Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/05/2018

Quan hệ Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên : cũng khó hiểu !

RFI tiếng Việt

Tổng thống Mỹ cam kết Kim Jong-un sẽ không chịu số phận của Kadhafi (RFI, 18/05/2018)

Thứ Năm 17/05/2018, tức hai ngày sau khi Bình Nhưỡng đe dọa hủy bỏ thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un dự trù vào tháng 6 tại Singapore, tổng thống Mỹ tỏ ra tin tưởng là sẽ không có gì thay đổi, hai bên tiếp tục chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này. Chủ nhân Nhà Trắng còn cam kết "Kim Jong-un sẽ tiếp tục cầm quyền, nếu đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân".

mybachan1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi làm việc với lãnh đạo khối NATO, tướng Jens Stoltenberg, tại Nhà Trắng, Washington, ngày 17/05/2018. Reuters

Nhân chuyến viếng thăm của tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg tại Washington hôm thứ Năm, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết "phía Mỹ vẫn tiếp xúc với đối tác" để chuẩn bị thượng đỉnh. Ông nhấn mạnh là mọi thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng "đều qua Kim Jong-un và với Kim Jong-un". Lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ được "bảo vệ" và không bạc mệnh như đại tá Kadhafi của Libya, nếu chấp thuận bỏ vũ khí hạt nhân :

"Mô hình Libya không phải là mô hình mà chúng tôi có trong đầu khi nghĩ đến trường hợp Bắc Tiều Tiên. Về trường hợp Libya, chúng tôi đã tiêu diệt chế độ này (vì) không hề có một thỏa thuận nào để duy trì Kadhafi ở chính quyền. Còn Kim Jong-un sẽ tiếp tục nắm quyền, tiếp tục lãnh đạo. Đất nước của ông ấy sẽ trở thành giàu mạnh. Dân chúng Bắc Triều Tiên là những con người tuyệt vời, chịu khó làm việc khổ nhọc.

Trường hợp Libya khác hoàn toàn, đó là một mô hình thất bại toàn diện. Chúng tôi đã đánh tan mô hình này… Khi (cố vấn) John Bolton nhắc đến mô hình Libya, đó là ông ấy muốn nói đến trong trường hợp mà chúng ta gặp vấn đề, bởi vì chúng ta không thể cho phép Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân. Nếu không đạt được thỏa thuận hạt nhân, mô hình này có thể sẽ được thực hiện. Nhưng nếu chúng ta đạt được một thỏa thuận thì tôi nghĩ rằng Kim Jong-un sẽ rất, rất hài lòng".

Theo AFP, lời tuyên bố trấn an này cũng ngầm chứa lời đe dọa : "nếu không có thượng đỉnh, thì Mỹ sẽ bước sang giai đoạn khác".

Cách nay 15 năm, vào năm 2003, sau nhiều tháng mật đàm với Mỹ và Anh Quốc, chính quyền Libya thông báo từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân. Năm 2006, Washington thiết lập bang giao với Tripoli. Nhưng 5 năm sau, đại tá Kadhafi bị giết chết trong một cuộc tổng nổi dậy của dân chúng, được không quân NATO yểm trợ.

Hồi đầu tuần, John Bolton, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, thuộc xu hướng diều hâu tuyên bố "mô hình Libya là cơ sở để Mỹ đàm phán với Bắc Triều Tiên". Lời tuyên bố này đã làm Bình Nhưỡng tức giận, cáo buộc Hoa Kỳ tìm cách áp đặt cho Bắc Triều Tiên một "số phận bi thảm như Iraq và Libya".

Tú Anh

********************

John Bolton : "Kẻ phá đám" thượng đỉnh Trump - Kim ? (RFI, 17/05/2018)

Bắc Triều Tiên ngày 16/05/2018 đã bất ngờ "lớn tiếng" chỉ trích thái độ của Hoa Kỳ và đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong-un, được ấn định vào ngày 12/06/2018 tại Singapore.

mybachan2

Liệu tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục nghe theo khuyến cáo của cố vấn an ninh quốc gia John R. Bolton ? Ảnh chụp ngày 09/04/2018. Reuters/Kevin Lamarque

Bình Nhưỡng đặc biệt đã có những lời lẽ gay gắt nhắm vào cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Theo giới chuyên gia, Donald Trump đang trong thế khó xử trước những quan điểm "diều hâu" của vị cố vấn này.

Sự việc diễn ra đã làm cho tổng thống Mỹ bối rối và có thái độ thận trọng. Báo Anh Quốc The Guardian đặt câu hỏi : Chủ nhân Nhà Trắng giờ phải làm gì ? Đi theo vị cố vấn an ninh quốc gia của mình với những đường lối chiến thuật cứng rắn ? Hay là cứ tiến bước đến gặp Kim Jong-un, một cuộc thượng đỉnh lịch sử nhưng chưa rõ kết quả ra sao ?

Bởi vì cho đến nay, khái niệm về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" vẫn còn rất mù mờ. Với Bình Nhưỡng, "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" có nghĩa là "đóng lại chiếc ô hạt nhân" của Mỹ ở Hàn Quốc, và mở rộng ra hơn nữa là xóa bỏ hệ thống liên minh quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Đây là một kế hoạch dài hạn và có liên quan đến tất cả các cường quốc, mà Bắc Triều Tiên là một bên liên quan.

Về phía Hoa Kỳ, chính quyền Donald lại hiểu – hoặc muốn hiểu là lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng gỡ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Vào cuối tuần trước, khi trả lời phỏng vấn truyền hình, ngoại trưởng Mỹ nói chung chung, sơ lược quan điểm đàm phán của Mỹ.

Theo đó, mục đích của thượng đỉnh là tìm cách ngăn chặn Bình Nhưỡng đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ bằng vũ khí nguyên tử, và trong một chừng mực nào đó, có thể cho phép Bắc Triều Tiên giữ lại một số đầu đạn hạt nhân với điều kiện nước này ngưng chương trình tên lửa đạn đạo.

Thế nhưng dường như quan điểm này không được cố vấn an ninh quốc gia John Bolton chia sẻ. Cũng trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, ông Bolton hùng hồn tuyên bố Bình Nhưỡng phải chuyển tất cả vũ khí nguyên tử sang một nước thứ ba và đưa các nguyên liệu phân hạch sang Hoa Kỳ !

Vị cố vấn này còn đề xuất việc giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên theo "mô hình Libya", một sự tham chiếu quá "vụng về". Vì ai cũng biết rằng nhà lãnh đạo độc tài Mouhamad Kadhafi đã có kết cục thảm khốc như thế nào, sau khi đã "ngây thơ" quyết định từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tờ báo Anh lưu ý là thái độ "diều hâu" này của ông John Bolton đối với Bắc Triều Tiên cũng không phải điều mới mẻ. Bình Nhưỡng không bao giờ quên rằng chính ông là người đã thuyết phục tổng thống Mỹ George W. Bush từ bỏ Thỏa thuận khung về hạt nhân 1994.

Bản thân John Bolton cũng từng lấy làm tự hào vì đã thành công trong việc gạt bỏ các nỗ lực của bộ ngoại giao Mỹ lúc đó tìm cách duy trì bằng mọi giá đàm phán với Bình Nhưỡng. Ông nhạo báng các nhà ngoại giao thời ấy là những kẻ "quỵ lụy".

Chính vì thế, đối với chế độ Bình Nhưỡng, John Bolton là "cặn bã của nhân loại" và "kẻ hút máu người", và kiên quyết gạt nhân vật này ra khỏi mọi cuộc đàm phán song phương. Thái độ ác cảm của Bình Nhưỡng, một lần nữa, đã được ông Kim Kye-gwan, thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên, hôm thứ Tư 16/05/2018, nhắc lại, "chúng tôi không hề giấu giếm cảm giác ghê tởm đối với ông ấy".

Sự việc giờ đây đặt tổng thống Mỹ trong thế "tiến thoái lưỡng nan". Một nhà ngoại giao phương Tây khẳng định với The Guardian rằng tìm kiếm một sự đồng thuận giữa tổng thống Mỹ với cố vấn an ninh quốc gia về cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim dường như là điều không thể tránh khỏi.

Minh Anh

************************

Bắc Triều Tiên dùng nguyên tử buộc Mỹ cam kết sự tồn vong của chế độ (RFI, 17/05/2018)

Ngày 16/05/2018, Bắc Triều Tiên lại buộc báo chí thế giới nhắc đến lần nữa khi "đe dọa hủy thượng đỉnh giữa Kim và Trump", theo tựa của Le Monde. "Kim Jong-un lên giọng trước thềm thượng đỉnh với Mỹ" là nhận định trên trang nhất của Le Figaro. Les Echos nêu lý do "Kim báo trước với Trump là ông sẽ không bao giờ chấp nhận phi hạt nhân hoàn toàn".

mybachan3

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa. SAUL LOEB/AFP

Thượng đỉnh Kim-Trump, theo dự kiến, sẽ diễn ra ngày 12/06 tại Singapore. Nhưng Bình Nhưỡng dọa "cân nhắc lại" nếu Washington tìm cách dồn Bình Nhưỡng đơn phương tuyên bố từ bỏ hạt nhân, theo phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan. Thực ra, vị lãnh đạo này không tấn công trực tiếp tổng thống Donald Trump, cũng không phải ngoại trưởng Mike Pompeo mà lên án phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khi ông này kêu gọi áp dụng "mô hình Libya" đối với Bắc Triều Tiên.

"Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ hạt nhân" là nhận định chung của hai chuyên gia Juliette Morillot, chuyên về Bắc Triều Tiên và Pierre Rigoulot, giám đốc Viện Lịch sử Xã hội, trong chuyên mục "Thảo luận" của nhật báo công giáo La Croix. Vì từ năm 2012, vũ khí hạt nhân đã được ghi vào Hiến Pháp và trở thành bản sắc của Bắc Triều Tiên.

Theo bà Juliette Morillot, "các thách thức của cuộc đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ liên quan rất nhiều đến vấn đề phi hạt nhân". Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018 nhấn mạnh đến phi hạt nhân hóa toàn bán đảo Triều Tiên, cả miền Bắc lẫn miền Nam.

Bắc Triều Tiên đã tỏ thiện chí khi trả tự do cho ba tù nhân Mỹ, đồng thời phá hủy khu thử hạt nhân plutonium trên núi Mantap. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy công việc phá hủy đã bắt đầu. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn còn hai trung tâm làm giầu uranium nằm trong lòng đất và không ở núi Mantap. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ tìm cách thương lượng để vào được các khu vực này, dù không dễ dàng gì.

Kim Jong-un giờ chờ đợi rất nhiều từ Washington. Bắc Triều Tiên từng luôn yêu cầu Mỹ ký một thỏa thuận bất tương xâm và đảm bảo sự sống còn cho chế độ Bắc Triều Tiên. Theo chuyên gia Morillot, thực ra Bình Nhưỡng không phải chờ đến ví dụ của Iran để hiểu rằng Hoa Kỳ không đáng tin mà đã biết điều này từ nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, Bình Nhưỡng cần cam kết từ phía Mỹ.

Chưa họp thượng đỉnh mà chính quyền Mỹ đã tỏ ra đắc thắng. Có lẽ vì thế, dọa hủy thượng đỉnh cũng là cách để Kim Jong-un chỉnh đốn lại Donald Trump. Thêm vào đó, chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang là người chèo lái con thuyền đàm phán. Kim Jong-un sang Trung Quốc hai lần để gặp chủ tịch Tập Cận Bình và muốn sử dụng lá bài Trung-Mỹ có lợi cho ông.

Theo chuyên gia Pierre Rigoulot, khái niệm "phi hạt nhân" được Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bình Nhưỡng hiểu điều này như là "tạm dừng". Ngoài ra, khi đề cập đến "phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên", chế độ Kim Jong-un muốn bao hàm cả chiếc ô hạt nhân Mỹ ở Hàn Quốc, song đây lại là điều khó chấp nhận được với Mỹ. Về phần mình, Washington lại yêu cầu Bắc Triều Tiên phi hạt nhân "hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược", nhưng kịch bản này lại khó có thể xảy ra.

Bắc Triều Tiên hiện ở trong tình thế đặc biệt của một quốc gia đã làm chủ vũ khí hạt nhân và lại bị yêu cầu từ bỏ loại vũ khí này. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Pierre Rigoulot, dù có phá hủy thì Bình Nhưỡng vẫn có khả năng trang bị lại vũ khí nguyên tử chỉ trong vòng vài tuần.

Viễn cảnh tương lai là Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể đồng thuận ở một số biện pháp như để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến giám sát. Thượng đỉnh Kim-Trump sẽ mới chỉ là bước đầu của một chặng đường dài. Hai miền Triều Tiên có thể hướng tới một hiệp định hòa bình trên bán đảo và công nhận chế độ của nhau, dưới sự bảo trợ của Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia Pierre Rigoulot không tin vào khả năng một thỏa thuận về nguyên tử sẽ được ký giữa Bình Nhưỡng và Washington vì đơn giản là sẽ đe dọa đến chế độ Kim Jong-un.

John Bolton : "Đại diều hâu" làm tổ trong Nhà Trắng

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của tổng thống Mỹ Donald Trump là người phát biểu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo "mô hình Libya" khiến Bắc Triều Tiên dọa cân nhắc lại cuộc họp thượng đỉnh Kim-Trump. Hai chủ đề nóng là thỏa thuận hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên đều được John Bolton thì thầm vào tai tổng thống Mỹ.

Với Libération, "John Bolton là một "đại diều hâu" làm tổ trong Nhà Trắng" và hoàn thiện đội ngũ diều hâu quanh tổng thống Trump. Hai cựu cố vấn của Obama nhận xét : "Với John Bolton, có ít vấn đề quốc tế mà chiến tranh không phải là lời đáp trả". Là một "đứa trẻ ngỗ ngược thời chính quyền Bush", theo miêu tả của New York Times, John Bolton ủng hộ chiến tranh tại Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein. Từ khi ông vào Nhà Trắng, rất nhiều thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia đã khăn gói ra đi.

Bất chấp những bằng chứng về việc Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân, ông John Bolton một mực khẳng định "điều quan trọng là ngay từ đầu, đó đã là một thỏa thuận tồi, giờ vẫn thế và phải xé nó đi", đúng với khẳng định của tổng thống Trump.

Libération trích nhận định của chuyên gia Stewart M. Patrick, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations), việc bổ nhiệm John Bolton vào Nhà Trắng là "chiến thắng quyết định của "phe dân túy" trước "phe ủng hộ toàn cầu" trong chính quyền Trump. Định nghĩa và bảo vệ chủ quyền quốc gia Mỹ là tâm điểm của cuộc chiến này". Và chính ở điểm này, tổng thống Trump và cố vấn Bolton có cùng quan điểm. Trong cuốn sách nói về vai trò đại sứ của ông ở Liên Hiệp Quốc từ 2005-2006, ông John Bolton dành nhiều trang giấy để chỉ trích Liên Hiệp Quốc, chủ nghĩa đa phương và mọi loại thỏa thuận quốc tế.

"America First" buộc Châu Âu đoàn kết đối phó với Trump

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rất rõ ràng : Hoa Kỳ phải ngừng làm "sen đầm quốc tế" và quyền lợi của người dân Mỹ được đặt trên hết trong chính sách "Americain First". Nhưng tăng thuế đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu, đơn phương trừng phạt Iran sau khi rút khỏi hiệp định hạt nhân, yêu cầu các đồng minh NATO tăng ngân sách… tổng thống Donald Trump lại không có ý định từ bỏ vai trò "sen đầm kinh tế".

Trước cách điều hành không giống ai, "phá vỡ các luật lệ và thỏa thuận, buộc đối phương và cả đồng minh phải quy phục", của tổng thống Mỹ, Châu Âu buộc thực hiện "Europa First", theo nhận định bài xã luận trên Le Figaro.

"Châu Âu cố giữ đoàn kết trước Donald Trump" là nhận xét trên trang nhất của Le Figaro. Trong cuộc họp cấp cao giữa nguyên thủ và thủ tướng các nước Liên Hiệp Châu Âu diễn ra vào tối 16 và ngày 17/05 tại Sofia, Châu Âu tìm một tiếng nói chung đối với "thái độ" được cho là "thất thường" của tổng thống Mỹ về hồ sơ hạt nhân Iran và thương mại quốc tế. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu khẳng định : "Nếu Iran tôn trọng các cam kết của họ, Liên Hiệp Châu Âu cũng tôn trọng những cam kết của Châu Âu, đây sẽ là một thông điệp" gửi đến tổng thống Mỹ.

"Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận làm thay đổi cán cân ở Trung Đông". Đây là nhận định của bà Isabelle Lasserre trên Le Figaro. Vì lập trường mới của tổng thống Trump làm tăng cường trục Mỹ-Israel-Saudi Arabia, gây sức ép với liên minh Iran-Nga và có thể sẽ làm thay đổi các cuộc xung đột đang tàn phá khu vực.

Mỹ cấm vận Iran : Total rút, Trung Quốc hưởng lợi

Quyết định đơn phương tái lập trừng phạt kinh tế Iran của tổng thống Mỹ có nguy cơ đẩy các doanh nghiệp Châu Âu đang hoạt động và hợp tác với Iran khỏi đất nước Hồi Giáo này. Vì vậy, "Liên Hiệp Châu Âu tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Iran" là nhận định của Le Monde. Ít nhất là duy trì những hợp đồng đã được ký trước đó, "nhưng Hoa Kỳ không thật sự cởi mở lắm" với đề xuất này, theo đánh giá của một nhà ngoại giao ở Bruxelles.

Hậu quả đầu tiên là "Các doanh nghiệp Pháp buộc phải rời khỏi Iran", theo trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Total đang trong giai đoạn từ bỏ dự án khai thác khí đốt South Pars 11 có quy mô lớn ngoài khơi Iran và bên hưởng lợi là tập đoàn PetroChina. Toàn bộ 50,1% vốn đầu tư của Total trong dự án này sẽ được nhượng lại cho đối tác Trung Quốc (chiếm 30%).

Các doanh nghiệp Pháp muốn tiếp tục hoạt động tại Iran sẽ lĩnh nguy cơ bị phong tỏa tài khoản ở một ngân hàng Pháp và sẽ bị ngừng cấp tín dụng. Bài học của ngân hàng BNP Parisbas vẫn còn đó, nên các ngân hàng Pháp tìm cách tự bảo vệ mình trước lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, có một số ngân hàng Châu Âu không có hoạt động với Mỹ đang tìm cách tiếp quản.

Nước Pháp ngược đãi người cao tuổi như thế nào ?

Đây là câu hỏi lớn trên trang nhất của Le Monde. Trong bản báo cáo được công bố ngày 16/05/2018, Ủy ban Tư vấn Đạo đức Quốc gia Pháp đã đưa ra chỉ trích nghiêm khắc đối với việc chăm sóc người cao tuổi.

Số người trên 75 tuổi hiện chiếm 9% dân số Pháp, nhưng sẽ đạt đến ngưỡng 16,2% vào năm 2060 và như vậy sẽ có gần 2,26 triệu người sống lệ thuộc. Thế nhưng, đáng báo động là ở Pháp vẫn tồn tại sự "phủ nhận tập thể" về việc tỉ lệ người già và điều này được thể hiện qua việc "ngược đãi tiềm ẩn và không có trách nhiệm".

Vẫn theo bản báo cáo, việc tập trung người cao tuổi vào các nhà dưỡng lão là một "cách cưỡng bức" và thậm chí là một hình thức "cô lập". Trong khi đó, chính sách đối với người cao tuổi, dễ tổn thương, lại "không thích hợp và bất kính".

Thu Hằng

************************

Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện đầy đủ tuyên bố Bàn Môn Điếm (RFI, 17/05/2018)

Bắc Triều Tiên nên áp dụng đầy đủ thỏa thuận phi hạt nhân hóa và bất tương xâm được ký kết tại Bàn Môn Điếm. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hàn Quốc NSC ngày hôm nay 17/05/2018 đã có lời kêu gọi này sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ hủy một cuộc họp cấp cao liên Triều ngày hôm qua nhằm thảo luận các phương cách áp dụng tuyên bố Bàn Môn Điếm.

mybachan4

Ảnh minh họa : Cuộc họp báo của hai lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiền, tổng thống Moon Jae In (P) và Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm, loan báo phi hạt nhân hóa bán đảo. Ảnh ngày 27/04/2018. Reuters

Thông cáo của Phủ tổng thống Hàn Quốc, được Yonhap trích dẫn tái khẳng định lập trường của Seoul, thỏa thuận đạt được hôm 27/04 "phải được áp dụng liên tục, các thành viên NSC tiếp tục tham vấn phía Bắc cho việc tổ chức cuộc họp cấp cao sắp tới".

Nhà Xanh còn khẳng định là cuộc họp của NSC hôm nay, do cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong chủ trì "đã quyết định phối hợp chặt chẽ quan điểm của các nước liên quan thông qua nhiều kênh khác nhau giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng như là giữa Hàn Quốc với Bắc Triều Tiên, sao cho thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong-un diễn ra tốt đẹp trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau".

Cuối cùng, Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết thêm nước này có thể đóng vai trò trung gian giữa Bình Nhưỡng và Washington tại thượng đỉnh Mỹ - Triều tới đây do hai nước còn có quá nhiều quan điểm khác khác biệt.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)