Tàu chiến Mỹ ‘tái xuất’ ở Biển Đông (VOA, 23/03/2018)
Một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ hôm 23/3 đã tiến hành hoạt động "tự do hàng hải" bên trong phạm vi 12 hải lý của một đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trong Biển Đông, Reuters dẫn nguồn các giới chức Mỹ cho biết động thái này có phần chắc sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Đá Vành Khăn, nơi tàu khu trục USS Mustin tiến hành hoạt động thể hiện tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đây là hoạt động mới nhất trong nỗ lực chống lại các cố gắng của Bắc Kinh tìm cách hạn chế quyền tự do đi lại trong vùng biển chiến lược, theo quan điểm của Washington.
Theo các giới chức ẩn danh, tàu USS Mustin tiến gần tới Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, và thực hiện các hoạt động hàng hải.
Trước đây, Bắc Kinh phản ứng giận dữ trước các hoạt động mà họ cho là có tính cách khiêu khích như vậy.
Hoạt động mới nhất của hải quân Mỹ diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ký bản ghi nhớ về chính sách thuế mới, nhắm mục tiêu vào hàng hóa Trung Quốc trị gia 60 tỉ đôla.
Hoa Kỳ từng chỉ trích hoạt động xây dựng cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các đảo, đá đang tranh chấp ở Biển Đông. Washington lo ngại các cơ sở này có thể sẽ được sử dụng để hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.
Trong chiến lược quốc phòng mới công bố gần đây, quân đội Hoa Kỳ đặt mục tiêu chống Trung Quốc và Nga làm trọng tâm của chiến lược này.
Reuters dẫn nguồn từ tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc hôm 23/3 cho biết hải quân nước này cũng sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông và nói đây là một phần trong các cuộc diễn tập thường niên.
Tuần này, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã theo sát một tàu sân bay Trung Quốc dẫn đầu một nhóm tàu vượt qua eo biển Đài Loan theo hướng tây nam, nghĩa là đi vào khu vực tranh chấp Biển Đông trong hoạt động mà Đài Loan cho là tập trận.
Hoa Kỳ hối thúc các đồng minh hãy thực hiện các hoạt động thể hiện tự do hàng hải trong khu vực.
Hồi đầu năm nay, Anh cho biết sẽ điều một trong các tàu chiến của nước này đến Biển Đông để khẳng định quyền tự do đi lại trong khu vực.
**********************
Tàu hải quân Mỹ đi gần đá Vành Khăn thách thức Trung Quốc (RFA, 23/03/2018)
Một tàu của hải quân Hoa Kỳ vừa đi qua đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ở biển Đông vào hôm thứ sáu ngày 23/3. Reuters trích lời của những giới chức giấu tên của Mỹ cho biết như vậy vào cùng ngày.
Hình từ FB USS Mustin hôm 19/3/2018 : Tàu USS Mustin tại Guam Coutersy of FB USS Mustin
Theo nguồn tin của Reuters, tàu USS Mustin đã thực hiện hoạt động trong chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã thực hiện từ vài năm qua ở biển Đông.
Đây là lần thứ hai trong năm nay, tàu của hải quân Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra tại khu vực có tranh chấp ở biển Đông.
Hôm 17 tháng một vừa qua, tàu khu trục USS Hopper của hải quân Mỹ cũng đã đi vào vùng 12 hải lý của bãi Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng gì trước thông tin tàu Mỹ đi qua vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên trong các lần trước, Trung Quốc đều lên tiếng phản đối.
Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn duy trì lập trường không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông, nhưng đồng thời vẫn duy trì quan điểm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này.
Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc xây lấp các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực biển Đông vì cho rằng những hoạt động này sẽ làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
******************
Chiến hạm Mỹ tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn (RFI, 23/03/2018)
Vào đúng lúc quan hệ Washington-Bắc Kinh có dấu hiệu tăng nhiệt trong địa hạt thương mại, Hải Quân Mỹ ngày 23/03/2018 đã cho một chiến hạm tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Tầu khu trục USS Mustin (DDG 89) tập trận cùng với hải quân Nhật Bản trên Biển Đông, ngày 21/04/2015. Reuters
Trả lời hãng tin Anh Reuters, một số quan chức Mỹ xác nhận đó là một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải. Còn theo một quan chức Mỹ xin giấu tên, khu trục hạm USS Mustin đã tiến vào tuần tra trong vùng biển sát đá Vành Khăn (Mischief Reef) và thực hiện những thao tác tập dượt.
Đá Vành Khăn là một thực thể trên Biển Đông, đối tượng tranh chấp của cả Việt Nam, Philippines, Trung Quốc…, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Bắc Kinh đã cho xây dựng trên đó một phi đạo dài, cùng với nhiều cơ sở bị cho là mang tính chất quân sự.
Kể từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump, Hoa Kỳ đã thường xuyên cho tiến hành các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, cho tàu tuần tra sát các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng để thách thức các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh.
Theo Reuters, cuộc tuần tra hôm nay của chiếc USS Mustin là phản ứng mới nhất của Washington để chống lại những gì bị coi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do đi lại tại Biển Đông.
Động thái này lại được thực hiện chỉ một hôm sau khi tổng thống Mỹ ký văn kiện áp thuế trên 60 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cả Bộ ngoại giao lẫn Quốc Phòng Trung Quốc đều không trả lời câu hỏi của Reuters, nhưng sau những chuyến tuần tra trước đây của Hải Quân Mỹ, Bắc Kinh thường phản ứng giận dữ, gọi việc làm của Mỹ là hành vi khiêu khích, và dọa đáp trả.
Từ ngày tổng thống Mỹ nhậm chức đến nay, Hải quân Mỹ đã 4 cho tàu tiến vào tuần tra gần các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông, cả ở Hoàng Sa, lẫn Trường Sa.
Trọng Nghĩa
**********************
Trung Quốc lên án hoạt động thể hiện ‘tự do hàng hải’ của Mỹ ở Biển Đông (VOA, 23/03/2018)
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 23/3 nói Hoa Kỳ đã xâm hại nghiêm trọng tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc khi đưa một tàu khu trục của hải quân Mỹ vào vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông để thể hiện "quyền tự do hàng hải".
Tàu khu trục USS Mustin của hải quân Hoa Kỳ.
Theo lời các giới chức ẩn danh tiết lộ với Reuters, tàu khu trục USS Mustin của hải quân Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần Đá Vành Khăn, mà Trung Quốc đã xây thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Washington lo ngại các cơ sở quân sự mà Bắc Kinh xây ở các đảo trong vòng tranh chấp có thể được sử dụng để hạn chế quyền tự do đi lại trong vùng biển có tính chiến lược này. Hoạt động của tàu USS Mustin là động thái mới nhất của Mỹ chống lại nỗ lực kiểm soát của Bắc Kinh.
Trong tuyên bố ngày 23/3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo :
"Hành vi khiêu khích của Hoa Kỳ sẽ chỉ khiến quân đội Trung Quốc tăng cường khả năng phòng thủ của mình".
********************
Trung Quốc sẽ 'diễn tập hải quân ở Biển Đông' (BBC, 23/03/2018)
Trung Quốc hôm 23/03/2018, nói Hải quân Quân Giải phóng 'sẽ có cuộc diễn tập thường niên ở Nam Hải' nhưng không nói cụ thể thời gian và địa điểm.
Tàu hải quân Trung Quốc 890, hình chụp hôm 7/10/2016, khi tàu ghé thăm Malaysia - ảnh chỉ có tính minh họa
Tuy nhiên, theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong, mục tiêu của cuộc diễn tập này được nói rõ là để "thử thách và nâng cao khả năng chiến thắng" cho Hải quân Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.
Tân Hoa Xã nói diễn tập "không nhằm vào một quốc gia hay mục tiêu cụ thể".
Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã viết : "Hải quân sẽ thực thiện cuộc diễn tập quân sự trong điều kiện tác chiến tại các vùng nước của Biển Nam Trung Hoa".
Động tác này sẽ được các nước trong vùng quan sát kỹ vì nó xảy ra sau khi ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch nước "vô thời hạn" sau kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Liên quan đến quan hệ Trung - Việt, hôm 22/03, báo chí Việt Nam trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng "phản đối quy chế của Trung Quốc về đánh bắt cá tại Biển Đông".
Trang South China Morning Post hôm 03/03/2018 bình luận rằng, riêng về vấn đề Biển Đông, "nhiệm kỳ 5 năm nữa của ông Tập, và có thể lâu hơn nữa, có nghĩa là các nước Đông Nam Á sẽ phải điều chỉnh để quen đi với "sự hiện diện chủ động hơn của Trung Quốc trong vùng".
Image captionTàu chiến Trung Quốc đã vào cả Biển Baltic hồi 2017
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Tập cũng cho tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lên hơn trước.
Các phát biểu cứng rắn chống lại "chủ nghĩa ly khai" ở Hong Kong và Đài Loan là thông điệp gửi đến các nước khác rằng Trung Quốc sẽ không khoan nhượng trong các vấn đề đó.
Gần đây, Hoa Kỳ đã gửi một số quan chức cấp thấp trong chính quyền sang thăm Đài Loan, điều Trung Quốc luôn phản đối.
************************
Trung Quốc chuẩn bị diễn tập trên biển Đông (RFA, 23/03/2018)
Giải Phóng Quân Báo (PLA Daily) của quân đội Trung Quốc hôm 23/3 cho biết hải quân Trung Quốc chuẩn bị diễn tập chiến đấu tại Biển Đông nhưng không nói cụ thể thời gian và địa điểm của cuộc diễn tập.
Hình chụp hôm 10/5/2016 : Các thủy thủ thuộc hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập gần bãi James Shoal ở khu vực biển Đông. AFP
Theo PLA Daily, đây là hoạt động đã lên kế hoạch định kỳ hàng năm của hải quân nước này. Mục đích của cuộc diễn tập là nhằm kiểm tra và hoàn thiện mức độ tập luyện của quân đội, nâng cao khả năng giành chiến thắng. Cuộc diễn tập không nhằm vào bất cứ nước nào hay mục tiêu cụ thể nào.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan tuần này cho biết đã phát hiện và theo dõi một nhóm tàu thuộc hàng không mẫu hạm của Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan vào khu vực biển Đông. Đài Loan cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị tập trận.
Theo Reuters, hải quân và không quân Trung Quốc thường xuyên tổ chức tâp trận ở biển Đông.
Trung Quốc cũng là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực biển Đông. Các nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
*********************
Trung Quốc : Quân ủy Trung ương chỉ huy lực lượng tuần duyên (RFI, 22/03/2018)
Đảng cộng sản Trung Quốc tiếp tục cải cách về tổ chức nhằm thâu tóm toàn bộ các lực lượng vũ trang. Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, hôm 21/03/2018, lực lượng tuần duyên hay "Hải Cảnh", vốn thuộc ngành dân sự, sẽ trở thành lực lượng cảnh sát vũ trang, nằm dưới quyền chỉ huy của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Tàu tuần duyên Trung Quốc (Ảnh minh họa) Reuters / Nguyễn Minh
Từ năm 2013 cho đến nay, lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc vốn nằm dưới quyền của Cục Hải Dương, một cơ quan dân sự. Theo quyết định vừa được Quốc Hội Trung Quốc thông qua hôm 20/03, lực lượng này sẽ trực thuộc Cảnh sát Vũ trang, cơ quan trực tiếp nằm dưới sự điều hành của Quân ủy Trung ương.
Tân Hoa Xã cũng cho biết, trên thực tế, kể từ tháng Giêng 2018, lực lượng Cảnh sát Vũ trang bắt đầu gửi báo cáo trực tiếp đến Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng, do ông Tập Cận Bình đứng đầu.
Với các cải cách đang được tiến hành, Quân ủy Trung ương Trung Quốc sẽ nắm trọn quyền thống lĩnh quân đội và các lực lượng vũ trang khác.
Thay đổi về tổ chức của lực lượng tuần duyên Trung Quốc được Nhật Bản theo sát. Theo báo Nhật Nikkei, Tokyo lo ngại Bắc Kinh sẽ có thêm nhiều hoạt động gây khó khăn cho Nhật đặc biệt tại quần đảo tranh chấp Senkaku, do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Báo Hồng Kông South China Morning Post, dẫn lời chuyên gia Lyle Morris (thuộc nhóm tư vấn RAND Corporation, có trụ sở tại Mỹ), cảnh báo là thay đổi này có thể có "các hệ quả lớn".
Cụ thể là lực lượng Hải Cảnh - phối hợp chặt với quân đội, dưới sự chỉ huy thống nhất của Quân ủy Trung ương - có nhiều phương tiện hơn (cả về huấn luyện cũng như chia sẻ tin tức tình báo) và có khả năng hành động một cách táo tợn hơn, nếu họ muốn, tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cải cách nói trên cũng mở đường cho việc Hải Cảnh tham gia vào các chiến dịch quân sự cùng với quân đội Trung Quốc.
Trọng Thành
*********************
Trung Quốc cần chuẩn bị hành động quân sự về Đài Loan (RFA, 22/03/2018)
Trung Quốc cần chuẩn bị hành động quân sự đối với Đài Loan và áp lực Hoa Kỳ về hợp tác với Bắc Hàn.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu tại một bữa tiệc của Phòng Thương mại Mỹ tại Đài Bắc hôm 21/3/2018 - AFP
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc được Reuters dẫn như vừa nêu. Theo đó thì Bắc Kinh tỏ ra giận dữ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tuần qua ký ban hành luật khuyến khích các chuyên thăm qua lại giữa giới chức cấp cao Đài Loan và Mỹ.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Alex Wong vào ngày 21 tháng 3, khi có mặt tại Đài Bắc, cũng cho biết cam kết của Hoa Kỳ đối với đảo quốc Đài Loan chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này và đây là một nguồn cảm hứng cho cả khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Bài bình luận của Hoàn Cầu Thời Báo được Reuter dẫn nói rằng Trung Quốc cần phải phản pháo lại luật mà Tổng thống Hoa Kỳ vừa ký ban hành ; đơn cử Bắc Kinh cần phải gây áp lực với Washington trong những lĩnh vực khác như các vấn đề Bắc Hàn và Iran.
Đồng thời, theo Hoàn Cầu Thời Báo thì Hoa Lục cần chuẩn bị cho một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp tại Eo Biển Đài Loan.