Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/04/2018

Điểm báo Pháp - Syria : Từ nội chiến đến chiến tranh khu vực

RFI tiếng Việt

Syria : Từ nội chiến đến chiến tranh khu vực

Nguy cơ nội chiến Syria trở thành chiến tranh Iran-Israel. Bình mới rượu cũ tại Cuba. Đảo Malta, cửa ngỏ Châu Âu bán quốc tịch. Phong trào đình công tại Pháp yếu dần vì công đoàn chia rẽ. Đó là một số chủ đề chính trên báo Pháp ngày 19/04/2018.

syria1

Ảnh minh họa : Lính Israel trên cao nguyên Golan, gần biên giới với Syria, ngày 28/01/2015 Reuters

Xung đột Iran-Israel ? Nga không muốn….

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Trung Đông, Le Figaro đặt câu hỏi : Liệu nội chiến Syria có trở thành chiến tranh khu vực hay không ? Ở trang quốc tế, Le Monde cho biết : quân đội Israel cung cấp cho báo chí hình ảnh vệ tinh về các căn cứ của Iran tại Syria, một hình thức cảnh cáo Tehran là Tsahal đã sẵn sàng.

Trong bài phân tích "Cuộc chiến sắp tới", Le Monde dự báo điều nguy hiểm không phải là va chạm Mỹ-Nga, mà là một cuộc xung đột giữa Israel và Iran. Tác giả giải thích : Mỹ, Nga, Iran và Israel tiếp tục bày binh bố trận. Ngay từ khởi đầu, nếu không có sự giúp đỡ trực tiếp từ quân sự, kinh tế, tài chính, ngoại giao và chính trị của Iran thì một mình không quân Nga không thể cứu được chế độ Bachar al-Assad.

Chính quyền Hồi giáo Iran muốn có một căn cứ quân sự thường trực tại Syria nhưng Israel xem đây là một hành động tuyên chiến. Từ 6 năm nay, không quân Israel oanh kích thường xuyên các đoàn xe chở vũ khí của Iran cung cấp cho Hezbollah-Lebanon. Ngày 9 tháng 4, căn cứ không quân T4 bị máy bay Israel oanh kích giết chết ít nhất 7 quân nhân Iran trong đó có một đại tá.

Trong khu vực Trung Đông, không một "đám cháy" nào mà không có bàn tay Iran từ Gaza cho đến Yemen. Huy động các sắc tộc theo hệ phái Shia trong vùng, Iran có trong tay một quân đoàn võ trang trên hành lang kéo dài từ bán đảo Ả Rập cho đến Địa Trung Hải. Bộ phận cực đoan trong chính quyền Iran muốn "xóa sổ" Israel và các vương triều Sunni trong khu vực.

Cho đến nay, chính quyền Nga "thông hiểu" các trận oanh kích của Israel nhắm vào Hezbollah-Lebanon nhưng quan hệ Nga-Israel trở nên rắc rối hơn sau khi Israel oanh kích lực lượng Iran tại Syria mà không báo trước cho Nga. Trong khi đó, tại Washington, các cố vấn của tổng thống Donald Trump đều thuộc thành phần chống Iran.

Nếu vào tháng 5/2018, Nhà Trắng bỏ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran được ký kết vào năm 2015, Tehran tự do tinh lọc uranium, thì phe diều hâu trong chính quyền Israel liệu ngồi yên hay không ?

Còn về nghi vấn nguồn vũ khí hóa học của Damascus, Le Monde hướng độc giả đến cuộc điều tra của tư pháp Bỉ : Ba công ty Bỉ "dường như" vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, bán cho Syria từ năm 2014 đến 2016, tổng cộng 168 tấn isopropanol, dùng trong kỹ nghệ lạnh, sơn và… chế tạo khí Sarin.

….nhưng khó ngăn chận

Cùng một câu hỏi trên Le Figaro : "Liệu nội chiến Syria có lan rộng hay không ?" chuyên gia Ran Halevi bi quan hơn. Theo nhà phân tích của viện nghiên cứu Pháp CNRS, thái độ thụ động của Tây phương, thoái lui theo Barack Obama, không trả đũa chế độ Damascus sau lần sử dụng bom hơi ngạt vào năm 2013, đã gây cho Châu Âu những hậu quả nghiêm trọng : Aleppo bị tàn phá, Daesh nổi lên, rồi Nga và Iran khống chế Syria và sau đó là cuộc khủng hoảng di dân, vượt biển vượt biên đến Liên Hiệp Châu Âu.

Điện Kremlin biết rõ hỏa lực vũ khí quy ước của Nga yếu hơn Tây phương nên tránh xung đột trực diện. Nhưng Nga cũng có một lằn ranh đỏ, đó là "không thay đổi chế độ ở Damascus". Putin tính chuyện cung cấp cho Syria tên lửa S-300 nhưng ý định này và vụ vũ khí hóa học đã đặt Israel và vệ binh Hồi giáo Iran ở Syria vào thế mặt đối mặt.

Israel không để tái diễn sai lầm cũ, tức là để cho miền nam Israel dưới đe dọa tên lửa của Hezbollah. Do vậy, quân đội Israel không để cho Iran lập cơ sở chế tạo tên lửa tại Syria uy hiếp toàn bộ lãnh thổ Israel. Một cuộc chiến tranh Iran-Israel tại Syria là kịch bản mà chính quyền Nga lo nhất.

Trên thực tế, Tehran đang gặp khó khăn nội bộ : đồng tiền mất giá, dân chúng phản kháng, tâm lý bất an vì không biết Mỹ quyết định ra sao về vụ hiệp định hạt nhân. Một cuộc chiến tranh với Israel tại Syria sẽ gây bất bình trong dân chúng Iran.

Tuy nhiên, vệ binh Hồi giáo Iran không quan tâm đến yếu tố lòng dân. Liệu Moskva có đủ khả năng ngăn cản nội chiến Syria trở thành xung đột Israel-Iran hay không ? Theo nhà phân tích Ran Halevi : không có gì bảo đảm.

Đảo Malta, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu bán hộ chiếu và quốc tịch.

Với giá hơn một triệu euro để vào cửa Châu Âu. Trong số 800 gia đình đã mua hộ chiếu vàng, địa chỉ cư trú chỉ là hộp thư tại hải đảo. Đa số là người Nga cần cất giấu tài sản, người Trung Quốc muốn trốn chiến dịch chống tham ô, người Iran, Bắc Triều Tiên tránh né lệnh trừng phạt của Mỹ.

Người cầm hộ chiếu Malta có quyền đi du lịch và đầu tư tại 160 nước trên thế giới. Le Monde dành bốn trang báo để tường thuật chi tiết kết quả nửa năm điều tra của mạng lưới Daphne, tên của một nữ phóng viên Malta bị ám sát hồi tháng 10/2017, sau khi tố cáo vụ việc mờ ám có liên quan đến chính phủ.

Các văn phòng môi giới hoạt động công khai tại thủ đô Valetta theo triết lý "tiền là trên hết", không đạo lý, không luật pháp. Nỗ lực điều tra của nữ phóng viên Daphne Caruana Galizia, cho phép thu thập chứng cớ tố cáo chính quyền Malta bất chấp điều kiện chung của Liên Hiệp Châu Âu về việc cấp hộ chiếu.

Chánh văn phòng của thủ tướng Malta nhận hối lộ cấp mỗi hộ chiếu là 100.000 euro. Trong số những người mua hộ chiếu có cả vua nhôm của Trung Quốc Lưu Trung Điền (Liu Zhong Tian) đang bị Mỹ điều tra.

Sau cái chết của nhà báo Daphne Caruana Galizia và tiết lộ của mạng lưới điều tra Daphne gây chấn động trong công luận Malta và ở Liên Hiệp Châu Âu .

Cuba và Trung Quốc cũng chiếm chỗ quan trọng trên báo Pháp. Chuyển giao quyền lực tại La Habana được Le Figaro nhận định là "mở ra một thời hậu Castro" mà người dân không tin là sẽ có đổi mới. Le Monde có cùng nhận định cho rằng : không ai ở Cuba tin vào đổi mới. Raul Castro rời ghế chủ tịch nước, dân Cuba bất lực trước chủ nghĩa thụ động.

Trung Quốc tiến tới một chế độ cảnh sát trị ?

Trong khi đó thì tại Trung Quốc, không gian tự do của người dân đã hạn hẹp, nay sắp bị siết lại thêm. Thời điểm được ấn định là vào năm 2020. Bài phóng sự của Le Figaro từ Bắc Kinh cho biết Đảng cộng sản Trung Quốc đã chế ra được một phương tiện "gọi là tín dụng xã hội" để chấm điểm "công dân tốt" và "công dân xấu", thưởng người này và phạt người kia.

Hệ thống nhận diện và thu thập dữ liệu cá nhân đang được thử nghiệm trên toàn quốc và sẽ chính thức hoạt động vào năm 2020. Theo nhà sử học độc lập Trương Lợi Phàm, Đảng cộng sản Trung Quốc đang làm chuyện kinh khủng, biến Hoa lục thành một chế độ cảnh sát trị.

Chuyên gia Mỹ Samantha Hofman thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc học không giấu lo ngại : "Một người dân có thể bị cáo buộc chống luật an ninh mạng chỉ vì phát biểu một lời nói không phù hợp đường lối của Đảng".

Nước Pháp, phong trào công nhân hỏa xa đình công và sinh viên bãi khóa bước vào tuần lễ thứ ba. Chính phủ Pháp dường như quyết tâm thực hiện cải cách trong lúc phe phản kháng có vẻ yếu đi : Macron tăng lực, biểu tình giảm cường độ, tựa của Libération.

Theo nhật báo cánh tả, sau nhiều tuần huy động lực lượng chống cải cách quy chế SNCF và cải tổ lối ghi danh ở đại học, phe tranh đấu có dấu hiệu hụt hơi vì không tạo được một trận thế chung đối diện với thái độ cứng rắn của hành pháp và sự ủng hộ của công luận.

Đây cũng là nhận định của hầu hết các báo. Tổng công đoàn CGT xuống đường một mình. CFDT từ chối kêu gọi biểu tình chung ngày lễ Lao động, tựa của Les Echos. Nhật báo công giáo La Croix nhắc đến ngày hành động chung với 130 cuộc biểu tình trên toàn quốc hôm thứ Năm 19/04 nhưng số người tham dự ít đi bởi vì tất cả các công đoàn không phải ai cũng đồng ý với chiến thuật của CGT.

Thêm vào đó thông điệp, quyền lợi của mỗi nhóm không giống nhau. Về phần sinh viên, tuy hơn một chục đại học bãi khóa nhưng theo Le Figaro, đại đa số sinh viên muốn đi học bắt đầu chán cái cảnh chỉ có một nhóm nhỏ, bị nghi ngờ là đã bị các tổ chức cực tả điều động, phong tỏa cửa giảng đường bắt đa số làm con tin của phong trào bãi khóa không lối ra.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 654 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)