Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/04/2018

Hậu quả nào do chiến tranh thương mại toàn cầu gây ra ?

RFI tiếng Việt

Không chỉ có thuế quan Trung Quốc mới đáng sợ cho doanh nghiệp Mỹ (RFI, 04/04/2018)

Tháng Ba 2018 : Mỹ quyết định đánh thuế nhôm và thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Chỉ ít lâu sau, ngày Thứ Hai, 02/04/2018, đến lượt Trung Quốc trả đũa, loan báo việc áp thuế lên đến mức 25% đối với 128 mặt hàng nhập của Mỹ - có cả thịt heo, trái cây, rượu – trị giá ước tính 3 tỷ đô la.

trade1

Hàng nhập từ Mỹ tại một siêu thị Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh 03/04/2018. Reuters/Aly Song

Bắc Kinh nói rõ : Quyết định đánh thuế đó là "để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc và bù đắp thiệt hại" do mức thuế mới của Mỹ, và cũng như Donald Trump, Trung Quốc đã nêu bật vấn đề "an ninh quốc gia".

Tổng thống Donald Trump đã cho rằng chiến tranh thương mại là điều ‘tốt’ và ‘dễ thắng’ nhưng giới kinh tế có nhận định chung là các bên đều thua thiệt. Trong bài phân tích đăng ngày 02/04/2018 mang tựa đề : "Không chỉ có thuế quan Trung Quốc mới đáng ngại cho doanh nghiệp Mỹ (It’s Not Just China's Retaliatory Tariffs That Should Worry U.S. Businesses)", tạp chí Time đã không ngần ngại cảnh báo Hoa Kỳ rằng thiệt hại do thuế quan Trung Quốc sẽ chẳng thấm vào đâu so với tác động của một loạt biện pháp khác mà Bắc Kinh chưa dùng tới : đó là kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa để tẩy chay hàng hóa Mỹ.

Một cuộc chiến tranh thương mại bán chính thức

Bài báo trước tiên ghi nhận phản ứng ầm ĩ của báo chí Trung Quốc, đã lớn tiếng hoan nghênh việc trả đũa.

Trong bài xã luận, Hoàn Cầu Thời Báo mô tả việc "ăn miếng trả miếng"này như là "một cuộc chiến tranh thương mại bán chính thức" đang diễn ra. Đối với tờ báo, "đã đến lúc Washington từ bỏ ảo tưởng mà họ đã sống trong đó từ bấy lâu nay, theo đó Trung Quốc không dám đáp trả và khoan dung với thuế của Mỹ".

Theo báo Time, cho đến giờ này, cuộc tranh chấp không có dấu hiệu là sẽ leo thang mạnh, có điều tình hình có thể thay đổi nếu Nhà Trắng tiếp tục thúc đẩy những thứ thuế mới lên đến 60 tỷ đô la mà ông Trump đe dọa áp đặt, vì cho là Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Như giáo sư kinh tế Jeffrey Towson thuộc Đại Học Bắc Kinh nhận định : "Nếu đây là một trận đấu võ, thì tôi chưa thấy có chiêu thức quan trọng nào, mà chỉ là những cú vờn nhau, chưa ai tìm cách hạ gục đối phương cả".

Dù vậy, tác giả bài phân tích trên Time cảnh báo : nếu vụ việc biến thành một cuộc quần thảo công khai, thì Trung Quốc biết cách sử dụng thủ đoạn như họ vẫn thường làm. Trong quá khứ, Bắc Kinh từng nhiều lần dùng thủ đoạn áp thuế nhắm vào các nước khác để trả đũa hay để đạt được mục tiêu chính trị.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không cần có hành động cụ thể để đánh vào hầu bao của nước khác, vì bản thân người dân Trung Quốc có thể tự làm điều đó.

Vũ khí hủy diệt : tâm lý dân tộc chủ nghĩa của dân Trung Quốc

Như nói ở trên, một trong những vũ khí lớn nhất mà Trung Quốc có thể sử dụng là tâm lý dân tộc chủ nghĩa của dân chúng, thường rất hiệu nghiệm khi đi kèm với các thủ đoạn cưỡng ép từ phía chính quyền.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đánh vào kinh tế Hàn Quốc khi muốn trả đũa quyết định của Seoul cho Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên đất Hàn Quốc, điều mà Bắc Kinh cực lực phản đối.

Theo số liệu của ngành du lịch Hàn Quốc, chỉ riêng việc tẩy chay du lịch, với tỷ lệ du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc giảm đến 67%, cũng đã gây thiệt hại cho Hàn Quốc 6,8 tỷ đô la.

Cộng thêm vào đó, những cửa hàng ở Trung Quốc của tập đoàn Hàn Quốc Lotte, chủ nhân mặt bằng để đặt hệ thống THAAD, đã bị buộc đóng cửa. Các tập đoàn Hyundai và Samsung cũng bị thiệt hại. Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, đã có tổng cộng 43 vụ Trung Quốc trả đũa Hàn Quốc trong vòng 6 tháng, tính đến tháng Hai vừa qua.

Pháp, Mỹ, Nhật, Na Uy, Philippines đều đã là nạn nhân của Trung Quốc

Chiến tranh kinh tế thường bùng lên một cách tự nhiên. Vào năm 2008, Pháp bị nhắm khi các thành phần dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc kêu gọi tẩy chay dây chuyền siêu thị Carrefour tại Trung Quốc sau khi những người ủng hộ Tây Tạng biểu tình phản đối vào lúc ngọn đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh đi qua Paris.

Vào năm 2010, Trung Quốc chính thức tẩy chay cá hồi Na Uy sau khi giải Nobel Hòa Bình được trao cho ông Lưu Hiểu Ba. Việc nhập chuối từ Philippines cũng bị cấm do tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh.

Nhật Bản là nước thường bị nhắm do tranh chấp hải đảo với Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông và những uất ức trước các hành vi tàn bạo của Nhật thời còn chiếm đóng Trung Hoa. Các thương hiệu xe hơi và điện tử nổi tiếng của Nhật như Honda, Toyota và Sony vẫn thường là đối tượng của những lời kêu gọi tẩy chay.

Thậm chí Hoa Kỳ cũng đã trở thành đối tượng đánh phá vào năm 2016 sau phán quyết lịch sử của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07, bác bỏ yêu sách chủ quyền Biển Đông dựa trên lịch sử của Trung Quốc. Những người biểu tình đã nhắm vào một số biểu tượng của Mỹ như cửa hàng gà rán KFC và dây chuyền cửa hàng ăn nhanh McDonalds, nhưng đã bị cảnh sát Trung Quốc giải tán.

Từ ngữ "mậu dịch chiến" ngày càng thông dụng

Cho dù những phản ứng như kể trên có thể là một sự bộc phát tự nhiên, nhưng ở Trung Quốc, các hành động đó không thể biến thành phong trào nếu không được chính quyền cho phép, và dường như chính quyền Bắc Kinh không mấy thoải mái khi chính thức cho phép một hành động chống Mỹ.

Thế nhưng, theo bài phân tích trên báo Time, nếu căn cứ vào giọng điệu ngày càng sô vanh nước lớn và hiếu chiến trên báo chí Nhà nước Trung Quốc, với từ "mậu dịch chiến (maoyi zhan) ngày càng trở thành một phần của ngôn từ hàng ngày, thái độ của chính quyền có thể sớm thay đổi.

Điều đáng lo lắng cho các công ty Mỹ là việc Trung Quốc không chỉ mang lại một khoản thu nhập lớn tại nước ngoài cho các doanh nghiệp Mỹ trong hiện tại, mà còn là một trọng điểm cho sự tăng trưởng của họ trong tương lai. Apple chẳng hạn, tập đoàn Mỹ có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay, đã kiếm được 17,9 tỷ đô la ở Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm 2017, tương đương khoảng 20% doanh thu toàn cầu của Apple.

Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc tội Trung Quốc là đã có những hành vi thương mại không công bằng khiến cho 60.000 nhà máy Mỹ phải đóng cửa, làm mất đi 6 triệu công ăn việc làm. Thế nhưng Mỹ chưa hề thấy sức tàn phá của 1,3 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc đang giận dữ là như thế nào.

Nông sản thực phẩm Mỹ có nguy cơ bị điêu đứng

Về tác hại của một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với Hoa Kỳ, trang mạng Mỹ Reason ngày 02/04/2018 cũng có một bài phân tích cho rằng, căn cứ vào tình hình hiện nay, biện pháp trừng phạt của tổng thống Trump nhắm vào Trung Quốc, hay biện pháp trả đũa của Bắc Kinh đều dẫn đến một hậu quả : Người Mỹ sẽ bị thua thiệt.

Một ví dụ được nêu bật : Quyết định của Trung Quốc đánh thuế nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ có nguy cơ làm cho nhiều trang trại và nhà máy rượu tại Mỹ bị mất đi thị trường nước ngoài. Nếu thịt heo, rượu vang và các sản phẩm khác của Mỹ trở nên đắt hơn, giới nhập khẩu Trung Quốc có thể tìm nơi cung cấp khác. Thịt heo Tây Ban Nha, rượu Chi Lê, và hạt dẻ Úc đều có thể thay thế các sản phẩm Mỹ.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy các nhà sản xuất Mỹ lo lắng. Ông Jim Heimerl, chủ tịch hiệp hội của giới sản xuất thịt heo tại Mỹ, đồng thời là chủ một trang trại ở Ohio, nói : "Chúng tôi bán rất nhiều thịt heo qua Trung Quốc, do đó, mức thuế cao sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và tác hại đến nền kinh tế nông nghiệp Mỹ".

Theo ông Heimerl, Hoa Kỳ đã xuất khẩu 1,1 tỷ đô la thịt heo sang Trung Quốc, biến nước này thành thị trường thịt heo lớn thứ ba của Mỹ trên thế giới.

Mai Vân

********************

Chiến tranh thương mại : Mỹ-Trung leo thang trả đũa nhau (RFI, 04/04/2018)

Washington công bố thêm một danh sách các mặt hàng Trung Quốc sẽ bị tăng thuế nhập khẩu. Ngay lập tức, Bắc Kinh thông báo những biện pháp tương tự nhắm vào đậu nành, xe hơi và hàng không của Mỹ.

trade2

Ảnh minh họa : Cảnh chuyển đậu nành nhập khẩu ở cảng Nam Thông (Nantong), Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh ngày 22/03/2018. Reuters

Sau cuộc đọ sức đầu tiên, mỗi bên đã tung ra một biện pháp trừng phạt hàng hóa của "đối tác", Hoa Kỳ vừa tung đòn thứ hai.

Theo AFP, danh sách thứ hai, được trình bày là "tạm thời", do bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo gồm những sản phẩm thuộc công nghệ cao cấp từ hàng không, viễn thông cho đến người máy (robot) và máy móc, tổng trị giá khoảng 50 tỷ đôla. Những mặt hàng sẽ bị tăng thuế nhập khẩu được "lựa chọn dựa trên cơ sở phân tích kỹ càng" tức là sẽ gây thiệt hại nặng cho các dự án công nghiệp của Trung Quốc, nhưng cùng lúc không tác hại gì nhiều cho kinh tế Mỹ, theo giải thích của bộ trưởng Robert Lighthiger.

Gần như ngay lập tức, Bắc Kinh đáp trả với một danh sách mà AFP gọi là "vũ khí hạng nặng" cũng tương đương với 50 tỷ đôla : đậu nành, xa hơi và hàng không, những sản phẩm có trọng lượng trong cán cân mậu dịch giữa hai nước.

Trong danh sách trả miếng thứ nhất sau khi Mỹ thông báo tăng 25% thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm Trung Quốc, Bắc Kinh tránh không đụng đến những mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất là đậu nành (14 tỷ đôla mỗi năm) và xe hơi Mỹ.

Quyết định mới này cho thấy Trung Quốc chấp nhận leo thang tiến tới một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng nhắn gửi tín hiệu muốn duy trì cơ hội xuống thang, theo nhận định của AFP từ thủ đô Trung Quốc. Thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc chỉ trích Mỹ "đặt Trung Quốc vào thế khó xử" nên phải trả đòn, nhưng "thời điểm áp dụng sẽ được thông báo sau".

Trị giá các mặt hàng "bị hy sinh" trong cuộc đọ sức này đã lên đến 100 tỷ đôla, chiếm khoảng 17% trong số 580 tỷ trao đổi thương mại giữa hai nước, theo thống kê 2017.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 631 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)