Trung Quốc cố tình lộ tin về kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân ?
Dù chỉ xuất hiện một thời gian ngắn ngủi trên trang mạng của tập đoàn đóng tàu CSIC trước khi bị rút xuống, thông tin về kế hoạch của Trung Quốc nhằm trang bị cho mình một hàng không mẫu hạm nguyên tử đã thu hút sự chú ý của báo Pháp.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016. Reuters/Stringer
Trong một bài viết trong số ra ngày hôm nay, 02/03/2018, thông tín viên nhật báo Pháp Les Échos tại Bắc Kinh đã cho rằng nếu Trung Quốc thực hiện đúng theo kế hoạch đã bị tiết lộ, tức là có được một tàu sân bay hạt nhân vào khoảng năm năm 2025, thì đó sẽ là một "bước đại nhảy vọt" thực sự, cho phép Bắc Kinh áp đặt tham vọng của mình trên vùng biển Châu Á.
Theo Les Échos, chương trình hàng không mẫu hạm của Trung Quốc trên nguyên tắc là tối mật, thế nhưng đột nhiên "một góc của tấm màn" bí mật vừa được vén lên, với việc Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Trung Quốc (CSIC- China Shipbuilding Industry Corporation) tiết lộ trong một tài liệu chiến lược được đăng trực tuyến rằng họ đang nỗ lực đóng một chiếc tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc.
Đối với Les Échos, dù vẫn còn nhiều bước kỹ thuật cần được thực hiện, nhưng tập đoàn Trung Quốc đã soạn ra một lộ trình cho thấy khả năng hoàn tất công việc vào năm 2025. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, nhật báo diều hâu của Trung Quốc đã mau mắn hoan nghênh điều được cho là "lần đầu tiên một công ty quốc phòng Trung Quốc công khai đưa hàng không mẫu hạm nguyên tử vào kế hoạch sản xuất của mình".
Tuy nhiên, Les Échos đã ghi nhận là kể từ hôm 01/03, tập đoàn CSIC đã xóa khỏi trang web của họ bất kỳ thông tin nào về dự án đóng chiếc tàu sân bay hạt nhân đó.
Cho dù vậy, ông Sébastian Colin, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại tại Hồng Kông đã không chút nghi ngờ gì về kế hoạch tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc.
Một bước nhảy vọt cho Hải quân Trung Quốc
Trả lời báo Les Échos, chuyên gia này giải thích : "Với Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu là đến năm 2025 sẽ có được một lực lượng hải quân hoạt động được trên biển khơi, mà một hàng không mẫu hạm nguyên tử là một biểu tượng".
Đối với chuyên gia Colin, hiện tại, Bắc Kinh chỉ có duy nhất một tàu sân bay đang hoạt động là chiếc Liêu Ninh, mua lại của Ukraine trước khi được tân trang. Vào tháng Tư năm ngoái, họ đã cho hạ thủy một chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai do chính họ đóng, nhưng có lẽ chiếc này chưa thể đi vào hoạt động trước năm 2020. Do vậy, với một hàng không mẫu hạm hạt nhân, Hải quân Trung Quốc sẽ tạo ra một bước nhảy vọt thực sự về phía trước.
Hiện nay, chỉ có Mỹ và Pháp mới có tàu sân bay hạt nhân, và theo ông Colin, việc không sở hữu loại vũ khí này chính là lỗ hổng trong chương trình hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc mà Bắc Kinh đã cố lắp đầy để thu ngắn khoảng cách vẫn còn sâu rộng với hạm đội Mỹ.
Ngoài ra, khi cho lộ tin về kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng, ngoài tiến bộ công nghệ, họ còn có đầy đủ phương tiện tài chính để hiện đại hóa quân đội của mình.
Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với các láng giềng, việc Bắc Kinh sở hữu một chiếc tàu sân bay hạt nhân sẽ làm thay đổi đáng kể tương quan lực lượng trên biển ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông.
Theo chuyên gia Sébastien Colin : "Rõ ràng là Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc mà không ai có thể tranh cãi trong khu vực".
Pháp và Châu Âu chiếm trang nhất
Sự kiện Trung Quốc hé lộ thông tin về kế hoạch đóng tàu sân bay nguyên tử hầu như là thời sự Châu Á duy nhất được báo Pháp hôm nay chú ý, vì gần như tất cả đều dành trang nhất cho thời sự Pháp hay Châu Âu.
Trên trang nhất của mình, Les Échos, vốn là một nhật báo kinh tế, đã dành tựa lớn cho một thông tin đáng phấn khởi : "Cuối cùng Pháp đã chận đứng được đà suy thoái công nghiệp của mình".
Paris đã bắt đầu giai đoạn hậu-Hidalgo
Cũng chú ý đến người Pháp, tờ báo cánh hữu Le Figaro đã chạy tựa lớn trên sự kiện được tờ báo này gọi là "Thủ đô Paris bắt đầu chuẩn bị cho thời kỳ hậu-Hidalgo". Tờ báo cánh hữu đã nêu bật những khó khăn và thất bại mà đương kim đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, thuộc đảng Xã Hội, đang gặp phải.
Theo Le Figaro, tình hình đó đã khuyến khích tham vọng của những người đang ngắm nghé chiếc ghế đô trưởng mà bà Hidalgo đang ngồi.
Anh bực tức trước dự thảo thỏa thuận Brexit
Về phần mình, Le Monde đã chọn Châu Âu làm tựa lớn trang nhất, nêu bật những phản ứng bực bội của Luân Đôn sau khi Bruxelles chính thức công bố dự thảo thỏa thuận về việc Anh Quốc rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, một hành động được Le Monde cho là "Liên Hiệp Châu Âu gia tăng áp lực trên bà May (Theresa May, nữ thủ tướng Anh)".
Bên cạnh nhiều vấn đề khác, Le Monde cho rằng Luân Đôn đặc biệt tức tối trước ý định của Châu Âu muốn thành lập một khu vực chung giữa Cộng hòa Ireland, một thành viên của Liên Âu với Miền Bắc Ireland Ulster, thuộc Vương Quốc Anh.
Ngày tàn của trọng tài bóng đá
Riêng Libération thì chứng tỏ sự khác biệt của mình với các đồng nghiệp, khi dành trang nhất cho vấn đề thể thao, và tiên đoán "Ngày tàn của trọng tài (bóng đá)".
Trong bài xã luận của tờ báo cánh tả Pháp, Libération, dựa vào nguồn tin về quyết định phổ cập hóa việc sử dụng video trong Cúp Bóng Đá Thế Giới sắp mở ra tại Nga, cho rằng những người cầm còi sắp sửa phải về vườn.
Tuy nhiên bài xã luận của Libération lại cho rằng việc các trọng tài bằng xương bằng thịt bị cho về hưu không đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật, mà là một vấn đề xã hội. Với trào lưu dân túy đang dâng cao, kèm theo là xu hướng phản bác một cách có hệ thống từ giới cầm quyền, giới tinh hoa trí thức đến các giới lãnh đạo trong mọi lãnh vực, bây giờ đến lượt các trọng tài, tượng trưng cho quyền lực luật pháp của thể thao, trở thành đối tượng của trào lưu đó.
Tin tặc Nga hoành hành hơn một năm ở đầu não chính quyền Đức
Về thời sự Châu Âu, hai tờ báo La Croix và Le Monde đã rất chú ý đến Nga, cụ thể là đến các hành vi tấn công nước Đức của tin tặc Nga vừa bị vạch trần.
Cả hai tờ báo đều khẳng định tác giả của các hành vi tin tặc này xuất phát từ Nga, cho dù về mặt chính thức, chính quyền Đức không xác nhận quốc tịch của những kẻ tấn công.
Le Monde đã nhấn mạnh đến sự kiện là tin tặc Nga đã ẩn nấp và hành sự trong hơn một năm trời ở trong các hệ thống máy tính đầu não của chính quyền Đức, và đó có thể được coi là cuộc tấn công mạng lớn nhất nhắm vào chính quyền Berlin.
Nguồn tin từ hãng thông tấn Đức DPA cho biết là các thủ phạm của vụ tấn công này thuộc nhóm APT28, được đa số các công ty bảo mật máy tính lớn trên thế giới xem là thân cận chính chính phủ Nga.
Nhóm này bị tình nghi là đã tấn công vào hơn 130 hộp thư điện tử e-mail của giới chức đảng Dân Chủ Mỹ, trong đó có John Podesta, người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Còn tại Đức, nhóm này bị tình nghi đứng đằng sau vụ tấn công mạng nhằm vào Hạ Viện Đức tháng 5 năm 2015.
Nhật báo La Croix thì nói rõ hơn về các thành phần tin tặc Nga, xác định rằng nhóm APT28, trực thuộc cơ quan tình báo quân đội Nga GRU, và bên cạnh đó còn có một nhóm khác mang ký hiệu APT29, bị nghi là có liên hệ với cơ quan phản gián Nga FSB, hậu thân của KGB.
Nhóm APT28 được cho là tác giả của nhiều cuộc tấn công mạng khác từ năm 2014, trong đó có kênh truyền hình Pháp ngữ TV5 Monde, Quốc hội Đức (nhiều lần), Nhà Trắng, Bộ ngoại giao Mỹ, và vào tháng 5 năm 2017, ê kíp vận động của ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trọng Nghĩa