Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/04/2018

Chiến trường Syria : các phe lâm chiến đều sa lầy và không có lối thoát

RFI tiếng Việt

Hồ sơ Kurdistan tại Syria : Tổng thống Pháp đang thách thức Thổ Nhĩ Kỳ ? (RFI, 06/04/2018)

Quan hệ Pháp – Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng những ngày gần đây sau một tuyên bố của đại diện người Kurdistan tại Pháp cho rằng Paris cam kết ủng hộ người Kurdistan tại Syria. Mặc dù lời khẳng định trên đã được Paris bác bỏ nhưng vẫn không làm cho Ankara nguôi giận.

syrie1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau buổi họp báo chung tại điện Elysée, Paris, ngày 05/01/2018. LUDOVIC MARIN / POOL / AFP

Câu hỏi đặt ra : Pháp có quan điểm như thế nào về vấn đề người Kurdistan tại Syria hiện đang trong gọng kềm của Thổ Nhĩ Kỳ ? Phải chăng Ankara đang dọa dẫm Paris khi cho công bố bản đồ các vị trí quân sự của Pháp ?

Mọi sự bắt đầu vào ngày thứ Năm 29/03/2018. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp một phái đoàn Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS), liên minh Ả Rập – Kurdistan, luôn trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng đang là mục tiêu tấn công quân sự của Ankara. Tại buổi họp, ông Macron trấn an họ rằng "nước Pháp ủng hộ" người Kurdistan.

Thế nhưng, sau buổi tiếp kiến, bà Asiya Abdellah, một đại diện Kurdistan còn khẳng định rằng Paris sẽ gởi thêm binh lính đến Manbij. Đây cũng là nơi mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan nhiều lần thông báo có ý định mở rộng tấn công sau khi đã chiếm được thị xã Afrin.

Phủ tổng thống Pháp ngày hôm sau thứ Sáu 30/03 đã bác bỏ tuyên bố trên, khẳng định rằng nước Pháp không có dự kiến một "chiến dịch quân sự mới nào ở phía bắc Syrie ngoài khuôn khổ liên quân quốc tế". Lực lượng đặc nhiệm Pháp hiện có đồn trú tại Syria, nhưng nước Pháp rất kín tiếng về sự hiện diện này cũng như là quân số được triển khai.

Trong vai trò trung gian hòa giải, tổng thống Emmanuel Macron cũng mong muốn rằng "một cuộc đối thoại có thể được thiết lập giữa FDS và Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của Pháp và cộng đồng quốc tế". Thế nhưng, ý tưởng này đã bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng dữ dội, lên án nước Pháp có một lập trường "hoàn toàn lệch lạc".

Để hiểu rõ hơn quan điểm của nước Pháp, kênh truyền hình France 24 đặt câu hỏi với ông Olivier Piot, phóng viên và tác giả tập sách "Dân tộc Kurdistan, nền tảng của Trung Đông", do nhà xuất bản Les petits matins phát hành.

RFI : Nước Pháp có lợi ích gì khi ủng hộ người Kurdistan tại Syria, thậm chí có nguy cơ làm cho Thổ Nhĩ Kỳ tức giận ?

Olivier Piot : Thông qua vị tổng thống của mình, nước Pháp đang hiểu rằng Hoa Kỳ chuẩn bị rời khỏi khu vực này và đó là một yếu tố mới, bởi vì cho đến tận tháng Giêng vừa qua, cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (bị sa thải ngày 13/03) luôn luôn khẳng định rằng cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daesh – chưa kết thúc, rằng Washington sẽ còn hiện diện trong khu vực này nhiều năm nữa. Thế nhưng, các tuyên bố gần đây của Donald Trump cho thấy Hoa Kỳ dự tính một cách nghiêm túc rút ra khỏi vùng này.

Sự hiện diện của phương Tây, vào thời điểm vấn đề tái thiết Syria được đặt ra, sẽ phụ thuộc phần nào vào ý định của nước Pháp. Tổng thống Macron hiểu được điều này và đã quyết định đưa ra một tín hiệu, nếu như không sáng sủa dễ hiểu thì ít ra cũng rõ ràng, hướng tới người Kurdistan ở Syria, để nói với họ rằng nước Pháp sẽ luôn luôn ở bên cạnh họ. Vấn đề còn lại là bằng cách nào, chúng ta sẽ thấy trong những ngày tới. Nếu bây giờ, Paris bỏ rơi người Kurdistan, điều đó có nghĩa là Pháp sẽ từ bỏ khả năng có một giải pháp thay thế trong việc tái thiết Syria và tiến trình này sẽ do Bachar Al Assad thực hiện.

RFI : Quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu căng thẳng. Vậy khả năng hành động của Emmanuel Macron trong hồ sơ này ra sao ?

Emmanuel Macron đang vượt qua một nấc trong tương quan lực lượng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến lúc này, tổng thống Pháp chỉ tuyên bố là quan ngại, cảnh báo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là nên chú ý tới sự ổn định của vùng. Thế nhưng, giờ đây, người ta thấy rõ mục tiêu của Ankara là chiếm lĩnh 900 km đường biên giới ở phía bắc Syria, như vậy là tới tận thành phố Qamishli, và như tuyên bố của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, là để quét sạch những tên khủng bố ở khu vực này.

Hoa Kỳ đã không có phản ứng gì nhiều, còn nước Pháp, cho đến lúc này, không thể hiện thái độ rõ ràng. Recep Tayyip Erdogan là người quen có những tuyên bố mạnh mẽ và đối mặt với ông ta, thì lại không có những đáp trả tương tự. Đây không phải là lần đầu tiên ông ta đe dọa các lãnh đạo phương Tây. Mọi việc còn chưa rõ ràng từng chi tiết nhưng Emmanuel Macron bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn hơn với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

RFI : Liệu nước Pháp có thể đi đến mức dự tính can thiệp quân sự để bảo vệ người Kurdistan ở Syria ?

Qua việc ủng hộ người Kurdistan, nước Pháp muốn chứng tỏ sự hiện diện trong khu vực, bảo vệ những giá trị của mình, nhân danh lịch sử nước Pháp và điều này có thể cho phép Pháp có vai trò hơn trong tương lai trong tiến trình tái thiết khu vực này.

Tôi nghĩ là tổng thống Pháp đang vạch ra những nét đầu tiên trong cái gọi là lằn ranh đỏ nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ và bước đầu tiên trên lằn ranh đỏ không được phép vượt qua là thành phố Manbij. Chúng ta đang ở trong tình thế mà các vận động ngoại giao sẽ không thể đáp ứng được hết và rất nhanh chóng, trên thực địa, chúng ta sẽ đứng trước những thách thức quân sự. Vào thời điểm đó, nước Pháp sẽ có những lựa chọn, nếu còn muốn có vai trò trong khu vực.

RFI : Công bố bản đồ vị trí quân sự đối phương : Biện pháp trả đũa "quen thuộc" của Ankara

Trong một hành động được cho đe dọa Paris, chính quyền Ankara ngày 30/03/2018 đã để cho hãng thông tấn Anadolu công bố bản đồ các vị trí của quân đội Pháp ở bắc Syria trên trang mạng Internet ngay sau tuyên bố của Paris ủng hộ người Kurdistan.

Bản đồ cho thấy rõ các điểm có sự hiện diện của quân đội Pháp tại Syria. Theo đó, Pháp có đến 5 cơ sở quân sự, chủ yếu nằm ở phía bắc, tại những vùng do Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) kiểm soát. Tổng số binh sĩ có mặt tại cơ sở này là gần 70 quân nhân hiện đang tác chiến tại đông bắc Syria.

Nếu đúng như thế, thì những thông tin do hãng Anadolu công bố là gần như là rất nhạy cảm và rất có thể xem như đó là một hình thức cảnh cáo của Ankara đối với Paris. Nhưng vì do không thể kiểm chứng được độ chính xác, France 24 đã quyết định không đăng bản đồ cũng như các chi tiết do hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Kênh France 24 nhắc lại vào tháng 6/2016, bộ quốc phòng của Pháp đã nhìn nhận có sự hiện diện của đội đặc nhiệm Pháp tại Syria "để cố vấn cho FDS chống lại Daesh", chủ yếu là tại Manbij, nhưng Paris không nêu rõ chi tiết về địa điểm cũng như là quân số.

Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ có hành động dọa dẫm kiểu này. Tháng 5/2017, quan hệ Washington và Ankara xuống cấp do việc Hoa Kỳ chính thức giao vũ khí Mỹ cho các chiến binh Kurdistan Syria, trong khuôn khổ chiến dịch tái chiếm thủ phủ Raqqa từ tay quân thánh chiến.

Tình hình còn trở nên căng thẳng hơn khi vào tháng 7/2017, trong vòng nhiều tuần, hãng thông tấn Anadolu cho công bố những gì mà hãng này cho là bản đồ vị trí 10 căn cứ quân sự Mỹ, cũng tại Manbij. Hãng thông tấn này còn cho là có sự hiện diện của 75 lính Pháp, tập trung chủ yếu tại một căn cứ gần với thành phố Raqqa. Lầu Năm Góc thời điểm đó đã từ chối bình luận về những thông tin trên.

RFI tiếng Việt

*******************

Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ họp thượng đỉnh tại Ankara, bàn về Syria (RFI, 04/04/2018)

Hôm 04/04/2018, lãnh đạo ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gặp nhau tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, với chủ đề chính là Syria. Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhân cuộc thượng đỉnh để thuyết phục Nga và Iran về chiến dịch tấn công các vùng do lực lượng Kurdistan kiểm soát, dọc biên giới đông bắc, được liên quân quốc tế chống Daech hậu thuẫn.

syrie1

Ảnh minh họa : Tổng thống Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Recep Tayyip Erdogan trước cuộc họp tại Ankara, ngày 03/04/2018. Reuters

Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul :

"Nếu như người ta ít trông đợi là thượng đỉnh thứ Tư này ở Ankara sẽ đưa ra các tuyên bố quan trọng, thì đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đây là một cuộc họp có ý nghĩa biểu tượng cao. Sau chiến dịch tiến chiếm thị xã Afrin, miền tây bắc Syria, giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn được thừa nhận là một tác nhân chủ chốt tại Syria.

Điều mà chắc chắn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga và Iran chấp nhận, đó là để Ankara tiếp tục chiến dịch quân sự nhắm vào lực lượng dân quân người Kurdistan ở vùng biên giới đông bắc, đặc biệt tại thị xã Manjib, nơi nhiều đơn vị đặc nhiệm Pháp và Mỹ đang đồn trú.

Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn đã phù hợp với lợi ích của Nga và Iran, các đồng minh của chế độ Assad. Ngược lại, Moskva và Tehran ắt hẳn không cảm thấy khó chịu khi thấy các đồng minh NATO không tìm được thỏa hiệp. Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh như Mỹ và Pháp có thể sẽ đối đầu nhau tại thị xã đông bắc Manbij.

Trong ván cờ phức tạp đang diễn ra này, cần chờ xem tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp nhận đánh đổi gì trong thượng đỉnh hôm nay, nếu chiến dịch quân sự tại Syria của Ankara được Nga và Iran bật đèn xanh".

Như một dấu hiệu tỏ thiện chí với Thổ Nhĩ Kỳ trước thượng đỉnh, hôm 03/04, Moskva thông báo sẽ cung cấp một hệ thống tên lửa chống tên lửa S-400, "nhanh chóng hơn" dự kiến, cụ thể là ngay vào năm tới, thay vì vào năm 2020. Khối NATO – mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên - phản đối hợp đồng mua bán tên lửa nói trên.

Trọng Thành

********************

Tương lai vùng đông bắc Syria : Thổ Nhĩ Kỳ và Nga khó đạt đồng thuận (RFI, 04/04/2018)

Nga và Iran - hai đồng minh chủ yếu của chế độ Syria Bachar al-Assad - và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ nhiều nhóm nổi dậy Syria chống Damascus - có cuộc họp thượng đỉnh ở Ankara, hôm nay, 04/04/2018. Tuy khác biệt rất lớn trong lập trường với chế độ Damascus, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hy vọng tìm được thỏa hiệp để khẳng định vị thế thống lĩnh cuộc chơi tại Syria, trong bối cảnh vai trò của Hoa Kỳ và các đồng minh tại Syria ngày càng mờ nhạt.

syrie2

Các tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (G), Iran Hassan Rouhani (T) và Nga Vladimir Putin (P) trước cuộc họp thượng đỉnh về Syria tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4/4/2018.Kayhan Ozer/Presidential Palace/Handout via Reuters

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Ankara và Moskva khó đạt đồng thuận về tương lai vùng đông bắc Syria, khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của người Kurdistan - được phương Tây hậu thuẫn - mà Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị mở chiến dịch tấn công.

Trước hết cần nhấn mạnh : Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là ba quốc gia chủ xướng tiến trình Astana, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, bên ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Tiến trình được khởi sự từ tháng Giêng năm 2017. Tiến trình này đã đạt được một thỏa thuận ban đầu về việc lập "bốn vùng giảm căng thẳng" cho phép xuống thang quân sự tại một số khu vực, nhưng việc tìm một giải pháp chính trị cho xung đột Syria hiện vẫn dậm chân tại chỗ.

Tiến trình Astana bế tắc

Cuộc thượng đỉnh ba bên gần nhất, ngày 22/11/2017, tại Sotchi, Nga, thất bại. Sáng kiến tổ chức hội nghị giữa chính quyền Syria và đối lập tại Sochi, hồi tháng Giêng 2018, được Nga bảo trợ, bị đối lập Syria - được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - tẩy chay. Tình trạng dậm chân tại chỗ bắt nguồn từ các lợi ích mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran.

Trong lúc ảnh hưởng của phương Tây trên chiến trường Syria ngày càng thu hẹp, Nga-Iran cũng như Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các hoạt động quân sự, để giành vị thế thượng phong. Cho đến nay, với sự hậu thuẫn của Moskva và Tehran, chế độ Bachar al-Assad đã chiếm lại được hơn một nửa lãnh thổ Syria. Về phần mình, Ankara khẳng định, với sự hậu thuẫn của lực lượng nổi dậy, đã "bình định" được 2.000 km² tại vùng biên giới miền bắc Syria, trong thời gian từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2017.

Theo nhà phân tích Elisabeth Teoman, Institute for study of war (ISW), có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong thế trận tại Syria, dù có yếu hơn Nga và Iran, việc Ankara mở rộng khu vực kiểm soát tại miền bắc Syria sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường vị thế trong liên minh tình thế tay ba với Nga và Iran.

Sau khi chiếm được thị xã Afrin, miền tây bắc Syria, từ tay lực lượng Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở rộng chiến dịch tấn công sang khu vực đông bắc, trước hết là thị xã Manjib, đang được các lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Pháp trấn giữ. Trong cuộc thượng đỉnh Nga-Thổ-Iran hôm nay, đây sẽ là một chủ đề trọng tâm.

"Xâm phạm lãnh thổ Syria" : Điều không thể biện minh

Theo bà Jana Jabbour, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Học viện Chính Trị Paris Sciences Po, để đánh đổi việc chấp nhận để Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tại miền đông bắc, Nga và Iran chắc chắn sẽ đòi Ankara sử dụng ảnh hưởng đối với nhiều nhóm đối lập, để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Syria.

Đàm phán hứa hẹn không dễ dàng. Theo hãng thông tấn Nhà nước Iran, trước cuộc họp này, tối hôm qua tại Ankara, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Jarif đã nhấn mạnh là "không có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho việc xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria". Điều này đồng nghĩa với việc phủ nhận tính hợp pháp của chiến dịch quân sự dự kiến của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Nga và Iran khai thác các căng thẳng trong nội bộ giữa hai thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, có thể dẫn đến một số thỏa hiệp nhất định, nhưng thượng đỉnh tay ba Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran hôm nay khó đi đến được "các kết quả cụ thể". Theo ông Aron Lund, chuyên gia viện tư vấn Mỹ Century Foundation, Nga chắc chắn sẽ "hướng sự giận dữ" của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào phía Mỹ. Nga và Iran cũng có thể khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ "ưu tiên các chiến dịch gây nguy hiểm cho lực lượng Mỹ", như "cắt đường tiếp liệu cho quân Mỹ". Nhưng ba bên sẽ khó đi xa hơn.

Điểm nóng Idleb

Chuyên gia Aron Lund lưu ý là "tình hình Syria hiện tại rất phức tạp", cho dù Thổ, Mỹ, Nga có nỗ lực rất nhiều, đồng thuận thực sự giữa ba bên là khó. Bên cạnh vấn đề đông bắc Syria, số phận của Idleb, tỉnh tây bắc Syria, cũng là một chủ đề gai góc khác trong quan hệ liên minh tay ba tình thế Thổ-Nga-Iran.

Phần lớn tỉnh Idleb hiện nay do quân thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, kiểm soát. Theo chuyên gia Elisabeth Teoman, Institut for study of war, bất cứ một cuộc tấn công nào của quân chính phủ Damascus vào tỉnh này cũng sẽ gây căng thẳng cho quan hệ Moskva- Ankara, thậm chí "chặn đứng" quan hệ hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 743 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)