Căng thẳng giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Đức (RFI, 31/05/2017)
Quan hệ giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Mỹ Donald Trump lại thêm căng thẳng từ hôm qua 30/05/2017, sau khi ông Trump kịch liệt chỉ trích Đức. Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa hai nước đồng minh được cho là khá nghiêm trọng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Donald Trump tại Thượng đỉnh G7 Taormina, Sicilia Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicilia, bà Merkel đã không ngần ngại chỉ trích thái độ "một mình chống lại tất cả" của ông Trump, dù không nêu đích danh. Kêu gọi Châu Âu thức tỉnh, thủ tướng Angela Merkel, đang vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư, đã cảnh báo người dân Đức về thời kỳ có thể đặt trọn niềm tin vào Hoa Kỳ "hầu như đã qua". Bà tin rằng chủ trương của ông Trump có thể là cú hích giúp Châu Âu tiến bộ về quốc phòng và ngoại giao.
Như thường lệ, tổng thống Mỹ hôm qua đã dùng Twitter để phản pháo. Ông đáp trả với những từ cố tình viết hoa : "Chúng ta bị thâm hụt thương mại KHỦNG KHIẾP với Đức, hơn nữa Berlin còn chi ra RẤT ÍT cho NATO và cho lãnh vực quân sự. Rất tệ hại cho HOA KỲ. Điều này sẽ phải thay đổi".
Một tiếng đồng hồ trước đó, bà Angela Merkel vốn rất thận trọng lựa chọn từ ngữ, nhận định việc Châu Âu trở thành "một nhân tố có trách nhiệm trên trường quốc tế là vô cùng quan trọng", nhất là do sự quay ngược chính sách của phía Mỹ. Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni ủng hộ lời kêu gọi này, cho rằng "tương lai của Châu Âu phải nằm trong tay của Châu lục, trước những thách thức của thế giới".
Hôm thứ Hai 29/5, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel còn đi xa hơn khi tố cáo tổng thống Mỹ đã "làm phương Tây yếu đi", do phản đối hiệp ước khí hậu và nhiều tỉ đô la vũ khí bán cho Saudi Arabia, quốc gia bị chỉ trích nhiều về nhân quyền.
Tình trạng căng thẳng Mỹ-Đức như thế chưa từng xảy ra kể từ sau năm 2003, khi chính phủ của ông Gerhard Schröder phản đối chiến tranh Iraq. Hôm qua, trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cố gắng xoa dịu tình hình, cho rằng ông Trump và bà Merkel rất hợp ý, ông rất tôn trọng bà Merkel và coi Châu Âu là đồng minh quan trọng của nước Mỹ.
Dù sao đi nữa, người Đức tỏ ra đồng tâm nhất trí về chủ đề này. Ứng viên cạnh tranh với bà Angel Merkel trong cuộc bầu cử tháng Chín tới, nguyên chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz đã bênh vực đối thủ của mình, cáo buộc ông Donald Trump dựa vào "chủ trương cô lập và luật của kẻ mạnh" để áp đặt quan điểm.
Thật ra trước và sau khi đắc cử, nhà tỉ phú địa ốc vẫn luôn chỉ trích nước Đức, đe dọa lập hàng rào thuế quan để trả đũa thặng dư thương mại của Đức. Nhưng thái độ của thủ tướng Angela Merkel kể từ hội nghị thượng đỉnh G7 ở Taormina (Sicilia) đánh dấu một bước ngoặt mới. Trái hẳn với các lãnh đạo Châu Âu khác, bà Merkel phê phán các cuộc thảo luận "không đáng hài lòng chút nào" dẫn đến tình trạng "sáu chống một".
Ông Donald Trump và bà Angela Merkel còn tái ngộ trong hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hambourg vào tháng Bảy tới.
Thụy My
******************
Thủ tướng Đức cam kết với quan hệ xuyên Đại Tây Dương (VOA, 29/05/2017)
Thủ tướng Đức Merkel ở Munich, 27/5/2017.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà vẫn cam kết với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững mạnh. Trước đó, bà Merkel từng nói Hoa Kỳ không còn là đối tác tin cậy nữa.
Phát ngôn viên Steffen Seibert cho biết : "Vì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương rất quan trọng đối với thủ tướng, nên theo quan điểm của bà, nói thẳng ra về sự khác biệt là điều đúng đắn".
Tại cuộc vận động tranh cử ở Bavaria, bà Merkel phát biểu : "Thời đại mà chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào những nước khác đã không còn nữa, như tôi đã thấy trong vài ngày qua".
Bà Merkel và các nhà lãnh đạo Châu Âu khác đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không nhắc lại sự ủng hộ dành cho thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm chống lại sự thay đổi khí hậu tại cuộc họp G7 gần đây ở Sicily.
Trong thông cáo chung bế mạc hội nghị, tất cả các quốc gia G7 trừ Hoa Kỳ đã cam kết hành động để giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu.
Bà Merkel nói rằng thỏa thuận về khí hậu rất quan trọng vì vậy không nên có bất kỳ thỏa hiệp nào về vấn đề này.
*******************
Trump đàm phán 'cứng rắn' với NATO (BBC, 25/05/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ở Brussels và có những cuộc đàm phán mà êkíp của ông miêu tả là "cứng rắn" với các thành viên khác trong liên minh Nato.
Biểu tình phản đối Tổng thống Hoa Kỳ tại Brussels
Ông Trump cũng dự kiến gặp các quan chức Liên minh Châu Âu hôm 25/5. Ông từng chỉ trích cả Nato lẫn EU.
Sau khi đến Brussels, ông Trump gặp Vua và Hoàng hậu Bỉ trong lúc hàng ngàn người biểu tình chống Trump ở trung tâm thành phố.
Ông Trump đã lên tiếng chỉ trích các quốc gia Nato vì chi tiêu quốc phòng ít hơn mức 2% sản lượng quốc gia mà họ đã đồng ý.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói với phóng viên rằng ông Trump "thực sự muốn thuyết phục các thành viên Nato hoàn thành nghĩa vụ của họ".
Ông nói thêm : "Tôi nghĩ rằng quý vị có thể thấy là Tổng thống Mỹ sẽ rất cứng rắn với họ và nói rằng chúng tôi [người Mỹ] đang làm rất nhiều cho an ninh của quý vị. Quý vị cần chắc chắn rằng mình cũng có đóng góp cho sự an toàn của chính mình".
"Đó sẽ là thông điệp chính của Tổng thống Mỹ với Nato".
Ông Trump và đệ nhất phu nhân Mỹ gặp Vua và Hoàng hậu Bỉ
Phóng viên BBC Kevin Connolly về Châu Âu phân tích :
Lịch trình của ông Trump ở Brussels sắp xếp nhiều cuộc họp và giảm những bài phát biểu trước công chúng cũng như kiểm soát báo chí đi theo tường thuật sự kiện.
Buổi sáng 25/5, ông Trump gặp lãnh đạo EU, trong đó Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker, người từng phàn nàn rằng tổng thống Mỹ cần hai năm đầu trong nhiệm kỳ để nhận biết tình hình thế giới.
Buổi chiều, ông đến trụ sở chính của Nato, tổ chức mà ông từng mô tả là "lỗi thời" và gặp các thành viên Châu Âu mà ông chỉ trích vì không chi tiêu đủ mức để phòng thủ.
********************
Chống khủng bố : ưu tiên của Donald Trump khi dự thượng đỉnh NATO (RFI, 25/05/2017)
Các đồng minh sẵn sàng có nhượng bộ đối với Donald Trump tại thượng đỉnh NATO, Bruxelles, 25/05/2017 - REUTERS
Thượng đỉnh tổ chức quân sự Liên Minh Bắc Đại Dương diễn ra tối nay 25/05/2017 tại Bruxelles. Đây cũng là cuộc họp NATO đầu tiên cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo nhận xét của giới chuyên gia được RFI và Le Monde trích dẫn, với cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Manchester, Anh Quốc, chủ đề "chống khủng bố" sẽ ngự trị cuộc họp NATO, bên cạnh hồ sơ "chia sẻ gánh nặng tài chính".
Trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Jorge Benitez, thành viên hội đồng tư vấn Atlantic Council, được RFI trích dẫn, cho rằng, chính quyền Donald Trump chỉ mong đợi 2 điểm ở NATO : Thứ nhất là tăng quân số của các nước đồng minh triển khai tại Afghanistan. Thứ hai, NATO trở thành thành viên chính thức trong liên quân chống Daech. Nhưng theo Le Monde, đây cũng chính là điểm bất đồng giữa Hoa Kỳ và NATO từ bấy lâu nay.
Cho đến lúc này, Pháp luôn phản đối NATO là một thành viên chính thức trong liên quân quốc tế chống thánh chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Irak và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại bất đồng với Mỹ trong vấn đề người Kurdistan, mà Ankara xem là "quân khủng bố" nhưng lại được Washington hậu thuẫn.
Đáng chú ý nhất là hồ sơ Libya. Năm 2011, 10 nước thành viên của NATO, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ đã trực tiếp tham gia chiến dịch "Unified Protector" ủng hộ quân nổi dậy chống cựu lãnh đạo Kadhafi. Nhưng cam kết quân sự này gặp phải thái độ ngập ngừng và sự vắng mặt của Đức tại Liên Hiệp Quốc.
Kết quả là chiến dịch can thiệp trên đã để lại những hậu quả thảm hại cho đến ngày nay. "Libya được xếp vào trong danh sách các chiến dịch quân sự phương Tây bị thất bại", như lưu ý của một chuyên gia với Le Monde. Dẫu sao thì mong mỏi này của Hoa Kỳ, cũng đã được đáp ứng. Thứ Tư, 24/5/2017, một nguồn tin ngoại giao cho AFP biết là NATO đã quyết định chính thức tham gia liên quân quốc tế chống quân thánh chiến Daech tại Irak và Syria.
Giờ chỉ còn một điểm khúc mắc cần giải quyết mà Donald Trump chắc chắn sẽ nhắc đến trong cuộc họp đặc biệt lần này : " chia sẻ gánh nặng tài chính". Tổng thống Mỹ cảm thấy bất công khi Hoa Kỳ phải gánh đến gần 70% ngân sách của NATO. Giờ đây, Donald Trump chỉ mong muốn các đối tác dành ít nhất 2% ngân sách cho Quốc Phòng.
Đây là mục tiêu mà khối này đã ấn định cho 28 quốc gia thành viên năm 2014, và chỉ mới được có 5 nước thành viên thực hiện. Trong cuộc họp khối NATO tại Bruxelles ngày 31/3/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhắc lại mục tiêu này trước các đồng nhiệm.
Cho dù cuộc khủng bố tại Manchester đã làm các nước thành viên trong khối đoàn kết hơn, thế nhưng, tuyên bố "NATO lỗi thời" của Donald Trump vẫn sẽ âm ỉ trong tâm trí nhiều lãnh đạo các thành viên NATO khi bắt tay tổng thống Mỹ trong cuộc họp tối nay. Dù rằng sau đó trong buổi tiếp tổng thư ký NATO tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ có tuyên bố rằng "NATO không còn lỗi thời nữa", nhưng cảm giác khó chịu vẫn ngự trị trong lòng khối liên minh này.
Minh Anh
****************
Châu Âu hy vọng Donald Trump đổi thái độ trên nhiều hồ sơ thiết yếu (RFI, 24/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Ý Sergio Mattarella (P) tại phủ Tổng thống Ý, Roma, ngày 24/05/2017. Italian Presidency Press Office/Handout via Reuters
Ngày 25/05/2017, trong khuôn khổ vòng công du Châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hội đàm với hai lãnh đạo cao cấp nhất Châu Âu là ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, và Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Chưa bao giờ giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu lại nôn nóng chờ đợi cuộc gặp với tân lãnh đạo Hoa Kỳ như vào lúc này, sau một loạt những tín hiệu không mấy thuận lợi mà tân chủ nhân Nhà Trắng đã tung ra nhằm đả kích Châu Âu, dù đây là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trên mọi phương diện.
Điều hiển nhiên là trong suốt thời kỳ vận động tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã không ngần ngại có những lời lẽ "miệt thị" đối với Châu Âu. Hãng tin Pháp AFP đã nhắc lại là khi tranh cử, ứng viên Donald Trump đã từng khen mỉa nước Bỉ là "một thành phố tuyệt vời", và gọi Bruxelles, thủ phủ Liên Hiệp Châu Âu là một "ổ chuột". Và khi đã nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump vẫn tiếp tục có những phát biểu không thiện cảm đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong lúc chính quyền Mỹ đã có nhiều quyết định khiến Bruxelles bất bình.
Trong vụ Vương Quốc Anh quyết định rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, một vài hôm trước lúc nhậm chức, ông Trump đã không ngần ngại tiên đoán rằng "nhiều nước khác sẽ rời bỏ" Liên Hiệp Châu Âu theo gương Luân Đôn. Hay trong vấn đề thương mại, không những đã đình chỉ cuộc đàm phán khởi sự năm 2013 giữa Bruxelles và Washington về hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương TTIP (tiếng Anh là TAFTA), ông Trump còn yêu cầu chính quyền của ông thống kê những nước có thặng dư mậu dịch với Mỹ, trong số này có Đức và Pháp…, bất chấp thực tế là trên bình diện thương mại, Liên Hiệp Châu Âu mang tính chất là một khối duy nhất.
Đó là chưa kể đến nhiều vấn đề khác như việc đơn phương áp dụng chế độ visa đối với một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu (Bulgari, Rumani, Croatia, Ba Lan, Chypre), hay mới đây là muốn đơn phương cấm hành khách mang máy tính xách tay, máy tính bảng… lên ca bin trong các chuyến bay từ Châu Âu qua Mỹ.
Trên tất cả các hồ sơ đó, Châu Âu hy vọng là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ có thể sẽ giúp giải quyết một phần các bất đồng giữa hai bên. Giới lãnh đạo Châu Âu đang cố chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ sao cho chuyến thăm của ông Trump và các cuộc hội đàm diễn tiến tốt đẹp, không xẩy ra sự cố mà hai bên phải mất công giải quyết về sau.
Trả lời AFP, ông Tomas Valasek, giám đốc trung tâm tham vấn Carnegie Châu Âu giải thích : "Mục đích là bảo đảm sao cho các cuộc hội kiến diễn ra một cách ngắn gọn, năng động và tích cực, tránh được những nhận xét mà sau đó phải mất hàng tháng trời để khắc phục hậu quả".
Một ví dụ rất cụ thể : do việc Tổng thống Trump nổi tiếng là ăn nói bộc trực, không cần suy nghĩ, các lãnh đạo Châu Âu đã tránh tổ chức họp báo, thậm chí hai ông Donald Tusk và Jean-Claude Juncker còn dự trù là sẽ không tiếp xúc với báo giới sau cuộc gặp.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tân Tổng thống Mỹ đã cho thấy là trong lãnh vực ngoại giao, ông bắt đầu mềm mỏng hơn. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, ông như đã thấy được tầm quan trọng của đối tác. Trên vấn đề Brexit chẳng hạn, sau khi làm Bruxelles phật ý bằng lời tiên đoán Liên Hiệp Châu Âu phân rã, ông Trump đã khen ngợi Châu Âu là đã biết xử lý tốt hồ sơ Brexit.
Nhân vòng công du Cận Đông vừa qua, ông Trump đã tránh được những lời lẽ hành động có thể gây hiểu lầm khiến cho chuyến đi được đánh giá là thành công. Ian Lesser, chuyên gia phân tích tại Marshall Fund ở Đức cho rằng những khó khăn đối nội của ông Trump từ khi cách chức giám đốc FBI James Comey có thể khuyến khích ông tránh gây nên những cuộc tranh cãi để "gặt hái được thành công ngoại giao".
Liệu thành tích ở Cận Đông sẽ được ông Trump tái lập tại Châu Âu hay không ? Câu hỏi này chưa có đáp án, nhưng đó chính là mong đợi của các lãnh đạo Châu Âu.
Trọng Nghĩa