Iran, thương mại : Châu Âu đối đầu với Mỹ
Nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất hôm nay, 18/05/2018, dành trọng tâm vào cuộc đối đầu hiện nay giữa Châu Âu và Hoa Kỳ về thương mại và Iran, hai hồ sơ mà theo lời tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang "trắc nghiệm" chủ quyền của Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov (T), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai trái qua), thủ tướng Anh Theresa May và thủ tướng Đức Angela Merkel (P), tại cuộc thượng đỉnh Liên Âu ở Sofia, 17/05/2018-Plamen Stoimenov/EU2018BG/Handout via Reuters
Theo Les Echos, như vậy là các nước Châu Âu đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí khi quyết định khởi động một điều luật năm 1996 nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Châu Âu khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong hồ sơ Iran. Công cụ pháp lý này được một cựu quan chức Ủy Ban Châu Âu so sánh như một "vũ khí nguyên tử" bởi tính chất "răn đe" của nó.
Về phần Le Figaro, tờ báo này nhận xét : ai cũng đã nghĩ là Liên Hiệp Châu Âu sẽ vẫn thụ động, vẫn bị chia rẽ, nên lần này cũng sẽ không dám đáp trả Hoa Kỳ. Thế mà, ngay từ hôm qua, Châu Âu đã khởi động các biện pháp trả đũa. Ngoài điều luật 1996, theo Le Figaro, hôm nay, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ còn "bấm nút" cho một biện pháp khác : cho phép Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI) cung cấp những bảo đảm tài chính cho các doanh nghiệp Châu Âu làm ăn với Iran, mà không cần đến đôla, thông qua một định chế công, để chính quyền Mỹ không làm gì được.
Tuy nhiên, Les Echos lưu ý, ai cũng thấy rằng, trong cuộc đọ sức này, các tập đoàn lớn của Châu Âu có nguy cơ rơi vào thế kẹt, vì những hoạt động của họ ở Hoa Kỳ quan trọng hơn rất nhiều so với các dự án mà họ có thể phát triển ở Iran. Mặt khác, như ghi nhận của tờ Le Figaro, việc khởi động điều luật năm 1996 thật ra mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là có tầm mức về pháp lý.
Trong bài xã luận, Les Echos khá nặng lời với Liên Hiệp Châu Âu : "Trước chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump, các nước Châu Âu thường bị chia rẽ, như những con thỏ bỏ chạy tán loạn, vừa cầu xin rằng những nước khác sẽ lãnh đủ, chứ không phải mình. Trong khi tổng thống Emmanuel Macron từ chối thương lượng dưới sự đe dọa, thì thủ tướng Angela Merkel lại muốn đàm phán riêng lẻ để cứu lấy xuất khẩu của BMW và Mercedes sang Mỹ".
Malaysia : Cặp lãnh đạo không ai ngờ đến
Riêng về thời sự Châu Á, tờ Le Monde hôm nay đặc biệt chú ý đến việc cựu thủ tướng Malaysia Mahathir và nhà cựu đối lập Anwar nay hòa giải với nhau để cùng lãnh đạo đất nước.
Theo Le Monde, chỉ riêng hai ông Mahathir và Anwar, thuộc sắc tộc Mã Lai (chiếm hơn phân nửa dân số) đã là tiêu biểu cho giai đoạn mang tính quyết định trong lịch sử gần đây của Liên bang Malaysia, một trong những quốc gia có thu nhập tính theo đầu người cao nhất trong vùng.
Tờ báo cho rằng, chiến thắng của liên minh 4 đảng trong cuộc bầu cử ngày 08/05 vừa qua là một bước ngoặt bất ngờ đối với Malaysia, mà từ 9 năm qua vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của Najib Razak. Nhân vật này đã thất cử do có dính líu đến một vụ tai tiếng tài chính mang tính quốc tế.
Kim đòi Trump phải dẹp Bolton
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, cũng tờ Le Monde nghi nhận rằng đường lối cứng rắn của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đang đe dọa tiến trình hòa dịu giữa Washington với Bình Nhưỡng.
Tờ báo nhắc lại rằng khi lên tiếng dọa sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un hôm thứ ba vừa qua, thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan đã chỉ trích kịch liệt cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ John Bolton, vì ông này đã đề nghị áp dụng "mô hình Libya" năm 2003 - 2004 với Bình Nhưỡng.
Vào thời gian đó, khi thấy Hoa Kỳ đưa quân xâm chiếm Iraq và vì sợ sẽ là mục tiêu tấn công kế tiếp, nhà độc tài Kadhafi đã từ bỏ chương trình hạt nhân, chỉ mới ở giai đoạn phôi thai. Nhưng thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng không quên rằng Kadhafi đã bị giết chết trong cuộc nổi dậy của người dân Libya, với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Mối thâm thù giữa Bình Nhưỡng với Bolton không phải bây giờ mới có. Le Monde nhắc lại là vào năm 2003, khi còn làm việc trong chính quyền Bush, ông Bolton đã đọc một bài diễn văn nẩy lửa đả kích Bắc Triều Tiên, khi đến thăm Seoul. Bình Nhưỡng đã đáp trả ngay, gọi Bolton là "đồ rác rưởi", "kẻ hút máu".
Dân Anh không mấy hào hứng với cặp Harry-Markle
Về lễ thành hôn ngày mai giữa hoàng tử Anh Harry với nữ diễn viên Meghan Markle, theo nhận định của Le Figaro, trong bối cảnh mà tiến trình Brexit cứ dằng dai và nền kinh tế Anh Quốc thì đang chựng lại, sự kiện này "mang lại chút niềm vui cho một đất nước đang có vẻ mất tự tin".
Tuy nhiên, đám cưới hoàng gia ngày mai sẽ không gây hào hứng bằng đám cưới của người anh William với Kate Middleton cách đây 7 năm. Theo một cuộc thăm dò, có đến 66% dân Anh cho biết chẳng quan tâm đến sự kiện này, mặc dù báo chí liên tục đưa tin.
Nhưng Le Figaro nhắc lại khác với người anh, hoàng tử Harry là một nhân vật không chấp nhận khuôn mẫu và người vợ tương lai của Harry cũng là một nhân vật đặc biệt về nguồn gốc địa lý, sắc tộc, về cuộc đời và về tính tình. Những yếu tố đó khiến cặp này thu phục cảm tình của thần dân Anh Quốc, mà đây chính là điều chủ yếu giúp cho chế độ quân chủ tiếp tục tồn tại tại vương quốc này.
Pháp bị đưa ra tòa về ô nhiễm không khí
Báo chí Pháp hôm nay cũng nói nhiều đến việc Ủy ban Châu Âu vừa đưa 6 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, ra trước Tòa án Công lý Châu Âu, vì bị xem là vi phạm các tiêu chuẩn về chất lượng không khí.
Theo Les Echos, riêng nước Pháp, tuy được xem là "đã có nhiều nỗ lực", nhưng về mặt pháp lý, nhiều biện pháp mà Paris thi hành vẫn chưa theo đúng các quy định, luật lệ của Châu Âu.
Về lý thuyết, Pháp có thể bị tòa phạt tiền, nhưng thủ tục xét xử sẽ còn kéo dài nhiều năm. Trước mắt, bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot và bộ trưởng giao thông Elisabeth Borne hôm qua thông báo là Paris sẽ thi hành những biện pháp mới để giảm ô nhiễm không khí, chẳng hạn như tài trợ cho các dự án phát triển việc sử dụng xe đạp, khuyến khích đi chung xe và lập các vùng có mức khí phát thải thấp.
Ngay cạnh nhà ta, động thực vật cũng đang tuyệt chủng
Về đa dạng sinh thái, tờ Libération hôm nay báo động rằng nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt nay có liên quan đến hàng trăm động vật và thực vật trong đời sống thường ngày của chúng ta, chứ không chỉ liên quan đến gấu trắng Bắc Cực hay những loài bướm phương xa. Riêng tại Pháp, theo giám đốc ủy ban Pháp của Liên minh quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, có đến 30% các loài động thực vật đang bị đe dọa
Taj Mahal "phủ xanh"
Le Figaro hôm nay quan ngại về số phận của đền Taj Mahal ở Ấn Độ. Ngôi đền tráng lệ xây bằng đá cẩm thạch trắng nay đang ngả sang màu xanh lá cây, do bị ô nhiễm và do bị côn trùng tấn công.
Hiện tượng này đã bắt đầu từ cách đây 2 năm, khi các chấm nhỏ màu xanh xuất hiện trên tường trắng của Taj Mahal. Cơ quan Giám sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã lau sạch nhiều lần, nhưng những vết xanh này vẫn tái hiện. Tình hình đáng ngại đến mức một nhà bảo vệ môi trường, luật sư Mahesh Chandra Mehta, đã đưa vụ việc ra trước Tòa án Tối cao Ấn Độ từ ngày 01/05.
Trả lời chất vấn của các thẩm phán, một đại diện của cơ quan ASI trả lời rằng những chấm xanh đó là do một loại tảo "bay" từ sông Yamuna, gần đền Taj Mahal !
Đối với luật sư Mehta, chuyện khôi hài không thể tưởng tượng nổi đó phản ánh thái độ thờ ơ của chính quyền đối với một công trình kiến trúc được UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới.
Thuốc insulin uống thay vì chích
Về y tế, theo Les Echos, trước áp lực lên giá thuốc insulin, hãng dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk đang phát triển một loại thuốc mới trị tiểu đường, trong đó có loại để uống, thay vì chích.
Loại thuốc uống mang tên Ozempic như vậy là sẽ làm thay đổi thị trường thuốc insulin, vì những bệnh nhân tiểu đường vẫn ngại chích thuốc, nay có thể không cần đến kim tiêm nữa. Theo Les Echos, nếu thử nghiệm thành công, thuốc Ozempic sẽ được tung ra thị trường vào năm 2020. Hiện giờ, thị trường thuốc insulin vẫn chịu áp lực giảm giá, nhưng tiếp tục tăng trưởng về khối lượng.
Trang nhất các báo
"Cuộc hôn nhân làm đảo lộn hoàng gia", đó là hàng tựa trên trang nhất của nhật báo Le Figaro số đề ngày hôm nay, 18/05/2018. Việc hoàng tử Harry kết hôn với Meghan Markle, một nữ diễn viên lai đen và đã ly dị, gây tác động rất lớn lên dư luận Anh Quốc, vì nhiều người xem đây là biểu tượng cho sự cách tân hoàng gia Anh.
Tờ Libération trên trang nhất báo động về tình trạng nhiều loài động thực vật ở Pháp đang trên đà diệt vong, do hậu quả của việc sử dụng thuốc trừ sâu và của tiến trình đô thị hóa.
Le Monde thì lần theo vết chân của những trẻ vị thành niên Morocco từ Tanger đến Paris. Những em này sống một mình, rất hung dữ, thậm chí nghiện ma túy, chợt xuất hiện ở thủ đô Pháp từ cách đây vài tháng và nay đang khiến người dân quận 18 rất lo sợ.
Tờ nhật báo công giáo La Croix thì chú trọng đến việc Vatican vừa công bố một văn kiện chỉ trích nặng nề hệ thống kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt là chống lại "sức phá hoại" ghê gớm chưa từng có của các thị trường tài chính.
Thanh Phương