Vụ bê bối 'chạy trường' ở Mỹ : Nữ diễn viên Hollywood nhận tội (VOA, 09/04/2019)
Nữ diễn viên Felicity Huffman và 13 người khác đã đồng ý nhận tội tham gia vào vụ lừa đảo tuyển sinh đại học mà các công tố viên cho rằng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.
Reuters dẫn lời các công tố viên liên bang hôm 8/4 nói rằng 14 người trên nằm trong số 50 người, gồm các cha mẹ giàu có và các huấn luyện viên đội tuyển thể thao của các trường đại học, bị các công tố viên liên bang ở Boston cáo buộc tham gia vào chuyện gian lận tuyển sinh, trong đó có việc gian dối tại các kỳ thi đầu vào và trả khoảng 25 triệu đôla hối lộ để con cái họ được nhận vào các trường đại học danh tiếng như Yale, Georgetown và Đại học Nam California.
Theo thỏa thuận nhận tội, các công tố viên đồng ý đề nghị án tù từ khoảng bốn tới 10 tháng đối với bà Huffman như theo hướng dẫn về việc kết án ở cấp liên bang.
Nữ diễn viên tham gia bộ phim "Desperate Housewives" (Những bà nội trợ kiểu Mỹ) còn đồng ý trả khoản tiền phạt và bồi thường 20 nghìn đôla Mỹ.
Trong một thông cáo ra ngày 8/4, bà Huffman, vợ nam diễn viên William H. Macy, nói rằng bà cảm thấy "xấu hổ vì đã gây ra đau khổ cho con gái, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng giáo dục", theo Reuters.
Nữ diễn viên từng được đề cử giải Oscar cho hạng mục "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" nói thêm : "Con gái tôi hoàn toàn không hay biết gì về hành động của tôi, và với hành động sai lầm sâu sắc của tôi, tôi đã phản bội con gái".
Các công tố viên nói rằng vụ lừa đảo do nhà tư vấn tuyển sinh đại học ở California, ông William "Rick" Singer, điều hành. Ông này cũng đã nhận tội lừa đảo và hối lộ.
Các công tố viên nói rằng bà Huffman, 56 tuổi, đóng góp 15 nghìn đôla vào quỹ của ông Singer để đổi lấy việc một cộng sự của ông này bí mật sửa câu trả lời trong bài thi SAT, một trong các bài kiểm tra xét tuyển đầu vào, của con gái nữ diễn viên tại một trung tâm khảo thí do ông Singer kiểm soát.
*****************
Vụ gian lận tuyển sinh đại học Mỹ : Vì đâu nên nỗi ? (VOA, 20/03/2019)
Vụ bê bối gian lận tuyển sinh đại học liên quan đến những người nổi tiếng và giàu có vừa bị phanh phui gần đây ở Mỹ khơi mào những tranh cãi về uy tín và danh tiếng của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.
Trường Đại học Nam California ở Los Angeles, một trong những trường bị dính đến tai tiếng chạy trường ở Mỹ
Một số phâ tích gia và chuyên gia giáo dục nhận định vụ này cho thấy sự bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục vốn ưu ái người giàu và tạo điều kiện cho tham nhũng trong khi các công ty tư vấn giáo dục gian dối tìm cách kiếm tiền bằng cách gian trá.
Song cũng có ý kiến cho rằng đây là chỉ là hiện tượng cục bộ trong hệ thống giáo dục Mỹ vốn nổi tiếng về sự khắt khe và trung thực, do đó sẽ không ảnh hưởng lớn đến thanh danh hệ thống giáo dục Mỹ.
Vụ tai tiếng có tên là Varsity Blues hiện vẫn đang được điều tra nhưng những tình tiết hé lộ cho thấy giới nhà giàu Mỹ đã thông qua các công ty tư vấn giáo dục tìm con đường gian lận để đưa con em của họ vào các trường đại học nổi tiếng. Như lời của ông William Rick Singer, tâm điểm của vụ việc, thú nhận : "Những gì chúng tôi làm là giúp cho những gia đình giàu có nhất ở Mỹ đưa con em họ vào đại học".
Cách làm của họ là hối lộ cho những người quản lý các kỳ thi chuẩn để vào đại học như SAT hay ACT, theo lời các công tố viên. Sau đó, họ sẽ sắp xếp người thi hộ cho thí sinh. Trong một số trường hợp khác, thí sinh được trực tiếp nhắc bài khi đang làm bài thi hay bài thi của họ được chỉnh sửa lại sau khi thi xong. Để tăng cơ hội thành công, họ còn nói dối là con em họ có hạn chế về sức khỏe hay trí tuệ để được phép làm bài thi lâu hơn thí sinh khác. Họ còn sắp xếp sao cho các thí sinh này sẽ dự thi ở một cơ sở mà công ty có thể kiểm soát. Có trường hợp, phụ huynh còn gửi mẫu chữ của con em họ để công ty tư vấn có thể bắt chước y hệt.
Cách làm phổ biến nữa là giả mạo thành tích thể thao để giành lấy suất đặc biệt ở các trường đại học dành cho các em có khả năng thể thao xuất chúng. Theo cách làm này, họ sẽ hối lộ cho các huấn luyện viên các bộ môn bằng hình thức đóng góp gì đó để đổi lấy các huấn luyện viên đề xuất tuyển con em của họ vào học.
Để hồ sơ gian dối này thêm đáng tin, họ sẽ làm giả những tấm ảnh con em họ đang chơi môn thể thao đó. Trong một số trường hợp, họ chỉ đơn giản chỉnh sửa ảnh bằng cách ráp khuôn mặt của con em họ lên người của vận đông viên thật sự.
‘Vụ việc đơn lẻ’
Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, người đang giảng dạy ngành Quản trị Kinh doanh ở Trường cao học Keller về Quản lý (MBA), nói rằng những vụ tai tiếng về gian lận như vậy trong hệ thống giáo dục đại học Mỹ là ‘rất hiếm’ và vụ Varsity Blues chỉ là ‘một vụ đơn lẻ’.
"Tôi chưa bao giờ nghe thấy ở Mỹ xảy ra vụ việc như vậy", ông nói và cho biết ông cảm thấy ‘bất ngờ’.
Ông nói ở Mỹ, cũng như ở những nước khác, có những người muốn gian lận và có những người có chức trách ‘sẵn sàng nhận hối lộ’. Nhưng vì cách tổ chức hệ thống chặt chẽ và luật pháp khắt khe ở Mỹ nên ít người dám vi phạm, ông Lộc cho biết, mà nếu có gian lận thì sớm muộn gì cũng bị phát hiện.
Lấy ví dụ trong bộ máy tuyển sinh ở các trường đại học, ông Lộc nói, không nằm hết trong tay một người mà có cả một ủy ban quyết định để ‘kiểm soát và cân bằng’ (check and balance) để tránh tiêu cực.
"Có nhân viên phụ trách nhận giấy tờ, hồ sơ của thí sinh, sau đó chuyển sang cho ủy ban tuyển sinh xem xét", Giáo sư Lộc nói và cho biết để tránh khả năng làm giả hồ sơ từ đầu vào, thỉnh thoảng các trường cũng cho kiểm tra lại từ bước đầu tiên.
Chính vì quá trình tuyển sinh liên quan nhiều người như vậy nên khó mà gian dối vì nếu muốn phải hối lộ nhiều người, Tiến sĩ Lộc giải thích.
Về khả năng làm giả hồ sơ giấy tờ, ông Lộc nói rằng giờ đây do công nghệ phát triển nên ‘cái gì cũng làm giả được’, trong đó có bảng điểm của thí sinh.
Để tránh khả năng gian lận bảng điểm, nhiều trường đại học ở Mỹ giờ đây chỉ chấp nhận bảng điểm được gửi trực tiếp qua đường bưu điện còn đủ niêm phong, đóng dấu. Tuy nhiên, Giáo sư Lộc nói rằng ngay cả việc gửi bảng điểm này ‘cũng có thể làm giả được’.
Vẫn theo lời vị Giáo sư nhiều năm đứng trên các giảng đường Hoa Kỳ, để đủ sức gian lận như vậy thì phải cần số tiền lớn nên chỉ có những người rất giàu mới làm được. Do đó, vụ tai tiếng kiểu Varsity Blues ‘hiếm khi xảy ra ở Mỹ’ và ‘không ảnh hưởng gì đến danh tiếng giáo dục Mỹ’.
Cùng suy nghĩ với ông Lộc, anh Trí Lê, du học sinh Việt Nam học ngành tự động hóa tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, nói với VOA rằng vụ tai tiếng này ‘chỉ là cá biệt’ chứ ‘không phản ánh toàn bộ hệ thống giáo dục của Mỹ’.
"Vẫn có thể tin tưởng vào chất lượng đầu ra của giáo dục Mỹ", anh nói mặc dù thừa nhận rằng ‘đây là bước lùi của giáo dục Mỹ’.
"Gian lận thi cử thì ở Mỹ và Việt Nam đều có xảy ra", anh nói. "Còn chạy trường cho con cái thì Việt Nam rất phổ biến còn ở Mỹ bây giờ báo chí mới phanh phui nhưng chắc là đã xảy ra nhiều lần rồi do tâm lý của phụ huynh ở Việt Nam hay Mỹ đều muốn con cái vào các trường nổi tiếng".
‘Mỹ cũng như ai’
Trong khi đó, tai tiếng tuyển sinh đại học khiến nước Mỹ giống như phần còn lại của thế giới mà nước Mỹ vốn không muốn bắt chước, tờ Washington Post nhận định trong một bài xã luận.
Ý tưởng đưa hối lộ để được nhận vào những trường đại học danh tiếng là điều cũ rích ở những nơi khác trên thế giới. Để được vào một trường trung học đàng hoàng ở Bắc Kinh thì cần phải đóng góp và hối lộ từ 16.000 đô la trở lên, theo nhiều phụ huynh được Washington Post hỏi. Bốn năm trước, ông Thái Dung Sinh, cưu giám đốc tuyển sinh tại Đại học Nhân dân danh giá ở Bắc Kinh, đã bị truy tố vì nhận hối lộ từ những phụ huynh sẵn lòng móc hầu bao để bù đắp cho thành tích học tập kém cỏi của con cái họ. Ông này thú nhận đã kiếm được 3,6 triệu đô la trong giai đoạn 8 năm. ‘Cao khảo’, kỳ thi tuyển sinh đại học nổi tiếng khắc nghiệt của Trung Quốc, lúc nào cũng có những thí sinh tìm cách lén lút gian lận.
Người Nga cũng không thua kém. Một nghiên cứu hồi năm 2015 ước tính rằng các gia đình Nga ‘trả khoảng 300 triệu đô la mỗi năm tiền hối lộ để đảm bảo khả năng con em họ được nhận vào các trường đại học và đóng góp thêm 700 triệu đô la nữa một khi con em họ vào học. Chẳng hạn như nếu ban muốn vào Học viện Quốc gia về Quan hệ Quốc tế ở Moscow – vốn chỉ nhận vào những sinh viên ưu tú nhất – thì bạn chỉ cần tìm đúng người và đưa ngay số tiền 20.000 đô là thì bạn sẽ được nhận.
Ở quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới là Ấn Độ cũng có vấn nạn kinh niên là hối lộ trong lĩnh vực đào tạo đại học. Vụ bê bối lớn nhất ở Ấn Độ là vụ Vyapam ở bang Madhya Pradesh với gần 2.000 người bị bắt giữ và trên 2.500 người đã bị bắt giữ kể từ năm 2012.
"‘Varsity Blues’ có vẻ chẳng là gì so với vụ tai tiếng này. Tuy nhiên, một bài bình luận trên một tờ báo Ấn Độ viết rằng : ‘Những gì xảy ra Ấn Độ cũng xảy ra ở Mỹ.’", Washington Post bình luận.
"Cũng không thể trách họ được", tờ báo này nhận định. "Suy cho cùng, những người tham gia vào vụ lừa đảo tuyển sinh đại học ở Mỹ cũng hệ thống hóa gian lận thi cử tại những kỳ thi đã được chuẩn hóa để giúp đưa con em khách hàng họ vào trường tốt".
Thế nhưng tại sao phải làm như vậy ? Theo tờ báo này, bằng đại học ở Mỹ cũng như nhiều nước khác là con đường dẫn đến địa vị xã hội, công việc tốt hơn và sự kính trọng về trình độ. Đó là lý do vì sao nạn văn bằng giả vẫn hoành hành ở nhiều nước bất chấp những nỗ lực truy quét và nhiều quốc gia có những chính trị gia bị phát hiện xài bằng giả mà Tổng thống Nga Vladimir Putin là một trường hợp nổi tiếng – ông đã bị phát hiện sao chép một luận văn.
Tuy nhiên, theo bài bình luận này thì nhiều người trên thế giới, không chỉ sau khi vụ tai tiếng Varsity Blues bị phát giác ở Mỹ, hiểu rằng gian lận trong giáo dục đại học không chỉ sai về mặt đạo đức mà còn gây nguy hiểm cho xã hội. Chẳng hạn như, sau vụ bê bối gian lận thi cử ở Madhya Pradesh thì liệu còn có người Ấn Độ nào dám để cho bác sĩ xuất thân từ bang này chữa bệnh nữa ?
Bất bình đẳng giàu-nghèo
Theo bình luận của đài CNN, vụ gian lận Varsity Blues cho thấy sự bất bình đẳng trong xã hội Mỹ.
"Một loạt các cáo trạng nhằm vào các diễn viên, nhà điều hành doanh nghiệp, bác sĩ và luật sư cho thấy một âm mưu ở cấp độ quốc gia của những người hết sức giàu có và quyền lực có thể trả những số tiền cao ngất để dọn đường cho con cái họ vào đại học", CNN bình luận. "Vụ tai tiếng này đập thẳng vào mặt tầng lớp trung lưu Mỹ vốn đang chật vật trong cuộc sống".
Cũng theo đài này, những vụ việc như thế cho thấy tại sao những đề xuất chính sách mà các ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ đưa ra lại có sức lôi cuốn. Bảo đảm công việc (cho sinh viên ra trường), trái phiếu nhỏ, Chăm sóc Y tế toàn dân, và giáo dục đại học miễn phí là một số đề xuất mà Đảng Dân chủ đưa ra để giành lấy những đặc quyền đặc lợi của người giàu cho tất cả những người dân bình thường.
Theo lập luận của những người đề xuất ý tưởng này, tất cả bất công xã hội đều đổ lên đầu những người tuân thủ luật lệ và luật chơi trong khi người giàu được phép theo luật chơi của riêng mình mà vụ tai tiếng dùng tiền để mua chỗ trong trường đại học danh giá đã chứng tỏ điều đó.
"Trong khi nhiều học sinh trung học ở Mỹ và cha mẹ các em đang đau đầu liệu họ có đủ khả năng trang trải chi phí đại học hay không thì có một bộ phận nhỏ người dân Mỹ lại suy tính họ có nên trả 500.000 đô la để có chỗ ở một đại học tốt không - 500.000 đô la so với mức học phí đại học chỉ có hơn 50,000 đô la một năm", bài bình luận của CNN dẫn giải.
Ở nước Mỹ không hiếm những câu chuyện về những đại gia rủng rỉnh tiền bạc mà con cái của họ có thể vào được các trường đại học hàng đầu bất chấp thành tích học tập không có gì nổi trội ở trung học, theo CNN. Đài này nhắc lại trường hợp của ông Jared Kushner, người con rể được ông Trump tin tưởng. Cha ông Kushner đã đóng góp 2,5 triệu đô la cho trường Đại học Harvard và cả hai người con trai của ông đều được nhận vào học. Tuy nhiên, không có bằng chứng trực tiếp gì cho thấy có sự liên quan giữa khoản đóng góp này với việc Jared Kushner được Harvard nhận vào học.
Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng từng quảng bá về Đại học Trump của ông cho những sinh viên muốn học những hiểu biết của ông về kinh doanh bất động sản. Nhưng cuối cùng những sinh viên này nói rằng mình bị lừa đảo và ông Trump cuối cùng phải dàn xếp khoản tiền bồi thường 25 triệu đô la cho các sinh viên đã đăng ký học.
Ba người con ông Trump có bằng cấp từ Đại học Pennsylvania, một trường thuộc Ivy League nơi ông Trump từng theo học. Hiện không rõ ông Trump đóng góp cho trường này bao nhiêu trong những năm qua. Tờ Daily Pennsylvania hồi năm 2016 sau khi nghiên cứu báo các của trường đã phát hiện ông Trump cam kết đóng góp 1,4 triệu đô la.
Một số thành viên Đảng Dân chủ, chẳng hạn như Dân biểu liên bang Alexandria Ocasio-Cortez từ New York, người đang phải trả khoản vay để học Đại học Boston và mãi cho đến trước khi đắc cử vào Hạ viện vẫn làm việc ở một quán bar, đang đề xuất ý tưởng về đảm bảo công việc liên bang. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị Ivanka Trump, ái nữ ông Trump người chẳng phải vay tiền đi học lúc còn học ở Đại học Pennsylvania, bác bỏ. Cô Ivanka nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng cô không nghĩ rằng người dân Mỹ cần sự đảm bảo về công việc như thế.
"Mọi người muốn có công việc tương xứng với những gì họ có", cô Ivanka Trump nói. "Cho nên tôi nghĩ rằng ý tưởng về công việc tối thiểu được đảo bảo không phải là điều mà mọi người mong muốn. Họ muốn có khả năng giúp họ kiếm được công việc. Họ muốn có điều kiện sống ở một đất nước có tiềm năng về di động xã hội (tức là từ tầng lớp thấp vươn đến tầng lớp cao)".
Giáo dục là chìa khóa giúp người Mỹ di động xã hội và cũng là một khoản đầu tư quan trọng của các gia đình Mỹ. Người không có bằng đại học có mức lương trung điểm hàng tuần là 712 đô la vào năm 2017 so với mức 1.173 đô la của những người có bằng đại học, theo Cục Thống kê Lao động.
Tuy nhiên chi phí đại học ở Mỹ rất đắt đỏ. Trong năm 2017, nợ vay của sinh viên ở Mỹ còn nhiều hơn cả nợ từ chi tiêu thẻ tín dụng, ở mức trên 1.000 tỷ đô la, theo Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Hầu hết các sinh viên ở Mỹ đều vay nợ và theo báo thường niên của Fed thì 20% người dân Mỹ có vay nợ thời đi học hiện giờ đang không thể thanh toán đúng hạn.
Một cuộc thăm dò của Viện Pew hồi năm 2018 ngay trước bầu cử giữa kỳ cho thấy 63% người được hỏi nói khả năng chi trả chi phí đại học là ‘vấn đề rất lớn’. Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, người tuyên bố ra tranh cử Tổng thống dưới màu áo Dân chủ, đưa ra đề xuất yêu cầu chính quyền liên bang và tiểu bang trợ cấp học phí và cho phép người Mỹ được hưởng giáo dục đại học miễn phí. Một số tiểu bang, trong đó có New York, đang thử nghiệm ý tưởng này.
Những đề xuất kiểu như thế bị các thành viên Đảng Cộng hòa, trong đó có Tổng thống Trump, chỉ trích là ‘đi theo chủ nghĩa xã hội’. Nhưng nguyên nhân có những đề xuất như vậy là vì người dân thuộc tầng lớp trung lưu cảm thấy ức chế rằng xã hội tư bản làm lợi cho một số ít người giàu hơn là đại đa số những người còn lại.
Hệ thống ‘chín muồi’ cho tham nhũng ?
Trong một bài viết có tựa đề ‘Tai tiếng tuyển sinh đại học nảy nở từ một hệ thống chín muồi cho tham nhũng’ cho chuyên trang về giáo dục ‘The Conversation’, ông Rick Eckstein, giáo sư xã hội học thuộc Đại học Villanova, chỉ trích rằng quy trình tuyển sinh đại học ở Mỹ ‘thiên lệch về phía những người rủng rỉnh tiền bạc’.
Lâu nay chúng ta vẫn biết rằng thu nhập gia đình cao hơn, thường song hành với điểm thi cao. Có rất nhiều công ty luyện thi ở Mỹ mà một vài trong số này bảo đảm thí sinh có điểm thi cao hơn với mức phí vào khoảng 1.000 đô la. "Tận dụng cơ hội luyện thi không có gì là gian lận, nhưng chắc chắn nó giúp cho người giàu có thêm lợi thế vốn không liên quan gì đến năng lực học tập", Giáo sư Eckstein viết.
Ông cũng dẫn ra cuốn sách có tựa là ‘Cái giá để vào đại học’ của tác giả Daniel Golden trong đó có nêu ra một số cách mà các gia đình giàu có có thể chi tiền để mua chỗ trong trường đại học cho con em họ, bao gồm đóng góp khoản tiền lớn chẳng hạn tài trợ cho tòa nhà mới hay lợi dụng danh tiếng người nổi tiếng. Những cách này cũng không liên quan gì đến thành tích học tập của con em họ nhưng cũng không được xem là phạm pháp. Ngoài ra, những học sinh giàu có đã học qua ở những trường nội trú đắt đỏ có được lợi thế để được nhận vào hệ thống trường Ivy League. Cách làm này cũng không có gì gian lận, nhưng chắc chắn là không công bằng đối với những sinh viên khác, cũng theo Giáo sư Eckstein.
Còn con đường ‘năng khiếu thể thao vượt trội’ mà một số người nổi tiếng lợi dụng để đưa con em họ vào các trường danh tiếng, ông Eckstein cho rằng người giàu có lợi thế rõ ràng khi đi vào bằng con đường này vì nhiều môn thể thao đòi hỏi người chơi phải lắm tiền của, chẳng hạn như bóng quần (squash), bóng vợt (lacrosse), đấu kiếm và đua thuyền. Do đó chỉ có cậu ấm cô chiêu mới có cơ hội đáp ứng những tiêu chí tuyển sinh kiểu này còn sinh viên nghèo thì không có cửa.
Ông dẫn một báo cáo của Quỹ Mellon cho rằng những sinh viên có thành tích học tập thấp nhưng nhờ vào khả năng thể thao có khả năng cao gấp bốn lần được nhận vào học so với các sinh viên có thành tích học tập tương tự nhưng không có khả năng thể thao gì cả.
Tuy nhiên, trong các vụ việc bị phanh phui của tai tiếng Varsity Blues, một số phụ huynh trên thực tế đã bỏ tiền ra mua chỗ cho con họ trong đội thể thao của trường rồi từ đó con em họ được nhận vào học. Chẳng hạn như huấn luyện viên thuyền buồm của Đại học Stanford John Vandemoer bị buộc tội đã nhận tiền đóng góp của phụ huynh để đổi lấy việc giới thiệu hai sinh viên tiềm năng vào học. Ông này đã nhận tội hôm 12/3.
"Hệ thống này giỏi hơn nhiều trong việc nhận diện những người bỏ tiền ra nhiều nhất (payers) thay vì các vận động viên tốt nhất (players)", ông nhận định.
"Các công tố viên trong vụ việc này đã nhấn mạnh rằng ‘không thể có cơ chế tuyển sinh riêng dành cho người giàu’. Để điều đó trở thành sự thật, cách làm hiện nay là ưu ái cho những gia đình hầu bao rủng rỉnh cần phải được bỏ. Điều đó cần hành động nhiều hơn là chỉ truy tố một số người".
Vai trò của công ty tư vấn giáo dục
Với mức phí khoảng từ 6.000 cho đến 30.000 đô la, một công ty tư vấn vào đại học với chín văn phòng trên khắp nước Mỹ sẽ giúp cho các học sinh tìm được trường đại học phù hợp và tư vấn nộp hồ sơ và luyện thi từ khi các em còn là học sinh trung học, tờ USA Today cho biết.
Một công ty tư vấn khác ở gần Washington DC ra giá 17.500 đô la trọn gói bao gồm 55 giờ tư vấn và dạy kèm cách viết bài luận cũng như dạy cách trả lời phỏng vấn cùng với hàng trăm lời nhắc cá nhân cho các thí sinh hoàn tất các bước nộp hồ sơ đúng hạn.
Ở New Haven, bang Connecticut, cô Brenda Bernstein một người từng tốt nghiệp trường Yale danh tiếng và hiện điều hành công ty The Essay Expert vốn giúp cho các học sinh trung học viết bài luận vào đại học, cho USA Today biết cô nhận được những lời đề nghị viết hộ bài luận nhưng cô không chịu làm.
"Các thí sinh được đánh giá dựa trên khả năng của các em. Nhưng có dịch vụ giúp làm hộ. Một số chỗ còn bán bài luận học thuật nữa", cô cho biết.
Ngành tư vấn tuyển sinh đại học ở Mỹ vẫn là một ngành gần như không bị quản lý và đã bùng nổ trong những năm gần đây do các trường đại học đã trở nên khắt khe hơn trong tuyển sinh, quá trình xét tuyển phức tạp hơn và nhiều người đã nhận ra rằng họ có thể kiếm tiền nhanh hơn bằng cách mua bán suất trúng tuyển vào trường đại học danh giá.
Ông Rick Singer, người đang ở trung tâm của vụ tai tiếng Varsity Blues, là một nhà tư vấn giáo dục gian dối như thế. Ông này đã nhận tội tổ chức đưa nhận hối lộ hàng triệu đô la để giúp cho các thí sinh không đủ tiêu chuẩn của những bậc phụ huynh giàu có và nổi tiếng được nhận vào các trường đại học khắt khe nhất nước Mỹ.
Nhìn chung, các công ty này được các gia đình tìm đến để giúp con họ tìm được trường phù hợp nhất đối với nhu cầu, khả năng và sở thích các em. Sau đó, họ sẽ tư vấn quá trình nộp hồ sơ. Hiệp hội Tư vấn Giáo dục Độc lập của Mỹ hiện có khoảng 2.000 thành viên, tăng gấp đôi so với 5 năm trước đây.
Tuy nhiên, Singer không là thành viên của hiệp hội này mà thuộc về nhóm những người mà một số phụ huynh tìm đến để giúp tăng cơ hội trúng tuyển của con em họ bằng mọi phương cách cần thiết. Ông thuộc nhóm các tư vấn giáo dục bất lương vốn sẽ ‘bẻ cong hay phá vỡ quy định’ để giúp khách hàng vào được các trường danh tiếng, theo USA Today.
Bà Sonali Bridges làm việc ở công ty tư vấn giáo dục Bridges Educational Consulting ở California, cho USA Today biết trong hợp đồng bà ký với các phụ huynh có ghi rõ rằng bà không thể đảm bảo cho con em họ trúng tuyển vào bất cứ trường nào, rằng bà không thể gây sức ép đối với ủy ban tuyển sinh của trường và bà không thể viết hộ bài luận hay điền hộ hồ sơ xin học.
Hợp đồng cũng yêu cầu học sinh và phụ huynh phải thực hiện quy trình ứng tuyển một cách ‘phù hợp với đạo đức’. Tuy nhiên không phải ai cũng làm theo.
"Tôi nghĩ ngày ngay người ta trở nên không trung thành ở rất nhiều ngành nghề, trong rất nhiều môi trường cạnh tranh, và giáo dục cũng không là ngoại lệ", bà Mandee Heller Adler, CEO của công ty tư vấn International College Counselors, cho biết.
Theo USA Today, một số cơ sở tư vấn giáo dục lâu năm nói rằng trong những năm qua, họ đã bắt gặp những thí sinh nói quá sự thật hay nói dối trong bài luận xin nhập học. Một số phụ huynh còn thay lời con em họ mà viết hộ bài luận.