Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ? (VOA, 09/05/2018)
Hôm 8/5, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà nước này đã ký kết với các cường quốc khác Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran hồi năm 2015.
Tổng thống Donald Trump ký Memorandum về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Tòa Bạch Ốc, 8 tháng Năm, 2018.
Hành động này sẽkhiến Iran trả đũa và có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho khu vực Trung Động. Hãng tin Reuters đã đưa ra những kịch bản sau đây :
Về Hiệp định :
Giới chức Iran nói rằng một lựa chọn họ đang nghiên cứu là rút hoàn toàn ra khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons, viết ngắn gọn là Non-Proliferation Treaty-NPT). Lãnh tụ tối cao nước này Ayatollah Ali Khamenei nói rằng nước ông không quan tâm đến việc phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu Iran rút ra khỏi NPT, thì nó sẽ là hồi chuông báo động toàn cầu.
"Điều này có thể là một con đường thảm họa cho Cộng hòa Hồi giáo vì họ sẽ bị cô lập", ông Ali Alfone, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.
Ngay cả khi Iran không rút ra khỏi NPT, họ vẫn tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ tăng cường hoạt động làm giàu uranium vốn bị giới hạn ngặt nghèo trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân. Iran đã dừng sản xuất uranium làm giàu ở cấp độ 20% và đã giao nộp phần lớn kho vũ khí của họ như là một phần của thỏa thuận năm 2015.
Trong tuần này, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi, nói rằng Iran đã có thể làm giàu uranium đến một mức độ cao hơn khả năng của họ trước thỏa thuận.
Hành động của Iran có thể bị ảnh hưởng của mức độ mà các bên ký kết khác phản ứng trước sự rút lui của Mỹ, theo các nhà phân tích. Điều này tùy vào mức độ mà Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh rằng các công ty của họ sẽ vẫn tiếp tục làm ăn với Iran theo khuôn khổ một thỏa thuận quốc tế được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua, mức độ ủng hộ ngoại giao của Nga dành cho Iran, và liệu Trung Quốc muốn gắn kết Iran vào Dự án "Một vành đai, Một con đường" của họ.
Chính quyền Trump đe dọa rằng những ai vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ sẽ bị hệ thống ngân hàng Mỹ cấm cửa. Trong số các nước ký kết còn lại, chỉ có Trung Quốc, nước mua nhiều dầu mỏ của Iran nhất, là có khả năng bỏ ngoài tai lệnh cấm này.
Iraq
Khi Nhà nước Hồi giáo chiếm phần lớn lãnh thổ Iraq hồi năm 2014, Iran đã nhanh chóng ủng hộ chính phủ Iraq. Từ đó, Tehran đã giúp trang bị vũ khí và huấn luyện hàng ngàn chiến binh. Lực lượng Huy động Quần chúng (PMF) này cũng là một lực lượng chính trị quan trọng ở Iraq.
Nếu thỏa thuận sụp đổ, Iran có thể khuyến khích các nhóm PMF vốn muốn Mỹ rời khỏi Iraq đẩy mạnh các lời lẽ chống đối và có thể là hành động quân sự nhằm vào lực lượng Mỹ.
Những hành động quân sự này có thể là tên lửa, đạn cối và đánh bom ven đường không có liên hệ trực tiếp đến lực lượng dân quân Shi’ite nào cụ thể. Điều này giúp cho Iran phủ nhận rằng họ đã thay đổi lập trường về việc tránh xung đột trực tiếp với quân đội Mỹ ở Iraq.
Syria
Iran và các đồng minh bán quân sự của họ như lực lượng Hezbollah của Lebanon đã tham gia vào cuộc chiến ở Syria từ năm 2012. Iran đã trang bị vũ khí và huấn luyện hàng ngàn chiến binh Shi’ite để chiến đấu giúp chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Israel cho rằng Iran đã tuyển mộ ít nhất 80.000 chiến binh Shi’ite.
Sự hiện diện của Iran ở Syria đã khiến Tehran lần đầu tiên xung đột trực diện với Israel với một loạt những vụ va chạm lớn trong những tháng vừa qua. Giới chức Israel nói họ sẽ không bao giờ cho phép Tehran hay Hezbollah thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở nước láng giềng Syria.
Nếu thỏa thuận hạt nhân thất bại, Iran sẽ có ít động cơ ngăn các đồng minh Shi’ite của họ thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Iran và lực lượng họ kiểm soát ở Syria cũng có thể gây ra phiền phức cho gần 2.000 lính Mỹ được đưa tới miền bắc và miền đông Syria để ủng hộ lực lượng chiến đấu của người Kurd.
Một cố vấn hàng đầu của Lãnh tụ tối cao Iran đã nói hồi tháng Tư rằng ông hy vọng Syria và các đồng minh của họ có thể đẩy quân đội Mỹ ra khỏi miền đông Syria.
Lebanon
Hồi năm 2006, lực lượng Hezbollah đánh nhau với Israel trong một cuộc xung đột biên giới bế tắc kéo dài 34 ngày. Theo các quan chức Israel và Mỹ, hiện giờ Iran đang giúp đỡ Hezbollah xây dựng các công xưởng để sản xuất các tên lủa dẫn đường chính xác và trang bị thêm cho các tên lửa tầm xa với hệ thống dẫn đường chính xác.
Các lực lượng Israel liên tục tấn công quân Hezbollah ở Syria nơi nhóm này đang lãnh đạo nhiều đồng minh dân quân Shi’ite của Iran. Trong những tuần gần đây Israel và Iran tăng cường chỉ trích lẫn nhau. Mặc dù Hezbollah và Israel nói họ không muốn có xung đột, căng thẳng có thể dễ dàng lan ra thành một cuộc chiến Lebanon khác.
Hồi năm ngoái Hezbollah nói rằng bất cứ cuộc chiến nào do phía Israel tiến hành chống lại Syria và Lebanon có thể thu hút hàng ngàn chiến binh từ các nước khác, trong đó có Iran và Iraq. Điều này có nghĩa là các lực lượng dân quân Shi’ite có thể đến Lebanon để giúp đỡ Hezbollah.
Hezbollah cũng là một lực lượng chính trị chính ở Lebanon, và họ có thể củng cố sức mạnh của mình qua bầu cử. Hiện nay, họ đang hợp tác với Thủ tướng Saad al-Hariri, người được các chính phủ phương Tây ủng hộ.
Tuy nhiên nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, Iran có thể sẽ gây sức ép lên Hezbollah để cô lập đối thủ của họ, một diễn biến mà các chuyên gia tin rằng sẽ gây bất ổn cho Lebanon.
******************
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (VOA, 09/05/2018)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 8/5 thông báo Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo ý định rút ra khỏi Thảo thuận Hạt nhân với Iran tại Phòng Ngoại giao thuộc Toà Bạch Ốc, hôm 08/05/2018.
"Mỹ sẽ không đe dọa suông", ông nói trong bài phát biểu được tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.
Ông Trump tuyên bố thỏa thuận đạt được năm 2015 dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama có các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc cùng tham gia ký kết với Mỹ và Iran là ‘một thỏa thuận một chiều tồi tệ mà lẽ ra không bao giờ nên có" và rằng Mỹ "sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế ở mức độ cao nhất" lên Iran.
Quyết định của ông Trump có nghĩa là Chính phủ Iran giờ đây phải quyết định có làm theo Mỹ, tức là cũng rút ra khỏi thỏa thuận, hay là cố gắng cứu vãn những phần còn lại của thỏa thuận.
Iran đã đưa ra những tuyên bố trái ngược về hành động tiếp theo của họ - và câu trả lời của họ sẽ tùy thuộc vào cách ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận như thế nào.
Một quan chức được thông báo về quyết định này nói với hãng tin AP rằng ông Trump sẽ tiến đến áp đặt lại tất cả các lệnh cấm vận lên Iran vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận năm 2015 chứ không phải chỉ những lệnh trừng phạt có thời hạn chót.
Theo AP, quyết định này của ông Trump là một ‘cú giáng mạnh vào các đồng minh của Hoa Kỳ’ và ‘làm sâu sắc thêm sự cô lập của nước Mỹ trên trường quốc tế.’
Các quan chức chính quyền Trump đã thông báo cho lãnh đạo Quốc hội về quyết định của Tổng thống hôm thứ Ba ngày 8/5. Họ nhấn mạnh rằng cũng như với hiệp định tự do thương mại TPP và thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mà Tổng thống Trump đã tuyên bố từ bỏ, ông vẫn để ngỏ khả năng tái đàm phán một thỏa thuận khác tốt hơn, AP dẫn nguồn từ một người được thông báo về quyết định cho biết.
********************
Tổng thống Trump hủy bỏ hiệp ước nguyên tử với Iran (CaliToday, 08/05/2018)
Tổng thống Trump tuyên bố hôm thứ ba rằng ông đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận nguyên tử với Iran
"Đây là một thỏa thuận tồi tệ nhất mà lẽ ra không nên được thực hiện", ông Trump nói tại Toà Bạch Ốc trong việc công bố quyết định của mình.
Tổng thống Donald Trump - Photo Credit : WP
Trên một truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết rằng, Israel hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận nguyên tử Iran.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc bà Nikki Haley, cho biết Trump "hoàn toàn đưa ra quyết định đúng đắn" để rời bỏ thỏa thuận nguyên tử Iran.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Whip Dick Durbin cho biết tuyên bố của Tổng thống Trump "là một sai lầm của lịch sử".
"Điều cuối cùng mà nước Mỹ và thế giới cần là một mối đe dọa nguyên tử mới, ông nói. "Phá vỡ thỏa thuận này làm tăng nguy cơ Iran sẽ khởi động lại chương trình vũ khí nguyên tử , đe dọa đồng minh của chúng ta, Israel, và làm mất ổn định toàn bộ Trung Đông".
Trước đó, Tổng thống Trump đã nói với Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp vào sáng thứ Ba rằng ông có kế hoạch hủy bỏ hiệp ước nguyên tử với Iran.
Những đồng minh của Hoa Kỳ đang nổ lực vận động lần cuối nhằm kêu gọi Tổng thống Trump không hủy bỏ hiệp ước nguyên tử mà 6 cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ, đã ký kết với Iran vào năm 2015.
Chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Trump loan báo quyết định quan trọng trong ngày thứ ba 8/5 về chuyện này thì các đồng minh của Hoa Kỳ và nhiều người khác bày tỏ mối lo ngại của họ là quyết định hủy bỏ hiệp ước nguyên tử của Mỹ sẽ làm mất thăng bằng khu vực Trung Đông một cách nguy hiểm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuyên bố với tuần báo der Spiegel của Đức, nhận định như sau : "Chuyện này đồng nghĩa với việc mở hộp Pandora cho mọi tai ương bay ra, chuyện này có thể gây ra chiến tranh, tôi không nghĩ Tổng thống Trump muốn có chiến tranh".
Từ lâu Tổng thống Trump đã chỉ trích hiệp ước nguyên tử này, dù các thanh tra của Liên hiệp Quốc đã xác nhận Iran có tuân thủ theo các điều khoản quy định trong hiệp ước.
Những người ủng hộ hiệp ước lo ngại việc Mỹ rút lui ra khỏi hiệp ước có thể giết chết toàn bộ hiệp ước này. Ngoại Trưởng Đức Heiko Maas hôm qua nói ở Berlin như sau : "Chúng tôi vẫn tin là hiệp ước sẽ khiến thế giới an toàn hơn, không có nó, thế giới sẽ bị nguy hiểm hơn’
Trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ hôm qua, Ngoại Trưởng Anh Boris Johnson cũng có ý kiến tương tự, dù ông thừa nhận là ‘hiệp ước này chưa hoàn hảo’
Phát ngôn nhân của chính phủ Nga Dmitry Peskov tại Moscow nói "một vụ rút lui của Mỹ ra khỏi hiệp ước nguyên tử sẽ tạo ra một tình hình hết sức nghiêm trọng với những hậu quả không tránh được và khó lường trước"
Trần Vũ
**********************
Giá dầu tăng vọt sau khi Mỹ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran (VOA, 09/05/2018)
Bỏ ngoài tai lời thuyết phục của các đồng minh, Tổng thổng Mỹ Donald Trump hôm 8/5 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran đã đạt được hồi năm 2015, một động thái có thể tăng nguy cơ xung đột ở Trung Đông và dẫn đến sự bất định về nguồn cung dầu trong một thị trường vốn đã căng thẳng.
Một cơ sở dầu của Iran
Giá dầu tăng hơn 3% hôm 8/5, đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi qua. Dầu thô Brent có lúc tăng lên đến 77,2 đôla /thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Dầu thô nhẹ của Mỹ tăng 1,7 đôla/thùng, tương đương gần 2,5%, đạt mức giá 70,76 đôla, gần mức cao nhất hồi cuối năm 2014.
Sukrit Vijayakar, giám đốc tư công ty vấn năng lượng Trifecta, nói : "Xuất khẩu dầu của Iran sang Châu Á và Châu Âu gần như chắc chắn sẽ giảm vào cuối năm nay và năm 2019, khi một số quốc gia tìm kiếm giải pháp thay thế để tránh rắc rối với Washington".
Iran đã xuất hiện trở lại với tư cách là một nước xuất khẩu dầu lớn hồi năm 2016 sau khi các biện pháp trừng phạt quốc tế chống nước này được dỡ bỏ, đổi lại cho việc Iran kiềm chế chương trình hạt nhân, với lượng xuất khẩu tháng 4/2016 của Iran đạt 2,6 triệu thùng/ngày. Trung Quốc là nước mua dầu nhiều nhất từ Iran.
Trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Iran là nước xuất khẩu lớn thứ ba sau Saudi Arabia và Iraq.
Từ bỏ thỏa thuận này có nghĩa là Mỹ có phần chắc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau 180 ngày, trừ khi các bên đạt được một thỏa thuận khác trước hạn chót đó.
Các nhà phân tích ước tính do các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, nguồn cung dầu thô của Iran có thể giảm trong khoảng 200.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày, và tác động chủ yếu sẽ thấy được từ năm 2019 vì phải mất một khoảng thời gian để áp đặt lệnh trừng phạt.
Saudi Arabia cho biết họ sẽ làm việc với các nước sản xuất khác để giảm bớt tác động của việc thiếu hụt nguồn cung dầu. Nước này đã và đang đi đầu các nỗ lực từ năm 2017 để hạn chế sản xuất nhằm tăng giá dầu.