Thanh Phương, RFI, 13/05/2022
Với cả tổng thống và thủ tướng hôm 12/05/2022, tuyên bố ủng hộ việc Phần Lan nhanh chóng gia nhập khối NATO, như vậy là Helsinki tiến thêm một bước dài đến việc chính thức đệ đơn xin làm thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương, một quyết định trên nguyên tắc sẽ được chính thức hóa vào Chủ Nhật tới 15/05.
Ảnh tư liệu : Tàu chiến của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – đậu tại cảng Turku, Phần Lan, trong cuộc tập trận quốc tế Northern Coasts (NOCO 14) ngày 29/08/2014. AP - Roni Lehti
Tuyên bố nói trên của tổng thống và thủ tướng Phần Lan đánh dấu một thay đổi mang tính lịch sử tại một quốc gia có đường biên giới chung với Nga dài đến 1.300 km và trước đây từng là một tỉnh của Nga (1809-1917), cũng như từng bị Liên Xô đánh chiếm vào năm 1939.
Trong một thời gian rất dài, Phần Lan vẫn sống dưới quy chế trung lập do Moskva áp đặt. Cụ thể là vào cuối thập niên 1940, Liên Xô đã không chiếm đóng Phần Lan, mà cũng không biến quốc gia Bắc Âu này thành một nước chư hầu, nhưng đổi lại, trong các hiệp ước, Helsinki buộc phải ghi rõ Phần Lan theo quy chế trung lập tuyệt đối. Mô hình này vẫn được gọi là "Phần Lan hóa" trong thời gian Chiến tranh lạnh.
Sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan đã gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 1995 và tham gia Đối tác vì Hòa bình của khối NATO, nhưng cho tới nay vẫn không muốn gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, vì thật ra trong nhiều năm, Nga không bị xem là có mưu đồ đen tối đối với Phần Lan và quan hệ kinh tế giữa hai nước rất chặt chẽ.
Nhưng nay, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine khiến người dân Phần Lan không còn thấy an tâm sống với quy chế trung lập đó và muốn tìm sự che chở của khối NATO. Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố hôm thứ hai tuần này, có đến 76% dân số Phần Lan ủng hộ việc gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, một tỷ lệ cao gấp 3 so với thời kỳ trước chiến tranh Ukraine. Lý do khiến cả tổng thống lẫn thủ tướng Phần Lan hôm qua đều tuyên bố ủng hộ việc gia nhập "không chậm trễ" khối NATO đó chính là những "thay đổi địa chính trị" liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Ouest France hôm 12/05 ông François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược, cho rằng quyết định nói trên của Helsinki là một thay đổi chiến lược quan trọng mang tính lịch sử.
Ông Heisbourg nhắc lại là thật ra ngay cả trước khi bùng nổ chiến tranh Ukraine, đã có một yếu tố khác khiến cho Helsinki phải xét lại quy chế trung lập, đó là vào tháng 12/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao cho phía Mỹ (mà không thèm báo với các nước Châu Âu) hai bản dự thảo hiệp ước nhằm sắp xếp lại trật tự an ninh ở Châu Âu, trong đó có việc cấm Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối NATO. Nói cách khác, đối với Helsinki, việc không gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương không còn là một sự chọn lựa nữa, mà là một sự hạn chế về chủ quyền quốc gia mà Nga áp đặt lên hai nước Bắc Âu.
Phải mất nhiều tháng nữa Phần Lan mới thật sự được thâu nhận làm thành viên NATO, và như vậy là trước mắt, nước này chưa thể được hưởng sự bảo vệ của Liên minh trong trường hợp bị tấn công. Nhưng do đã là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, Phần Lan có thể trông chờ vào bảo đảm phòng thủ của khối này chiếu theo điều 49-7 trong hiệp ước của Liên Âu. Theo nhận định của chuyên gia Heisbourg, với việc Phần Lan gia nhập NATO, như vậy là các điều khoản về an ninh trong các hiệp ước của Liên Hiệp Châu Âu sẽ được tăng cường và như vậy là Châu Âu cũng được hưởng lợi từ việc Phần Lan trở thành thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Ngoài ra, nếu cả Phần Lan và Thụy Điển được thâu nhận vào NATO, sẽ có đến 23 trên tổng số 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng là thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Như vậy là hai khối này sẽ làm việc với nhau, bổ sung cho cho nhau nhiều hơn, chứ không còn đối nghịch với nhau.
Về phần NATO, có thêm hai thành viên mới, khả năng quân sự của khối này sẽ được tăng cường. Trong thời chiến, Phần Lan có thể huy động đến 280.000 quân sẵn sàng chiến đấu, với một phi đội 55 chiến đấu cơ F-18, mà trong những năm tới sẽ được thay thế bằng chiến đấu cơ F-15 của Mỹ, cộng thêm 200 xe tăng và hơn 700 khẩu pháo. Còn quân đội của Thụy Điển nay có khoảng 50 ngàn quân. Cả hai quốc gia Bắc Âu này cũng đều tăng mạnh ngân sách quốc phòng, thậm chí Phần Lan dự tính tăng 40% chi tiêu quân sự từ đây đến 2026.
Thanh Phương
************************
Moskva : Phần Lan gia nhập NATO là một "mối đe dọa" đối với Nga
Thanh Phương, RFI, 13/05/2022
Hôm 12/05/2022, cả tổng thống và thủ tướng Phần Lan đều tuyên bố ủng hộ việc quốc gia Bắc Âu này nhanh chóng gia nhập khối NATO.
Phần Lan và NATO trước một khúc quanh mới. Reuters – Dado Ruvic
Theo Helsinki, vào Chủ nhật 15/05/2022 tổng thống Sauli Niinistö và nữ thủ tướng Sanna Marin sẽ mở cuộc họp báo chung để chính thức công bố quyết định xin gia nhập khối NATO. Một ngày sau, Quốc hội Phần Lan sẽ họp lại để xem xét quyết định của cơ quan hành pháp và có thể sẽ biểu quyết. Đại đa số của 200 nghị sĩ Phần Lan cũng đồng ý với việc nước này xin vào NATO.
Hãng tin AFP cho biết tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhiều thành viên của Liên minh, như Đức và Pháp, đều đã hoan nghênh và tuyên bố ủng hộ quyết định của Phần Lan. Hôm qua, các nghị sĩ chủ chốt của Thượng Viện Hoa Kỳ cũng hứa sẽ ủng hộ Phần Lan trong tiến trình gia nhập khối NATO.
Trong khi đó, Moskva đã có phản ứng ngay lập tức, xem việc Phần Lan trở thành thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương là "một mối đe dọa" đối với Nga.
Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :
Bảo đảm an ninh cho 1.300 km đường biên giới chung giữa Nga với Phần Lan. Đó là vấn đề mà Moskva phải đối phó, theo lời phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov : "Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng việc mở rộng khối NATO và việc đưa các cơ sở hạ tầng của Liên minh đến gần các biên giới của chúng tôi sẽ không khiến cho thế giới cũng như lục địa Châu Âu của chúng ta trở nên ổn định hơn và an toàn hơn."
Như vậy Moskva xem việc mở rộng này là một mối đe dọa, nhưng không hoàn toàn bị bất ngờ. Ngay từ giữa tháng 4, ông Dmitri Medvedev, kể từ nay là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, đã tuyên bố là việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ buộc nước Nga phải tái lập sự cân bằng lực lượng.
Vào lúc đó, cựu tổng thống Nga đã nói đến việc bố trí lại lực lượng bộ binh, không quân và hải quân để bảo vệ 1.300 km đường biên giới chung với Phần Lan. Ông Medvedev còn nêu khả năng chấm dứt việc phi hạt nhân hóa vùng biển Baltic.
Nhưng hôm nay, điện Kremlin tỏ vẻ có chừng mực hơn. Ông Dmitri Peskov khẳng định là phản ứng của Nga tùy thuộc vào diễn tiến của việc mở rộng khối NATO và của mức độ triển khai các cơ sở hạ tầng quân sự của Liên minh đến gần biên giới Nga.
Thanh Phương
Thượng đỉnh NATO khai mạc trong không khí nghi kỵ
Tú Anh, RFI, 03/12/2019
Sinh nhật lần thứ 70 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc vào ngày 04/12/2019 tại Watford, ngoại ô bắc Luân Đôn. Nhưng từ hôm nay 03/12, hầu hết lãnh đạo 29 thành viên đã đến thủ đô Anh Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân đến sân bay Stansted Airport, trước thượng đỉnh NATO, Stansted, 02/12/2019. Reuters/Peter Nicholls
Để giải tỏa phần nào các bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương và hai bờ Địa Trung Hải, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức có hai cuộc gặp riêng với nguyên thủ Hoa Kỳ. Sau đó lãnh đạo Pháp, Đức và Anh sẽ gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích dự báo sẽ có nhiều căng thẳng.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích :
Cuộc họp thượng đỉnh của NATO bị giáng cấp thành hội kiến giữa các nhà lãnh đạo là sự thật chứ không phải là câu chuyện ngôn từ : một phần vì thời gian eo hẹp và nhất là vì các nước đồng minh nghi kỵ lẫn nhau.
Châu Âu lo ngại bị tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ rơi như trường hợp Syria. Vì thế, Liên Âu thông báo đóng góp thêm vào chi phí hoạt động của Liên minh để giúp cho Hoa Kỳ giảm bớt gánh nặng trong bối cảnh chủ nhân Nhà
Tây phương cũng nghi kỵ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, nghi kỵ chiến dịch Syria của Ankara và kế hoạch mua tên lửa Nga.
NATO cũng bị dao động vì nước Pháp và những lời tuyên bố của tổng thống Macron cách nay một tháng, cho là Liên minh đã "chết não".
Tại Luân Đôn, tổng thống Pháp sẽ có thể thẩm định : liệu đạp của ông vào tổ kiến lửa có gây tác động mạnh như mong muốn, cũng như có thể đo lường được mối quan hệ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra sao, sau khi ông Erdogen đáp trả, người bị "chết não" chính là tổng thống Macron.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 03/12/2019
******************
Liệu thượng đỉnh Watford có thể cứu "não bộ" của NATO ?
Tú Anh, RFI, 03/12/2019
Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, 70 năm sau ngày ký kết, bị nhiều nước thành viên quan trọng nhất đặt vào thế thử thách tồn vong. Sinh nhật lần thứ 70 tại Watford, ngoại ô Luân Đôn, lẽ ra phải được tổ chức linh đình, có nguy cơ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.
Trụ sở của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, tại Bỉ. Reuters/Francois Lenoir
Lời qua tiếng lại giữa Mỹ và Châu Âu cũng như giữa Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, cột trụ ở bờ nam Địa Trung Hải đang gây cản trở cho liên minh. Paris muốn điểm hẹn Watford là cơ hội "để làm sáng tỏ" lập trường của mỗi thành viên. Còn Washington ?
NATO chết não bộ hay não bộ tổng thống Pháp đã chết ? Theo giới phân tích, tiếng bấc tiếng chì giữa Paris và Ankara xảy ra không đúng lúc.
Ông François Heisbourg, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Pháp, có lẽ là người tóm lược chính xác hiện trạng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương : "NATO là một công cụ phòng thủ gìn giữ hòa bình hiệu nghiệm và thành công ngoạn mục từ ngày thành lập. Trong suốt 70 năm, nhờ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mà phần lớn lãnh thổ Châu Âu được hòa bình. Đây là cơ hội để chào mừng sinh nhật chứ không phải để than vãn. Tuy nhiên, thế giới đã đổi thay, 70 năm là thời khắc có vẻ gần nấm mộ hơn là chiếc nôi em bé".
Chuyên gia François Heisbourg mượn hình ảnh "nấm mộ" còn bác sĩ Macron định bệnh "chết não" để minh họa cho những vấn nạn đang làm tê liệt NATO.
Hồ sơ thứ nhất là tài chính, Donald Trump một mặt gây sức ép một cách thô bạo với đồng minh Châu Âu, mặt khác quyết định giảm phần đóng góp. Để xoa dịu Hoa Kỳ, nước Đức của Angela Merkel thông báo và cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ 1,18% GDP (cách nay 5 năm) lên 1,42% trong năm tới để đạt chỉ tiêu 2% vào năm 2030.
Đó là đáp án của Berlin vì Cộng Hòa Liên Bang Đức xem NATO là ô dù bảo vệ an ninh chống lại mọi đe dọa từ bên ngoài. Thế nhưng đối với Pháp thì hơi khác. Tổng thống Macron không muốn nói đến tiền đóng góp thêm vào ngân sách mà muốn NATO phải có một chiến lược mới : Phải định nghĩa ai là kẻ thù chung ? Quan hệ giữa các đồng minh phải như thế nào ? Mà trước tiên là Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia quốc phòng Châu Âu, Nicolas Gros-Verheyde, Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan là "kẻ gây rối loạn trong nội bộ NATO chứ không phải vì xung khắc với Pháp mà thôi. Mua tên lửa S-400 của Nga, ký thỏa thuận biển với Libya để tranh giành vùng đặc quyền kinh tế của Hy Lạp, không thể xem là thái độ thân thiện với đồng minh. Đó là chưa kể Ankara tấn công truy sát lực lượng Kurdistan ở Syria, đồng minh của Tây phương trong cuộc chiến chống Daech".
Về phần tổng thống Pháp, khi muốn kéo Nga vào bàn cờ an ninh Châu Âu, chủ nhân điện Kremlin gây bất bình cho Đức và nhất là các nước Đông Âu và Baltic từng bị Matxcơva kềm tỏa cho đến thập niên 1990.
Tổng thống Macron sẽ gặp đồng nhiệm Ba Lan để làm sáng tỏ lập trường.
Rạn nứt thêm hay hàn gắn ? Và để làm gì, theo mưu tính của Donald Trump ?
Tình trạng bất đồng này, theo tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, sẽ làn rạn nứt Liên minh và vô tình đi đúng vào mong ước của Nga.
Tuy nhiên, cũng theo Jens Stoltenberg, cho dù thời gian họp thượng đỉnh chính thức chỉ có 3 tiếng đồng hồ vào ngày thứ Tư, các quyết định được thông qua đều quan trọng, bởi vì liên quan đến lãnh vực "hành quân phòng thủ NATO và đối phó với Trung Quốc, cường quốc chỉ đứng sau Mỹ về ngân sách quân sự".
Để xoa dịu Paris, tổng thư ký NATO có thể sẽ được trao nhiệm vụ thành lập ủy ban xem xét lại quan hệ với Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được Donald Trump ủng hộ bằng hình thức này hay hình thức khác .
Huy động Châu Âu trong bối cảnh Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc trong một loạt hồ sơ từ thương chiến cho đến Biển Đông và Hồng Kông có thể là mục tiêu chính của Washington tại Watford.
Theo nhật báo Pháp Le Figaro, trong những ngày gần đây, Washington tỏ ra hòa dịu với Liên minh. Một viên chức Nhà Trắng tuyên bố "tổng thống Donald Trump cam kết tăng cường sức mạnh của NATO và chuẩn bị đối phó với những mối đe dọa hiện tại và tương lai".
Tú Anh
Nguồn : RFI, 03/12/2019
*****************
NATO không biết chống Nga, Trung Quốc hay ai khác ?
BBC tiếng Việt, 02/12/2019
Họp ở Anh nhân dịp 70 tuổi, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn đang bất đồng nội bộ trước việc định nghĩa kẻ thù.
Tổng thống Mỹ Harry Truman ký văn bản thành lập Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương năm 1949
NATO hiện không rõ cần xem địch thủ là Nga, Trung Quốc hay thách thức nào khác ở Trung Đông sau khi tổ chức xưng danh là Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại.
BBC News Tiếng Việt điểm ra 5 thách thức cho NATO.
1. NATO lo ngại về Nga nhưng không đồng ý về cách ứng phó
Thành lập năm 1949 để chống lại khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và có đối thủ chính là Khối hiệp ước Warsaw từ 1955, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã hoàn thành nhiệm vụ giữ vùng Tây Âu trong hòa bình suốt Chiến tranh Lạnh.
Nhưng sau khi Liên Xô tan rã (1991), NATO đã bành trướng sang phía Đông, thu nhận một loạt quốc gia từng nằm trong quỹ đạo của Kremlin.
Điều này gây phản ứng mạnh từ Nga, nhất là sau khi một số nước thuộc vùng ảnh hưởng truyền thống của Moscow như Ukraine và Georgia (Gruzia) cũng muốn sát lại gần NATO.
Tuy thế, NATO và Kremlin đã hòa hoãn lại phần nào nhờ hợp tác trong cuộc chiến tại Afghanistan và chống Al Qaeda.
Nga bật đèn xanh cho Hoa Kỳ và NATO dùng căn cứ Karshi-Khanabad ở Uzbekistan (2001-2005) làm nơi chuyển quân để đánh Al Qaeda tại Afghanistan.
Năm 2002, Nga và NATO đã có hội nghị thượng đỉnh, mở rộng hợp tác.
Nhưng gần đây, quan hệ Nga - NATO xấu đi với các vụ tấn công mạng mà một số thành viên NATO vùng Baltic, Đông Âu, và cả Anh cho là do Nga chỉ đạo.
Ngân sách của NATO : Hoa Kỳ muốn các nước thành viên phải chia sẻ gánh nặng chi tiêu nhưng chỉ có Anh, Ba Lan và một số nước Châu Âu chịu chi ra 2% ngân sách quốc gia cho quỹ chung của NATO
Các cuộc tập trận của Nga và Belarus khiến ba quốc gia thuộc NATO ở vùng biển Baltic, Lithuania, Latvia và Estonia lo ngại.
Ba Lan chia sẻ quan tâm này và luôn nêu ra "mối đe dọa Nga" mà Warsaw coi như là vấn đề đã thành truyền thống.
Warsaw tự lo cho bản thân và đã đặt mua dàn chiến đấu cơ F-35, và mời Mỹ tăng số quân luân chuyển sang nước này.
Điều này khiến quan ngại về Nga của các nước vùng Đông Bắc khối NATO không đồng điệu với các thành viên Nam Âu của NATO.
2. Pháp và các nước Nam Âu có lo ngại khác : an ninh biển và bất ổn vùng lân cận
Làn sóng người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi đặt ra thách thức mới cho biên giới phía Nam của EU và NATO.
Với Ý, Pháp, Hy Lạp (thành viên NATO), và cả Malta, Cyprus (không thuộc NATO nhưng có quan hệ lâu dài với Anh), thì việc bảo vệ vùng biển Địa Trung Hải là tối quan trọng.
Điều này khiến các vấn đề quân sự như cuộc chiến tại Libya, và chiến tranh ở Syra là quan tâm hàng đầu của họ.
Vì các cuộc chiến này, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra làn sóng cả triệu người tỵ nạn vượt biển vào vùng Nam Âu.
Đức, nước đông dân nhất EU nhưng là thành viên "hiền lành" của NATO, chia sẻ cái nhìn của Pháp về mối nguy cơ mà Berlin cho là từ bất ổn quanh Địa Trung Hải chứ không phải từ Nga.
3. Thổ Nhĩ Kỳ nay tự chơi ở một dàn nhạc khác
Là thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có các nghị trình riêng, trong quan hệ riêng với Nga và Syria (chính quyền Assad).
Ankara vừa đồng ý triển khai dàn chống hỏa tiễn S-400 mua của Nga, hoàn toàn trái với các chuẩn kỹ thuật của hệ thống phòng thủ NATO.
Vì thế, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, sẽ đến London tuần này dự hội nghị thượng đỉnh NATO để tiếp tục tranh cãi, bất đồng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron".
Trước khi sang London, ông Erdogan đã không quên lên tiếng nói câu của ông Macron gần đây, rằng "NATO đã chết lâm sàng" (brain dead) là vớ vẩn.
Quân Nga và NATO :
Nga : 1 triệu + 2,57 triệu dự bị ; Hoa Kỳ : 1,3 triệu + 800 nghìn dự bị, 200 nghìn ở Châu Âu trong NATO
NATO : 1,9 triệu, trong đó có 176 nghìn quân Đức, 355 nghìn Thổ Nhĩ Kỳ
Thậm chí ông Erdogan còn cho rằng chính ông Macron "mới là kẻ đã chết lâm sàng", và "đang hỗ trợ khủng bố", một phát biểu rất nặng lời về lãnh đạo quốc gia dù sao cũng vẫn trong một khối quân sự chung.
Một báo Israel, nước không thuộc NATO nhưng là đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, gọi chính ông Erdogan mới là "mối đe dọa cho NATO".
4. NATO nhìn thấy sức mạnh Trung Quốc nhưng mới chỉ băn khoăn
Hải quân Trung Quốc đưa quân sang căn cứ hậu cần quân sự Djibouti để hỗ trợ các hoạt động tại Châu Phi và Tây Á, các vùng ảnh hưởng truyền thống của Châu Âu và Hoa Kỳ
Hồi tháng 7/2019, ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO (2009-2014) đột nhiên lên tiếng rất mạnh về "mối đe dọa Trung Quốc".
Ông Rasmussen đề xuất EU coi Trung Quốc là kẻ thù chính và cần ủng hộ Hong Kong, và công nhận Đài Loan.
Đây là một xu hướng mới rất mới, mạnh mẽ tại Châu Âu, vì ông Rasmussen không phải một chính trị gia trung bình, mà còn là thủ tướng Đan Mạch hai nhiệm kỳ (2001-2009).
Tuy thế, ông không còn giữ chức gì trong NATO và bộ máy EU.
Hiện nay, các giới chức NATO đang nghiên cứu cả về vai trò của khối này trước "đe dọa an ninh mạng" và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Nhưng về đề xuất, như của Fabrice Pothier, nhà nghiên cứu an ninh, quốc phòng, rằng NATO cần can dự cả vào an ninh Biển Đông, thì chưa có phản ứng chính thức nào.
Cần nhắc NATO không có đủ tàu chiến để làm việc đó, và lo ngại về an ninh khu vực gần hơn, cấp bách hơn như Vịnh Aden, cũng chỉ tạo ra được các chuyến tuần tra của hải quân Hà Lan và Anh.
Ngoài Anh, Pháp và Hoa Kỳ, các quốc gia khác trong NATO không có đủ khả năng để vươn sang tận Ấn Độ Dương hay vùng biển Đông Nam Á.
Chưa kể tổng thống Pháp, Emmanuel Macron còn nói thẳng rằng NATO không nên coi Trung Quốc là kẻ thù.
5. Điều 4 và 5 trong Hiến chương NATO về phòng thủ chung
Năm 2017, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ lần đầu phong chức chỉ huy tiểu đội tác chiến cho một nữ trung uý. Mỹ vẫn là quốc gia chủ chốt trong các cuộc triển khai quân trên thế giới của NATO
Cuối cùng, các vấn đề của NATO vẫn mang tính chính trị.
Với sự khác biệt lớn giữa Hoa Kỳ và Pháp về mục tiêu của NATO, và các hoạt động riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ về khả năng khó khởi động cơ chế "phòng thủ chung" (collective defence) là có thật.
Cơ chế này, nói ngắn gọn là "kẻ thù đánh một thành viên NATO bị cho là tấn công cả khối" được ghi trong Điều 5 Hiến chương NATO.
Nhưng với một tổng thống Hoa Kỳ hiện là Donald Trump không mặn mà gì với NATO và tổng thống Pháp hiện nay phê phán Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria, việc mà NATO có thể làm tại London tuần này là cố gắng tìm ra đồng thuận nội bộ, trước khi có thể xác định NATO phòng thủ trước kẻ thù nào.
Thách thức với ông Boris Johnson, thủ tướng nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh NATO - khai mạc 04/12/2019 ở Watford, gần London - là làm sao tạo ra được ít nhiều đồng thuận cho khối này.
Đây là điều không dễ khi mà Anh sẽ vẫn ở lại NATO nhưng đang ra khỏi EU, quá trình dù muốn hay không cũng khiến London ngày càng xa Paris và Brussels trong định hướng chiến lược cho tương lai, gồm cả mục tiêu quốc phòng.
Nguồn : BBC, 02/12/2019
NATO : Châu Âu có bao nhiêu sư đoàn để thay thế Mỹ ?
"Ukrainegate", phe tổng thống Donald Trump bị tấn công dồn dập, NATO trong cơn bão tố nội bộ, Hồng Kông trước giờ bầu cử trắc nghiệm, ý nghĩa chuyến tông du của Giáo hoàng Francis tại Thái Lan và Nhật Bản, là những chủ đề chính của báo chí Pháp ngày thứ Sáu 22/11/2019.
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg bắt tay ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, trước phiên họp tại trụ sở của khối liên minh quân sự ở Bruxelles, Bỉ, ngày 20/11/2019. Francisco Seco/Pool via Reuters
Binh lực Châu Âu : cột trụ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương
NATO kỷ niệm 70 năm thành lập trong không khí "cơm không lành canh chẳng ngọt". Tuyên bố của tổng thống Pháp "NATO chết não" không phải là giấy khai tử. Đó là phát pháo cải cách liên minh trước những rạn nứt bên trong và đe dọa bên ngoài.
Theo Le Monde, Paris và Berlin muốn NATO thảo luận, phải nghiên cứu lại về vai trò của liên minh NATO trong bối cảnh tình hình hiện nay. Một nhóm chuyên gia sẽ tìm một số hướng cải cách NATO. Thế mà, cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao hôm thứ Tư 20/11/2019 tại Bruxelles diễn ra một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra, cứ như "NATO là một bao cát nhận mọi quả đấm không hề hấn gì". Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, đồng nhiệm Đức Heiko Maas và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, không một ai đề cập xa gần gì đến tuyên bố gây chấn động của tổng thống Pháp trên báo Anh The Economist vào ngày trước : NATO chết não.
Jens Stoltenberg còn khẳng định "ngoài NATO ra, ai có thể bảo đảm an ninh cho 1 tỷ dân ?". Theo tổng thư ký NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ được củng cố và tiếp tục đoàn kết : Binh lực Châu Âu là cột trụ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhưng không để thay thế.
Phía Đức kêu gọi "định nghĩa minh bạch vai trò của NATO trong tương lai" và Pháp đã đề nghị "lập nhóm chuyên gia chính trị kinh nghiệm" điều nghiên quan hệ với Nga và "thế đang lên" của Trung Quốc. Báo cáo sẽ được hoàn tất vào năm 2021.
Khác với tuyên bố bi quan của tổng thống Pháp, nữ bộ trưởng quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định "NATO đầy sinh lực từ trái tim cho đến khối óc". Theo giải thích của một nhà phân tích Đức, công luận và chính giới Đức xem NATO là hợp đồng "bảo hiểm nhân thọ" giúp cho nước Đức được sống trong hòa bình.
NATO : Bảo hiểm nhân thọ
Nước Đức có lý do chính đáng để trông cậy tuyệt đối vào NATO và Hoa Kỳ. Còn Pháp với quân đội mạnh nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Macron có dụng ý gì khi muốn "khai tử" NATO ? Le Figaro phân tích hay dở của chủ nhân điện Elysée.
Theo nhật báo thiên hữu, rạn nứt nghiêm trọng nhất trong nội bộ NATO là cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ năm 2003 khi Ankara không cho lực lượng Mỹ mượn đường và căn cứ tấn công vào Iraq. Trong cuộc chiến chống Daesh, chính quyền Erdogan để yên cho chiến binh thánh chiến đi lại và buôn lậu. Rồi Ankara mua hỏa tiễn phòng không S-400 của Nga.
Xu hướng của Ankara tiến lại gần với Moskva làm Washington lo ngại. Tổng thống Erdogan có thể bắt chẹt liên minh NATO nếu muốn. Khi quan hệ với đồng minh phương Tây suy thoái nghiêm trọng hơn, Ankara có thể không cho Mỹ và Châu Âu sử dụng căn cứ không quân Incirlik, thậm chí buộc Mỹ phải rút vũ khí hạt nhân tích trữ tại đây.
Với vai trò "lính biên phòng của Châu Âu" ở bờ nam Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đe dọa mở cổng cho di dân tràn vào Châu Âu.
Tuy nhiên, chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ Ozgur Unluhisarcikli lưu ý : Erdogan không thể làm tổng thống đời đời. Chỉ trong đôi ba năm nữa là tình hình đổi khác. Các nước phương Tây không nên cắt đứt quan hệ với giới lãnh đạo tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài xã luận "Châu Âu có bao nhiêu sư đoàn", Le Figaro bênh vực luận điểm của tổng thống Pháp vì trước thái độ thường xuyên bốc đồng của Donald Trump thì Emmanuel Macron phải dùng ngôn ngữ sự thật. Thế nhưng, tuyên bố "NATO chết não" để làm gì ? Để thay thế quân đội Mỹ hay sao ? Theo nhật báo thiên hữu, có lẽ tổng thống Pháp muốn thúc giục các nước Châu Âu cùng đứng lên tự chủ, tự lập như một "cường quốc địa chính trị". Vấn đề là ước mơ "một chính sách phòng thủ chung của Châu Âu" cho đến nay chỉ còn trong trạng thái phôi thai, không đủ bảo vệ Châu lục trước một cuộc tấn công cổ điển và không gian mạng.
Đồng ý là vì lý do này, Châu Âu cần phải cố gắng cải tiến quốc phòng. Nhưng không phải để tự đánh lừa. Trong tinh thần này, bài xã luận của Le Figaro kết luận như đinh đóng cột : Binh lực Châu Âu không đủ sức thay thế NATO. Không có Mỹ, Châu Âu không thể xây dựng chính sách quốc phòng.
Gordon Sondland
Tại Mỹ, lời khai của đại sứ Gordon Sondland trước tiểu ban tình báo Hạ viện có giá trị của một quả bom hủy diệt. Tuy nhiên, phe ủng hộ Donald Trump vẫn không nao núng. Le Monde giải thích : Nhân vật thân cận này của chủ nhân Nhà Trắng cho biết, với tư cách là đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu, ông tuân thủ "chỉ thị" của tổng thống Donald Trump và phải "hợp tác theo lệnh" cùng với luật sư Rudy Giuliani.
Chuyện gây áp lực với tổng thống Ukraine, đặt điều kiện đánh đổi viện trợ quân sự với việc điều tra về con trai của cựu phó tổng thống Joe Biden, ai cũng biết từ ngoại trưởng cho đến cố vấn an ninh tổng thống và chánh văn phòng phó tổng thống Mike Pence.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa vẫn tiếp tục phủ nhận các lời khai này. Donald Trump tự vệ theo chiến thuật cũ mà một trong những luật sư cũ của ông là Michael Cohen áp dụng cho đến khi phải thú nhận nói dối. Chiến thuật đó là "tổng thống không đặt câu hỏi, không ra lệnh mà chỉ nói bóng". Bản thân Donald Trump đã tuyên bố "tôi không biết nhiều về Gordon Sondland và ít khi trao đổi với ông ta".
Tuy nhiên, vụ này mới bắt đầu thì một chuyện tai tiếng khác nổ ra : Rick Perry, cựu bộ trưởng năng lượng của Donald Trump, cựu thống đốc bang dầu lửa Texas bị nghi ngờ nhũng lạm quyền thế để giành một hợp đồng khai thác khí đốt ở Ukraine cho một số người thân cận.
Nụ cười xứ Thái
Chuyến tông du của Giáo hoàng Francis tại Thái Lan và Nhật Bản là một trong hai sự kiện trên trang Châu Á. Le Figaro nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng Công giáo tại Thái Lan, tuy nhỏ nhưng rất năng động trong xã hội.
"Chính Thanh cha Francis đã nói rằng đạo Thiên Chúa lẽ ra đã thiếu nụ cười xinh đẹp của Thái Lan, nếu như cách nay 350 năm, Giáo hội không được thành lập ở Xiêm La" (tên cũ của Thái Lan).
Những bước đầu xây dựng đó được nối tiếp và phát triển đến ngày nay, giúp cho Thái Lan một hệ thống giáo dục, y tế có phẩm lượng. Những trường học công giáo có uy tín là nơi rất nhiều thành phần xã hội, chính trị ưu tú Thái Lan từng theo học.
Tuy nhiên, lãnh đạo tòa thánh La Mã không quên đằng sau nụ cười dễ mến này còn có một sự thật khốc liệt mà trong thánh lễ, trước 60 ngàn người tham dự, ngài nói thẳng với chính quyền Bangkok : Tại Thái Lan, hơn 40.000 trẻ vị thành niên là nạn nhân của nô lệ tình dục.
Francis "nói không" với bom nguyên tử
Còn La Croix, với thông điệp trên trang nhất "Giáo hội nói không với vũ khí nguyên tử" nhật báo Công giáo phân tích sâu rộng ý nghĩa chuyến viếng thăm của Giáo hoàng Francis tại Hiroshima và Nagasaki.
Cũng như đồng nghiệp Le Figaro, nhật báo công giáo trình bày các hoạt động đa dạng của tín đồ Thiên Chúa giáo tại Thái Lan, câu chuyện hàng ngàn tín đồ từ những nơi xa xôi hẻo lánh, trong đó có sắc dân Karen, tìm về Bangkok gặp chủ chăn Giáo hội. Sứ điệp của đức giáo hoàng đặc biệt lên án tệ nạn mãi dâm mà gần phân nửa là trẻ em nghèo. Ngài không quên những di dân từ các nước láng giềng phải rời xa gia đình đi tìm đất sống.
Cuối tuần, khi đến Nhật Bản, Giáo hoàng Francis sẽ nói "không" với vũ khí hạt nhân, La Croix cho biết trước điểm nhấn của chuyến tông du tại Hiroshima và Nagasaki. Trong bài xã luận "Quả bom và hòa bình" nhật báo công giáo không quên nhắc đến hành động "đe dọa của Bắc Triều Tiên" cũng như chính sách "bành trướng bá quyền của Trung Quốc" đe dọa an ninh các nước lân bang.
Sứ điệp của Giáo hoàng mang tính hoàn vũ vì ngài sẽ nhắc đến chiến lược "răn đe hạt nhân" của Pháp và trách nhiệm tinh thần rất nghiêm trọng của các sĩ quan Pháp nếu họ phải thi hành quyết định chính trị của tổng thống.
Từ Hồng Kông đến Chile
Chủ nhật 24/11/2019, trong không khí căng thẳng, bốn triệu cử tri Hồng Kông được mời đi bầu chính quyền cấp quận. Đây là một cơ hội để trắc nghiệm uy tín của chính quyền thân Bắc Kinh và uy thế của phong trào dân chủ sau 5 tháng phản kháng. Theo dự đoán, các ứng cử viên ủng hộ Trung Quốc sẽ thua đậm.
Ngoài các nhận định trên đây, Les Echos dành một bài phỏng vấn chuyên gia Pháp về "xung đột trong đô thị" Laurent Gayer, đang có mặt tại Hồng Kông.
Sau khi phân tích vì sao phong trào phản kháng, với lực lượng trẻ sẽ kéo dài, chuyên gia này dự báo "phương thức đấu tranh của Hồng Kông, với chiến thuật linh hoạt như nước, đang được nhiều nơi khác trên thế giới bắt chước. Cụ thể là sinh viên Chile mới đây dùng đèn chiếu laser hạ một chiếc drone của cảnh sát chống biểu tình."
Tú Anh
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, khi được hỏi "Ngài mong đợi gì ở NATO ?", Mikhail Gorbatchev, cha đẻ của chính sách cải tổ – perestroika Liên Xô, đã trả lời : "Khối này biến đi !".
Binh sĩ NATO tại Kabul, Afghanistan. Ảnh chụp năm 2014.AFP PHOTO/Staff Sgt. Perry Aston/US Air Force
Đương nhiên, NATO không giải thể nhưng đang phải đối mặt với những thách thức mới. Ngày 04/04/2019, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương sẽ tròn 40 tuổi. Nhân dịp này, báo Le Figaro, ngày 17/03/2019, có bài tổng kết và đưa ra các triển vọng của khối. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
NATO đã thực hiện thành công các nhiệm vụ của mình ?
Điều này tùy thuộc vào từng thời kỳ. Năm 1949, Tổ chức Hiệp định Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập để đối phó với mối đe dọa của Liên Xô. Trong 40 năm, Liên Minh đã thực hiện chính sách phòng thủ tập thể đối với các thành viên, giữ gìn hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ Châu Âu, nhờ có mối liên kết chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu. Phó tổng thư ký NATO, Camille Grand nhấn mạnh : "NATO đã hoàn thành nhiệm vụ, đánh thắng chiến tranh lạnh". Sau đó là giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, từ lúc bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đến cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Liên Minh được mở rộng. Kể từ khi kết nạp Monténégro, năm 2017, NATO có 29 thành viên và phát triển các quan hệ đối tác với các láng giềng (ở vùng Địa Trung Hải, vùng Vịnh và Nga) trong bối cảnh không gian Châu Âu được hợp nhất lại.
Ưu tiên được đề ra trong giai đoạn thứ hai này là quản lý khủng hoảng : tại Bosnia, Kosovo, Afghanistan – nơi có hơn 130 000 quân lính được triển khai – và Libya. Xét cho cùng, các chiến dịch này thu được kết quả vừa phải. Các thắng lợi quân sự của NATO, cho dù là thực sự, thường không mang lại hòa bình, như tại Afghanistan hay ở Libya. Năm 2014, với cuộc khủng hoảng Ukraine, một giai đoạn mới khởi đầu với sự phục hồi các nguyên tắc nền tảng của chính sách phòng thủ tập thể đối mặt với một nước Nga ngày càng đáng lo ngại. Các biện pháp trấn an được đưa ra cho khu vực Đông Âu, các cuộc tập trận trên quy mô lớn được tiến hành và NATO phát triển khả năng quân sự cũng như phản ứng.
Từ nay, thành công hay thất bại của NATO sẽ được đánh giá tùy theo khả năng đối phó với ba thách thức lớn sau đây. Trước tiên là khả năng sáng tạo đổi mới mối quan hệ của NATO với nước Mỹ của Donald Trump. Nguyên thủ Hoa Kỳ có lập trường không nhất quán về Liên Minh này.
Tiếp theo là tái lập quan hệ cân bằng với Nga, bằng cách thuyết phục răn đe nhưng không đi tới mức lại rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh vì "điều này không có ích gì" cho NATO, theo như nhận định của một nguồn thạo tin trong NATO.
Cuối cùng, Liên Minh phải xác định được vị trí của mình trong một thế giới mà các mối đe dọa biến chuyển một cách nhanh chóng, ví dụ như trong lĩnh vực tin học. Thời của các chiến dịch quy mô lớn trên bộ đã qua. Tại trụ sở của NATO ở Bruxelles, người ta nói : "Câu hỏi hiện nay đặt ra cho các đồng minh là các vị muốn sử dụng NATO như thế nào?".
Việc Pháp quay lại cơ cấu chỉ huy hợp nhất của NATO được đánh giá ra sao ?
Có thể nói là tích cực. Khi tái hội nhập cơ cấu chỉ huy Liên Minh, Paris đã nắm được hai ban chỉ huy quan trọng, một ở Norfolk, Hoa Kỳ và một ở Lisboa, Bồ Đào Nha. Nước Pháp đã gạt bỏ được mối nghi ngờ thường trực của tất cả các tổng thống Mỹ về các ý đồ của Paris trong hồ sơ này. Quyết định này cũng tạo thuận lợi cho việc xích lại gần với Anh Quốc, vốn luôn nghi ngờ về chính sách quốc phòng Châu Âu trong khi Pháp lại coi đó là một mục tiêu.
Nhờ có sự tái hội nhập này, do tổng thống Nicolas Sarkozy đạo diễn nhưng thực ra đó là kết quả của một tiến trình lâu dài, nước Pháp đã có thêm được ảnh hưởng và lòng tin ở bên trong Liên Minh. Từ đó, Pháp có tiếng nói tại Hội Đồng Liên Minh và được thừa nhận như là một đồng minh chủ chốt.
Việc tái hội nhập cơ cấu chỉ huy hợp nhất không ngăn cản Paris có những quyết định đơn phương, ví dụ như việc tổng thống François Hollande ngay đầu nhiệm kỳ của ông đã quyết định rút quân sớm ra khỏi Afghanistan. Giả sử như việc nước Pháp chống lại cuộc chiến tranh Irak do Hoa Kỳ tiến hành năm 2003 lại tái diễn thì giờ đây Paris vẫn có thể làm như vậy. Ấy vậy mà Pháp vẫn dễ dàng có được máy bay và trực thăng của các nước đồng minh Hoa Kỳ trong chiến dịch "Serval" ở Mali.
Việc tái hội nhập cơ cấu chỉ huy hợp nhất của Liên Minh cũng giúp bình thường hóa lập trường của Pháp ở trong NATO và điều này được thể hiện qua việc giảm sự tham gia của Paris vào các chiến dịch của khối này.
Một nhà ngoại giao thông thạo hồ sơ này giải thích : "Để có được sự thừa nhận của các đồng minh, Pháp không cần phải thường xuyên đưa ra các bảo đảm nữa. Mối quan hệ với Hoa Kỳ và Anh Quốc không nhất thiết phải thông qua NATO nữa. Đối với Pháp, việc liên hệ với NATO trở thành một trong những mối quan hệ".
Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể ở lại trong NATO không ?
Về mặt quân số, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng hàng thứ hai trong NATO, là quốc gia Hồi Giáo duy nhất trong khối này và đã gia nhập NATO từ năm 1952. Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định ý định mua pháo phòng không Nga, bất chấp các cảnh báo của bộ quốc phòng Mỹ. Tên lửa địa đối không S-400 của Nga không chỉ không tương thích với hệ thống của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mà còn làm cho khối này e ngại thông tin bị rò rỉ cho phía Nga.
Kể từ khi xẩy ra cuộc đảo chính hụt chống lại Recep Tayyip Erdogan năm 2016, quan hệ giữa Ankara và các đồng minh trong NATO đã xấu đi rất nhiều. Nhiều sĩ quan liên lạc của NATO trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền thanh trừng và bỏ tù. Tâm lý bài phương Tây phát triển tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới lãnh đạo nước này cho rằng NATO và Hoa Kỳ đồng lõa với cuộc nổi dậy không thành của một nhóm quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, việc cắt đứt quan hệ khó có thể sớm xẩy ra. Việc là thành viên NATO cho phép Thổ Nhĩ Kỳ duy trì được sự kết nối với lục địa Châu Âu. Liên Minh vẫn là một trụ cột trong chính sách quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục có vai trò trong khu vực. Washington cũng cần Ankara để đương đầu với Iran, kẻ thù của Mỹ. Cuối cùng, Châu Âu, thông qua các hỗ trợ tài chính, trông cậy vào việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò biên phòng để ngăn cản dòng người tị nạn Syria hiện sinh sống tại nước này.
Một quan chức gần gũi với NATO bình luận : "Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan gần giống như là nước Pháp dưới thời De Gaulle. Quan hệ giữa Ankara và NATO không dễ dàng, nhưng nước này vẫn là một đồng minh thực sự". Đương nhiên, việc mua tên lửa S-400 có nguy cơ đặt Thổ Nhĩ Kỳ ra bên lề NATO, nhưng không đẩy nước này ra khỏi Liên Minh. Ngoài ra, NATO không trừng phạt các sai lệch trong lĩnh vực dân chủ. Trong quá khứ, khối này đã chấp nhận chế độ quân sự độc tài Hy Lạp và chế độ chuyên quyền Salazar ở Bồ Đào Nha.
Phải chăng hệ thống phòng thủ Châu Âu cạnh tranh với NATO ?
Không. Những nước cho rằng NATO vẫn là bảo đảm chủ chốt cho an ninh của họ, luôn đề cao nguyên tắc "không trùng lặp" về phương tiện giữa Liên Hiệp Châu Âu và NATO – có 22 nước đồng thời là thành viên của cả hai khối này. Sự chia rẽ, khác biệt vẫn tồn tại giữa các quốc gia, một bên là Na Uy, các nước Baltic, Ba Lan…ưu tiên quan hệ với NATO và cho rằng Liên Hiệp Châu Âu không thể một mình đương đầu với mối đe dọa Nga và bên kia là những quốc gia ủng hộ cho việc Châu Âu cần khẳng định vị thế của mình. Phe này nói đến những tuyên bố của Donald Trump, người thường xuyên đe dọa rút nước Mỹ ra khỏi NATO đồng thời kêu gọi Châu Âu phải tự gánh vác bảo đảm nhiều hơn cho an ninh của mình.
Vấn đề nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit) cũng làm cho tình hình thay đổi, bởi vì Luân Đôn vẫn luôn luôn là một yếu tố ngăn cản phát triển một chính sách phòng thủ Châu Âu. Nhiều sáng kiến, mà Pháp ủng hộ, gần đây được đưa ra theo hướng này như dự án hợp tác chặt chẽ thường xuyên, quỹ phòng thủ Châu Âu, sáng kiến can thiệp của Châu Âu…
Thế nhưng, những yếu tố bất biến của Châu Âu (như thiếu vắng tầm nhìn chính trị chung hoặc Đức ưa thích quyền lực mềm hơn…) đã cản trở sự xuất hiện hệ thống phòng thủ Châu Âu. Vừa qua, tại diễn đàn "Những thách thức chiến lược to lớn" của đại học Sorbonne, với chủ đề năm nay là Châu Âu, ông Louis Gautier, cựu lãnh đạo ban tổng thư ký Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia đã nêu câu hỏi : "Tại sao những gì có thể làm được trong NATO thì lại không khả thi trong Liên Hiệp Châu Âu ?".
Ông Jean-Pierre Maulny, phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) đáp : "NATO hoạt động được vì khối này tự tạo ra kẻ thù. NATO không nhất thiết chú ý đến yếu tố cộng tác tự nguyện, chủ động, có mục đích và bình đẳng. Ngược lại, Liên Hiệp Châu Âu đã không tự tạo ra kẻ thù, thậm chí là hoàn toàn ngược lại".
Liệu NATO có thể biến mất ?
Kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, NATO trở thành một tổ chức bấp bênh. Các nhiệm vụ và mức độ khả tín của khối này đã bị suy yếu do chính sách của tổng thống Mỹ. Lúc đầu, nguyên thủ Hoa Kỳ cho rằng Liên Minh đã "lạc hậu", rồi sau lại thay đổi ý kiến. Sự hùng hổ trong chính sách của Mỹ đối với Châu Âu đã làm cho một số người lo ngại là việc Washington rút ra khỏi NATO sẽ làm cho khối này tan biến. Thế nhưng, NATO rất vững chắc. Nhiều ban chỉ huy và chiến dịch mới được thành lập và việc tái đầu tư của Mỹ vào Châu Âu lại tăng lên - chứ không hề giảm đi - trong những năm gần đây.
Nhìn từ bên trong, NATO không hề là một tổ chức đang hấp hối. Tuy vậy, điều này không ngăn cản có những câu hỏi về sự tồn tại của mối quan hệ với Hoa Kỳ trong NATO. Phải chăng Donald Trump là biểu tượng cực đoan cho sự thờ ơ của Mỹ đối với an ninh của Châu Âu và do vậy, với cả NATO ? Hay đây chỉ là một "ngoại lệ tạm thời" cần kiên nhẫn chờ đợi, khi biết rằng hệ thống chính trị Mỹ, người dân và Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn rất ủng hộ và gắn bó với NATO.
Rất có thể là vấn đề chia sẻ gánh nặng và những đòi hỏi của Mỹ đối với các đồng minh Châu Âu cần chi nhiều hơn cho quốc phòng sẽ tiếp tục tồn tại sau thời Donald Trump. Nhưng đối với các vấn đề khác, khi phải đối mặt với việc Nga và Trung Quốc ngày càng khẳng định vai trò chiến lược của mình một cách hung hăng, thì Hoa Kỳ và Châu Âu lại là những đồng minh tự nhiên. Cuối cùng, có một câu hỏi : liệu Châu Âu có một giải pháp thay thế cho NATO ?. Cho đến lúc này, câu trả lời của Liên Hiệp Châu Âu rõ ràng là không. Một nhà ngoại giao cao cấp khẳng định : Đó chỉ là một cuộc tranh luận hão huyền, bởi vì "không có kế hoạch B thay thế".
Nguồn : RFI, 21/03/2019
Trước cuộc ganh đua của Nga trên chính trường quốc tế và sức mạnh hung hăng của Trung Quốc, các nền dân chủ Tây phương đứng trong thế gọng kềm. Thế mà, Donald Trump nhất cử nhất động đánh phá từ bên trong liên minh truyền thống hai bờ Đại Tây Dương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 09/11/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Ưu thế của Tây phương có lẽ đang sống những giây phút sau cùng trừ phi thế giới rơi vào một cuộc biến động mới mà không một nước nào chiến thắng. Đó là nhận định của nhiều tờ báo Mỹ, Nhật, Nga, Pháp trong tuần.
Trong bài xã luận cô đọng "Trúng đạn nhưng không chìm", Courrier International nhận xét sắc bén : "giữa những lời dao to búa lớn của Donald Trump, vị thế mờ nhạt của Châu Âu, làn sóng bài ngoại dâng cao, thái độ ngạo nghễ của Vladimir Putin và tham vọng thống trị toàn cầu của Tập Cận Bình, thế giới đã mất phương hướng. Khắp nơi, giá trị dân chủ của Tây phương bị thách thức nhường chỗ cho những kẻ độc tài vênh váo, tinh thần dân tộc cực đoan thay thế ý thức hệ dân chủ hôm qua. Tây phương trúng thương nhưng không ngã quỵ".
May thay, các chế độ dân chủ vẫn kháng cự và sức bền bỉ của các định chế Hoa Kỳ chứng tỏ sức sống mãnh liệt. Trung Quốc sẽ tiếp tục đuổi theo Mỹ nhưng nước Mỹ, cho dù gặp giai đoạn suy thoái, vẫn là siêu cường không so sánh được. Mỹ tiếp tục phát triển không ngừng với thành phần dân số trẻ trung. Trái lại, Châu Âu mới đáng lo vì từ 2015 đi vào thời kỳ giảm dân số và không còn hợp ý với Hoa Kỳ. Chính tình đoàn kết trong khối Tây phương bị suy tàn, Courrier International kết luận.
Nhận định trên đây được một số ngòi bút Mỹ, Nhật, Nga đào sâu. Nhìn từ Washington, trong bài "Trump tháo gỡ trật tự thế giới", The New York Times đưa giả thuyết : Donald Trump có ý đồ đánh phá liên minh Tây phương.
Từ các cuộc thượng đỉnh G7 ở Canada, NATO tại Bruxelles và sắp tới đây là hội nghị Mỹ-Nga tại Phần Lan… Chủ nhân Nhà Trắng không bỏ lỡ một cơ hội nào để làm lung lay nền móng của khối Tây phương. Vấn đề là không ai biết Trump tính gì, có chiến lược cao siêu hay chỉ vì vô ý thức ? Nhưng hành động từ hơn một năm nay của Donald Trump không khác chi là một kế hoạch mật để đập tan nát NATO.
Bằng cớ là tại Québec, Donald Trump kêu gọi G7 mời Nga trở lại cũng như biện minh cho việc Nga xáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Một nhà báo thuộc phe bảo thủ ở Canada, Jay Nordinger đã phải thốt lên : "Tại sao Trump phát biểu như là một phóng viên của đài tuyên truyền tiếng nói nước Nga Russia Today ?"
Cây bút David Leonhardt nêu một giả thuyết thứ hai : Có thể Trump thích phá, thích làm ngược lại những tổng thống tiền nhiệm.
Trong mọi trường hợp, các nhà lãnh đạo Tây phương nhất là Justin Trudeau của Canada, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải noi gương Angela Merkel không nên dễ dãi với Trump. Ngay từ đầu thủ tướng Đức đã tỏ ra cứng rắn với Donald Trump mà không cần đổ dầu vào lửa.
Về phần Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ phải ngăn chận chủ nhân Nhà Trắng gây hại, tổ chức điều trần để làm sáng tỏ các âm mưu của ông ta.
Cuối cùng, cử tri Mỹ hãy dùng lá phiếu biến bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới thành trưng cầu dân ý bảo vệ giá trị lý tưởng truyền thống của nước Mỹ mà mỗi công dân là một người bảo vệ.
Nhìn từ Châu Á, tạp chí Nhật Nikkei Asian Review cảnh báo : nếu Tây phương suy yếu, Bắc Kinh sẽ áp đặt luật chơi quốc tế và xuất khẩu mô hình chính trị, kinh tế Trung Quốc ra khắp thế giới. Tập Cận Bình đã nói rõ như thế tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Ba.
Nhà chính trị học Mỹ Ian Bremmer, tác giả bài phân tích "Trung Quốc lên hàng lãnh đạo hành tinh" nhấn mạnh vào chính sách "nước Mỹ trước đã" của Donald Trump tạo ra một khoảng trống và Trung Quốc đã sẵn sàng thay thế.
Hệ quả này một phần là do sai lầm của giới lãnh đạo Tây phương. Trong nhiều thập niên, họ nghĩ rằng hãy giúp cho Trung Quốc phát triển, một tầng lớp trung lưu sẽ vươn lên sẽ buộc chế độ cởi mở hơn. Ngày nay, chính các chế độ dân chủ bị công dân của mình chỉ trích.
Người dân lên án chính sách toàn cầu hóa tác hại đến mức sống và đòi hỏi chính quyền phải đổi mới, điều mà giới chính trị không có giải pháp khả thi. Các nền dân chủ Tây phương bị đe dọa vì dân chúng càng ngày càng mất niềm tin vào các đảng truyền thống và độ chính xác của thông tin.
Ngược lại, chính quyền Trung Quốc có thể tự khen đã góp phần làm đất nước giàu lên và phát huy hình ảnh Trung Quốc ra khắp thế giới. Tình trạng tham ô, đàn áp tự do nhân quyền, kiểm duyệt thông tin, ô nhiễm vẫn tồn tại nhưng cuộc sống hằng ngày đã được cải thiện, đó là lý do các công dân Trung Quốc tỏ ra tin tưởng vào giới lãnh đạo của họ.
Hệ quả ra sao ? Bắc Kinh áp đặt các nguyên tắc quốc tế và ngày càng ít bị chống đối. Trước hết, Trung Quốc là nước duy nhất tiến hành một chiến lược toàn cầu về thương mại và đầu tư.
Với chiến lược "Con đường tơ lụa mới", với quyết tâm cho vay không đặt điều kiện chính trị tiên khởi, Bắc Kinh giành được bạn hàng ở các nước đang phát triển. Chính quyền các quốc gia Châu Á, Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và Trung Đông ngày càng có xu hướng đi theo Bắc Kinh.
Trong cuộc đấu công nghệ cao, thông minh nhân tạo, Trung Quốc cũng ở thế mạnh hơn. Trong khi Hoa Kỳ để cho sáng kiến tư nhân tự do chủ động thì chính quyền Trung Quốc chỉ đạo các tập đoàn công nghiệp. Ảnh hưởng áp đảo cho phép Trung Quốc buộc các nước đối tác nhỏ tuân thủ chuẩn mực các công ty Trung Quốc.
Thật ra, sức thu hút của Trung Quốc có giới hạn và phải cần nhiều chục năm mới đủ sức cạnh tranh với Mỹ nhưng ở cấp vùng, Bắc Kinh là cường quốc quân sự gây phản cảm. Nhưng với thái độ "thoái lui" của Donald Trump, Bắc Kinh có thể lắp vào khoảng trống ảnh hưởng. Đó chính là bất trắc lớn cho địa chính trị trong năm nay.
Như để minh họa cho tình trạng mất phương hướng của thế giới, nhìn từ Nam Phi, nhà báo Kalim Rajad cho rằng thế nổi trội của nền tư tưởng Tây phương Thiên Chúa giáo đang "gây bất bình cho giới trí thức ở các nước kém phát triển". Theo ông, tư tưởng của chủ tịch Trung Quốc ảnh hưởng truyền thống Khổng giáo hy sinh quyền lợi cá nhân cho hài hòa xã hội cũng như tinh thần dân tộc chủ nghĩa của thủ tướng Ấn Độ NarendraModi có những điểm tương đồng.
Cuộc chiến giành ảnh hưởng bắt đầu
Nhìn từ Nga, Timofei Bordatchev, giám đốc viện nghiên cứu Châu Âu ở Moskva, trên báo mạng Profil, dự báo một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng bắt đầu : Chiến tranh lạnh thứ hai đã khai mào từ trước năm 2017 khi Nga can thiệp vào Syria. Nhưng theo tác giả, diễn biến mới từ sau năm 2014 là không còn những vụ tấn công đơn phương, trừ hai vụ ngoại lệ Tây phương oanh kích Syria năm 2017 và 2018 nhưng cũng thận trọng không để Nga trả đũa. Cuộc chiến tranh lạnh mới này nằm trong khuôn khổ thay đổi trật tự thế giới theo một thế tương quan lực lượng quân bình.
Ngày nay chiến tranh nóng rất khó xảy ra vì bên nào cũng có vũ khí mạnh. Tuy nhiên, nếu dựa trên tuyên bố của tổng thống Donald Trump thì chiến lược của Mỹ đặt trên cơ sở bảo vệ nguồn lợi duy nhất của Mỹ. Thế giới ngày nay quay trở lại kịch bản lịch sử cũ : Tranh đấu không vì lý tưởng mà chỉ vì phân chia tài nguyên. Cuộc chiến này sẽ kéo dài.
Vào lúc đa số ý kiến cho rằng tổng thống Nga lấn áp được Tây phương, RBC Daily từ Moskva hy vọng "một mùa xuân Paris 68" sẽ xuất hiện tại thủ đô nước Nga.
Nếu "mùa xuân Paris 68 nổ ra tại đất nước chúng ta ?", tựa bài báo. Tác giả nhận định : "Cuộc cách mạng xảy ra cách nay 50 năm tại Paris chứng tỏ tăng trưởng kinh tế và điều kiện sống được cải thiện không ngăn được dân chúng bất bình xuống đường. Cho dù kinh tế phát triển mạnh với đời sống tốt đẹp với thụ đắc an sinh xã hội được bảo đảm nhưng không đủ để bù trừ cho tình trạng thiếu tự do cá nhân nếu công dân nhất là giới trẻ cảm thấy xã hội tiến triển chậm hơn khát vọng mong đợi".
Nước Nga cũng thế, người dân không còn bị đói nghèo như thời Liên Xô nhưng các quyền tự do không thấy có tiến triển mà thậm chí còn mất dần so với thời hậu Cộng sản.
Tại Pháp, trong thập niên 1960, tướng De Gaulle, người anh hùng giải phóng dân tộc, người khai sinh nền Đệ Ngũ Cộng Hòa và được dân chúng ngưỡng mộ. Năm 1965, De Gaulle tái đắc cử sau 13 năm cầm quyền, không một dấu hiệu nào cho phép dự đóan 3 năm sau ông bị dân chúng xuống đường chống đối.
Tại Nga, Putin cũng là người xây dựng một nước Nga mới, cũng tái đắc cử vẻ vang nhưng khả năng chuyển hóa đất nước theo khát vọng của dân chúng rất yếu. Quyết tâm muốn tự do và thoát khỏi khuôn khổ Nhà nước bao giờ cũng mạnh hơn lo ngại nội chiến hay bất ổn. Cũng như nước Pháp của những năm 1960, nước Nga ngày nay đang cạn nguồn nội lực động viên xuất phát từ ký ức những năm đói khổ.
Viễn ảnh phải sống thêm 6 năm không một hy vọng đổi mới đè nặng lên lương tâm người dân. Phong trào phản kháng tập trung trong giới trẻ từ ngày chào đời chỉ biết có Putin và nay do bản năng thúc đẩy, muốn biết một nước Nga không có Putin. Do vậy tin rằng chế độ có thể duy trì được trật tự cũ là một điều hoang tưởng.
Thủ đô của Giấc mơ Trung Hoa
Đối ngoại, sức mạnh của Trung Quốc làm thế giới lo ngại nhưng về đối nội, hàng loạt dự án chết non. Thành phố ước mơ của Tập Cận Bình vẫn còn ngái ngủ. Courrier International dành cho báo mạng Hồng Kông, The Initium, nhiều trang và hình ảnh một thành phố "mới" trong dự án khu đôi thị 2000 km2 ở Hùng An, Hà Bắc bị bỏ hoang vì không người tới ở.
Mọi công trình xây cất "thủ đô của giấc mơ Trung Hoa" bị ngưng lại vì phải chờ quyết định Đại hội đảng. Đại hội qua rồi nhưng lệnh tái khởi động không thấy đâu, kể cả trong diễn văn chủ Tập chủ tịch. Một trong những nhà đầu tư bị phá sản, tâm sự : lúc này tôi mới hiểu ý nghĩa của cụm từ "dự án của thế kỷ".
Bắc Âu lo ngại Nga
"Nếu Nga tấn công vào Bắc Âu ?". Bài phóng sự trên báo Pháp L’Express giải thích vì sao Thụy Điển lo âu và chuẩn bị đối phó như thế nào.
Trước thượng đỉnh NATO, Thụy Điển đã nghiên cứu các kịch bản mà Nga có thể thi hành để tấn công vào một thành viên : đảo Gotland của Thụy Điển hay Narva của Estonia. Tại đại học quốc phòng, chuyên gia Tomas Ries giải thích : "Từ 5 năm nay, Putin quan sát xã hội của chúng ta, đang mất phương hướng, phân hóa, than thân trách phận. Nếu tình trạng chủ bại kéo dài, cộng thêm chiến thuật khuấy động bằng tin giả, nếu NATO và Liên Hiệp Châu Âu chia rẽ, nếu Trump bị Putin nuốt gọn thì tổng thống Nga sẽ chọn thời điểm thuận lợi để phiêu lưu quan sự như đã lấn chiếm bán đảo Crimée".
Mục đích của Putin không phải là chiếm thêm lãnh thổ mà là để chứng minh NATO chỉ là "cọp giấy". Đây không phải là một kịch bản tưởng tượng vì quân đội Thụy Điển đã tái thành lập một trung đoàn thiết giáp. Đề phòng mọi tình huống, Stockholm phát cho 4,8 triệu gia đình một "bí kíp" hướng dẫn hành động khi đất nước bị tấn công.
Bắc Kinh chuẩn bị chế độ độc tài điện tử
Cũng như các đồng nghiệp, tuần báo cánh tả L’Obs bình luận về chính sách kiểm sóat xã hội của Tập Cận Bình : "Chế độ độc tài High-Tech với sự tiếp tay của các tập đoàn thông tin điện tử, viễn thông như Ali baba, Huawei…", Trung Quốc của Tập thực hiện một dự án đầy tham vọng và đáng ngại, đó là kiểm soát toàn bộ xã hội và 1,4 tỷ dân bằng công nghệ cao trong mục đích thiết lập một chế độ toàn trị tối tân. Một mô hình có thể làm nhiều nước bắt chước.
Nên ăn rau quả hay thịt ?
Tuần báo Le Point, nhân mùa hè, phỏng vấn một chuyên gia về dinh dưỡng với câu hỏi "ăn thịt hay ăn rau quả" có lợi cho sức khỏe.
Trái với niềm tin truyền thống, chế độ ăn uống nào cũng có cái lợi cái hại. Con người cần thịt vì cần năng lượng hoạt động. Nhưng đời sống hiện nay, bộ não hoạt động nhiều hơn cơ bắp. Thái độ khôn khéo là bớt thịt.
Rau quả tốt cho cơ thể nhưng người ăn chay trường cần sinh tố D cho xương, B12 cho máu. Quyết định chừng mực do vậy tốt hơn thái quá.
Một điểm đáng lưu ý nữa là đối với các vị "tuyệt đối" trong chế độ ăn uống coi chừng mình biến thành nạn nhân của các tập đoàn sản xuất thực phẩm "tinh khiết". Với nhãn hiệu này, họ bán hàng với giá cắt cổ và không ngần ngại để thêm hàng khối phụ gia cho ngon miệng, chẳn hạn như "xúc xích đậu nành" nghe rất lành nhưng rất hại.
Tú Anh
NATO trước áp lực bị chia rẽ bởi chính sách bất cần đồng minh của Donald Trump (RFI, 09/07/2018)
Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO mở ra ngày thứ Tư 11 và thứ Năm 12/07 tuần này tại Bruxelles với sự tham dự của tổng thống Mỹ. Các lãnh đạo NATO, nhất là những thành viên Châu Âu, lo ngại nguy cơ quan hệ đồng minh thêm chia rẽ bởi tính khí khó lường của ông Donald Trump, người luôn hoài nghi tính thiết yếu của liên minh quân sự này và ám ảnh với đòi hỏi đồng minh chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump trong một cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ ngày 25/05/2017. Reuters/Jonathan Ernst/File Photo
Mối lo của các nước Châu Âu càng rõ nét khi ông Trump sẽ nối tiếp thượng đỉnh NATO bằng cuộc gặp lịch sử với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki Phần Lan ngày 16/07 mà tại đó nhiều nhà quan sát dự đoán có thể tổng thống Mỹ sẽ có những nhượng bộ với tổng thống Nga.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly thừa nhận sự căng thẳng của kỳ thượng đỉnh này khi cho biết : "Tôi cho rằng tổng thống Mỹ sẽ gây một áp lực rất lớn lên các đồng minh, đặc biệt là các nước Châu Âu".
Cuối tháng 6 vừa qua, ông Trump đã gửi thư cho lãnh đạo 9 nước thành viên NATO, trong đó có Đức, Canada và Na Uy, nhắc lại sự bất mãn của Washington đối với các nước không tuân thủ các nghĩa vụ của họ là phải tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời tổng thống Donald Trump đòi các đồng minh đó tôn trọng cam kết đến năm 2024 tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP.
Một nhà ngoại giao ẩn danh của Châu Âu, báo trước "cuộc họp thượng đỉnh này sẽ nặng nề". Còn một quan chức khác trong Liên minh thì nói thẳng "sự thành công của thượng đỉnh phụ thuộc vào tính khí của ông Donald Trump". Đã không ít lần tính thất thường cùng những tuyên bố bộc phát của tổng thống Mỹ ít nhiều động chạm đến lợi ích an ninh của Châu Âu.
Theo ông Pierre Vermon, nguyên là nhân vật số 2 của Ngoại giao Châu Âu, cuộc gặp đầu tiên của tổng thống Mỹ với đồng nhiệm Nga, chỉ vài ngày sau, "với ông Trump còn quan trọng hơn nhiều thượng đỉnh NATO".
Chuyên gia William Galston thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution nhận định "các nước Châu Âu có lý do để lo ngại" về cuộc gặp Trump-Putin. Nhà phân tích này đồ rằng biết đâu ở Helsinki ông Trump lại chẳng đưa ra những thông báo về những vấn đề không hề được bàn thảo với các đồng minh trong thượng đỉnh NATO ? Thậm chí, các nước thành viên trong khối liên minh này còn lo ngại ông Trump có thể tìm kiếm thỏa thuận nào đó với lãnh đạo Nga vì lợi ích của Mỹ và sau đó các đồng minh buộc phải làm theo.
Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc hồi tháng 6 vừa qua đã để lại mối bất đồng sâu sắc giữa các nước Châu Âu và Mỹ, đồng thời cho thấy thái độ bất cần quan hệ đồng minh của tổng thống Trump như thế nào.
Trong khi đó chuyên gia Mỹ Thomas Carothers, phó chủ tịch Quỹ Carnegie dự báo : "Mục tiêu của Putin là chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh Châu Âu và chia rẽ các nước Châu Âu. Ông ta sẽ lấy làm thích thú thấy điều đó tại thượng đỉnh NATO".
Bộc lộ chia rẽ là mối ám ảnh của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Những căng thẳng với tổng thống Trump càng trở nên bức bối trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh này sẽ phải ra được các quyết định quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của NATO để đối phó với đe dọa mà khối này cho là đến từ nước Nga.
Các đồng minh sẽ lập ra hai bộ chỉ huy quân sự mới : một để bảo vệ con đường hàng hải trên Đại Tây Dương và một để điều phối luân chuyển đóng quân ở Châu Âu. Ngoài ra còn một kế hoạch khác để tăng cường khả năng triển khai nhanh của NATO trong trường hợp khủng hoảng. Nhưng chia rẽ trong nội bộ sẽ khiến các quyết định đó không còn là vấn đề ưu tiên bàn thảo.
Chuyến công du của tổng thống Mỹ tới Bruxelles tối ngày 10/07 và sau đó 6 ngày lên đường tới Helsinki rất có thể sẽ làm định hình lại ít nhiều quan hệ giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Các đồng minh Châu Âu sẽ không cảm thấy thua thiệt gì trong đó nếu họ tìm được sự đoàn kết, chủ động và năng lực để tự quyết số phận của chính mình.
Anh Vũ
******************
Liệu Donald Trump có khả năng nhớ bài học thượng đỉnh Reykjavik ? (RFI, 09/07/2018)
Trong một bài nhận định trên báo Le Monde ngày 04/07/2018, cây bút xã luận Sylvie Kauffmann, cho rằng Donald Trump dường như đã lấy cảm hứng từ cuộc gặp Reagan-Gorbatchev diễn ra năm 1986 tại Reykjavik để tiến hành cuộc gặp với Vladimir Putin tại Helsinki ngày 16/07. Tuy nhiên, tác giả đặt câu hỏi liệu nguyên thủ Hoa Kỳ có đủ khả năng áp dụng bài học này hay không ?
Tổng thống Nga, Vladimir Putin và đồng nhiệm Mỹ, Donald Trump tại thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, Việt Nam ngày 11/11/2017. Reuters/Jorge Silva
Tại phía bắc thành phố Reykjavik, thủ đô Iceland, có một ngôi nhà nhỏ mầu trắng, mái lợp ngói đá đen. Ngôi nhà xinh xinh đó được xây vào năm 1909 cho tòa lãnh sự Pháp, đã được một thi hào người Iceland mua lại, để rồi sau đó trở thành tòa đại sứ Anh Quốc.
Một tấm biển bằng đá gra-nit giải thích vì sao vào năm 1986, ngôi nhà nhỏ nhắn này bỗng trở nên nổi tiếng toàn cầu : Chính tại nơi đây, vào ngày 11 và 12/10 năm đó, đã diễn ra cuộc gặp giữa tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Bang Xô Viết, Mikhail Gorbatchev. Tấm biển ghi : "Thượng đỉnh này được xem như là điềm báo hiệu bước khởi đầu chấm dứt chiến tranh lạnh".
Thượng đỉnh Reykjavik diễn ra trong bối cảnh nào ?
Mọi việc bắt đầu với việc Ronald Reagan lên cầm quyền tại Washington năm 1981 và Gorbatchev bước vào điện Kremlin năm 1985. Chiến Tranh Lạnh dai dẳng từ những năm 1950 và 1960 bắt đầu mờ dần trong những năm 1970 với thời kỳ "Hạ Nhiệt" và việc ký kết các thỏa thuận SALT đầu tiên ("Strategic Arms Limitation Talks", Đàm phán Giới hạn Vũ khí Chiến lược).
Nhưng đến những năm 1980, căng thẳng giữa hai siêu cường lại dấy lên. Cuộc chạy đua vũ trang lại được khởi động với việc Liên Xô cho lắp đặt các loại tên lửa tính năng cao hơn chĩa về phía Tây Âu, còn Hoa Kỳ nêu ra dự án thiết lập một lá chắn không gian chống lại tên lửa Liên Xô, được biết đến dưới tên gọi Sáng kiến Phòng vệ Chiến lược IDS, mà giới truyền thông đặt tên là "Chiến tranh các vì sao", (Star Wars).
Trong bối cảnh này, Mikhail Gorbatchev, thuộc giới lãnh đạo trẻ, lên cầm quyền tại điện Kremlin, sau sự ra đi của hai cựu lãnh đạo Yuri Andropov và Constantin Tchernenko, những chính trị gia già nua và có thế lực trong đảng Cộng Sản Liên Xô. Tầm nhìn cởi mở dường như đã góp phần làm thay đổi đáng kể quan hệ song phương của hai siêu cường. Ý thức được ngân sách to lớn cho bộ máy quân sự đè nặng lên nền kinh tế quốc gia, lãnh đạo Xô Viết lúc bấy giờ quả thật muốn làm thay đổi cục diện.
Dù biết rằng tổng thống Mỹ Ronald Reagan là người chống cộng rất quyết liệt, nhưng Gorbatchev thật sự mong muốn giải quyết mối đe dọa hạt nhân và đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Chính trong hoàn cảnh này, hai nguyên thủ Liên Xô và Hoa Kỳ mong muốn gặp nhau để thử tìm hiểu, nhất là về hồ sơ vũ khí hạt nhân, vốn dĩ nhiều lần dẫn thế giới đến bên bờ một thảm họa mới sau vụ nổ những quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản năm 1945.
Sau Reykjavik, đến lượt Helsinki
Ba mươi hai năm sau, cũng tại một thành phố Bắc Âu khác, Helsinki, mà Donald Trump và Vladimir đã chọn để gặp nhau ngày 16/07. Nhưng Helsinki cũng có truyền thống với những cuộc gặp thượng đỉnh Đông-Tây thế kỷ XX : Gerald Ford và Leonid Brejnev năm 1975 ; George Bush cha với Gorbatchev, một lần nữa năm 1990 và đến năm 1997 là thượng đỉnh Bill Clinton và Boris Eltsine, tổng thống của một nước Nga suy yếu, mà người ta từng nghĩ là đang trên đường hướng đến nền dân chủ.
Dù vậy, thông báo cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump và Vladimir Putin đã gây bất ngờ, vì cách đây hai tháng, không một ai dám đặt cược một đồng kopeck cho việc tổ chức thượng đỉnh này.
Tại Washington, những ai có dính dáng đến Nga đều bị liên đới. Ở Quốc hội, một trào lưu chống Putin mạnh mẽ, tập hợp cả đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, đã cho phép thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cách nay một năm, nhằm đáp trả các hành động can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Và nhất là, một chưởng lý đặt biệt đang sốt sắng điều tra về những mối liên hệ của những người thân cận ứng viên Trump với những hành động can thiệp đó. Trong một bầu không khí nặng nề, điện Kremlin chẳng có chút ảo tưởng về việc nối lại đối thoại ở cấp cao nhất giữa Washington và Matxcơva.
Ngây ngất thượng đỉnh Singapore
Thế nhưng, theo bình luận gia Sylvie Kauffmann, cuộc đối thoại Trump - Putin này cũng quan trọng không kém như dưới thời Reagan-Gorbatchev : mối quan hệ giữa hai cường quốc chưa bao giờ tồi tệ như thế này kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, và thế giới hiện giờ còn phức tạp hơn so với những năm 1980.
Điều gì đã thúc đẩy ông Donald Trump làm một cú nhảy vọt như thế ? Theo tác giả, chẳng còn chút nghi ngờ, chính sự ngây ngất thượng đỉnh Singapore với lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un đã tác động. Đây cũng chính xác là điều gây lo ngại cho rất nhiều người hay gièm pha của ông.
Tác giả nhắc lại, các cuộc gặp thượng đỉnh thời chiến tranh lạnh được giải quyết một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. Vào năm 1986, đối mặt với một tân binh lãnh đạo Gorbatchev, tổng thống Reagan đã có sáu năm kinh nghiệm cầm quyền và một ê-kip cố vấn dày dạn, am tường chính sách đối ngoại Đông-Tây.
Dù vậy, nhiều chuyên gia về ngoại giao thời ấy, như Henry Kissinger và Zbigniew Brzezinski, còn cho là cuộc gặp tại Reykjavik là liều lĩnh. Chỉ còn có ba tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ (mà đảng Cộng Hòa đã bị thua), họ e ngại là Reagan sẽ nhân nhượng quá mức để có được một thỏa thuận về giải trừ vũ khí.
Năm 1986, "sự điều chỉnh to lớn của Mỹ"
Trên thực tế, sau ba cuộc họp đàm phán dài hai tiếng tại ngôi nhà xinh mầu trắng ở Reykjavik trong khi mà Raïssa Gorbatcheva, phu nhân của lãnh đạo Xô Viết làm phân tâm các nhiếp ảnh gia bằng chuyến đi dạo ngoài phố, cả hai lãnh đạo ra về trong sự bất đồng : Gorbatchev kiên quyết đưa "cuộc chiến các vì sao", sáng kiến quốc phòng chiến lược của Mỹ, vào trong thỏa thuận giải trừ vũ khí, và Reagan đã từ chối nhượng bộ. Thỏa thuận Reykjavik xem như là không có.
Thế nhưng, những gì cho thấy có vẻ như là một thất bại thật ra là bước khởi đầu cho một tiến trình lịch sử, vì các cuộc thương lượng này đã cho phép quan điểm của hai cường quốc xích lại gần nhau hơn trên nhiều chủ đề quan trọng.
Câu hỏi đặt ra : Liệu ông Donald Trump có khả năng nhớ lấy bài học đó hay không ? Nhưng mấy ai hiểu được tầm mức quan trọng mà vị tổng thống thứ 45 này muốn đi vào Lịch sử ? Người ta nghi ngờ là ông ấy biết rất ít về lịch sử của các nước đồng minh, khi nhìn vào những lời phát biểu gần đây của ông về Liên Hiệp Châu Âu EU, "vốn dĩ được thành lập để tận dụng lợi thế của Hoa Kỳ và xăm xoi vào túi tiền của nước này". Người ta hy vọng là ông ấy biết nhiều hơn về lịch sử chính nước Mỹ của ông. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều điểm cách biệt khác.
Điểm đầu tiên, đó là vào thời điểm Reagan-Gorbatchev, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rất vững chắc. Ngay khi thượng đỉnh kết thúc, ngoại trưởng Mỹ lúc đó là George Shultz đã đáp chuyến bay từ Reykjavik đến Bruxelles nhằm thông báo tóm tắt cho các đồng minh của mình trong khối NATO. Đó là thời kỳ mà ngoại trưởng Pháp lúc bấy giờ, Jean-Bernard Raimond, đã phải ca ngợi "sự điều chỉnh to lớn của Hoa Kỳ". Trên làn sóng Europe 1 ngày 12/10/1986, ông khẳng định : "Chúng tôi đã nhiều lần được hỏi ý kiến và chúng tôi đã có thể làm chuyển hướng chính sách của Hoa Kỳ".
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tồi tệ
Giờ đây, tổng thống Mỹ xem thủ tướng Canada là "yếu đuối và gian dối", công khai tấn công thủ tướng Đức, khuyên tổng thống Pháp hãy làm như Anh quốc và rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, và trước mặt thủ tướng Thụy Điển, ông mơ đi theo mô hình của Thụy Điển, vốn dĩ không phải là thành viên của NATO.
Các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã trở nên tồi tệ và nếu như thượng đỉnh NATO, diễn ra ngày 11 và 12/07, cũng diễn ra không suôn sẻ như là kỳ thượng đỉnh G7, thì có lẽ bốn ngày sau đó, nguyên thủ Nga Vlaidmir Putin sẽ vui vẻ huýt sáo đi đến Helsinki gặp Donald Trump.
Điểm cách biệt khác nữa, chính là lần này, Donald Trump mới là tân binh, đối mặt với một tổng thống Nga cầm quyền từ 18 năm qua. Putin có kỷ luật và sẽ được chuẩn bị trước, trong khi mà Trump chỉ hành động theo cảm tính với "nghệ thuật mặc cả" nổi tiếng của ông.
Cách nay hai năm, trước khi Trump đắc cử, khi được hỏi về khả năng mối quan hệ Trump-Putin, ông Fiodor Loukianov, chuyên gia Nga về đối ngoại, dự báo : Trump rất muốn làm bạn với Putin, và đương nhiên, ông Putin sẽ nói là đồng ý ! Nhưng một ngày nào đó, Trump sẽ phát hiện ra rằng Putin còn thông minh hơn ông ấy nhiều. Và điều đó sẽ không làm cho ông ta hài lòng chút nào. Thế là ông ấy sẽ lật đổ tất cả".
Theo nhà báo Sylvie Kauffmann, điều cần lưu ý là chuyên gia Loukinov hiếm khi dự báo sai.
Minh Anh
Căng thẳng giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Đức (RFI, 31/05/2017)
Quan hệ giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Mỹ Donald Trump lại thêm căng thẳng từ hôm qua 30/05/2017, sau khi ông Trump kịch liệt chỉ trích Đức. Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa hai nước đồng minh được cho là khá nghiêm trọng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Donald Trump tại Thượng đỉnh G7 Taormina, Sicilia Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicilia, bà Merkel đã không ngần ngại chỉ trích thái độ "một mình chống lại tất cả" của ông Trump, dù không nêu đích danh. Kêu gọi Châu Âu thức tỉnh, thủ tướng Angela Merkel, đang vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư, đã cảnh báo người dân Đức về thời kỳ có thể đặt trọn niềm tin vào Hoa Kỳ "hầu như đã qua". Bà tin rằng chủ trương của ông Trump có thể là cú hích giúp Châu Âu tiến bộ về quốc phòng và ngoại giao.
Như thường lệ, tổng thống Mỹ hôm qua đã dùng Twitter để phản pháo. Ông đáp trả với những từ cố tình viết hoa : "Chúng ta bị thâm hụt thương mại KHỦNG KHIẾP với Đức, hơn nữa Berlin còn chi ra RẤT ÍT cho NATO và cho lãnh vực quân sự. Rất tệ hại cho HOA KỲ. Điều này sẽ phải thay đổi".
Một tiếng đồng hồ trước đó, bà Angela Merkel vốn rất thận trọng lựa chọn từ ngữ, nhận định việc Châu Âu trở thành "một nhân tố có trách nhiệm trên trường quốc tế là vô cùng quan trọng", nhất là do sự quay ngược chính sách của phía Mỹ. Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni ủng hộ lời kêu gọi này, cho rằng "tương lai của Châu Âu phải nằm trong tay của Châu lục, trước những thách thức của thế giới".
Hôm thứ Hai 29/5, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel còn đi xa hơn khi tố cáo tổng thống Mỹ đã "làm phương Tây yếu đi", do phản đối hiệp ước khí hậu và nhiều tỉ đô la vũ khí bán cho Saudi Arabia, quốc gia bị chỉ trích nhiều về nhân quyền.
Tình trạng căng thẳng Mỹ-Đức như thế chưa từng xảy ra kể từ sau năm 2003, khi chính phủ của ông Gerhard Schröder phản đối chiến tranh Iraq. Hôm qua, trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cố gắng xoa dịu tình hình, cho rằng ông Trump và bà Merkel rất hợp ý, ông rất tôn trọng bà Merkel và coi Châu Âu là đồng minh quan trọng của nước Mỹ.
Dù sao đi nữa, người Đức tỏ ra đồng tâm nhất trí về chủ đề này. Ứng viên cạnh tranh với bà Angel Merkel trong cuộc bầu cử tháng Chín tới, nguyên chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz đã bênh vực đối thủ của mình, cáo buộc ông Donald Trump dựa vào "chủ trương cô lập và luật của kẻ mạnh" để áp đặt quan điểm.
Thật ra trước và sau khi đắc cử, nhà tỉ phú địa ốc vẫn luôn chỉ trích nước Đức, đe dọa lập hàng rào thuế quan để trả đũa thặng dư thương mại của Đức. Nhưng thái độ của thủ tướng Angela Merkel kể từ hội nghị thượng đỉnh G7 ở Taormina (Sicilia) đánh dấu một bước ngoặt mới. Trái hẳn với các lãnh đạo Châu Âu khác, bà Merkel phê phán các cuộc thảo luận "không đáng hài lòng chút nào" dẫn đến tình trạng "sáu chống một".
Ông Donald Trump và bà Angela Merkel còn tái ngộ trong hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hambourg vào tháng Bảy tới.
Thụy My
******************
Thủ tướng Đức cam kết với quan hệ xuyên Đại Tây Dương (VOA, 29/05/2017)
Thủ tướng Đức Merkel ở Munich, 27/5/2017.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà vẫn cam kết với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững mạnh. Trước đó, bà Merkel từng nói Hoa Kỳ không còn là đối tác tin cậy nữa.
Phát ngôn viên Steffen Seibert cho biết : "Vì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương rất quan trọng đối với thủ tướng, nên theo quan điểm của bà, nói thẳng ra về sự khác biệt là điều đúng đắn".
Tại cuộc vận động tranh cử ở Bavaria, bà Merkel phát biểu : "Thời đại mà chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào những nước khác đã không còn nữa, như tôi đã thấy trong vài ngày qua".
Bà Merkel và các nhà lãnh đạo Châu Âu khác đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không nhắc lại sự ủng hộ dành cho thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm chống lại sự thay đổi khí hậu tại cuộc họp G7 gần đây ở Sicily.
Trong thông cáo chung bế mạc hội nghị, tất cả các quốc gia G7 trừ Hoa Kỳ đã cam kết hành động để giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu.
Bà Merkel nói rằng thỏa thuận về khí hậu rất quan trọng vì vậy không nên có bất kỳ thỏa hiệp nào về vấn đề này.
*******************
Trump đàm phán 'cứng rắn' với NATO (BBC, 25/05/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ở Brussels và có những cuộc đàm phán mà êkíp của ông miêu tả là "cứng rắn" với các thành viên khác trong liên minh Nato.
Biểu tình phản đối Tổng thống Hoa Kỳ tại Brussels
Ông Trump cũng dự kiến gặp các quan chức Liên minh Châu Âu hôm 25/5. Ông từng chỉ trích cả Nato lẫn EU.
Sau khi đến Brussels, ông Trump gặp Vua và Hoàng hậu Bỉ trong lúc hàng ngàn người biểu tình chống Trump ở trung tâm thành phố.
Ông Trump đã lên tiếng chỉ trích các quốc gia Nato vì chi tiêu quốc phòng ít hơn mức 2% sản lượng quốc gia mà họ đã đồng ý.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói với phóng viên rằng ông Trump "thực sự muốn thuyết phục các thành viên Nato hoàn thành nghĩa vụ của họ".
Ông nói thêm : "Tôi nghĩ rằng quý vị có thể thấy là Tổng thống Mỹ sẽ rất cứng rắn với họ và nói rằng chúng tôi [người Mỹ] đang làm rất nhiều cho an ninh của quý vị. Quý vị cần chắc chắn rằng mình cũng có đóng góp cho sự an toàn của chính mình".
"Đó sẽ là thông điệp chính của Tổng thống Mỹ với Nato".
Ông Trump và đệ nhất phu nhân Mỹ gặp Vua và Hoàng hậu Bỉ
Phóng viên BBC Kevin Connolly về Châu Âu phân tích :
Lịch trình của ông Trump ở Brussels sắp xếp nhiều cuộc họp và giảm những bài phát biểu trước công chúng cũng như kiểm soát báo chí đi theo tường thuật sự kiện.
Buổi sáng 25/5, ông Trump gặp lãnh đạo EU, trong đó Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker, người từng phàn nàn rằng tổng thống Mỹ cần hai năm đầu trong nhiệm kỳ để nhận biết tình hình thế giới.
Buổi chiều, ông đến trụ sở chính của Nato, tổ chức mà ông từng mô tả là "lỗi thời" và gặp các thành viên Châu Âu mà ông chỉ trích vì không chi tiêu đủ mức để phòng thủ.
********************
Chống khủng bố : ưu tiên của Donald Trump khi dự thượng đỉnh NATO (RFI, 25/05/2017)
Các đồng minh sẵn sàng có nhượng bộ đối với Donald Trump tại thượng đỉnh NATO, Bruxelles, 25/05/2017 - REUTERS
Thượng đỉnh tổ chức quân sự Liên Minh Bắc Đại Dương diễn ra tối nay 25/05/2017 tại Bruxelles. Đây cũng là cuộc họp NATO đầu tiên cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo nhận xét của giới chuyên gia được RFI và Le Monde trích dẫn, với cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Manchester, Anh Quốc, chủ đề "chống khủng bố" sẽ ngự trị cuộc họp NATO, bên cạnh hồ sơ "chia sẻ gánh nặng tài chính".
Trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Jorge Benitez, thành viên hội đồng tư vấn Atlantic Council, được RFI trích dẫn, cho rằng, chính quyền Donald Trump chỉ mong đợi 2 điểm ở NATO : Thứ nhất là tăng quân số của các nước đồng minh triển khai tại Afghanistan. Thứ hai, NATO trở thành thành viên chính thức trong liên quân chống Daech. Nhưng theo Le Monde, đây cũng chính là điểm bất đồng giữa Hoa Kỳ và NATO từ bấy lâu nay.
Cho đến lúc này, Pháp luôn phản đối NATO là một thành viên chính thức trong liên quân quốc tế chống thánh chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Irak và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại bất đồng với Mỹ trong vấn đề người Kurdistan, mà Ankara xem là "quân khủng bố" nhưng lại được Washington hậu thuẫn.
Đáng chú ý nhất là hồ sơ Libya. Năm 2011, 10 nước thành viên của NATO, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ đã trực tiếp tham gia chiến dịch "Unified Protector" ủng hộ quân nổi dậy chống cựu lãnh đạo Kadhafi. Nhưng cam kết quân sự này gặp phải thái độ ngập ngừng và sự vắng mặt của Đức tại Liên Hiệp Quốc.
Kết quả là chiến dịch can thiệp trên đã để lại những hậu quả thảm hại cho đến ngày nay. "Libya được xếp vào trong danh sách các chiến dịch quân sự phương Tây bị thất bại", như lưu ý của một chuyên gia với Le Monde. Dẫu sao thì mong mỏi này của Hoa Kỳ, cũng đã được đáp ứng. Thứ Tư, 24/5/2017, một nguồn tin ngoại giao cho AFP biết là NATO đã quyết định chính thức tham gia liên quân quốc tế chống quân thánh chiến Daech tại Irak và Syria.
Giờ chỉ còn một điểm khúc mắc cần giải quyết mà Donald Trump chắc chắn sẽ nhắc đến trong cuộc họp đặc biệt lần này : " chia sẻ gánh nặng tài chính". Tổng thống Mỹ cảm thấy bất công khi Hoa Kỳ phải gánh đến gần 70% ngân sách của NATO. Giờ đây, Donald Trump chỉ mong muốn các đối tác dành ít nhất 2% ngân sách cho Quốc Phòng.
Đây là mục tiêu mà khối này đã ấn định cho 28 quốc gia thành viên năm 2014, và chỉ mới được có 5 nước thành viên thực hiện. Trong cuộc họp khối NATO tại Bruxelles ngày 31/3/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhắc lại mục tiêu này trước các đồng nhiệm.
Cho dù cuộc khủng bố tại Manchester đã làm các nước thành viên trong khối đoàn kết hơn, thế nhưng, tuyên bố "NATO lỗi thời" của Donald Trump vẫn sẽ âm ỉ trong tâm trí nhiều lãnh đạo các thành viên NATO khi bắt tay tổng thống Mỹ trong cuộc họp tối nay. Dù rằng sau đó trong buổi tiếp tổng thư ký NATO tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ có tuyên bố rằng "NATO không còn lỗi thời nữa", nhưng cảm giác khó chịu vẫn ngự trị trong lòng khối liên minh này.
Minh Anh
****************
Châu Âu hy vọng Donald Trump đổi thái độ trên nhiều hồ sơ thiết yếu (RFI, 24/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Ý Sergio Mattarella (P) tại phủ Tổng thống Ý, Roma, ngày 24/05/2017. Italian Presidency Press Office/Handout via Reuters
Ngày 25/05/2017, trong khuôn khổ vòng công du Châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hội đàm với hai lãnh đạo cao cấp nhất Châu Âu là ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, và Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Chưa bao giờ giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu lại nôn nóng chờ đợi cuộc gặp với tân lãnh đạo Hoa Kỳ như vào lúc này, sau một loạt những tín hiệu không mấy thuận lợi mà tân chủ nhân Nhà Trắng đã tung ra nhằm đả kích Châu Âu, dù đây là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trên mọi phương diện.
Điều hiển nhiên là trong suốt thời kỳ vận động tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã không ngần ngại có những lời lẽ "miệt thị" đối với Châu Âu. Hãng tin Pháp AFP đã nhắc lại là khi tranh cử, ứng viên Donald Trump đã từng khen mỉa nước Bỉ là "một thành phố tuyệt vời", và gọi Bruxelles, thủ phủ Liên Hiệp Châu Âu là một "ổ chuột". Và khi đã nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump vẫn tiếp tục có những phát biểu không thiện cảm đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong lúc chính quyền Mỹ đã có nhiều quyết định khiến Bruxelles bất bình.
Trong vụ Vương Quốc Anh quyết định rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, một vài hôm trước lúc nhậm chức, ông Trump đã không ngần ngại tiên đoán rằng "nhiều nước khác sẽ rời bỏ" Liên Hiệp Châu Âu theo gương Luân Đôn. Hay trong vấn đề thương mại, không những đã đình chỉ cuộc đàm phán khởi sự năm 2013 giữa Bruxelles và Washington về hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương TTIP (tiếng Anh là TAFTA), ông Trump còn yêu cầu chính quyền của ông thống kê những nước có thặng dư mậu dịch với Mỹ, trong số này có Đức và Pháp…, bất chấp thực tế là trên bình diện thương mại, Liên Hiệp Châu Âu mang tính chất là một khối duy nhất.
Đó là chưa kể đến nhiều vấn đề khác như việc đơn phương áp dụng chế độ visa đối với một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu (Bulgari, Rumani, Croatia, Ba Lan, Chypre), hay mới đây là muốn đơn phương cấm hành khách mang máy tính xách tay, máy tính bảng… lên ca bin trong các chuyến bay từ Châu Âu qua Mỹ.
Trên tất cả các hồ sơ đó, Châu Âu hy vọng là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ có thể sẽ giúp giải quyết một phần các bất đồng giữa hai bên. Giới lãnh đạo Châu Âu đang cố chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ sao cho chuyến thăm của ông Trump và các cuộc hội đàm diễn tiến tốt đẹp, không xẩy ra sự cố mà hai bên phải mất công giải quyết về sau.
Trả lời AFP, ông Tomas Valasek, giám đốc trung tâm tham vấn Carnegie Châu Âu giải thích : "Mục đích là bảo đảm sao cho các cuộc hội kiến diễn ra một cách ngắn gọn, năng động và tích cực, tránh được những nhận xét mà sau đó phải mất hàng tháng trời để khắc phục hậu quả".
Một ví dụ rất cụ thể : do việc Tổng thống Trump nổi tiếng là ăn nói bộc trực, không cần suy nghĩ, các lãnh đạo Châu Âu đã tránh tổ chức họp báo, thậm chí hai ông Donald Tusk và Jean-Claude Juncker còn dự trù là sẽ không tiếp xúc với báo giới sau cuộc gặp.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tân Tổng thống Mỹ đã cho thấy là trong lãnh vực ngoại giao, ông bắt đầu mềm mỏng hơn. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, ông như đã thấy được tầm quan trọng của đối tác. Trên vấn đề Brexit chẳng hạn, sau khi làm Bruxelles phật ý bằng lời tiên đoán Liên Hiệp Châu Âu phân rã, ông Trump đã khen ngợi Châu Âu là đã biết xử lý tốt hồ sơ Brexit.
Nhân vòng công du Cận Đông vừa qua, ông Trump đã tránh được những lời lẽ hành động có thể gây hiểu lầm khiến cho chuyến đi được đánh giá là thành công. Ian Lesser, chuyên gia phân tích tại Marshall Fund ở Đức cho rằng những khó khăn đối nội của ông Trump từ khi cách chức giám đốc FBI James Comey có thể khuyến khích ông tránh gây nên những cuộc tranh cãi để "gặt hái được thành công ngoại giao".
Liệu thành tích ở Cận Đông sẽ được ông Trump tái lập tại Châu Âu hay không ? Câu hỏi này chưa có đáp án, nhưng đó chính là mong đợi của các lãnh đạo Châu Âu.
Trọng Nghĩa