Mỹ-EU sát cánh tại WTO về vấn đề Trung Quốc (VOA, 09/04/2019)
Lãnh đạo Châu Âu trước đây không đặt nặng vấn đề với chính sách thương mại Trung Quốc đủ tầm mức như lẽ ra họ nên làm, nhưng Hoa Kỳ và liên hiệp Châu Âu giờ đây đang làm việc sát cánh với nhau tại Tổ chức Thương mại Thế giới xoay quanh các chính sách kinh tế phi thị trường của Trung Quốc, giới chức thương mại hàng đầu của Mỹ, Clete Willems, cho biết ngày 8/4.
Một chiếc túi LV giả được mua từ một trang mạng của Trung Quốc được phơi bày trước báo giới bên ngoài một cửa hiệu Louis Vuitton tại Maryland, Mỹ.
Nguồn tin này cho hay Hoa Kỳ và EU muốn làm việc với nhau trên các dự án chung cung cấp những giải pháp thị trường thay thế cho các sáng kiến do nhà nước dẫn đầu vốn có nhiều rào cản ràng buộc.
Trong tháng này, Trung Quốc tổ chức thượng đỉnh lần hai cho sáng kiến Vành đai Con đường với viễn kiến kết nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu, và hơn thế nữa với chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng nhưng Mỹ không gửi giới chức cấp cao tham dự sự kiện này.
Washington nói họ xem sáng kiến này là cách bành trướng sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ra hải ngoại và tăng gánh nặng nợ nần không bền vững cho các nước thu nhập thấp.
******************
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung : Có tiến bộ nhưng còn chông gai (VOA, 09/04/2019)
Giới chức Hoa Kỳ "chưa hài lòng" về tất cả mọi vấn đề đang tồn đọng trên con đường tiến tới một thỏa thuận chấm dứt thương chiến Mỹ-Trung dù có đạt tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc hồi tuần trước, một giới chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho Reuters biết ngày 8/4.
Thành viên phái đoàn thương mại Mỹ Clete Willems rời khách sạn để đến họp với giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 13/2/19.
Mỹ và Trung Quốc rơi vào cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng từ tháng 7 năm ngoái, làm ảnh hưởng tới các thị trường tài chính toàn cầu và các chuỗi cung ứng thế giới, gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hàng tỷ đô la.
Mỹ đang hối thúc Trung Quốc thay đổi để giải quyết những quan ngại lâu nay về việc Bắc Kinh trợ cấp công nghiệp, buộc doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ và lơi lỏng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hai bên kết thúc vòng đàm phán mới nhất tại Washington vào tuần trước và sẽ nối lại các cuộc thảo luận trong tuần này.
"Chúng tôi đang đạt tiến bộ trong nhiều vấn đề và có nhiều chuyện chúng tôi chưa hài lòng", ông Clete Willems, giới chức thương mại hàng đầu của Tòa Bạch Ốc, cho biết.
Ông không nêu cụ thể những vấn đề chưa được giải tỏa.
Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ đã nhất trí về một cơ cấu thực thi mà qua đó Washington có quyền trả đũa Bắc Kinh nếu Trung Quốc không tôn trọng những điều khoản trong thỏa thuận.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo có thể đôi bên sẽ đạt được một thuận trong vòng 1 tháng tới.
*****************
Mỹ đề xuất áp thuế lên 11 tỷ đô la hàng EU (BBC, 09/04/2019)
Mỹ đang xem xét áp thêm thuế lên hàng hóa trị giá khoảng 11 tỷ đô la từ Liên Hiệp Châu Âu để đáp trả các khoản trợ cấp của EU cho Airbus.
Các mặt hàng từ rượu, phô mai đến máy bay của EU có thể bị Mỹ đánh thêm thuế (Ảnh minh họa)
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhận định rằng các khoản trợ cấp này có tác động xấu đến Mỹ.
EU và Mỹ đã kiện lẫn nhau trong hơn một thập kỷ qua về việc hai bên viện trợ bất hợp pháp cho các hãng máy bay Boeing và Airbus nhằm giành lợi thế trong kinh doanh máy bay trên toàn cầu.
Máy bay và phô mai là một trong những sản phẩm có thể bị áp thuế, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết.
Chính quyền Trump đã 'chiến đấu' trên nhiều mặt trận thương mại trong thời gian qua.
Động thái này sẽ đánh dấu sự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU.
USTR cho biết giá trị của hàng hóa dự kiến bị áp thuế sẽ được WTO xem xét và dự kiến đưa ra quyết định trong một vài tháng tới.
Một danh sách sơ bộ các hàng hóa dự kiến bị đánh thuế đã được ban hành để tham khảo ý kiến công chúng, bao gồm một loạt các mặt hàng, từ máy bay trực thăng đến rượu vang.
"Vụ việc đã được xem xét về pháp lý trong 14 năm qua và đã đến lúc phải hành động. Chúng tôi đang chuẩn bị để phản ứng ngay lập tức khi WTO đưa ra kết luận về các biện pháp đối phó của Mỹ", Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt được thỏa thuận với EU để chấm dứt tất cả các khoản trợ cấp không phù hợp đối với máy bay dân dụng lớn. Khi EU chấm dứt các khoản trợ cấp có hại này, Mỹ có thể dỡ bỏ các khoản thuế bổ sung".
Chuyện gì đã xảy ra ?
Gói thuế quan mới mà Hoa Kỳ đề xuất có thể được áp dụng cùng với các mức thuế hiện có đối với các sản phẩm Châu Âu.
Năm ngoái, Mỹ đã bắt đầu thu thuế đối với việc thép và nhôm nhập khẩu từ các đồng minh quan trọng bao gồm EU.
EU đã áp dụng mức thuế trả đũa đối với hàng hóa trị giá 2,8 tỷ euro của Mỹ vào tháng 6 đối với các sản phẩm như rượu whisky, bourbon, xe máy và nước cam.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU, nếu cả hai bên không thể đạt được thỏa thuận thương mại.
Mỹ hiện đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng các gói thuế quan mà hai nước đánh lên hàng hóa của nhau đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.