Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/05/2018

Điểm báo Pháp - Hoa Kỳ lạm dụng sự bá quyền

RFI tiếng Việt

Phải chăng Hoa Kỳ lạm dụng sự bá quyền ?

Thương mại, khí hậu, hạt nhân Iran… tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thích làm theo ý mình. Ưu thế quân sự của Mỹ cho phép ông áp đặt các nguyên tắc của mình với các doanh nghiệp nước ngoài và các quốc gia khác.

my1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, ngày 09/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst

Le Figaro ngày 15/05/2018 đặt câu hỏi lớn : "Phải chăng Hoa Kỳ đang lạm dụng bá quyền ?".

Nhưng Donald Trump chưa phải là tổng thống Mỹ duy nhất làm điều đó. Barack Obama và George W. Bush đã từng làm như vậy, nhưng chưa đi đến việc xé bỏ các hiệp ước. Vậy phải chăng đó là một phản ứng hoảng loạn trước việc Trung Quốc đang trỗi dậy thành một cường quốc ?

Đầu tiên hết, tác giả bài báo nhìn nhận sức mạnh của một quốc gia không nằm ở chỗ diện tích lớn hay nhỏ. "Thế độc tôn không đòi hỏi phải là quốc gia lớn nhất hành tinh. Chả phải nước Anh đã từng thống trị một phần thế giới trong suốt hơn một thế kỷ trong quá khứ hay sao ?", ông Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế tại Harvard nhận định.

Do vậy, theo quan điểm của ông Raymond Aron, một triết gia Pháp, được tác giả dẫn lại, sức mạnh cường quốc thể hiện ở "khả năng áp đặt ý chí của một đơn vị chính trị lên những đơn vị khác". Về điểm này, Hoa Kỳ sở hữu nhiều "dây cung" để thể hiện thế độc tôn của mình.

Thứ nhất, sức mạnh kinh tế. Khả năng sản xuất và tổng sản phẩm nội địa chiếm tỷ trọng cao xếp nước Mỹ đứng đầu bảng. Tương tự, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng đầu (17,3% thị phần thế giới theo WTO). Và thị trường này vận hành như một máy hút khiến các nước khác không thể nào bỏ qua.

Thứ hai, sức mạnh quân sự. Thế mạnh này thể hiện một ưu thế đáng ngợp hơn. Ngân sách quân sự của Mỹ là 610 tỷ đôla, bằng ít nhất 7 nước gộp lại, trong đó có Trung Quốc. Chưa có một nước nào có đội hàng không mẫu hạm hùng hậu như Hoa Kỳ gồm 11 chiếc đang hoạt động. Hải quân Mỹ thống lĩnh các đại dương, điều đó đã tạo lợi thế cho Mỹ bá quyền đồng đô la. Lịch sử nhắc lại rằng vào thế kỷ XIX, thế thượng phong của đồng sterling cũng liên quan đến tính ưu thế hàng hải của đế chế Anh quốc. 

Thứ ba, làm chủ được không gian mạng. Lĩnh vực tư nhân như nhóm Gafam (Google, Amazon, Facebook, Microsoft) chỉ là một phần nổi của tảng băng kinh tế kỹ thuật số. Chính Icann (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), tập đoàn cung cấp tên miền và địa chỉ Internet, hiện nằm dưới sự bảo hộ của chính phủ từ năm 2016, mới là cơ quan thống trị lĩnh vực công nghệ.

Cuối cùng, thế mạnh đào tạo. Các trường đại học của Hoa Kỳ, với Harvard đứng đầu, chiếm 17 trong số 20 vị trí đầu tiên theo bảng xếp hạng thế giới các trường đại học ARWU của Thượng Hải.

Sức mạnh quân sự trị giá ngàn vàng

Nhưng có một điều chắc chắn là sức mạnh quân sự đã mang lại cho Hoa Kỳ một lợi thế kinh tế lớn lao. Tờ tiền xanh đã trở thành "tiếng nói" của giới tài chính. 42% trao đổi tài sản và dịch vụ được niêm yết bằng đô la và 59% các khoản vay mượn ngân hàng là cũng bằng đô la.

Vậy Hoa Kỳ phải cảm ơn ai đây ? Thần thương mại La Mã Mercure hay là thần chiến tranh Mars ? Câu trả lời là "cả hai", theo như quan điểm của ông Barry Eichengreen, một trong số các kinh tế gia nổi tiếng hiếm hoi của Mỹ nói đến "đặc quyền quá đáng của đồng đô la".

Theo giải thích của giáo sư Barry Eichengreen, Trung Quốc đang nắm giữ đến 60% dự trữ ngoại tệ bằng đô la, bởi vì nước này xuất nhiều hàng sang Mỹ hơn ai hết. Hai nước Châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, nắm giữ đến 80% ngoại tệ xanh dưới dạng trái phiếu nhà nước, do những thỏa thuận an ninh ký kết với Washington. Tệ hơn nữa là Đức và Saudi Arabia. Gần như 100% nguồn dự trữ ngoại tệ của hai nước này là bằng đô la, để đổi lấy ô hạt nhân của Hoa Kỳ.

Lợi thế tài chính mà Washington có được là rất lớn, đến mức "chỉ cần những nước lệ thuộc vào Hoa Kỳ về an ninh giảm 30% nguồn dự trữ bằng đô la, sao cho lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ tăng lên 80 điểm cơ bản, là đủ để làm chi phí của bộ Tài Chính Mỹ tăng thêm 115 tỷ đô la mỗi năm".

Những đặc quyền hoàn toàn quá đáng

Tác giả bài viết, ông Jean-Pierre Robin, cũng lưu ý là nền kinh tế Mỹ còn lợi dụng được các điều kiện tài chính đặc biệt từ những nước khác. Trong những năm 1950-1960, khi mà các tập đoàn đa quốc gia phát triển mạnh mẽ, Hoa Kỳ đã mở rộng đế chế công nghiệp của mình ra ngoài lãnh thổ. Lợi nhuận kiếm được còn cao hơn cả sản xuất trong nước, do 90% các khoản đầu tư ở nước ngoài là từ chính những nước tiếp nhận tài trợ, theo như phân tích của Jacques de Larosiere, từng lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.

Do đó, theo quan điểm của tác giả, thâm thủng mậu dịch của Mỹ mà Donald Trump đang ầm ĩ phàn nàn chỉ là một mẹo lừa. Những khoản thâm hụt này đều được bù đắp bằng tiền tiết kiệm của nước ngoài và những dòng vốn này cho phép các tập đoàn đa quốc gia chinh phục thế giới và tích lũy lợi nhuận. Theo số liệu của bộ Tài Chính Mỹ, lợi nhuận mà các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài tích lũy được lên đến 3.000 tỷ đô la.

Nhưng cay đắng thay, trong nguồn vốn liên lục địa này, những đồng minh chính trị của Mỹ chỉ là những khán giả không có tiếng nói. Theo quan sát của ông Patrick Artus, kinh tế gia tại Natixis, "Kể từ cuối những năm 1990, các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và suy thoái kinh tế đi kèm theo luôn xuất phát từ chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ" : từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán 1987, khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, cho đến vỡ bong bóng dot-com (bong bóng thị trường cổ phiếu) năm 2000, và gần đây nhất là khủng hoảng ngân hàng và tài chính năm 2008.

Và Hoa Kỳ xử lý các cuộc khủng hoảng này theo một nguyên tắc duy nhất là bất cân xứng, nghĩa là không có chuyện "có qua có lại". Lấy danh nghĩa "không một cá nhân nào, chủ thể nào gây tổn hại đến nền kinh tế chúng ta có thể nằm ngoài pháp luật" như tuyên bố của cựu bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder, nên Hoa Kỳ thẳng tay trừng phạt các ngân hàng Châu Âu.

Mỉa mai thay, không ai tư vấn cho Châu Âu biết là lẽ ra khối này có thể trừng phạt ngân hàng Goldman Sachs vì đã giúp Hy Lạp giả mạo chứng từ công !

Trump : Người nhấn chìm trật tự tự do

Để kết luận, tác giả nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn của Phedre nhắc nhở rằng "chẳng bao giờ có được một sự an toàn khi chơi với kẻ mạnh". Các đồng minh Châu Âu và Châu Á bị đánh mà không dám hó hé.

Châu Âu thì quá chia rẽ về mặt thương mại (Đức thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ) và chiến lược (Ba Lan thích trực thăng của Lockheed Martin hơn là của Airbus). Còn Châu Á đang bị Trung Quốc làm cho hoảng sợ.

Về phần mình, giới chuyên gia Trung Quốc không ngần ngại chỉ trích Donald Trump đang phá hỏng trật tự tự do được hình thành từ năm 1945 đến nay. Tướng về hưu Kiều Lương (Qiao Liang) thẳng thừng cáo buộc "Hoa Kỳ gây chiến trong khoảng từ 20-30 năm qua là nhằm mục đích bảo vệ ưu thế đồng đô la".

Tác giả đặt câu hỏi : Liệu Hoa Kỳ có dám nhường vị trí "bá quyền thế giới" cho Trung Quốc hay không ?

Bán đảo Triều Tiên : Phi hạt nhân hóa, nói dễ làm khó

Ngày thứ Bảy 12/05, Bắc Triều Tiên thông báo tiến hành tháo dỡ điểm thử hạt nhân Punggye-Ri, đông bắc đất nước từ ngày 23-25/05. Cử chỉ hòa dịu này được tổng thống Mỹ hoan nghênh là "rất thông minh và tử tế". Thế nhưng, theo Le Monde, tiến trình "phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vẫn mù mờ".

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc dỡ bỏ điểm thử này chưa phải là một nhượng bộ thật sự từ phía Bình Nhưỡng. Họ cho rằng, sau 6 đợt thử, cơ sở này không ổn định và không thể sử dụng được nữa. Phía Bắc Triều Tiên phản đối, khẳng định còn hai đường hầm vẫn hoạt động được.

Các phân tích hình ảnh vệ tinh từ các chuyên gia 38 vĩ tuyến bắc cũng xác nhận tuyên bố của Bình Nhưỡng cho rằng kể từ giờ quốc gia khép kín nhất hành tinh này đã làm chủ được công nghệ hạt nhân, không cần tiến hành thử trong lòng đất, đồng thời có khả năng thử nghiệm giả định trên máy tính như các cường quốc hạt nhân khác như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nói cách khác, Bình Nhưỡng có thể giao nộp vũ khí họ có, nhưng không dễ dàng từ bỏ công nghệ hạt nhân.

Điểm mù mờ hiện nay chính là mức độ thỏa thuận đạt được mà mỗi bên sẵn sàng chấp nhận. Theo nhật báo, lập trường của đôi bên khá xa. Hoa Kỳ và các đồng minh đòi hỏi một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược được. Washington muốn thực hiện nhanh đòi hỏi Bình Nhưỡng di dời các vũ khí hạt nhân và các linh kiện sang một quốc gia thứ ba những tháng sau thượng đỉnh tại Singapore.

Bắc Triều Tiên muốn tiến trình được thực hiện dần dần theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Mỗi một sự nhượng bộ phải có phần bù lại. Nếu như trong cuộc gặp Kim – Moon, cả hai miền tuyên bố "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", thì không một lời nào nhắc đến phi hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Điều đó hàm ý đến chiếc ô hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc và rộng ra nữa là hệ thống liên minh quân sự Mỹ tại Đông Bắc Á. Đổi lấy các nhân nhượng về kho vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên đòi hỏi các bảo đảm an ninh, bao gồm ký kết một hiệp ước hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến 1953.

Đang trong quá trình tìm kiếm một thành công ngoại giao, Donald Trump dường như sẵn sàng chấp nhận. Nhưng câu hỏi đặt ra, ngoài hiệp ước hòa bình, có thể dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ hai nước thù nghịch, thì Bình Nhưỡng sẽ nhận được những bảo đảm gì từ phía Mỹ ?

"Tập Cận Bình, hãy trả tự do cho Lưu Hà !"

Lời kêu gọi này của một nhóm tập thể phụ nữ Pháp được báo Le Monde dành một góc nhỏ trên trang Phân tích. Họ bao gồm các nghệ sĩ, nhà văn, những người phụ nữ tầm thường như bao người khác. Họ khẳng định không can dự vào "chuyện nội bộ Trung Quốc", cũng không có ý định biến Lưu Hà như là một biểu tượng đấu tranh.

Nhân danh là bằng hữu, đồng nghiệp của Lưu Hà và chỉ nhìn vợ góa của giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba như là một nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh, chứ không phải là một phụ nữ đấu tranh chính trị, tập thể phụ nữ Pháp mong muốn chính quyền Bắc Kinh hãy để cho bà được hưởng thụ tự do mà Hiến Pháp quy định cho mọi công dân Trung Quốc, tìm lại niềm vui cuộc sống. Những người phụ nữ Pháp muốn đem lại cho bà khi chia sẻ niềm vui sáng tạo văn chương và nghệ thuật.

Gaza đẫm máu, trang nhất các báo Pháp

Hoa Kỳ khai trương tòa đại sứ mới tại Jerusalem đã làm bùng lên căng thẳng tại dải Gaza. Le Figaro, trên nền ảnh người dân Palestine chạy náo loạn trong lớp khói đen dày đặc, đưa tít lớn "Đại sứ Mỹ ở Jerusalem : Gaza bùng cháy".

Libération chụp cận cảnh một người đàn ông gương mặt nhăn nhúm đau đớn vì bị trúng đạn, chạy tựa "Jerusalem – Gaza : Một tòa đại sứ và một cuộc thảm sát".

Bùng cháy và thảm sát là vì trong khi tại Jerusalem là một lễ khai trương tưng bừng hoành tráng với sự hiện diện của Ivanka Trump, con gái tổng thống Mỹ, thì ngay tại biên giới, hơn 50 người Palestine đã bị bắn chết, trong đó có 8 trẻ em và hàng nghìn người khác bị thương trong một cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ di dời tòa đại sứ về Jerusalem.

"Ngày phẫn nộ và đẫm máu trên dải Gaza" Le Figaro ghi nhận. Một người dân uất ức nói với phóng viên nhật báo : "Chúng tôi ở đây để nói rằng chúng tôi không bao giờ chấp nhận quyết định của Hoa Kỳ di dời đại sứ về Jerusalem". Bất chấp máu và lửa, Le Figaro cho biết thêm "Guatemala và Paraguay đang nối gót theo Mỹ".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 650 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)