Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/06/2018

Biển Đông và thương mại : đường banh rối loạn trong nội bộ Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Giới lãnh đạo Trung Quốc ‘loạn trí’ vì ‘loạn sách’ thương mại của Tổng thống Mỹ (RFI, 29/06/2018)

Trong đối sách với Trung Quốc, tổng thống Mỹ ngày càng có thêm những tuyên bố dữ dội trong lãnh vực thương mại, như đe dọa đánh thuế trên hàng trăm tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, cực lực tố cáo Bắc Kinh đánh cắp công nghệ Mỹ. Bên cạnh đó ông lại có một số cử chỉ hòa dịu bất ngờ, như thúc đẩy việc cho phép tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE tiếp tục làm ăn tại Mỹ.

tq1

Ảnh minh họa : Container hàng chồng chất ở cảng Paul W. Conley, Boston, Massachusetts. Ảnh ngày 9/05/2018. Reuters/Brian Snyder

Theo nhận định của báo mạng Mỹ Politico, mục tiêu mà tổng thống Mỹ nhắm tới là buộc Bắc Kinh phải chấp nhận các đòi hỏi về thương mại của Washington, vấn đề là không ai biết ông Trump thực sự muốn gì, kể cả giới lãnh đạo Trung Quốc, được cho là "hoàn toàn mù mịt trước những yêu sách thương mại" của vị tổng thống Hoa Kỳ.

Tờ báo Mỹ ghi nhận là các hành động của ông Trump đầy mâu thuẫn. Tuần này thì ông tố cáo những mối đe dọa an ninh mà tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE đặt ra cho nước Mỹ, nhưng tuần sau thì ông đồng ý bãi bỏ một lệnh cấm làm ăn với tập đoàn này. Ông phàn nàn về thất thu thương mại với Trung Quốc, nhưng lại bác bỏ đề nghị của Trung Quốc với chính các quan chức Mỹ là sẽ mua thêm hàng tỷ đô la hàng hóa Mỹ.

Đối với Politico, đằng sau những hư chiêu và những cú thúc, Donald Trump đã nêu lên nhiều vấn đề đến nỗi khó mà hiểu được những ưu tiên thực thụ của ông.

Chiến thuật này được rút thẳng từ quyển "Nghệ Thuật Thương Lượng - The Art of the Deal" mà ông Trump là tác giả và có thể tóm lược như ông nói : "Tôi đặt mục tiêu rất cao và cứ đẩy tới, đẩy tới cho đến khi đạt được cái mà tôi theo đuổi".

Một số người cho rằng đó không phải là cách dùng được khi thương lượng với một siêu cường, nhưng nhìn lại thì nó cũng đã khiến lãnh đạo Trung Quốc ngày càng hoang mang về ý muốn thực sự của ông Trump, vào thời điểm then chốt khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới như sắp lao vào một cuộc chiến thương mại lâu dài.

Theo Derek Scissors, thuộc viện nghiên cứu American Enterprise Institute, Trung Quốc đã "hoàn toàn bị bối rối" vì lẽ nếu không có yêu cầu rõ ràng thì họ không thể đề nghị gì nhiều. Khi nhượng bộ, Bắc Kinh phải được cái gì đó, "nhưng lại không biết sẽ được gì vì Mỹ không thấy có một chiến lược gì".

Các quan chức Trung Quốc càng lúc càng tỏ rõ thái độ tức tối.

Phát biểu hôm 19/06 tại Viện Nghiên Cứu Mỹ-Trung Quốc (Institute for China-America Studies), tham tán công sứ Đại Sứ Quán Mỹ ở Washington đã lên tiếng : "Chúng tôi kêu gọi các đối tác Mỹ tỏ rõ tính xác tín và nhất quán… Khi đã đồng ý rồi thì phải giữ lời".

Đến hôm 22/06, Cao Phong, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ là "thất thường".

Cách tiếp cận hung hăng của ông Trump đã đi ngược lại với chính sách Mỹ áp dụng với Trung Quốc từ hơn một thập niên qua.

Chính sách này bao gồm các cuộc thương lượng trên một loạt vấn đề thương mại được tiến hành hàng năm để thúc đẩy tiến bộ bằng cách thuyết phục Trung Quốc rằng mở rộng cửa kinh tế là trong quyền lợi của họ. Chiến thuật này có kết quả rất chậm và hạn chế.

Ý của ông Trump muốn đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc được hậu thuẫn của các tập đoàn và giới lao động Mỹ, vốn rất mong có kết quả nhanh hơn và to lớn hơn. Nhưng các nhà lão luyện về thương lượng quốc tế hoài nghi về hiệu quả, trừ phi là có mục tiêu rõ ràng.

Bill Reinsch, cố vấn cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, cho rằng : "Đúng là họ có một kế hoạch, nhưng tôi không nghĩ là nó hữu hiệu. Kế hoạch là luôn lấn tới mạnh hơn, đòi hỏi mọi thứ và không cho gì cả".

Chính sách phi thị trường của Trung Quốc

Theo nhận định các chuyên gia thì cấu trúc nền tảng của kinh tế Trung Quốc là điều khiến nhiều công ty Mỹ luôn luôn than phiền, và đó là điều sẽ không thay đổi trong vài tuần, thậm chí cả tháng.

Bắc Kinh đã buộc các công ty Mỹ phải vượt qua nhiều cửa ải hơn là công ty trong nước. Rồi còn có gián điệp tin học, rồi ăn cắp bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế. Chính quyền Trung Quốc còn tài trợ cho các tập đoàn của mình ở quy mô lớn, đảm bảo cho họ bán sản phẩm thấp hơn giá thị trường.

Tất cả những chính sách đó đã được Cơ Quan Đại Diện Thương Mại Mỹ xác định thành lý do để áp thuế mới trên 50 tỷ đô la hàng nhập của Trung Quốc. Nhưng các nhà quan sát lo ngại rằng ông Trump sẽ quá tập trung trên thất thu thương mại với Trung Quốc, mà lơ là việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Scissors : "Đó là một tiến trình nhiều năm với nhiều đau đớn".

Về phía Trung Quốc, các quan chức cũng cùng chung suy nghĩ là cuộc đàm phán sẽ mất nhiều thời gian. Viên tham tán công sứ tại Đại Sứ Quán Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán, cho dù đó là trên vấn đề thâm thủng mậu dịch hay trên vấn đề cơ cấu kinh tế.

Đọ sức "áp thuê"

Như để làm tình hình rối thêm, nhiều quan chức Mỹ cao cấp thú nhận rằng họ không lúc nào biết được là ông Trump sẽ nói gì hay làm gì về thương mại.

Tình trạng mơ hồ này, theo báo Mỹ Politico, đã khiến các cố vấn của ông Trump đua nhau thu hút chú ý của ông, tìm cách tác động lên ông, dẫn tới những chiến thuật khác nhau và thông điệp không rõ ràng…

Trong lúc đó, Mỹ Trung tiếp tục đọ sức : các loại thuế mới của Mỹ đối với Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh nhượng bộ, được thiết kế để đáp trả lại việc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ, với một mũi nhắm vào chính sách mà Trung Quốc đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ.

Trung Quốc đáp trả các biện pháp thuế này bằng cách lên kế hoạch áp thuế trên hàng Mỹ, tương ứng với quy mô các biện pháp của chính quyền Mỹ. Thế rồi ông Trump lại trả đũa, đe dọa áp thuế lên 450 tỷ đô la hàng Trung Quốc, trong lúc chính quyền có kế hoạch giới hạn đầu tư của Trung Quốc.

Phản ứng từ phía ông Trump đã khiến giới chức Trung Quốc ngỡ ngàng. Taiya Smith, chuyên viên thời cựu bộ trưởng Tài chính Hank Paulson phụ trách các cuộc đàm phán thương mại chính thức giữa Washington và Bắc Kinh, được gọi là Đối Thoại Kinh Tế Chiến Lược, tiết lộ : "Càng ngày càng có nhiều người có trách nhiệm khá cao ở Trung Quốc yêu cầu tôi giải thích những gì đang diễn ra".

Theo Politico, vấn đề đặt ra tuy nhiên dù Trung Quốc muốn nhượng bộ, nhưng họ không biết nhượng bộ cái gì và đến đâu mới đủ.

Hơn nữa, theo tờ báo, tài liệu rõ ràng nhất về các đòi hỏi của Mỹ trông giống như những yêu cầu trong các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do toàn diện, hơn là một thỏa thuận nhắm mục tiêu ngăn chặn việc áp đặt các loại thuế quan trừng phạt…

Ngoài ra, bản thân ông Trump cũng góp phần làm cho toàn cảnh phức tạp thêm. Ông khẳng định đòi Trung Quốc phải chấm dứt việc làm cho Mỹ thâm hụt thương mại 500 tỷ đô la một năm, đình chỉ việc ăn cắp 300 tỷ đô la khác về sở hữu trí tuệ của Mỹ. Thế nhưng vào tháng trước ông lại quyết định ra tay cứu giúp đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE, mà các chuyên gia chính sách cho rằng là một ví dụ điển hình về các công ty Trung Quốc vi phạm pháp luật.

Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner thuộc đảng Dân Chủ là một trong số nhiều người dã chỉ trích động thái đó của ông Trump là không nhất quán với nỗ lực tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc mà chính quyền Trump chủ trương.

Mai Vân

*******************

Úc : Luật chống nước ngoài can thiệp đặt Bắc Kinh trong tầm nhắm (RFI, 29/06/2018)

Trễ hơn hai ngày so với dự kiến, Quốc hội Úc hôm 28/06/2018 đã thông qua các luật lệ sâu rộng trong lãnh vực chống gián điệp và chống lại việc các chính quyền nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước Úc. Đối với giới phân tích, dù không bị nêu tên, nhưng đối tượng mà Úc muốn đề phòng bằng đạo luật mới này chính là Trung Quốc, đã bị công luận Úc tố cáo là âm mưu lũng đoạn nội tình chính trị nước Úc

tq2

Ảnh minh họa : Thủ tướng Úc Malcom Turnbull dự Ngày truyền thông mạng của Hội Đồng Kinh Doanh Trung Úc, tổ chức tại Nghị Viên ở Canberra. Ảnh ngày 19/06/2018. Reuters

Theo nội dung các luật mới được thông qua, định nghĩa về hoạt động tình báo gián điệp có thể bị trừng phạt đã được mở rộng để bao hàm cả các hành vi gián điệp công nghiệp và thương mại. Luật mới còn cấm các "tác nhân nước ngoài – foreign agents" gây ảnh hưởng trên các chính khách, tổ chức xã hội dân sự, truyền thông và các cộng đồng sắc tộc.

Luật mới cũng quy định là các cá nhân, tổ chức vận động hành lang cho nước ngoài phải khai báo mối liên hệ này và đăng ký với chính quyền và sẽ chịu trách nhiệm hình sự nếu can thiệp vào vấn đề nội bộ của Úc.

Khi đệ trình các dự luật nêu trên tại Quốc hội Úc vào cuối năm 2017, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã giải thích rằng những cải cách sâu rộng mà ông mong muốn xuất phát từ tình hình "Các cường quốc nước ngoài đang nỗ lực chưa từng thấy với những mưu toan ngày càng tinh vi để tác động đến tiến trình chính trị, cả tại Úc lẫn ở nước ngoài".

Thủ tướng Úc khẳng định rằng ông không hề nhắm vào một cường quốc cụ thể nào, nhưng chỉ sau đó ít lâu, ông đã trích dẫn "nhiều bản phúc trình đáng ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc", nêu bật trường hợp một chính khách Úc làm "ví dụ rõ nét" về trường hợp một cá nhân nhận tiền của nước ngoài và sau đó bị cáo buộc là quảng bá cho lập trường chính trị của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước các động thái của Úc, phủ nhận các cáo buộc rằng Trung Quốc can thiệp vào nội tình nước Úc, cảnh cáo Canberra về việc làm xấu đi quan hệ song phương.

Trọng Nghĩa

****************

Biển Đông và Đài Loan : 2 hồ sơ thách thức quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung (RFI, 29/06/2018)

Trước khi đặt chân xuống Bắc Kinh ngày 26/06/2018 trong một chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thời tổng thống Donald Trump, ông James Mattis đã có những lời lẽ hòa dịu hẳn với Trung Quốc. Tương tự như vậy, phía Bắc Kinh cũng có những tuyên bố rất ngoại giao, kêu gọi hai bên tăng cường đối thoại.

tq3

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đến Bắc Kinh ngày 26/06/2018. WANG ZHAO / AFP

Những dấu hiệu hòa hoãn này được tung ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trên đường đi đến Trung Quốc, ông James Mattis, một người nổi tiếng là hay nói thẳng, đã có thái độ thận trọng, tránh hẳn những vấn đề có thể gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.

Ông xác định rằng ông đến Trung Quốc để đối thoại, và tìm kiếm "một cuộc đối thoại thông thoáng" ở cấp chiến lược với giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Lời khẳng định của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã lập tức được phía Trung Quốc hoan nghênh. Dù không tránh khỏi thói quen hù dọa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tiếng nói của phe diều hâu tại Bắc Kinh vào hôm nay nhận định rằng "chuyến công du của ông Mattis chứng tỏ là chính quyền Trump vẫn sẵn sàng mở đối thoại quân sự với Trung Quốc".

Đối với tờ báo, việc nói chuyện với nhau sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai nước và "tốt hơn là nhắm mắt suy đoán về tham vọng chiến lược của đối phương".

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cũng tỏ ý tin tưởng rằng quan hệ giữa hai quân đội luôn luôn một thành tố quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung, bất chấp những vấn đề khác mà hai nước đang trải qua.

Điều được hãng tin Anh ghi nhận tuy nhiên lại là bên cạnh những lời lẽ ngoại giao kể trên, trước lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Bắc Kinh, báo chí Trung Quốc đã loan tin là chiến hạm Trung Quốc trong hơn một tuần lễ ngày nào cũng tập trận chiến đấu trên vùng biển gần Đài Loan, trong lúc Không Quân Trung Quốc thường xuyên diễn tập trên không phận gần đảo.

Thông tin này được loan báo vào lúc chính quyền của tổng thống Trump trong thời gian gần đây đã liên tiếp có những quyết định cụ thể để bày tỏ lập trường ủng hộ Đài Loan, từ việc nâng cấp và mở rộng cơ sở được coi là đóng vai trò một đại sứ quán Mỹ ở Đài Bắc, bán thêm vũ khí cho Đài Loan, bật đèn xanh cho các quan chức Mỹ thăm đảo.

Theo các thông tin báo chí, Washington còn thậm chí không loại trừ việc cho chiến hạm đi ngang eo biển Đài Loan, một hành động hết sức khiêu khích đối với Bắc Kinh.

Ngoài vấn đề Đài Loan, hồ sơ Biển Đông cũng là một cái gai quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung. Chính là để phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp những lời hứa của ông Tập Cận Bình với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, mà Lầu Năm Góc đã quyết định thôi không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC do Hoa Kỳ tổ chức trên Thái Bình Dương, hai năm một lần.

Quyết định này của Mỹ lại càng nhức nhối hơn đối với Bắc Kinh vì không biết là vô tình hay hữu ý mà thời điểm ông James Mattis thăm Trung Quốc lại trùng hợp với lúc khai mạc cuộc tập trận RIMPAC mà Bắc Kinh không còn được mời tham gia.

Hai hồ sơ Biển Đông và Đài Loan chắc chắn sẽ được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đề cập đến với phía Trung Quốc trong chuyến công du, cho dù một trong những trọng tâm của chuyến thăm cũng là hồ sơ Bắc Triều Tiên, với phía Mỹ muốn Trung Quốc cam kết tiếp tục duy trì sức ép trên Bình Nhưỡng để chế độ Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Đây chính là một trong những tương đồng lợi ích chiến lược hiếm hoi giữa Mỹ và Trung Quốc mà ông James Mattis hy vọng sẽ khai thác được.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 1093 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)