Trump : Đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó thành công (VOA, 18/05/2018)
Tổng thống Donald Trump ngày 17/5 tuyên bố Trung Quốc đã trở nên hết sức phá hoại trong thương mại với Mỹ, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về sự thành công trong nỗ lực tái cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh giữa lúc các cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung khai diễn tại Washington.
Tổng thống Donald Trump gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Tòa Bạch Ốc ngày 17/5/18
Phát biểu với báo giới tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói Trung Quốc ‘đánh cắp’ của Mỹ quá lâu rồi và rằng ông đã bảo với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ‘không thể tiếp tục như thế.’
Dù ca ngợi nỗ lực của đôi bên tìm cách tái cân bằng mối quan hệ thông qua các cuộc thương thuyết mậu dịch, nhưng Tổng thống Trump nói ông nghi ngờ khả năng thành công của nỗ lực này.
Vòng đàm phán thứ nhì giữa các giới chức cao cấp trong chính quyền Trump với những người đồng nhiệm phía Trung Quốc khởi sự tại Bộ Tài chính sáng ngày 17/5, trọng tâm xoay quanh việc cắt giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống Trump sẽ gặp trưởng phái đoàn Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong ngày 17/5.
Reuters dẫn lời các giới chức Mỹ thạo tin cho biết trong cuộc đàm phán, Trung Quốc đưa ra một gói các đề nghị mua hàng hóa Mỹ cùng các biện pháp khác nhằm giảm thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc khoảng 200 tỷ đô la một năm.
Một giới chức cho Reuters hay trong số các doanh nghiệp hưởng lợi từ đề nghị của Trung Quốc có nhà sản xuất máy bay Boeing.
Theo Reuters
**********************
Tại sao Donald Trump lại "tha" ZTE, tập đoàn viễn thông Trung Quốc ? (RFI, 18/05/2018)
Phải trừng phạt tập đoàn viễn thông ZTE rồi đột ngột nhượng bộ vì muốn cứu tập đoàn Trung Quốc, quyết định quay ngoắt "180 độ" được tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 13/05/2018 cho thấy quy mô các xung đột lợi ích vẫn xen lẫn vào các quyết định và định hướng chính trị của chính quyền Mỹ hiện nay.
Logo của tập đoàn viễn thông Nhà nước Trung Quốc ZTE. Ảnh chụp ngày 19/04/2018. Reuters/Stringer
Chỉ hai ngày trước khi phái đoàn Trung Quốc sang Washington tiếp tục đàm phán về thương mại (ngày 17/05/) để tránh một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra giữa hai nước, tổng thống Mỹ lại cho biết đang hợp tác với đồng nhiệm Trung Quốc để giúp đỡ nhà sản xuất điện thoại ZTE duy trì công việc của 74.000 nhân viên và tạo thêm việc làm ở Trung Quốc.
Theo nhận định của giáo sư khoa học chính trị Pierre Martin, đại học Montréal, trên Journal de Montréal (15/05/2018), ưu ái bất chợt này của tổng thống Mỹ vừa "khó giải mã" vừa không rõ là "lẫn lộn" hay "trùng hợp ngẫu nhiên".
Thứ nhất, quyết định không trừng phạt ZTE của tổng thống Mỹ được đưa ra vào lúc chính chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố áp dụng lại hoàn toàn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Trong khi đó, chỉ vì giao dịch với Iran, cũng như với Bắc Triều Tiên, trong suốt nhiều năm, tập đoàn viễn thông ZTE đã phải nộp hơn 1 tỉ đô la tiền phạt cho Washington vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoài ra, quyết định nhân nhượng của Mỹ đối với Trung Quốc lại được đưa ra vào đúng thời điểm hai bên nối lại đàm phán thương mại tại Washington (17/05), sau chuyến làm việc tại Bắc Kinh của phái đoàn Mỹ. Vậy tại sao quyết định nhân nhượng với tập đoàn ZTE lại được đưa ra vào lúc này ?
Theo giáo sư Pierre Martin, thái độ mềm dẻo của chủ nhân Nhà Trắng có thể là do bối cảnh Mỹ cần Trung Quốc để đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, việc tổng thống Trump vội vàng muốn ghi điểm trong hồ sơ này khiến ông trở nên dễ dãi chấp nhận một thỏa thuận không hoàn thiện với mục đích duy nhất là tuyên bố chiến thắng.
Cho dù giới chuyên gia có nhận xét thế nào, tổng thống Donald Trump sẽ biết cách "bán"mọi thỏa thuận hạt nhân với Bắc Triều Tiên và mọi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, ưu việt hơn tất cả những gì đã được làm trước đó.
Điểm thứ hai gây ngạc nhiên, không hiểu do "lẫn lộn" hay "trùng hợp ngẫu nhiên", là cùng lúc chính quyền Trump thông báo nương tay với Bắc Kinh, Trung Quốc thông báo đầu tư hơn 500 triệu đô la vào một dự án phát triển du lịch và bất động sản ở Indonesia, nơi Trump Organization có nhiều lợi ích quan trọng. Rõ ràng là dự án đầu tư này của Trung Quốc là một nguồn lợi tài chính đáng kể cho tập đoàn Trump.
Thêm một sự kiện "trùng hợp ngẫu nhiên" là theo AP ngày 14/06/2018, chính quyền Trung Quốc đã cấp giấy phép cho thêm 9 thương hiệu của tập đoàn gia đình Trump mà trước vẫn bị bác. Liệu tổng thống Mỹ có chịu tha tập đoàn ZTE và Trung Quốc hay không nếu như Bắc Kinh không tặng món quà quý này cho doanh nghiệp gia đình tổng thống ?
Quyết định này cũng đi ngược với chính những lời hứa trừng phạt và tố cáo Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, đừng được Donald Trump đưa ra trấn an cử tri trong suốt thời gian tranh cử tổng thống.
RFI tiếng Việt
************************
Trung Quốc dỡ lệnh tăng thuế hạt bo bo của Mỹ (RFI, 18/05/2018)
Trung Quốc đã có một cử chỉ thiện chí đối với Hoa Kỳ. Vào lúc phái đoàn hai bên bước sang ngày đàm phán thứ hai tại Washington nhằm tránh một cuộc chiến thương mại, ngày 18/05/2018, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo dỡ bỏ biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với hạt bo bo của Mỹ.
Ông Lưu Hạc (giữa), lãnh đạo phái đoàn đàm phán Trung Quốc sang Mỹ. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 11/05/2017. Reuters
Thời gian trở nên cấp bách hơn với Trung Quốc. Nếu phái đoàn tay trắng trở về Bắc Kinh, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhắm vào 50 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ có hiệu lực từ thứ Ba 22/05/2018.
Thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :
«Phải chăng đó là một cành ô liu nhằm tránh một cuộc chiến thương mại ? Hay đó chỉ đơn giản là cách để cứu ngành thịt lợn Trung Quốc ? Có thể là cả hai !
Dù thế nào thông cáo của bộ Ngoại Thương Trung Quốc giải thích rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào hạt bo bo của Mỹ không vì lợi ích chung.
Trước hết, đó là vì các nhà chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn. Với khoản thuế có thể tăng thêm đến 180%, thức ăn cho đàn gia súc trở nên quá đắt đỏ, trong khi thu nhập của người nông dân lại đang giảm.
Đây là một thách thức lớn, vì Trung Quốc phụ thuộc vào hạt bo bo của Mỹ. Năm 2017, quốc gia Châu Á này đã mua đến 5 triệu tấn hạt bo bo với tổng trị giá là 1 tỉ đô la, hầu hết nhập từ Mỹ.
Trước đó, để trừng phạt các nhà sản xuất ở Kansas, bang đã giúp tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Bắc Kinh có nguy cơ gây khó khăn cho chính các nhà chăn nuôi Trung Quốc. Hôm nay, chính phủ lùi bước.
Nhưng cần lưu ý là Trung Quốc vẫn còn rất nhiều lá bài quan trọng trong tay, ví dụ như hạt đậu nành. Các nhà thu mua Trung Quốc dường như đã bắt đầu giảm khối lượng nhập từ Mỹ. Một lá bài khác chính là thịt lợn. Hải quan Trung Quốc vừa thông báo tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề vệ sinh dịch tễ".
Ngày 18/05/2018, bộ ngoại giao Trung Quốc phủ nhận thông tin cho rằng Bắc Kinh đề xuất giảm 200 tỉ đô la thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ, được phái đoàn Trung Quốc nêu lên trong ngày họp đầu tiên với đối tác Mỹ tại Washington. Chiều 17/05, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), người đứng đầu phái đoàn đàm phán Trung Quốc, nhằm tìm ra một thỏa thuận cho cuộc khủng hoảng thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Thu Hằng
*************************
Mỹ-Trung nối lại đàm phán thương mại (RFI, 17/05/2018)
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán về thương mại tại Washington vào hôm nay, 17/05/2018, gần một tuần trước khi lệnh đánh thuế trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực.
Phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ gồm bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (giữa) và bộ trưởng thương mại Wilbur Ross (thứ 2 phải) rời Bắc Kinh ngày 04/05/2018. Reuters/Thomas Pete
Theo xác nhận từ Nhà Trắng, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ chủ tọa hai ngày đàm phán với phái đoàn Trung Quốc do phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.
Chính nhân vật thân cận với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đặc trách chính sách kinh tế, đã tiến hành một đợt thảo luận với phái đoàn của ông Mnuchin tại Bắc Kinh, cách đây hai tuần, nhưng không có tiến triển đáng kể nào.
Vẫn theo Nhà Trắng, "thảo luận hôm nay là sự tiếp nối đàm phán cách đây hai tuần và tập trung trên việc tái cân bằng quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc".
Washington đòi Bắc Kinh giảm 200 tỉ đô la thất thu thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Trong năm 2017, thất thu này lên đến 375 tỉ đô la. Trong một tin Twitter vào hôm thứ Ba, 15/05, tổng thống Mỹ đã nhắc nhở là "Hoa Kỳ đã mang lại cho Trung Quốc hàng trăm tỉ đô la từ nhiều năm qua".
Ngoài 25% thuế đánh vào thép xuất khẩu và 10% đối với nhôm, Trung Quốc còn có thể bị áp thuế mới trên 50 tỉ đô la hàng hóa để bù đắp vào điều mà Washington xem là ăn cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.
Thời hạn xem xét danh sách các sản phẩm có thể bị áp thuế mới của Mỹ trên nguyên tắc kết thúc vào ngày 22/05. Nếu hai bên không tìm ra thỏa hiệp thì thuế mới sẽ được áp dụng.
Phía Trung Quốc thì đã dọa trả đũa trên hàng hóa của Mỹ cũng ở mức 50 tỉ đô la. Bắc Kinh đặc biệt nhắm vào nông sản Mỹ, như đậu nành mà các tiểu bang sản xuất rất ủng hộ ông Trump. Ngoài ra thịt heo và xe hơi cũng trong tầm nhắm của hải quan Trung Quốc.
Tuy nhiên bộ Thương Mại Trung Quốc vào hôm nay tỏ hy vọng là các cuộc đàm phán sẽ đạt kết quả, giải quyết được các bất đồng.
Mai Vân