Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/06/2018

Điểm báo Pháp - Trump đẩy Bắc Kinh ra bên lề hồ sơ Bắc Triều Tiên

RFI tiếng Việt

Hội nghị Singapore : Trump đẩy Bắc Kinh ra bên lề hồ sơ Bắc Triều Tiên

Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim hôm qua 12/06/2018 tại Singapore tất nhiên là đề tài chính của các báo Paris ra ngày hôm nay. Trang nhất báo chí Pháp đồng loạt đăng ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với nhiều góc độ khác nhau.

singpapore1

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bên cạnh chiếc Boeing của Air China tại Singapore. Bộ Truyền thông và thông tin, Singapore/Handout vi

Le Monde chạy tựa "Trump-Kim, cuộc gặp lịch sử", với tấm ảnh hai ông đang bắt tay nhau, phía sau là những lá cờ của hai nước. La Croix chụp cận cảnh hơn, với câu hỏi "Một cuộc gặp thượng đỉnh, và sau đó thì sao ?". Tương tự, Le Figaro đăng ảnh ông Trump và ông Kim giơ cao văn bản đã ký kết, với dòng tựa "Sau thượng đỉnh, là lúc để đặt ra những câu hỏi". Libération nhận định "Thượng đỉnh Kim-Trump, một lịch sử mơ hồ".

Đa số bài báo đều nhấn mạnh đến kết quả còn mông lung của cuộc gặp, với cùng nhận định là Kim Jong-un đã được ông Donald Trump tặng cho một món quà quan trọng, còn phía Mỹ chẳng được gì.

Ngoài những cái bắt tay, những nụ cười và tuyên bố hữu nghị, chỉ có hai loan báo mang tính cụ thể. Một là việc phá hủy địa điểm thử nguyên tử của Bắc Triều Tiên, hai là tuyên bố ngưng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn của ông Trump, mà không báo trước cho đồng minh Hàn Quốc. Các báo ghi nhận thậm chí tổng thống Mỹ còn gọi hoạt động tập trận này là "khiêu khích" - từ ngữ mà Bình Nhưỡng vẫn sử dụng lâu nay !

Còn lại là sự dàn cảnh nhằm đánh dấu tính chất lịch sử. Từ những lời trao đổi đầu tiên, đến việc đi dạo và giới thiệu cho lãnh đạo Bình Nhưỡng chiếc xe "Quái thú"…các phương tiện truyền thông đã trực tiếp đưa những hình ảnh liên tục năm tiếng đồng hồ. Kênh ABC còn cho ngưng chương trình truyền hình thực tế "The Bachelorette" để chiếu cái bắt tay đầu tiên giữa Donald Trump và Kim Jong-un, kéo dài 13 giây.

Hơi sớm cho "Nobel hòa bình" !

Trong bài xã luận, cây bút Arnaud De La Grange của Le Figaro cho rằng có lẽ ông Donald Trump coi sự kiện lịch sử này không khác cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Richard Nixon năm 1972, và từ "ngoại giao bóng bàn" nay đã thành "ngoại giao bóng rổ". Thượng đỉnh Singapore có phải là một sự đột phá như Nixon thời đó ? Hiện chưa ai có thể khẳng định, nhưng "thỏa thuận lịch sử" lần này giống như một bản tuyên bố ý định hơn, mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tiễn.

Chú ý đến ý nghĩa của ngôn từ, tác giả ghi nhận, văn bản được ký kết chỉ có từ "hướng về" - về việc phi hạt nhân hóa - nhưng không có lịch trình cũng như khẳng định cụ thể. Còn những từ "toàn bộ, không thể đảo ngược và phải được kiểm tra" lại chẳng thấy đâu. Ông Trump đã trao cho Kim Jong-un rất nhiều thứ, trước hết là tư cách một nhà lãnh đạo không còn bị ruồng bỏ, nhưng phía Washington nhận lại chẳng bao nhiêu.

Danh sách những lời hứa bị chối bỏ trong quá khứ của Bình Nhưỡng rất dài, tuy nhiên có thể hiểu được. Bắc Triều Tiên không có bom nguyên tử cũng giống như Miến Điện của tập đoàn quân sự. Có nghĩa là chẳng có mấy sức nặng trên trường quốc tế. Với Kadhafi, Kim Jong-un đã cảm nhận được số phận đang rình rập các nhà độc tài không có vũ khí hạt nhân. Và với việc ông Trump quẳng hiệp định nguyên tử Iran vào sọt rác, Bắc Triều Tiên cũng thấy được giá trị các cam kết Mỹ của như thế nào, khi không còn bị hỏa tiễn đe dọa. Tác giả kết luận, có lẽ hơi sớm để đề nghị giải Nobel hòa bình cho những người bạn mới của Singapore.

Bắc Kinh sợ Bình Nhưỡng xích gần với phương Tây

Đối với thông tín viên Cyrille Pluyette của Le Figaro tại Bắc Kinh, đây là một tin tốt đẹp cho Trung Quốc, vốn bị ám ảnh bởi giả thiết Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên khiến chế độ sụp đổ. Đất nước Triều Tiên thống nhất, đồng minh Hàn Quốc và quân đội Mỹ bỗng ở sát cạnh biên giới. Tuy nhiên các nhà quan sát vẫn tỏ ra thận trọng.

Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông : "Bắc Kinh rất sợ Bắc Triều Tiên tiến quá gần Hoa Kỳ, và giữ khoảng cách với Trung Quốc. Điều này đe dọa sự thống trị của Trung Quốc tại Đông Bắc Á". Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) ở Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa nhận định : "Trung Quốc sẽ tiếp tục xích lại gần Bắc Triều Tiên, để Bình Nhưỡng khỏi nghiêng sang Hoa Kỳ".

Sự bùng nổ hoạt động thương mại với Bắc Triều Tiên đã kiến kinh tế vùng biên giới Trung-Triều thịnh vượng. Nhưng theo ông Cabestan : "Song song đó, Trung Quốc cũng sợ khi dành ưu tiên cho phát triển kinh tế, Bình Nhưỡng sẽ mở cửa cho Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây, trở nên ít lệ thuộc hơn vào người láng giềng khổng lồ".

Le Mondeghi nhận, tuy Trung Quốc không được mời tham dự thượng đỉnh, nhưng chính là một chiếc Boeing 747 của Air China đã đưa Kim Jong-un đến Singapore. Được lọt vào ống kính toàn thế giới, logo của hãng hàng không Trung Quốc như một biểu tượng cho tình hữu nghị vừa tìm lại giữa ông anh lớn Bắc Kinh với đàn em Bình Nhưỡng.

Món quà của ông Trump cho Bắc Triều Tiên

Nhà phân tích Pierre Rigoulot trên Le Figaro nhận định : "Nhờ ông Trump mà Trung Quốc không còn là thẩm phán trong hồ sơ Bắc Triều Tiên".

Cuộc gặp Donald Trump và Kim Jong-un không đạt đến một thỏa thuận thực sự về giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, cho dù các tuyên bố chính thức được đưa ra với giọng điệu chiến thắng. Tổng thống Mỹ muốn Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí nguyên tử "toàn bộ, không thể đảo ngược và phải được kiểm tra". Nhưng bằng cách nào ? Đem các quả bom ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên hay vô hiệu hóa chúng, cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) vào thanh tra trên toàn quốc ?

Phía Kim Jong-un chỉ nói là kho vũ khí của mình sẽ không còn được sử dụng nếu "an ninh"Bắc Triều Tiên được bảo đảm. Tác giả đặt câu hỏi, có nên hiểu là người Mỹ sẽ phải từ bỏ liên minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc ? Seoul có phải nói không với số vũ khí của mình hay không ? Bình Nhưỡng vẫn mập mờ.

Nhưng tệ hơn nữa là bản thân các đề nghị của Mỹ đã lỗi thời. Bắc Triều Tiên nay biết chế tạo cả bom A lẫn bom H, chẳng có ủy ban kiểm soát nào tước đi được của họ kiến thức này. Bình Nhưỡng đã đạt đến ngưỡng chẳng thể quay lại. Phá hủy vũ khí hạt nhân, thì chẳng bao lâu họ lại sản xuất ra được. Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Triều Tiên ghi trong Hiến pháp đất nước mình là cường quốc nguyên tử.

Tuy nhiên cả Donald Trump lẫn Kim Jong-un đều có lợi khi duy trì cuộc gặp ở Singapore. Đối với Bắc Triều Tiên, đây là việc "câu giờ". Với hàng loạt hành động nhằm chứng tỏ thiện chí (trả tự do cho tù nhân Mỹ, phá hủy địa điểm nguyên tử trước ống kính truyền thông, thanh trừng các cá nhân cứng rắn…), Bình Nhưỡng tránh được nguy cơ Mỹ tấn công. Tuy vậy có thể nghi ngờ là các kỹ thuật viên Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục tìm cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào hỏa tiễn.

Một lợi ích khác : Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un được nhìn nhận là một Nhà nước quan trọng, và người đứng đầu trở thành một chính khách có thể tiếp xúc được. Bên cạnh đó, cuộc gặp Singapore còn mang lại thuận lợi về kinh tế, tài chính cho chế độ. Những người ngây thơ nghĩ đến việc đền bù thiện chí của Bình Nhưỡng, thậm chí viện trợ ; còn Nga, Trung Quốc đã ít nhiều làm ngơ cho các vụ buôn lậu ở biên giới Triều Tiên, và kêu gọi bỏ cấm vận.

Donald Trump đẩy Trung Quốc ra ngoài lề hồ sơ Bắc Triều Tiên

Còn đối với Donald Trump, từ nay nhiều người sẽ coi ông là nhân vật đã làm tiến triển tình hình, ngược với "sự kiên nhẫn chiến lược" của Obama. Nhưng đặc biệt, cuộc họp tay đôi ở Singapore đã giúp Trump bỏ Trung Quốc ra ngoài lề.

Tổng thống Mỹ lâu nay vẫn trông cậy vào Tập Cận Bình, nhưng Trung Quốc vẫn chỉ hạn chế ở những lời chỉ trích, bỏ phiếu cho trừng phạt giới hạn và áp dụng cho có lệ. Donald Trump trả thù bằng cách từ chối vai trò "thẩm phán hòa bình" của Bắc Kinh, một vai trò mà Trung Quốc vẫn đóng một cách thích chí trong các cuộc họp sáu bên thời gian qua.

Kim Jong-un tuy đã làm an tâm Bắc Kinh qua hai chuyến viếng thăm gần đây, nhưng thượng đỉnh Singapore là một sự chứng tỏ tính độc lập với nhà bảo hộ Trung Quốc. Bắc Triều Tiên với chủ nghĩa dân tộc cao độ, đã chán ngán với quan hệ chư hầu mà Trung Quốc đang duy trì với nhiều nước láng giềng khác nhau.

Tác giả kết luận, tuy không ai muốn củng cố sức mạnh một Nhà nước toàn trị, nhưng đây là sự khởi đầu đáng mừng cho nhân dân Bắc Triều Tiên cũng như thế giới. Và cũng là một trận đấu Mỹ-Trung đầu tiên, dù ít người nhận ra.

Bà Ngụy Thị Khanh, người Việt được giải Goldman môi trường 2018

Cuối cùng xin dành cho chân dung một người Việt trên báo Libération : bà Ngụy Thị Khanh, 42 tuổi, người được trao giải Goldman về môi trường năm 2018.

Bà Khanh thành lập tổ chức phi chính phủ (NGO) Green ID năm 2011, vào lúc chính phủ Việt Nam công bố kế hoạch năng lượng 2020-2030. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao về điện năng, các chuyên gia của đảng muốn gia tăng việc sử dụng than đá và nguyên tử, còn năng lượng tái tạo chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn. Green ID là một trong những NGO hiếm hoi ở Việt Nam điều tra về sự cạn kiệt năng lượng hóa thạch, và là người đầu tiên báo động "sự nguy hiểm của than đá".

Bà Khanh đấu tranh với những bằng chứng cụ thể, các xì-căng-đan ô nhiễm, liên tục tổ chức những cuộc hội thảo. Đồng thời nhắm vào những người phụ nữ trong gia đình – những bà mẹ khi hiểu được vấn đề sẽ hành động và giáo dục con cái. Đến năm 2015, một báo cáo của đại học Havard được công bố : nếu Việt Nam duy trì các dự án sử dụng than đá, mỗi năm có 20.000 người sẽ bị chết sớm. Đến đầu năm 2016, Hà Nội giảm số nhà máy nhiệt điện được xây dựng, bà Ngụy Thị Khanh kể lại, "chúng tôi đã khóc vì vui mừng".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 568 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)