Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/03/2018

Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có xảy ra không ?

RFI tiếng Việt

Thực hư về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc ? (RFI, 27/03/2018)

Từ ba tuần qua, truyền thông quốc tế tập trung vào cuộc đọ sức thương mại giữa Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới, mà đối thủ chính của Washington là Bắc Kinh. Tại Washington, Donald Trump "ồn ào" thông báo các biện pháp cứng rắn phạt Trung Quốc "ăn cắp" chất xám của Mỹ. Ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo chủ trương "vận động ngầm với những đòn hiểm không kém".

eco1

Mỹ phải nhập 50% nhôm để phục vụ cỗ máy công nghiệp. ©STR/AFP

Trên đây là nhận định của giáo sư Nicolas Moinet thuộc trường hành chính và kinh tế AIE tác giả cuốn Les sentiers de la guerre économique (tạm dịch là Những con đường của một cuộc chiến tranh kinh tế), nhà xuất bản VA Press cảnh báo : chớ lầm trước thái độ chừng mực của Bắc Kinh.

Tuần qua, Mỹ kiện Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế 60 tỷ đô la nhắm vào nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhập sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh lập tức công bố một số các biện pháp trả đũa.

Theo giới chuyên gia, mang tiếng là chủ trương mở cửa thị trường, nhưng luật thương mại của Mỹ "cực kỳ tinh vi" và có nhiều phương tiện để áp dụng các biện pháp bảo hộ. Tổng thống Trump không là nguyên thủ Hoa Kỳ đầu tiên đi theo hướng này.

Nhưng đúng là chưa bao giờ Washington viện cớ "an ninh quốc gia" để áp thuế, và đây cũng là lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc trực tiếp đối đầu trên mặt trận thương mại.

Đôi bên đều dùng những lời lẽ rất cứng rắn để nhắm vào đối phương, nhưng ở hậu trường, Washington và Bắc Kinh kín đáo đàm phán tránh để nổ ra một cuộc chiến thương mai.

Sau khi dọa đánh thuế nhắm vào nhôm và thép của thế giới nhập sang Hoa Kỳ, Nhà Trắng chung cuộc tạm miễn hình phạt này cho khá nhiều nước bạn của Mỹ, trong đó có Hàn Quốc, Liên Hiệp Châu Âu hay Canada. Trung Quốc không nằm trong danh sách đó.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế số 1 và 2 của thế giới tăng thêm một nấc sau khi tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh áp thuế 60 tỷ đô la nhắm vào hàng "made in China", kèm theo những tuyên bố rất gay gắt như là trực tiếp tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc "ăn cắp" chất xám của các đối tác Mỹ qua các vụ chuyển giao công nghệ. Câu hỏi đặt ra là liệucác đòn tấn công của chủ nhân Nhà Trắng tác động tới mức độ nào và có hiệu quả hay không ?

Trong mắt chuyên gia Mark Williams, công ty tư vấn Capital Economics của Anh cho rằng dù có bị thiệt hại 60 tỷ đô la vì Mỹ tăng thuế nhập khẩu, nền kinh tế thứ 2 của thế giới "không hề hấn gì". Tác động không quá so với một "cái khẻ tay". 60 tỷ đô la tương đương với 1/8 tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Hoa Kỳ và nhìn tổng thể thì chỉ bằng 2,6% tổng trị giá xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn thế giới.

Tuy nhiên chuyên gia này thận trọng cho rằng, biện pháp tăng thuế để hù dọa lẫn nhau kiểu này chỉ là "bề nổi của tảng băng"...

Julien Marcilly, đại diện cho công ty bảo hiểm cho các doanh nghiệp Pháp Coface không chia sẻ phân tích nói trên của chuyên gia kinh tế kinh tế Mark Williams khi cho rằng nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại, Trung Quốc bị thiệt hại nhiều hơn Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ tương đương với 0,5% GDP của nền kinh tế số 1 thế giới. Ngược lại xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chiếm tới 5% tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc.

Trung Quốc lập tức trả đũa

Mỹ đòi phạt 60 tỷ đô la nhắm vào hàng Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa dọa phạt 3 tỷ đô la hàng Mỹ nhập vào nước đông dân nhất địa cầu. Bị Washington mang ra kiện trước Tổ chức Thương mại Thế giới "vi phạm quyền sở hữu trí tuệ", đại diện Trung Quốc tại WTO ngày 26/03/2018 kêu gọi tất cả các thành viên cùng chung tiếng nói chống lại việc Hoa Kỳ đơn phương tăng thuế nhập khẩu.

Vào lúc Mỹ chưa chính thức công bố danh sách những sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế thì tại Bắc Kinh ngay từ tuần trước, bộ Thương Mại đã thông báo tăng thuế nhập khẩu từ 15% đến 25% nhắm vào 128 mặt hàng của Mỹ bán tại Trung Quốc trong trường nổ ra chiến tranh thương mại. Trong số này phải kể tới rau quả tươi, thịt heo cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Nhưng khả năng "ăn miếng trả miếng" của Bắc Kinh không dừng lại ở đây. Kinh tế gia Alex Wolf thuộc cơ quan tư vấn Aberdeen Standard Investments- trụ sở tại Edinburg- Anh, giải thích : Trung Quốc có nhiều phương tiện để gây áp lực với Nhà Trắng. Thị trường thịt heo, rau quả không thấm vào đâu, khi biết rằng một phần lớn doanh thu của các đại tập đoàn Mỹ từ Apple tới Microsoft, từ hãng quần áo Nike tới các cửa hàng cà phê Starbucks... tùy thuộc vào thị trường với gần 1,5 tỷ dân này.

Giơ cao đánh khẽ ?

Theo tiết lộ của nhật báo tài chính Mỹ, The Wall Street Journal dù bề ngoài tỏ ra rất cứng rắn, nhưng ở hậu trường, Washington và Bắc Kinh đang ráo riết đàm phán. Phía Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tập đoàn Mỹ dễ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là với ngành tài chính. Trưởng đoàn đoàn phán về phía Mỹ là bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin và đại diện Thương Mại Robert Lighthizer. Về phía Trung Quốc, hồ sơ này được đặt trong tay tân phó thủ tướng Lưu Hà, một nhân vật thân tín của ông Tập Cận Bình.

Trong cuộc điện đàm ngày 24/03/2018 đôi bên đồng ý duy trì các kênh liên lạc trên hồ sơ thương mại. Hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin thậm chí còn dự trù sang tận Bắc Kinh trong những ngày tới để trực tiếp thương lượng.

Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc có khoảng 2 tháng để đưa ra quyết định sau cùng trước khi mà các biện pháp trừng phạt lẫn nhau có hiệu lực. Trong hai tháng, nhiều chuyển biến có thể xảy ra, nhất là cả phía các doanh nghiệp Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều nỗ lực "vận động hành lang".

Nhiều nhà quan sát cho rằng, tinh ý một chút người ta sẽ nhận ra rằng trong vô số những mặt hàng "made in China", đều có những đóng góp "trị giá gia tăng" từ phía Mỹ. Ngược lại, không ít những lĩnh vực công nghiệp của Hoa Kỳ, trên đất Hoa Kỳ phải nhập linh kiện từ Trung Quốc.

Một dấu hiệu khác cho thấy dù có những lời lẽ cứng rắn bề ngoài nhưng đôi bên cùng đang "kềm chế" : trong số 128 mặt hàng của Mỹ bị Bắc Kinh dọa áp thuế, bộ Thương Mại Trung Quốc tránh đả động đến đậu nành. Năm 2017, Trung Quốc là khách hàng mua vào 1/3 sản xuất của các nông gia Mỹ và doanh thu lên tới 14 tỷ đô la.

Trung Quốc có thực sự mềm mỏng ?

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, giáo sư Nicolas Moinet thuộc trường Hành Chính AIE tác giả cuốn "Les sentiers de la guerre économique " tạm dịch là Những con đường của một cuộc chiến tranh kinh tế, nhà xuất bản Washington Press cảnh báo : chớ lầm trước thái độ chừng mực của Bắc Kinh. Nếu như Donald Trump có thói quen tuyên bố hùng hồn trước các ống kính truyền hình thế giới, thích phô trương, thì ngược lại ở Bắc Kinh, không chỉ ông Tập Cận Bình mà cả ban lãnh đạo Trung Quốc luôn tỏ ra chừng mực và bình tĩnh. Bởi Bắc Kinh hiểu rõ là "cuộc chiến mới chỉ mở màn", các đòn hù dọa áp thuế nhập khẩu từ phía Nhà Trắng chỉ là "hiệp 1". Các chương kế tiêp mới mang tính quyết định.

Vả lại, theo ôn Moinet, chủ trương của Bắc Kinh là không dùng những lời lẽ đao to búa lớn mà tập trung vào "các cuộc vận động ngầm, vào những khâu chuẩn bị rất bải bản để cuối cùng tung ra những đòn hiểm, rất lợi hại".

Thanh Hà

**********************

Đánh cắp sở hữu trí tuệ : Hoa Kỳ chỉ đích danh Bắc Kinh (RFI, 27/03/2018)

Vi phạm bằng sáng chế, làm hàng nhái, ép chuyển giao công nghệ… những lời phàn nàn về mặt sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc không hề ít, dù Bắc Kinh luôn tỏ ra nỗ lực và ca ngợi cơ chế pháp lý được tăng cường.

eco2

Tổng thống Donald Trump ký văn bản về thuế sở hữu trí tuệ đánh trên hàng công nghệ cao cấp từ Trung Quốc, ngày 22/03/2018. Reuters/Jonathan Ernst

Trường hợp tiêu biểu nhất, được AFP nhắc lại, là vào năm 2015, một nhà điều tra của tập đoàn Microsoft tại Thượng Hải đã đặt mua rất nhiều máy tính từ nhà sản xuất thiết bị tin học MSI. Công ty Trung Quốc hứa cài hệ điều hành Windows 7… nhưng cuối cùng tất cả chỉ là bản đánh cắp.

Microsoft đã kiện công ty MSI ra tòa và được xử thắng kiện với khoản đền bù ít ỏi 32.000 đô la, không thấm vào đâu so với chi phí thưa kiện. Khi kháng án lên Tòa phúc thẩm, tập đoàn tin học Mỹ đã bị thua kiện vào tháng 12/2017.

Theo một luật sư ẩn danh của Microsoft, trường hợp này có thể trở thành tiền lệ "gây tác dụng ngăn chặn", có nghĩa là không thể truy tố những kẻ phạm tội tại Trung Quốc.

Tư pháp Trung Quốc yếu kém

Đa số doanh nghiệp phương Tây đánh giá tư pháp Trung Quốc vẫn còn yếu kém, trong khi trên các trang bán hàng trực tuyến, như Taobao, tràn lan các loại hàng nhái, từ quần áo đến sản phẩm điện tử và kể cả hàng hiệu.

Washington đã kịch liệt lên án về vấn nạn này. Tuy nhiên, trả lời AFP, luật sư Scott Palmer, thuộc văn phòng Sheppard Mullin Richter&Hampton tại Bắc Kinh, nhận xét : "Hướng chính của hành vi phạm pháp đã được chuyển lên mạng, vì vậy, với các thương hiệu, rất khó để phát hiện ra được hàng giả trên các trang bán hàng trực tuyến, như Taobao", thường giống những trận đồ bát quái. "Người ta chặt một cái đầu thì nó lại mọc tức thì ở nơi khác. Thật đáng thất vọng", vẫn theo luật sư Scott Palmer.

Một trong những lý do có thể giải thích việc Hoa Kỳ quyết định kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là Bắc Kinh tỏ ra không nghiêm túc trước hành vi phạm pháp, luật lệ không thích hợp, tiêu chí nộp bằng sáng chế không nghiêm, thủ tục tố tụng phức tạp…

Có một nghịch lý là, vào năm 2014, Trung Quốc đã thành lập các tòa án dành riêng cho việc xét xử các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải. Sau đó, khoảng 15 cơ chế tương tự đã được thành lập. Năm 2017, tư pháp Trung Quốc xét xử khoảng 213.000 vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ, tăng 40% so với năm 2016, trong đó "khoảng 20%" liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài. Theo bà Tao Kaiyuan, phó chủ tịch Tòa án Tối cao, con số này cho thấy Trung Quốc từ giờ có một cơ chế pháp luật cần thiết và một pháp chế phong phú.

Tuy Trung Quốc đã có nhiều "tiến bộ nhanh chóng", nhưng theo nữ luật sư Laura Wen-Yu Young, thuộc văn phòng Wang&Wang LLP tại Thượng Hải, "vẫn còn nhiều tiến bộ khác cần làm", như bất cập trong vấn đề cấp bằng sáng chế mà không kiểm chứng đầy đủ. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ và gây khó khăn cho các vụ kiện.

Chiếm quyền sở hữu trí tuệ thông qua hình thức chuyển giao công nghệ

Nằm trong tầm ngắm của Hoa Kỳ chủ yếu là hình thức chuyển giao công nghệ mà các doanh nghiệp Mỹ buộc phải tuân theo nếu muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc. Ngày 21/03/2018, một quan chức ẩn danh của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khẳng định Washington "có những bằng chứng rất chắc chắn về việc Trung Quốc sử dụng những biện pháp như buộc phải thành lập công ty liên doanh (…) với yêu cầu chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc".

Trong ngành công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất phương Tây chỉ có thể mở nhà máy ở Trung Quốc với điều kiện thành lập liên doanh với một tập đoàn nội địa… và chia sẻ công nghệ. Đây chính là "chiếc vé vào cửa", như ông Carlos Ghosn, chủ tập đoàn Renault của Pháp, từng thừa nhận vào cuối năm 2013.

Chính điều này hạn chế sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài với các đối thủ Trung Quốc. Và với những quy định hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài "giống như đang chạy việt dã với đế giầy bằng chì", như nhận định chua chát trên Twitter của ông Elon Musk, nhà sáng lập Tesla. Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross, trong một bài viết trên Financial Times vào giữa năm 2017, cũng lên án tình trạng đánh cắp công nghệ cao do Bắc Kinh chỉ đạo.

Tại Châu Âu, tập đoàn Trung Quốc đầu tiên nộp bằng sáng chế không ai khác là tập đoàn viễn thông Huawei.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 588 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)