Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/03/2018

Cuộc chiến thép nhôm trên toàn cầu bắt đầu

Tổng hợp

Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm : Châu Âu dọa trả đũa (RFI, 03/03/2018)

Viễn cảnh bùng nổ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới thêm cận kề. Ngày 02/03/2018 tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến tranh thương mại vừa "tốt lại vừa dễ thắng". Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị một loạt các biện pháp trả đũa trong bối cảnh Nhà Trắng chuẩn bị ban hành lệnh áp thuế nhôm thép nhập vào Hoa Kỳ.

thep1

Ảnh minh họa : Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo Châu Âu sẽ 'trả đũa' các biện pháp của tổng thống Mỹ Donald Trump. Reuters/Dado Ruvic

Thông tín viên đài RFI từ Bruxelles, Laxmi Lota tường trình :

"Chúng ta sẽ áp thuế nhắm vào xe máy Harley Davidson, vào rượu whisky Bourbon và quần jean Levi's của Mỹ". Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Junker tuyên bố như trên khi trả lời đài truyền hình Đức. Ông khẳng định là Liên Âu sẽ bắt buộc phải trả đũa một cách tương xứng với các biện pháp của Hoa Kỳ nếu như tổng thống Donald Trump thực hiện dự án áp thuế nhôm, thép.

Liên Hiệp Châu Âu dự trù đánh thuế khoảng 25% vào hàng Mỹ nhập sang thị trường Châu Âu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Liên Hiệp Châu Âu lên tới 2,8 tỷ euro. Cũng ông Junker kết luận rằng trong lĩnh vực thương mại : "Rồi người Mỹ sẽ biết rõ hơn về chúng ta. Liên Hiệp Châu Âu muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ nhưng không thể nhắm mắt làm ngơ".

Một phần ba những mặt hàng của Mỹ mà Liên Hiệp Châu Âu đang nhắm tới thuộc dòng các sản phẩm từ thép. Hai phần ba còn lại là hàng công nghiệp và nông phẩm. Vào tuần tới Bruxelles sẽ gửi đến các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu danh sách những sản phẩm của Mỹ mà Liên Âu muốn tăng thuế nhập khẩu. Trên nguyên tắc danh sách này sẽ được 28 nước Châu Âu thông qua. Ngoài ra Ủy Ban Châu Âu sẽ cùng với nhiều quốc gia khác phản đối lệnh áp giá của Mỹ trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới".

Thế giới đồng thanh lên án Mỹ tăng thuế nhôm và thép

Không chỉ có Liên Hiệp Châu Âu, mà từ Brazil đến Canada, từ Nga đến Tổ Chức Thương Mại Thế Giới hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đều "bày tỏ quan ngại" trước việc chính quyền Trump chuẩn bị đánh thuế 25% vào thép và 10% vào nhôm nhập vào thị trường Mỹ.

Canada, nguồn cung cấp quan trọng nhất của Hoa Kỳ, bảo đảm 16% thép cho các tập đoàn của Mỹ, đã phản ứng mạnh mẽ. Thủ tướng Justin Trudeau cho rằng quyết định của chính quyền Trump là "không thể chấp nhận được". Ngành công nghệ luyện kim của Brazil lo ngại "hàng ngàn người lao động bị mất việc" khi biết rằng Brazil đứng thứ nhì trong số các nguồn cung cấp thép cho Mỹ. Nga và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cùng bày tỏ "quan ngại" trước chính sách bảo hộ của Nhà Trắng.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo Washington : các biện pháp bảo hộ sẽ làm phương hại đến cỗ máy kinh tế và khu vực sản xuất của chính bản thân Hoa Kỳ. Đang có mặt tại Washington, cố vấn kinh tế của chủ tịch Trung Quốc, ông Lưu Hạc (Liu He) thận trọng cho rằng, nên tránh sử dụng các biện pháp bảo hộ là thượng sách.

Thanh Hà

*************************

Trump khơi mào chiến tranh thương mại, cố vấn kinh tế doạ từ chức (CaliToday, 02/03/2018)

Tòa Bạch Ốc có một tuần rơi vào tình trạng hỗn loạn, từ vấn đề nhân sự, miễn trừ an ninh đến các chính sách, khiến đội ngũ nhân viên bất an.

thep2

Tổng thống Donald Trump. Photo Credit : NYT

Vào hôm thứ 5, Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo sẽ đánh thuế nhập cảng thép và nhôm, khiến thị trường chứng khoán tụt điểm, và nhiều quốc gia tuyên bố sẽ trả đũa. 

Một ngày trước, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump là Gary D. Cohn khuyến cáo Đổng lý John Kelly rằng ông sẽ từ chức nếu Tổng thống tiếp tục kế hoạch đánh thuế, theo những người được báo cáo sự việc. Cựu Chủ tịch ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vận động mạnh mẽ chống lại biện pháp này.

Ông Cohn đe doạ rời Tòa Bạch Ốc sau khi cố vấn thân cận và được Tổng thống tin cẩn nhất – cô Hope Hicks – nộp đơn từ chức. Bên cạnh đó, con rể và là cố vấn cao cấp của Tổng thống – Jared Kushner – bị mất quyền tiếp cận thông tin tuyệt mật vì chưa được cấp miễn trừ an ninh vĩnh viễn. Cố vấn an ninh quốc gia Trung tướng H.R. McMaster cũng sẽ "bỏ cuộc chơi" vào cuối tháng này, và Tòa Bạch Ốc hiện đang cân nhắc đưa người thay thế.

Hôm 01/03, trong buổi họp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Nội an, ông John Kelly đùa rằng "Chúa trừng phạt tôi" vì đã rời khỏi Bộ Nội an, lời nói đùa này làm ông chủ phật lòng. 

Khi đến Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Năm, các phụ tá không hề hay biết ông Trump sẽ có những tuyên bố về thương mại. Tổng thống trước đó đã triệu tập các giám đốc ngành thép và nhôm, lắng nghe ý kiến của họ, nhưng có dấu hiệu cho thấy ông Cohn không đồng tình với chính sách thuế này.

Vào cuối phần chụp hình, khi được hỏi, ông Trump đã xác nhận Hoa Kỳ vào tuần sau sẽ thông báo việc đánh thuế dài hạn 25% vào thép và 10% vào nhôm trong khi Tòa Bạch Ốc thậm chí còn chưa hoàn tất việc thẩm định những biện pháp này.

Việc ông Trump buộc miệng khai mào cuộc chiến thương mại làm rúng động thị trường chứng khoán, làm phẫn nộ Cộng hòa và khiến tương lai chiếc ghế ông Cohn bất ổn. Cựu Giám đốc Goldman Sachs vào năm ngoái gần như từ chức sau những phản hồi của ông Trump về cuộc tuần hành da trắng tối thượng tại Charlottesville, Virginia. Cố vấn kinh tế cho biết, ông chờ xem thử liệu Tổng thống Trump có thực thi chính sách thuế này hay không, theo những người biết rõ ông Cohn.

Hương Giang (Theo New York Times)

********************

Trung Quốc muốn đối thoại với Mỹ để giảm căng thẳng thương mại (CaliToday, 03/03/2018)

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố với các nhà lãnh đạo kinh doanh ở Hoa Kỳ rằng Trung Quốc hy vọng Tòa Bạch Ốc sẽ khôi phục lại các cuộc đối thoại cao cấp về những tranh chấp kinh tế và đưa ra một giám đốc liên lạc mới để xoa dịu những căng thẳng thương mạị.

thep3

Công nhân Trung Quốc đang chuyển thép xây dựng lên tàu - Ảnh minh họa

Ông cố vấn Liu He cho biết ông sẽ chịu trách nhiệm về những nỗ lực cải cách trong tháng này và muốn có một danh sách các yêu cầu của Hoa Kỳ về những gì Trung Quốc có thể làm để giảm bớt căng thẳng, theo một nguồn tin yêu cầu giấu tên có mặt trong cuộc thảo luận bí mật.

Ông Liu đã phát biểu tại cuộc họp với các nhà điều hành cao cấp bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson và các CEO của JP Morgan Chase và hãng chế tạo vi mạch Qualcomm.

Các yêu cầu này là một phần của thông điệp hòa giải mà ông Liu được nhiệm vụ sẽ đưa đến Hoa Kỳ trong tuần này và Mỹ là cộng tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyến đi của ông bị che khuất bởi tuyên bố hôm thứ Năm của Tổng thống Donald Trump về thuế mới đối với nhập khẩu thép và nhôm.

Trong các tuyên bố công khai và các cuộc gặp với các phái đoàn Hoa Kỳ từ năm 2013, Đảng Cộng Sản cầm quyền của Trung Quốc đã nhiều lần cam kết cho phép cạnh tranh thị trường tự do đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế của Trung Quốc như một nguyên tắc dẫn đường – điều mà ông Liu đã nhắc lại tuần này tại Washington.

Tuy nhiên, các viên chức chính phủ và công ty Hoa Kỳ đã thất vọng vì thiếu sự thực hiện. Chính sách thuế công kỷ nghệ của Trung Quốc có lợi cho các doanh nghiệp trong nước và sự thâm hụt thương mại của Mỹ lên tới 375 tỷ đô la vào năm 2017. Cơ chế đối thoại kinh tế toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc mà Trung Quốc đang tìm kiếm để hồi sinh phần lớn đã nằm yên dưới thời Tổng thống Trump.

Sau khi đề nghị mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ Trung Quốc và các nơi khác vào thứ Năm, Tổng thống Trump tuyên bố Twitter rằng "các cuộc chiến thương mại là tốt và dễ thắng".

Bộ Trưởng Thương Mại Trung Quốc đã quay trở lại vào cuối ngày thứ Sáu, nói kế hoạch của ông Trump "sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến các cơ chế thương mại đa phương do Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đại diện và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nền trật tự thương mại bình thường".

Ông Liu đã gặp hai lần trong tuần này với một nhóm của Tòa Bạch Ốc bao gồm Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin, Giám Đốc Ủy Ban Kinh Tế Quốc Gia Gary Cohn và Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, nhân vật giám sát cuộc điều tra về việc Trung Quốc đang vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ trong ngành kỷ thuật công nghệ.

Ông Liu cũng đã gặp riêng với ông Stephen A. Schwarzman, giám đốc điều hành của hợp đoàn Blackstone, người đã từng lãnh đạo một trong những hội đồng kinh doanh của Tổng thống Trump và duy trì mối quan hệ với các viên chức Trung Quốc hàng đầu.

Ngọc Thạch (Theo Miami Herald)

***************************

Tổng thống Trump : Cuộc chiến thương mại là tốt và thách thức toàn cầu về thuế (CaliToday, 02/03/2018)

Hôm thứ sáu 2/3 Tổng thống Trump lên tiếng bảo vệ quyết định cho gia tăng thuế nhập cảng thép và nhôm vào Hoa Kỳ, ông nói ‘chiến tranh mậu dịch là tốt đẹp và dễ dàng chiến thắng’, dù nhiều nơi trên thế giới bày tỏ thái độ chống đối và giá cổ phiếu của Wall Street bị sụt giảm.

USA-TRADE

Tổng thống Donald Trump - Ảnh minh họa

Liên Hiệp Châu Âu EU loan báo sẽ có biện pháp trả đũa Hoa Kỳ, Pháp nhận định mức thuế như thế là ‘không sao chấp nhận được’ và Trung Quốc kêu gọi chính phủ Mỹ hãy kiềm chế, Canada tuyên bố sẽ trả đũa nếu họ bị thiệt hại vì quyết định này. Canada là quốc gia cung cấp thép và nhôm lớn nhất thế giới cho thị trường Hoa Kỳ.

Chứng khoán Mỹ mở cửa giảm mạnh vào thứ Sáu, do lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trung bình Dow Jones giảm hơn 1% và chỉ số S & P 500 giảm 0.5% khi các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu. Đồng đô la Mỹ giảm so với hầu hết các đồng tiền, giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm so với đồng yên.

Trump cho biết vào hôm thứ Năm rằng kế hoạch thuế 25% đối với nhập khẩu thép và 10% đối với các sản phẩm nhôm được thiết kế để bảo vệ việc làm của Mỹ khi đối mặt với các sản phẩm nước ngoài rẻ hơn và sẽ chính thức được công bố vào tuần tới.

Hôm qua Tổng thống Trump cho phép tỉ lệ đánh thuế 25% vào thép và 10% vào nhôm nhập cảng là nhằm bảo vệ công ăn viện làm của công nhân Mỹ khi họ bị cạnh tranh mạnh mẽ về cùng một loại sản phẩm có giá bán rẻ hơn từ ngoại quốc nhập vào Mỹ.

Trong một bức điện, Tổng thống Trump giải thích như sau : "Thí dụ như chúng ta bị thiệt hại 100 tỉ đô la với một quốc gia nào đó mà họ lại có lời, thì chúng ta ngưng không buôn bán nữa, chúng ta thắng lớn, chuyện này dễ dàng mà !"

Viễn ảnh trả đũa Hoa Kỳ của Liên hiệp EU, của Canada và Trung Quốc khiến giá trị cổ phiếu toàn cầu giảm ngay đến 2,5%, vì các nhà đầu tư không mua cổ phiếu mà tranh mua trái phiếu của chính phủ, mua vàng và đồng yen của Nhật dự trữ.

Ian Ormiston, chuyên gia địa ốc của nhóm Old Mutual Global Investors, nhận xét : "Đây là nỗi lo sợ thật sự vì Châu Âu là một nền kinh tế mở rộng ra toàn cầu, chứ không phải chỉ có chuyện Mỹ hơn thua nhau với Trung Quốc. Chúng ta sẽ thấy có chuyện trả đũa, không còn hồ nghi gì về việc này"

Liên Hiệp EU mô tả mức thuế biểu mới về thép và nhôm của Mỹ là một can thiệp trắng trợn, đồng nghĩa với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và hứa là ‘sẽ đáp ứng cứng rắn’ lại.

Đào Nguyên

Quay lại trang chủ
Read 395 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)