Phan Minh, RFI, 26/11/2021
Hôm 25/11/2021, chính quyền Bắc Kinh đã chỉ trích Hoa Kỳ, viện lý do an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.
Bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo trong một cuộc họp báo tại Pittsburgh, Pensilvania, Hoa Kỳ, ngày 29/09/2021. Nicholas Kamm AFP
Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rằng, Bắc Kinh rất bất bình và sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các công ty của minh. Đồng thời, Trung Quốc đe dọa có thể thực hiện các biện pháp trả đũa chống lại lệnh trừng phạt.
Bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rằng danh sách đen sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc và Nga sử dụng công nghệ Mỹ để phát triển sức mạnh quân sự.
8 công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen để ngăn ngừa việc khai thác công nghệ Mỹ nhằm phát triển các ứng dụng điện toán lượng tử phục vụ quân đội Trung Quốc.
Bộ thương mại Mỹ muốn ngăn chặn quân đội Trung Quốc phát triển công nghệ chống tàng hình, có thể bao gồm các thiết bị như radar hiện đại, các ứng dụng chống tàu ngầm như hệ thống cảm biến phát hiện tàu ngầm.
Phan Minh
*******************
Trọng Nghĩa, RFI, 25/11/2021
Áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc không hề giảm bớt. Hôm 24/11/2021, chính quyền Biden đã đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen các thực thể bị trừng phạt về mặt thương mại. Trong số này có nhiều công ty công nghệ bị cáo buộc phục vụ cho quân đội Trung Quốc, gây hại cho an ninh Hoa Kỳ.
Một gian hàng giới thiệu công nghệ Mỹ tại Hội trợ Quốc tế Thương mại và Dịch vụ, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/09/2021. AP - Mark Schiefelbein
Nổi bật trong số các công ty bị Mỹ đưa vào sổ đen lần này là 8 thực thể công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc, bị tố cáo về vai trò của họ trong việc hỗ trợ các chương trình tính toán lượng tử của quân đội Trung Quốc và mua lại hoặc cố gắng "mua lại các mặt hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ để hỗ trợ các ứng dụng quân sự".
Theo kênh truyền hình Mỹ CNBC, các quan chức Mỹ từ lâu nay luôn bày tỏ thái độ lo lắng trước việc các công ty Trung Quốc là bình phong giúp quân đội Trung Quốc thu thập các thông tin nhạy cảm. Bắc Kinh dĩ nhiên là luôn luôn phủ nhận việc can dự vào các hoạt động gián điệp công nghiệp.
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một thông báo của bộ thương mại Mỹ nói rõ là Washington muốn ngăn không cho quân đội Trung Quốc phát triển công nghệ chống tàng hình, radar tiên tiến và các ứng dụng chống tàu ngầm. Quyết định này cũng ngăn không cho tài liệu của Hoa Kỳ được sử dụng để giúp Trung Quốc phá vỡ hệ thống mã hoặc phát triển hệ thống mã không thể phá vỡ.
Bắc Kinh đã lập tức phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ. Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ "cực lực phản đối" những hành động của Washington nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc và khuyên Mỹ nên "dừng việc lạm dụng hoặc phóng đại khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp doanh nghiệp Trung Quốc".
Ngoài 8 thực thể tại Trung Quốc nói trên, bộ thương mại Mỹ hôm qua còn thêm vào danh sách trừng phạt 16 tổ chức và cá nhân đang hoạt động ở Trung Quốc và Pakistan, bị cáo buộc về vai trò trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của chính quyền Islamabad.
Tổng cộng, sổ đen thương mại Mỹ có thêm 27 tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc, Pakistan, Nga, Nhật Bản và Singapore.
Trọng Nghĩa
Tổng thống Trump loại trừ khả năng đàm phán lại thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung (RFI, 12/05/2020)
Kêu gọi Trung Quốc tôn trọng cam kết trước đã, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/05/2020 tuyên bố không có chuyện đàm phán lại hiệp định thương mại theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Cờ Mỹ và Trung Quốc trước một khách sạn ở Bắc Kinh. Ảnh minh họa chụp ngày 14/05/2019. AFP/Archivos
Chủ Nhật vừa qua, khi được báo chí đặt câu hỏi về tin đồn Mỹ-Trung có thể đàm phán lại thỏa thuận thương mại song phương mà phần một đã được ký kết vào tháng 01/2020, tổng thống Donald Trump cho biết ông có nghe phía Trung Quốc có ý như thế.
Theo chủ nhân Nhà Trắng, Bắc Kinh muốn đàm phán lại thỏa thuận để giành lợi thế cho họ, nhưng ông không quan tâm. Điều ông quan tâm là Trung Quốc phải tôn trọng những gì họ đã ký kết trước đã.
Theo AFP, trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu tuần trước, các nhà thương thuyết hai nước đã đồng ý thi hành "giai đoạn một" của thỏa thuận ký hồi tháng Giêng. Theo thỏa thuận này, Hoa Kỳ đình hoãn các biện pháp tăng mức thuế đánh trên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh nhập thêm 200 tỷ đô la hàng hóa Mỹ trong thời gian hai năm so với mức độ năm 2017.
Tuy nhiên, vụ đại dịch siêu vi corona chủng mới từ Vũ Hán từ cuối năm 2019 đã làm mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở thành nghiêm trọng hơn.
Washington cáo buộc Bắc Kinh che giấu quy mô đại dịch, cố tình không báo động sớm với quốc tế, có trách nhiệm gián tiếp gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người.
Nghiêm trọng hơn nữa là qua tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo, chính quyền Mỹ công khai lên án chính quyền Trung Quốc che giấu "tai nạn" để siêu vi từ phòng thí nghiệm lọt ra ngoài.
Tú Anh
*******************
Covid-19 : Mỹ vượt ngưỡng 80.000 ca tử vong (RFI, 12/05/2020)
Theo số liệu của Đại học John Hopkins, đến hôm qua 11/05/2020, Mỹ đã vượt ngưỡng 80.000 ca tử vong vì dịch Covid-19, trong đó riêng thành phố New York có tới gần 20.000 người qua đời. Tuy nhiên, có một dấu hiệu tích cực là số ca tử vong trong ngày trên toàn nước Mỹ lần đầu giảm xuống dưới 1.000 ca kể từ đầu tháng Tư đến nay : trong vòng 24 giờ có thêm 776 người chết vì virus corona.
"Đồng hồ tử thần Trump" - báo số người chết vì virus corona, tại Times Square, New York, Mỹ. Ảnh chụp ngày 08/06/2020 Reuters - Lucas Jackson
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) vẫn thận trọng nhận định dù số ca tử vong trong 24 giờ qua giảm, nhưng điều này chưa thành xu hướng giảm chắc chắn. CDC dự báo trong những ngày tới tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Cũng trong ngày hôm qua, CDC nhận định các biện pháp kiểm soát và đo thân nhiệt hành khách đến các sân bay lớn của Mỹ được áp dụng hồi tháng 2 để ngăn chặn dịch Covid-19 là vô ích và tốn kém. AFP nhắc lại từ ngày 03/02, Hoa Kỳ bắt đầu giám sát hành khách Mỹ từ Trung Quốc trở về nước. Hành khách được hỏi về các triệu chứng bệnh, được đo thân nhiệt và thông tin của họ được chuyển đến chính quyền địa phương để theo dõi.
"Đồng hồ tử thần Trump"
Trong khi số ca tử vong vẫn tiếp tục tăng và thành phố New York vẫn chiếm tới gần 1/4 số ca tử vong toàn quốc, một màn hình điện tử được dựng lên ở quảng trường Thời Đại của New York và được gọi là "Đồng hồ tử thần Trump". "Đồng hồ tử thần Trump" biểu thị số người chết vì virus corona mà theo nhà làm phim Eugene Jarecki, người tạo ra đồng hồ, là những nạn nhân này lẽ ra đã có thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần nếu tổng thống Mỹ Donald Trump hành động sớm hơn. Hôm qua, "đồng hồ tử thần Trump" chỉ con số hơn 48.000.
Con số hiển thị trên "đồng hồ tử thần Trump" được tính dựa theo giả định của các chuyên gia là 60% số nạn nhân có để đã thoát khỏi cái chết nếu chính quyền Trump ra quy định về giãn cách xã hội và đóng cửa trường học sớm hơn một tuần, tức là vào ngày 09/03 thay vì vào ngày 16/03. Nhà làm phim Jarecki, người đã hai lần giành giải thưởng tại Liên hoan phim Sundance, viết trên Medium : "Có những người đã mất đi cuộc sống một cách vô ích, điều này đòi hỏi chúng ta phải tìm một nhà quản lý khủng hoảng có trách nhiệm hơn".
Theo nhà làm phim Mỹ, tên của những người lính ngã xuống được khắc trên đài tưởng niệm nhắc nhở chúng ta về cái giá của chiến tranh, còn việc định lượng số người đã mất đi sự sống do tổng thống phản ứng chậm trễ trước virus corona cũng có tác dụng vô cùng quan trọng.
Nhân viên Nhà Trắng phải đeo khẩu trang
Hôm qua, Nhà Trắng ra lệnh cho toàn bộ nhân viên đến cánh Tây làm việc phải đeo khẩu trang. Đây là khu vực mà êkip của tổng thống Trump hoạt động hàng ngày và cũng là nơi có 2 người được xác nhận dương tính với virus corona. Đó là một quân nhân thuộc êkip của tổng thống Donald Trump và phát ngôn viên của phó tổng thống Mike Pence. Chỉ thị gửi tới toàn thể nhân viên Nhà Trắng chiều hôm qua cho thấy các biện pháp vệ sinh y tế đã được nâng lên mức cao nhất. Reuters cho biết bản thân tổng thống Trump hôm qua cũng nhắc tới khả năng hạn chế tiếp xúc với phó tổng thống Mike Pence. Dường như ông Pence đang tự cách ly sau khi phát ngôn viên của ông nhiễm virus corona.
Thùy Dương
********************
Covid-19 : Số ca tử vong giảm nhưng Châu Âu vẫn thận trọng (RFI, 12/05/2020)
Tại Châu Âu, nơi bị dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất thế giới, nhiều nước đang trong giai đoạn giải tỏa dần dần, số người tử vong vẫn theo xu hướng giảm, nhưng ở nhiều nước, số ca nhiễm virus corona lại có dấu hiệu tăng trở lại. Để đề phòng dịch bệnh tái bùng phát, các nước có những biện pháp hạn chế tùy tình hình cụ thể.
Biểu tình thời hậu phong tỏa tại Rôma (Ý) ngày 12/05/2020 : Vẫn phải tôn trọng khoảng cách an toàn. Reuters - REMO Công anSILLI
Tại Ý, hôm 11/05/2020, số ca tử vong hàng ngày là 179, cao hơn một chút so với hôm Chủ Nhật (165). Đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp số người chết ở Ý giảm xuống dưới mức 200 ca/ngày. Lần đầu tiên kể từ ngày 10/03, số bệnh nhân nặng phải nằm phòng hồi sức tích cực giảm xuống còn 999 người. Theo dự kiến, từ ngày 18/05, các bảo tàng và tất cả các cửa hàng bán lẻ được mở cửa trở lại.
Nhìn sang Tây Ban Nha, nước ghi nhận gần 27.000 ca tử vong vì virus corona, AFP cho biết hôm nay 12/05, chính phủ công bố quy định kể từ thứ Sáu 15/05, tất cả những người đến từ nước ngoài phải bị cách ly 14 ngày. Họ chỉ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm, đi khám bệnh và phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Quy định này có hiệu lực cho đến hết giai đoạn tình trạng khẩn cấp (hết ngày 24/05).
Tuy nhiên, quy định cách ly không được áp dụng cho lao động vùng biên giới, những người làm nghề vận tải hàng hóa, phi hành đoàn của các hãng hàng không nước ngoài và nhân viên y tế đến Tây Ban Nha làm việc.
Còn nước Đức đang có "nghịch lý giải tỏa". Ba tuần sau khi Đức bắt đầu dỡ bỏ dần dần các biện pháp phong tỏa đất nước, thủ tướng Angela Merkel lo ngại về khả năng người dân giảm ý thức phòng bệnh. Và trong khi nhiều ca mới nhiễm virus được ghi nhận, thì tại một số vùng, nhiều người dân biểu tình đòi bình thường hóa hoàn toàn cuộc sống.
Trong một cuộc họp ngày hôm qua 11/05, thủ tướng Merkel phàn nàn về việc nhiều người dân không chịu đeo khẩu trang khi đến các cửa hàng mua sắm, trong khi viêc đeo khẩu trang là bắt buộc từ cuối tháng Tư.
Còn tại Rumani, khoản tiền phạt rất cao mà cảnh sát áp dụng trong giai đoạn phong tỏa bị coi là vi hiến và khiến dân chúng giận dữ. Mức phạt cơ bản là 2000 lei, tương đương với 415 euros, bằng lương tối thiểu trước khi trừ các khoản đóng góp xã hội. Mức phạt tối đa cao gấp 10 lần.
Thông tín viên đài RFI Benjamin Ribout từ Bucarest cho biết là Tòa bảo hiến Romania tuyên bố các khoản tiền phạt mà chính phủ quy định là "quá mập mờ" và đặc biệt là "quá cao".
Thùy Dương
****************
Covid–19 : Nga đứng thứ 2 thế giới về ca nhiễm, Tổng thống Putin chấm dứt phong tỏa toàn quốc
Với hơn 230.000 người dương tính với virus corona mới, Nga đã trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm, sau Mỹ. Cho dù vậy, tổng thống Nga Putin vào hôm qua, 11/05/2020, vẫn quyết định chấm dứt 6 tuần lễ phong tỏa triệt để, nhưng để mỗi vùng quyết định nhiều biện pháp cụ thể.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu về dịch Covid-19 ngày 11/05/2020 từ tư dinh Novo-Ogaryovo gần Moskva, thủ đô Nga. via Reuters - SPUTNIK
Về các biện pháp phong tỏa tại Nga, phát biểu hôm qua của ông Vladimir Putin rất được trông đợi, trong bối cảnh số người nhiễm virus corona mới tăng vọt, với hơn 10.000 ca một ngày. Tổng thống Nga đứng trước áp lực phải mở cửa lại nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong lúc mặt hàng chiến lược dầu mỏ sụt giá chưa từng thấy. Kinh tế Nga dự kiến sụt giảm 6% năm nay.
Đây là lần thứ ba tổng thống Nga phát biểu kể từ đầu mùa dịch Covid-19. Theo AFP, trong phát biểu tối qua nhân một cuộc họp chính phủ, được truyền hình phát lại, nguyên thủ Nga đã thông báo chấm dứt lệnh phong tỏa triệt để trên toàn quốc, kéo dài từ 6 tuần nay. Nhiều vùng có thể quyết định dỡ bỏ từ hôm nay một số biện pháp phong tỏa.
Theo tổng thống Nga, trên cơ sở tư vấn của các chuyên gia, mỗi vùng sẽ quyết định giữ hay bỏ biện pháp nào cần thiết. Tuy nhiên, lệnh cấm các hoạt động tập hợp đông công chúng và cấm người trên 65 tuổi ra khỏi nhà vẫn có hiệu lực trên toàn quốc.
Riêng thủ đô Moskva, với hơn 121 nghìn ca dương tính, sẽ tiếp tục duy trì phong tỏa cho đến 31/05. Toàn bộ những người làm công ăn lương tiếp tục phải nghỉ việc sẽ nhận được lương, như trong 6 tuần qua. Ngoại trừ các ngành xây dựng, và nhiều ngành công nghiệp ở Moskva, với khoảng nửa triệu lao động, sẽ hoạt động trở lại ngay từ ngày 12/05.
Tổng thống Nga cũng yêu cầu tất cả các địa phương, kể từ ngày 12/05, "tạo điều kiện cho việc nối lại các hoạt động của toàn bộ các lĩnh vực căn bản của nền kinh tế, như xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông, năng lượng, khai khoáng".
Đối lập mỉa mai
Phản ứng trước quyết định của ông Putin, nhà đối lập số một tại Nga, trên Twitter, chính trị gia Alexeï Navalny mỉa mai "sự khôn ngoan" của người đứng đầu nước Nga, đã "hủy bỏ các biện pháp toàn quốc" đúng vào thời điểm nước Nga có số lượng người nhiễm virus tăng kỷ lục. Từ hơn hơn mười ngày nay, số ca nhiễm mới tại Nga mỗi ngày tăng thêm hơn 10.000.
Trên thực tế, không chờ đợi quyết định của tổng thống, lo ngại dịch bệnh, chính quyền Moskva và vùng thủ đô hồi tuần trước, đã tuyên bố sẽ kéo dài giai đoạn phong tỏa, và bổ sung thêm biện pháp bắt buộc mang khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và các cửa hàng. Saint Petersbourg, thành phố lớn thứ hai của Nga, cũng theo chân Moskva. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác đã thông báo cho phép người dân ra khỏi nhà trở lại.
Theo thống kê của Đại học Mỹ Johns Hopkins, với 10.899 ca dương tính mới hôm nay, tổng cộng tại Nga, đã có 232.243 người nhiễm virus corona mới. Nga trở thành quốc gia nhiều ca dương tính thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ), hơn Anh và Tây Ban Nha. Số người thiệt mạng tại Nga vì Covid-19, theo thống kê chính thức, tính đến nay hôm nay là 2.116 người. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng có thể hàng nghìn người chết vì Covid-19 đã không được thống kê.
Về lý do khiến Nga có số người nhiễm virus cao, tổng thống Nga giải thích đây là do chính sách xét nghiệm quy mô lớn, với tổng số 5,8 triệu xét nghiệm, tính cho đến hôm nay, với số lượng trung bình 170.000 xét nghiệm/ngày. Tổng thống Nga hứa tăng số lượng xét nghiệm lên 300.000/ngày.
Trọng Thành
Tổng thống Trump 'giằng xé' về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung (VOA, 10/05/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu nói rằng ông "rất giằng xé" về việc có nên chấm dứt thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc hay không, chỉ vài giờ sau khi các quan chức thương mại hàng đầu của cả hai nước cam kết xúc tiến thi hành nó bất chấp những tổn hại kinh tế do virus corona gây ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông "rất giằng xé" về việc có nên chấm dứt thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc hay không - Ảnh minh họa
Sáng ngày thứ Sáu, ngay trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố 20,5 triệu việc làm ở Mỹ đã bị mất vào tháng 4, ông Trump nói với đài Fox News rằng ông "đang gặp khó khăn với Trung Quốc".
Mặc dù ban đầu ông "rất hào hứng" về thỏa thuận thương mại đã kí vào tháng 1, đại dịch kể từ đó đã khiến ông thay đổi quan điểm về nó.
"Bây giờ tôi cảm thấy khác lúc trước. Tôi đã rất cứng rắn với Trung Quốc," ông Trump nói.
Khi được hỏi liệu ông sẽ "phá vỡ" thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 hay không, ông Trump nói : "Tôi rất giằng xé. Nói thật là tôi chưa quyết định".
Ông Trump và một số thành viên trong chính quyền của ông đã đe dọa đưa ra những hành động trừng phạt nhắm vào Bắc Kinh, bao gồm cả thuế quan có thể và chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Dù Trung Quốc đã mua một số mặt hàng nông sản của Mỹ, một số nhà quan sát cho rằng những đợt thu mua này vẫn kém xa tốc độ cần thiết để đạt được mục tiêu năm đầu tiên là tăng 77 tỉ đôla trong khi nền kinh tế Trung Quốc hiện đang bắt đầu phục hồi sau khi bị đình chỉ trong đại dịch.
Ông Trump quy trách Trung Quốc làm cho hàng triệu công ăn việc làm bị mất ở Mỹ vì cách thức nước này xử lý vụ bùng phát dịch virus corona tại Vũ Hán vào cuối năm 2019. Ông cũng đe dọa chấm dứt thỏa thuận thương mại nếu Trung Quốc không tuân thủ các cam kết mua hàng hóa và nói rằng ông sẽ thẩm định nỗ lực đó trong tuần sau.
Trung Quốc đã bác bỏ các tuyên bố của chính quyền Trump cho rằng có bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và các nhà khoa học nói virus dường như đã phát triển trong tự nhiên.
******************
Mỹ ban hành thêm hạn chế visa nhắm vào nhà báo Trung Quốc (VOA, 10/05/2020)
Mỹ áp đặt thêm những hạn chế visa mới đối với các nhà báo Trung Quốc làm việc tại nước này trong khi tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh về virus corona lấn sang cuộc chiến đang sôi sục liên quan đến truyền thông.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ngày thứ Sáu thông báo các nhà báo Trung Quốc làm việc cho các cơ quan báo chí không phải của Mỹ sẽ chỉ có thể được cấp visa làm việc 90 ngày, đảo ngược quy chế visa không thời hạn áp dụng cho họ trước đây. Các nhà báo sẽ có thể nộp đơn xin gia hạn 90 ngày.
Bước đi này, mà DHS nói là để trả đũa các hành động nhắm vào các cơ quan báo chí của Mỹ, có thể làm cho tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn về quyền tiếp cận của giới truyền thông.
Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 3 thông báo trục xuất các phóng viên của báo The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, nói rằng hành động này "hoàn toàn cần thiết và đối ứng".
Vụ trục xuất xảy ra là để đáp lại một thông báo từ các quan chức Mỹ rằng chỉ có 100 nhân viên người Trung Quốc tại năm cơ quan thông tấn do nhà nước Trung Quốc kiểm soát được cho phép làm việc Mỹ, giảm xuống từ 160 người.
Tranh cãi kéo dài liên quan tới quyền tiếp cận của báo chí nổi lên như một mặt trận cho các vụ đụng độ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh về chuyện ai chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus corona.
Tổng thống Trump và các quan chức hàng đầu khác đã liên tục đả kích chính phủ Trung Quốc, nói rằng nước này lúc đầu đã hạ giảm tầm mức vụ bùng phát dịch bệnh, và một số người thậm chí còn nói rằng virus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Các quan chức Trung Quốc đáp lại rằng những tuyên bố đó là vô căn cứ và đưa ra những cáo buộc không được chứng thực rằng virus có nguồn gốc từ Mỹ.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung : Đất hiếm, phương tiện để mặc cả ?
Guillaume Pitron, Thanh Hà, RFI, 05/05/2020
Giới chuyên gia Pháp so sánh : trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện tại, kim loại hiếm là một dạng "vũ khí răn đe" của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc sẽ không dám vượt qua lằn ranh đỏ. Giải pháp triệt để ấy sẽ biến cuộc chiến thương mại hiện nay thành chiến tranh công nghệ và có thể là còn "hơn thế nữa" với Hoa Kỳ. Tạp chí phát lần đầu ngày 28/05/2019.
Các mẫu kim loại hiếm được trưng bày ở cơ sở Molycorp, California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 29/06/2015. Reuters/David Becker/File
Vào lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng cường độ, chủ tịch Trung Quốc đã ghé thăm một nhà máy khai thác kim loại hiếm tại Giang Tây. Tháp tùng ông Tập có phó chủ tịch Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại với Mỹ để giải quyết tranh chấp mậu dịch.
Báo chí Paris đồng loạt nhận xét, Bắc Kinh khéo léo nhắc nhở Donald Trump rằng Trung Quốc cũng có những lá chủ bài trong tay để mặc cả với Mỹ. Trung Quốc đang nắm giữ 40 % các mỏ dự trữ kim loại hiếm của thế giới (Việt Nam 18 % và Mỹ 1 % theo như nghiên cứu của Trung tâm địa chất Hoa Kỳ US Geological Survey).
Năm 2018, Trung Quốc sản xuất 70 % đất hiếm được tiêu thụ trên toàn cầu và là nguồn cung ứng 80 % đất hiếm cho Hoa Kỳ.
Trung Quốc có thể sử dụng lá bài này để cưỡng lại các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump ? Trước mắt hầu hết các nhà quan sát đều trả lời là không. Nhà báo Guillaume Pitron và cũng là tác giả cuốn Chiến tranh Kim loại hiếm, Mặt trái của Tiến trình chuyển đổi Năng lượng và Kỹ thuật số, Nhà xuất bản LLL (2018) nhận định : phong tỏa đất hiếm, Trung Quốc sẽ biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ với Hoa Kỳ. Đó là lằn rănh đỏ Bắc Kinh đối với Bắc Kinh.
Năm 2010 Bắc Kinh đã một lần dùng lá bài "đất hiếm" để phạt Nhật Bản thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng rồi, theo Guillaume Pitron nhận xét, biện pháp trừng phạt đó chỉ được kéo dài trong 6 tháng, do Bắc Kinh nhận thấy rằng, đây là một giải pháp lợi bất cập hại. Trong một thế giới toàn cầu hóa, mà ở đó chuỗi cung ứng của các nền kinh tế thế giới ràng buộc lẫn nhau, ngưng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản khiến dây chuyển sản xuất của bản thân Trung Quốc bị chựng lại.
Đất hiếm và công nghệ vũ khí
Các phương tiện truyền thông đại chúng chú ý nhiều đến khía cạnh chiến lược đất hiếm đối với những mảng công nghệ cao từ viễn thông, điện tử đến xe hơi, hay công nghệ chế tạo máy bay. Nhưng ít người biết là không thể chế tạo từ hỏa tiễn đến máy bay trinh sát nếu không có đất hiếm. Để sản xuất động cơ của chiến đấu cơ F35, Mỹ cần từ kền đến cobalte, từ modybdene đến tungstene...
Công nghệ chế tạo vũ khí nói chung là lĩnh vực tiêu thụ nhiều kim loại hiếm nhất.
Lĩnh vực này vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa là một con gà đẻ trừng vàng mà chắc chắn là Hoa Kỳ không sẵn sàng nhường nửa bước cho bất kỳ một đối thủ nào.
Cũng vì lý do này, kim loại hiếm không nằm trong danh sách những sản phẩm của Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ bị chính quyền Trump tăng thuế hải quan.
Từ chiến tranh thương mại đến chiến tranh tâm lý
Trong bài phỏng vấn dành cho RFI Việt ngữ, Gillaume Pitron nhắc lại tầm mức quan trọng của "nguồn nguyên liệu của thế thế kỷ 21" này và mối quan tâm đặc biệt từ phía các nhà chiến lược ở Mỹ.
Gillaume Pitron :Chưa bao giờ đất hiếm là đề tài nhậy cảm đối với Hoa Kỳ như dưới chính quyền Trump. Khác với người tiền nhiệm, Donald Trump đặc biệt quan tâm đến mức độ lệ thuộc của Mỹ vào kim loại hiếm mà nguồn cung cấp chính trên thế giới hiện này là Trung Quốc. Đơn giản là vì đất hiếm không thể thiếu cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ. Mỹ đang thống lĩnh nền công nghệ sản xuất vũ khí thế giới. Không có đất hiếm, không thể sản xuất được chiến đấu cơ đời mới F35. Sự lệ thuộc vào kim loại hiếm của Trung Quốc thách thức an ninh quốc gia của Mỹ.
Trong bối cảnh đó khi ông Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy kim loại hiếm ở Quảng Tây, lãnh đạo Trung Quốc gửi đi một thông điệp rất mạnh đến Hoa Kỳ. Một cách gián tiếp Bắc Kinh nhắc nhở Washington rằng Trung Quốc có phương tiện để trả đũa, và có thể ngưng cung cấp đất hiếm cho Hoa Kỳ. Đây là đòn Bắc Kinh từng áp dụng với Nhật Bản hồi năm 2010.
RFI : Nếu bị dồn vào chân tường, Trung Quốc có áp dụng trở lại biện pháp cấm vận đất hiếm với Mỹ hay không và tại sao ?
Guillaume Pitron :Đằnh rằng đây là một tín hiệu mạnh mẽ Bắc Kinh bắn đi, nhưng tôi không cho rằng Trung Quốc dám sử dụng đòn này với Mỹ. Bởi thứ nhất, về mặt tâm lý, đây là điều vô cùng nhậy cảm đối với Washington. Mở thêm mặt trận này, lập tức chiến tranh thương mại hiện nay sẽ mang tầm cỡ mới, nguy hiểm hơn rất nhiều và Mỹ chắc chắn sẽ phản công lại mạnh hơn nữa và có thể là Washington sẽ phản công quá đáng. Điểm thứ hai là đụng đến đất hiếm sẽ tác động trực tiếp đến thế thượng phong của nền công nghệ vũ khí Mỹ, tức là đến cốt lõi về chủ quyền, về an ninh và qua đó là sự tồn tại của Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc ngừng bán đất hiếm cho Hoa Kỳ, tác động không chỉ dừng lại ở những chiếc điện thoại thông minh Iphone, đến những vật dụng hàng ngày được sử dụng một cách đại chúng, mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ, đến khả năng chế tạo tên lửa, chiến đấu cơ ... của Mỹ. Không ai lường trước được hậu quả từ một cuộc đối đầu như vậy. Thành thử tôi nghĩ rằng Trung Quốc không dám đi đến cùng.
RFI : Năm 2010 Trung Quốc đã phạt Nhật Bản vậy tại sao sau 6 tháng lại dừng ?
Guillaume Pitron : Khi Trung Quốc quyết định ngưng bán kim loại hiếm cho Nhật Bản trong vòng sáu tháng, và tại sao sau đó đã phải ngưng pháp cấm vận này ? Bởi vì khi quyết định phạt Tokyo, Bắc Kinh không lường trước được rằng vì ngưng cung cấp đất hiếm cho Nhật, Trung Quốc không thể mua lại một số những mặt hàng công nghiệp mà Nhật cần đất hiếm mới sản xuất được. Chúng ta sống trong môi trường mà chuỗi cung ứng của thế giới vừa bổ sung, vừa lệ thuộc vào nhau, nên đánh vào về thương mại của đối phương, tức là cũng tự hại mình. Chính vì vậy trong cuộc chiến mậu dịch lần này giữa Washington và Bắc Kinh, chính quyền Trump chỉ tìm cách gây khó dễ để mặc cả và nhất là đòi Trung Quốc phải nhượng bộ. Thật ra theo tôi, Trump muốn cho Bắc Kinh bài học là Đảng cộng sản không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như ý muốn.
RFI : Nói như cậy có nghĩa là Hoa Kỳ không muốn dùng những đòn hiểm để hạ gục đối phương. Cũng có khả năng Trung Quốc tránh dùng tới biện pháp này để ép Mỹ nhượng bộ về thương mại, bởi vì mức độ lệ thuộc vào hàng công nghiệp Mỹ-Trung còn cao hơn so với Nhật Bản ?
Guillaume Pitron : Khi Trung Quốc phạt Nhật Bản, đừng quên rằng Mỹ cũng bị vạ lây vì giá kim loại hiếm đã tăng lên cao. Nhưng vào thời điểm năm 2010 đất hiếm chưa mang tầm mức chiến lược như bây giờ. Dù vậy ngay từ lúc đó, Washington hoàn toàn ý thức được về mức độ rủi ro khi phải lệ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc.
RFI : Vậy từ 9 năm qua Mỹ đã giảm được mức độ lệ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc hay chưa ?
Guillaume Pitron :Năm 2010 công luận phát hiện ra rằng, Hoa Kỳ lệ thuộc vào đất hiếm tới mức độ nào và đó là nhược điểm của Mỹ so với Trung Quốc. Chín năm sau, tình hình không khác gì so với trước. Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp chính của thế giới. Úc có bắt đầu xuất khẩu kim loại hiếm, nhưng không thấm vào đâu (sản xuất của Úc hiện tại là 15.000 tấn trên tổng số 170.000 tấn trên toàn thế giới). Chính nước Mỹ cũng bắt đầu khai thác các mỏ đất hiếm tại California nhưng vẫn không thay đổi được tương quan lực lượng, bởi đây là một lĩnh vực đòi hỏi thời gian. Phải ít nhất là từ 10 đến 15 năm mới hy vọng sản xuất được kim loại hiếm để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vì ngoài khâu khai thác, khâu chắt lọc phức tạp không kém.
Theo một báo cáo của chính phủ, nếu như Hoa Kỳ nỗ lực khai thác các mỏ kim loại hiếm thì phải cần 15 năm mới đủ để phục vụ riêng cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí. Hơn nữa, không chỉ có Mỹ và cả Châu Âu, phương Tây có một tầm nhìn thiển cận bởi vì cứ 4 hay 5 năm lại tổ chức bầu cử một lần. Ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm không bị khống chế về thời gian để phát triển công nghệ đất hiếm, họ cũng không bị giới bảo vệ môi trường bài xích như ở phương Tây. Cũng có thể khủng hoảng thương mại với Trung Quốc lần này buộc Mỹ phải xét lại chiến lược phát triển công nghệ kim loại hiếm.
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 05/05/2020
*********************
Mỹ giảm mức độ lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc
Thanh Hà, RFI, 05/05/2020
Ngày 04/05/2020 thứ trưởng Mỹ đặc trách về Tăng Trưởng, Kinh Tế, Năng Lượng và Môi Trường, Keith Krach, tuyên bố "tăng tốc" giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc.
Mỹ tuyên bố "tăng tốc" giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 làm lộ rõ mức độ lệ thuộc của Hoa Kỳ vào trang thiết bị y tế, vào dược phẩm của Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, Nhà Trắng cũng như bộ Thương Mại và nhiều cơ quan khác của Hoa Kỳ đang thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ đa dạng hóa các nguồn cung ứng, và di dời cơ sở sản xuất khỏi Hoa lục.
Từ năm 2017, chính quyền Trump áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế khóa, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ trở về nguyên quán. Đại dịch lần này, theo một quan chức Hoa Kỳ được hãng tin Reuters trích dẫn, càng cho thấy nhu cầu giảm mức độ lệ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc trở nên cấp bách hơn.
Chính quyền Mỹ đang lập ra một danh sách những lĩnh vực được coi là "cốt lõi" cần phải di dời khỏi Trung Quốc. Trong số này có ngành năng lượng, công nghệ số và kể cá hoạt động thương mại hay hợp tác giáo dục.
Một nguồn tin thông thạo ghi nhận, chính quyền Trump đang ráo riết thương lượng với nhiều đối tác nước ngoài được xem là thuộc diện "đáng tin cậy" để bảo đảm cho sự "thịnh vượng của nước Mỹ".
Vậy trước mắt, những quốc gia nào được Washington xem là những "đối tác đáng tin cậy" của Hoa Kỳ ? Ngoại trưởng Mike Pompeo tuần trước nêu tên một số quốc gia trong đó có Việt Nam. Danh sách này gồm từ Úc đến Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc … Châu Mỹ La Tinh cũng có thể "đóng một vài trò quan trọng".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 05/05/2020
Mỹ không chốt thời hạn cho đàm phán thương mại sắp tới với Trung Quốc (VOA, 22/01/2020)
Hoa Kỳ không đưa ra thời hạn cuối cùng cho việc kết thúc giai đoạn đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc, nhưng thuế quan sẽ không được cắt giảm cho tới vòng đàm phán tiếp theo, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steve Mnuchin.
"Về giai đoạn 2, tôi xin thưa là không có thời hạn", ông Mnuchin nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 22/1. "Vấn đề đầu tiên mà chúng tôi rất chú trọng trong 30 ngày tới là thực thi giai đoạn 1, sau đó chúng tôi sẽ bắt đầu vào giai đoạn 2.
Nếu chúng tôi làm xong việc đó trước cuộc bầu cử thì rất tuyệt. Nếu mất nhiều thời gian hơn cũng không sao", ông Mnuchin nói thêm.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận thương mại lớn trong tháng này sau nhiều tháng đàm phán đôi khi rất gay gắt, nhưng ông Mnuchin cho biết vòng đàm phán tiếp theo có thể dễ bị chia thành nhiều phần nhỏ, đưa đến nhiều thỏa thuận.
"Chúng tôi có thể có tới 2 giai đoạn A, hai giai đoạn B, hai giai đoạn C, chứ không nhất thiết phải là một vụ lớn, và chúng tôi sẽ giảm thuế tương ứng theo thời gian. Vì vậy, có một động lực lớn cho phía Trung Quốc tiếp tục đàm phán và kết luận về những phần bổ sung khác nhau của thỏa thuận", ông Mnuchin cho biết thêm.
******************
Thương mại Mỹ-Trung : 18 tháng so găng, Trump được gì ? (RFI, 21/01/2020)
Donald Trump và Tập Cận Bình tạm khép lại cuộc đọ sức trên bàn cờ thương mại. Ở hiệp 1, Washington thắng Bắc Kinh 1-0. Để đổi lấy nhiều hợp đồng, tổng thống Trump tạm từ bỏ tham vọng đòi Trung Quốc ngừng gây cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường. Trên đây là phân tích của Jean François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA – Chine Analyse.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay sau khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Washington, ngày 15/01/2020. Reuters/Kevin Lamarque
Ngày 21/01/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đến dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos,Thụy Sĩ lần thứ 50 trong thế thượng phong. Tuần trước Washington và Bắc Kinh vừa ký kết hiệp định thương mại phần 1, tạm gác lại cuộc chiến kéo dài từ gần hai năm qua. Ngày 15/01/2020 tại Nhà Trắng, nguyên thủ Mỹ và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đặt bút ký vào "hiệp định đình chiến" về thương mại. Tổng thống Donald Trump đánh giá đây là một "thỏa thuận lịch sử với Trung Quốc, một bước tiến hướng tới mô hình trao đổi mậu dịch công bằng".
Với công luận trong nước và nhất là thành phần cử tri ủng hộ ông, Donald Trump đã ghi được một bàn thắng quan trọng và rõ rệt nhất là việc ép buộc Trung Quốc mua thêm gần 200 tỉ đô la hàng hóa của Mỹ trong hai năm, 2020 và 2021.
RFI Việt ngữ liên lạc với chuyên gia Jean-François Dufour, giám đốc điều hành DCA - Chine Analyse, cơ quan chuyên cố vấn cho các doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào Trung Quốc. Ông không chút nghi ngờ về thắng lợi của Donald Trump trong ngắn hạn.
"Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn có thể nói Mỹ đã ghi được một bàn thắng vì Bắc Kinh đã có những bước nhượng bộ quan trọng. Cụ thể nhất và cũng là điều dễ đo lường nhất đó là việc Trung Quốc cam kết mua thêm gần 200 tỉ đô la hàng của Mỹ trong năm 2020 và 2021. Điểm đáng chú ý ở đây là trong số các mặt hàng Trung Quốc sẽ mua của Mỹ gồm đương nhiên là có nông phẩm, có năng lượng và nhất là hàng công nghiệp. Hai lĩnh vực công nghiệp của Mỹ được Trung Quốc chiếu cố là công nghiệp sản xuất máy bay và xe hơi. Trung Quốc mua thêm hàng của Mỹ là một thắng lợi của chính quyền Trump. Nhưng nhìn xa hơn thì chúng ta thấy là ở giai đoạn 2, phần thắng rõ ràng là thuộc về phía Bắc Kinh. Mỹ tạm thời từ bỏ mục tiêu đòi Trung Quốc thay đổi cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, như đã biết đây mới chính là cội nguồn dẫn đến cuộc đọ sức song phương từ gần hai năm qua. Mùa xuân 2018 chính quyền Trump đòi Bắc Kinh ngưng trợ cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước, ngưng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Các vấn đề này có được nhắc đến trong văn bản thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng không mang tính ràng buộc. Tất cả những vấn đề nhậy cảm này được gác lại để chờ tới giai đoạn 2 của đàm phám Mỹ-Trung".
Như vậy là Washington gián tiếp công nhận mô hình kinh tế của Trung Quốc mà ở đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong lúc đây là một trong những nguyên nhân được Nhà Trắng nêu lên khi khiêu chiến với Bắc Kinh. Giám đốc cơ quan tư vấn DCA –Chine Analyse phân tích tiếp :
"Mâu thuẫn ở đây là với thỏa thuận vừa ký kết lần này, Hoa Kỳ rõ ràng yêu cầu Nhà nước Trung Quốc cam kết nhập khẩu nhiều hơn nữa hàng của Mỹ. Như vậy có nghĩa là Washington công nhận mô hình kinh tế của Trung Quốc mà ở đó Đảng và Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo. Kim ngạch nhập khẩu do chính quyền Bắc Kinh ấn định chứ không do thị trường định đoạt. Chỉ nội yếu tố này cũng đủ cho thấy Trung Quốc mới thực sự giành phần thắng trong cuộc đọ sức về thương mại lần này. Mỹ đồng ý ngưng đòi Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế và để đổi lại thì Bắc Kinh nhập khẩu thêm hàng Mỹ".
Với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa rồi, tổng thống Trump còn ghi thêm nhiều bàn thắng quan trọng khác. Trước hết ông đặt đối phương, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào thế khó xử. Bởi Washington tiếp tục áp thuế 25 % vào 2/3 hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ và thứ hai là Hoa Vi, con chim đầu đàn trong ngành viễn thông Trung Quốc vẫn trong tầm ngắm của Nhà Trắng. Chính vì hai điểm này, mà một vài tuần lễ trở lại đây, nguyên thủ Trung Quốc không còn hô hào "đương đầu với Mỹ bằng mọi giá" trong lúc báo chí ở Bắc Kinh đã khá kín đáo và thận trọng về thỏa thuận được ký kết tại Washington hôm 15/01/2020.
Thắng lợi không nhỏ khác của chính quyền Trump là Washington đã bắn đi một tín hiệu mạnh với các đối tác và đối thủ thương mại khác của Hoa Kỳ : trật tự thương mại và luật chơi trong lĩnh vực này vẫn trong tay của Mỹ. Ngay cả trước một đối thủ nặng ký như Trung Quốc mà Nhà Trắng còn áp đặt được một số điều - ít ra là về hình thức cho tới thời điểm này, thì phần còn lại của thế giới từ Liên Hiệp Châu Âu đến Nga hay hai quốc gia sát cạnh Hoa Kỳ là Canada và Mêhicô, cũng như hai đồng minh của Mỹ tại Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đều nên cân nhắc kỹ những đòi hỏi Chú Sam.
Dù vậy, đi sâu hơn vào vấn đề, giới phân tích đồng loạt nói tới một "hiệp định ngừng bắn với nhiều lỗ hổng" và tệ hơn nữa, Hoa Kỳ không hề tôn trọng luật cạnh tranh của thị trường, như chuyên gia Jean - François Dufour phân tích :
"Tôi cho rằng, câu hỏi then chốt nằm ở phía Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, mà đó là một điều bình thường, thì liệu rằng Trung Quốc có thể mua thêm vào tới 200 tỉ đô la hàng hóa chỉ của riêng Mỹ trong 2 năm hay không ? Đương nhiên, Trung Quốc cần mua hàng của thế giới, nhưng khi mua thêm 200 tỉ đô la hàng Mỹ, Trung Quốc sẽ phải bỏ rơi một số bạn hàng khác. Thí dụ như mua thêm dầu khí của Mỹ thì Bắc Kinh sẽ lơ là với Nga và các nguồn sản xuất ở Trung Đông. Nông sản Mỹ sẽ lấn át các nhà cung cấp ở Châu Mỹ Latinh, như Brazil. Thế rồi khi cam kết mua thêm hàng công nghiệp của Hoa Kỳ, Bắc Kinh sẽ phần nào quay lưng lại với Châu Âu. Nếu thỏa thuận vừa ký kết hôm 15 tháng Giêng tại Washington được tôn trọng, Châu Âu sẽ thiệt thòi trong vụ này".
Dẫu sao, thỏa thuận mậu dịch tạm thời này cho thấy, tổng thống Trump là một lãnh đạo rất thực tế. Ông đón nhận việc chính quyền Trung Quốc tự ý cam kết mua thêm 200 tỉ đô là hàng Mỹ như một thắng lợi vẻ vang trong cuộc đọ sức với Tập Cận Bình cho dù điều đó đi ngược lại với "tự do thị trường". Khi đưa hai lĩnh vực hàng không và xe hơi vào thỏa thuận với Trung Quốc, Nhà Trắng tìm cách cứu tập đoàn Boeing đang gặp khó khăn và rất cần đến các khách hàng Trung Quốc. Tương tự như vậy, mức độ lệ thuộc của nền công nghiệp xe hơi Mỹ và thị trường rộng lớn nhất thế giới là Trung Quốc ngày càng lớn. Bên cạnh đó, Washington chơi trò "cầm dao đằng chuôi" với Bắc Kinh như giải thích của giám đốc cơ quan tư vấn DCA- Chine Analyse :
"Tôi thấy phía Mỹ đã rất khôn ngoan trong vụ này, nghĩa là vẫn giữ một số phương tiện để duy trì áp lực để tiếp tục điều đình với Trung Quốc. Mỹ vẫn có thể hủy thỏa thuận này bất cứ lúc nào (ít ra là về bề ngoài). Thành thử đây mới chỉ là một "hiệp đình ngừng bắn" chứ chưa thể nói tới hòa ước lâu dài. Tuy nhiên, các bên mất gần hai năm để đạt tới thỏa thuận giai đoạn 1 và ở đây, Trung Quốc đã đem túi tiền ra nhử Mỹ. Nhưng tôi chờ đợi là đàm phán về hồi thứ nhì sẽ gay go hơn nhiều, nhất là khi Washington động chạm đến chính sách trợ giá của Trung Quốc cho các doanh nghiệp, đến vai trò của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, đến phần chuyển giao công nghệ và gắn liền vế kinh tế với an ninh quốc gia. Dù vậy, do bận tranh cử Donald Trump tạm thời ngưng đánh thuế thêm vào hàng Trung Quốc và đẩy tất cả những vấn đề khó khăn nhất sang giai đoạn 2".
Thanh Hà
*********************
Cựu Chủ tịch Interpol người Trung Quốc bị tuyên án tù 13,5 năm vì tham nhũng (RFA, 21/01/2020)
Cựu Chủ tịch Interpol người Trung Quốc, ông Mạnh Hoằng Vĩ, vừa bị một tòa án ở Thiên Tân, Trung Quốc, hôm 21/1, tuyên án 13 năm rưỡi tù vì tội nhận hối lộ. Ngoài ra ông còn bị phạt một số tiền là 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 290.000 đô la Mỹ).
Hình chụp hôm 20/6/2019 và được Tòa Trung cấp số 1 ở Thiên Tân công bố: ông Mạnh Hoằng Vĩ (giữa) trong một phiên tòa wor thành phố Thiên Tân - AFP
Ông Mạnh Hoằng Vĩ là chủ tịch người Trung Quốc đầu tiên của Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Trước đó, ông từng là ủy viên trung ương, thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Tuyên bố của Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 ở Thiên Tân cho biết ông Mạnh, 65 tuổi, đã "thành khẩn thú nhận mọi hành vi phạm tội" và sẽ không kháng cáo.
Theo thông báo, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2017, ông Mạnh đã lạm dụng chức vụ của mình là thứ trưởng Bộ Công an để nhận đút lót lên đến hơn 14 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 2 triệu đô la Mỹ).
Ông Mạnh là một trong các quan chức cấp cao của Trung Quốc bị bắt giữ trong chiến dịch chống tham nhũng thường được biết đến với tên gọi "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hồi tháng 10/2018, vợ ông Mạnh thông báo chồng mình mất tích khi đi về Trung Quốc khi đang giữ chức Chủ tịch Interpol. Sau đó vài ngày, ông Mạnh xin từ chức. Cuối tháng đó, Ủy ban Trung ương về Thanh tra và Kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác nhận ôn Mạnh đã bị tạm giữ để điều tra.
Thủ tướng Phúc tiếp cận tổng thống Mỹ sau khi ông Trump chỉ trích Việt Nam (VOA, 28/06/2019)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 28/6 tiếp cận Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một buổi làm việc vào giờ ăn trưa tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, chỉ hai ngày sau khi ông Trump chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ông Trump hôm 26/6 chỉ trích Việt Nam vì lạm dụng thương mại với Mỹ. (Ảnh chụp từ VTV1)
Hôm 26/6, nhà lãnh đạo Mỹ cáo buộc Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ khi nói rằng "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất" hơn cả Trung Quốc.
Truyền thông chính thống Việt Nam không đăng tải bất cứ thông tin nào về chỉ trích của ông Trump đối với Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu của VOA gửi hôm 27/6 xin bình luận về phát biểu của tổng thống Mỹ.
Tại Osaka hôm 28/6, Thủ tướng Phúc đã tiếp cận ông Trump sau khi tổng thống Mỹ ngồi xuống để bắt đầu một buổi làm việc vào giờ ăn trưa của hội nghị G20, theo phóng viên Nhà Trắng của VOA tháp tùng ông Trump tới dự hội nghị này.
Tổng thống Mỹ lắng nghe trong lúc thủ tướng Việt Nam đứng giải thích điều gì đó với ông qua một người phiên dịch, trong tư thế ngồi và hai tay quàng trước ngực với khuôn mặt nghiêm nghị.
Việt Nam là một trong 8 nước được mời tới dự hội nghị đang diễn ra ở Nhật Bản và theo báo điện tử Chính phủ Việt Nam cho biết hôm 28/6, ông Phúc và ông Trump đã gặp gỡ bên lề hội nghị tại Nhật Bản.
"Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại, năng lượng," theo bản tin của báo Điện tử Chính phủ (VGP News) được đăng kèm với bức ảnh 2 vị nguyên thủ tươi cười giơ ngón tay cái.
*****************
Bộ Ngoại giao lên tiếng về chỉ trích của Trump cáo buộc Việt Nam ‘lạm dụng’ thương mại (VOA, 28/06/2019)
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 28/6 nói rằng Việt Nam muốn phát triển quan hệ thương mại "công bằng" với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc quốc gia Đông Nam Á là đang lạm dụng Mỹ về thương mại "tệ hơn cả Trung Quốc".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump chụp ảnh bên lề Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hôm 28/6. (Twitter @VNGovtPortal)
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói với VOA, qua một email trả lời liên quan tới phản ứng của Việt Nam trước những phát chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng "Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi".
Trả lời phỏng vấn Fox Business hôm 26/6, ông Trump nói Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.
"Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả các nước," ông Trump nói.
Đây là lần đầu tiên ông Trump đưa ra chỉ trích sắc bén nhắm vào Việt Nam về thương mại, một trong những vấn đề hàng đầu trong chủ trương chính sách của ông suốt hơn hai năm rưỡi nắm quyền.
Mức thâm hụt thương mại của mỹ với Việt Nam là 39,5 tỷ USD năm 2018, tăng 3,1% so với năm 2017, theo dữ liệu của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Việt Nam hiện đang thứ 17 trong số những bạn hàng thương mại lớn nhất với Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,9 tỷ USD vào năm ngoái.
Chính quyền Trump đã tăng áp lực để Việt Nam điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khi cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
"Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước," bà Hằng cho VOA biết và nói thêm rằng Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện với Mỹ.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã và đang "thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu" cũng như "cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Hoa Kỳ".
Khi được hỏi liệu có đánh thuế hàng hóa của Việt Nam hay không, Tổng thống Trump nói với người dẫn chương trình của Fox Business hôm 26/6 rằng "chúng tôi đang thảo luận" với Việt Nam nhưng không nói rõ là vấn đề gì.
Trả lời câu hỏi của VOA về việc liệu chính quyền của ông Trump có đang thảo luận với Việt Nam hay không, bà Hằng cho biết "Việt Nam và Hoa Kỳ thường xuyên trao đổi thông qua cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để hình thành chiến lược hợp tác lâu dài và toàn diện, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh".
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh thương mại hiện đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc," tổng thống Mỹ nói hôm 26/6, nhắc tới việc thuế quan của ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến các công xưởng sản xuất dời đi các nơi khác để tránh chi phí gia tăng do bị đánh thuế.
Hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng 38% trong bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng điện tử và máy tính Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng mạnh trong năm nay, cho thấy các công ty Trung Quốc đang tìm cách tránh thuế quan của Mỹ bằng cách tuồn hàng sang Việt Nam để thay bao bì trước khi lại xuất khẩu các mặt hàng đó sang Mỹ. Các quan chức Việt Nam đầu tháng này nói rằng Trung Quốc cố tình dán mác "Made in Vietnam" lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ và yêu cầu các cơ quan kiểm tra gắt gao hơn việc chứng nhận nguồn gốc hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho VOA biết rằng "Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác".
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế với VOA, Việt Nam cần khẩn trương giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, công bố sách trắng về xuất khẩu, và quan trọng nhất là chặn đứng ngay việc một số hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc dán mác Việt Nam để củng cố lòng tin từ phía Hoa Kỳ sau tuyên bố chỉ trích Việt Nam của Tổng thống Trump.
******************
Hôm 27/6, thị trường chứng khoán Việt Nam VN Index rớt giá gần 1,7% ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại, cáo buộc nước này đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ, theo hãng tin Bloomberg.
Vào cuối ngày 27/6/2019, trang Bloomberg loan tin chỉ số VN Index giảm 16.02 điểm, sụt 1,67%.
Bloomberg nói rằng đây là lần sụt giảm đến mức thấp nhất của VN-Index kể từ ngày 12/2/2019 cho đến nay.
Trang VnExpress cũng chạy tít là "VN-Index giảm hơn 16 điểm", nhưng không nói rõ lý do, chỉ nói rằng : "lực bán bất ngờ gia tăng trong khi dòng tiền bắt đáy không đủ sức hấp thụ".
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business hôm 26/6, ông Trump nêu nhận định về một loạt vấn đề kinh tế, vài tiếng trước khi ông lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị của Nhóm 20 cường quốc kinh tế.
"Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc", tổng thống nói, nhắc tới việc thuế quan của ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến các công xưởng sản xuất dời đi các nơi khác để tránh chi phí gia tăng.
Khi được hỏi ông có muốn đánh thuế lên Việt Nam hay không, ông không phủ nhận và cho biết Mỹ "đang thảo luận" với Việt Nam, nhưng không nói rõ là về vấn đề gì, và nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh : "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người".
Ông Trump thường xuyên than phiền về thâm hụt mậu dịch của Mỹ và đang áp đặt những biện pháp quyết liệt hơn để điều chỉnh điều mà ông xem là sự mất cân bằng thương mại, trong đó có Việt Nam.
Bloomberg cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức về bình luận này.
Theo quan sát của VOA, truyền thông Việt Nam trong ngày qua cũng không đề cập đến phát biểu chỉ trích Việt Nam của ông Trump.
Các chuyên gia kinh tế nói với VOA rằng tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng hôm 26/6 chứng tỏ rằng thương chiến Mỹ - Trung đang tiếp tục căng thẳng và bây giờ đến lượt Việt Nam là mục tiêu trong việc tăng thuế suất tiếp theo dưới chính sách thương mại của ông Trump.
Từ Florida, Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí nói :
"Quá bất lợi ! Tôi không ngờ ông ấy lại lôi Việt Nam ra mà nói mạnh như vậy.
"Hoa Kỳ đặt Việt Nam sau Trung Quốc về địch thủ trong chiến tranh thương mại. Phía Mỹ nêu ra vấn đề này thì sẽ cản trở mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay cũng như việc hướng đến quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam".
Từ California, tiến sĩ Lê Minh Nguyên nhận định :
"Khi ông Trump nói như thế tôi nghĩ rằng ông đặt vấn đề xem Việt Nam có ý lợi dụng hệ thống của Hoa Kỳ để tiếp tay với Trung Quốc.
"Ông Trump là người nói thẳng. Từ lúc lên nắm quyền cho tới nay, anh có tính giơ cao đánh khẽ, nghĩa là bước đầu ông dọa nạt, đánh phủ đầu, sau đó thì tìm một thương ước hay một thỏa thuận để có lợi cho Hoa Kỳ, nhằm gây áp lực với những nước cộng sản như Trung Quốc hay Việt Nam, buộc họ phải thay đổi cấu trúc mới giải quyết được vấn đề, tức là các nền kinh tế phải tương đồng.
"Tôi cho rằng vi phạm của Việt Nam là nghiêm trọng, và những vi phạm này cũng dễ thấy, không cần tin tình báo cũng biết được : đó là nhiều công ty Trung Quốc sang Việt Nam và dùng Made in Vietnam để đưa hàng sang Hoa Kỳ. Ông Trump nhận xét như vậy là quá đúng, nhưng để giải quyết vấn đề này thì rất phức tạp".
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí cho biết thêm :
"Việc hàng Trung Quốc sang và gắn mác hàng Việt Nam là điều mà người Mỹ lo ngại nhất".
Chính quyền Trump đã tăng áp lực để Việt Nam điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khi cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tiếp tục gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, lên tới mức 39,5 tỉ đôla trong năm 2018 theo thống kê về ngoại thương của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ.
Dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ công bố vào đầu tháng 6 cho thấy thuế quan của Mỹ đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại của ông Trump.
Theo CNN, hàng nhập khẩu Mỹ từ Việt Nam tăng 38% trong 4 tháng đầu năm 2019 so với cùng kì năm ngoái, trong khi đó Tổng Cục Hải Quan Việt Nam cho biết trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam chi tới gần 30 tỷ đôla để nhập hàng hóa từ Trung Quốc, tăng12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Từ California, nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nói với VOA rằng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có bao gồm hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc là ‘điều đã quá rõ ràng’.
Ông Nghĩa nói rằng mặc dù Tổng thống Donald Trump hay tuyên bố lung tung, nhưng việc ông nói đến tên Việt Nam trong một chương trình chuyên về kinh tế như vậy có nghĩa là ông đã được cấp dưới thông báo và cập nhật về tình hình giao thương của Việt Nam với Mỹ.
"Ông ấy muốn răn đe Việt Nam là ông ấy đang nghĩ đến việc đó", ông Nghĩa nói và cho biết phía Mỹ ‘đã bỏ qua việc Việt Nam là nước thao túng tiền tệ rồi’ nên trong vấn đề này nếu Việt Nam không giải quyết cho rõ ‘thì sẽ bị thiệt hại rất nặng’.
"Trong 11 tháng chiến tranh thương mại vừa rồi, nhiều người Việt Nam nghĩ rằng có thể lợi dụng được tình hình", ông giải thích. "Họ dán nhãn ‘Made in Vietnam’ lên hàng Trung Quốc để bán sang Hoa Kỳ".
"Số lượng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ gia tăng dữ dội trong vòng 5, 6 tháng đầu năm. Họ (người Mỹ) biết hết. Họ khui ra hết. Việt Nam nếu không giải quyết chuyện này thì nghĩa là lợi bất cập hại", ông nói thêm.
Theo ông Nghĩa thì mặc dù Chính phủ Việt Nam không có chủ trương như vậy nhưng lại không kiểm soát để các cơ sở kinh doanh có hành vi thương mại như thế.
Khi được hỏi lời phàn nàn của ông Trump như vậy là nhắm vào thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ hay nhắm vào việc Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc lách thuế của Mỹ, ông Nghĩa nói : "Thặng dư thì còn có thể thảo luận được. Nhưng nếu trong thặng dư đó có một phần lớn là thặng dư của Trung Quốc ngụy trang thành hàng Việt Nam thì tức là toa rập với Trung Quốc để lừa nước Mỹ thì sẽ rất có hại cho Việt Nam".
***************
Việt Nam 'nên cải tổ nền kinh tế' để tạo lòng tin với Mỹ (VOA, 28/06/2019)
Các chuyên gia kinh tế nói với VOA rằng Việt Nam cần khẩn trương giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, công bố sách trắng về xuất khẩu, và quan trọng nhất là chặn đứng ngay việc một số hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc dán mác Việt Nam để củng cố lòng tin từ phía Hoa Kỳ sau tuyên bố chỉ trích Việt Nam của Tổng Thống Donald Trump hôm 26/6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị Osaka 2019
Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí ở bang Florida nói :
"Các hãng sản xuất Việt Nam xuất hàng sang Mỹ thì không sao, nhưng hàng Trung Quốc chuyển sang Việt Nam như công ty Asanzo rồi sang Mỹ thì họ không đồng ý. Mỹ đã biết chuyện Asanzo từ mấy tháng rồi, mà Việt Nam mới khám phá ra thôi. Việt Nam phải chặn và kiểm soát gắt gao những chuyện tương tự như Asanzo, mà theo tôi biết có cả chục hãng đã làm như vậy.
"Họ có danh sách hết cả vì văn phòng thương mại Hoa Kỳ đã điều tra và đã lập danh sách về Việt Nam".
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí nói thêm rằng để phản ứng lại chỉ trích của Tổng thống Trump, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn một sách trắng (white book) về số lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 5 năm qua, trong đó giải thích rõ tính cách gia công trong các hàng xuất cảng điện tử chẳng hạn, thí dụ rõ nhất là điện thoại Samsung, giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ là 5-10%. Qua đó sẽ cho thấy giá trị thực hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ thấp hơn con số đã công bố nhiều.
"Điểm này rất ít các chuyên viên bên Mỹ biết đến, đừng nói gì là nhà chính trị như ông Trump", theo lý giải của ông Phạm Đỗ Chí gửi cho VOA qua email tối ngày 26/6.
"Việt Nam nên sẵn sàng với các tài liệu này khi đàm phán chính thức với Mỹ về các biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam", ông Chí viết thêm.
Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí đề xuất :
Việt Nam nên tuyên bố có chương trình cụ thể nhập cảng thêm một số hàng hóa của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam : Mua máy bay Boeing cho các hãng hàng không mới lập, nhất là nhấn mạnh cho việc sửa soạn lập đường bay thẳng sang Mỹ ; Mua thêm xe hơi Mỹ và giảm thuế nhập khẩu, mua sắm các dụng cụ y tế cao cấp của Mỹ…
Khuyến khích sinh viên sang du học và nghiên cứu sau đại học ở Mỹ, thay vào "lỗ hổng" của sinh viên Trung Quốc mà Mỹ đang chặn lại.
Việc làm thật sự để tránh một cuộc thương chiến mới do Mỹ đặt ra, là cải tổ nền kinh tế thị trường ở Việt Nam một cách thật sự và sâu rộng, nâng cao khu vực tư nhân , khuyến khích khởi nghiệp với công nghệ cao từ Mỹ, cải tổ hệ thống ngân hàng tư nhân,...
Nâng cao việc kiểm soát và tôn trọng sở hữu trí tuệ với Mỹ
Duyệt lại chính sách FDI một cách chọn lọc hơn, khuyến khích các hãng Hoa Kỳ có kết nối với việc phát triển công nghệ Việt Nam
Sau cùng và quan trọng nhất là chú trọng đến việc thiết lập chính sách đối tác chiến lược và toàn diện với Mỹ, là mục tiêu chính yếu của cuộc thăm viếng Mỹ đang chờ đợi của lãnh đạo Việt Nam trong vài tháng tới.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí nhận định : "Việt Nam đang ở vào thế vô cùng thuận lợi với Mỹ trong kế hoạch lưu thông hàng hải tự do ở Biển Đông, mà Mỹ và các đồng minh trong khối Ấn Độ-Thái Bình Dương đang muốn tăng cường thiết lập và bảo vệ. Việc này sẽ bảo vệ an ninh quân sự và chính trị của Việt Nam : mục tiêu mong mỏi bất chiến tự nhiên thành !"
Ông khuyên rằng đừng để mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là chuyện nhỏ nhưng gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược đối tác đang được mong đợi.
Tương tự như đề xuất của Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên ở bang California khuyên rằng trong ngắn hạn Việt Nam nên mở thêm thị trường cho hàng hóa Mỹ và về dài hạn Việt Nam nên thay đổi cơ chế kinh tế :
"Phải mở thêm thị trường Việt Nam cho hàng hóa Mỹ, như xe hơi Mỹ chẳng hạn, thị trường tài chính tiền tệ, thanh toán điện tử…
"Muốn cải thiện sự đe dọa của Tổng thống Trump thì Việt Nam phải có một nền thương mại công bằng, ngưng trợ cấp tài chính cho các doanh nghiệp quốc doanh.
"Việt Nam phải làm sao đừng để cho Hoa Kỳ thấy rằng mình là bàn tay nối dài của Trung Quốc thông qua các công ty Trung Quốc hoạt động trá hình ở Việt Nam".
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California đưa ra lời khuyên rằng để giải tỏa quan ngại của Mỹ thì phía Việt Nam nên để cho Mỹ đặt nhân sự tại các hải cảng của Việt Nam để kiểm tra các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ngay từ gốc để đảm bảo rằng đó là những sản phẩm ‘Made in Vietnam’ theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Ông cho biết Việt Nam và Mỹ ‘đang nói chuyện với nhau’ về cán cân thương mại và trong vụ việc này, ‘Việt Nam phải tỏ rõ thiện chí’.
"Tòa Đại sứ Việt Nam, tham tán thương mại của Việt Nam phải tìm cách liên lạc (với phía Mỹ) và giải thích", ông nói. "Phải xác nhận là có trường hợp như thế và chúng tôi đang tìm cách kiểm soát".
"Nguyên vật liệu nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, sau đó lại xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ. Vậy tỷ trọng những sản phẩm ‘Made in Vietnam’ có bao nhiêu phần trăm là Việt Nam đóng góp", ông nói và cho rằng Việt Nam phải làm rõ ràng vấn đề này với Mỹ.
Khi được hỏi khi Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay, thì tỷ trọng đóng góp của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm trong hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ thì Mỹ sẽ chấp nhận được, ông Nghĩa dẫn ra hiệp định thương mại tự do mới vừa ký kết giữa Mỹ, Canada và Mexico quy định mức ‘70% sản phẩm xuất phát từ thị trường xuất khẩu’.
"Mỹ không muốn hai nước láng giềng của Mỹ mua hàng Trung Quốc rồi bán vào Mỹ với dãn nhác mác của Canada và Mexico", ông giải thích.
Về thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ, ông Nghĩa cho rằng ‘Việt Nam đạt được xuất siêu bao nhiêu với Hoa Kỳ thì nhập siêu bấy nhiêu với Trung Quốc’ và rằng ‘hiện tượng này đã kéo dài từ lâu’.
"Lãnh đạo Việt Nam phải giải thích rõ ràng là làm sao có thặng dư thương mại và có thể mua một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn để cân bằng mậu dịch", ông khuyên.
Về lâu dài, ông khuyến cáo Việt Nam không nên đi theo con đường của Trung Quốc sản xuất ‘toàn hàng rẻ tiền’ hay tập trung vào đầu tư của Trung Quốc mà ông cho rằng ‘toàn dùng công nghệ tồi tệ, thiết bị lạc hậu’ mà phải chuyển sang sản xuất với trình độ công nghệ cao với sự đầu tư từ Nhật Bản để xuất khẩu các hàng hóa có giá trị cao hơn sang Mỹ và Tây Âu.
Trả lời câu hỏi tác động của việc Mỹ áp thuế cùng lúc với hàng tiêu dùng từ cả Trung Quốc và Việt Nam, ông Nghĩa cho rằng mặc dù người tiêu dùng Mỹ phải chịu giá hàng hóa đắt hơn ‘nhưng so với việc Việt Nam bị đánh thuế vì ăn gian thì cũng phải cân nhắc’.
"Không ai muốn chuyện này, nhưng khi nhìn thấy sự gian lận đó thì người ta (người tiêu dùng Mỹ) cũng phải chấp nhận", ông nói thêm và cho biết ‘còn nhiều nơi sản xuất hàng rẻ tiền như thế chứ không phải chỉ Việt Nam, Trung Quốc không thôi’.
"Có thể (chính quyền Mỹ) đã suy nghĩ về chuyện đó (đánh thuế Việt Nam) rồi nên ông Trump mới nói".
Ông Nghĩa cũng cho rằng hiệp định mậu dịch tự do mà Việt Nam sắp ký kết với Liên minh Châu Âu ‘chưa giúp được’ cho Việt Nam bù trừ cho thiệt hại từ thị trường Mỹ nếu Việt Nam bị áp thuế.
"Lãnh đạo Việt Nam phải cho thấy rõ ràng họ quyết tâm ngăn chặn thì may ra còn có thể đỡ được", ông nói. "Nếu không sẽ bị vạ lây".
****************
Vì sao Việt Nam có nguy cơ trong tầm ngắm của bộ Tài Chính Mỹ ? (RFI, 27/06/2019)
Thương chiến Mỹ - Trung đang làm thay đổi các cách thức trao đổi mậu dịch giữa Mỹ và Châu Á. Việc Hoa Kỳ tăng mức áp thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc làm gia tăng hiện tượng di dời nhà xưởng sang Việt Nam. Hệ quả là hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng vọt và thâm thủng mậu dịch của Mỹ với nước này cũng tăng theo.
Xưởng may Maxport tại tỉnh Thái Bình, Việt Nam, ngày 13/06/2019.Reuters/Kham/File Photo
Ông Jean-Raphaël Chaponnière, chuyên gia kinh tế Trung Tâm Châu Á, trên trang mạng Asialyst, lưu ý, bộ Tài Chính Mỹ đang theo dõi sát mọi biến chuyển tại Việt Nam.
Làn sóng di dời nhà xưởng
Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị sụt giảm. Thâm hụt mậu dịch giữa Washington với Bắc Kinh giảm 8% tức khoảng 113 tỷ đô la, trong khi mà bản thân tổng mức thâm hụt hầu như không thay đổi – nằm trong khoảng 347 và 349 tỷ đô la.
Theo giải thích của ông Chaponnière, mức giảm thâm thủng của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã được bù bằng mức tăng thâm hụt của Mỹ với các nước Châu Á khác. Với 16,8 tỷ đô la trong giai đoạn từ tháng Giêng cho đến tháng Tư 2019, thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt Nam đứng hàng thứ hai tại Châu Á, sau Trung Quốc và đứng hàng thứ 6 trên thế giới. Nếu như Hoa Kỳ thực thi các đe dọa áp thuế chống Trung Quốc, nhập siêu của Mỹ đối với Việt Nam trong năm 2019 này rất có thể vượt quá 50 tỷ đô la.
Xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc còn thúc đẩy nhanh hơn nữa làn sóng di dời nhà xưởng, được khởi động do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên. Các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều chọn lựa. Hoặc họ tiến hành tự động hóa ; hoặc họ đến lập doanh nghiệp tại các tỉnh phía tây đất nước, ở đó, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện và có mức lương thấp hơn ; hoặc họ di dời sang các nước khác.
Theo một điều tra được thực hiện cuối năm 2017 tại 640 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nhẹ ở phía nam Quảng Đông, phần đông các doanh nghiệp này dự kiến tự động hóa dây chuyền sản xuất, một số ít (6% trong ngành may mặc và 12% trong ngành đóng giày) là nghĩ đến việc ra khỏi vùng duyên hải, và một nửa trong nhóm thiểu số này nhắm đến di dời nhà xưởng ra nước ngoài.
Đương nhiên, làn sóng di chuyển nhà xưởng đã tăng nhanh sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 25% nhắm vào 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc, bao gồm một phần lớn hàng hóa do hãng Wall Mart phân phối tại Mỹ.
Việt Nam : Quốc gia hưởng lợi từ cuộc thương chiến ?
Việt Nam là quốc gia thu hút các doanh nghiệp rời Trung Quốc nhiều nhất. Dòng di chuyển nhà xưởng giải thích vì sao xuất khẩu Việt Nam tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2010 – 2018. Hiện tại, xuất khẩu Việt Nam tương đương 110% tổng sản phẩm nội địa.
Làn sóng này bắt đầu trong những năm 2000 khi xảy ra căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo. Sự kiện khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi ấy buộc phải áp dụng một chiến lược mà hãng tài chính lớn của Nhật Nomuara đặt tên là "China one plus". Nghĩa là đầu tư ở Trung Quốc và tại một nước khác, tránh tình trạng "để tất cả trứng trong cùng một rổ". Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam và họ đôi khi dựng xí nghiệp ở miền Bắc để dễ bề xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo chân Nhật Bản là Hàn Quốc. Năm 2019, hơn 7000 doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng khoảng 700 ngàn lao động Việt Nam. Mức lương trung bình của nhân công Việt Nam là 3800 đô la/năm, rẻ hơn ba lần so với tại Trung Quốc. Những doanh nghiệp này chiếm đến gần 1/3 tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất. Tập đoàn này cho lắp ráp tại Việt Nam đến một nửa trong số 300 triệu chiếc điện thoại Galaxy bán ra trên thế giới và thu hút nhiều nhà thầu phụ khác. Tương tự, hãng LG cũng đang đóng cửa nhà xưởng ở Pyeongtaek và mở rộng khu xưởng ở Hải Phòng, nơi này lắp ráp 11 triệu chiếc điện thoại thông minh.
Có thể nói từ năm 2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, trước Nhật Bản và bỏ xa cả Trung Quốc. Dù vậy, trong khoảng từ tháng Giêng và tháng 5/2019, đầu tư của Trung Quốc đã tăng gấp năm lần và họ đã qua mặt Hàn Quốc bằng cách gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Phân tích các số liệu nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ cho thấy là các sản phẩm bị liên lụy bởi thông báo tăng thuế hải quan đã tăng thêm 34%, tăng nhanh hơn các sản phẩm thuộc những chủng loại khác đến ba lần. Hậu quả : Thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đã tăng vọt và kể từ giờ hàm chứa một rủi ro cho Hà Nội.
Trong tầm ngắm của bộ Tài chính Mỹ
Từ những năm 1990, cứ mỗi sáu tháng, bộ Tài Chính Mỹ công bố một báo cáo về chính sách trao đổi của những đối tác thương mại chủ yếu của Mỹ. Mục đích là để xác định xem những nước này có thao túng tỷ giá hối đoái hay không để củng cố tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của họ vào thị trường Mỹ.
Tài liệu này phân tích những nước nào có được thặng dư mậu dịch ít nhất là 20 tỷ đô la đối với Mỹ. Nhất là, bộ Tài Chính giám sát những nước nào mà cán cân tài khoản vãng lai vượt quá 3% GDP của họ và đồng tiền bị giảm giá so với đồng đô la Mỹ.
Đối với những quốc gia này, bộ Tài Chính xem xét đến chính sách can thiệp của các ngân hàng trung ương để thu mua đô la nhằm tránh cho đồng tiền nội tệ bị tăng giá so với đồng đô la. Nếu như số tiền tích trữ được trong năm nhờ vào những biện pháp can thiệp từ các ngân hàng trung ương của những nước có liên quan vượt quá 2% GDP của những nước đó, bộ Tài chính Mỹ có thể suy ra rằng có nhiều xác suất thao túng đồng tiền. Cuối cùng, nếu như báo cáo đi đến kết luận này, hành pháp của Mỹ được phép đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại quốc gia bị cáo buộc thao túng tiền tệ.
Trung Quốc từ lâu là mục tiêu chính trong những báo cáo của bộ Tài Chính. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama chưa bao giờ kết luận Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ. Bất chấp các cáo buộc của ứng viên Donald Trump, không một báo cáo nào được công bố kể từ khi ông Donald Trump đắc cử đi đến một kết luận như vậy, kể cả trong báo cáo hồi tháng 5/2019 mới đây.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc từng bị trượt giá đến 10% so với đồng đô la năm 2018, xóa tan tác động của việc tăng thuế nhập khẩu. Xu hướng này đang tiếp diễn trong năm nay đến mức ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi lấy một đô la rất có thể bị vượt qua.
Thế nhưng, báo cáo mới nhất của bộ Tài Chính đã đưa thêm nhiều nước Châu Á mới : Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam. Khi ghi nhận cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam tăng lên và có khả năng vượt 5% PIB trong năm 2018, báo cáo lưu ý rằng mặc dù đã áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt trong năm 2016, nhưng tỉ giá của đồng Việt Nam so với đô la thay đổi rất ít bởi vì Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã nhiều lần can thiệp vào thị trường hối đoái nhằm giữ cho đồng nội tệ không tăng giá.
Nếu như Việt Nam nằm trong tầm ngắm của bộ Tài Chính Mỹ, nước này vẫn chưa làm cho ông Donald Trump nổi dóa. Tuy nhiên, trong một dòng tweet, tổng thống Mỹ lưu ý : "Rất nhiều doanh nghiệp rời Trung Quốc sang Việt Nam hay nhiều nước khác. Chính vì thế Trung Quốc muốn có một thỏa thuận".
Tác giả cảnh báo : Nếu như những trông đợi của tổng thống Mỹ không đạt được tại thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka trong hai ngày 28 và 29 tháng 6/2019, chủ nhân Nhà Trắng có nguy cơ đổi ý đối với Việt Nam !
RFI tiếng Việt
******************
Hàng tỉ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc chịu thuế quan của Mỹ trong chiến tranh thương mại giữa hai nước đang đi đường vòng vào Mỹ qua ngả các nước khác ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, theo dữ liệu của Việt Nam được báo Wall Street Journal loan tải hôm thứ Tư.
Trong năm tháng đầu năm nay, hàng điện tử, máy tính, máy móc và các thiết bị khác xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng mạnh so với một năm trước đó. Đồng thời những hàng hóa đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng tăng, tờ Journal dẫn số liệu thương mại do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố cho biết.
Cụ thể, máy tính và hàng điện tử của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 71,6 phần trăm trong năm tháng đầu năm nay lên 1,8 tỉ đôla, hơn gấp năm lần so với tốc độ xuất khẩu các sản phẩm như vậy trên toàn thế giới. Trong cùng giai đoạn này, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong danh mục này tăng 80,8 phần trăm lên 5,1 tỉ đôla, gấp bốn lần tốc độ được ghi nhận cho toàn thế giới, dữ liệu của Việt Nam cho thấy.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, máy móc và thiết bị từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 54,4 phần trăm so với năm trước lên 1,7 tỉ đôla, so với mức tăng 6,7 phần trăm toàn cầu, theo dữ liệu. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian tăng 29,2 phần trăm lên 5,7 tỉ đôla, gấp khoảng hai lần tốc độ được báo cáo đối với hàng nhập khẩu trên toàn thế giới.
Tờ Journal cũng ghi nhận những xu hướng thương mại tương tự ở Đài Loan, một nước xuất khẩu công nghệ lớn.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hơn một năm qua đã tìm cách loại bỏ tập tục được gọi là trung chuyển (transshipment), trong đó hàng xuất khẩu của Trung Quốc thường được gia công hoặc thay đổi ở mức tối thiểu trong một lần dừng ngắn ở một cảng thứ ba và sau đó tái xuất khẩu dưới dạng sản phẩm có nguồn gốc từ cảng thứ ba.
Tờ Journal dẫn lời một phát ngôn viên của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết cơ quan đã xác định việc trung chuyển bất hợp pháp hàng hóa Trung Quốc qua một số quốc gia, chỉ ra các trường hợp trong những tháng gần đây tại Việt Nam, Malaysia và Philippines. Bà nói cơ quan này sẽ tiếp tục theo đuổi hành động né tránh thuế quan như vậy.
Không lâu sau khi tờ Journal loan tin, ông Trump đả kích Việt Nam bằng những lời lẽ gay gắt trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business.
"Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc", tổng thống nói. "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người".
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa hồi đáp ngay tức thì yêu cầu của VOA bình luận về những phát biểu của ông Trump.
Tin tức này cũng xuất hiện trong bối cảnh một doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất "hàng Việt Nam chất lượng cao" ở Việt Nam bị phát giác nhập khẩu các bộ phận và linh kiện từ Trung Quốc và sau đó bóc tem xuất xứ để thay bằng nhãn "Made In Vietnam", theo một cuộc điều tra của báo Tuổi Trẻ.
Truyền thông trong nước cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là đã yêu cầu các bộ và các cơ quan kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan tới Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo và báo cáo kết quả trước ngày 30 tháng 7.
"Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lí nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói vào thứ Năm tuần trước, nói thêm rằng Tổng cục Hải quan Việt Nam đang có những bước đi cụ thể để ngăn chặn hành vi này.
Ông Phúc sẽ đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Không rõ ông có định gặp gỡ ông Trump bên lề sự kiện này hay không và liệu những vấn đề thương mại có được nêu ra hay không.
Dữ liệu ngoại thương của Mỹ cho thấy thuế quan đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại của ông Trump.
Vào tháng 5 năm 2018, Mỹ đánh thuế hơn 250 phần trăm lên một số mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam sau khi kết luận rằng chúng chứa "một phần đáng kể" thép Trung Quốc.
Mỹ đã áp đặt thuế quan 25 phần trăm lên 200 tỉ đôla giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc và đang chuẩn bị áp thêm thuế quan lên thêm 300 tỉ đôla giá trị hàng hóa nữa, từ đồ chơi cho tới đồ điện tử, về cơ bản là bao trùm hết toàn bộ thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
https://youtu.be/HZ04FfGd7CQ?list=PL231429C17BE39E34
Mỹ-EU sát cánh tại WTO về vấn đề Trung Quốc (VOA, 09/04/2019)
Lãnh đạo Châu Âu trước đây không đặt nặng vấn đề với chính sách thương mại Trung Quốc đủ tầm mức như lẽ ra họ nên làm, nhưng Hoa Kỳ và liên hiệp Châu Âu giờ đây đang làm việc sát cánh với nhau tại Tổ chức Thương mại Thế giới xoay quanh các chính sách kinh tế phi thị trường của Trung Quốc, giới chức thương mại hàng đầu của Mỹ, Clete Willems, cho biết ngày 8/4.
Một chiếc túi LV giả được mua từ một trang mạng của Trung Quốc được phơi bày trước báo giới bên ngoài một cửa hiệu Louis Vuitton tại Maryland, Mỹ.
Nguồn tin này cho hay Hoa Kỳ và EU muốn làm việc với nhau trên các dự án chung cung cấp những giải pháp thị trường thay thế cho các sáng kiến do nhà nước dẫn đầu vốn có nhiều rào cản ràng buộc.
Trong tháng này, Trung Quốc tổ chức thượng đỉnh lần hai cho sáng kiến Vành đai Con đường với viễn kiến kết nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu, và hơn thế nữa với chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng nhưng Mỹ không gửi giới chức cấp cao tham dự sự kiện này.
Washington nói họ xem sáng kiến này là cách bành trướng sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ra hải ngoại và tăng gánh nặng nợ nần không bền vững cho các nước thu nhập thấp.
******************
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung : Có tiến bộ nhưng còn chông gai (VOA, 09/04/2019)
Giới chức Hoa Kỳ "chưa hài lòng" về tất cả mọi vấn đề đang tồn đọng trên con đường tiến tới một thỏa thuận chấm dứt thương chiến Mỹ-Trung dù có đạt tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc hồi tuần trước, một giới chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho Reuters biết ngày 8/4.
Thành viên phái đoàn thương mại Mỹ Clete Willems rời khách sạn để đến họp với giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 13/2/19.
Mỹ và Trung Quốc rơi vào cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng từ tháng 7 năm ngoái, làm ảnh hưởng tới các thị trường tài chính toàn cầu và các chuỗi cung ứng thế giới, gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hàng tỷ đô la.
Mỹ đang hối thúc Trung Quốc thay đổi để giải quyết những quan ngại lâu nay về việc Bắc Kinh trợ cấp công nghiệp, buộc doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ và lơi lỏng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hai bên kết thúc vòng đàm phán mới nhất tại Washington vào tuần trước và sẽ nối lại các cuộc thảo luận trong tuần này.
"Chúng tôi đang đạt tiến bộ trong nhiều vấn đề và có nhiều chuyện chúng tôi chưa hài lòng", ông Clete Willems, giới chức thương mại hàng đầu của Tòa Bạch Ốc, cho biết.
Ông không nêu cụ thể những vấn đề chưa được giải tỏa.
Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ đã nhất trí về một cơ cấu thực thi mà qua đó Washington có quyền trả đũa Bắc Kinh nếu Trung Quốc không tôn trọng những điều khoản trong thỏa thuận.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo có thể đôi bên sẽ đạt được một thuận trong vòng 1 tháng tới.
*****************
Mỹ đề xuất áp thuế lên 11 tỷ đô la hàng EU (BBC, 09/04/2019)
Mỹ đang xem xét áp thêm thuế lên hàng hóa trị giá khoảng 11 tỷ đô la từ Liên Hiệp Châu Âu để đáp trả các khoản trợ cấp của EU cho Airbus.
Các mặt hàng từ rượu, phô mai đến máy bay của EU có thể bị Mỹ đánh thêm thuế (Ảnh minh họa)
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhận định rằng các khoản trợ cấp này có tác động xấu đến Mỹ.
EU và Mỹ đã kiện lẫn nhau trong hơn một thập kỷ qua về việc hai bên viện trợ bất hợp pháp cho các hãng máy bay Boeing và Airbus nhằm giành lợi thế trong kinh doanh máy bay trên toàn cầu.
Máy bay và phô mai là một trong những sản phẩm có thể bị áp thuế, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết.
Chính quyền Trump đã 'chiến đấu' trên nhiều mặt trận thương mại trong thời gian qua.
Động thái này sẽ đánh dấu sự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU.
USTR cho biết giá trị của hàng hóa dự kiến bị áp thuế sẽ được WTO xem xét và dự kiến đưa ra quyết định trong một vài tháng tới.
Một danh sách sơ bộ các hàng hóa dự kiến bị đánh thuế đã được ban hành để tham khảo ý kiến công chúng, bao gồm một loạt các mặt hàng, từ máy bay trực thăng đến rượu vang.
"Vụ việc đã được xem xét về pháp lý trong 14 năm qua và đã đến lúc phải hành động. Chúng tôi đang chuẩn bị để phản ứng ngay lập tức khi WTO đưa ra kết luận về các biện pháp đối phó của Mỹ", Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt được thỏa thuận với EU để chấm dứt tất cả các khoản trợ cấp không phù hợp đối với máy bay dân dụng lớn. Khi EU chấm dứt các khoản trợ cấp có hại này, Mỹ có thể dỡ bỏ các khoản thuế bổ sung".
Chuyện gì đã xảy ra ?
Gói thuế quan mới mà Hoa Kỳ đề xuất có thể được áp dụng cùng với các mức thuế hiện có đối với các sản phẩm Châu Âu.
Năm ngoái, Mỹ đã bắt đầu thu thuế đối với việc thép và nhôm nhập khẩu từ các đồng minh quan trọng bao gồm EU.
EU đã áp dụng mức thuế trả đũa đối với hàng hóa trị giá 2,8 tỷ euro của Mỹ vào tháng 6 đối với các sản phẩm như rượu whisky, bourbon, xe máy và nước cam.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU, nếu cả hai bên không thể đạt được thỏa thuận thương mại.
Mỹ hiện đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng các gói thuế quan mà hai nước đánh lên hàng hóa của nhau đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Thương mại : Donald Trump lạc quan, Tập Cận Bình kêu gọi sớm ký kết thỏa thuận (RFI, 05/04/2019)
Tại Washington, các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày hôm nay 05/04/2019 trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 9, nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), Nhà Trắng, Washington, ngày 04/04/2019 - Reuters/Jonathan Ernst
Trong khi đó, tại thủ đô hai nước, có rất nhiều phát biểu được đưa ra trong những giờ qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông lạc quan và một lần nữa nói rằng nếu hai bên đạt được "thỏa thuận", cuộc họp thượng đỉnh với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ được tổ chức vào tháng 05/2019. Còn ông Tập kêu gọi "nhanh chóng hoàn tất thương lượng".
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI cho biết chi tiết :
"Bắc Kinh nóng lòng chấm dứt chiến tranh thương mại và trên điện thoại thông minh, Tân Hoa Xã cũng chạy nhiều tin khẩn vào buổi sáng hôm nay, ngày nghỉ, lễ Thanh Minh tại Trung Quốc.
Những bức ảnh chụp các container hàng tại các cảng đang "rậm rịch" khởi hành, những ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ của Trung Quốc lồng vào những ngôi sao trắng bên nền cờ xanh của Hoa Kỳ… Phó thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được "đồng thuận mới" về tài liệu đang thương lượng. Ông cũng truyền tải thông điệp của nhân vật số một Trung Hoa. Chủ tịch Tập Cận Bình viết : "Tôi hy vọng rằng phái đoàn của hai nước có thể sẽ ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
Bắc Kinh muốn đẩy nhanh nhịp độ. Hiện giờ, ai cũng nói về sự "trọn vẹn và hoàn hảo", như khi người Trung Quốc nói về con số 10. Sau 9 vòng đàm phán, việc ký kết thỏa thuận trong vòng đàm phán thứ 10 được coi là sự hoàn tất.
Trung Quốc muốn ấn định ngày hẹn sắp tới giữa Tập Cận Bình và Donald Trump tại Hoa Kỳ, để hoàn thành nhanh nhất nội dung văn bản thỏa thuận trong tương lai. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hôm nay cho biết một số điểm quan trọng vẫn đang bế tắc, chẳng hạn về "sở hữu trí tuệ".
Thùy Dương
*****************
Tổng thống Donald Trump hôm 4/4 lên tiếng về số tiền mà các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nga chi cho sản xuất vũ khí, nhất là vũ khí hạt nhân, đồng thời gợi ý rằng số tiền đó nên chi vào chuyện khác.
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ở Phòng Bầu dục, ông Trump nêu lên ý tưởng về việc theo đuổi một thỏa thuận tiềm năng với Trung Quốc, trong đó có phần đề cập tới vấn đề chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí, theo Reuters.
"Trung Quốc đang chi tiêu nhiều tiên vào quân sự. Chúng tôi và Nga cũng vậy. Tôi nghĩ rằng ba nước có thể cùng ngừng chi tiêu và chi vào những thứ có thể có hiệu quả hơn đối với hòa bình lâu dài", ông Trump nói.
"Tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nhiều nếu tất cả chúng ta cùng chung sức và chúng ta không sản xuất những loại vũ khí này nữa".
Khi được Tổng thống Trump hỏi ý kiến về đề nghị này, theo Reuters, Phó Thủ tướng Lưu nói rằng ông nghĩ đó là ý tưởng tốt.
********************
Mua tên lửa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ trên đe dưới búa (RFI, 05/04/2019)
Bất chấp áp lực từ phía Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ vẻ kiên quyết xúc tiến việc mua hệ thống tên lửa Nga S.400. Phát biểu vào hôm qua, 04/04/2019 tại Washington, bên lề hội nghị của khối NATO, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng việc mua tên lửa của Nga là một thương vụ "đã chốt", không thể hủy bỏ.
Tên lửa S-400 "Triumph" đất đối không, được triển khai gần thành phố Gvardeysk, sát Kaliningrad, Russia. Ảnh chụp ngày 11/03/2019. Reuters/Vitaly Nevar/File Photo
Trên nguyên tắc, các dàn tên lửa S400 sẽ được giao vào mùa hè năm nay, nhưng từ nay đến đó, tình hình có thể thay đổi : nếu thương vụ S400 hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, còn nếu hủy bỏ đơn đặt hàng, Ankara lại vấp phải phản ứng bất bình của Nga.
Trong một động thái có thể nói là nhằm tiếp tục duy trì sức ép để buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua hệ thống phòng không của Nga, Lầu Năm Góc ngày hôm qua đã thẳng thừng bác bỏ một đề nghị của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, muốn cùng thành lập một nhóm làm việc để xác định xem hệ thống S400 có tác hại đến thiết bị của Mỹ và NATO hay không.
Hoa Kỳ lo ngại rằng công nghệ được Nga sử dụng trong hệ thống tên tên lửa S-400 có thể giúp Nga thu thập dữ liệu của các loại chiến đấu cơ của khối NATO, đặc biệt là loại F-35 của Mỹ. Ngoài mối lo ngại gián điệp, còn có vấn đề tương tác giữa hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ với các hệ thống còn lại trong khối NATO.
Trong tình hình đó, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Charles Summers, gần đây đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu những "hậu quả nghiêm trọng", nếu cứ tiếp tục mua hệ thống tên lửa của Nga.
Theo hầu hết các nhà phân tích, đây là một lời đe dọa rất nghiêm túc, căn cứ vào các quan ngại thực thụ như kể trên.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể chịu những hậu quả nào ?
Một hậu quả trước tiên là kế hoạch đặt mua chiến đấu cơ tiên tiến F-35 của Mỹ đã bị ngăn chặn. Ankara muốn mua đến 100 chiến đấu cơ loại này, phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu qua Mỹ tập lái.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư 1 tỷ đô la vào kế hoạch trang bị loại vũ khí này, nếu không thực hiện hợp đồng, Mỹ có thể bị phạt. Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, một số nguồn tin đã cho biết là Washington sẵn sàng trả tiền phạt.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào phạm vi áp dụng của luật Caatsa cho phép chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với bất kỳ thực thể hoặc quốc gia nào ký kết thỏa thuận vũ khí với các tập đoàn, công ty Nga.
Nguy cơ về phía Mỹ là như thế. Nhưng nếu theo Mỹ và từ bỏ hợp đồng đã ký, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy quan hệ với Nga vào một tính thế tế nhị.
Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Nga là một đối tác chiến lược rất quan trọng của Ankara tại Syria, một nước giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ mà tình hình bất ổn sẽ có tác hại rất lớn.
Mặt khác, nếu giải thích không tốt với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nguy cơ bị Mátxcơva trừng phạt về mặt kinh tế. Một ví dụ cụ thể là Nga có thể hạn chế lượng du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, mà mỗi năm lên đến hàng triệu lượt người.
Đối với Ankara, những biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington hay của Mátxcơva đều tác hại không nhỏ, vì lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế, bị suy thoái lần đầu tiên từ 10 năm nay.
Các cố vấn của Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ không mềm mỏng với Trung Quốc nhằm đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh, dù nhà lãnh đạo Mỹ muốn mở rộng thị trường thông qua một thỏa thuận thương mại với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo Reuters, Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ khi họ tới làm ăn ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.
Các nguồn thạo tin nói với hãng tin Anh rằng hai bên vẫn còn khác biệt quan điểm về một số vấn đề chủ chốt, giữa lúc thời hạn chót 1/3 đang tới gần để hai bên phải đạt được một thỏa thuận nếu không Mỹ sẽ lại đánh thuế lên thêm 200 tỷ đôla trị giá hàng hóa của Trung Quốc.
Một quan chức giấu tên nói với Reuters : "Chúng tôi vẫn chưa đạt tới mức các quan ngại của chúng tôi được xử lý một cách hợp lý".
Quan chức này cho biết thêm rằng phái đoàn phía Mỹ, do đại diện thương mại vốn có quan điểm cứng rắn, ông Robert Lighthizer, dẫn đầu, đã tập trung vào các vấn đề cơ cấu, như việc xử lý quyền sở hữu trí tuệ, cũng như chuyện mất cân bằng cán cân thương mại.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với Reuters rằng các vấn đề như việc bắt buộc chuyển giao công nghệ hay chuyện đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với ông Trump.
Ông Kudlow nói thêm rằng đó là các vấn đề quan trọng với nguyên thủ Mỹ và ông Trump "sẽ không lùi bước".
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý ngưng làm leo thang cuộc chiến thương mại tại hội nghị G20 ở Buenos Aires năm ngoái, đồng thời đặt ra thời hạn 90 ngày để thảo luận về các khác biệt và đạt một thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo Reuters, các cuộc đàm phán đó chưa mang lại một thỏa thuận nào bằng văn bản.
********************
Nhà Trắng : Đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn (RFI, 23/01/2019)
Hôm 22/01/2019, Nhà Trắng khẳng định là các cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước vẫn tiếp diễn, bác bỏ thông tin của báo chí Anh, Mỹ.
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow phát biểu với giới báo chí, Washington, Hoa Kỳ, ngày 22/01/2019 Reuters/Kevin Lamarque
Theo tin của tờ nhật báo Financial Times và đài CNBC, chính quyền Donald Trump đã từ chối họp với các đặc sứ Trung Quốc tại Washington trong tuần này. Đây là các cuộc họp nhằm chuẩn bị cho trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), đến thủ đô Mỹ vào cuối tháng này.
Hôm qua, ông Larry Kudlow, một trong những cố vấn kinh tế của tổng thống Donald Trump đã bác bỏ thông tin nói trên, khẳng định không hề có chuyện phía Mỹ hủy bỏ các cuộc họp với phía Trung Quốc, đơn giản là vì hai bên không hề dự trù những cuộc họp đó, mà chỉ đang chuẩn bị cho cuộc họp giữa phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer trong hai ngày 30 và 31/01 tại Wasshington.
Tuy nhiên, theo AFP, việc ông Larry Kudlow bác bỏ các thông tin nói trên đã không đủ để trấn an các thị trường chứng khoán, hiện rất lo ngại về chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, cũng như quan ngại về tình hình của nền kinh tế Mỹ nói chung.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang phải gấp rút đạt đến một thỏa thuận. Sau cuộc gặp với chủ tịch Tập Cận Bình tại Buenos Aires, Achentina, vào đầu tháng 12 năm ngoái, tổng thống Donald Trump đã chấp nhận tạm ngưng 3 tháng việc áp thuế mang tính trừng phạt lên các hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Thời gian tạm ngưng này là để cho hai bên có thể tìm ra một thỏa thuận nhằm cắt giảm thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, cũng như chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Trump đã dọa sẽ tăng từ 10% lên 25% mức thuế quan đối với 200 tỷ đô la hàng hóa nhập từ Trung Quốc nếu đến ngày 01/03 mà hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận.
Thanh Phương
Dự báo tăng trưởng toàn cầu mất 0,2 điểm. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế loan báo sẽ còn tiếp tục hạ dự phóng trong những tháng tới. Đầu tư vào Châu Á giảm sụt. Tất cả những sự kiện này đều bắt nguồn từ cuộc đọ sức kéo dài giữa hai siêu cường kinh tế thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Các thành viên của đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc rời Bộ Tài chính Mỹ, sau hai ngày thương lượng, Washington DC, 23/08/2018. Virginie MONTET / AFP
Các sự kiện như Brexit đe dọa tăng trưởng của một trong bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới là Anh Quốc, và của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu, những khó khăn kinh tế của Nga hay sự kiện Iran lại rơi vào vòng luẩn quẩn của các biện pháp trừng phạt do Mỹ ban hành, Hy Lạp không còn cần được "tiếp nước biển"... bị chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm lu mờ.
2018 là năm mà mọi chú ý dồn về Washington và Bắc Kinh. Sau giai đoạn hù dọa, chính quyền Trump khơi mào cuộc chiến. tháng 3/2018 tổng thống Trump ký sắc lệnh đánh thuế thép và nhôm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Nhà Trắng tạm tha cho một số nước "bạn", nhưng Trung Quốc không được hưởng ân huệ đó. Nhôm, thép chỉ là khúc dạo đầu.
Ngay từ tháng 5, tháng 6/2018 Nhà Trắng phạt thêm hàng "made in China" bán sang thị trường Mỹ : tăng thuế nhập khẩu 10%, rồi 25% nhắm vào 50 tỷ đô la rồi 100 tỷ và thậm chí là 200 tỷ đô la hàng của Trung Quốc. Ở góc đài bên kia, Bắc Kinh không khai chiến nhưng chơi trò "ăn miếng trả miếng". Mỗi bên đều đưa ra một danh sách hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng của đối phương bị "trừng phạt".
Vào cuối mùa xuân năm nay, sứ giả của ông Tập Cận Bình đã tưởng chừng đạt được đồng thuận với ban cố vấn của Donald Trump sau khi thông báo một số nhượng bộ. Ở Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ coi những hứa hẹn đó là "quá trễ và chưa đủ". Chương trình đàm phán bị gián đoạn, cho dù là ở hậu trường, đôi bên vẫn ngầm duy trì kênh liên lạc.
Trong tạp chí của RFI ngày 03/05/2018, chuyên gia kinh tế Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin quốc tế (Centre d’études prospectives et d'informations internationales-CEPII) giải thích về phương pháp đàm phán của Donald Trump :
"Tình hình khá nghiêm trọng bởi vì tới nay Hoa Kỳ là quốc gia đã đặt ra luật chơi chung cho thế giới trong lĩnh vực thương mại. Để rồi giờ đây, chính nước Mỹ lại phản đối cái mô hình đó và thậm chí là còn đòi phá vỡ những gì đã có. Những tuyên bố của chính quyền Washington đe dọa đến phần cốt lõi trong quan hệ kinh tế và thương mại trên thế giới.
Nhưng cần nói thêm là tới nay, đây mới chỉ là những lời đe dọa chứ Hoa Kỳ chưa thực sự áp dụng các biện pháp trừng phạt như đã tuyên bố. Dù sao thì Nhà Trắng cũng gây hoang mang về chính sách thương mại của Hoa Kỳ, nhất là khi mọi người cùng biết Donald Trump có thói quen uy hiếp đối phương, bắt họ phải nhượng bộ".
Mỹ-Trung, "cái đinh" trong các hội nghị quốc tế
Cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ kinh tế của thế giới này bắt cả thế giới phải theo dõi. Tại hội nghị quốc tế ASEAN, Singapore, đầu tháng 11/2018 hay thượng đỉnh G20 vừa qua ở Argentina, mọi người chỉ chú ý vào những màn đấu khẩu hay phát biểu của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc với hy vọng Washington và Bắc Kinh hưu chiến.
Cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ kinh tế của thế giới này bắt cả thế giới phải theo dõi. Ảnh minh họa
Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế các đòn ăn miếng trả miếng trên mặt trận thương mại làm tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu. Riêng đối với Châu Á, vốn lệ thuộc nhiều cả vào Mỹ lẫn Trung Quốc, "bầu không khí càng thêm nặng nề" : IMF giảm dự phóng tăng trưởng của Châu Á đang từ 5,6 % xuống còn 5,4 % cho năm tới. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhấn mạnh tới "môi trường bất lợi cho các hoạt động đầu tư".
Hội Đồng Phân Tích Kinh Tế (Conseil d'analyse économique-CAE), một cơ quan nghiên cứu trực thuộc phủ tổng thống Pháp, trong báo cáo ngày 02/07/2018, đưa ra kịch bản đen tối nhất, trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng đến cùng chính sách bảo hộ và thế giới đáp trả một cách ngang ngửa. Chủ tịch CAE, ông Philippe Martin (tạp chí kinh tế ngày 10/07/2018), nêu lên hai lý do khiến các biện pháp bảo hộ cướp đi tăng trưởng của toàn cầu, kể cả Mỹ :
"Có những tác động trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là tăng thuế nhập khẩu, đẩy giá hàng lên cao và đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh đó là tác động gián tiếp. Chúng ta nói tới dây chuyền sản xuất mà ngày nay nhiều mặt hàng được làm ra từ các linh kiện nhập ở những nơi khác. Vậy khi một nước nào đó tăng thuế nhập khẩu, rồi các đối tác thương mại của quốc gia đó trả đũa, thì dây chuyền sản xuất ấy bị phá hỏng. Giá thành của các sản phẩm tăng cao.
Tôi lấy thí dụ xe hơi Mỹ sản xuất ngay tại Hoa Kỳ cần có nhôm, thép nhập từ các nơi khác vào Mỹ. Chính quyền Trump tăng thuế nhập khẩu nhắm vào nhôm thép, xe của Mỹ tự nhiên đắt hơn. Người tiêu dùng Mỹ phải trả giá. Hãng xe Mỹ bị thiệt.
Theo thẩm định của hội đồng CAE, trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện và cũng xin nói là chúng ta chưa tiến gần tới kịch bản đó, thì cả ba cột trụ kinh tế của thế giới là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đều thiệt hại nặng nề. Mỗi bên mất khoảng từ 3 đến 4 % GDP một năm và kịch bản này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm. Với Pháp chẳng hạn, thì mỗi hộ gia đình sẽ mất khoảng 1.200 euro một năm. Nhưng đây là kịch bản xấu nhất chúng tôi nghiên cứu để đề phòng".
Trung Quốc phải nhượng bộ
Nếu như từ Châu Á đến Châu Âu đều thấm mệt vì những đòn đánh qua, đánh lại của Washington và Bắc Kinh, nhưng bản thân hai ông khổng lồ này cũng mệt mỏi vì cuộc chiến không có lợi cho bất kỳ một ai này. Đó là lý do khiến cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều chuẩn bị rất kỹ cho cuộc tiếp xúc hôm 01/12/2018 giữa lãnh đạo hai nước bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina, và thế giới tạm thở phào khi Donald Trump, Tập Cận Bình tuyên bố "tạm ngừng leo thang".
Về tương quan lực lượng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khối lượng hàng hóa mà Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ lớn gấp 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Hoa Kỳ. Trong chương trình của RFI ngày 04/12/2018, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin quốc tế CEPII, Michel Aglietta, ghi nhận việc Trung Quốc phải nhượng bộ là điều gần như hiển nhiên :
"Trong khuôn khổ hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ chiếm 20 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tức là Mỹ mua vào 1/5 hàng Trung Quốc bán ra nước ngoài. Đây là một khối lượng rất lớn. Nếu như Mỹ đánh thuế 10 hay 25 % vào một khối lượng hàng hóa nhất định của Trung Quốc thì ảnh hưởng theo tôi, sẽ không nhiều. Nhưng nếu đánh thuế vào toàn bộ hàng của Trung Quốc bán sang thị trường Hoa Kỳ thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn thế giới sẽ giảm khoảng 4,5 % và khi đó tăng trưởng của Trung Quốc bị đe dọa".
Dù vậy viễn cảnh sang trang chiến tranh thương mại Mỹ Trung còn xa vời, vì theo như giải thích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa hôm 10/04/2018, mậu dịch chỉ là phần nổi của tảng băng trong xung khắc Mỹ - Trung và từ lâu nay, Washington luôn coi Bắc Kinh là một mối đe dọa :
"Sau khi tổng thống Bill Clinton nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2000, thì Quốc hội Mỹ cho thành lập một Hội đồng Duyệt xét Quan hệ An ninh và Kinh tế giữa hai nước và hội đồng ấy đã trình lên Quốc hội, cùng quốc dân nhiều nghiên cứu đáng lo mà ít ai chịu đọc. Sau khi ông Trump đòi các cơ quan hữu trách như bộ Ngân Khố, Thương Mại và đại sứ Thương Mại Hoa Kỳ điều tra và nghiên cứu từ năm ngoái về vi phạm của Bắc Kinh thì họ đã có những phúc trình mà cũng chẳng ai thèm đọc.
Từ các báo cáo ấy, viện dẫn Mục 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962, ngày 16/02/2018, chính quyền Trump nêu yếu tố an ninh cho ngành thép và nhôm Hoa Kỳ (...) Ngày 22 tháng Ba, ông Trump viện dẫn mục 301 của Đạo Luật Thương Mại 1974 mà tố cáo việc Bắc Kinh vi phạm luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và áp thuế nhập nội trên 1.300 món hàng của Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ đô la".
Chiến tranh công nghệ cao
Vấn đề đặt ra trong bài toán thương mại lần này, là các hoạt động kinh tế của thế giới đầu thế kỷ 21 đã quá lệ thuộc lẫn nhau : Nhà Trắng đánh thuế hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ làm tăng giá những sản phẩm được sản xuất ra ngay trên lãnh thổ Mỹ. Hậu quả kèm theo là ảnh hưởng tới túi tiền của các hộ gia đình Mỹ. Hàng Mỹ thêm đắt đỏ, kém hấp dẫn để bán cho các nước khác trên thế giới.
Bên cạnh vế thương mại, mục tiêu mà chính quyền Trump nhắm tới là ngăn chặn đà phát triển của nền công nghiệp Trung Quốc. Trong bài viết đăng trên báo Asialyst ngày 07/07/2018 chuyên gia kinh tế về Châu Á Jean-Raphael Chaponnière nêu lên một thực tế : đối với không ít các tập đoàn lớn của Mỹ, Trung Quốc đã hoặc đang trở thành thị trường quan trọng nhất, hơn cả thị trường Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ biến hơn 700 chi nhánh của các hãng Mỹ thành những "con tin" khi bị Trung Quốc làm khó dễ. Donald Trump mở ra mặt trận này, các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại. Đổi lại Trung Quốc cũng đánh mất nguồn đầu tư FDI quý giá trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Sau cùng, vẫn theo chuyên gia Pháp Jean-Raphael Chaponnière, viện lý do an ninh quốc gia, chính quyền Trump mở các đợt tấn công dồn dập nhắm vào Trung Quốc. Nhưng đấy lại càng là động lực để Bắc Kinh tăng tốc kế hoạch "Manufacturing China 2025".
Thêm một dấu hiệu khác cho thấy cuộc đọ sức giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không chỉ khoanh vùng trên mặt trận thương mại là vụ án nhắm vào lãnh tập đoàn Hoa Vi. Trọng tâm của vấn đề nằm ở chỗ Mỹ và Trung Quốc cùng đang chạy đua trên mặt trận công nghệ cao.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 18/12/2018