Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/06/2018

Thượng đỉnh Trump-Kim : các cường quốc khu vực lo ngại

RFI tiếng Việt

Nhật muốn được "bảo đảm" trước thượng đỉnh Trump-Kim (RFI, 06/06/2018)

Thủ tướng Nhật Bản tìm cách thuyết phục tổng thống Mỹ đừng quên mối an nguy của đồng minh số một tại Châu Á trong tiến trình tìm một thỏa thuận lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, khởi đầu là thượng đỉnh Singapore ngày 12/06. Đó là nội dung cuộc gặp gỡ Donald Trump-Shinzo Abe ngày thứ Năm 07/06 tại Nhà Trắng.

summit1

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trả lời báo chí tại Tokyo, ngày 6/06/2018 trước khi lên đường đến Hoa Kỳ. Kazuhiro Nogi/Pool via Reuters

Trên đường sang Canada dự thượng đỉnh G7, thủ tướng Nhật Bản sẽ ghé qua Nhà Trắng khoảng hai tiếng đồng hồ. Đây là thời gian để thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa nhắc lại với tổng thống Mỹ là đừng quên Nhật Bản nằm trong tầm tên lửa của Bắc Triều Tiên, khi đối thoại với Kim Jong-un tại Singapore.

Theo Reuters, Hoa Kỳ thừa biết lập trường của đồng minh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên : giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân, tên lửa các loại. Một nhà ngoại giao Nhật tin chắc là Washington hiểu rõ như thế nhưng Tokyo vẫn lo ngại tổng thống Donald Trump vì muốn "chinh phục cử tri trong mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ" sẽ tìm một thỏa thuận với Kim Jong-un, bảo vệ an ninh Mỹ trước đã, và đặt Nhật Bản vào tầm tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Tokyo cũng kỳ vọng vào thượng đỉnh Mỹ-Triều để giải quyết một vấn đề quan trọng khác, có thể là mối quan tâm hàng đầu của công luận Nhật : đó là số phận của các công dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 1970.

Chính phủ Nhật đã cảnh báo là sẽ không trợ giúp bất cứ điều gì cho Bình Nhưỡng nếu ba vấn đề nói trên không được giải quyết.

Tú Anh

*******************

Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore sẽ chỉ là bước khởi đầu (RFI, 06/06/2018)

Cứ gặp nhau đã rồi tính tiếp. Có thể tóm gọn một câu như thế khi nói về cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/06 tới tại Singapore.

summit2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh ghép của Reuters) Reuters/KCNA handout via Reuters & Kevin Lamarque

Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước chủ yếu sẽ bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa, tức là giải trừ kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, điều kiện để Hoa Kỳ bãi bỏ các biện pháp cấm vận. Cho tới nay, Washington vẫn yêu cầu là tiến trình phi hạt nhân hóa này phải là "hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được", đồng thời cam kết là sẽ đưa ra những bảo đảm về an ninh cho Bình Nhưỡng, một chế độ mà cho tới nay vẫn xem vũ khí hạt nhân là lá bùa hộ mệnh cho họ.

Về phần Kim Jong-un, ông cũng tuyên bố muốn tiến đến " phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", nhưng sẽ làm theo từng giai đoạn. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần nói rõ là họ sẽ không giải trừ vũ khí một cách "đơn phương".

Do lập trường giữa hai bên còn nhiều khác biệt như thế, giới phân tích chờ đợi là khi gặp nhau vào tuần tới, hai ông Donald Trump và Kim Jong-un cùng lắm là sẽ ra được một tuyên bố chung, với cam kết là sẽ tiếp tục làm việc để đạt đến một thỏa thuận về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Vấn đề là cho tới hôm nay, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến thượng đỉnh Singapore, không ai biết chắc là Bình Nhưỡng có thật sự muốn đi theo con đường phi hạt nhân hóa, hay họ chỉ hứa hẹn đàm phán để giảm nhẹ "áp lực tối đa" của tổng thống Trump đối với Bắc Triều Tiên.

Cho dù tại thượng đỉnh Singapore, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có đồng ý cam kết giải trừ kho vũ khí hạt nhân theo đúng yêu cầu của phía Mỹ, tiến trình này cũng sẽ kéo dài nhiều năm và sẽ rất phức tạp. Chương trình vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng phần lớn vẫn được giữ bí mật, cho nên theo các nhà phân tích, việc kiểm kê, tháo dỡ và kiểm tra sẽ không phải là dễ dàng. Đó là chưa kể đến các tên lửa tầm trung và tầm xa mà Bắc Triều Tiên đã phát triển từ nhiều năm qua. Những chi tiết của tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ phải được thảo luận trong nhiều cuộc họp tiếp theo giữa hai nước, nếu có.

Ngay chính tổng thống Trump vào thứ Sáu tuần trước cũng đã tuyên bố với báo chí Mỹ : " Chúng ta sẽ không đến để ký một cái gì đó vào ngày 12/06. Chúng ta sẽ chỉ bắt đầu một tiến trình".

Tiến trình này có thể bao gồm cả vấn đề quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Seoul, đồng minh của Mỹ. Do có thể tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tới Singapore, hai ông Donald Trump và Kim Jong-un có thể sẽ bàn về việc ký kết một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt chiến tranh giữa hai nước Triều Tiên vào đầu thập niên 1950. Ít ra đây sẽ là kết quả cụ thể mà ông Trump có thể đưa ra để chứng minh với dân Mỹ rằng thượng đỉnh Singapore không phải là vô ích.

Thanh Phương

***********************

Seoul muốn Bình Nhưỡng bảo đảm quyền "miễn trừ" ở Kaesong (RFI, 05/06/2018)

Hàn Quốc chuẩn bị cơ sở pháp lý trong khi chờ đợi hợp tác kinh tế Nam-Bắc vãn hồi. Trong chiều hướng này, Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng công nhận giới chức Hàn Quốc, hoạt động trong văn phòng liên lạc sắp mở tại khu công nghiệp Kaesong, được một số đặc quyền như các nhà ngoại giao.

summit3

Một làng Bắc Triều Tiên gần Kaesong, nhìn từ vùng phi quân sự (DMZ). Ảnh tư liệu chụp ngày 25/09/2013. Reuters/Lee Jae-Won

Theo hãng Yonhap, bộ Tư Pháp Hàn Quốc bắt đầu xem xét các điểm chính yếu trong thỏa thuận kinh tế liên Triều để điều chỉnh kịp thời hầu bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát minh của các xí nghiệp Nam Hàn, cũng như bảo đảm an toàn cho công dân hoạt động tại miền bắc.

Trong số các văn kiện được bộ Tư Pháp rà soát lại có hiệp định bảo vệ đầu tư, thỏa thuận đào tạo và hoạt động của Ủy ban trọng tài thương mại đã được áp dụng trong hai năm từ 2003 đến 2005.

Trong 2009 cho đến 2016 xảy ra nhiều vụ việc gây thiệt hại cho phía Hàn Quốc. Chẳng hạn như vụ một nhân viên của Hyundai Asan bị nhốt trong suốt 137 ngày vào năm 2009, vụ Bắc Triều Tiên chiếm quyền quản lý khu khách sạn núi Kim Cương năm 2010, phong tỏa toàn bộ trang thiết bị và hàng hóa của Hàn Quốc tại khu công nghệ Kaesong từ năm 2016.

Mặc khác, cũng để chuẩn bị cho viễn ảnh quan hệ liên Triều được cải thiện, Seoul đã yêu cầu Bình Nhưỡng bảo đảm quyền miễn trừ ngoại giao, theo công ước Vienna, cho các viên chức Hàn Quốc sẽ được bổ nhiệm vào văn phòng liên lạc đặt tại Kaesong. Cụ thể các quan chức này không bị bắt, câu lưu, lục soát hành lý…

Trong các cuộc họp cấp cao tuần qua tại Bàn Môn Điếm, hai bên đã thỏa thuận cho Hàn Quốc mở một văn phòng liên lạc tại Kaesong "trong một ngày rất gần". Văn phòng có vai trò "bảo đảm kênh liên lạc 24 giờ trên 24" giữa hai nước để hỗ trợ cho những trao đổi liên Triều được dự trù sẽ gia tăng mạnh trong tương lai, theo nguồn tin chính phủ Hàn Quốc.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 843 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)