Cuộc tấn công thương mại của Donald Trump thử lửa "tình bạn" với Tập Cận Bình (RFI, 23/03/2018)
Người Việt có câu : Yêu nhau lắm, cắn nhau đau.Phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đâm sau lưng "ông bạn" Tập Cận Bình khi cuối cùng chỉ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc ? Chủ nhân Nhà Trắng đã quyết định tạm ngừng áp dụng mức thuế mới với sáu nước và đồng minh (Liên Hiệp Châu Âu, Canada, Mêhicô, Úc, Achentina, Brazil và Hàn Quốc).
Donald Trump ký quyết định áp thuế nhập khẩu nhắm vào thép và nhôm ngày 08/03/2018. Reuters/Leah Millis TPX IMAGES OF THE DAY
Quyết định tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump, nguyên là doanh nhân 71 tuổi, kể từ khi vào Nhà Trắng không ngừng ca ngợi "mối quan hệ tuyệt vời" với nhiều nhà lãnh đạo thế giới : tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tổng thống Nga Putin hay tổng thống Achentina Mauricio Macri. Nhưng "mối quan hệ tốt đẹp nhất", có vẻ được ông Trump tâm huyết nhất, vẫn là với chủ tịch Tập Cận Bình, người trở thành nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông (1949-1976).
"Tình bạn" và "tình đoàn kết" giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới vẫn còn lưu trong hình ảnh chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 04/2017 của chủ tịch Trung Quốc : cô cháu ngoại Abella hát tiếng Trung tặng chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ; cả hai nguyên thủ thưởng thức chiếc bánh sôcôla "tuyệt vời nhất" tại tư dinh Mar-a-Lago (Florida)…
Tổng thống Trump chấp nhận cư xử bình đẳng với Trung Quốc và chủ tịch Tập cũng tỏ ý cùng chí hướng với chủ nhân Nhà Trắng khi hai quốc gia có chung lợi ích. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguyên thủ Trung Quốc không chú trọng đến "việc chăm chút cho quan hệ cá nhân" với tổng thống Mỹ mà chỉ tỏ vẻ như vậy nếu điều đó mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Vì "Ông Tập không để tình cảm chi phối", theo phân tích của Ryan Hass, cựu cố vấn về Châu Á của Barack Obama.
Đúng là "mối quan hệ tốt đẹp" giữa hai nhà lãnh đạo đã mang lại một số kết quả, như tiến triển trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, thương mại song phương dường như đang trở thành vật cản chính.
Tổng thống Trump luôn lên án Trung Quốc là nguyên nhân của mọi khó khăn trên lĩnh vực kinh tế Mỹ, trong đó nhiều cáo buộc là có căn cứ. Khi công bố "giác thư" bao gồm những biện pháp trừng phạt đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc ngày 22/03, tổng thống Mỹ không ngại "vừa đấm vừa xoa""ông bạn" Tập Cận Bình : ông lên án đích danh "sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc", nhưng vẫn tuyên bố "vô cùng tôn trọng chủ tịch Tập".
Chuyên gia Hass cho rằng việc công bố "giác thư" dường như mới mang tính chất cảnh cáo tại thời điểm này hơn là những biện pháp tức thì, vì văn bản này, sau khi được tổng thống ký, sẽ cho phép bộ Thương Mại tiến hành tham vấn về các sản phẩm sẽ bị đánh thuế. Tuy nhiên, sự phản công của chủ tịch Trung Quốc sẽ nhắm vào tâm điểm cử tri ủng hộ tổng thống Trump.
Trường hợp này đã xảy ra khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt được sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 01/2018. Chính quyền Bắc Kinh đã cho mở điều tra chống bán phá giá hạt bo bo Mỹ, một loại nông phẩm được trồng ở miền trung nước Mỹ, nơi cử tri đã ồ ạt bỏ phiếu cho tỉ phú Trump.
Nếu căn cứ vào một số trường hợp trước đây, ông Trump thường "giơ cao đánh khẽ". Ví dụ gần đây nhất là tuyên bố tăng thuế vào ngày 08/03 đối với mặt hàng thép và nhôm, cuối cùng mức thuế mới lại được tạm hoãn áp dụng đối với nhiều nước, trong đó có Mêhicô, Canada, Úc, Brazil, Liên Hiệp Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand.
Các biện pháp trừng phạt mà Washington công bố ngày 22/03 nhắm vào hàng nhập khẩu vẫn chưa có gì cụ thể. "Khoản tiền 60 tỉ đô la" không được nêu rõ là tổng giá trị hàng nhập khẩu sẽ bị đánh thuế, hay tổng số tiền thuế thu từ hàng nhập khẩu Trung Quốc. Thêm vào đó, bộ Thương Mại Mỹ có 15 ngày để lập danh sách chính xác các sản phẩm và các loại thuế áp dụng.
Liệu tổng thống Mỹ sẽ "giơ cao đánh khẽ" với hàng Trung Quốc ? Và mối quan hệ Trump-Tập sẽ ra sao sau quyết định đơn phương của chủ nhân Nhà Trắng ? Thời gian tới sẽ trả lời hai câu hỏi này.
Thu Hằng
**************************
Thương mại : Trung Quốc quyết chiến với Hoa Kỳ (RFI, 23/03/2018)
Ngày 23/03/2018, Bắc Kinh lên tiếng đe dọa tăng thuế đối với khoảng 100 mặt hàng của Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc với tổng trị giá có thể lên đến 60 tỉ đô la. Mục tiêu chính là chấm dứt tình trạng "cạnh tranh thiếu lành mạnh" và đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh : "Bắc Kinh không khoanh tay đứng nhìn"Reuters
Thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :
"Không chút chần chừ, bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa Washington về thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu Mỹ với tổng trị giá khoảng 3 tỉ đô la, đánh vào các mặt hàng thịt lợn, thép, hoa quả, rượu vang…
Đậu nành của các nhà nông Mỹ, trong đó 1/3 sản lượng được xuất sang Trung Quốc, cũng có thể biến thành vũ khí trả đũa, như lời cảnh báo của ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cây bút xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo.
Ông nói : Trước hết, đậu nành Brazil có thể thay thế đậu nành Mỹ. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng lạc để sản xuất dầu ăn. Thứ hai, một cuộc chiến thương mại có thể sẽ làm tăng giá cả ở Trung Quốc và kể cả ở Hoa Kỳ. Người Mỹ khó lòng mà thay thế được sản phẩm của chúng ta. Nếu Hoa Kỳ muốn rạch một nhát sâu vào da thịt chúng ta, thì chúng ta sẽ nhổ răng của họ.
Không có chuyện để Hoa Kỳ lấn lướt. Như dự kiến, tối thứ Năm (22/03), bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, phát biểu : Chúng tôi kịch liệt phản đốihành động đơn phương và chính sách bảo hộ của Mỹ. Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn, chúng tôi sẽ đưa ra mọi biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình.
Sáng nay (23/03), Hoàn Cầu Thời Báo còn viết : Người dân Trung Quốc ủng hộ những luận điểm trên, đồng thời cảnh báo Washington rằng người Trung Quốc có sức chịu đựng bền bỉ mà Hoa Kỳ không thể sánh được".
Thu Hằng
*******************
Trung Quốc đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ (BBC, 23/03/2018)
Trung Quốc đang cân nhắc áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 3 tỷ đôla của Hoa Kỳ để trả đũa khoản thuế quan mới mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố.
Trung Quốc tiêu thụ một lượng lớn thịt heo và các sản phẩm thịt heo từ Hoa Kỳ
Trung Quốc đang xem xét đánh thuế các loại hàng hóa từ Hoa Kỳ như thịt lợn, rượu vang, trái cây và các loại hạt và các ống thép không gỉ, và một số các sản phẩm khác.
Đồng thời, Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ tránh đưa mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung đến "vùng nguy hiểm".
Bắc Kinh nói hy vọng Mỹ sẽ rút khỏi "bờ vực" của một cuộc chiến thương mại.
Hôm thứ Năm, Mỹ tuyên bố kế hoạch áp đặt mức thuế lên đến 60 tỷ đô la đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế đầu tư của nước này vào Mỹ.
Động thái này là một phản ứng đối với cáo buộc Trung Quốc trộm cắp sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ nhiều năm qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói :
"Các sáng tạo công nghệ của Trung Quốc không dựa vào trộm cắp, mà nhờ vào nỗ lực và quyết tâm của người dân Trung Quốc, và Hoa Kỳ có thể nhìn thấy điều đó".
Hôm thứ Sáu, Bộ Thương mại Trung Quốc nói họ phản đối động thái chống hàng nhập khẩu Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Bộ này cho biết đang có kế hoạch áp thuế 25% đối với thịt lợn nhập khẩu của Mỹ và nhôm tái chế, và 15% đối với ống thép, trái cây và rượu vang.
Bộ này nói thêm rằng Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng cũng không ngần ngại đối đầu.
Bắc Kinh cũng có kế hoạch kiện Hoa Kỳ lên Hiệp hội Thương mại Thế giới về mức thuế quan mà Washington công bố vào tháng trước đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các thị trường ở Châu Á đang lo ngại rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào một cuộc chiến thương mại.
Chỉ số Nikkei 225 đã giảm gần 4% vào giữa phiên giao dịch buổi sáng, và các thị trường Trung Quốc đều nằm trong diện tiêu cực.
*********************
Trung Quốc kêu gọi Mỹ lùi lại từ bờ vực chiến tranh thương mại (VOA, 23/03/2018)
Trung Quốc hôm 23/3 thúc giục Hoa Kỳ hãy "lùi lại khỏi bờ vực" chiến tranh thương mại, giữa lúc kế hoạch của Tổng thống Trump đánh thuế vào hàng Trung Quốc trị giá tới 60 tỷ đôla đang đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tới gần hơn một cuộc chiến thương mại.
Táo nhập càng từ Mỹ được bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh. (Hình minh họa : AP Photo/Mark Schiefelbein)
Danh sách đánh thuế này bao gồm 25% đối với thịt heo và nhôm phế phẩm, và 15% đối với rượu, táo, và thép ống.
Bộ Thương Mại Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ thương thuyết để giải quyết ngay mâu thuẫn trong việc Tổng Thống Trump đánh thuế vào nhôm và thép nhập cảng, nhưng chưa cho biết lúc nào.
Ngoài ra, cơ quan này cũng chỉ trích quyết định của Tổng Thống Trump đánh thuế hàng Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ.
Bộ Thương Mại tố cáo Mỹ theo "chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch", nhưng không cho biết Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào.
Sự căng thẳng giữa hai quốc gia làm thị trường chứng khoán khắp nơi xuống điểm, vì giới đầu tư e rằng sẽ có một cuộc chiến thương mại. (Đ.D.)
************************
Mỹ tạm miễn thuế nhập khẩu thép nhôm đối với Liên Hiệp Châu Âu (RFI, 23/03/2017)
Ngày 22/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định miễn áp thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm cho đến ngày 01/05 đối với nhiều đối tác thương mại của Hoa Kỳ : Liên Hiệp Châu Âu, Achentina, Úc, Brazil, Canada, Mêhicô và Hàn Quốc. Nhưng chính giới của Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra thận trọng về quyết định này của nguyên thủ Hoa Kỳ.
Từ trái sang phải : Robert Lighthizer (Hoa Kỳ), Cecilia Malmstrom (Liên Hiệp Châu Âu) và bộ trưởng Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Hiroshige Seko (Nhật Bản) tại cuộc đàm phán về thương mại, Bruxelles, ngày 10/03/2018. Reuters/Stephanie Lecocq
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson gởi về bài tường trình :
"Viễn cảnh chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương tạm lùi xa, giới doanh nghiệp Châu Âu dĩ nhiên là thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chính giới tỏ ra thận trọng vì hiểu rằng sự hòa dịu giữa Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ không kéo dài. Việc miễn thuế đối với thép và nhôm nhập vào thị trường Mỹ chỉ là tạm thời, trong khi chờ kết quả đàm phán giữa Ủy Ban Châu Âu, đại diện cho 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, với đại diện thương mại của Hoa Kỳ.
Washington đã ấn định hạn chót của các cuộc đàm phán này là 30/04. Từ đây đến đó hai bên phải đạt được thỏa thuận. Phía Châu Âu đang lo ngại về những đề nghị của phía Mỹ đổi lấy việc miễn thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm.
Phát biểu hôm qua bên lề thượng đỉnh Châu Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc nhở các nhà thương thuyết Châu Âu là không nên nhượng bộ Hoa Kỳ quá nhiều, đến mức đi ngược lại những cam kết của Liên Hiệp Châu Âu về khí hậu và xã hội".
Thanh Phương