Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/05/2018

Điểm báo Pháp - Iran và Bắc Triều Tiên

RFI tiếng Việt

Iran và Bắc Triều Tiên : Vì sao Hoa Kỳ nhất bên trọng, nhất bên khinh ?

Một năm cầm quyền đầu tiên của tổng thống Macron là chủ đề trang nhất nhiều báo Pháp.

iran1

Tổng thống Mỹ Donald Trum, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và giáo chủ Iran Khamenei - Ảnh chụp màn hình : Getty

"Macron năm 1 : Tái cấu trúc chính trị còn xa mới kết thúc", tựa lớn của Le Monde. La Croix với hồ sơ chính "Macron, một năm khẩn trương", điểm lại 10 cam kết lớn của tổng thống Pháp. Hồ sơ chính của Libération là : Chiến dịch bóp méo thông tin quy mô thế giới của Nga nhằm bảo vệ chế độ Damascus, trước cáo buộc dùng vũ khí hóa học. Trước hết xin giới thiệu bài Le Monde lý giải vì sao Mỹ tỏ ra rất mềm mỏng với Bắc Triều Tiên – được coi là sở hữu bom nguyên tử, trong lúc lại vô cùng khắc nghiệt với Iran, cho dù Tehran chưa làm chủ được thứ vũ khí đáng sợ này.

Bài bình luận "Lý lịch tư pháp" của nhà báo Alain Frachon trước hết ghi nhận Iran và Bắc Triều Tiên giống nhau ở một điểm. Đây là hai quốc gia có quá khứ "cách mạng", đang muốn thoát khỏi vị trí của những kẻ bị loại trừ khỏi "cộng đồng quốc tế".

Trong trường hợp Bắc Triều Tiên, khả năng này đang hiện rõ. Lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un vừa có cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Hàn Quốc, hai bên cam kết hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc gặp sắp tới với tổng thống Mỹ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải cho biết sẽ chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân với các điều kiện cụ thể nào. Đàm phán hứa hẹn sẽ không đơn giản, nhưng cuộc gặp với tổng thống Mỹ ít nhất cũng đem lại một lợi thế trước mắt cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên, quốc gia từng bị Washington thời tổng thống Bush xếp vào "Trục tội ác".

Ngược lại, ngày 12/5 tới, có rất nhiều khả năng chính quyền Mỹ sẽ quyết định "rời khỏi" thỏa thuận hạt nhân với Tehran, được ký kết hồi 2015, giữa Iran với 6 cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ. Việc Washington rời bỏ thỏa thuận mở đường cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân, một viễn cảnh nguy hiểm với thế giới.

Kim Jong-un sẵn sàng chia tay với di sản ý thức hệ

Vì sao Hoa Kỳ trong cùng vấn đề vũ khí nguyên tử lại có thái độ đối xử nhất bên trọng, nhất bên khinh như vậy ? Nhà báo Le Monde nhấn mạnh đến thái độ rất khác biệt giữa hai chính quyền Bắc Triều Tiên và Iran.

Để đi đến một thỏa thuận hòa bình với Mỹ, đại diện thế hệ thứ ba của triều đại nhà Kim đã phải chấp nhận từ bỏ nhiều di sản quan trọng trong truyền thống ý thức hệ cứng rắn của Bắc Triều Tiên. Đây là những điều mà bộ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng ròng rã nhắc đi nhắc lại hàng chục năm nay.

Có hai điều hệ trọng mà chế độ Bắc Triều Tiên buộc phải từ bỏ để có thể có được hòa bình với Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Thứ nhất là Bình Nhưỡng phải thừa nhận sự tồn tại của Seoul, thừa nhận tính hợp pháp của Nhà nước Nam Triều Tiên. Sử gia Kathryn Weatherby – trên tờ Financial Times 28 và 29/04 – nhắc lại là : trong tấm bản đồ chính thức của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, chỉ có một nước Triều Tiên duy nhất. Đối với người miền Bắc, thừa nhận hòa bình với miền Nam có nghĩa là Bình Nhưỡng chấp nhận "mất một nửa diện tích quốc gia".

Điều nhân nhượng lớn thứ hai của chế độ Bắc Triều Tiên là từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều đã được ghi trong Hiến Pháp.

Iran khư khư bám lấy "truyền thống cách mạng"

Tình hình của Iran là khác hẳn. Trái ngược với thái độ sẵn sàng từ bỏ một phần di sản ý thức hệ quá khứ của Bình Nhưỡng, chính quyền Tehran công khai đe dọa các nước láng giềng. Gần đây nhất, giáo chủ Iran Ali Khamenei hứa hẹn sẽ "kết liễu" vương quốc Saudi Arabia. Israel cũng là đối tượng "tiêu diệt" của Iran. Tehran lấy "tinh thần chống Mỹ làm yếu tố chủ chốt của bản sắc Iran".

Nhà bình luận của báo Le Monde thừa nhận "lãnh đạo tối cao" Bắc Triều Tiên đã có thái độ "tự tin", sẵn sàng "mạo hiểm đi ngược lại các tín điều nền tảng của chế độ", với cái giá phải trả là chế độ "có thể bị lung lay", với mục tiêu mở cửa kinh tế. Ngược lại, chế độ thần quyền và các phần tử cứng rắn của Iran lại khư khư bám lấy "truyền thống cách mạng", chọn thái độ cố thủ, bởi sợ hãi trước "xu thế mở cửa".

Bắc Triều Tiên : Trung Quốc lo bị gạt ra rìa

Vẫn liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Le Monde  chú ý đến phản ứng từ Trung Quốc. Lo ngại bị gạt sang bên lề, đầu tháng này, Bắc Kinh cử ngoại trưởng đến Bình Nhưỡng, lãnh đạo ngoại giao đầu tiên của Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên từ hơn 10 năm nay. Tuyên bố chung của hai lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên hôm 27/04, về khả năng Trung Quốc có thể không được tham dự vào cuộc đàm phán ba bên giữa Seoul, Bình Nhưỡng, và Washington, khiến Bắc Kinh phải "nghiến răng giận dữ".

Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan phát ngôn cho xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Bắc Kinh khẳng định : "Hoàn toàn không thể có được một thoả thuận phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, mà lại không có sự tham gia của Trung Quốc".

Chiến dịch tin giả về "vũ khí hóa học" : Nga vừa la làng, vừa phá hoại

"Chiến dịch tung tin giả của Nga" sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền Syria nhắm vào một khu vực của phe nổi dậy cách nay một tháng là chủ đề chính của Libération hôm nay.

Hố sơ "Vũ khí hóa học : Nga chôn vùi chất độc" điểm lại các hành động loan "tin giả" của Nga kể từ khi "vụ tấn công" được phát giác hôm 07/05, thông qua các kênh truyền thanh trung thành với Kremlin, là Russia TodaySputnik, cũng như do một số giới chức trực tiếp đưa ra.

Phản ứng của Nga, sau khi bác bỏ các cáo buộc nhắm vào đồng minh Damascus, là yêu cầu "một cuộc điều tra quốc tế". Vấn đề là trước đó, hồi tháng 11/2017, chính Moskva đã phá hủy cơ chế điều tra về vũ khí hóa học "duy nhất" còn tồn tại, với việc không chấp nhận gia hạn cho JIM (Joint Investigative Mechanism) (điều tra do OIAC - Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học - chỉ có mục tiêu xác định có chất độc được sử dụng hay không, chứ không nhắm tìm thủ phạm). 

Đây là một cơ chế được lập ra năm 2015, sau một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An. Tham gia JIM có các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và OIAC. Để bảo đảm tính không thiên vị, cơ chế này không bao gồm các chuyên gia, công dân các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An. JIM do một nhà ngoại giao Guatemala đứng đầu.

Chính các cuộc điều tra trong khuôn khổ JIM, hồi tháng 9/2016, đã đưa ra kết luận chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học ít nhất hai lần, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo một lần. Một năm sau đó, một cuộc điều tra của JIM kết luận là chế độ Assad dùng khí độc sarin tấn công tại Khan Cheikhoun.

Thái độ lá mặt, lá trái của Donald Trump

Cũng về tính cách lá mặt, lá trái trong truyền thông, nhưng tại Hoa Kỳ, Les Echos có bài tố cáo thái độ mập mờ của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong một thông điệp trên Twitter mới đây, tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận việc một luật sư của mình đã trả khoản tiền hơn 100.000 nghìn đô la cho một nữ tài tử phim khiêu dâm, để mua lấy sự im lặng của cô, hồi năm ngoái, trong thời gian tranh cử tổng thống. Cô đào khiêu dâm mang nghệ danh Stormy Clifford được biết là người tình qua đêm của Donald Trump hồi 2006-2007. Trước thông điệp trên Twetter nói trên, ông Trump liên tục bác bỏ chuyện này.

Nhân vụ việc này, Les Echos dẫn lại thông tin của cơ sở thẩm tra dữ liệu The Fact Checker, theo đó, tổng thống Mỹ có thể đã tung ra đến 3.001 tuyên bố sai hoặc giả dối kể từ khi vào Nhà Trắng, có nghĩa trung bình là 6,5 tin bịa một ngày. Cho dù con số kinh hoàng nói trên là khó thẩm định, nhưng theo Les Echos, cải chính vừa qua của ông Donald Trump về vụ rót tiền cho cô đào phim X ắt hẳn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thông tin bịa đặt của tổng thống Mỹ.

Một năm cầm quyền của Macron

Về một năm cầm quyền của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, La Croix có bài xã luận mang tựa đề "Chặng leo núi năm đầu tiên", ghi nhận : "Hiện tại còn quá sớm để đưa ra nhận định sơ bộ".

Về mặt đối ngoại, "nước Pháp đã tìm lại được tiếng nói trên trường quốc tế". Nhưng hiện tại, nguyên thủ Pháp chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nào, trên bình diện ngoại giao, cũng như tài chính, nên chúng ta cần phải chờ xem.

Về ấn tượng lớn nhất trong lĩnh vực đối nội, đó là "cường độ và nhịp độ của các cải cách từ một năm nay. Vị tổng thống trẻ tuổi, gần như ngay hôm sau khi nhậm chức đã lập lại quyền uy của tổng thống, điều mà hai người tiền nhiệm đã làm cho sứt mẻ… Nhiều cải cách quan trọng đã được khởi sự", trong chính trị, giáo dục, luật lao động, chế độ thuế… Theo La Croix, cần phải hoan nghênh các nỗ lực cải cách của tổng thống Pháp, hơn là kìm hãm lại. Tờ báo công giáo dùng hình ảnh "đoàn người leo núi cùng bám theo một sợi dây" để nhấn mạnh là số phận cùng hội, cùng thuyền của tất cả mọi người Pháp, với người dẫn đầu là tổng thống Macron.

La Croix lưu ý là "nghĩa vụ của tổng thống là bảo đảm sự gắn bó của toàn thể dân tộc, để làm sao cho bước tiến lên của một số người cũng sẽ giúp cho người khác cùng tiến theo. Đây là điều cần tiếp tục trong những năm tới".

Chi phí công : Gần 80% người Pháp muốn cắt giảm

Cũng về kinh tế Pháp, Les Echos giới thiệu thăm dò dư luận cho biết, gần 80% người Pháp đồng ý với chủ trương giảm chi phí công, được coi là phương tiện chủ yếu để giảm nợ nói chung của nước Pháp. 51% người trả lời cho là khẩn cấp. Tuy nhiên, hiện tại không có sự đồng thuận về lĩnh vực nào cần được ưu tiên giảm trước.

Trong khi đó, theo đông đảo người trả lời điều tra, chi phí công trong nhiều lĩnh vực căn bản được đánh giá là không đủ, cụ thể như giáo dục (58% cho là không đủ), việc làm (61%), hay y tế (66%), và ngay cả an ninh (53%) hay nhà cửa (49%). Les Echos có bài xã luận lưu ý, tiết kiệm là rất cần thiết, nhưng không thể hy sinh những lĩnh vực phục vụ cho tương lai, đặc biệt là giáo dục.

Nghệ thuật Châu Phi : Pháp dự định hoàn trả các hiện vật

Trong lĩnh vực văn hóa, báo Libération dành nhiều trang cho chủ đề các di sản nghệ thuật Châu Phi, sau tuyên bố mới đây của tổng thống Pháp, trao lại cho Châu Phi các tác phẩm nghệ thuật, bị lấy đi từ hồi thực dân, và hiện đang được lưu giữ tại Pháp.

Libération hoan nghênh sáng kiến này, tạo một cơ hội giúp cho quan hệ giữa Châu Phi và Châu Âu có một bước phát triển mới. Nhưng vấn đề đầu tiên là phải lập danh sách các di sản hiện vật mà các bảo tàng Pháp lưu giữ. Điều đáng mừng, theo Libération, là sáng kiến của tổng thống Macron không bị giới bảo tàng tại Pháp phản đối, cho dù về mặt luật pháp, các di sản một khi đã được đưa vào bảo tàng, sẽ khó có thể hoàn trả.

"Món nợ sinh thái" ngày càng nặng

Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos có bài "Món nợ sinh thái vẫn luôn vô cùng lớn", lưu ý là kể từ ngày mai 5/5, nước Pháp bắt đầu ăn lạm vào tài nguyên thiên nhiên.

"Món nợ sinh thái" là một diễn đạt mang tính biểu tượng để nói đến tình trạng tiêu thụ tài nguyên vượt quá khả năng tái tạo của tự nhiên. Không chỉ nước Pháp, mà tất cả các nước Châu Âu và các nước phát triển thuộc khối OCDE đều mắc nợ sinh thái rất nặng. Nhìn chung, để duy trì mức sống hiện nay, ước tính phải có 1,7 Trái đất mới đủ.

Cam kết 100 tỉ cho khí hậu : Các nước giàu bị tố nuốt lời

Bên cạnh vấn đề tài nguyên là tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng cao, khiến Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng. Le Monde báo động việc các nước giàu gần như thúc thủ trong việc huy động khoản tiền 100 tỉ đô la đã cam kết để trợ giúp các nước nghèo về khí hậu.

Ngân sách 100 tỉ một năm kể từ 2020 là một trong các cam kết cơ bản của cộng đồng quốc tế, được đưa ra hồi 2015. Và đây được coi là mức đóng góp tổi thiểu. Thế nhưng, hôm qua, 03/05, tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam công bố một báo cáo cho thấy, tổng mức đóng góp thực sự chỉ là 48 tỉ, trong đó chỉ có 16 đến 22 tỉ là thực sự giúp các nước nghèo đối phó với khí hậu, bởi có nhiều dự án tài trợ, mà khí hậu chỉ là một phần chi phí.

Báo cáo của Oxfam mang tên "2018 : Các con số thực sự cho tài chính khí hậu" có nguy cơ khiến các định chế quốc tế liên quan đến Công Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (CCNUCC) mất uy tín nghiêm trọng. Theo Oxfam, thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển, kể từ 2050 ước tính 1.000 tỉ đô la/năm, cho dù nhiệt độ Trái đất không vượt quá 2°C.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)