Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/03/2018

Thương mại Mỹ-Trung : tuần trăng mật với Bắc Kinh kết thúc

Tổng hợp

Mỹ chấm dứt đàm phán chính thức về kinh tế với Trung Quốc (CaliToday, 18/03/2018)

Chính quyền Tổng thống Trump đã chấm dứt cuộc đối thoại kinh tế chính thức kéo dài một thập niên với Trung Quốc vì Hoa Kỳ tin rằng họ đang đi lùi trong việc mở cửa thị trường của mình cho sự cạnh tranh với nước ngoài. Ông David Malpass, Bộ trưởng Bộ Tài Chính nói rằng chính quyền "thất vọng" với Trung Quốc và "bởi vì không có con đường trở lại để định hướng thị trường, tôi đã ngưng cuộc đối thoại kinh tế với Trung Quốc".

Thay vì tổ chức các cuộc thảo luận chính thức, thứ Trưởng Steven Mnuchin thường xuyên nói chuyện riêng với các quan chức cao cấp ở Trung Quốc để định hướng lại chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. "Một trong những điều chúng tôi đang làm là cố gắng giữ đường dây liên lạc…

Một viên chức Bộ Tài Chính hàng đầu cho biết ông không chính xác khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã kết thúc cuộc đối thoại kinh tế chính thức với Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng ông Steven Mukuchin vẫn tiếp tục thảo luận riêng với Trung Quốc.

mytrung1

Ông Steven Mukuchin vẫn tiếp tục thảo luận riêng với Trung Quốc ? Photo Credit : Bloomberg

Việc chấm dứt đã tạo ra sự hoang mang vào Chủ Nhật, vì tương lai của cuộc đối thoại vẫn chưa biết rõ. Những nhận xét của ông Malpass gợi ý rằng chính quyền ông Trump đã rời khỏi thủ tục chính thức để thuận lợi cho các cuộc đàm phán của ông Mukhin, nhưng không phải các quan chức Malpass cũng như Ty Ngân Khố Kho sẽ làm rõ tình trạng của các cuộc đàm phán. Ông Malpass từ chối cho biết liệu văn phòng tiến hành các cuộc đàm phán vẫn còn cởi mở, và thêm rằng quyết định về tương lai của các cuộc đối thoại vẫn chưa được quyết định.

Chính quyền ông Trump đã thất bại năm ngoái và kết thúc với cả hai bên không thể đưa ra một tuyên bố chung. Bế tắc xảy ra sau khi Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross mở đầu cuộc đàm phán bằng cách trách Trung Quốc về sự mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ

Ông Malpass đã phát biểu một ngày trước khi cuộc họp của nhóm 20 bộ trưởng tài chính ở Buenos Aires, nơi mà các chính sách của Tổng thống Trump nhằm tái cân bằng thương mại toàn cầu với lợi ích của Mỹ sẽ chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự. Hoa Kỳ đang áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm trong tuần này và đang xem xét kìm hãm các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ và áp đặt các phương sách chặn đứng sự bổ sung đối với hàng nhập khẩu.

Ngọc Thạch

(Theo Yahoo News)

******************

Donald Trump bảo hộ mậu dịch : Món hẩu cho Bắc Kinh ? (RFI, 19/03/2018)

Ngày 08/03/2018, Donald Trump đã ký sắc lệnh áp dụng mức thuế 25% trên thép và 10% trên nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Một số nguồn tin thân cận với giới chức có thẩm quyền còn tiết lộ là Washington dự trù áp đặt các hạn chế trên đầu tư Trung Quốc và đánh thuế trên một loạt các sản phẩm từ Trung Quốc. Cho dù vậy, tuần báo Pháp Courrier International ngày 15/03 đã trích dẫn tuần báo Mỹ Bloomberg Businessweek (New York)cho rằng : xu hướng bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ rốt cuộc chỉ làm lợi cho Trung Quốc.

mytrung2

Một xưởng thép của Trung Quốc ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Reuters/Stringer

Lý do mà tờ báo nêu ra rất đơn giản : Khi đánh thuế nhập khẩu trên thép và nhôm, Washington đã quay lưng lại các nước thân hữu mà lẽ ra Mỹ nên liên minh để ngăn chặn Trung Quốc.

Nhôm thép Mỹ đúng là bị Trung Quốc đe dọa

Theo tờ báo Mỹ, phải công nhận rằng lập luận của Donald Trump có điểm đúng. Đó là ngành thép và nhôm của Mỹ đã thực sự bị sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc tàn phá.

Đối mặt với áp lực quốc tế, Bắc Kinh đã đóng cửa một số nhà máy thép, nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006, bất chấp việc công bố nghị định đẩy mạnh việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp có năng suất dư thừa. Đối với nhôm, toàn cảnh cũng tương tự.

Donald Trump và giới thân cận với ông cũng đúng trên một điểm khác : sức mạnh kinh tế là một vấn đề an ninh quốc gia. Đây là một vấn đề mà rõ ràng là Trung Quốc đã hiểu hơn cả Hoa Kỳ.

Bắc Kinh thường buộc các công ty nước ngoài muốn vào thị trường Trung Quốc là phải chuyển giao tài sản trí tuệ - điều quý giá nhất của của họ - cho Trung Quốc. Chương trình "Made in China 2025" của Bắc Kinh có cao vọng phát triển năng lực quốc gia trong một loạt công nghệ tiên tiến để giảm lệ thuộc vào các đối thủ tiềm tàng như Mỹ và Nhật Bản.

Đối với tờ Businessweek, cần phải công nhận giá trị của những lập luận nói trên, chứ không nên chỉ xem việc áp thuế là biện pháp câu phiếu cử tri hay phô trương cơ bắp...

Trung Quốc tạo ra vấn đề nhôm thép, nhưng Trump làm Mỹ bị chê trách

Có điều là việc đánh thuế nhôm thép có một hệ quả nghiêm trọng : Chính vì tổng thống Donald Trump mà sự chê trách của thế giới lại chĩa vào Hoa Kỳ, chứ không phải là vào Trung Quốc.

Viện lý do an ninh quốc gia để biện minh cho sắc thuế trên kim loại, đã vẽ đường cho các nước khác cũng làm như vậy, đồng nghĩa với việc rút đi sợi chỉ đầu tiên của mạng lưới các hiệp định thương mại mà người Mỹ đã phải mất hàng chục năm trời mới dệt nên được.

Và việc áp dụng các rào cản thuế quan đó đối với tất cả các nước, như ông Trump đã đe dọa, có nguy cơ là làm suy yếu mặt trận thống nhất của các đối tác thương mại của Washington, một mặt trận cần thiết để đối phó với Trung Quốc và buộc họ phải thay đổi thái độ. Roland Rajah thuộc Viện Lowy tại Úc phân tích :

"Sáng kiến đánh thuế sẽ bị coi là bằng chứng mới nhất và rõ ràng nhất là nước Mỹ của ông Trump không phải là đối tác kinh tế đáng tin cậy".

Những người chống lại biện pháp đánh thuế luôn nhắc lại rằng Trung Quốc chỉ là nhà cung cấp thép thứ 11 của Mỹ, và đứng thứ 4 về nhôm. Theo Tom Orlik, chuyên gia bộ phận kinh tế của hãng Bloomberg, thuế nhôm thép của Mỹ là một đe dọa ở mức "không phần trăm" đối với nền kinh tế Trung Quốc...

Nguy cơ chiến tranh thương mại lộ rõ giữa Mỹ và đồng minh

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, ngày 02/03 đã có tuyên bố theo phong cách Donald Trump : "Chúng ta sẽ áp đặt thuế đối với các hàng nhập (từ Mỹ) như mô tô Harley-Davidson, rượu Bourbon, quần jean Levi. Chúng ta cũng có thể ngu ngốc như họ. Chúng ta phải ngu ngốc như vậy".

Tổng thống Mỹ đã đáp trả, dĩ nhiên là trên Twitter, là nếu Châu Âu dùng biện pháp trả đũa, Hoa Kỳ cũng sẽ làm như vậy bằng cách đánh thuế, lần này là trên ô tô nhập khẩu.

Ngày 05/02, Donald Trump đã nói trên Twitter rằng Canada và Mexico có thể được miễn thuế nếu chấp nhận đàm phán lại một Hiệp định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA "mới và đúng đắn". Tuyên bố này rủi thay đã làm suy yếu lập luận đánh thuế là vì nhu cầu an ninh quốc gia.

Vào lúc mà các lãnh đạo phương Tây đang chơi trò ai sẽ là người người ngốc nhất, thì Trung Quốc vẫn tương đối kín đáo, đúng như phương châm mà Napoléon từng nêu lên : "Không bao giờ làm gián đoạn công việc của kẻ thù đang phạm sai lầm".

Quan điểm thô thiển về thương mại

Nếu Donald Trump không ngừng tấn công các đồng minh của mình, đó là do quan niệm của ông, theo đó thương mại là một cuộc chiến, tức là dứt khoát phải có kẻ thua. Trong quan điểm kinh tế của Trump, xuất khẩu là tốt còn nhập khẩu là xấu. Sự tồn tại của thâm hụt thương mại là bằng chứng cho thấy đối tác chơi xấu.

Trong thực tế, một giao dịch quốc tế là một quan hệ có lợi cho cả hai bên, bằng không thì sẽ không có giao dịch. Đối với mọi quốc gia, có thặng dư thương mại với đối tác này và thâm hụt với đối tác khác là một điều bình thường. Chẳng hạn như mỗi hộ gia đình đều có một "thâm hụt thương mại" với các siêu thị, các bác sĩ hoặc nha sĩ, và "thặng dư" với ông chủ trả lương.

Nói như vậy, nhưng việc Hoa Kỳ thường xuyên bị thâm hụt với phần còn lại của thế giới là một điều không lành mạnh. Các hiệp định thương mại tốt hơn có thể Mỹ giúp giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ các rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Hoa Kỳ. Trên điểm này thì Donald Trump có lý.

Nhưng vấn đề là những khoản thâm hụt lại bắt nguồn từ việc người Mỹ không tiết kiệm để có đầu tư cần thiết vào công nghiệp, nhà ở, đường xá… : Nước Mỹ đi vay vốn để tiêu dùng, thay vì chi trả nhập khẩu với tiền thu nhờ xuất khẩu.

Tiền lệ không hay khi viện đến an ninh quốc gia

Đối với Bloomberg Businessweek, khi viện đến an ninh quốc gia, Hoa Kỳ đã đặt ra một tiền lệ không hay. Theo bà Nicole Lamb-Hale, nguyên trợ lý bộ trưởng Thương mại trong chính quyền Obama và hiện là giám đốc một bộ phận trong văn phòng tư vấn tình báo kinh tế Kroll : "Lý do an ninh quốc gia thường chỉ được viện ra trong những trường hợp ngoại lệ… Các nước khác giờ đây có thể tự nhủ : Nếu Hoa Kỳ làm như vậy, chúng ta cũng có thể làm như vậy".

Khi lớn tiếng đe dọa tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại, Trump đã làm phức tạp công tác phối hợp cần thiết để đối phó với các chính sách đầu tư và thương mại mang tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc.

Năm ngoái 2017, Jean Claude Juncker đề xuất một hệ thống cấp Châu Âu để truy nguyên nguồn gốc các khoản đầu tư trực tiếp vào Châu Âu. Về phần mình, Australia đã tiến hành kiểm kê cơ sở hạ tầng nhạy cảm của mình để đánh giá tốt hơn những rủi ro mà việc bán [cho người nước ngoài] các tài sản nhất định có thể đe dọa an ninh của đất nước.

Hoa Kỳ từ nay có nguy cơ mất ưu thế đạo đức trong thương mại và đầu tư. Washington đã cáo buộc Trung Quốc trong nhiều năm là sử dụng an ninh quốc gia như là một cái cớ. Daniel Rosenthal, một chuyên gia về vấn đề này của văn phòng tư vấn Kroll, đã than là Mỹ "đang làm mất uy tín của mình bởi vì bây giờ Mỹ cũng làm y như Trung Quốc".

Trọng Nghĩa

******************

Alibaba tăng gấp đôi đầu tư vào thương mại điện tử Đông Nam Á (RFA, 19/03/2018)

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba sẽ đầu tư thêm 2 tỷ đô la và bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới vào tập đoàn mua sắm trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á (Lazada Group SE), để mở rộng kinh doanh trong khu vực.

mytrung3

Quảng cáo của Alibaba tại Hồng Kông, hôm 29 tháng 10 năm 2007. (Ảnh minh họa) AFP

Hãng AFP loan tin này hôm 19 tháng 3.

Theo đó bà Lucy Peng, chủ tịch hiện tại của Lazada sẽ kiêm luôn vị trí Giám đốc điều hành CEO của công ty. Ông Max Bittner Giám đốc điều hành hiện tại của Lazada sẽ rút lui nhưng vẫn còn là cố vấn cấp cao của công ty.

Alibaba đã chi 1 tỷ đô la để mua cổ phần của Lazada trong năm 2016 và sau đó bỏ thêm 1 tỷ đô la trong năm 2017, với hai khoản đầu tư 2 tỷ đô la tính đến tháng 6 năm 2017 đã nâng tỷ lệ sở hữu lên đến 83%.

Hiện nay, Lazada hoạt động ở các quốc gia gồm có Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam với hơn 560 triệu người tiêu dùng trong khu vực.

Xin thưa thêm, Amazon đối thủ cạnh tranh của Alibaba hiện đã chú ý đến thị trường Việt Nam. Amazon hợp tác cùng với Hiệp Hội Thương mại Điện Tử Việt Nam (VECOM) với bao gồm 140 thành viên và là một trong những doanh nghiệp trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam.

Giới quan sát cho rằng mối quan hệ đối tác này sẽ giúp Amazon gia tăng lượng sản phẩm trên nền tảng của mình và đồng thời cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam bán và xuất khẩu hàng hóa của họ ra nước ngoài.

Tuy nhiên, điều này chỉ là giai đoạn đầu tiên của Amazon cho việc thâm nhập vào một nền kinh tế mới với hơn 93 triệu dân.

Quay lại trang chủ
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)