Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/06/2018

Điểm báo Pháp - Trump, Macron, Erdogan và nhập cư

RFI tiếng Việt

Trang nhất báo tuần : Trump, Macron, Erdogan và nhập cư

migrant1

Con tàu Aquarius cứu 106 người nhập cư trên biển vào cảng Valencia, Tây Ban Nha ngày 17/06/2018. Reuters/Heino Kalis

Bốn gương mặt lãnh đạo trên trang bìa 4 tuần báo lớn, tổng thống Pháp trên L’Express, tổng thống Mỹ trên Le Point, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trên L’Obs, và người có triển vọng lên làm tổng thống Mexico trên The Economist : Trọng tâm thời sự được các tạp chí Pháp và Anh tuần này chú ý đều liên quan đến các khuôn mặt đó. Duy nhất Courrier International không chú ý đến các yếu nhân, mà lại đăng ảnh một thuyền nhân Châu Phi trên nền mặt biển, với hàng tựa lớn gây sốc "Nỗi nhục nhã của Châu Âu".

Hồ sơ trang nhất của Courrier International được dành cho cuộc khủng hoảng di dân nhập cư đang đang khuấy động chính trường ở cả Châu Âu lẫn Mỹ. Ngay bên dưới tựa đề mang nặng tính chất phê phán, là một câu hỏi : "Sau vụ chiếc tàu Aquarius, phải chăng vấn đề di dân nhập cư sẽ làm Liên Hiệp Châu Âu thực sự tan vỡ ?".

Đối với tờ báo, tình trạng chia rẽ của Liên Hiệp Châu Âu trên vấn đề nhập cư đã lộ rõ ra ban ngày với hành trình gian nan của chiếc tàu Aquarius, chở hàng trăm thuyền nhân được cứu vớt trên biển, nhưng khi cập bến Châu Âu thì lại bị từ Ý đến Malta từ chối, để rồi sau đó chỉ có Tây Ban Nha là đồng ý nhận.

Xu thế chống nhập cư dâng cao từ Mỹ đến Châu Âu

Trong bài xã luận, Courrier International ghi nhận xu thế chống nhập cư đang dâng cao trong giới lãnh đạo các quốc gia, không chỉ ở Châu Âu, mà đặc biệt ở Mỹ. Tạp chí Pháp cho rằng đây là một thực tế đáng buồn đối với các nền dân chủ.

Về nước Mỹ, Courrier International rất phẫn nộ trước việc trẻ em nhập cư bị tách rời khỏi bố mẹ với nhận định : "Có những điều mà người ta không muốn nghe thấy : Những tiếng khóc than của trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới Mỹ-Mexico. Chính quyền Trump tìm cách biện minh cho chính sách của mình… nhưng cái gì có thể biện minh cho một nước dân chủ - mà di dân nhập cư là nền tảng sáng lập - lại sử dụng những phương thức như thế để làm nản lòng các bậc cha mẹ muốn di cư và mang theo con của họ ?"

Tình hình tại Ý cũng khiến Courrier International bất bình : "Và gần chúng ta hơn, một chính khách dân túy khác, bộ trưởng Ý Matteo Salvini, hy vọng làm nản lòng người di cư. Khi từ chối cho cập bến tàu cứu thuyền nhân Aquarius, tân bộ trưởng nội vụ Ý đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới ở Châu Âu. Với một phương thức nhẫn tâm, ông đã đặt các lãnh đạo khác ở Châu Âu, trong đó có tổng thống Pháp, trước trách nhiệm của họ.

Từ quá lâu rồi, các quốc gia ở vòng ranh ngoài của Châu Âu, ven bờ Địa Trung Hải đã phải đối mặt với vấn đề nhập cư mà không có giải pháp. Biện pháp quota không kết quả. Thủ tục như kiểu đưa ra ở Dublin không hiệu quả, không muốn nói là phi lý. Liệu các lãnh đạo Châu Âu có sẽ tìm ra một giải pháp màu nhiệm trong cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần này hay không ?

Tất nhiên, bà Angela Merkel, mà liên minh cầm quyền đứng trước đe dọa sụp đổ do vấn đề nhập cư, sẽ cố giành được một thỏa thuận. Bà sẽ nhắc lại với các lãnh đạo khác là trên vấn đề nhập cư, giải pháp không thể chỉ là cá biệt. Bộ trưởng nội vụ Đức đã từng trách bà Merkel về việc chọn chủ trương ‘mở cửa’ vào năm 2015.

Ôn cố tri tân, Courrier International cảnh báo : " Vào thời điểm đó, một bức ảnh đã đi vòng quanh thế giới, giống như những tiếng khóc và hình ảnh trẻ em nhập cư ở Mỹ ngày nay. Đó là ảnh một bé trai 3 tuổi, chết và trôi dạt vào một bãi biển. Tên em là Aylan. Làn sóng xúc động lan tỏa khắp hành tinh, nhưng không kéo dài bao lâu".

Châu Âu phải cám ơn Donald Trump

Về tình hình nước Mỹ, tuần báo Pháp Le Point lại đưa tổng thống Donald Trump lên trang nhất, với một hàng tựa ngắn gọn, nhưng hết sức mỉa mai : "Cám ơn Donald !".

Đối với Le Point, nên cảm ơn ông Donald Trump về những hành động phá tan trật tự thế giới được xây dựng vào năm 1945 khi Đồng Minh chiến thắng Đức Quốc Xã. Việc này, theo Le Point có thể được Châu Âu tranh thủ để khẳng được vai trò của mình, điều mà Châu Âu không thể làm được trước đây vì có Mỹ.

Le Point đã phỏng vấn ông Joschka Fisher, cựu ngoại trưởng Đức, người khẳng định rằng : "Rốt cuộc thì Châu Âu phải trở thành một thế lực độc lập".

Trong hồ sơ về tổng thống Mỹ, Le Point đã dành 2 trang để đăng bài phỏng vấn cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, tác giả quyển biên khảo mang tựa để rất gọn Fascism… nghĩa là "Chủ nghĩa phát xít".

Đối với bà Albright, ông Trump không phải là một người Phát xít, nhưng là vị tổng thống thiếu dân chủ nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, có bản năng phi dân chủ. Cựu ngoại trưởng Mỹ giải thích : "Ông ấy đã đào sâu hố chia rẽ trong xã hội, đã tuyên bố rằng báo chí là kẻ thù của nhân dân, không có một chút tôn trọng nào đối với các định chế, nhất là đối với ngành tư pháp".

Macron đối mặt với những lời chỉ trích

Như nói ở trên, tuần báo Pháp L’Express đã giành trang nhất và một hồ sơ 10 trang để nói về thái độ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước những lời chỉ trích.

L’Express không ngần ngại gợi lên "những trục trặc đầu tiên trong chính phủ của ông Macron"mà gần đây nhất là mâu thuẫn giữa bà Agnès Buzyn, bộ trưởng bộ tương trợ và y tế với ông Bruno Le Maire, bộ trưởng kinh tế liên quan đến vấn đề phúc lợi xã hội, hoặc là giữa ông Gérard Collomb, bộ trưởng nội vụ với chính thủ tướng Edouard Philippe trên hồ sơ an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, còn có lời cảnh báo công khai của ba kinh tế gia thân cận với ông Macron từ thời còn vận động tranh cử, lên tiếng quan ngại trước xu thế bị cho là thiên hữu quá mức hiện nay của chính phủ.

Cuối cùng, là lời báo động của chính chủ tịch quốc hội, François de Rugy, lo ngại trước lịch trình ra luật dày đặc, khiến cho các dân biểu phải làm việc quá sức để kịp thông qua các đạo luật.

Theo L’Express, nhịp độ dày đặc nói trên đã gây nên một số cảm nhận tiêu cực, với đa số các văn bản luật không được giải thích cặn kẽ, khiến cho nhiều người không hiểu được là chính phủ muốn làm gì, thậm chí làm việc một cách lộn xộn.

Đối với L’Express, những người thân cận với vị tổng thống trẻ của nước Pháp đang hết sức lo ngại về việc người dân Pháp đang có cảm giác là ông Macron thiếu hòa đồng, lạnh lùng, xa cách, thậm chí còn coi thường người khác.

Mối đe dọa đến từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Tương tự như đồng nghiệp Le Point vào tuần trước, tố cáo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà độc tài đáng ngại, tạp chí L’Obs tuần này cũng mô tả một ông Erdogan đáng sợ nhân cuộc bầu cử mở ra ngày 24/06/2018.

Trên nền một chân dung đen trắng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, vẻ đáng sợ với một nửa khuôn mặt chìm trong bóng tối, tuần báo Pháp chạy tựa "Mối đe dọa Erdogan", và trong một hồ sơ dài 13 trang, đã nhấn mạnh đến các phương thức hành động của vị tổng thống được tờ báo mệnh danh là một "nhà độc tài cơ hội chủ nghĩa".

Đối với L’Obs, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một con người dân tộc chủ nghĩa, có xu hướng Hồi giáo cực đoan, một lãnh đạo chuyên chế đã chèn ép cả đất nước mình, và bỏ tù tất cả những người đối lập, một chiến lược gia nguy hiểm đã vượt qua được mọi cuộc khủng hoảng, và đang coi Châu Âu là trò chơi.

Một phát hiện của L’Obs : "Thổ Nhĩ Kỳ có đến 450 đền thờ Hồi giáo tại Pháp với 150 tu sĩ imam có quy chế công chức".

Văn hóa : Các chiến thắng bề ngoài của Trung Quốc

Trong lãnh vực văn hóa, Courrier International tuần này đã dành một hồ sơ ngắn để thảo luận về việc "Nên chăng trao trả các cổ vật về cho nước xuất xứ".

Trong số nhiều bài viết lý thú, tạp chí Pháp đã lược dịch một bài trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post nói về việc Bắc Kinh đã bị gậy ông lại đập lưng ông với chính sách thu hồi cổ vật Trung Quốc một cách hung hăng.

Ngày 25/04/2013, nhân một buổi đại yến tại Bắc Kinh, mà khách mời là François Hollande, tổng thống Pháp thời đó, tỷ phú Pháp François-Henri Pinault đã cho ông Tập Cận Bình biết ý định trao tặng cho Trung Quốc hai đầu thú bằng đồng, mà lính Pháp và Anh đã lấy đi trong lúc chiếm đóng cung điện mùa hè ở Bắc Kinh, năm 1860. Hai đầu thú này đã chuyền qua nhiều tay trước khi được gia đình nhà tỷ phú mua lại.

Theo ghi nhận của Neville-Hadley trên tờ báo Hồng Kông South China Morning Post, các lãnh đạo Bắc Kinh rất hài lòng. Họ đã xem việc cổ vật bị đánh cắp trở về Trung Quốc là "niềm tự hào dân tộc". Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phải trả giá đắt trong vấn đề này.

Những năm gần đây, nhà nước Trung Quốc đã "tung ra những thủ tục pháp lý vô hiệu", viên chức nhà nước sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để thu hồi những đồ vật bị lấy đi từ cung điện mùa hè (như yêu cầu tịch thu chẳng hạn). Chủ trương này càng khiến những chủ nhân hiện tại của các cổ vật đó tránh đưa vật quý báu ra thị trường làm cho việc tìm lại càng thêm khó khăn.

Theo Neville-Hadley, thái độ hung hăng của Trung Quốc còn có những hệ quả khác : "Các viện bảo tàng nước ngoài thường cho mượn các tác phẩm của họ nhân các cuộc triển lãm. Đối với Bắc Kinh chấp nhận những tác phẩm cho mượn đó có nghĩa là công nhận nó thuộc quyền sở hữu của người ngoài. Do đó với chiến dịch mang tính chính trị của chế độ khiên các trao đổi văn hóa này không thể thực hiện, cho dù một số vật cổ đã được mua lại một cách hợp pháp từ những người Trung Quốc".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 743 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)