Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/02/2017

Điểm tin báo chí Pháp (RFI) - Putin chấm ai trong cuộc chạy đua vào Điện Elysées Pháp

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống Pháp : Mục tiêu sắp tới của Vladimir Putin ?

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp là mục tiêu tấn công của người đứng đầu điện Kremlin, mà mục tiêu chính là ứng viên của phong trào "Tiến bước" (En Marche). Trên đây là khẳng định của bà Neera Tanden, chủ tịch kiểm tổng giám đốc của Trung Tâm vì Tiến Bộ Hoa Kỳ tại Washington, được nhật báo Le Monde đăng trong số ra ngày 15/02/2017.

baucu1

Emmanuel Macron, ứng viên tổng thống Pháp của phong trào "En Marche", tố cáo đang là mục tiêu tấn công của Nga. Ảnh chụp ngày 04/02/2017. REUTERS/Robert Pratta

Chuyên gia người Mỹ khuyến cáo người dân Pháp phải ý thức được tính bấp bênh của nền dân chủ của họ trong khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần. Thực vậy, bà Neera Tenden hoàn toàn có cơ sở khi đưa ra lời cảnh báo trên vì một chiến dịch gây bất ổn do điện Kremlin giật dây đã khuấy đảo và thao túng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016.

Căn cứ vào chiến thắng sít sao của ứng viên Cộng Hòa Donald Trump, với chênh lệch khoảng 80.000 phiếu đại cử tri tại ba bang, người ta hoàn toàn tin rằng các biện pháp can thiệp của Nga có thể là yếu tố quyết định cho chiến thắng của tân tổng thống Mỹ. Sự kiện này một mặt cho thấy tính dễ bị tổn thương của nền dân chủ, mặt khác cũng chứng tỏ rằng một sức mạnh bên ngoài có thể phá hoại một cuộc bầu cử dân chủ và công minh.

Nhìn lại những biến cố trong suốt giai đoạn vận động tranh cử tổng thống Mỹ, bà Neera Tanden kết luận Vladimir Putin không đơn thương độc mã tấn công vào nền dân chủ Mỹ. Tổng thống Nga đã biết cách huy động một đồng minh "không chủ ý" nhưng vô cùng mạnh mẽ : đó chính là truyền thông Hoa Kỳ.

Ngay khi các bức thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân Chủ và ban vận động tranh cử của ứng viên Hillary Clinton bị đánh cắp, các cơ quan truyền thông Mỹ đã đổ xô đăng những thông tin giật gân, từ những chi tiết đời tư đến những trao đổi nội bộ hay những lời nhận xét thẳng thắn nhất. Và những thông tin này được hiểu sai với hoàn cảnh, được diễn giải bằng mọi cách trên internet và đặc biệt, trên Twitter của đối thủ Donald Trump.

Trở lại với trường hợp nước Pháp, điện Kremlin công khai ủng hộ hai ứng viên tổng thống, Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (Front national) và François Fillon, đại diện cho đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains), đồng thời là một người bạn thân của tổng thống Nga.

Một ngân hàng tại Moskva đã cho đảng FN vay 9 triệu euro vào năm 2014. Ngoài ra, chủ tịch đảng Marine Le Pen còn vay thêm nhiều triệu euro ở một số ngân hàng khác của Nga để chi trả cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của bà. Tình báo Pháp khẳng định Nga ủng hộ ứng viên Marine Le Pen như đã từng ủng hộ Donald Trump, bằng cách đánh cắp vài nghìn tài liệu của ứng viên theo khuynh hướng tiến bộ "En Marche" Emmanuel Macron và cho đăng trên trang WikiLeaks.

Trong khi đó, bà Marine Le Pen cho rằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine là "chính đáng", đồng thời phản đối các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga sau sự kiện này. Bà cũng tố cáo gay gắt sự tham gia của Pháp trong khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Bà khẳng định nếu được bầu làm tổng thống, bà sẽ hợp tác với Donald Trump và Vladimir Putin.

Chuyên gia người Mỹ cho rằng truyền thông Pháp đang đi lại vết xe đổ của truyền thông Mỹ khi bắt đầu đăng tuyên truyền cho nước Nga liên quan đến ứng viên Macron. Thêm một lần nữa, các nhà báo lại trở thành con tốt phục vụ cho các âm mưu của Putin. Bà cảnh báo không nên đánh giá thấp mức nghiêm trọng những gì đang diễn ra và người dân, cũng như truyền thông Pháp, phải hết sức cẩn trọng trước những cuộc tấn công như vậy, đồng thời phải cân nhắc kỹ nếu không sẽ trở thành phát ngôn viên của tình báo Nga.

Moskva muốn đưa những nhà lãnh đạo phản tự do lên nắm quyền tại các nước phương Tây. Theo tác giả bài báo, Hoa Kỳ đã không thắng được sức ảnh hưởng của Kremlin, cho nên, Pháp phải làm thế nào để không trở thành nạn nhân tiếp theo của Moskva.

"Đừng để Nga gây bất ổn bầu cử tổng thống !"

Ứng viên tranh cử tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở thành mục tiêu tấn công của "một Nhà nước quyết tâm gây bất ổn cuộc bầu cử tổng thống Pháp". Theo nhận định của ông Richard Ferrand, thư ký phong trào "En Marche", được đăng trên mục "Ý kiến" của Le Monde, đây là một hiện tượng mới đáng lo ngại.

Các cuộc tấn công tin học nhắm vào phong trào "En Marche" phần lớn xuất phát từ Ukraine. Cùng lúc, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange thông báo có "những thông tin thú vị" về Emmanuel Macron trích từ những bức thư điện tử của bà Hillary Clinton bị đánh cắp. Còn hai trang Russia TodaySputnik News không ngừng "tiết lộ" những thông tin, mà theo thư ký phong trào "Tiến bước" là vu khống, về ứng viên Macron từ nhiều tuần nay, như ông được một "nhà tài phiệt đồng tính giầu có" tài trợ hay ông là "một nhân viên tình báo Mỹ phục vụ cho giới tài phiệt ngân hàng".

Điều khiến thư ký của phong trào "En Marche" lo ngại là những thông tin của hai cơ quan truyền thông, được chính phủ Nga tài trợ hoàn toàn, lại được lan truyền, mà không hề được kiểm chứng, trên khắp các mạng xã hội Facebook và Twitter.

Chống tham nhũng : Người dân Romania muốn gắn bó với nền dân chủ

Vẫn tại Châu Âu, phong trào phản đối một sắc lệnh nhằm giảm nhẹ tội tham nhũng tại Romania vẫn sôi sục trong tuần thứ hai liên tiếp bất chấp cái lạnh có lúc xuống tới -11°C ở thủ đô Bucarest.

Theo bài viết "Tìm về nguồn gốc cuộc nổi dậy tại Romania" của Le Monde, ban đầu chỉ là những người dân bình thường tập trung tại trung tâm Bucarest để phản đối chủ tịch đảng Xã Hội-Dân Chủ Liviu Dragnea, người đứng sau nghị định được thông qua ngày 31/01/2017 nhằm xóa bản cáo buộc gian lận bầu cử mà ông bị kết án vào năm 2016 và chính phủ Xã Hội, do thủ tướng bù nhìn Sorin Grindeau điều hành. Sau đó, phong trào lan đến giới chính trị, tiêu biểu là phe tự do đối lập và một số người thuộc cánh tả.

Thế nhưng, nghị quyết trên chỉ là một giọt nước làm tràn ly vì chính phủ phớt lờ những mong muốn của "một dân tộc đang phẫn nộ", "chỉ muốn được sống trong một đất nước không còn tham nhũng", theo phát biểu của chủ tịch đảng tự do Klaus Iohannis.

Với nhật báo Libération, phong trào "kháng cự" của người dân đòi chính phủ Xã hội từ chức là "Bài học sâu sắc về sự gắn bó với nền dân chủ ở Romania", bởi họ sợ nhìn thấy đất nước quay lại những biện pháp Cộng sản thời Ceausescu. Theo những người tham gia biểu tình, mùa đông 2017 đã trở thành "mùa đông phản kháng", còn nhà báo Matei Visniec thì cho rằng "không thể tiếp tục mãi các cuộc biểu tình. Người dân phải tìm cách khác để thể hiện. Romania giữ vai trò là nơi xuất phát các ý tưởng để tái tạo lại nền dân chủ".

Nghị Viện Châu Âu thông qua thỏa thuận gây tranh cãi CETA

Hiệp định thương mại CETA với Canada đã được Nghị Viện Châu Âu thông qua sau gần 7 năm đàm phán. Một điểm chung mà các nhật báo Pháp đều nhấn mạnh là hiệp định thương mại quan trọng này được các nước thành viên khối 28 nước ký trong bất đồng vào cuối tháng 10/2016 và hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Theo bài xã luận của La Croix, các nhà đối lập cho rằng hiệp định CETA là phản dân chủ, quá ưu ái các tập đoàn đa quốc gia, không quan tâm đến bảo vệ môi trường hay đe dọa đến nền nông nghiệp Châu Âu.

Ngược lại, Bruxelles lại đề cao lợi ích kinh tế của hiệp định với toàn khối nhằm nhằm tăng thêm 25% trao đổi mậu dịch với Ottawa và khích lệ sự hợp tác về các tiêu chí xã hội và môi trường. CETA là một thách thức quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu vì sẽ cho phép khối thúc đẩy việc ký kết nhiều thỏa thuận khác đang trong quá trình đàm phán, qua đó nâng cáo vị trí của Châu Âu trước một Hoa Kỳ đang có khuynh hướng thu mình sau khi nhà tỉ phú dân túy Donald Trump được bầu làm tổng thống.

Cũng có cùng nhận định trên, Le Figaro đăng trên trang nhất : "Châu Âu đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ". Theo bài viết mang tựa "Donald Trump đang làm đảo lộn trật tự kinh tế thế giới", những đe dọa bảo hộ của tổng thống Mỹ khiến các đối tác lo sợ, còn Bruxelles lo ngại một cuộc chiến thương mại "tai hại" có nguy cơ xảy ra.

Tướng Micheal Flynn từ chức, thất bại đầu tiên của Nhà Trắng

Chuyển sang thời sự Hoa Kỳ, sự kiện cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, tướng Micheal Flynn, phải từ chức ngày 13/02/2017 đều được các nhật báo Pháp đề cập.

Với Le Monde, "Quyết định từ chức đầu tiên ở Nhà Trắng" chưa đầy một tháng kể từ khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ phản ánh cuộc khủng hoảng đầu tiên của chính quyền mới.

Còn Le Figaro nhận định "Trump vướng vào hồ sơ Nga". Tướng Micheal Flynn phải đối mặt với hai cáo buộc. Thứ nhất là vi phạm luật 1799 của Mỹ khi can thiệp vào một vụ tranh chấp giữa Hoa Kỳ và một quốc gia khác, trong khi ông được ủy quyền để đàm phán với một chính phủ nước ngoài. Tướng Micheal Flynn đã tiếp xúc với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ sau khi chính quyền Barack Obama quyết định trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga để trả đũa việc Moskva nhúng tay vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sau đó, tổng thống Putin gây bất ngờ khi quyết định không trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao nào của Mỹ khỏi nước Nga.

Thế nhưng, cáo buộc quan trọng hơn cả là ông đã nói dối, trước công chúng và kể cả trong khuôn khổ riêng tư với các quan chức của Nhà Trắng, khi khẳng định rằng cuộc chuyện trò với đại sứ Nga không nhắc đến vấn đề trừng phạt. Dĩ nhiên, phó tổng thống Pence phật lòng vì đã công khai bảo vệ tướng Flynn trên các phương tiện truyền thông.

Libération nhận định sự ra đi của một nhân vật trung thành với tổng thống chứng tỏ những thất bại của một chính quyền mà hiện một số thành viên đang nằm trong tầm ngắm của tổng thống. Vậy "Sau khi Michael Flynn từ chức, sẽ đến lượt ai trong nhóm của Trump ?", tờ báo đặt câu hỏi. 

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)