưa lên quỹ đạo một vệ tinh của Tây Ban Nha. Nhưng "tháp tùng" vệ tinh này là hai vệ tinh Microsat -2a và 2b. Như vậy là hai tuần sau khi phóng thành công tên lửa cực mạnh Falcon Heavy, công ty của nhà tỷ phú Elon Musk lao vào một thách đố to lớn khác : nối cả thế giới vào một mạng Internet với đường truyền có tốc độ cao gấp 10 lần mức trung bình hiện nay.

Để đạt mục tiêu ấy, trước mắt, SpaceX sẽ đặt hai vệ tinh lên quỹ đạo thấp, tức là ở độ cao 1.150 km so với mặt đất. Nếu cuộc phóng vệ tinh hôm nay thành công, Elon Musk dự trù sẽ phóng ít nhất 4.223 vệ tinh khác từ đây đến giữa năm 2021 để đến năm 2024 đạt mục tiêu 12.000 vệ tinh !

Nhưng theo Les Echos, trong thị trường tương lai béo bở này, SpaceX sẽ gặp nhiều đối thủ cạnh tranh như One-Web, công ty của nhà doanh nghiệp Mỹ Greg Wyler. Công ty này cũng dự trù từ đây đến 2020 sẽ phóng tổng cộng 900 vệ tinh nhân tạo trên quỹ đạo ở độ cao 1.200 km.

Trang nhất các báo

Hai nhật báo của Pháp số đề ngày hôm nay, 22/02/2018, Le MondeLe Figaro đều đưa tựa trên trang nhất về tình hình Syria vào lúc các cuộc oanh kích dữ dội của quân chính phủ Damascus vào khu vực Đông Ghouta của phe nổi dậy đã khiến hơn 300 người thiệt mạng cho tới nay, phần lớn là thường dân.

Riêng Libération thì đăng trên trang nhất bức ảnh của Christine, nữ sinh trung học 15 tuổi, thoát chết sau vụ sả súng vào một trường học ở bang Florida, Hoa Kỳ vừa qua, khiến 17 người thiệt mạng. Kèm theo bức hình là lời kêu gọi của em : "Này Ngài Trump, cầu nguyện như thế đủ rồi, hãy hành động đi". Ý muốn nói đến yêu cầu chính quyền Donald Trump phải có biện pháp hạn chế việc mua bán súng ở Hoa Kỳ.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì đưa tựa trên trang nhất về kế hoạch cải tổ Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp SNCF, một vấn đề rất nhạy cảm ở Pháp. Theo Les Echos, để rút ngắn thời gian, nhằm hạn chế các cuộc đình công dài hạn, chính phủ Pháp rất có thể ra các sắc lệnh, thay vì đưa kế hoạch cải tổ SNCF ra thảo luận trước Quốc hội.

Nhật báo công giáo La Croix thì đăng trên trang nhất bức ảnh chụp vùng Camargue của Pháp, được phục hồi trạng thái hoang dã, nước ngọt đã quay trở lại, các hệ sinh thái được tái tạo, cảnh quan đã thay đổi.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)