Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/04/2018

Điểm báo Pháp - Cuba thay chủ tịch nước

RFI tiếng Việt

Cuba thay chủ tịch nước : Bình mới rượu cũ ?

Mỹ và Bắc Triều Tiên nối lại đối thoại ngoạn mục, công đoàn đường sắt Pháp kêu gọi biểu tình lớn phản đối cải cách vừa được Quốc hội thông qua, kỉ niệm 70 năm Israel lập quốc trong bối cảnh nền dân chủ bị chủ nghĩa dân tộc, cực đoan tôn giáo đe dọa, vụ tập đoàn dầu mỏ Total mua lại một công ty điện làm đảo lộn thị trường điện lực tại Pháp là một số tựa lớn trang nhất. Chuyển giao quyền lực tại Cuba cũng là một chủ đề lớn khác. Báo Libération có bài phân tích "Cuba : Lãnh đạo Castro ra đi, một đệ tử ở lại", cho biết dân chúng không mấy hy vọng vào thay đổi này.

cuba1

Ông Miguel Diaz-Canel, người sắp được bầu làm chủ tịch Cuba, tại Santa Clara, ngày 11/03/2018. Reuters/Alejandro Ernesto/Pool/File Photo

Hôm 19/04, Quốc hội độc đảng Cuba bầu chủ tịch mới. Người kế tục là Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi, nguyên phó chủ tịch nước. Lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ nay, lãnh đạo Cuba không mang họ Castro. Sự kiện được coi là "có ý nghĩa biểu tượng". Tuy nhiên, theo Libération, người dân rất ít trông đợi ở sự thay đổi này. "Đời sống của 12 triệu cư dân hòn đảo sẽ không sớm thay đổi mạnh mẽ, những khó khăn hàng ngày của họ cũng ít có hy vọng giảm bớt".

Điều rõ ràng nhất mà mọi người đều thấy là chủ tịch sắp mãn nhiệm Raoul Castro, 86 tuổi, sẽ không về hưu, hay về "trồng cây ba đậu" (tiếng Cuba là "moringa") (loại cây mà ông anh Fidel Castro từng ca ngợi là mầu nhiệm), mà sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng cộng sản. Mà đảng cộng sản là thế lực đứng trên Nhà nước. Thách thức với tân lãnh đạo Miguel Diaz-Canel sẽ "vô cùng lớn". Cùng với Bắc Triều Tiên, Cuba là "một trong những con khủng long cuối cùng" của thế giới cộng sản hiện còn sót lại, với "kinh tế bị bóp nghẹt, trong lúc chế độ kiểm soát chặt mọi động thái của xã hội dân sự", muốn nổi lên đòi hỏi "các cải cách kinh tế triệt để", cũng như "quyền tự do internet".

Libération dẫn lời một cư dân ở Remedios, một thành phố phía bắc Cuba, nhận định là trên thực tế "Raoul Castro hiểu rằng mình đã già" và nếu ông ta chết đi khi đang nắm quyền, nguy cơ "mất ổn định" là rất lớn, vì vậy mục tiêu trao ghế như trên nhằm để "duy trì ổn định".

Về mặt kinh tế, Libération ghi nhận là ông Raoul Castro đã khiến xã hội Cuba dễ thở hơn một chút, khi để cho hàng trăm nghìn người dân được phép hành nghề tự do, tuy nhiên, các dự án lớn đều bị đình trệ. Dự án xây dựng khu kinh tế đặc biệt ở Mariel, cách thủ đô La Habana 45 km, có tham vọng trở thành một trung tâm thương mại của vùng Vịnh Caribe, ra đời từ 5 năm nay, nhưng chỉ được rất ít chủ nước ngoài đầu tư.

"Tinh thần cởi mở" hay là "bị nhào nặn"

Riêng về chủ tịch mới của Cuba, Libération lưu ý là tại Villa Clara, nơi Miguel Diaz-Canel từng lãnh đạo, người ta ca ngợi "phong cách thực dụng", "tinh thần cởi mở" của nhân vật này. Miguel Diaz-Canel cũng từng lập ra một trung tâm văn hóa thử nghiệm, bị các cơ quan quản lý ngờ vực, trước khi chính thức được công nhận. Tân chủ tịch Miguel Diaz-Canel không xuất thân từ quân đội, đây là điều khác thường tại Cuba, và có thể là một điểm yếu của nhà lãnh đạo này, bởi quân đội có vai trò rất lớn trong nền kinh tế.

Cũng Libération có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Mỹ Ted Henken, mang tựa đề "Miguel Diaz-Canel do giới cầm quyền hiện nay nhào nặn ra". Ted Henken là tác giả một cuốn sách về sự thay đổi chính sách kinh tế của chế độ Cuba. Theo nhà nghiên cứu Mỹ, đảng cộng sản Cuba cho dù có yếu đi so với trước, nhưng vẫn là "định chế chính trị hùng mạnh nhất" trên hòn đảo này, nhà lãnh đạo mới không dễ gì mà tạo ra được "một thay đổi triệt để" trong hệ thống. Miguel Diaz-Canel được chỉ định làm người kế vị chức chủ tịch nước, bởi ban lãnh đạo hiện nay tin tưởng là nhân vật này sẽ "tiếp tục con đường cách mạng như truyền thống" từ trước đến nay.

Dù sao, nhà nghiên cứu Ted Henken cũng đặt hy vọng vào một xã hội dân sự nổi lên từ hơn 10 năm nay, bao gồm không chỉ giới ly khai, mà cả các doanh nhân trẻ hoạt động trong lĩnh vực tư, hay những người phụ trách phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Những người này có thể không quan tâm nhiều đến chính trị và có thái độ phê phán chính quyền, nhưng điều đáng chú ý là họ có "quan điểm độc lập" và "không bị chính quyền xâm nhập". Tuy nhiên, trong xã hội dân sự Cuba, không có bất cứ một tổ chức nào được chính quyền công nhận. Chúng ta rất xa với tình hình tại Ba Lan hay Tiệp Khắc những năm 1980. Dù sao Ted Henken không loại trừ các bất ngờ.

Mỹ - Triều bí mật tiếp xúc : "Công lao quyết định" của Seoul

Thông báo hôm qua của tổng thống Mỹ, đã cử giám đốc CIA trực tiếp gặp Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, là chủ đề lớn của hầu hết các báo. Theo Le Monde, đây là cuộc gặp cấp cao nhất Mỹ-Bắc Triều Tiên kể từ chuyến đi Bình Nhưỡng năm 2000 của ngoại trưởng Albright, thời Bill Clinton. Nỗ lực của chính quyền Clinton lỡ dở sau khi tổng thống G. W. Bush lên cầm quyền hai tháng sau đó.

Le Monde nhấn mạnh là đà cải thiện quan hệ Mỹ-Bắc Triều Tiên có công lao quyết định của chính quyền Hàn Quốc. Ngay từ khi lên nắm quyền tháng 5 năm ngoái, nhà lãnh đạo theo xu hướng cải cách Moon Jae In đã cho biết sẵn sàng chìa tay ra với miền Bắc. Nỗ lực của Seoul thoạt tiên bị tổng thống Trump cho là khờ dại.

Tuy nhiên đến đầu năm 2018, chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên "đã nắm lấy bàn tay" của lãnh đạo Hàn Quốc, khi thông báo quyết định gửi đoàn thể thao tham dự Thế Vận Hội mùa đông ở Pyeongchang. Theo một giới chức cao cấp Hàn Quốc hôm thứ Ba, Bình Nhưỡng sẵn sàng đưa mục tiêu "phi hạt nhân hóa" vào tuyên bố chung với Hàn Quốc, sau cuộc họp thượng đỉnh Moon-Kim ngày 27/04.

Ý đồ thực sự của lãnh đạo Bắc Triều Tiên ?

Trong khi đó, báo Les Echos rất cảnh giác trước viễn cảnh đàm phán "khó khăn", bất chấp các thay đổi giọng điệu ngoạn mục giữa các bên. Bởi Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ đặt ra các điều kiện như lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc phải ra đi, hoặc phải cắt giảm, mà đây là điều khó được Washington chấp nhận. Ngược lại, quan điểm của Mỹ và Hàn Quốc là hòa bình chỉ có thể, nếu Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ nhanh chóng hệ thống vũ khí hạt nhân, vốn được coi là lá bùa giúp cho sự sống còn của chế độ.

Trong một bài phân tích trên Le Monde, chuyên gia Philippe Pons, một người am hiểu về tình hình Triều Tiên, cho rằng trên thực tế, quan điểm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hoàn toàn nằm trong vòng bí ẩn, bởi Kim Jong-un "chưa đưa ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các ý định cụ thể". Ông đặt câu hỏi : Dưới vẻ ngoài mềm dẻo, Kim Jong-un thực sự muốn gì ?

Philippe Pons tỏ ra dè dặt. Ông dẫn lời nhà nghiên cứu Myong Hyun, ở Seoul, theo đó nếu chỉ căn cứ trên lời lẽ, thì lãnh đạo Bắc Triều Tiên có vẻ như "đã hứa hẹn rất nhiều", Kim Jong-un cũng biết là tổng thống Mỹ Donald Trump đang cần đến "một thành công vang dội" để đánh bóng hình ảnh bản thân. Giữa hai lãnh đạo rất có thể sẽ có một thỏa thuận đình đám, nhưng chưa chắc là thỏa thuận đó sẽ sớm dẫn đến việc Bình Nhưỡng tiến hành các dỡ bỏ trên thực tế, và cho phép thanh tra quốc tế.

Dù sao, Philippe Pons cũng ghi nhận việc Trung Quốc trở lại với hồ sơ Bắc Triều Tiên (sau chuyến công du Bắc Kinh của Kim Jong-un) là một yếu tố thuận lợi đối với Seoul. Được sự ủng hộ của Bắc Kinh và Matxcơva, Hàn Quốc không còn "một mình trên tuyến đầu", có thể an tâm "tiếp tục công việc môi giới" cho các đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Tấn công hóa học tại Syria : Lo ngại dấu vết bị xóa sạch

Điều tra về cáo buộc Douma bị chính quyền Damas tấn công bằng vũ khí hóa học là điều vô cùng nan giải với các chuyên gia quốc tế. Theo Le Monde, các thanh tra của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC) hôm qua, 18/04, đã không vào được địa điểm bị tình nghi, hiện nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Syria.

Nhiều người lo ngại chính quyền Syria và Nga sẽ xóa mọi dấu vết của vụ tấn công. Tuy nhiên, theo một cựu chuyên gia của OIAC, nếu khí độc đã được sử dụng, thì rất khó tẩy rửa khỏi hiện trường, bởi một phần chất độc sẽ "bị hút vào trong tường nhà", và chỉ có phá hủy toàn bộ các ngôi nhà thì mới tẩy sạch được dấu vết.

Trong cuộc tấn công vào Khan Cheikhoun, ngày 4/4/2017, các nhà điều tra của OIAC đã không đến được hiện trường. Tuy nhiên căn cứ vào các mẫu thu được từ các nạn nhân chạy thoát ra nước ngoài, các chuyên gia có thể khẳng định nạn nhân trúng độc khí sarin, hoặc một chất tương tự. Vụ Khan Cheikhoun đã dẫn đến cuộc không kích trả đũa của Hoa Kỳ ba ngày sau đó.

Đức - Pháp : Merkel "hãm lại tham vọng" của Macron ?

Về thời sự Châu Âu, báo Pháp đặc biệt chú ý đến cuộc hội kiến giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel, lãnh đạo hai quốc gia trụ cột của Liên Hiệp Châu Âu, ngày hôm nay, 19/04.

"Merkel hãm lại các tham vọng của Macron" của Le Monde nhấn mạnh là thủ tướng Đức, trong bối cảnh yếu thế trong nước, không muốn ủng hộ tổng thống Pháp trong mục tiêu cải cách mạnh mẽ khu vực đồng euro. Le Monde nhắc lại cuộc gặp cách nay một năm, khi tổng thống Pháp vừa nhậm chức để chỉ ra các nỗ lực cải cách trong nước của chính phủ Pháp, như đã cam kết với Berlin, nhưng thủ tướng Đức giờ đây dường như không còn mặn nồng với quyết tâm cải cách Châu Âu của nguyên thủ Pháp.

Trong khi đó, bài "Châu Âu : Macron và Merkel bước vào phần then chốt" của Les Echos nhấn mạnh đến sự khéo léo của thủ tướng Đức, khi địa điểm diễn ra cuộc tái ngộ với tổng thống Pháp được chọn là Diễn đàn Humboldt, lâu đài Berlin. Nhà thám hiểm, nhà địa chất học Alexandre von Humboldt (1769-1859) - có mẹ là người gốc Pháp, thuộc hệ phái Tin Lành Huguenot phải chạy khỏi Pháp để tránh đàn áp tôn giáo - là một biểu tượng cho quan hệ khăng khít Đức – Pháp. Bên cạnh đó, người anh trai, nhà triết học, nhà ngôn ngữ học Wilhelm von Humboldt, từng sống tại Paris, dường như cũng là người gây cảm hứng cho thủ tướng Đức và cả tổng thống Pháp.

Theo tổng thống Pháp, để khu vực đồng euro có thể đối mặt với một khủng hoảng tiếp theo, cần thành lập một ngân sách chung và một bộ trưởng Tài Chính của khối để có đủ phương tiện đối phó. Tuy nhiên, Berlin nhìn nhận đề xuất này với con mắt e ngại, bởi coi đây là cách để các nước bòn tiền của Đức, quốc gia nổi tiếng giàu lên nhờ tiết kiệm, không muốn bị mất tiền vào tay các nước quản lý kém. Les Echos lưu ý, trong tiếng Đức có từ "Shuld" vừa có nghĩa là "nợnần", nhưng cũng có nghĩa là "sai lầm", ngụ ý nhắc đến gốc rễ văn hóa sâu xa ẩn sau những dè dặt của Berlin.

Hôm 18/04, thủ tướng Đức tuyên bố sẽ tiếp tục thảo luận với Pháp để xây dựng các giải pháp chung, từ đây đến tháng 6. Tuần tới tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đều công du Mỹ, lãnh đạo hai nước chắc chắn sẽ phải phối hợp để tìm được lập trường thống nhất trước tổng thống Mỹ Donald Trump trong hàng loạt vấn đề như thuế thép, trừng phạt Nga, hay khủng hoảng Syria…

Sách mới : Đừng ảo tưởng về Trung Quốc !

Trong lĩnh vực xuất bản, đáng chú ý có cuốn sách mới ra mắt về Trung Quốc, của nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan, mang tựa đề "Trung Quốc ngày mai sẽ là dân chủ hay độc tài ?" (1).

Le Monde có bài "Trông chờ dân chủ tại Trung Quốc là vô ích", phản bác lại quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng việc mức sống của người dân tại Trung Quốc được nâng cao sẽ dẫn đến chỗ chế độ độc tài sụp đổ, "một mặt, do dân chúng khao khát tự do hơn", mặt khác, do nền kinh tế "tri thức" mà các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay muốn xây dựng sẽ không thể chung sống được với một chế độ kiểm soát chặt chẽ người dân.

Cabestan, tác giả cuốn sách, dự báo chắc chắn chế độ độc tài sẽ còn "ngự trị lâu dài" tại Trung Quốc, bởi một điều đơn giản là "đại đa số người dân Trung Quốc cho rằng nhờ chính quyền mà mức sống của họ đã tăng lên đáng kể", bên cạnh đó, từ 30 năm nay, Bắc Kinh đã khai thác triệt để hệ thống tuyên truyền, để kích động ý thức dân tộc chủ nghĩa. Trong khi đó, xã hội dân sự Trung Quốc đang ở trong trạng thái "hết sức mong manh, phân tán, dè dặt", trong bối cảnh chính quyền sẵn sàng đàn áp, đồng thời khuyến khích sự hình thành của một tầng lớp trung lưu dễ bảo, chỉ ham muốn được an toàn, không màng đến các quyền tự do.

Cũng về cuốn sách của Jean-Pierre Cabestan, Le Figaro có bài "Trung Quốc, đối thủ của chúng ta", dẫn lời tác giả, lưu ý người phương Tây đừng tự ti về "các nguồn lực dân chủ của mình". Các nguồn lực nói trên cho phép đối mặt với "các chuyển hóa phi thường của đế chế Trung Hoa" đang diễn ra, với điều kiện đánh giá Trung Quốc đúng mức, "không đánh giá thấp, cũng như không đánh giá quá cao".

Trọng Thành

*****

(1) Jean Pierre Cabestan cũng là tác giả một cuốn khảo cứu dầy dặn và chi tiết về "Hệ thống chính trị Trung Quốc" (xuất bản năm 2014), với đảng cộng sản 90 triệu thành viên, mà theo ông là "một hội kín lớn nhất thế giới".

Quay lại trang chủ
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)