Mỹ chính thức khánh thành sứ quán ở Jerusalem, hàng chục người biểu tình bị Israel giết (VOA, 14/05/2018)
Hoa Kỳ chính thức chuyển tòa đại sứ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem hôm thứ Hai 14/5 trước hàng loạt các cuộc biểu tình của người Palestin, ngay cả khi có ít nhất 52 người Palestine bị giết và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng Israel dọc biên giới Dải Gaza.
Bà Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Donald Trump, tại lễ khánh thành sứ quán Mỹ tại Jerusalem, ngày 14/5/2018.
Cách nơi diễn ra các cuộc biểu tình bạo động gần 100 km, các viên chức Mỹ và Israel tập trung tại Jerusalem khánh thành tòa đại sứ Mỹ hôm 14/5. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất chấp sự phản đối của nhiều chính phủ trên khắp thế giới, đã ra quyết định chuyển tòa đại sứ của Hoa Kỳ ra khỏi Tel Aviv, nơi tập trung hầu hết sứ quán của các quốc gia khác ở Israel.
Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman và Cố vấn cấp cao Tòa Bạch Ốc Jared Kushner tham dự lễ khánh thành tòa đại sứ. Reuters
Tại lễ khánh thành, Jared Kushner, con rể của ông Trump, một cố vấn Tòa Bạch Ốc trong phái đoàn Hoa Kỳ tham dự buổi lễ, phát biểu : "Trong khi các tổng thống tiền nhiệm không tán thành việc chuyển tòa đại sứ Mỹ, tổng thống đương nhiệm lại quyết tâm thực hiện việc này. Bởi vì khi Tổng thống Trump đã hứa, thì ông luôn giữ lời".
Trong bài phát biểu qua video, Tổng thống Trump nói việc chuyển cơ quan ngoại giao của Mỹ đến Jerusalem "sau này.... sẽ tiến tới biến Jerusalem thành thủ đô của Israel".
Tại lễ khánh thành đại sứ quán, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảm ơn Tổng thống Trump vì "đã có đủ can đảm để giữ lời hứa của mình".
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ "vẫn cam kết một thỏa thuận hòa bình lâu dài" giữa Israel và Palestine.
Các nhà lãnh đạo Ả Rập lên án hành động này của Hoa Kỳ ; Thủ tướng Lebanon Saad Hariri gọi đó là sự "khiêu khích" và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif mô tả đây là "một ngày đáng xấu hổ".
Đã nổ ra các cuộc biểu tình ở dải Gaza phản đối Mỹ mở đại sứ quán. Hàng ngàn người biểu tình đã tập hợp và các quan chức y tế Gazan cho biết ít nhất 500 người bị thương vong.
******************
Bạo lực lúc Hoa Kỳ mở Sứ quán ở Jerusalem (BBC, 14/05/2018)
Ít nhất 52 người Palestine bị giết, và 2200 người bị thương trong các vụ đụng độ với quân đội Israel, theo lời giới chức Palestine.
Xung đột tại Dải Gaza đã làm hàng chục người thiệt mạng
Bạo lực xảy ra do Mỹ khai trương trụ sở sứ quán mới ở Jerusalem, làm người Palestine giận dữ.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã tham dự lễ khánh thành, gồm cả con gái Tổng thống Donald Trump, Ivanka và chồng là Jared Kushner.
Phát biểu từ Hoa Kỳ qua đường video vơi quan khách dự lễ, ông Trump nói ông vẫn "cam kết có thỏa thuận hòa bình" về Trung Đông giữa người Palestine và Israel.
Hôm 14/5 Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ tin báo chí nói đại diện Việt Nam dự buổi lễ của Thủ tướng và Ngoại trưởng Israel hôm 13/5 để mừng Mỹ mở sứ quán ở Jerusalem.
Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam nói Việt Nam "không có đại diện tại buổi lễ như tin của một số cơ quan".
Người Palestine phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Họ tuyên bố khu vực phía đông thành phố thuộc Palestine, nhưng Israel tuyên bố không bao giờ chia cắt thành phố.
Người Palestine ở Gaza đụng độ với quân đội Israel ở biên giới hôm thứ Hai (14/5) và hai người Palestine bị bắn chết.
Bộ Y tế của Gaza cho biết họ bị giết ở phía bắc và phía nam của lãnh thổ.
Các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Gaza, Hamas, tổ chức các cuộc biểu tình hàng loạt mang tên 'Great March of Return' nhằm phá vỡ hàng rào biên giới trong sáu tuần qua.
Khoảng 45 người Palestine bị quân Israel bắn chết, và hàng ngàn người bị thương.
Tại sao việc dời Đại sứ quán gây tranh cãi ?
Tình trạng của Jerusalem là trung tâm của xung đột Israel-Palestine.
Chủ quyền của Israel đối với Jerusalem không được quốc tế công nhận và, theo hiệp ước hòa bình Israel-Palestine năm 1993, tình trạng cuối cùng của Jerusalem sẽ được thảo luận trong giai đoạn sau của đàm phán hòa bình.
Israel chiếm đóng Đông Jerusalem kể từ chiến tranh Trung Đông năm 1967.
Israel chính thức sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ của mình, mặc dù không được sự đồng ý của bất kỳ quốc gia nào cho đến khi có tuyên bố của Tổng thống Trump tháng 12/2017.
Từ năm 1967, Israel đã xây dựng hàng tá khu định cư cho khoảng 200.000 người Do Thái, ở Đông Jerusalem. Hành động được coi là trái luật quốc tế, mặc dù Israel tranh cãi điều này.
Nhiều quốc gia từng có Đại sứ quán ở Jerusalem, nhưng đã di dời sau khi Israel thông qua luật năm 1980 chính thức coi Jerusalem là thủ đô.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump năm 2017 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã phá vỡ vai trò trung lập của Mỹ trong hàng thập kỷ đối với vấn đề này và khiến Mỹ trở nên khác biệt với cộng đồng quốc tế.
Khai trương gì và ai sẽ tham dự ?
Một Đại Sứ quán nhỏ tạm thời sẽ bắt đầu hoạt động vào thứ Hai bên trong tòa lãnh sự quán của Mỹ ở Jerusalem.
Lãnh sự quán cũ của Hoa Kỳ trở thành Đại sứ quán chính thức ở Jerusalem
Một khu vực lớn hơn sẽ được thành lập sau khi phần còn lại của Đại sứ quán chuyển về từ Tel Aviv.
Lễ khánh thành Đại sứ quán diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh Israel.
Tổng thống Trump dự kiến phát biểu tham dự sự kiện hôm thứ Hai (14/5) qua video.
Cùng với Ivanka Trump và Jared Kushner, là hai cố vấn cao cấp của Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Ngoại trưởng John Sullivan có mặt tại buổi lễ.
EU lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc di dời Đại sứ quán của Mỹ tới Jerusalem.
Báo Times of Israel hôm 13/05 cho hay Việt Nam là một trong ba nước Đông Nam Á, gồm cả Myanmar và Philippines cử đại sứ tới dự lễ ra mắt Sứ quán Mỹ ở Jerusalem.
Tuy nhiên, trong ngày 14/05, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ tin này.
Các nước ASEAN khác, và hai cường quốc là Nga và Trung Quốc đều tẩy chay lễ này, theo báo Israel.
Israel và Palestine phản ứng ra sao ?
Quyết định của Tổng thống Trump công nhận Israel là thủ đô của Jerusalem và việc di dời Đại sứ quán được ủng hộ mạnh mẽ bởi người Do Thái Israel thông qua các nhóm chính trị bảo thủ.
Đó là một chiến thắng ngoại giao cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã gọi đó là sự thừa nhận thực tế.
Tuy nhiên, chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas gọi quyết định của ông Trump là 'cái tát của thế kỷ'.
Ông nói rằng Mỹ không còn là nhà trung gian hòa giải trong đàm phán hòa bình Israel-Palestine và sẽ không còn có vai trò trong tương lai.
Tại Gaza, người Palestine biểu tình hàng tuần, đã biến thành bạo lực, trong khi tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm mà họ gọi là 'Nakba' hay 'Catastrophe' (Thảm họa), khi hàng trăm ngàn người chạy trốn khỏi nhà hoặc bị đuổi đi sau khi Nhà nước Israel thành lập ngày 14/5/1948.
Hamas, đang ở trong tình trạng xung đột với Israel, cho biết họ sẽ đẩy mạnh các cuộc biểu tình hàng loạt mang tên 'Great March of Return' vào thứ Ba, ngày lễ 'Nakba' chính thức.
Hamas nói rằng họ muốn thu hút sự chú ý đến những gì người Palestine xem là quyền của họ để trở về mảnh đất tổ tiên, nơi đã trở thành Israel.
Israel cho biết các cuộc biểu tình nhằm phá vỡ biên giới, mà nước này bảo vệ rất nghiêm ngặt, và tấn công cộng đồng Israel gần đó.
******************
Chuyển sứ quán Mỹ đến Jerusalem : Ván bài mạo hiểm của Donald Trump (RFI, 14/05/2018)
Chọn 14/05/2018, ngày thành lập nhà nước Do Thái để chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, đúng là quyết định mang tính "biểu tượng cao", như lời hứa của ông Donald Trump trong đợt tranh cử tổng thống, đặc biệt trong bài diễn văn hồi tháng 03/2016 trước Ủy ban Công vụ Israel (AIPAC) đầy thế lực.
Nhân viên đại sứ quán Mỹ chuẩn bị địa điểm làm lễ khánh thành tòa đại sứ Mỹ ở Jerusalem ngày 14/05/2018.AFP
Thực hiện quyết định ngày 06/12/2017 còn là cam kết của chính quyền Mỹ, chính thức công nhận thành phố Thánh là thủ đô Israel, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và làm tăng nguy cơ "đổ thêm dầu" vào chảo lửa Trung Đông.
Chủ nhân Nhà Trắng tôn trọng nguyên tắc hàng đầu của ông về lĩnh vực đối ngoại : đó là giữ lời hứa trong đợt vận động tranh cử và làm hài lòng các cử tri. Nhiều tổng thống tiền nhiệm từng hứa chuyển sứ quán Mỹ đến Jerusalem khi vận động tranh cử nhưng không ai giữ lời. Còn với Donald Trump, "một tổng thống thường nói những điều không có ý nghĩa, lại thực hiện các phát biểu của mình", theo nhận định chua cay của ông Robert Malley, giám đốc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), cựu cố vấn về Trung Đông của tổng thống Barack Obama.
Thực ra, tổng thống Donald Trump chỉ quyết định thi hành đạo luật được Nghị Viện Mỹ thông qua năm 1995, nhưng thường được các tổng thống Mỹ tiền nhiệm tạm hoãn để tránh phá hủy tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Đi ngược lại những người tiền nhiệm, quyết định tổng thống Donald Trump không chỉ nhận được sự ủng hộ từ phe Cộng Hòa mà còn từ rất nhiều chính trị gia bên đảng Dân Chủ. Vì "rất nhiều người Mỹ nghiễm nhiên coi Jerusalem là thủ đô của Israel và không hiểu hết sự tinh tế của những thách thức quanh vấn đề này", vẫn theo đánh giá của ông Malley với thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington.
Từ 30 năm qua, đảng Cộng Hòa nhiệt tình ủng hộ nhà nước Do Thái vì họ biến những tư tưởng tôn giáo ủng hộ Israel thành nền tảng chính trị, theo đó vùng đất Palestine thuộc về dân tộc Do Thái. Với việc chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem, Washington đánh dấu sự thay đổi trong chính sách liên quan đến vị thế của thành phố Thánh được áp dụng từ nhiều thập kỷ nay. Nhưng đặc biệt hơn, tổng thống Donald Trump dường như muốn giải quyết dứt khoát vấn đề đường biên giới ở Jerusalem, như ông từng thừa nhận các cuộc chinh phục mà Israel đã dùng đến sức mạnh cho dù vi phạm luật pháp quốc tế.
Người dân Palestine phẫn nộ vì quyết định của tổng thống Mỹ, nhưng lãnh đạo các nước Ả Rập trong khu vực lại không quá gay gắt. Ả Rập Xê Út không hứng chịu bất kỳ tác động nào từ quyết định đơn phương của Hoa Kỳ. Các nước này "bán rẻ" vấn đề thủ đô Jerusalem vì có những mối bận tâm khác, "như sự sống còn của chế độ của họ hoặc muốn chống lại mối đe dọa Iran bằng mọi giá. Chính ở điểm này, họ có chung quan điểm với Donald Trump", theo đánh giá của nhà nghiên cứu Joseph Bahout thuộc tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for Peace).
Chuyên gia Bahout cũng cho rằng lập sứ quán Mỹ ở Jerusalem là "một món quà cho người Israel", đồng thời đánh dấu chấm hết cho giải pháp hai Nhà nước, một nguyên tắc vẫn được áp dụng để duy trì tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ lại thông báo có trong tay "thỏa thuận thế kỷ" nhằm thiết lập hòa bình cho khu vực. Với chuyên gia Bahout, thực ra đó là kế hoạch "thanh toán" vấn đề Palestine với đề xuất Palestine chấp nhận lập thủ đô ở một khu vực ngoại ô Jerusalem với một Nhà nước "ma" và nghèo đói.
Tuy nhiên, chiến lược này của Mỹ sẽ có rất nhiều rủi ro. Không một nhà lãnh đạo Palestine nào sẽ ký thỏa thuận đầu hàng như vậy. Theo Robert Malley, "chính quyền Mỹ đang đùa với lửa. Việc chuyển sứ quán đến Jerusalem sẽ không thúc đẩy được tiến trình hòa bình, cũng như quyết định xé thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ không giải quyết được vấn đề hạt nhân. Đó là những quyết định được đưa ra vì những lý do sai lầm và sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm".
Ngày 14/05/2018, tổng thống Donald Trump không đích thân đến dự lễ khánh thành sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem như từng mong muốn. Đây có thể là một quyết định khôn khéo vì chủ nhân Nhà Trắng không muốn làm tình hình tại chỗ thêm căng thẳng. Hai đại diện chính thức của Mỹ, cặp vợ chồng Ivanka Trump và Jared Kushner, cũng không có ý định gặp bất kỳ quan chức nào của Palestine trong thời gian lưu lại vùng đất Thánh.
Thu Hằng
********************
Biểu tình chống Mỹ mở tòa đại sứ ở Jerusalem, hàng chục người Palestine bị Israel bắn chết (VOA, 14/05/2018)
Cơ quan y tế Gaza cho biết các lực lượng Israel đã bắn chết ít nhất 52 người Palestine dọc theo biên giới Dải Gaza hôm thứ Hai 14/5, nơi hàng ngàn người Palestine tụ tập biểu tình phản đối Mỹ chuẩn bị chính thức chuyển tòa đại sứ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Người biểu tình ở Dải Gaza, ngày 14/5/2018.
Các quan chức y tế cho biết ít nhất 500 người đã bị thương, trong đó có hàng chục người bị trúng đạn. Trong các cuộc biểu tình suốt sáu tuần qua, lực lượng Israel đã giết chết khoảng 50 người Palestin.
Dư luận lên án các lực lượng Israel bắn đạn thật vào người biểu tình. Israel nói hành động của họ là cần thiết cho để đảm bảo an ninh khi người biểu tình đe dọa hàng rào biên giới.
Ngoài việc phía Israel bắn vào người biểu tình hôm 14/5, lực lượng an ninh Israel còn bắn hơi cay vào người biểu tình, nhưng đám đông người Palestine vẫn kiên quyết tiếp tục tập trung để phản đối.
Cờ Hoa Kỳ và Israel trên đường phố Jerusalem.
Người biểu tình ném nhiều vật thể qua biên giới và sẽ đốt vỏ xe trước khi diễn ra lễ khai trương tòa đại sứ vào buổi chiều cùng ngày. Nhiều doanh nghiệp và trường học ở Gaza bị đóng cửa.
Tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ tạm thời đặt trong tòa nhà lãnh sự quán Hoa Kỳ hiện có ở Jerusalem.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ di chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem. Hồi tháng 12/2017 ông đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Cùng tháng đó, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết phủ nhận các quyết định của ông Trump đối với Jerusalem.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết hôm thứ Hai 14/5 rằng việc di chuyển tòa đại sứ này "là một ưu tiên về an ninh quốc gia" và Tổng thống Trump "muốn tòa đại sứ Mỹ tọa lạc đúng vị trí" ở Jerusalem.
******************
Chuyển sứ quán đến Jerusalem : Mỹ và Israel thắt chặt tình hữu nghị (RFI, 14/05/2018)
Ngày 14/05/2018, Hoa Kỳ chính thức khánh thành sứ quán mới tại Jerusalem, vào đúng kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước Israel. Quyết định chuyển sứ quán đến thành phố thánh mang khá nặng tính biểu tượng, nhưng ông Donald Trump đã thực hiện lời hứa trong đợt vận động tranh cử tổng thống, bất chấp nguy cơ khiến người Palestine tức giận và sẽ đồng loạt phản đối ở vùng đất Thánh, đặc biệt là tại dải Gaza.
Công nhân gắn bảng chỉ đường đến đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem, ngay trong khu vực lãnh sự quán Mỹ. Ảnh chụp ngày 07/05/2018. THOMAS COEX / AFP
Con gái tổng thống Mỹ Ivanka Trump và con rể Jared Kushner thay mặt tổng thống Mỹ dự lễ khánh thành cùng với nhiều quan chức cao cấp của cả hai nước. Với Israel, đây là một thắng lợi ngoại giao và khẳng định sự ủng hộ của chính quyền Trump.
Thông tín viên RFI Guilhem Delteil giải thích từ Jerusalem :
Thứ trưởng ngoại giao Israel Michale Oren đã phát biểu : "Công nhận Jerusalem là thủ đô của chúng ta, là nguyện vọng từ 70 năm qua và là giấc mơ có từ 2.000 năm".
Vị cựu đại sứ tại Hoa Kỳ khẳng định rằng Israel "ăn mừng" sự kiện này. Tuy nhiên, ông cũng công nhận là quyết định trên chắc chắn có cái giá phải trả vì, theo ông, kế hoạch hòa bình được chính quyền Donald Trump chuẩn bị, sẽ đòi hỏi rất nhiều nhân nhượng.
Ông phát biểu : "Tôi nghĩ rằng rất nhiều điểm trong số các yêu cầu nhân nhượng này sẽ gây đau đớn, đặc biệt là trong bối cảnh liên minh hiện nay. Nhưng tôi thành thật khuyên chính phủ Israel đón nhận kế hoạch của chính quyền Mỹ với tinh thần cởi mở, nếu như không giang rộng được vòng tay đón nhận kế hoạch đó. Chúng ta không được vứt bỏ nó. Nếu kế hoạch bị bác bỏ, hãy để cho người Palestine làm".
Đối với ông Michael Oren, Israel càng khó từ bỏ kế hoạch này vì chưa bao giờ chính quyền Mỹ lại ủng hộ quốc gia Do Thái đến như vậy.
Ông nói : "Từ trước đến giờ, tôi chưa thấy thấy đội ngũ nào mà lại tận tâm như vậy với chúng tôi. Đội ngũ đó gồm cả ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia, người đứng đầu cơ quan CIA và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Với tôi, đó là một cơ hội tuyệt vời".
Tình hữu nghị Israel-Hoa Kỳ đã được tăng cường sau quyết định của tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Khi lên án văn kiện này, ông Donald Trump đã dựa trên tuyên bố hùng hồn được thủ tướng Benyamin Netanyahu sử dụng ngay từ lúc đầu thỏa thuận với Iran.
Vài nghìn người Palestine đã biểu tình tại dải Gaza để phản đối sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem. Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra vào chiều 14/05. Theo thống kê mới nhất được AFP trích lại, có 41 người chết, hơn 500 người bị thương tại Gaza dưới làn đạn của quân đội Israel.
Al Qaeda kêu gọi khủng bố chống Mỹ
Một ngày trước lễ khánh thành sứ quán Mỹ tại Jerusalem, thủ lĩnh Al Qaeda, Ayman Al Zawahiri, đã kêu gọi tiến hành thánh chiến chống Mỹ. Trong đoạn video dài 5 phút đăng ngày 13/05/2018, thủ lĩnh Al Qaeda khẳng định quyết định của Washington là bằng chứng cho thấy người Palestine không được hưởng lợi gì từ các cuộc đàm phán và tình hình được cho là "hòa dịu" trong khu vực.
Thu Hằng