Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/07/2018

Khối NATO có thể tan vỡ vì Donald Trump không muốn Mỹ ôm đồm

RFI tiếng Việt

NATO trước áp lực bị chia rẽ bởi chính sách bất cần đồng minh của Donald Trump (RFI, 09/07/2018)

Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO mở ra ngày thứ Tư 11 và thứ Năm 12/07 tuần này tại Bruxelles với sự tham dự của tổng thống Mỹ. Các lãnh đạo NATO, nhất là những thành viên Châu Âu, lo ngại nguy cơ quan hệ đồng minh thêm chia rẽ bởi tính khí khó lường của ông Donald Trump, người luôn hoài nghi tính thiết yếu của liên minh quân sự này và ám ảnh với đòi hỏi đồng minh chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng.

nato1

Tổng thống Mỹ, Donald Trump trong một cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ ngày 25/05/2017. Reuters/Jonathan Ernst/File Photo

Mối lo của các nước Châu Âu càng rõ nét khi ông Trump sẽ nối tiếp thượng đỉnh NATO bằng cuộc gặp lịch sử với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki Phần Lan ngày 16/07 mà tại đó nhiều nhà quan sát dự đoán có thể tổng thống Mỹ sẽ có những nhượng bộ với tổng thống Nga.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly thừa nhận sự căng thẳng của kỳ thượng đỉnh này khi cho biết : "Tôi cho rằng tổng thống Mỹ sẽ gây một áp lực rất lớn lên các đồng minh, đặc biệt là các nước Châu Âu".

Cuối tháng 6 vừa qua, ông Trump đã gửi thư cho lãnh đạo 9 nước thành viên NATO, trong đó có Đức, Canada và Na Uy, nhắc lại sự bất mãn của Washington đối với các nước không tuân thủ các nghĩa vụ của họ là phải tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời tổng thống Donald Trump đòi các đồng minh đó tôn trọng cam kết đến năm 2024 tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP.

Một nhà ngoại giao ẩn danh của Châu Âu, báo trước "cuộc họp thượng đỉnh này sẽ nặng nề". Còn một quan chức khác trong Liên minh thì nói thẳng "sự thành công của thượng đỉnh phụ thuộc vào tính khí của ông Donald Trump". Đã không ít lần tính thất thường cùng những tuyên bố bộc phát của tổng thống Mỹ ít nhiều động chạm đến lợi ích an ninh của Châu Âu.

Theo ông Pierre Vermon, nguyên là nhân vật số 2 của Ngoại giao Châu Âu, cuộc gặp đầu tiên của tổng thống Mỹ với đồng nhiệm Nga, chỉ vài ngày sau, "với ông Trump còn quan trọng hơn nhiều thượng đỉnh NATO".

Chuyên gia William Galston thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution nhận định "các nước Châu Âu có lý do để lo ngại" về cuộc gặp Trump-Putin. Nhà phân tích này đồ rằng biết đâu ở Helsinki ông Trump lại chẳng đưa ra những thông báo về những vấn đề không hề được bàn thảo với các đồng minh trong thượng đỉnh NATO ? Thậm chí, các nước thành viên trong khối liên minh này còn lo ngại ông Trump có thể tìm kiếm thỏa thuận nào đó với lãnh đạo Nga vì lợi ích của Mỹ và sau đó các đồng minh buộc phải làm theo.

Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc hồi tháng 6 vừa qua đã để lại mối bất đồng sâu sắc giữa các nước Châu Âu và Mỹ, đồng thời cho thấy thái độ bất cần quan hệ đồng minh của tổng thống Trump như thế nào.

Trong khi đó chuyên gia Mỹ Thomas Carothers, phó chủ tịch Quỹ Carnegie dự báo : "Mục tiêu của Putin là chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh Châu Âu và chia rẽ các nước Châu Âu. Ông ta sẽ lấy làm thích thú thấy điều đó tại thượng đỉnh NATO".

Bộc lộ chia rẽ là mối ám ảnh của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Những căng thẳng với tổng thống Trump càng trở nên bức bối trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh này sẽ phải ra được các quyết định quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của NATO để đối phó với đe dọa mà khối này cho là đến từ nước Nga.

Các đồng minh sẽ lập ra hai bộ chỉ huy quân sự mới : một để bảo vệ con đường hàng hải trên Đại Tây Dương và một để điều phối luân chuyển đóng quân ở Châu Âu. Ngoài ra còn một kế hoạch khác để tăng cường khả năng triển khai nhanh của NATO trong trường hợp khủng hoảng. Nhưng chia rẽ trong nội bộ sẽ khiến các quyết định đó không còn là vấn đề ưu tiên bàn thảo.

Chuyến công du của tổng thống Mỹ tới Bruxelles tối ngày 10/07 và sau đó 6 ngày lên đường tới Helsinki rất có thể sẽ làm định hình lại ít nhiều quan hệ giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Các đồng minh Châu Âu sẽ không cảm thấy thua thiệt gì trong đó nếu họ tìm được sự đoàn kết, chủ động và năng lực để tự quyết số phận của chính mình.

Anh Vũ

******************

Liệu Donald Trump có khả năng nhớ bài học thượng đỉnh Reykjavik ? (RFI, 09/07/2018)

Trong một bài nhận định trên báo Le Monde ngày 04/07/2018, cây bút xã luận Sylvie Kauffmann, cho rằng Donald Trump dường như đã lấy cảm hứng từ cuộc gặp Reagan-Gorbatchev diễn ra năm 1986 tại Reykjavik để tiến hành cuộc gặp với Vladimir Putin tại Helsinki ngày 16/07. Tuy nhiên, tác giả đặt câu hỏi liệu nguyên thủ Hoa Kỳ có đủ khả năng áp dụng bài học này hay không ?

nato2

Tổng thống Nga, Vladimir Putin và đồng nhiệm Mỹ, Donald Trump tại thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, Việt Nam ngày 11/11/2017. Reuters/Jorge Silva

Tại phía bắc thành phố Reykjavik, thủ đô Iceland, có một ngôi nhà nhỏ mầu trắng, mái lợp ngói đá đen. Ngôi nhà xinh xinh đó được xây vào năm 1909 cho tòa lãnh sự Pháp, đã được một thi hào người Iceland mua lại, để rồi sau đó trở thành tòa đại sứ Anh Quốc.

Một tấm biển bằng đá gra-nit giải thích vì sao vào năm 1986, ngôi nhà nhỏ nhắn này bỗng trở nên nổi tiếng toàn cầu : Chính tại nơi đây, vào ngày 11 và 12/10 năm đó, đã diễn ra cuộc gặp giữa tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Bang Xô Viết, Mikhail Gorbatchev. Tấm biển ghi : "Thượng đỉnh này được xem như là điềm báo hiệu bước khởi đầu chấm dứt chiến tranh lạnh".

Thượng đỉnh Reykjavik diễn ra trong bối cảnh nào ?

Mọi việc bắt đầu với việc Ronald Reagan lên cầm quyền tại Washington năm 1981 và Gorbatchev bước vào điện Kremlin năm 1985. Chiến Tranh Lạnh dai dẳng từ những năm 1950 và 1960 bắt đầu mờ dần trong những năm 1970 với thời kỳ "Hạ Nhiệt" và việc ký kết các thỏa thuận SALT đầu tiên ("Strategic Arms Limitation Talks", Đàm phán Giới hạn Vũ khí Chiến lược).

Nhưng đến những năm 1980, căng thẳng giữa hai siêu cường lại dấy lên. Cuộc chạy đua vũ trang lại được khởi động với việc Liên Xô cho lắp đặt các loại tên lửa tính năng cao hơn chĩa về phía Tây Âu, còn Hoa Kỳ nêu ra dự án thiết lập một lá chắn không gian chống lại tên lửa Liên Xô, được biết đến dưới tên gọi Sáng kiến Phòng vệ Chiến lược IDS, mà giới truyền thông đặt tên là "Chiến tranh các vì sao", (Star Wars).

Trong bối cảnh này, Mikhail Gorbatchev, thuộc giới lãnh đạo trẻ, lên cầm quyền tại điện Kremlin, sau sự ra đi của hai cựu lãnh đạo Yuri Andropov và Constantin Tchernenko, những chính trị gia già nua và có thế lực trong đảng Cộng Sản Liên Xô. Tầm nhìn cởi mở dường như đã góp phần làm thay đổi đáng kể quan hệ song phương của hai siêu cường. Ý thức được ngân sách to lớn cho bộ máy quân sự đè nặng lên nền kinh tế quốc gia, lãnh đạo Xô Viết lúc bấy giờ quả thật muốn làm thay đổi cục diện.

Dù biết rằng tổng thống Mỹ Ronald Reagan là người chống cộng rất quyết liệt, nhưng Gorbatchev thật sự mong muốn giải quyết mối đe dọa hạt nhân và đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Chính trong hoàn cảnh này, hai nguyên thủ Liên Xô và Hoa Kỳ mong muốn gặp nhau để thử tìm hiểu, nhất là về hồ sơ vũ khí hạt nhân, vốn dĩ nhiều lần dẫn thế giới đến bên bờ một thảm họa mới sau vụ nổ những quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản năm 1945.

Sau Reykjavik, đến lượt Helsinki

Ba mươi hai năm sau, cũng tại một thành phố Bắc Âu khác, Helsinki, mà Donald Trump và Vladimir đã chọn để gặp nhau ngày 16/07. Nhưng Helsinki cũng có truyền thống với những cuộc gặp thượng đỉnh Đông-Tây thế kỷ XX : Gerald Ford và Leonid Brejnev năm 1975 ; George Bush cha với Gorbatchev, một lần nữa năm 1990 và đến năm 1997 là thượng đỉnh Bill Clinton và Boris Eltsine, tổng thống của một nước Nga suy yếu, mà người ta từng nghĩ là đang trên đường hướng đến nền dân chủ.

Dù vậy, thông báo cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump và Vladimir Putin đã gây bất ngờ, vì cách đây hai tháng, không một ai dám đặt cược một đồng kopeck cho việc tổ chức thượng đỉnh này.

Tại Washington, những ai có dính dáng đến Nga đều bị liên đới. Ở Quốc hội, một trào lưu chống Putin mạnh mẽ, tập hợp cả đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, đã cho phép thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cách nay một năm, nhằm đáp trả các hành động can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Và nhất là, một chưởng lý đặt biệt đang sốt sắng điều tra về những mối liên hệ của những người thân cận ứng viên Trump với những hành động can thiệp đó. Trong một bầu không khí nặng nề, điện Kremlin chẳng có chút ảo tưởng về việc nối lại đối thoại ở cấp cao nhất giữa Washington và Matxcơva.

Ngây ngất thượng đỉnh Singapore

Thế nhưng, theo bình luận gia Sylvie Kauffmann, cuộc đối thoại Trump - Putin này cũng quan trọng không kém như dưới thời Reagan-Gorbatchev : mối quan hệ giữa hai cường quốc chưa bao giờ tồi tệ như thế này kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, và thế giới hiện giờ còn phức tạp hơn so với những năm 1980.

Điều gì đã thúc đẩy ông Donald Trump làm một cú nhảy vọt như thế ? Theo tác giả, chẳng còn chút nghi ngờ, chính sự ngây ngất thượng đỉnh Singapore với lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un đã tác động. Đây cũng chính xác là điều gây lo ngại cho rất nhiều người hay gièm pha của ông.

Tác giả nhắc lại, các cuộc gặp thượng đỉnh thời chiến tranh lạnh được giải quyết một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. Vào năm 1986, đối mặt với một tân binh lãnh đạo Gorbatchev, tổng thống Reagan đã có sáu năm kinh nghiệm cầm quyền và một ê-kip cố vấn dày dạn, am tường chính sách đối ngoại Đông-Tây.

Dù vậy, nhiều chuyên gia về ngoại giao thời ấy, như Henry Kissinger và Zbigniew Brzezinski, còn cho là cuộc gặp tại Reykjavik là liều lĩnh. Chỉ còn có ba tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ (mà đảng Cộng Hòa đã bị thua), họ e ngại là Reagan sẽ nhân nhượng quá mức để có được một thỏa thuận về giải trừ vũ khí.

Năm 1986, "sự điều chỉnh to lớn của Mỹ"

Trên thực tế, sau ba cuộc họp đàm phán dài hai tiếng tại ngôi nhà xinh mầu trắng ở Reykjavik trong khi mà Raïssa Gorbatcheva, phu nhân của lãnh đạo Xô Viết làm phân tâm các nhiếp ảnh gia bằng chuyến đi dạo ngoài phố, cả hai lãnh đạo ra về trong sự bất đồng : Gorbatchev kiên quyết đưa "cuộc chiến các vì sao", sáng kiến quốc phòng chiến lược của Mỹ, vào trong thỏa thuận giải trừ vũ khí, và Reagan đã từ chối nhượng bộ. Thỏa thuận Reykjavik xem như là không có.

Thế nhưng, những gì cho thấy có vẻ như là một thất bại thật ra là bước khởi đầu cho một tiến trình lịch sử, vì các cuộc thương lượng này đã cho phép quan điểm của hai cường quốc xích lại gần nhau hơn trên nhiều chủ đề quan trọng.

Câu hỏi đặt ra : Liệu ông Donald Trump có khả năng nhớ lấy bài học đó hay không ? Nhưng mấy ai hiểu được tầm mức quan trọng mà vị tổng thống thứ 45 này muốn đi vào Lịch sử ? Người ta nghi ngờ là ông ấy biết rất ít về lịch sử của các nước đồng minh, khi nhìn vào những lời phát biểu gần đây của ông về Liên Hiệp Châu Âu EU, "vốn dĩ được thành lập để tận dụng lợi thế của Hoa Kỳ và xăm xoi vào túi tiền của nước này". Người ta hy vọng là ông ấy biết nhiều hơn về lịch sử chính nước Mỹ của ông. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều điểm cách biệt khác.

Điểm đầu tiên, đó là vào thời điểm Reagan-Gorbatchev, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rất vững chắc. Ngay khi thượng đỉnh kết thúc, ngoại trưởng Mỹ lúc đó là George Shultz đã đáp chuyến bay từ Reykjavik đến Bruxelles nhằm thông báo tóm tắt cho các đồng minh của mình trong khối NATO. Đó là thời kỳ mà ngoại trưởng Pháp lúc bấy giờ, Jean-Bernard Raimond, đã phải ca ngợi "sự điều chỉnh to lớn của Hoa Kỳ". Trên làn sóng Europe 1 ngày 12/10/1986, ông khẳng định : "Chúng tôi đã nhiều lần được hỏi ý kiến và chúng tôi đã có thể làm chuyển hướng chính sách của Hoa Kỳ".

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tồi tệ

Giờ đây, tổng thống Mỹ xem thủ tướng Canada là "yếu đuối và gian dối", công khai tấn công thủ tướng Đức, khuyên tổng thống Pháp hãy làm như Anh quốc và rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, và trước mặt thủ tướng Thụy Điển, ông mơ đi theo mô hình của Thụy Điển, vốn dĩ không phải là thành viên của NATO.

Các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã trở nên tồi tệ và nếu như thượng đỉnh NATO, diễn ra ngày 11 và 12/07, cũng diễn ra không suôn sẻ như là kỳ thượng đỉnh G7, thì có lẽ bốn ngày sau đó, nguyên thủ Nga Vlaidmir Putin sẽ vui vẻ huýt sáo đi đến Helsinki gặp Donald Trump.

Điểm cách biệt khác nữa, chính là lần này, Donald Trump mới là tân binh, đối mặt với một tổng thống Nga cầm quyền từ 18 năm qua. Putin có kỷ luật và sẽ được chuẩn bị trước, trong khi mà Trump chỉ hành động theo cảm tính với "nghệ thuật mặc cả" nổi tiếng của ông.

Cách nay hai năm, trước khi Trump đắc cử, khi được hỏi về khả năng mối quan hệ Trump-Putin, ông Fiodor Loukianov, chuyên gia Nga về đối ngoại, dự báo : Trump rất muốn làm bạn với Putin, và đương nhiên, ông Putin sẽ nói là đồng ý ! Nhưng một ngày nào đó, Trump sẽ phát hiện ra rằng Putin còn thông minh hơn ông ấy nhiều. Và điều đó sẽ không làm cho ông ta hài lòng chút nào. Thế là ông ấy sẽ lật đổ tất cả".

Theo nhà báo Sylvie Kauffmann, điều cần lưu ý là chuyên gia Loukinov hiếm khi dự báo sai.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 797 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)