Trung Quốc đưa ra đường lười bò mới trên Biển Đông (RFA, 24/04/2018)
Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã đưa ra đề nghị đường chữ U nối liền thay cho đường đứt khúc 9 đoạn trên Biển Đông. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng trích lời các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết như vậy hôm 22/4.
Bản đồ với đường đứt khúc 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông - AFP
Theo tờ báo này, đây là kết quả của một dự án nghiên cứu được chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng trích lời một nhà nghiên cứu giấu tên cho biết ‘Đường lưỡi bò mới sẽ bắt đầu từ cửa vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, đi về phía nam vào vùng biển Malaysia, rẽ ngoặt lên vùng biển phía tây Philippines và kết thúc ở phía đông nam đảo Đài Loan’.
Nhóm nghiên cứu của Trung Quốc nói rằng đường lưỡi bò mới giúp Trung Quốc có toàn quyền thực thi quyền đánh bắt cá, khảo sát và khai thác dầu khí hoặc tài nguyên khoáng sản, cho đến việc xây dựng các căn cứ quân sự với các cảng nước sâu, sân bay. Các quốc gia khác được tự do đi lại trong vùng này nhưng phải xin phép và thảo luận với Trung Quốc nếu muốn thực thi các quyền vừa nói.
Đường chữ U nối liền mới dựa vào một bản đồ được Trung Quốc đưa ra từ năm 1951. Theo bản đồ đó, Trung Quốc vẽ đường đỏ và đen có hình dáng tương tự như đường lưỡi bò hiện nay.
Trung Quốc sử dụng đường lưỡi bò để đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông. Đây cũng là nơi một số nước trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Hồi tháng 7 năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn.
Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lời bình luận về thông tin mới này.
******************
Đô đốc Mỹ : Trung Quốc có khả năng 'thâu tóm' Biển Đông (VOA, 24/04/2018)
Một đô đốc được đề cử vào vị trí Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ mới nói với các nhà lập pháp nước này rằng Trung Quốc hiện đủ mạnh để có thể "thâu tóm" Biển Đông và chỉ có một cuộc xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn điều này.
Một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung với Nga năm 2014.
Trong tuyên bố bằng văn bản gửi tới Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ nhân buổi điều trần hôm 17/4, Đô đốc Philip Davidson nhận xét rằng việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở vùng biển tranh chấp với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tạo cơ hội "thống trị" cho quân đội nước này ở Biển Đông.
Ông Davidson viết rằng Trung Quốc "bắt đầu" phát triển các tiền đồn quân sự ở Biển Đông từ tháng 12 năm 2013, và từ đó tới nay, nước này đã "bồi đắp xây đảo nhân tạo", "nơi chứa máy bay" và "các hệ thống phòng thủ".
"Các hành động này trái ngược hoàn toàn với khẳng định của Chủ tịch Tập [Cận Bình] năm 2015 tại Vườn Hồng [Nhà Trắng] rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Hiện nay, các căn cứ tiền tiêu này dường như đã hoàn tất. Điều chỉ còn thiếu là việc triển khai lực lượng", ứng cử viên cho vị trí tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nhận xét.
Quan chức hải quân cấp cao này nói thêm rằng "một khi chiếm đóng, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng tầm ảnh hưởng hàng nghìn dặm về phía nam cũng như phô diễn sức mạnh sâu vào vùng Châu Đại Dương".
Ông Philip Davidson trong buổi điều trần hôm 17/4.
"Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa sẽ có thể sử dụng các căn cứ này để thách thức sự hiện diện của Mỹ ở khu vực, và bất kỳ lực lượng nào được triển khai tới các đảo sẽ dễ dàng lấn át các lực lượng quân sự của các nước cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông", Đô đốc Davidson nhận định tiếp.
"Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc giờ có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, trừ khi gây chiến với Mỹ".
Ông Dương Danh Dy, một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung, từng nhiều lần nói với VOA Việt Ngữ rằng Bắc Kinh sẽ "không bao giờ từ bỏ tham vọng bành trướng hơn nữa, bá quyền hơn nữa" ở Biển Đông.
Liên quan tới vấn đề an ninh hàng hải, đề cử cho vị trí tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương nói rằng Việt Nam có lẽ muốn "phát triển khả năng của lực lượng tuần duyên [Việt Nam gọi là Cảnh sát Biển] thông qua việc chuyển giao Excess Defense Articles [các thiết bị mà tuần duyên Mỹ không dùng nữa]".
Ông cho rằng Hoa Kỳ "không nên chỉ tập trung vào [giúp đỡ] các thiết bị mà còn nên chú trọng vào sự bền vững, như huấn luyện, cơ sở hạ tầng… để tăng cường năng lực thực sự và củng cố quan hệ".
Một trong các tàu ngầm Việt Nam mua của Nga.
Ngoài vấn đề Biển Đông và tăng cường năng lực hàng hải, cái tên Việt Nam còn được ông Davidson nhắc tới liên quan tới các biện pháp trừng phạt về vũ khí mà Mỹ có thể áp đặt lên Nga.
Đạo luật Chống Các Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) bao gồm các biện pháp đối với các nước có giao dịch đáng kể với ngành tình báo và quốc phòng của Nga.
Tin cho hay, Moscow là một trong đối tác truyền thống về vũ khí của Việt Nam. Hà Nội từng chi hàng tỷ đôla để "tậu" thiết bị quân sự của Nga.
Khi được hỏi là CAATSA ảnh hưởng ra sao tới quan hệ quân sự của Mỹ với Việt Nam, Đô đốc Davidson nói rằng "một ưu tiên chính đối với Hoa Kỳ và Hạm đội Thái Bình Dương là tiếp tục phát triển quan hệ đồng minh và đối tác để tất cả mọi quốc gia hưởng lợi từ một môi trường đảm bảo an ninh, ổn định, thịnh vượng và hòa bình cho toàn khu vực".
Ông nói thêm rằng "hoạt động cũng như sự tham gia của Nga khắp vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tiếp tục tăng nhằm thúc đẩy các quyền lợi chiến lược của họ cũng như gây tổn hại tới các quyền lợi của Mỹ". Ngoài ra, theo đô đốc này, Moscow cũng "tìm kiếm các cơ hội kinh tế để xuất khẩu năng lượng và vũ khí trong khu vực".
Đô đốc Harry Harris trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.
"CAATSA sẽ gây quan ngại trong mối quan hệ quốc phòng của chúng ta ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với các nước như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Nếu Hoa Kỳ quyết định trừng phạt các nước đối tác này vì mua thiết bị của Nga, quyết định này sẽ cản trở việc phát triển mối quan hệ đối tác với mỗi nước và khiến các đối tác tăng cường phụ thuộc vào Nga", ông Davidson nói.
Nếu được chuẩn thuận, Đô đốc Philip Davidson sẽ lên thay Đô đốc Harry Harris sau khi ông này từ nhiệm để trở thành đề cử đại sứ Hoa Kỳ tại Australia.
Theo báo chí quốc tế, ông Harris từng nhiều lần lên tiếng về Biển Đông, nhất là liên quan tới quyền tự do hàng hải ở vùng biển này, làm Trung Quốc phật lòng.
*********************
Trung Quốc lại tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông (RFI, 24/04/2018)
Các hành động thị uy trên biển của Bắc Kinh tiếp tục diễn ra. Theo một bản tin của Tân Hoa Xã tối hôm qua, 23/04/2018, Trung Quốc đã lại cho tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển Hoa Đông.
Các máy bay chiến đấu Trung Quốc J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 02/01/2017. STR / AFP
Đây là đợt tập trận mới nhất trong một loạt cuộc tập trận trong được Bắc Kinh tung ra từ đầu tháng Tư đến nay trên các vùng biển quanh Trung Quốc.
Theo hãng tin chính thức của Trung Quốc, thì một đội tàu Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh và các chiến đấu cơ J-15 đã tham gia cuộc tập trận phòng không, và chống tàu ngầm, sử dụng đến các loại vũ khí phòng không và chống ngầm để đối phó với một kẻ thù giả định.
Tân Hoa Xã tuy nhiên không cho biết là cuộc tập trận diễn ra ở địa điểm cụ thể nào trên biển Hoa Đông.
Cuộc tập trận này được cho là sẽ bị Nhật Bản phản ứng gay gắt vì từ trước đến nay, Tokyo luôn luôn phản đối việc Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu hải cảnh xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Trong vòng 10 ngày qua, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành hàng loạt cuộc tập trận ở tây Thái Bình Dương, Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Hãng tin AFP của Pháp bình luận đây tiếp tục là một hành động phô diễn sức mạnh của hải quân Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp, vốn gây không ít lo lắng cho các nước láng giềng.
Giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh xuất hiện trong mọi cuộc tập trận thị uy. Đặc biệt gây quan ngại ở Đài Bắc là hai cuộc tập trận khác nhau gần Đài Loan.
Chính quyền Đài Loan đã có phản ứng và theo hãng tin Anh Reuters, Đài Loan sẽ lại tập trận vào tuần tới, và đặc biệt tập huấn việc đẩy lùi lực lượng xâm chiếm đảo, sửa chữa khẩn cấp các sân bay và căn cứ không quân, và điều phối việc sử dụng các loại drone dân sự.
Trọng Nghĩa
**********************
Đô đốc Hải Quân Mỹ : ‘Chúng ta đã mất Biển Đông’ (Người Việt, 23/04/2018)
"Chúng ta đã mất Biển Đông", đô đốc Mỹ nói với Quốc Hội rằng chỉ có chiến tranh mới đối phó được chuyện Trung Quốc khóa chặt thủy lộ bận rộn nhất thế giới.
Đô Đốc Philip S. Davidson, người được đề cử giữ chức tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, nói ra một thực tế trong cuộc điều trần của Thượng Viện hồi tuần qua, báo Observer tường thuật.
Đô Đốc Philip S. Davidson. (Hình : US Navy Photo)
Trung Quốc đã hoàn tất việc biến 7 bãi đá ngầm tại Trường Sa mà họ cướp của Việt Nam năm 1988 thành 7 căn cứ quân sự khổng lồ. Những cơ sở trên các đảo nhân tạo này lớn mạnh đủ để hoàn toàn kiểm soát khống chế thủy lộ qua Biển Đông. Các cơ sở quân sự, các công sự chiến đấu, các cảng biển và phi trường đã sẵn sàng, giờ đây họ chỉ còn một việc là đưa hạm đội, máy bay chiến đấu tới là xong.
"Khi chiếm đóng, Trung Quốc có thể kéo dài ảnh hưởng hàng ngàn dặm về phía Nam và dự phóng sức mạnh sâu tới Châu Đại Dương (tức các quốc gia lớn nhỏ giữa Thái Bình Dương)", Đô Đốc Davidson cho hay.
Theo ông, Trung Quốc sẽ dùng các căn cứ trên Biển Đông để "thách đố sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại khu vực. Lực lượng của họ được điều động tới khu vực các đảo nhân tạo đó cũng đều ăn trùm lực lượng của các nước khác trong khu vực cũng tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ. Nói tóm lại, Trung Quốc hiện đã có khả năng kiểm soát thủy lộ Biển Đông trong tất cả mọi tình huống chỉ thiếu chuyện chiến tranh với Mỹ".
Hai máy bay quân sự Trung Quốc đáp xuống đảo nhân tạo Vành Khăn. (Hình : Inquirer)
Cuộc điều trần của ông Davidson diễn ra chỉ ít ngày sau khi hai chiến hạm và một tàu tiếp vận của Úc trên đường tới thăm viếng Việt Nam đã bị một nhóm tàu chiến Trung Quốc quấy rối trên Biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Đông theo hình "lưỡi bò" mà nhiều khu vực lấn sâu vào vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam. Tòa án Trọng tài Quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, đã ra phán quyết bác bỏ cái "lưỡi bò" nhưng Bắc Kinh cậy thế sức mạnh nước lớn tuyên bố không chấp nhận dù họ cũng là một nước ký vào Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).
Theo Đô Đốc Davidson, chỉ có xung đột võ trang mới ngăn chặn được chuyện Trung Quốc khóa chặt thủy lộ quốc tế qua Biển Đông. Chính vì thế Hoa Kỳ cần phải "lấy lại lợi thế kỹ thuật" quân sự vốn hãnh diện từ 5 thập niên qua. Ông nói lực lượng của ông không thể đối phó được với các loại võ khí siêu thanh mà Trung Quốc đang phát triển.
Hiện tại, hình ảnh do vệ tinh chụp được chứng tỏ Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng các pháo đài kiên cố, thiết trí các hệ thống võ khí, các trang bị điện tử trên các đảo nhân tạo. Phi đạo tại 3 trong 7 đảo nhân tạo thì dài đủ cho các phi cơ quân sự lớn nhất đáp xuống. Trước sự chỉ trích của thế giới, Bộ quốc phòng Trung Quốc ngang ngược tuyên bố việc họ đưa lính và võ khí tới các đảo nhân tạo ở Trường Sa là "quyền đương nhiên của nước có chủ quyền".
Hồi tuần trước, có tin Trung Quốc đã thiết trí hệ thống phá sóng radar và truyền tin tới đảo nhân tạo Vành Khăn cùng với các hệ thống võ khí khác. Trước đó, tin tức từ Philippines nói họ đã thấy hai máy bay quân sự đáp xuống Vành Khăn trong khi một số tàu vận tải và chiến hạm đậu tại đó.
Trong khi đó, báo South China Morning Post đưa tin một nhóm chuyên viên Trung Quốc đã có dự án vẽ lại bản đồ Biển Đông với các vạch đứt đoạn được nối liền lại với nhau để xác định rõ hơn "chủ quyền" cướp ngày của họ. (TN)
*****************
Hàng không mẫu hạm tự chế đầu tiên của Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh (CaliToday, 24/04/2018)
Báo Global Times, trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên, chưa được đặt tên, có thể sẵn sàng chiến đấu trong vòng hai năm sau khi dự định giao cho hải quân Trung Quốc vào cuối năm nay.
Hàng không mẫu hạm tự chế tạo đầu tiên của Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh - Photo Credit : AP
Ảnh và video clip xuất hiện trực tuyến từ sáng thứ Hai, xác nhận rằng hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc đã bắt đầu chuyến hải hành đầu tiên của mình.
Ngày ra mắt là không có gì ngạc nhiên-Thứ Hai là ngày Hải quân Giải phóng Nhân dân được thành lập.
Tàu chưa đặt tên từ bến tàu tại Nhà máy đóng tàu Dalian ở phía đông bắc Trung Quốc, nơi mẫu hạm Liêu Ninh, đã trải qua bảy năm trang bị thêm sau khi được mua từ Ukraine. Sau đó, dịch vụ này đã bắt đầu hoạt động như căn cứ hải không quân đầu tiên của Trung Quốc.
Cục hàng hải tỉnh Liêu Ninh đã đánh dấu một khu vực cấm nhập cảnh vào thứ Sáu tuần trước, ngăn chặn các tàu nhập khoảng 1.500 km2 nước ở Biển Hoàng Hải, ngoài khơi Đại Liên từ ngày 20 đến 28 tháng Tư.
Hình ảnh đăng trực tuyến cho thấy rằng giàn giáo xung quanh các Hàng Không Mẫu Hạm mới đã được gỡ bỏ, với một hệ thống radar hoạt động rõ ràng có thể nhìn thấy trên cây cầu.
Hình ảnh này cho thấy công nhân sử dụng các khẩu pháo nước để làm sạch boong tàu trong khi neo của Hàng Không Mẫu Hạm được kéo lên. Một số cần cẩu cũng được phát hiện trên boong tàu trong một bức ảnh chụp vào đầu tháng này khi các trang bị và thực phẩm, nhiên liệu được cho là được chuyển giao cho người vận chuyển.
Bắc Kinh bắt đầu xây dựng hàng không mẫu hạm này vào cuối năm 2013, và các nhà quan sát nước ngoài tin rằng nó có thể là một bản sao của Liêu Ninh, khi các kỹ sư và xưởng đóng tàu Trung Quốc tìm cách sử dụng các sơ đồ thu được cùng với thân tàu do Liên Xô sản xuất.
Tuy nhiên, tốc độ mà Trung Quốc đã sao chép thiết kế của Liên Xô với công kỹ nghệ bản địa vẫn còn khiến các nhà phân tích ngạc nhiên. Cuộc thử nghiệm trên biển chỉ diễn ra sau một năm sau khi bến cảng của mẫu hạm này bị ngập lụt lần đầu tiên vào tháng Tư năm 2017.
Các thông số kỹ thuật của nhà cung cấp chế tạo bao gồm dịch vụ chuyển khoảng 65.000 tấn, động cơ diesel và động cơ hơi nước thông thường, cộng với hệ thống phóng máy chạy bằng hơi nước cho các máy bay trên tàu.
Trong khi đó, Liêu Ninh, đang ở trong một hải đội đi tuần cùng với các khu trục hạm có hỏa tiễn đạn đạo, các máy bay chiến đấu trên tàu, trên đường từ Biển Đông đến Tây Thái Bình Dương trong chuyến hải hành dài để giúp thủy thủ đoàn thích ứng với các cuộc tấn công phối hợp trên biển, Tân Hoa Xã tường trình.
Liêu Ninh hiện đang ở vùng biển phía đông của Kênh Bashi, giữa Philippines và Đảo Orchid, ngoài khơi Đài Loan, trong một cuộc chiến tập với hai tàu khu trục Hải quân PLA loại 052C, theo tờ PLA Daily.
Ngọc Thạch
(Theo Yahoo News)