Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/03/2018

Điểm báo Pháp - Công nghệ gen của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Công nghệ gen : Trung Quốc muốn soán ngôi phương Tây

Các tuần báo Pháp đầu tháng 3/2018 này dành chú ý đặc biệt cho khoa học – công nghệ. L’Obs tập trung vào lĩnh vực "trí tuệ nhân tạo". Chủ đề chính của L’Express là Hạnh Phúc theo các tiếp cận khoa học. Le Point dành nhiều bài giới thiệu về các tiến bộ mới trong ngành di truyền học, trong đó Trung Quốc tỏ ra là một thế lực đang lên, với tham vọng mở ra một hướng đi mới. Tuy nhiên, Le Point cũng rất cảnh giác về các ứng dụng thương mại của công nghệ di truyền, đang bắt đầu nở rộ, và triển vọng trị liệu can thiệp gen được quảng bá mạnh trong những năm gần đây.

gene1

Viện gen Bắc Kinh (Beijing Genomics Institute), cơ sở tại tỉnh Sơn Đông.Wikipedia

Bài "Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc truy tìm gen thông minh" đưa độc giả đến với Viện Nghiên Cứu Gen Bắc Kinh (BGI), đầu tầu của ngành nghiên cứu này tại Trung Quốc, nơi người ta đang cho ra đời nhiều loài thực vật mới, hay loài lợn tí hon để phục vụ cho các nghiên cứu trị liệu. Theo người hướng dẫn tham quan, kho lưu trữ của BGI đang sở hữu bản đồ gen của 300.000 loài thực vật. Hiểu biết về gen của BGI cũng cho phép cơ sở này, bắt đầu từ một sợi tóc, phục chế được bản đồ gen của "Inuk", một con người thời tiền sử, sống ở Bắc Cực cách nay 4.000 năm.

Le Point lược lại hành trình 19 năm phát triển của BGI, với sáng kiến ban đầu của bốn nhà nghiên cứu xuất sắc của Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc. Vào thời điểm bốn nhà nghiên cứu trẻ đã rời bỏ Viện Hàn Lâm ra làm tư, đồng nghiệp coi họ là "kẻ điên". Thực ra nhóm bốn nhà nghiên cứu gen Trung Quốc bị Dự án giải mã bản đồ gen quốc tế (Human Genome Project) đầy tham vọng thu hút.

Gần 20 năm sau, nhóm BGI hiện tại sở hữu cả một hệ thống máy tính và các phương tiện giải mã nhiễm sắc thể hùng hậu. Trong một thời gian dài, BGI chỉ sử dụng các máy giải mã gen của Mỹ, nhưng giờ đây đã có trong tay các máy tự chế, được coi là có thể xử lý đến 150 triệu bộ gen/năm.

Phó chủ tịch, phụ trách nghiên cứu của BGI, ông Shida Zhu, không giấu giếm tham vọng, muốn "trở thành một Intel (tên tập đoàn tin học Mỹ nổi tiếng) của nhân loại" trong lĩnh vực di truyền. Hiện tại BGI cho biết đã sở hữu được 70% gen của các giống loài thực vật trong nông nghiệp, và gần đây bắt đầu hợp tác với Quỹ Bille Gates, để cho ra đời một loài lúa mới có khả năng kháng cự tốt với các yếu tố bất lợi bên ngoài. Trị liệu cũng là một mục tiêu khác của viện nghiên cứu Trung Quốc. Nhưng tham vọng đặc biệt của BGI là tìm ra các bí mật di truyền, cho phép tạo ra được giống người "siêu đẳng", vừa thông minh xuất chúng, vừa vô cùng khỏe mạnh, có khả năng sống đến 120 tuổi (tác động đến hệ di truyền để tạo ra giống người ưu việt là điều lâu nay gây tranh cãi rất nhiều tại phương Tây – người viết).

Theo chủ tịch BGI Wang Jian, phương Tây đã lãnh đạo các cách tân trong vòng 150 năm, và giờ đây đến lượt Trung Quốc.

Dự án nghiên cứu về gen thông minh sẽ đi đến đâu là câu chuyện còn dài. Trên thực tế, viện nghiên cứu Trung Quốc đã kế thừa rất nhiều thành quả khoa học của phương Tây. Về công nghệ chỉnh sửa gen, cụ thể là "chiếc kéo phân tử CRISPR-Cas9" các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã học hỏi trực tiếp từ phát hiện mới đây của hai nhà khoa học Pháp và Mỹ, Emmanuel Charpentier và Jennifer Doudna.

Công nghệ "lưỡi kéo" phân tử

Le Point có bài giới thiệu về công nghệ "cắt dán" nhiễm sắc thể CRISPR-Cas9. Nói một cách đơn giản là công nghệ này cho phép các nhà di truyền học loại bỏ các đoạn gen, bị coi là "có hại", để thay bằng các đoạn gen tốt. Phát hiện về phương pháp "cắt dán" nhiễm sắc thể ra đời vào năm 2012 có thể mang lại giải Nobel cho các tác giả.

Hiện tại, có hai nhóm khoa học gia tranh chấp bản quyền "lưỡi kéo" phân tử. Một bên là nhóm hai nhà nghiên cứu Pháp – Mỹ nói trên, và bên kia là nhà di truyền học Feng Zhang (Viện MIT, Hoa Kỳ), người gốc Hoa. Công nghệ lưỡi kéo phân tử bước đầu hứa hẹn có nhiều ứng dụng quan trọng, trước hết là trong nông nghiệp và y học, để cải thiện tố chất của vật nuôi và sức khỏe con người. Tuy nhiên, các ranh giới đạo lý có thể đặt ra các giới hạn cho nghiên cứu.

Trái với phương Tây, do không bị các quy định về đạo lý ràng buộc, các cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc tiến hành nhiều thực nghiệm bước đầu "thành công" trên phôi thai sống, với việc loại trừ một số đoạn gen "hư hại". Hiện tại thực nghiệm chưa được chuyển sang giai đoạn cấy phôi thai trở lại vào một người mang thai hộ. Phương Tây mới chỉ dừng ở chỗ trắc nghiệm với chuột.

Trong vấn đề nuôi cấy nội tạng người trong cơ thể vật nuôi (ví dụ heo), để tạo nguồn cho việc cấy ghép tạng trị liệu, rất nhiều vấn đề đạo lý nghiêm trọng được đặt ra như : "nếu các tế bào gốc được sử dụng để tạo não người trong cơ thể lợn, thì sau này sẽ phải coi đây là con lợn có bộ não người, hay người với cơ thể lợn ?".

Le Point có cuộc phỏng vấn nhà di truyền học Pháp Emmanuel Carpentier, đồng sáng chế ra công nghệ "lưỡi kéo" phân tử. Bà Emmanuel Carpentier – hiện là giám đốc viện Max–Planck (Đức) - rất tin tưởng là công nghệ lưỡi kéo phân tử CRISPR-Cas9 mở ra khả năng hóa giải hơn 10.000 căn bệnh di truyền hiếm gặp, liên quan đến khoảng 1% nhân loại. Tuy nhiên theo bà trước mắt trong năm, bảy năm tới, công nghệ này sẽ mới chỉ được kỳ vọng giúp giải quyết một vài căn bệnh trong số đó. Và phải nửa thế kỷ nữa, vấn đề giải mã di truyền và can thiệp trị liệu mới hy vọng nhận được niềm tin rộng rãi của công chúng.

Nhà sinh học Pháp cũng cảnh báo ý đồ sử dụng công nghệ di truyền để tạo ra các giống người "siêu đẳng". Bà giải thích tác động đến trí thông minh là vấn đề "rất phức tạp", liên quan đồng thời đến "rất nhiều gen", và trong lĩnh vực này cần phải có các quy định đủ để ngăn chặn những thực nghiệm hướng đến các mục tiêu nguy hiểm, nhưng đồng thời cũng không làm trở ngại nỗ lực khám phá khoa học.

Không gian chưa biết còn mênh mông

Không nên đặt quá nhiều hy vọng vào các trị liệu bằng gen, bởi việc quảng bá cho các viễn cảnh tươi sáng trong lĩnh vực này là đã "quá nhiều" từ nửa thế kỷ nay, so với các tiến bộ thực sự, đó là thông điệp của nhà sinh học phân tử Pháp Gerard Roizès.

Nhà sinh học Pháp thừa nhận việc giải mã toàn bộ bản đồ nhiễm sắc thể năm 2003 cho phép nhận biết thêm hàng trăm căn bệnh hiếm gặp, trong đó các bệnh như xơ hóa nang (mucoviscidose), loạn cơ dạng Duchenne (myopathie de Duchenne), bệnh dễ xuất huyết (hémophilie)… Và một vài căn bệnh trong số đó đã thực sự được đẩy lùi. Nhưng theo ông, nhìn chung khó nói đến "thành công" khi cái giá trong trị liệu gen hiện vẫn rất cao : cả triệu đô la cho một bệnh nhân. Ngay cả với những căn bệnh di truyền hiếm gặp được biết đến rõ nhất cũng không có nhiều tiến triển trong điều trị.

Nhà sinh học Pháp giới thiệu một cách nhìn bổ sung, giúp độc giả hiểu hơn về tính vô cùng phức tạp của thế giới di truyền. Phát hiện lớn trong khoảng 5 năm gần đây của ngành di truyền là nhận ra rằng, trên thực tế, hiểu biết hiện tại về hệ di truyền ở con người mới chỉ là một phần hết sức nhỏ bé, bởi 85% ADN vốn "không được mã hóa".

Điều đáng ngạc nhiên là chính phần không mã hóa (vốn rất bị coi thường từ trước đến nay) lại đóng vai trò điều chỉnh các gen. Ước tính tồn tại khoảng 3 triệu vùng như vậy. Cả một thế giới mới mênh mông mở ra trước các nhà khoa học ! Nhận thức mới này thách thức nhiều nguyên lý tưởng như bất di bất dịch từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, các phát triển của ngành "ngoại di truyền học" (epigenetic) gần đây cho thấy bản thân các gen di truyền cũng lại chịu ảnh hưởng mạnh của các yếu tố ngoại cảnh, như stress, chế độ ăn uống, vận động, thói quen hút thuốc, uống rượu, hay các loại bệnh tật… Hơn nữa các "thông tin ngoại di truyền" cũng có khả năng truyền được từ thế hệ cha mẹ sang con cái.

Thị trường trắc nghiệm gen đáng sợ

Công nghệ gen mở ra các triển vọng kỳ diệu, nhưng cũng mở ra những không gian mênh mông cho những kẻ lừa đảo. Để chứng minh cho tính chất đáng ngờ của các dịch vụ giải mã di truyền bắt đầu phổ biến trên thị trường, trước hết là tại Mỹ, nơi các ứng dụng theo kiểu "mỳ ăn liền" thường được khuyến khích. Le Point có bài phóng sự "Tôi đã đăng ký phân tích ADN như thế nào".

Chỉ với khoảng 200 đô la và "mẫu nước bọt" gửi đi, người ta sẽ nhận được kết quả phân tích gen từ một công ty như 23andME (tức 23 cặp nhiễm sắc thể và tôi). Bên cạnh những thông tin có thể coi là vô hại, như bất ngờ biết được có "gen chạy nhanh" của vận động viên đỉnh cao, hay 17% gen đến từ vùng Trung Đông ngoài phần còn lại là Châu Âu, người phóng viên – tự lấy chính bản thân mình làm trắc nghiệm – cho biết đã nhận được khá nhiều thông tin về khả năng mắc một số bệnh hiểm nghèo, gây lo lắng. Theo một chuyên gia tư vấn di truyền, chẳng nên lo hãi về các thông tin này, không thể coi đây là "một chẩn đoán thực thụ", còn rất nhiều điều các nhà di truyền không hay biết, "lối sống và môi trường đóng vai trò rất lớn".

Dù sao, kiểu trắc nghiệm này cũng có thể ví với một chiếc hộp Pandore (tức "hộp tai ương" theo thần thoại Hy Lạp), một khi đã mở ra thì khó mà đóng lại. Biết thế, nhưng liệu làm được gì ?

Cũng rất nhiều câu hỏi đặt ra về các hệ quả của trắc nghiệm gen được phổ biến, như thông tin sẽ được khai thác như thế nào sau đó ? Liệu có lọt vào tay công ti bảo hiểm hay người sử dụng lao động ? Hiện tại khoảng 12 triệu người Mỹ có thể đã trải qua loại trắc nghiệm kiểu này.

Bao nhiêu ngả đường đến được Hạnh Phúc ?

Nếu như Le Point đưa độc giả chu du trong thế giới di truyền đầy bí ẩn, L’Express tuần này giới thiệu với độc giả về những ngả đường đến với Hạnh Phúc, mục tiêu muôn thuở của nhân loại, từ Đông sang Tây. Hạnh Phúc là niềm khát vọng hướng đến cái viên mãn tột cùng xa lắc xa lơ hay nằm ngay trong tầm tay ? Khoái lạc thoáng qua hay tâm thế thường trực ?

L’Express giới thiệu một trường phái tâm lý học Mỹ, mang tên "tâm lý học tích cực", hiện đang thu hút hàng trăm nghìn sinh viên. Nguyên lý chính mà trường phái này hướng đến là tìm hiểu các ứng xử thế nào có thể làm nên hạnh phúc, và bắt đầu từ các ứng xử, công thức chung được tìm ra, mà mỗi cá nhân tự điều chế liều lượng phù hợp cho riêng mình.

Giáo sư Mihaly Csikszentmihalyi gốc Hung, đại học Chicago, một trong các đầu đàn của trường phái này, sau các phỏng vấn hàng trăm người nổi tiếng, cùng hàng nghìn người "vô danh" tự khẳng định mình hạnh phúc, đã rút ra kết luận là : Chìa khóa của hạnh phúc là "trạng thái tập trung cao độ, hoàn toàn chìm đắm trong công việc đang làm, đến độ quên hết ngoại cảnh". Để hạnh phúc, không nhất thiết phải có bộ não của Leonard de Vinci, hay một nhà kinh doanh tài ba.

"Công thức Hạnh Phúc" của một thủ lĩnh Google

Cũng trong số báo này, L’Express có bài giới thiệu "công thức đơn giản" về Hạnh Phúc của một thủ lĩnh tập đoàn Google, hiện có cả chục triệu đệ tử tin theo.

Ông Mo Gawdat, công dân Ai Cập 51 tuổi, vốn là nhân vật số hai của cơ sở nghiên cứu bí mật về trí tuệ nhân tạo và người máy của Google, có tên gọi cũ là Google X. Mo Gwadat vốn được coi là một nhà khoa học, một doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, sau cái chết của người con trai năm 2014, nhà sáng chế đã quyết định ngoặt sang một con đường hoàn toàn khác : Đi tìm chìa khóa của hạnh phúc.

Ông phát hiện ra rằng hạnh phúc chính là trở lại với trạng thái mà con người "vốn có", và để làm được điều này cần chắt lọc những gì tinh túy trong các truyền thống triết học cổ xưa, đặc biệt là Phật Giáo và Lão Giáo (hay Đạo Giáo). Hiện tại Mo Gawdat đang huấn luyện hàng nghìn nhân viên của chính công ty Google và một số cơ sở khác. Các video giảng dậy trên mạng của Mo Gawdat thu hút tổng cộng hơn 80 triệu người xem.

Trong cuốn sách mới ra về "công thức của hạnh phúc" (Solve for Happy : Engineering Your Path to Joy), ông cho biết nguyện vọng tha thiết của mình là giúp cho một tỉ dân cư trên Trái đất được hạnh phúc hơn.

Serotonin : Chìa khóa của hạnh phúc

Một bài đáng chú ý khác về chủ đề này trong L’Express là "Khoa học thần kinh : Cơ sở hóa học của hạnh phúc", chỉ ra chìa khóa của hạnh phúc là chất dẫn truyền thần kinh "serotonin", đặc biệt được phát triển mạnh mẽ với phương pháp thiền định theo truyền thống Thích Ca Mâu Ni, một "hiền triết" thời cổ đang được các nhà thần kinh học đương đại cổ vũ. Serotonin là hạnh phúc với bản thân, nhưng cũng là "cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu tình cảm của người khác, điều rất cần thiết cho các quan hệ xã hội, cùng là điều kiện cho hạnh phúc ở mỗi người", theo nhà tâm thần học thần kinh Philippe Fossati, Viện Não và Tủy Sống Pháp (Institut du Cerveau et de la Moelle épinière).

Ngược lại với serotonin là dopamin, chất dẫn truyền thần kinh gây khoái lạc, nhìn chung "rất được các xã hội phương Tây đương đại kích thích". Theo các nhà khoa học, ở một liều lượng vừa phải, dopamin là một hóa chất cần thiết cho niềm vui sống, thậm chí cho sự sống còn của giống loài, thế nhưng nếu lạm dụng, thì chính nó sẽ bẻ gẫy chiếc chìa khóa của hạnh phúc.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)