Thẩm phán yêu cầu Tòa Bạch Ốc trao danh sách cấm nhập cảnh Mỹ (VOA, 04/02/2017)
Các tình nguyện viên hỗ trợ tư pháp đã đến để giúp đỡ những người bị kẹt lại sân bay sau lệnh cấm visa của ông Trump.
Một thẩm phán liên bang ở Virgina ra lệnh cho Tòa Bạch Ốc cung cấp danh sách tất cả những người bị ngăn chặn không được vào Mỹ do sắc lệnh cấm du hành Tổng thống Donald Trump ban hành tuần trước đối với công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Phán quyết đưa ra trong cùng ngày mà luật sư từ 4 tiểu bang ra tòa kiện sắc lệnh của Tổng thống. Chính quyền Trump nói sắc lệnh vừa ban dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, nhưng những người chống đối tố cáo đây là hành động vi hiến.
Bộ Ngoại giao ngày 3/2 cho biết có dưới 60 ngàn visa cấp cho công dân các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen đã bị hủy sau sắc lệnh của Tổng thống.
Thẩm phán Leonie Brinkema ở Virgina yêu cầu chính phủ liên bang Hoa Kỳ hạn chót là thứ năm tuần tới phải cung cấp danh sách tất cả những ai bị khước từ nhập cảnh hoặc bị trục suất ra khỏi Mỹ.
Sắc lệnh hôm 27/1 của ông Trump đã khơi mào tình trạng lộn xộn tại các phi trường Mỹ cuối tuần qua. Lệnh cũng tạm thời ngưng không cho người tị nạn vào nước Mỹ cũng như dừng vô thời hạn việc tái định cư cho người tị nạn Syria.
*********************
Thẩm phán liên bang ra phán quyết chặn đứng sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump (VOA, 04/02/2017)
Một thẩm phán liên bang tại bang Washington ở vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ đã tạm thời chặn đứng lệnh cấm ban hành hồi tuần trước đối với du khách và di dân đến từ 7 nước mà dân đa số theo Hồi giáo. Lệnh của thẩm phán liên bang sẽ có hiệu lực trên toàn quốc.
Thẩm phán James Robart tại Seattle hôm thứ Sáu phán rằng các tiểu bang Washington và Minnesota có cơ sở pháp lý để thách thức sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho hay họ sẽ tuân thủ phán quyết của thẩm phán liên bang.
Ông Bob Ferguson, Tổng Chưởng lý bang Washington, phát biểu :
"Quyết định của Thẩm phán Robart, có hiệu lực tức thời, ngay bây giờ, chấm dứt sắc lệnh vi hiến và bất hợp pháp của Tổng thống Trump".
Trao đổi với các nhà báo hôm Thứ Sáu, Tổng Chưởng lý Ferguson nói :
"Tiếng nói ồn ào nhất không phải là tiếng nói áp đảo tại tòa án, mà chính là hiến pháp".
Tòa Bạch Ốc khuya hôm qua ra thông cáo nói rằng Bộ Tư pháp sẽ ban hành một lệnh khẩn cấp để chặn lại phán quyết "đáng lên án này trong thời hạn sớm nhất có thể". Thông cáo của Tòa Bạch Ốc còn bênh vực sắc lệnh của Tổng thống Trump là "hợp pháp và thích hợp".
Sắc lệnh của ông Trump, cấm những người từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen có thị thực nhập cảnh, không được vào đất Mỹ. Lệnh cấm này đã gây ra các cuộc biểu tình tại các sân bay ở nhiều thành phố lớn của Mỹ. Tổng thống Trump nói sắc lệnh này là cần thiết để bảo vệ sự an toàn của nhân dân Mỹ, không bị những kẻ khủng bố hãm hại.
Các luật sư của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trước đó cho biết hơn 100.000 visa đã bị rút lại vì sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, cấm những người du hành đến từ 7 nước vừa nêu, trong khi Bộ Ngoại giao cho hay chưa tới 60.000 visa bị hủy bỏ.
Chính quyền bang Washington đã đệ nạp hồ sơ pháp lý thách thức lệnh cấm của Tổng thống Trump trong tuần, và chính quyền bang Minnesota lập tức tham gia khiếu kiện. Nhiều trường hợp kiện tụng khác đã được đệ nạp tại các tòa án Mỹ, và đang chờ được xem xét.
**********************
Tổng thống Trump thề lật ngược phán quyết 'nực cười’ của Thẩm phán liên bang (VOA, 04/02/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay phản ứng trước phán quyết của một thẩm phán liên bang, chặn đứng sắc lệnh hành chính của ông cấm nhập cảnh khách du hành và di dân đến từ 7 nước Hồi giáo. Ông Trump miêu tả phán quyết của thẩm phán bang Washington James Robart là "nực cười", và thề sẽ ra sức lật ngược phán quyết ấy.
Ngay sau khi phán quyết được công bố, Tòa Bạch Ốc ra thông cáo nói rằng Bộ Tư pháp sẽ tức tốc thực hiện các bước để chặn phán quyết ‘đáng lên án’ của thẩm phán liên bang trong thời hạn sớm nhất. Không lâu sau đó, Tòa Bạch Ốc ra thông cáo thứ nhì, xoá bỏ cụm từ ‘đáng lên án’.
Sáng thứ Bảy, Tổng thống Trump lại dùng trang Twitter để cảnh báo nước Mỹ "sẽ lâm nguy" nếu không còn quyền quyết định "những ai có thể và những ai không được quyền băng biên giới vào nước mình".
Trong khi đó, hàng ngàn người tại nhiều nước trên khắp thế giới đã xuống đường hôm thứ Bảy để phản đối sắc lệnh hành chính của Tổng thống Mỹ.
Tại London, một đám đông nhiều ngàn người đã tụ tập trước đại sứ quán Hoa Kỳ. Họ mang biểu ngữ và hô những khẩu hiệu chống ông Trump. Cuộc biểu tình do nhiều nhóm chống kỳ thị, và các nhóm bênh vực quyền của người Hồi giáo tổ chức. Đám đông tuần hành từ đại sứ quán Mỹ tới quảng trường Grosvenor tới đường Downing, nơi cư ngụ của Thủ Tướng Anh.
Tại Australia, khoảng 1000 người tụ tập tại thành phố Sydney để phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump, họ kêu gọi giới lãnh đạo Úc hãy đóng cửa các trung tâm làm thủ tục và thanh lọc người tị nạn ở ngoài khơi nước Úc.
Một cuộc biểu tình khác được dự trù diễn ra tại khu nhà nghỉ mát của ông Trump ở Mar-a-Lago vào đêm hôm nay. Trang mạng của ban tổ chức sự kiện cho biết khoảng 1,500 người đã đăng ký tham gia.
Ghi chú :
Ở Mỹ này nếu không tuân hành hay chống lại Tòa sẽ bị tội "Court Contempt" (khinh dể Tòa), một tội hình sự.
Contempt of court generally refers to conduct that defies, disrespects or insults the authority or dignity of a court.
********************
Ông Trump thề 'khôi phục lệnh cấm đi lại' bị đình chỉ (BBC, 04/02/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trở lại Palm Beach ở Florida cho kỳ nghỉ cuối tuần, hôm 03/2/2017.
Tân Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump, tuyên bố sẽ lật ngược một phán quyết của Thẩm phán Liên bang đình chỉ lệnh cấm của ông với du khách đến từ bảy quốc gia chủ yếu là người theo đạo Hồi.
Ông mô tả thẩm phán liên bang James Robart như "cái gọi là" công lý mà quan điểm "nực cười" về cơ bản đã "tách bỏ pháp luật ra khỏi" nước Mỹ.
Thẩm phán Robart phán quyết hôm thứ Sáu rằng lệnh cấm của tân Tổng thống là không hợp hiến.
Một số hãng hàng không nói họ đang cho phép các công dân là đối tượng của lệnh cấm của ông Trump lên các phi cơ sang Hoa Kỳ.
"Quan điểm của người được gọi là thẩm phán này, mà trong đó về cơ bản đã tách bỏ luật pháp ra khỏi đất nước của chúng ta, là nực cười và sẽ bị đảo ngược !", ông Trump cho biết trên Twitter.
"Khi một quốc gia không còn có thể nói ai có thể và ai không thể ra và vào, đặc biệt vì lý do an toàn và an ninh thì đó là : Rắc rối lớn !" ông Trump đưa ra tin nhắn trên Twitter.
Được quyền lên máy bay
Tân chính quyền Mỹ lập luận rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump đưa ra vào tuần trước, vốn gây ra hoang mang và giận dữ, được soạn thảo nhằm bảo vệ nước Mỹ.
Việc thực hiện lệnh cấm này nay đã bị đình chỉ có hiệu lực ngay lập tức bởi phán quyết của Thẩm phán Robart tại Seattle.
Giới chức hải quan nói với các hãng hàng không rằng họ có thể nối lại việc đưa các du khách bị cấm lên máy bay.
Trong vòng vài giờ, Qatar Airways nói họ sẽ thực hiện như vậy, tiếp theo là Air France, Etihad Airways, Lufthansa và những hãng khác.
"Tất cả hành khách với giấy tờ đi lại có giá trị hiện được quyền lên máy bay của hãng chúng tôi để đến bất kỳ sân bay nào ở Hoa Kỳ", hãng Lufthansa nói.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với Hải quan và cơ quan Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) và sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định nhập cư được áp dụng", hãng này thông báo.
***************************
Mỹ : Một thẩm phán liên bang chặn sắc lệnh di trú của D. Trump (RFI, 04/02/2017)
Biểu tình phản đối tổng thống Donald Trump tại phi trường Los Angeles, California, 28/01/2017. REUTERS/Patrick T. Fallon
Hôm qua 03/02/2017, ông James Robart, thẩm phán liên bang ở Seattle, đã ra quyết định tạm thời chặn sắc lệnh mới về di trú của tổng thống Donald Trump. Hãng tin AFP cho biết, Nhà Trắng ngay lập tức thông báo sẽ đáp trả.
Phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart tạm thời phong tỏa sắc lệnh di trú của tổng thống Donald Trump có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, trong khi chờ đợi bộ Tư Pháp xử lý đơn kiện của tổng chưởng lý Washington Bob Ferguson.
Ngay sau đó, Nhà Trắng thông báo bộ trưởng Tư Pháp sẽ khẩn trương ra phán quyết hủy bỏ lệnh của thẩm phán liên bang James Robart và áp dụng sắc lệnh di trú của tổng thống Trump về việc cấm người dân của 7 nước Hồi Giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Trong thông cáo ban đầu, Nhà Trắng gọi phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart là "quá đáng, gây tai tiếng", nhưng vài phút sau đó, Nhà Trắng đã xóa bỏ từ này ra khỏi thông cáo.
Nhiều thẩm phán liên bang, nhất là ở California và New York, cũng phản đối sắc lệnh di trú của tổng thống Donald Trump, nhưng phán quyết của thẩm phán liên bang ở Seattle là gây tiếng vang nhất.
Thống đốc bang Washington Jay Inslee gọi đây là một "chiến thắng vang dội", nhưng nhấn mạnh là cuộc chiến để bãi bỏ sắc lệnh này vẫn chưa kết thúc.
Trong khi đó, hôm qua 03/02, Lầu Năm Góc thông báo là ông Vincent Viola, ứng viên được tổng thống Donald Trump đề cử cho chức bộ trưởng đặc trách quân đội lại xin rút lui, vì không thể dung hòa các hoạt động cá nhân với quy định của bộ Quốc Phòng. Vì thế, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis sẽ đề cử một ứng viên khác.
Cũng trong ngày hôm qua, 50 nghị sĩ Dân Chủ đã viết thư yêu cầu tổng thống Donald Trump giải thích lý do chọn cố vấn chiến lược Stephen Bannon làm thành viên thường trực của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (CSN). Theo họ, Stephen Bannon hoàn toàn không có kinh nghiệm về ngoại giao.
Stephen Bannon là nhân vật gây rất nhiều tranh cãi, truyền thông Mỹ đôi khi gọi cố vấn của Donald Trump là "tổng thống Bannon".
Thùy Dương
*************************
Thẩm phán Liên bang tạm ngưng sắc lệnh di dân của Tổng thống Trump (RFA, 04/02/2017)
Thẩm phán liên bang James Robart. Ảnh chụp màn hình TV
Thẩm phán Liên bang ra phán quyết tạm ngưng sắc lệnh di dân của Tổng thống Donald Trump.
Trong một phán quyết đưa ra vào cuối ngày thứ Sáu 3/2/2017, Thẩm phán Liên bang James Robart ở Washington đã ra lệnh tạm ngưng sắc lệnh di dân của Tổng thống Donald Trump trên phạm vi toàn quốc.
Cách nay một tuần, hôm thứ Sáu 27/1/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành sắc lệnh di dân, cấm công dân từ 7 nươc có đông người Hồi giáo là Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan, và Yemen vào Mỹ trong vòng 90 ngày. Trong đó công dân Syria bị cấm vĩnh viễn.
Sắc lệnh di dân của ông Trump cũng tạm ngưng nhận người tị nạn trên khắp thế giới vào Mỹ trong vòng 120 ngày.
Tin mới nhất cho biết chính phủ của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ kháng cáo lại phán quyết này của thẩm phán James Robart.
**********************
Thẩm phán chặn lệnh cấm vào Mỹ của ông Trump (BBC, 04/02/2017)
Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra tại các sân bay Mỹ trong cả tuần rồi
Một thẩm phán ở Seattle ra lệnh tạm thời chặn lệnh cấm những người từ bảy quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo được vào Mỹ mà Tổng thống Trump đưa ra.
Thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết chống lại các lập luận của nhóm luật sư của chính phủ theo đó nói các bang của Hoa Kỳ không có căn cứ để thách thức sắc lệnh của ông Trump.
Việc ông Trump ký sắc lệnh cấm công dân bảy nước có đông dân là người Hồi giáo vào Hoa Kỳ hồi tuần trước đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình rộng lớn và gây những xáo trộn ở các sân bay Mỹ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói có 60.000 visa đã bị hủy bỏ kể từ đó tới nay.
Quyết định của thẩm phán Seattle có hiệu lực ngay lập tức trên toàn quốc.
Nhân viên cửa khẩu nói với các hãng hàng không Mỹ rằng họ có thể tái tục việc cho phép hành khách đã bị cấm lên máy bay trong khi chờ xét xử của tòa.
Hãng hàng không vùng Vịnh, hãng Qatar Airways, nói với hãng tin Reuters là họ sẽ bắt đầu nhận mọi hành khách có giấy tờ hợp lệ.
Tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Trump có thể lại thực hiện lệnh cấm này nếu họ thắng trong việc khiếu nại chống lại phán quyết Seattle này.
Sắc lệnh của ông Trump cũng dẫn đến việc tạm ngưng chương trình nhận người tỵ nạn vào Hoa Kỳ trong thời gian 120 ngày.
Lệnh cấm vô thời hạn được áp dụng với người tị nạn là người Syria. Những người từ Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan, và Yemen bị tạm ngưng nhập cảnh trong vòng 90 ngày dù đã được cấp visa.
Vụ kiện chống lại lệnh cấm của Tổng thống Trump ban đầu do bang Washington đệ đơn, tiếp đến là Minnesota.
Bộ trưởng Tư pháp Washington Bob Ferguson nói lệnh cấm nhập cảnh là phi pháp và vi hiến.
Tổng thống Trump nói rằng chỉ thị của ông là nhằm bảo vệ nước Mỹ.
Ông nói visa sẽ được cấp lại một khi 'những chính sách an toàn nhất' đã được đưa ra, và bác bỏ việc lệnh cấm là nhắm vào người Hồi giáo.
Một số bộ trưởng tư pháp các bang cũng nói sắc lệnh của tổng thống là vi hiến.
Một số thẩm phán liên bang đã tạm thời ngưng việc trục xuất những người đã được cấp visa.