Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/02/2018

Sự tham lam của Trung Quốc trong buôn bán bị thế giới chỉ trích

RFI tiếng Việt

Thứ trưởng tài chính Mỹ đả kích Trung Quốc về "hành vi phi thị trường" (RFI, 22/02/2018)

Một thứ trưởng bộ Tài Chính Mỹ ngày hôm qua 21/02/2018, đã không ngần ngại cực lực chỉ trích nhiều chính sách kinh tế của Trung Quốc, gọi đấy là những "hành vi phi thị trường". Đối với nhân vật này, Washington cần đối sách chống trả mạnh mẽ hơn.

tq1

Ảnh minh họa : Tàu chở hàng Trung Quốc ở cảng Thanh Đảo. Ảnh 13/10/2016.STR / AFP

Phát biểu nhân một diễn đàn ở Washington do trung tâm Jack Kemp Foundation tổ chức, ông David Malpass, thứ trưởng bộ Tài Chính Mỹ chuyên trách các vấn đề quốc tế, cho rằng thế giới không nên tiếp tục "khen ngợi" Bắc Kinh về những thành quả cũng như chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Gợi lại sự kiện chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đến Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos để bênh vực cho tự do thương mại, quan chức Mỹ tố cáo : "Họ đến Davos cách nay một năm và nói rằng "Chúng tôi hòa mình vào thương mại (thế giới)", nhưng trong thực tế lại vẫn duy trì một hệ thống chỉ có lợi cho họ, trong lúc lại triệt tiêu công ăn việc làm trên đa số phần còn lại của thế giới".

Đối với ông Malpass, các nền kinh tế thị trường và các chính quyền dân chủ cần cảnh giác trước những thách thức mà hệ thống kinh tế Trung Quốc tạo ra, trong đó có các ngân hàng nhà nước và những tổ chức tín dụng xuất khẩu.

Thứ trưởng tài chính Mỹ nhắc lại quan điểm của ông theo đó Trung Quốc đã ngưng tự do hoá nền kinh tế, và trong thực tế còn đang đảo người xu hướng này. Ông giải thích : "Họ - tức là Trung Quốc - chọn phương thức đầu tư không theo cách của thị trường và điều đó hủy hoại tăng trưởng của thế giới".

Theo hãng tin Anh Reuters, Bắc Kinh luôn khẳng định rằng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoạt động theo nguyên tắc kinh tế tự do, và đang đấu tranh để được công nhận là một "nền kinh tế thị trường". Nếu Bắc Kinh toại nguyện, điều đó sẽ làm suy yếu các biện pháp tự vệ thương mại của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.

Trọng Nghĩa

*******************

Thủ tướng Đức cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Âu (RFI, 22/02/2018)

Thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm 21/02/2018 đã không ngần ngại nêu tên Trung Quốc khi nhắc nhở rằng không nên gắn liền các khoản đầu tư vào các nước Châu Âu với những yêu sách chính trị.

tq2

Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp đồng nhiệm Macedonia Zoran Zaev tại Berlin, ngày 21/02/2018. Reuters/Axel Schmidt

Trong một cuộc họp báo chung tại Berlin với thủ tướng Macedonia Zoran Zaev, bà Angela Merkel xác định rõ : "Tôi không phản đối việc Trung Quốc muốn thúc đẩy thương mại… và đầu tư. Chúng ta gắn bó với thương mại tự do... nhưng phải trên cơ sở có đi có lại". Đối với thủ tướng Đức, thái độ cởi mở, thông thoáng về mặt thương mại không thể chỉ một chiều, mà phải đến từ mọi phía.

Và người lãnh đạo một trong hai đầu tầu của Châu Âu nhắc nhở : "Câu hỏi đặt ra là... các quan hệ kinh tế có bị gắn liền với các vấn đề chính trị hay không ? vì nếu như vậy, bà Merkel nhấn mạnh : "Điều đó không nằm trong tinh thần tự do thương mại".

Theo hãng tin Pháp AFP, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào sáng kiến ​​khổng lồ gọi là "Những Con Đường Tơ Lụa Mới" trong đó có trục Á-Âu nối liền Trung Quốc với Châu Âu. Sáng kiến này đã khiến Châu Âu thêm lo ngại về ảnh hưởng chính trị đang tăng lên của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược và cơ sở hạ tầng quan trọng tại Châu Âu, mà ví dụ điển hình là việc mua cảng Piraeus ở Hy Lạp lợi dụng thời cơ Athens bị khủng hoảng tài chánh. Hy Lạp nằm trong số các nước Nam Âu và Đông Âu sẵn sàng nhận tiền đầu tư của Trung Quốc, kể cả vào các lãnh vực chiến lược.

Một cách cụ thể, nhiều quốc gia Châu Âu sợ rằng các nước Balkan, vì được hưởng lợi từ đầu tư Trung Quốc, cho nên sẽ có xu hướng bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu.

Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng lên tiếng cảnh báo về việc một số nước Châu Âu quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc, mà "đôi khi làm tổn hại đến quyền lợi của Châu Âu".

Trước đó, vào tháng Tám năm 2017, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã cảnh báo tại Paris rằng : "Nếu chúng ta không xây dựng một chiến lược Châu Âu chung (để đối phó với Trung Quốc) thì Trung Quốc sẽ thành công trong việc chia rẽ Châu Âu". Đây cũng là mong muốn của Paris.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)