Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/04/2018

Phải làm gì khi Biển Đông bị Trung Quốc khống chế ?

Tổng hợp

Đô đốc Mỹ : Biển Đông đang bị Trung Quốc khống chế (RFI, 23/04/2018)

Trong ba tuần đầu tháng Tư 2018, Hải Quân Trung Quốc đã tung ra một loạt hành động vừa thị uy vừa khiêu khích trên Biển Đông, không chỉ đối với các láng giềng trong khu vực, mà còn nhắm cả vào Mỹ lẫn Úc, hai nước đang can dự vào vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh đó, điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 17/04/2018, đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại vùng Thái Bình Dương sắp tới đây, đã báo động về những mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra, và kêu gọi Washington mau chóng tăng cường quân bị và khí tài để đối phó.

lamgi1

Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Trường Sa, Biển Đông (Ảnh vệ tinh do CISIS công bố ngày 29/06/2017) Reuters

Trong bài viết công bố ngày 20/04/2018, mang tựa đề "Các hòn đảo quân sự Trung Quốc giờ đang kiểm soát Biển Đông - China Military Islands Now Control South China Sea", tờ báo Mỹ The Washington Free Beacon đã nêu bật những đánh giá của chuẩn tư lệnh Mỹ về tình hình, và những giải pháp cụ thể mà Mỹ cần áp dụng, trong đó có việc nhanh chóng phát triển loại tên lửa siêu âm và tên lửa tầm trung để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Nhận xét chung của vị đô đốc Hải Quân, hiện là tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ về hiện trạng Biển Đông trong bài điều trần bằng văn bản trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ rất rõ ràng : Trung Quốc đã triển khai hệ thống tác chiến trên các đảo nhân tạo họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa và hiện có khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược đi qua khu vực.

Cơ sở đã sẵn sàng, chỉ còn chờ lực lượng triển khai đến nơi

Theo đô đốc Davidson, tiến trình quân sự hóa các tiền đồn để chiếm lĩnh Biển Đông, đã được Trung Quốc bắt đầu từ tháng 12/2013 tại Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, và từ đó đến nay, họ đã củng cố và trang bị cơ sở quân sự trên 7 thực thể trong khu vực.

"Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, bao gồm các thực thể Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson), Vành Khăn (Mischief) và Xu Bi (Subi).

Thiết bị lắp đặt trên các căn cứ này đã tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát trong thời gian thực, cũng như khả năng gây nhiễu điện từ trên một phần rộng lớn ở Biển Đông, thách thức nghiêm trọng các chiến dịch quân sự của Mỹ trên vùng biển này".

Đô đốc Davidson xác định rằng các cơ sở trên 7 hòn đảo nhân tạo bao gồm nhà chứa máy bay, doanh trại, kho nhiên liệu và bể nước ngầm, và hệ thống hầm kiên cố dùng cho các hệ thống thiết bị phòng thủ và tấn công cố định cũng như di động.

Ngày nay, các căn cứ này coi như đã hoàn thiện. Điều duy nhất còn thiếu là lực lượng quân sự trên đó mà Trung Quốc sẽ triển khai.

Lực lượng nào trên các đảo cũng áp đảo được các láng giềng

Nỗi quan ngại của vị tư lệnh Mỹ rất lớn, vì theo ông, quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ đó để mở rộng ảnh hưởng đến những nơi cách Trung Quốc hàng ngàn cây số, tung lực lượng viễn chinh đến tận vùng Châu Đại Dương.

Đối với ông, Trung Quốc sẽ có thể dùng các căn cứ quân sự của họ trên Biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong vùng Biển Đông, và bất kỳ lực lượng Trung Quốc nào được triển khai đến các đảo nhân tạo ở đó, sẽ dễ dàng áp đảo lực lượng quân sự của các nước yêu sách còn lại trong vùng.

Đối với ông, Trung Quốc hiện đã có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản xung đột, và đà tăng cường quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng đáng kể đối với các lực lượng và căn cứ quân sự Mỹ.

Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc tuy vẫn còn thua Mỹ, nhưng Bắc Kinh đang phát triển các tàu ngầm chạy êm hơn. Không quân Trung Quốc cũng phát triển các máy bay tàng hình tiên tiến, máy bay ném bom tầm xa và máy bay không người lái hiện đại. Khả năng tác chiến không gian mạng của Bắc Kinh đã vượt xa việc thu thập tin tức tình báo thông thường mà còn có kế hoạch tấn công vào các hệ thống điều khiển và chỉ huy quân sự của đối phương. Trung Quốc cũng đang vũ trang hóa không gian với tên lửa, thiết bị gây nhiễu và thiết bị laser có khả năng tiêu diệt vệ tinh - công cụ đắc lực nhất cho phép quân đội Mỹ triển khai nhanh chóng trên các địa bàn xa xôi.

Trong bối cảnh đó, một khi được chuẩn y làm tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Davidson sẽ bắt tay vào phát triển lực lượng Mỹ trong khu vực để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Theo ông, lực lượng quân sự hiện nay của Mỹ tại Thái Bình Dương không đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chiến đấu cơ Mỹ tuần tra Biển Đông bị Trung Quốc phá sóng

Lời cảnh báo của đô đốc Davidson như đã được thực tế trên Biển Đông chứng minh với một loạt các hành vi bị cho là khiêu khích của Trung Quốc, đặc biệt là vụ được cho là phá sóng chiến đấu cơ Mỹ.

Theo báo chí Philippines ngày 14/04, một phi công Mỹ lái một chiếc tiêm kích tác chiến điện tử EA- 18G Growler trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đã tiết lộ việc máy bay của anh bị thiết bị gây nhiễu của Trung Quốc tác động khi bay trên Biển Đông.

Phi công này xác định với phóng viên hãng tin Philippines GMA News : "Khi một số thiết bị của bạn không hoạt động, đó là dấu hiệu cho thấy ai đó đang cố gắng gây nhiễu máy bay của bạn. Chúng tôi đã biết đó là ai".

Sự cố xẩy ra khi chiếc Theodore Roosevelt tuần tra trên Biển Đông trong hành trình đến Singapore tham gia tập trận chung với các tàu chiến Singapore tại vùng biển quốc tế phía nam Biển Đông trong 3 ngày 06- 08/04.

Lời kể của phi công chiếc EA- 18G Growler giúp xác nhận thông tin từ tờ báo Mỹ Wall Street Journal ngày 09/04, theo đó một số quan chức quân sự Mỹ xin ẩn danh cho biết là Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu tại đá Vành Khăn và đá Chữ Thập ở Trường Sa. Tờ báo này cũng công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ăng ten của hệ thống gây nhiễu, mà theo tờ báo, có thể ngăn chặn tín hiệu liên lạc và radar quân sự.

Chiến hạm Úc thăm Việt Nam bị tàu Trung Quốc khiêu khích

Không chỉ nhắm vào Mỹ, Hải Quân Trung Quốc còn làm khó tàu của nước khác đi ngang Biển Đông, qua đó khẳng định tư cách chủ nhân ông của họ. Sự cố gần đây nhất liên quan đến ba chiếc tàu Hải Quân Úc.

Theo báo chí Úc ngày 19/04, các chiếc HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success đã bị Hải Quân Trung Quốc sách nhiễu trên Biển Đông khi đang trên đường đến Việt Nam ghé cảng thành phố Hồ Chí Minh. Một quan chức giấu tên khẳng định với kênh thông tin ABC của Úc rằng, tuy không gây ra hậu quả đáng tiếc nào, nhưng Hải Quân Trung Quốc đã tỏ ra thô bạo.

Giới chuyên gia ghi nhận là nếu trước đây, việc đi lại trên Biển Đông của chiến hạm Úc đi thăm hữu nghị các nước Đông Nam Á là chuyện bình thường, thì hiện nay, Bắc Kinh đã ngang nhiên gây trở ngại.

Các hành vi quyết đoán của Hải Quân Trung Quốc trên Biển Đông cũng tương ứng với thay đổi lập luận của chính quyền Bắc Kinh, không còn dùng cái vỏ dân sự để che đậy các hoạt động quân sự hóa, mà công khai khắng định rằng họ có toàn quyền trang bị vũ khí cho những vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

*******************

Chỉ có chiến tranh với Mỹ mới có thể ngăn cản Trung Quốc độc chiếm biển Đông (RFA, 23/04/2018)

Chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn cản được Trung Quốc độc chiếm biển Đông. Đó là phát biểu của Đô đốc Philip S. Davidson, người được đề cử làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ trước Quốc hội Mỹ hôm 17/4.

lamgi2

Đô đốc Philip Davidson điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ở Washington DC hôm 17/4/2018 - AP

Trong bản viết tay đệ trình lên Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ trước hôm ra điều trần, Đô đốc Davidson cảnh báo về sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại vùng nước đang tranh chấp, bao gồm những căn cứ quân sự bí mật trên các đảo. Ông nói rằng đây là một bước tiến của Trung Quốc nhằm hướng tới việc thống trị toàn bộ khu vực Biển Đông, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Đô đốc Davidson viết rằng, một khi đã chiếm được Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ vươn dài tầm ảnh hưởng của mình ra hàng ngàn miles về phía nam. Quân đội Trung Quốc có thể sẽ sử dụng những căn cứ ở đây để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Các lực lượng được triển khai tới những căn cứ mà Trung Quốc lập nên tại đây có thể là bàn đạp đè bẹp một cách dễ dàng các lực lượng quân sự của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Để nhấn mạnh cho tầm quan trọng của nhận định trong bài viết, Đô đốc Davidson nói Trung Quốc hiện đã đủ khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống và chỉ có chiến tranh với Mỹ mới ngăn cản được điều này.

Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò được nước này vẽ ra trên biển, đòi chủ quyền vùng nước lịch sử.

Từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành xây lấp các đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp và xây dựng các căn cứ quân sự, triển khai vũ khí ra các đảo này, làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa khu vực biển Đông của Trung Quốc.

Kể từ đầu tháng 4 tới nay, Trung Quốc đã liên tiếp tổ chức 4 cuộc tập trận trong khu vực.

Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Hôm 23/3, một tàu khu trục của Mỹ là tàu USS Mustin đã tiếp cận Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa do Trung Quốc kiểm soát trong hoạt động thường xuyên của chương trình Tự do Hàng hải (Fonops) mà Mỹ vẫn tiến hành ở Biển Đông kể từ năm 2015 trở lại đây.

*******************

Biển Đông : Dự án bản đồ "đường 9 đoạn nối liền" của Trung Quốc (RFI, 23/04/2018)

Báo chí Hồng Kông hôm qua, 22/04/2018, tiết lộ một dự án nghiên cứu hải dương của Trung Quốc, chủ trương vạch ra "đường ranh giới mới" trên Biển Đông, nhằm "tạo điều kiện cho nghiên cứu" về tài nguyên và "gia tăng sức nặng" cho các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, trước mắt, ít có khả năng Bắc Kinh chấp nhận "đường 9 đoạn nối liền", vì Trung Quốc lo ngại các phản đối dữ dội của quốc tế.

lamgi3

Ảnh chụp Đá Xu Bi trong tay Trung Quốc tại Trường Sa. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/04/2017.© Reuters

Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một nhà khoa học Trung Quốc tham gia vào dự án này cho biết "đường ranh giới mới", cụ thể là việc nối liền đường "9 đoạn"(còn được gọi là đường chữ U hay "Lưỡi bò"), cho phép Trung Quốc xác định rõ hơn quyền lợi của mình tại khu vực vẫn được Bắc Kinh coi là có "các quyền lịch sử".

"Ngay sau khi" ranh giới mới được xác nhận, các nhà nghiên cứu sẽ đo lường "tổng trữ lượng dầu khí", "khoáng sản" và các nguồn tài nguyên dưới biển khác. Trong phạm vi "đường 9 đoạn nối liền" này, Bắc Kinh có toàn quyền đòi hỏi quyền khai thác hải sản, hay các tài nguyên dưới lòng biển.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trả lời báo Hồng Kông về vấn đề này.

Các dữ liệu đã sẵn sàng

Nhà khoa học xin ẩn danh nói trên cho biết thêm là hiện tại "các dữ liệu GPS đã sẵn sàng". Về mặt kỹ thuật, có nhiều phương án xác định ranh giới, "với độ chính xác từ một kilomet đến vài centimet". Dự án nghiên cứu được chính quyền trung ương và tỉnh Quảng Đông tài trợ. Theo South China Morning Post, có thể tham khảo dự án "đường 9 đoạn nối liền" trên trang nhà của tạp chí khoa học China Science Bulletin (của Viện Nghiên cứu Hải dương và Ranh giới trên biển ở Vũ Hán [Wuhan]).

South China Morning Post cũng chú ý đến một nhận định của giáo sư Dư Mẫn Hữu (Yu Minyou), giám đốc Viện Nghiên cứu Hải dương và Ranh giới trên biển ở Vũ Hán, theo đó, chính quyền Trung Quốc cần đến một tấm bản đồ 9 đoạn nối liền, ít nhất về mặt khoa học, để ước lượng được cụ thể các nguồn tài nguyên, và có các số liệu cụ thể để thương lượng với các nước láng giềng. Theo ông, quan điểm của Trung Quốc là "các tranh chấp (tại Biển Đông) sẽ được giải quyết trong tương lai", trước mắt cần đàm phán "chia sẻ tài nguyên với các láng giềng", quan điểm của Bắc Kinh là "mở và rõ ràng".

Yêu sách 9 đoạn đã bị tòa quốc tế bác bỏ

Trên thực tế, yêu sách "9 đoạn" của Trung Quốc, được chính quyền Quốc Dân Đảng và tiếp theo đó là chính quyền cộng sản Trung Quốc đưa ra cuối thập niên 1940 - đầu thập niên 1950, đã bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, bác bỏ hồi tháng 7/2016, trong vụ kiện nổi tiếng mà nguyên đơn là Philippines.

Đường 9 đoạn khởi đầu từ vùng cửa vịnh Bắc Bộ, kết thúc ở vùng biển nam Đài Loan, lan rộng xuống phía nam Biển Đông, ăn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough, mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền.

Theo chuyên gia về an ninh biển quốc tế, tiến sĩ Ian J. Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore, nếu Bắc Kinh chính thức tuyên bố chủ quyền với "đường 9 đoạn nối liền", thì đây sẽ là hành động "phủ nhận hoàn toàn" quyết định của tòa án quốc tế, và sẽ bị các nước Đông Nam Á cũng như quốc tế phản đối mạnh, trong khi một số người cho rằng, sở dĩ Trung Quốc thua kiện tại Tòa Trọng Tài Thường Trực là do đường 9 đoạn không phải là một vùng lãnh thổ được xác định rõ.

Về phần mình, một chuyên gia chính phủ Trung Quốc làm việc tại Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông), có trụ sở tại Hải Nam, thừa nhận là có rất ít khả năng Bắc Kinh chính thức sử dụng bản đồ đường 9 vạch nối liền, vì quan điểm này sẽ bị "rất nhiều nhà ngoại giao và giới chuyên gia về luật biển phản đối".

Chuyên gia này cho rằng các đàm phán về tranh chấp Biển Đông đang "đi theo hướng đúng" và "giờ đây không phải là lúc áp đặt một đường ranh giới mới".

Trọng Thành

*******************

Đô đốc Tư lệnh Mỹ : Chỉ có chiến tranh mới ngăn chặn được Trung Quốc (CaliToday, 21/04/2018)

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Lực lượng các Hạm đội Hoa Kỳ nói với các nhà lập pháp rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để thực hành các tuyên bố lãnh thổ rộng lớn trong vùng tranh chấp Biển Đông và chỉ xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn được điều này.

bd1

Hàng không mẫu hạm Carl Vinson trên Biển Đông - Ảnh Newsweek

Đô đốc Hải quân Philip S. Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã gửi các bình luận bằng văn bản cho phiên điều trần của mình trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện hôm thứ Ba. Ông nói rằng sự hiện diện quân sự mở rộng của Trung Quốc, bao gồm các căn cứ đảo bí mật, trong vùng biển của Á Châu Thái Bình Dương đã cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tiến tới một sự thống trị của khu vực, nơi các nước như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cạnh tranh với biên giới hàng hải rộng lớn, tự tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

"Một khi chiếm đóng, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng hàng ngàn dặm về phía Nam và bành trướng sức mạnh vào các Đại Dương. Quân đội PLA sẽ có thể sử dụng các căn cứ để thách thức sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, và bất kỳ lực lượng di chuyển gần các đảo sẽ dễ dàng bị áp đảo bởi các lực lượng quân sự của Trung Quốc tại vùng tranh chấp Biển Đông, Đô đốc Davidson viết trong bản tường trình.

"Tóm lại, Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống nếu có chiến tranh với Hoa Kỳ", ông nói thêm.

Trung Quốc đã đặc biệt tăng cường sự hiện diện của họ liên quan đến Đài Loan, chính phủ đã rút khỏi lục địa sau cuộc nổi dậy của cộng sản vào năm 1949. Trung Quốc vẫn tuyên bố đảo ly khai như là một phần của Trung Quốc và đã cảnh cáo chống Mỹ về những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Đài Loan

 Washington tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, và tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã ký Đạo luật Du lịch Đài Loan, cho phép và khuyến khích các chuyến thăm chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Sự kiện này đã gây ra sự phẫn nộ ở Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng ông đã chuẩn bị để thống nhất hai chính phủ bằng vũ lực nếu cần thiết và tuần trước đã tham dự cuộc biểu dương hải quân lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm hàng không mẫu hạm duy nhất của họ. Sau đó, ông ra lệnh cho các cuộc tập trận bằng hỏa lực thật được tổ chức hôm thứ Tư tại eo biển Đài Loan.

bd2

Tàu đổ bộ Changbai Shan (Bạch Đầu Sơn) của hải quân Trung Quốc bắn đạn thật trong cuộc tập trận ngoài khơi Biển Đông ngày 18/04/2018 - Ảnh : Newsweek

Cùng ngày, giám đốc văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan, ông Liu Jieyi của Trung Quốc đã tới Đài Loan để ngăn chặn mọi quan niệm về "độc lập Đài Loan" và phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Hua Chunying nói với các phóng viên : "Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, và Đài Loan là một phần không thể thiếu lãnh thổ của Trung Quốc. "

Tư thế quân sự khu vực của Trung Quốc đã gây khó chịu cho Mỹ và các đồng minh. Úc tuyên bố hôm thứ Sáu rằng chiến hạm của họ bị thách thức bởi các chiến hạm Trung Quốc khi hải hành qua vùng Biển Đông.

Tuy nhiên, một trong những đồng minh của Trung Quốc cũng có thể ngày càng thất vọng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ca ngợi ông Tập và thậm chí đã nói đùa về việc làm cho Philippines trở thành một tỉnh của Trung Quốc, nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của ông cảnh cáo chính phủ có thể khiếu nại chống lại Bắc Kinh nếu các bức ảnh thu được từ Philippine Daily Inquirer về Quần đảo Trường Sa đã chứng tỏ là đúng.

"Bộ trưởng ngoại giao Philippines, ông Alan Peter Cayetano nói thêm rằng việc đệ đơn kháng nghị là một trong những hành động ngoại giao, được Bộ trưởng ngoại giao Philippines khẳng định, nói thêm rằng Philippines yêu cầu những quốc gia tuyên bố chủ quyền quần đảo Trường Sa loại bỏ bất kỳ sự phát triển quốc phòng nào trên đảo". .

"Nhiều quốc gia đang xây đắp các bờ đê, công sự, thiết lập các dàn radar và các hệ thống phòng thủ khác. Sự khó khăn bây giờ là làm thế nào để ngăn chặn nó và làm cho nó trở lại tình trạng ban đầu", ông nói thêm.

Ngọc Thạch dịch

Nguyên tác : Only 'war' could stop China from controlling South China Sea, US Military Commander says, Tom O'ConnorNewsweek, 20/04/2018

*******************

Nhật : Lần đầu tiên tàu sân bay Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương (RFI, 21/04/2018)

Hôm 21/04/2018, Bộ quốc phòng Nhật Bản xác nhận là lần đầu tiên Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở vùng Thái Bình Dương với chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động của nước này.

bd3

Một chiếc J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong cuộc tập trận trên Biển Đông của Trung Quốc ngày 02/01/2017. STR / AFP

Bộ quốc phòng Nhật cho biết họ đã phát hiện nhiều chiến đấu cơ phản lực được phóng đi từ tàu sân bay Liêu Ninh. Hàng không mẫu hạm này hiện đang di chuyển về hướng đông cùng với 6 chiến hạm khác của hải quân Trung Quốc. Đội tàu sân bay Liêu Ninh hôm qua đang ở một vị trí cách đảo Yonaguni của Nhật Bản 350 km về phía nam.

Hôm nay, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các tàu hộ tống đã băng ngang qua eo biển Miyako giữa đảo Miyako và Okinawa, tiến về hướng Biển Hoa Đông.

Hôm nay, trên trang Weibo, hải quân Trung Quốc cũng thông báo đã mở cuộc tập trận với tàu sân bay Liêu Ninh ở Thái Bình Dương, cụ thể là ở khu vực phía đông của eo biển Ba Sĩ ( Bashi ), giữa Đài Loan và Philippines. Trước đó, chính phủ Bắc Kinh đã thông báo cho các tàu trong khu vực về những kế hoạch tập trận.

Các cuộc thao dượt này diễn ra sau khi không quân Nhật Bản trong 3 ngày liên tiếp đã điều động các chiến đấu cơ để đáp trả những oanh tạc cơ và các máy bay khác của Trung Quốc bay vào vùng biển gần tỉnh Okinawa.

Trước đó, Bộ quốc phòng Nhật Bản loan báo là trong tài khóa 2017, các phi cơ quân sự của Trung Quốc đã bay qua eo biển Miyako tổng cộng 36 lần, một con số kỷ lục. Không quân Trung Quốc trong tháng 3 cũng đã tiến hành thao dượt bên trên eo biển Miyako.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 492 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)