Tương lai của NATO ra sao nếu Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ ?
Trọng Thành, RFI, 15/02/2024
Tuyên bố hôm 10/02/2024 của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump là ông có thể để mặc cho Nga tấn công quốc gia thành viên NATO đang gây chấn động mạnh. Trong lúc nhiều người lên án ông Trump "phá vỡ tinh thần đoàn kết" của Liên minh, nhiều nhà quan sát nhấn mạnh đến nguy cơ thực sự đối với an ninh chung của toàn khối, đặc biệt là Châu Âu, nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Ông Donald Trump dự hội nghị của NATO tại Brussels, Vương quốc Bỉ năm 2018 với tư cách tổng thống Mỹ. AP - Evan Vucci
1. Donald Trump có thể biến đe dọa rút khỏi khối NATO thành hiện thực ?
Nhà sử học Anne Applebaum, một trong các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Đông Âu, từng đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2004 cho tác phẩm về chế độ toàn trị Liên Xô, có một bài viết đáng chú ý về chủ đề này trên The Atlantic. Trước hết, tương tự như nhiều nhà quan sát khác, vị chuyên gia này khẳng định : Rời khỏi NATO sẽ không hề dễ dàng đối với Trump. Nếu đưa ra quyết định nói trên, tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ sẽ vấp phải hàng loạt rào cản về thể chế. Sau khi ông Trump lên nắm quyền năm 2016, lo ngại về các hành động liều lĩnh của tổng thống, giới chính trị lưỡng đảng Hoa Kỳ đã tìm cách bổ sung luật nhằm bù lấp các lỗ hổng về pháp lý, hạn chế quyền của tổng thống.
Năm 2019, Thượng Viện Mỹ, do đảng Dân chủ kiểm soát, đã thông qua một dự luật, đòi hỏi việc rút khỏi NATO phải được ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ. Trước đó, theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống buộc phải có sự chấp thuận của Quốc hội mới được phép ký kết một hiệp ước quốc tế, nhưng việc rút khỏi lại không đòi hỏi thủ tục này.
Sau Thượng Viện, đến tháng 12/2023, Hạ Viện Mỹ, do phe Cộng hòa kiểm soát, đã ra luật đòi hỏi việc rút khỏi NATO phải được Hạ Viện cho phép. Luật này đã được đại đa số dân biểu lưỡng đảng ủng hộ, với 310 phiếu thuận và 118 phiếu chống. Đòi hỏi này, được gắn với luật về ngân sách quốc phòng thường niên hơn 800 tỉ đô la, yêu cầu tổng thống Mỹ chỉ được phép rút khỏi NATO, hay đình chỉ việc tham gia liên minh phòng thủ này, nếu Hạ Viện ra luật, hoặc được 2/3 thượng nghị sĩ chấp thuận. Và kế hoạch rút khỏi NATO phải được đệ trình 180 ngày trước khi thực thi. Theo giới quan sát, các điểm bổ sung luật này rõ ràng trực tiếp nhắm vào ông Donald Trump, hạn chế khả năng lộng hành của ông nếu trở lại nắm quyền.
Trả lời tác giả bài viết, thượng nghị sĩ Tim Kaine, đảng Dân chủ Mỹ, người chủ trì luật ngăn chặn sự lộng hành của tổng thống, cho biết ông tin tưởng là "các tòa án sẽ đồng ý với chúng tôi và sẽ không ủy quyền cho một tổng thống đơn phương rút" khỏi khối NATO. Bên cạnh đó, quyết định rút khỏi NATO, nếu được tổng thống tương lai đưa ra, cũng sẽ ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới chuyên gia quân sự - các cựu tư lệnh, cựu tổng tham mưu trưởng của NATO, các cựu lãnh đạo Mỹ cũng như các đồng minh của Hoa Kỳ.
2. Ông Trump có khả năng vượt qua các rào cản thể chế để rút khỏi NATO ?
Liệu các sáng kiến về pháp lý bổ sung nói trên có đủ sức ngăn cản Trump hành động hay không, đó cũng chính là câu hỏi mà chuyên gia Anne Applebaum đặt ra với thượng nghị sĩ Tim Kaine. Tuy nhiên, chính trị gia này thừa nhận, các rào cản pháp lý, cộng với sự phản đối của giới tướng lĩnh và chính trị gia, là hoàn toàn không chắc chắn bảo đảm thành công trong việc ngăn chặn các hậu quả của quyết định rút khỏi NATO của tổng thống. Bên cạnh cuộc chiến pháp lý, sẽ diễn ra một cuộc chiến về truyền thông. Sử gia Anne Applebaum nhấn mạnh đến "nguồn gốc uy lực chủ yếu của khối NATO không phải là về mặt pháp lý, hay thể chế, mà là về tâm lý". Chỉ cần nguyên thủ Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi NATO, các thiệt hại sẽ ngay lập tức xảy ra, trước khi Quốc hội họp bàn thảo luận về chủ đề này.
Vị chuyên gia Mỹ trở lại với lịch sử để tóm lược vấn đề cốt yếu này. Theo bà, Liên Xô trước đây đã không bao giờ dám tấn công Cộng hòa Liên Bang Đức, trong khoảng thời gian từ 1949 đến 1989, không phải là do họ sợ phản ứng của Đức. Và nếu Nga không tấn công Ba Lan, các nước vùng Baltic hay Romania trong 18 tháng qua, thì đó không phải vì họ sợ Ba Lan, các nước vùng Baltic hay Romania. Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay tiếp tục như vậy là do Moskva tin rằng Hoa Kỳ sẽ thực thi cam kết bảo vệ các đồng minh chiếu theo Điều 5 của Hiến chương NATO, quy định rằng "một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc một số quốc gia Châu Âu, hoặc Bắc Mỹ, sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả".
Nếu quyết định chống lại an ninh tập thể NATO, ông Trump chỉ cần tung lên trên mạng xã hội Truth Social chẳng hạn, một nhận định theo hướng này là đủ để "khai tử" niềm tin vào tinh thần đoàn kết của NATO, từng được thử thách suốt ba phần tư thế kỷ. Lúc đó, tiếng nói của Quốc hội, của truyền thông, của nội bộ đảng Cộng hòa sẽ còn rất ít ý nghĩa. Sử gia Anne Applebaum đặt câu hỏi : Ai sẽ còn sợ NATO, nếu đối phương không còn lo ngại sẽ bị Mỹ đáp trả ? Theo bà Anne Applebaum, trong các cuộc thăm dò ý kiến những người có liên hệ mật thiết với khối NATO tại Châu Âu, cũng như một số đối tác tại Hàn Quốc, hay Đài Loan, tất cả đều đồng ý với việc "niềm tin vào sức mạnh răn đe phòng thủ tập thể ngay lập tức sẽ biến mất".
Tuần báo Anh The Economist, trong bài "How Donald Trump’s re-election would threaten NATO’s Article 5" (Việc Trump tái đắc cử thách thức ĐĐiều 5 Hiến chương NATO như thế nào), lưu ý đến khả năng hành động rất rộng của ông Trump nếu đắc cử. Hoàn toàn không cần rút khỏi NATO, chỉ cần tổng thống thứ 47 của nước Mỹ "rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Châu Âu, không mở rộng ô răn đe hạt nhân của Mỹ tới Châu Âu, và gây nghi ngờ về cam kết của Mỹ trong việc ra lệnh cho quân đội Mỹ chiến đấu bảo vệ Châu Âu" là đủ để tiếp tay cho điện Kremlin.
The Economist lưu ý là bản thân Điều 5 của Hiến chương NATO cũng quy định rất mơ hồ về sự tham gia của các nước trong phòng thủ tập thể. Điều 5 chỉ cam kết chung chung là các đồng minh cần thực hiện "những hành động được cho là cần thiết" để khôi phục bảo đảm an ninh, "với các biện pháp rất rộng, từ vũ khí hạt nhân đến phản đối ngoại giao gay gắt". Hệ quả nguy hiểm của tuyên bố nói trên của ông Trump có thể là một lý do chính khiến các lời lẽ của ứng cử viên tổng thống Mỹ đã bị lên án dữ dội từ Châu Âu cũng như ngay tại Mỹ.
3. Trump có thực sự muốn rút Mỹ ra khỏi NATO ?
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố nói trên vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc tranh cử trong nội bộ đảng Cộng hòa, mà ông coi như đã nắm chắc phần thắng. Tuyên bố dữ dội chưa từng có của cựu tổng thống Mỹ về việc sẵn sàng để mặc cho Nga tấn công một "nước đồng minh", nếu quốc gia này không đóng góp đủ cho chi phí quốc phòng (như ông Trump quy kết và bị nhiều nhà quan sát phản bác là hoàn toàn không đúng, hơn nữa mục tiêu đặt ra vào năm 2014 và phải hoàn thành năm 2024 là không mang tính bắt buộc), có thể được hiểu như một thủ đoạn tranh cử, nhằm thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri. Bản thân Donald Trump cũng thường xuyên nhấn mạnh là các đe dọa này của ông đã giúp NATO "trở nên hùng mạnh hơn".
Tuy nhiên, giới quan sát cũng ghi nhận không phải lần đầu tiên Trump đưa ra tuyên bố theo hướng này, đây không hề là "một trò đùa", bởi lập trường này tương ứng với "chủ nghĩa biệt lập" của nước Mỹ, mà chính ông Trump đang tuyên truyền và cỗ vũ, và lập trường này đang giành được ngày càng nhiều ủng hộ trong nội bộ đảng Cộng hòa. Phe truyền thống trong đảng Cộng hòa, do thượng nghị sĩ Kentucky Mitch McConnell đứng đầu, dường như không còn đủ lực để tiếp tục chính sách đối ngoại truyền thống của nước Mỹ như từ ba phần tư thế kỷ nay.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống Trump chủ trương rời khỏi NATO, nhưng đã bị chính các thành viên trụ cột trong bộ máy ngăn cản. Nhưng giờ đây, nếu Trump tái đắc cử, sẽ không ai có thể ngăn cản và các hệ quả của quyết định sai lầm của tổng thống sẽ không thể đảo ngược được như trong nhiệm kỳ trước, theo cảnh báo của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia, một cựu cộng sự viên thân tín của ông Trump.
Châu Âu giờ đây bắt buộc phải chấp nhận đối mặt với hai thách thức nhãn tiền : Có thể bị Nga tấn công và có thể bị Mỹ bỏ rơi. Trump rất có thể chọn khả năng "thỏa hiệp với Nga, ngoảnh mặt với Châu Âu và Ukraine, để cố gắng tách Nga khỏi Trung Quốc, nhằm đối phó tốt hơn với đối thủ chính", theo ghi nhận của Le Figaro.
Trọng Thành
*************************
Tổng thư ký NATO phản bác tuyên bố của Donald Trump về chi tiêu quân sự
Phan Minh, RFI, 15/02/2024
Trong cuộc họp hôm 14/02/2024, 54 quốc gia thuộc nhóm Ramstein (nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine) để thảo luận về "nhu cầu vũ khí" nhằm đối phó với Nga, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo hơn một nửa số thành viên liên minh đã đạt mục tiêu về chi tiêu quân sự, phản bác tuyên bố của Donald Trump.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo trước hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO tại trụ sở của khối ở Bruxelles, Bỉ, ngày 14/02/2024. Reuters – Yves Herman
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :
"Một số nước thành viên NATO phàn nàn : "Chúng ta đã nghe Trump nói Hoa Kỳ không nên bảo vệ những quốc gia không chi tiêu đủ cho quân sự, nhưng lần này ông ấy còn khuyến khích Nga tấn công chúng ta".
Tổng thư ký NATO công bố những số liệu mới hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Donald Trump. Các số liệu đó cho thấy gần hai phần ba các nước thành viên đã đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2014, tức là chi 2% GDP cho quốc phòng. Hoa Kỳ cần NATO hơn bao giờ hết, theo tổng thư ký Jens Stoltenberg, "Hoa Kỳ chưa bao giờ chiến đấu một mình. Họ luôn chiến đấu cùng với các đồng minh. Từ chiến tranh Triều Tiên cho đến Afghanistan, các đồng minh NATO đã sát cánh với binh lính Mỹ. Lần duy nhất chúng ta sử dụng Điều 5 là sau khi Hoa Kỳ bị tấn công khủng bố ngày 11/09/2001. Hàng trăm ngàn binh sĩ Canada và Châu Âu đã chiến đấu tại Afghanistan để bảo vệ Hoa Kỳ. Khi nào mà chúng ta vẫn đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau thì chúng ta sẽ vẫn an toàn và vẫn bảo vệ được các giá trị của khối thông qua mối liên kết xuyên Đại Tây Dương bền chặt".
Mối đe dọa từ Nga đối với NATO cũng còn hiện hữu thông qua Hungary, quốc gia vẫn chưa chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương".
Trước cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO hôm nay tại Bruxelles, tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết việc Mỹ ngăn chặn viện trợ quân sự cho Kiev đã có "tác động" đến cuộc chiến của quân đội Ukraine chống Nga.
Phan Minh
**************************
NATO tăng ngân sách quốc phòng
Thu Hằng, RFI, 14/02/2024
Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Bruxelles ngày 14/02/2024 nhưng vắng bộ trưởng Mỹ Lloyd Austin, vừa xuất viện. Nhân dịp này, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo tăng ngân sách quốc phòng của khối, chỉ vài ngày sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các nước NATO không dành đủ 2% GDP cho quốc phòng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo ngày 14/02/2024 tại trụ sở Liên Minh Bắc Đại Tây Dương -Bruxelles, Bỉ. Reuters - Yves Herman
Theo AFP, hiện chỉ có 11 trên tổng số 31 nước thành viên NATO đạt chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng năm 2023, con số này có thể tăng lên thành 20 nước trong năm 2024. Trong số những nước chưa đạt chỉ tiêu có Pháp (1,9%), Đức (1,57%), Bỉ (1,15%)...
Trước đó, khi trả lời báo chí Đức, tổng thư ký NATO đã kêu gọi các nước Châu Âu gia tăng sản xuất vũ khí để giao cho Ukraine, đồng thời phải phòng ngừa một cuộc đối đầu với Moskva "có thể kéo dài vài thập niên". Bên lề cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước NATO còn có một cuộc họp của các nước ủng hộ cuộc kháng chiến của Ukraine chống xâm lược Nga diễn ra cùng ngày 14/02.
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 đã khiến các nước Châu Âu đầu tư nhiều hơn vào phương tiện quốc phòng. Và kể từ cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine năm 2022, chỉ tiêu 2% GDP trở thành mức sàn, chứ không còn là mức trần chi tiêu quân sự đối với các nước NATO. Tuy nhiên, quyết định của các nước Châu Âu không cấm cản cựu tổng thống Mỹ Donald Trump "tự nhận công lao" khi khẳng định chính ông đã giúp Liên minh "mạnh mẽ" dưới nhiệm kỳ của ông (2017-2021).
Một nhà ngoại giao đánh giá những phát biểu gây tranh cãi gần đây của ông Trump cho thấy các nước Châu Âu - 29 trên tổng số 31 nước thành viên NATO - "cần tự bảo đảm quốc phòng".
Thu Hằng
Donald Trump, cú sốc cho NATO, mối đe dọa cho Ukraine
Theo các báo Pháp ngày 14/02/2024, nếu Donald Trump đắc cử, rủi ro Hoa Kỳ ra khỏi NATO ít hơn là việc Trump ký với Nga một hòa ước tạm bợ, giúp Moskva giữ lại những lãnh thổ đã chiếm của Ukraine bằng vũ lực. Trump quên rằng Điều 5 NATO chỉ được kích hoạt có một lần trong lịch sử sau sự kiện ngày 11 tháng 9, nhờ đó Hoa Kỳ được các đồng minh trợ giúp để chống khủng bố, và Châu Âu chủ yếu mua vũ khí của Mỹ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp NATO tại Watford, Anh, ngày 04/12/2019. AP - Francisco Seco
Nguy cơ Trump áp đặt hòa bình "không công chính"
Khủng hoảng nhà ở, thất nghiệp, lễ tưởng niệm cựu bộ trưởng Robert Badinter - người suốt đời đấu tranh bỏ án tử hình tại Pháp. Mối lo quốc phòng tại Châu Âu sau tuyên bố nẩy lửa của ông Donald Trump về NATO, chiến tranh ở Trung Đông và Ukraine là những đề tài được bàn luận nhiều hôm nay, 14/02/2024.
Trong bài xã luận "NATO, nước Mỹ trước hết", La Croix nhận thấy việc Hạ Viện Mỹ từ chối thông qua viện trợ quân sự cho Ukraine lẫn tuyên bố khiêu khích của Donald Trump khiến Châu Âu cảm thấy bất an.
Khó thể hình dung một tổng thống Mỹ rút khỏi NATO, vì thị trường Châu Âu là sống còn cho kỹ nghệ vũ khí Hoa Kỳ. Nhưng điều này cho thấy Châu Âu không còn có thể dựa vào đối tác duy nhất là Mỹ. Khi đặt lại vấn đề Điều 5 Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương ( các nước sẽ trợ giúp khi một thành viên bị xâm lược ), Trump đã biến một thỏa thuận của lòng tin thành một " deal " của các doanh nhân, theo những lợi ích trước mắt.
Liệu cú đòn này có kích thích ý tưởng quốc phòng chung Châu Âu hay không ? Hiện giờ thì hãy còn xa, vì một quỹ chung đã được thành lập nhưng chưa nhận được bao nhiêu, và đa số nước Nam Âu, Đông Âu tiếp tục nghĩ rằng sẽ được Washington che chở khi mua vũ khí Mỹ. Nếu Donald Trump đắc cử, rủi ro Hoa Kỳ ra khỏi NATO ít hơn là việc Trump ký với Nga một hòa ước tạm bợ, giúp Moskva giữ lại những lãnh thổ đã chiếm bằng vũ lực. Ukraine sẽ là bên bị thiệt thòi nhất, và phía sau là cả Châu Âu.
"Cú sốc Trump" cho NATO
Nói về "NATO : Cú sốc Trump", Le Monde cho rằng lâu nay Châu Âu vẫn ảo tưởng về an ninh, nay phải đối mặt với hai thế lực hủy diệt là Putin và Trump. Tuy không phải là lần đầu tiên, nhưng điểm khác biệt là lần này Donald Trump gieo rắc nghi ngờ về giá trị của Liên minh trong lúc Châu Âu đang cần hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ răn đe của NATO bị lung lay khi đối thủ không sợ sẽ bị trả đũa nếu tấn công.
Cũng không nên coi nhẹ lời đe dọa của Trump, vì thời điểm trùng hợp với việc các dân biểu Cộng Hòa ngăn chặn viện trợ cho Kiev, và cuộc phỏng vấn dài lê thê ông Putin tại Moskva do Tucker Carlson, một người ủng hộ Donald Trump, thực hiện. Cuộc xâm lăng Ukraine đã mở mắt cho Tây Âu. Một cách trễ tràng, họ nhận ra thế giới đã thay đổi.
Điều 5 chỉ mới kích hoạt một lần để NATO giúp… Mỹ
Nhưng liệu Donald Trump có thể hủy diệt NATO hay không ? Cũng theo La Croix, do từ lúc còn là tổng thống, Trump đã nhiều lần đe dọa như vậy, nên cuối năm 2023 Quốc Hội đã thông qua một dự luật ngăn cản các tổng thống đơn phương rút Hoa Kỳ khỏi NATO nếu không được Thượng Viện chấp thuận.
Chuyên gia địa chính trị Alexandra de Hoop Scheffer, thuộc German Marshall Fund, nhận định Donald Trump không thể phá hủy NATO, nhưng muốn gây bất ổn cho liên minh quốc tế này, làm lung tay nguyên tắc căn bản của mọi liên minh quốc phòng. Hoa Kỳ có lợi gì khi làm Liên minh Bắc Đại Tây Dương yếu đi ? Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, nhấn mạnh, nếu các thành viên không bảo vệ lẫn nhau thì sẽ gây tổn hại cho an ninh của toàn thể kể cả Hoa Kỳ.
Alexandra de Hoop Scheffer cũng cho rằng Trump không biết đánh giá những lợi ích mà Hoa Kỳ có được từ NATO. Donald Trump chỉ nhìn thấy những gì Mỹ phải chi ra, mà quên rằng Điều 5 phòng vệ tập thể chỉ được kích hoạt có một lần kể từ năm 1949, sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001 của Al Qaeda trên đất Mỹ. Nhờ đó mà Hoa Kỳ đã được các đồng minh trợ giúp để tiến hành các chiến dịch chống khủng bố ở không phận Châu Âu và Địa Trung Hải. Cựu tổng thống cũng quên rằng Châu Âu chủ yếu mua vũ khí Mỹ, nhất là đơn đặt hàng càng ồ ạt sau cuộc xâm lăng Ukraine. Donald Trump hướng về lớp cử tri Mỹ đã chán ngán với toàn cầu hóa. Đối với Alexandra de Hoop Scheffer, cung cách khiêu khích này trước hết là để đánh động.
Hoa Kỳ, đồng minh quân sự hùng mạnh không thể thay thế
Theo Le Monde, "Hoa Kỳ luôn cần thiết cho việc bảo vệ Châu Âu", vì hiện nay châu lục này vẫn chưa có đủ phương tiện từ hậu cần đến trang thiết bị để có thể răn đe và tự vệ hiệu quả trước Nga. Một nhà ngoại giao cho rằng nếu Mỹ rút lui sẽ là hồi kết của NATO.
Ông Camille Grand, thuộc Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhắc nhở, sự đóng góp chính của Hoa Kỳ không còn được tính bằng số lượng quân nhân đóng tại Châu Âu và các vũ khí hạng nặng như thời chiến tranh lạnh. Trong thời buổi hiện nay là sự trợ giúp về tình báo, giám sát, vận chuyển hàng không chiến lược, tiếp liệu trên không, tấn công sâu, phòng không, quan sát và liên lạc trên không gian. Các nhà nghiên cứu Max Bergmann và Otto Svendsen của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định, những khiếm khuyết trên khiến Châu Âu càng lệ thuộc vào Washington, kể cả những hoạt động quân sự căn bản.
Mỹ cũng mang lại hai thế mạnh, trước hết là "chiếc dù nguyên tử". Tuy có bàn về việc mở rộng răn đe nguyên tử của Pháp cho toàn châu lục, ông Grand cho rằng "Pháp không có khả năng thay thế Hoa Kỳ để trang bị bom Pháp cho phi cơ đồng minh, chưa kể kho vũ khí của Mỹ thì không nước nào có thể sánh nổi". Thêm vào đó là năng lực triển khai nhanh chóng một số lớn lực lượng được đào tạo bài bản. Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất có toàn bộ sức mạnh quân sự hoàn chỉnh.
Thụy Điển, Ba Lan, Đức, Đan Mạch đều nêu ra khả năng Nga tấn công một nước NATO. Ước tính Moskva mất từ 4 đến 8 năm để tái trang bị sau cuộc chiến ở Ukraine, một khoảng thời gian rất ngắn để quân đội các nước đầu tư lớn nhằm giúp mình và giúp Ukraine. Trong khi đó chỉ có 11/30 nước đồng minh đạt mức chi quân sự 2% GDP trong năm 2022. Đức và Hà Lan lâu nay không nỗ lực và bị Donald Trump chỉ trích, bảo đảm rằng mục tiêu này sẽ đạt được trong năm 2024. Một nghiên cứu mới đây của Daniel Fiott, thuộc Vrije Universiteit Brussel, cho biết Châu Âu cần chi ra 300 đến 400 tỉ euro một năm, và nếu Hoa Kỳ đứng ra xa, phải chi 4 đến 5% GDP.
Estonia lo "tự cứu mình trước khi NATO cứu"
Những nước láng giềng nhỏ bé thì đã lo tự vệ. Le Figaro cho biết ba quốc gia vùng Baltic sẽ xây dựng một phòng tuyến để đối phó với khả năng Nga tấn công NATO trong thập niên tới. Estonia và hai nước bên cạnh dự kiến đầu tư 60 triệu euro xây 600 boong-ke từ nay đến 2025, dự trữ vũ khí. Một viên chức Estonia giải thích, Nga đang nhanh chóng xây dựng lại lực lượng nên phải tranh thủ thời gian đang có.
Hôm qua, Moskva ra lệnh truy nã nữ thủ tướng Kaja Kallas và một số quan chức khác của Baltic và Ba Lan vì "sỉ nhục ký ức của Nga". Bà Kallas đánh giá đây là chiến thuật đe dọa thường lệ. Cơ quan tình báo Estonia cho rằng Kremlin có thể đẩy nhanh xung đột với NATO. Quân đội Nga có thể tăng lên 1,15 đến 1,5 triệu người từ nay đến 2026, với khoảng vài chục đơn vị tác chiến và hậu cần mới được tung vào. Riêng tại biên giới với Estonia, lực lượng Nga sắp được tăng gấp đôi, lên 40.000 quân trong khi quân đội Estonia chỉ có 7.000 quân nhân.
Nỗi niềm những người vợ góa của tử sĩ Ukraine
Tại Ukraine trên lãnh vực xã hội, Le Monde đề cập đến một khía cạnh khác : "Sự cô đơn của những người vợ lính góa bụa". Hàng ngàn phụ nữ nhận được tiền tử tuất quá lớn đã bị ganh tị, thậm chí thù địch. Trên 70.000 quân nhân Ukraine đã hy sinh ngoài mặt trận, theo ước tính của Mỹ, nhiều người trong số đó để lại vợ góa con côi.
Iryna Bondariva đã ngất xỉu lập tức khi được báo tin chồng tử trận ở Mykolaiv, và nay chiếc áo khoác nhà binh của anh vẫn được treo trên mắc. Anna Fratkina xem đi xem lại những hình ảnh, video kỷ niệm, sợ rằng sẽ quên đi tiếng nói của chồng, một năm rưỡi sau khi anh hy sinh ở Kramatorsk... Nỗi đau của họ bắt đầu khi được báo tử và sau đó là một thử thách khác : nhận diện xác, nếu người lính không bị mất tích. Mặc cho gánh nặng tang tóc, những người phụ nữ này lại bị ganh ghét.
Ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng, tổng thống Volodymyr Zelensky loan báo vợ của các tử sĩ sẽ được trợ cấp 15 triệu hryvnias (370.000 euro). Số tiền này quá lớn tại một nước mà lương trung bình chỉ có 14.800 hryvnias (365 euro), cho dù còn phải chia sẻ với cha mẹ của người quá cố và các con. Ban đầu tử tuất được cấp một lần, nhưng chiến tranh kéo dài, nay trợ cấp được phát hàng tháng để khỏi đè nặng lên ngân sách, với điều kiện đã đăng ký kết hôn và sống chung ít nhất năm năm. Mykola Storozhuk, phó chủ tịch tổ chức phi chính phủ Veteran Hub ở Odessa co biết tất cả đều ngạc nhiên trước số tiền quá lớn.
Đành rằng mạng sống là vô giá, nhưng tiền tuất như vậy gần gấp đôi ở Hoa Kỳ. Nhất là lại gấp 23 lần so với các góa phụ của những người lính ngã xuống ở Donbass năm 2014 : trên 13.000 quân nhân Ukraine tử trận trong tám năm. Storozhuk nhận xét, sự khác biệt này gây sốc. "Có lẽ chính phủ muốn khuyến khích tòng quân và tin rằng cuộc chiến không quá dài như vậy. Nhưng họ đã không nghĩ đến những gia đình đã mất người thân trước 2022, và không đánh giá đúng rủi ro đối với ngân sách". Một dự luật đã được đưa ra để lấp bớt khoảng cách, nhưng hiện tại đang được treo, vì tất cả phải dành cho chiến trường.
Iran : Chú hề trong sân triều hai hoàng đế Putin và Tập
Le Figaro coi Iran như "tên hề của vua Putin và vua Tập", có vai trò múa men ở cạnh sườn để làm nhẹ đi áp lực nơi trung tâm. Với cánh tay nối dài là những nhóm phiến quân trong khu vực, Tehran đang chơi trò nguy hiểm là gây bất ổn ở Cận Đông và Trung Đông. Đối với tổng thống Joe Biden, đang bận rộn trong cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, vấn đề Iran khá đau đầu. Làm thế nào khống chế được một kẻ thù khó thể răn đe nhưng không rơi vào một vòng xoáy mà Hoa Kỳ vẫn muốn tránh bằng mọi giá : Chiến tranh với Iran ? Từ sau cuộc cách mạng Hồi Giáo 1979, Washington vẫn chưa có được chiến lược đối phó, khiến chế độ Tehran càng được thể.
Đang xuống dốc về kinh tế và bị chống đối trong nội bộ, chế độ Iran gắn chặt với Nga và Trung Quốc để chuẩn bị cho lúc khó khăn, nhất là nếu Donald Trump quay lại nắm quyền. Với Moskva, Tehran có được sự hỗ trợ về ngoại giao, còn với Bắc Kinh là thương mại. Tờ báo ghi nhận, Biden tấn công vào các phe tay sai của Tehran, nhưng tránh đánh vào lãnh thổ Iran. Ngược lại lễ kỷ niệm 45 năm nước Cộng hòa Hồi giáo ngày 11/02/1979 tuy diễn ra với những khẩu hiệu truyền thống đòi tiêu diệt nước Mỹ và Israel nhưng không bạo lực. Một chuyên gia nhận xét : "Iran đã có quá đủ những vấn đề để không gánh thêm, và từ nay đến tháng 11, mục tiêu của Tehran là lấp đầy ngân sách để tiếp tục trụ lại".
Thụy My
Ông Trump nói sẽ 'khuyến khích’ Nga tấn công các thành viên NATO không đóng tiền
James FitzGerald, BBC, 11/02/2024
Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ "khuyến khích" Nga tấn công bất kỳ thành viên NATO nào không chịu đóng tiền cho liên minh quân sự phương Tây này.
Ông Donald Trump phát biểu tại cuộc mít tinh ở South Carolina
Cựu Tổng thống Donald Trump kể có lần ông đã nói với lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO rằng ông sẽ không bảo vệ quốc gia không chịu đóng tiền cho tổ chức này nếu quốc gia ấy bị Nga tấn công và sẽ "khuyến khích họ (Nga) làm bất cứ điều quái quỷ gì mà họ muốn".
Các thành viên của NATO cam kết sẽ bảo vệ bất kỳ quốc gia nào trong khối một khi quốc gia ấy bị tấn công.
Nhà Trắng đã gọi những ý kiến trên của ông Trump là "kinh hoàng và mất kiểm soát".
Phát biểu trong một cuộc mít tinh ở South Carolina vào thứ Bảy, ông Trump cho biết ông đã có lời tuyên bố như vậy trong một cuộc họp lãnh đạo các nước NATO.
Ông nhớ lại rằng lãnh đạo "một nước lớn" đã đưa ra tình huống giả định rằng nước của ông ta không đáp ứng nghĩa vụ tài chính của khối NATO và bị Moscow tấn công.
Ông Trump nói lãnh đạo đó đã hỏi liệu Mỹ có đến giúp đỡ đất nước của ông ta trong tình huống ấy không và điều đó khiến ông Trump phải mắng cho một trận.
"Tôi đã nói : ‘Ngài không thanh toán ư ? Ngài lơ là nghĩa vụ ư ?’ 'Không, tôi sẽ không bảo vệ ngài, thực sự thì tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Ngài phải thanh toán’".
Một người phát ngôn của Nhà Trắng nói rằng cựu tổng thống đang "khuyến khích các chế độ sát nhân thực hiện xâm lược đối với các đồng minh thân thiết nhất của chúng ta" và đánh giá những ý kiến trên là "kinh hoàng và mất kiểm soát".
Người phát ngôn này nói thêm rằng tuyên bố trên "đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, đe dọa ổn định toàn cầu và nền kinh tế nước Mỹ".
Ông Trump, ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa cho vị trí ứng cử viên chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, từ lâu đã chỉ trích NATO và cái mà ông coi là gánh nặng tài chính quá mức đối với Mỹ trong việc đảm bảo công tác bảo vệ cho 30 quốc gia khác.
Nga đã tiến hành cuộc xâm lược toàn diện tại Ukraine vào năm 2022, sau khi ông Trump rời khỏi vị trí tổng thống. Ông từng than phiền về số tiền Mỹ đã chuyển cho Ukraine, một quốc gia không phải là thành viên NATO.
Theo số liệu từ Nhà Trắng hồi tháng 12/2023, Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho Ukraine nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - tổng cộng hơn 44 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào năm 2022.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, các đảng viên Cộng hòa đã chặn mọi khoản tài trợ mới – với yêu cầu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ qua đường biên giới phía nam và sau đó đã bác dự luật sửa đổi được đệ trình vào đầu tuần này.
Tại cuộc mít tinh hôm thứ Bảy, ông Trump đã hoan nghênh việc bác bỏ dự luật và nói rằng các đề xuất của Tổng thống Biden là "thảm họa".
Hai vấn đề này hiện đã được tách biệt thành công, có nghĩa là các thượng nghị sĩ hiện có thể thảo luận về tiền viện trợ cho Ukraine một cách riêng lẻ.
James FitzGerald
Nguồn : BBC, 11/02/2024
**************************
Donald Trump : "Mỹ không bảo đảm an ninh cho NATO"
Thanh Hà, RFI, 11/02/2024
Trong cuộc vận động tranh cử hôm 10/02/2024 tại bang Nam Carolina, ứng viên Donald Trump đã đe dọa : ông tái đắc cử, Hoa Kỳ sẽ "không bảo vệ NATO nếu khối này bị Nga đe dọa". Không chỉ chủ trương đưa Mỹ ra khỏi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, cựu lãnh đạo Nhà Trắng thậm chí còn "khuyến khích" Moskva tấn công bất kỳ thành viên "du côn nào" nào trong khối này.
Cựu tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tại bang Nam Carolina, Mỹ ngày 10/02/2024. AP - Manuel Balce Ceneta
Vào lúc phe ủng hộ ông Trump ở Hạ Viện kiên trì chặn gói viện trợ 60 tỷ đô la cho Ukraine chống quân Nga xâm lược, trong chặng dừng ở Nam Carolina, cựu tổng thống Mỹ đã thuật lại một cuộc đối thoại của ông với "lãnh đạo một nước lớn" trong NATO như sau :
"NATO rách nát khi tôi lên cầm quyền. Tôi đã bắt mọi người phải đóng góp. Họ nói với tôi là nếu không đóng tiền cho khối này thì liệu rằng Mỹ có bảo vệ họ hay không ? Tôi đã trả lời "tuyệt đối là không". Họ khó có thể tin được điều đó. Họ phải đóng góp nhưng lại không chịu chi tiền. Bước vào phòng họp, tôi đọc một bài diễn văn và bảo thẳng rằng họ phải trả tiền. Lãnh đạo của một nước lớn đứng lên và nói : "thưa ngài tổng thống, nếu chúng tôi không đóng góp mà bị Nga tấn công ngài có bảo vệ chúng tôi không ?" Tôi đáp lại "Ông không trả tiền à ? Như vậy ông là thằng du côn". Vị lãnh đạo đó ấp úng trả lời "vâng có thể nói chuyện đó đã xảy ra". Tôi lập tức bồi thêm "Không, tôi sẽ không bảo vệ ông đâu. Hơn nữa tôi còn khuyến khích Nga muốn làm gì thì làm. Nhưng mà ông, ông thì phải trả tiền. Ông phải thanh toán hóa đơn".
Trong nhiệm kỳ đầu, Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố ý định rút Mỹ ra khỏi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và đòi các đối tác trong khối phải dành đến 2% GDP cho các chi phí quân sự. Ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua để đại diện cho đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống nhắc lại lập trường tranh cử hồi 2016.
Lập tức Nhà Trắng đã có phản ứng về những phát biểu của cựu tổng thống Trump. "Khuyến khích các chế độ khát máu xâm lược những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ là một điều thật điên rồ" Andrew Bates, một phát ngôn viên của chính quyền Biden tuyên bố, đồng thời ông cũng nhấn mạnh, thay vì "xúi giục chiến tranh, đẩy thế giới vào hỗn loạn", chính quyền đương nhiệm của tổng thống Biden "tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ".
Thanh Hà
NATO trong cơn bấn loạn (RFI, 10/07/2018)
Quan hệ khó khăn Âu – Mỹ ngày nay vẫn được các báo Pháp (10/07/2018) tiếp tục bàn đến. Kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, chưa bao giờ khối NATO mà cuộc họp thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 11-12/07 tại Bruxelles lại phải chịu một áp lực lớn như thế từ một tổng thống Mỹ. Về chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích đề tựa "NATO vào thời điểm rạn nứt xuyên Đại Tây Dương".
Ảnh châm biếm minh họa bài viết Les EchosẢnh chụp màn hình.
Đầu tiên hết, ông Jacques Hubert-Rodier, một cây bút xã luận của Les Echos khẳng định : Ông Donald Trump có ba đối thủ, đó là Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Tổ Chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đặc biệt với khối liên minh quân sự này, tổng thống Mỹ đã không kiệm lời chỉ trích "NATO cũng tồi tệ như là ALENA" (một thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch Bắc Mỹ). Phát biểu này của nhà lãnh đạo cường quốc quân sự hàng đầu thế giới rõ ràng đang đe dọa tính thống nhất của khối.
Bất đồng giữa Mỹ và Châu Âu đúng ra cũng không có gì là mới, và Donald Trump cũng chưa phải là vị tổng thống Mỹ đầu tiên có lời chỉ trích các đồng minh. Quả thật, lời trách mắng này của Mỹ không phải là không có cơ sở. Hoa Kỳ phải gánh vác đến 70% chi tiêu quân sự của NATO trong khi các nước thành viên lại có xu hướng giảm chi cho quốc phòng.
Tuy nhiên, theo phân tích của Jacques Hubert-Rodier, căng thẳng trong khối NATO lần này xảy ra trong một bối cảnh khác. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump tỏ rõ quan điểm bài các định chế đa phương và các thỏa thuận quốc tế, như thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu và tự do mậu dịch…
Tổng thống Mỹ thực hiện một chính sách ngoại giao "có qua có lại" như ông đã cho thấy trong cuộc gặp với lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hay như sắp tới đây là với tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/07, bốn ngày sau cuộc họp thượng đỉnh NATO.
Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý là Hoa Kỳ luôn xem các tổ chức đa phương (NATO, Liên Hiệp Quốc) như là những hộp công cụ dự phòng để khi cần đến. Do vậy, trong thượng đỉnh 11-12/07 này tại Bruxelles, khó có thể tránh câu hỏi về sự tồn tại của NATO.
Liệu tổ chức quân sự này có thể tồn tại được hay không ? Hiệp ước Warsawa liên kết Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa Đông – Trung Âu cũ nay đã không còn. NATO ngày nay phải bảo tồn sự sống còn trước thái độ hung hăng của Nga. Có điều là được bao lâu ? Đây chính là thắc mắc của tác giả.
Nhọc nhằn quan hệ Âu-Mỹ
Cũng liên quan đến chủ đề này, Le Monde có bài viết đề tựa : "Trump ngày càng chống đối Liên Âu dữ dội".
Tổng thống Mỹ ngày càng có những lời lẽ gay gắt nhắm vào Châu Âu, chỉ trích đối tác này là đối xử "tệ bạc" và "bất công" với Mỹ, rằng "Châu Âu rất thô bạo với Hoa Kỳ", hay như "Liên Hiệp Châu Âu được thành lập là để lợi dụng Hoa Kỳ"…
Tuy nhiên, theo quan sát của nhiều nhà ngoại giao Châu Âu được Le Monde trích dẫn, còn có một lý do khác để giải thích cho sự chống đối này của tổng thống Mỹ. Trong tâm trí của Donald Trump hiện nay, Liên Hiệp Châu Âu là hiện thân của hiện tượng Hồi giáo hóa, bị chìm ngập dưới làn sóng di dân, nguồn cội của mọi sự bất an gia tăng đột biến.
Theresa May trong cơn lốc xoáy chính trị
Một đề tài khác chiếm nhiều trang báo Pháp là cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh Quốc. Sau bộ trưởng đặc trách Brexit, ông David Davis ra đi, giờ đến lượt ngoại trưởng Boris Johnson từ chức.
Les Echos và La Croix lần lượt có các bài viết "Theresa May dưới áp lực sau khi hai bộ trưởng từ chức" và "Brexit, Theresa May bị suy yếu sau hai cú từ chức". Hai ông David Davis và Boris Johnson, chủ trương rời Liên Hiệp Châu Âu, đã chỉ trích thủ tướng May là đã chọn phương án "Brexit mềm".
Bởi vì dự thảo thỏa thuận mà thủ tướng May trình bày với chính phủ dự kiến thành lập một vùng trao đổi tự do mậu dịch và một mô hình thuế quan mới, với 27 nước thành viên còn lại. Theo quan điểm của hai vị cựu bộ trưởng, thỏa thuận này có thể đặt nước Anh vào "một thế yếu trong đàm phán" với Liên Hiệp.
Báo Libération có một cách nhìn khác về cuộc khủng hoảng này. Nhật báo thiên tả trong bài viết đề tựa "Boris Johnson : Hỗn loạn dù có hay là không có tôi" nghi ngờ cựu ngoại trưởng Anh từ chức vì một tính toán chính trị. Phải chăng quyết định ra khỏi chính phủ của ông là nhằm làm suy yếu hơn nữa bà May và để thay thế bà ?
Công nhận Bắc Triều Tiên : Paris đắn đo
Về thời sự Châu Á, Les Echos có hai thông báo : "Năm 2017, Ấn Độ đẩy Pháp xuống hàng thứ 7 thế giới" và "Bắc Kinh và Berlin ký kết gần 30 tỷ euro hợp đồng".
Tình hình thiên tại tại Nhật Bản cũng được Le Monde và La Croix lần lượt chú ý đến qua các bài viết "Những cơn mưa lớn chưa từng thấy tàn phá phía tây Nhật Bản" và "Thời tiết thất thường làm hơn 100 người chết ở Nhật Bản".
Báo Le Monde, trên trang nhất, còn đặt một câu hỏi nhỏ : "Liệu nước Pháp có nên công nhận Bắc Triều Tiên ?". Những động thái hòa dịu gần đây của Bình Nhưỡng khiến Paris đắn đo có nên mở đại sứ quán tại Bắc Triều Tiên hay không.
Bởi vì, Pháp là một trong số ít quốc gia Châu Âu chưa thiết lập bang giao chính thức với Bắc Triều Tiên. Chính phủ Pháp cũng chưa muốn vội vã chạy theo trào lưu xích lại gần mà tổng thống Mỹ đang tiến hành. Một tiến trình mà Paris đánh giá là chưa có bằng chứng cụ thể, cho thấy Bình Nhưỡng đang giải trừ vũ khí hạt nhân.
Minh Anh
****************
Trump : Các thành viên NATO ‘đóng góp chưa đủ’ (VOA, 10/07/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đả kích các thành viên trong khối NATO vì theo ông đã không đóng góp đủ cho liên minh trong khi vẫn duy trì thặng dư thương mại với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một thượng đỉnh của NATO.
Trước lúc lên đường để dự cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài hai ngày của NATO vào ngày 11 và 12/7 ở Brussels, ông Trump đã liên kết hai chuyện mà lâu nay ông vẫn than phiền : đóng góp ngân quỹ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và phương cách giao thương của các nước.
"Hoa Kỳ đóng góp vào ngân sách NATO nhiều hơn rất nhiều so sới bất kỳ nước nào. Điều này không công bằng, cũng không thể chấp nhận được. Mặc dù những nước này đã tăng cường đóng góp của họ kể từ khi tôi lên nắm quyền, nhưng họ vẫn còn phải làm nhiều hơn nữa", ông Trump viết trên Twitter.
Trong một trạng thái khác trên Twitter, Tổng thống Mỹ cũng than phiền về thặng dư thương mại của Châu Âu với Mỹ. Ông đã áp đặt thuế lên hàng tỷ đô la hàng hóa nhôm và thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Canada và các quốc gia khác, khiến cho các nước này trả đũa lên hàng hóa Mỹ. Ngoài ra, ông Trump cũng đang nghiên cứu mở rộng các biện pháp thuế này sang lĩnh vực ô tô.
Kể từ chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016, ông Trump đã chỉ trích gay gắt NATO. Sau khi nhậm chức, ông tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ trong việc phòng vệ chung với các đồng minh NATO nhưng vẫn duy trì những than phiền về việc Washington phải gánh vác gánh nặng tài chính.
Theo những chuẩn mực hiện nay, Washington đóng góp khoảng 70% chi phí của NATO. Các thành viên NATO đã đồng ý đến năm 2024 sẽ dành 2% GDP của họ cho ngân sách quốc phòng mỗi năm, nhưng Đức và Tây Ban Nha nằm trong số những nước sẽ không đáp ứng mục tiêu này.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh NATO đầu tiên mà ông tham dự hồi năm ngoái, ông Trump đã lên án ngân sách quốc phòng thấp của Châu Âu và kêu gọi NATO bước lên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan. Ông cũng khiến nhiều lãnh đạo các nước NATO kinh ngạc với việc kêu gọi họ tập trung vào tình trạng di dân bất hợp pháp.
Năm nay, thương mại là một vấn đề quan tâm của ông Trump.
"Tôi sẽ nói với NATO : Quý vị sẽ phải trả hóa đơn của mình. Hoa Kỳ sẽ không đứng ra ôm hết mọi thứ", ông phát biểu trong một cuộc tập hợp cử tri hồi tuần trước. "Họ giết chết chúng ta về thương mại".
Được thành lập trong thời Chiến tranh Lạnh để đối chọi với mối đe dọa từ Liên Xô, NATO có thêm mục đích mới kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Khối này đã triển khai nhiều binh sĩ đến các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan để răn đe Nga có những hành động xâm nhập tương tự.
Theo Reuters
*******************
Trump chỉ trích thành viên NATO trước ngày tham dự thượng đỉnh (CaliToday, 09/10/2018)
Tổng thống Donald Trump vào hôm thứ Hai tiếp tục chỉ trích NATO về việc các quốc gia thành viên không chi tiêu quân sự đầy đủ.
Donald Trump nói : "Trong khi những quốc gia này gia tăng đóng góp kể từ khi tôi nhậm chức thì họ phải làm nhiều hơn. Đức chỉ chi tiêu 1% còn Mỹ 4%, và NATO có lợi cho Châu Âu hơn Mỹ". Ảnh AP
"Hoa Kỳ đang chi ngân sách cho NATO nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Việc này không chỉ bất công mà còn không chấp nhận được", ông Trump viết trên Twitter khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Bắc Đại Tây Dương được tổ chức tại Brussels ở Bỉ. "Trong khi những quốc gia này gia tăng đóng góp kể từ khi tôi nhậm chức thì họ phải làm nhiều hơn. Đức chỉ chi tiêu 1% còn Mỹ 4%, và NATO có lợi cho Châu Âu hơn Mỹ".
Bắt đầu chỉ trích NATO từ khi vận động tranh cử 2016, ông Trump cho rằng, Mỹ không thể đáp ứng được cam kết bảo vệ lẫn nhau vì các thành viên khác không chi tiêu đủ 2% tổng sản lượng cho quốc phòng như đã hứa. Ông Trump tuyên bố, Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh trong NATO nhưng vẫn tiếp ráo riết đòi các quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng.
Bên cạnh phàn nàn về NATO, Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ mối quan ngại rộng lớn hơn về thương mại với Âu châu. "Trên hết, liên minh Âu Châu thâm hụt cán cân thương mại 151 triệu Mỹ kim với Mỹ, cùng với những rào cản thương mại lớn đối với hàng hóa Mỹ. Không thể !" ông Trump tweet.
Cho đến nay, những căn thẳng thương mại không ảnh hưởng đến mối quan hệ quân sự ở NATO, theo bà Kay Bailey Hutchison – Đại sứ Mỹ tại tổ chức Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, sau Hội nghị Thượng đỉnh G-7 diễn ra tại Canada vào tháng trước, nơi ông Trump đã có đụng độ với các lãnh đạo thế giới về thương mại, thì hội nghị thượng đỉnh lần này được đánh giá cũng sẽ có những đối đầu.
Hương Giang (theo Politico)
Căng thẳng giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Đức (RFI, 31/05/2017)
Quan hệ giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Mỹ Donald Trump lại thêm căng thẳng từ hôm qua 30/05/2017, sau khi ông Trump kịch liệt chỉ trích Đức. Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa hai nước đồng minh được cho là khá nghiêm trọng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Donald Trump tại Thượng đỉnh G7 Taormina, Sicilia Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicilia, bà Merkel đã không ngần ngại chỉ trích thái độ "một mình chống lại tất cả" của ông Trump, dù không nêu đích danh. Kêu gọi Châu Âu thức tỉnh, thủ tướng Angela Merkel, đang vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư, đã cảnh báo người dân Đức về thời kỳ có thể đặt trọn niềm tin vào Hoa Kỳ "hầu như đã qua". Bà tin rằng chủ trương của ông Trump có thể là cú hích giúp Châu Âu tiến bộ về quốc phòng và ngoại giao.
Như thường lệ, tổng thống Mỹ hôm qua đã dùng Twitter để phản pháo. Ông đáp trả với những từ cố tình viết hoa : "Chúng ta bị thâm hụt thương mại KHỦNG KHIẾP với Đức, hơn nữa Berlin còn chi ra RẤT ÍT cho NATO và cho lãnh vực quân sự. Rất tệ hại cho HOA KỲ. Điều này sẽ phải thay đổi".
Một tiếng đồng hồ trước đó, bà Angela Merkel vốn rất thận trọng lựa chọn từ ngữ, nhận định việc Châu Âu trở thành "một nhân tố có trách nhiệm trên trường quốc tế là vô cùng quan trọng", nhất là do sự quay ngược chính sách của phía Mỹ. Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni ủng hộ lời kêu gọi này, cho rằng "tương lai của Châu Âu phải nằm trong tay của Châu lục, trước những thách thức của thế giới".
Hôm thứ Hai 29/5, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel còn đi xa hơn khi tố cáo tổng thống Mỹ đã "làm phương Tây yếu đi", do phản đối hiệp ước khí hậu và nhiều tỉ đô la vũ khí bán cho Saudi Arabia, quốc gia bị chỉ trích nhiều về nhân quyền.
Tình trạng căng thẳng Mỹ-Đức như thế chưa từng xảy ra kể từ sau năm 2003, khi chính phủ của ông Gerhard Schröder phản đối chiến tranh Iraq. Hôm qua, trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cố gắng xoa dịu tình hình, cho rằng ông Trump và bà Merkel rất hợp ý, ông rất tôn trọng bà Merkel và coi Châu Âu là đồng minh quan trọng của nước Mỹ.
Dù sao đi nữa, người Đức tỏ ra đồng tâm nhất trí về chủ đề này. Ứng viên cạnh tranh với bà Angel Merkel trong cuộc bầu cử tháng Chín tới, nguyên chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz đã bênh vực đối thủ của mình, cáo buộc ông Donald Trump dựa vào "chủ trương cô lập và luật của kẻ mạnh" để áp đặt quan điểm.
Thật ra trước và sau khi đắc cử, nhà tỉ phú địa ốc vẫn luôn chỉ trích nước Đức, đe dọa lập hàng rào thuế quan để trả đũa thặng dư thương mại của Đức. Nhưng thái độ của thủ tướng Angela Merkel kể từ hội nghị thượng đỉnh G7 ở Taormina (Sicilia) đánh dấu một bước ngoặt mới. Trái hẳn với các lãnh đạo Châu Âu khác, bà Merkel phê phán các cuộc thảo luận "không đáng hài lòng chút nào" dẫn đến tình trạng "sáu chống một".
Ông Donald Trump và bà Angela Merkel còn tái ngộ trong hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hambourg vào tháng Bảy tới.
Thụy My
******************
Thủ tướng Đức cam kết với quan hệ xuyên Đại Tây Dương (VOA, 29/05/2017)
Thủ tướng Đức Merkel ở Munich, 27/5/2017.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà vẫn cam kết với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững mạnh. Trước đó, bà Merkel từng nói Hoa Kỳ không còn là đối tác tin cậy nữa.
Phát ngôn viên Steffen Seibert cho biết : "Vì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương rất quan trọng đối với thủ tướng, nên theo quan điểm của bà, nói thẳng ra về sự khác biệt là điều đúng đắn".
Tại cuộc vận động tranh cử ở Bavaria, bà Merkel phát biểu : "Thời đại mà chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào những nước khác đã không còn nữa, như tôi đã thấy trong vài ngày qua".
Bà Merkel và các nhà lãnh đạo Châu Âu khác đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không nhắc lại sự ủng hộ dành cho thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm chống lại sự thay đổi khí hậu tại cuộc họp G7 gần đây ở Sicily.
Trong thông cáo chung bế mạc hội nghị, tất cả các quốc gia G7 trừ Hoa Kỳ đã cam kết hành động để giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu.
Bà Merkel nói rằng thỏa thuận về khí hậu rất quan trọng vì vậy không nên có bất kỳ thỏa hiệp nào về vấn đề này.
*******************
Trump đàm phán 'cứng rắn' với NATO (BBC, 25/05/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ở Brussels và có những cuộc đàm phán mà êkíp của ông miêu tả là "cứng rắn" với các thành viên khác trong liên minh Nato.
Biểu tình phản đối Tổng thống Hoa Kỳ tại Brussels
Ông Trump cũng dự kiến gặp các quan chức Liên minh Châu Âu hôm 25/5. Ông từng chỉ trích cả Nato lẫn EU.
Sau khi đến Brussels, ông Trump gặp Vua và Hoàng hậu Bỉ trong lúc hàng ngàn người biểu tình chống Trump ở trung tâm thành phố.
Ông Trump đã lên tiếng chỉ trích các quốc gia Nato vì chi tiêu quốc phòng ít hơn mức 2% sản lượng quốc gia mà họ đã đồng ý.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói với phóng viên rằng ông Trump "thực sự muốn thuyết phục các thành viên Nato hoàn thành nghĩa vụ của họ".
Ông nói thêm : "Tôi nghĩ rằng quý vị có thể thấy là Tổng thống Mỹ sẽ rất cứng rắn với họ và nói rằng chúng tôi [người Mỹ] đang làm rất nhiều cho an ninh của quý vị. Quý vị cần chắc chắn rằng mình cũng có đóng góp cho sự an toàn của chính mình".
"Đó sẽ là thông điệp chính của Tổng thống Mỹ với Nato".
Ông Trump và đệ nhất phu nhân Mỹ gặp Vua và Hoàng hậu Bỉ
Phóng viên BBC Kevin Connolly về Châu Âu phân tích :
Lịch trình của ông Trump ở Brussels sắp xếp nhiều cuộc họp và giảm những bài phát biểu trước công chúng cũng như kiểm soát báo chí đi theo tường thuật sự kiện.
Buổi sáng 25/5, ông Trump gặp lãnh đạo EU, trong đó Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker, người từng phàn nàn rằng tổng thống Mỹ cần hai năm đầu trong nhiệm kỳ để nhận biết tình hình thế giới.
Buổi chiều, ông đến trụ sở chính của Nato, tổ chức mà ông từng mô tả là "lỗi thời" và gặp các thành viên Châu Âu mà ông chỉ trích vì không chi tiêu đủ mức để phòng thủ.
********************
Chống khủng bố : ưu tiên của Donald Trump khi dự thượng đỉnh NATO (RFI, 25/05/2017)
Các đồng minh sẵn sàng có nhượng bộ đối với Donald Trump tại thượng đỉnh NATO, Bruxelles, 25/05/2017 - REUTERS
Thượng đỉnh tổ chức quân sự Liên Minh Bắc Đại Dương diễn ra tối nay 25/05/2017 tại Bruxelles. Đây cũng là cuộc họp NATO đầu tiên cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo nhận xét của giới chuyên gia được RFI và Le Monde trích dẫn, với cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Manchester, Anh Quốc, chủ đề "chống khủng bố" sẽ ngự trị cuộc họp NATO, bên cạnh hồ sơ "chia sẻ gánh nặng tài chính".
Trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Jorge Benitez, thành viên hội đồng tư vấn Atlantic Council, được RFI trích dẫn, cho rằng, chính quyền Donald Trump chỉ mong đợi 2 điểm ở NATO : Thứ nhất là tăng quân số của các nước đồng minh triển khai tại Afghanistan. Thứ hai, NATO trở thành thành viên chính thức trong liên quân chống Daech. Nhưng theo Le Monde, đây cũng chính là điểm bất đồng giữa Hoa Kỳ và NATO từ bấy lâu nay.
Cho đến lúc này, Pháp luôn phản đối NATO là một thành viên chính thức trong liên quân quốc tế chống thánh chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Irak và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại bất đồng với Mỹ trong vấn đề người Kurdistan, mà Ankara xem là "quân khủng bố" nhưng lại được Washington hậu thuẫn.
Đáng chú ý nhất là hồ sơ Libya. Năm 2011, 10 nước thành viên của NATO, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ đã trực tiếp tham gia chiến dịch "Unified Protector" ủng hộ quân nổi dậy chống cựu lãnh đạo Kadhafi. Nhưng cam kết quân sự này gặp phải thái độ ngập ngừng và sự vắng mặt của Đức tại Liên Hiệp Quốc.
Kết quả là chiến dịch can thiệp trên đã để lại những hậu quả thảm hại cho đến ngày nay. "Libya được xếp vào trong danh sách các chiến dịch quân sự phương Tây bị thất bại", như lưu ý của một chuyên gia với Le Monde. Dẫu sao thì mong mỏi này của Hoa Kỳ, cũng đã được đáp ứng. Thứ Tư, 24/5/2017, một nguồn tin ngoại giao cho AFP biết là NATO đã quyết định chính thức tham gia liên quân quốc tế chống quân thánh chiến Daech tại Irak và Syria.
Giờ chỉ còn một điểm khúc mắc cần giải quyết mà Donald Trump chắc chắn sẽ nhắc đến trong cuộc họp đặc biệt lần này : " chia sẻ gánh nặng tài chính". Tổng thống Mỹ cảm thấy bất công khi Hoa Kỳ phải gánh đến gần 70% ngân sách của NATO. Giờ đây, Donald Trump chỉ mong muốn các đối tác dành ít nhất 2% ngân sách cho Quốc Phòng.
Đây là mục tiêu mà khối này đã ấn định cho 28 quốc gia thành viên năm 2014, và chỉ mới được có 5 nước thành viên thực hiện. Trong cuộc họp khối NATO tại Bruxelles ngày 31/3/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhắc lại mục tiêu này trước các đồng nhiệm.
Cho dù cuộc khủng bố tại Manchester đã làm các nước thành viên trong khối đoàn kết hơn, thế nhưng, tuyên bố "NATO lỗi thời" của Donald Trump vẫn sẽ âm ỉ trong tâm trí nhiều lãnh đạo các thành viên NATO khi bắt tay tổng thống Mỹ trong cuộc họp tối nay. Dù rằng sau đó trong buổi tiếp tổng thư ký NATO tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ có tuyên bố rằng "NATO không còn lỗi thời nữa", nhưng cảm giác khó chịu vẫn ngự trị trong lòng khối liên minh này.
Minh Anh
****************
Châu Âu hy vọng Donald Trump đổi thái độ trên nhiều hồ sơ thiết yếu (RFI, 24/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Ý Sergio Mattarella (P) tại phủ Tổng thống Ý, Roma, ngày 24/05/2017. Italian Presidency Press Office/Handout via Reuters
Ngày 25/05/2017, trong khuôn khổ vòng công du Châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hội đàm với hai lãnh đạo cao cấp nhất Châu Âu là ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, và Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Chưa bao giờ giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu lại nôn nóng chờ đợi cuộc gặp với tân lãnh đạo Hoa Kỳ như vào lúc này, sau một loạt những tín hiệu không mấy thuận lợi mà tân chủ nhân Nhà Trắng đã tung ra nhằm đả kích Châu Âu, dù đây là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trên mọi phương diện.
Điều hiển nhiên là trong suốt thời kỳ vận động tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã không ngần ngại có những lời lẽ "miệt thị" đối với Châu Âu. Hãng tin Pháp AFP đã nhắc lại là khi tranh cử, ứng viên Donald Trump đã từng khen mỉa nước Bỉ là "một thành phố tuyệt vời", và gọi Bruxelles, thủ phủ Liên Hiệp Châu Âu là một "ổ chuột". Và khi đã nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump vẫn tiếp tục có những phát biểu không thiện cảm đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong lúc chính quyền Mỹ đã có nhiều quyết định khiến Bruxelles bất bình.
Trong vụ Vương Quốc Anh quyết định rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, một vài hôm trước lúc nhậm chức, ông Trump đã không ngần ngại tiên đoán rằng "nhiều nước khác sẽ rời bỏ" Liên Hiệp Châu Âu theo gương Luân Đôn. Hay trong vấn đề thương mại, không những đã đình chỉ cuộc đàm phán khởi sự năm 2013 giữa Bruxelles và Washington về hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương TTIP (tiếng Anh là TAFTA), ông Trump còn yêu cầu chính quyền của ông thống kê những nước có thặng dư mậu dịch với Mỹ, trong số này có Đức và Pháp…, bất chấp thực tế là trên bình diện thương mại, Liên Hiệp Châu Âu mang tính chất là một khối duy nhất.
Đó là chưa kể đến nhiều vấn đề khác như việc đơn phương áp dụng chế độ visa đối với một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu (Bulgari, Rumani, Croatia, Ba Lan, Chypre), hay mới đây là muốn đơn phương cấm hành khách mang máy tính xách tay, máy tính bảng… lên ca bin trong các chuyến bay từ Châu Âu qua Mỹ.
Trên tất cả các hồ sơ đó, Châu Âu hy vọng là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ có thể sẽ giúp giải quyết một phần các bất đồng giữa hai bên. Giới lãnh đạo Châu Âu đang cố chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ sao cho chuyến thăm của ông Trump và các cuộc hội đàm diễn tiến tốt đẹp, không xẩy ra sự cố mà hai bên phải mất công giải quyết về sau.
Trả lời AFP, ông Tomas Valasek, giám đốc trung tâm tham vấn Carnegie Châu Âu giải thích : "Mục đích là bảo đảm sao cho các cuộc hội kiến diễn ra một cách ngắn gọn, năng động và tích cực, tránh được những nhận xét mà sau đó phải mất hàng tháng trời để khắc phục hậu quả".
Một ví dụ rất cụ thể : do việc Tổng thống Trump nổi tiếng là ăn nói bộc trực, không cần suy nghĩ, các lãnh đạo Châu Âu đã tránh tổ chức họp báo, thậm chí hai ông Donald Tusk và Jean-Claude Juncker còn dự trù là sẽ không tiếp xúc với báo giới sau cuộc gặp.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tân Tổng thống Mỹ đã cho thấy là trong lãnh vực ngoại giao, ông bắt đầu mềm mỏng hơn. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, ông như đã thấy được tầm quan trọng của đối tác. Trên vấn đề Brexit chẳng hạn, sau khi làm Bruxelles phật ý bằng lời tiên đoán Liên Hiệp Châu Âu phân rã, ông Trump đã khen ngợi Châu Âu là đã biết xử lý tốt hồ sơ Brexit.
Nhân vòng công du Cận Đông vừa qua, ông Trump đã tránh được những lời lẽ hành động có thể gây hiểu lầm khiến cho chuyến đi được đánh giá là thành công. Ian Lesser, chuyên gia phân tích tại Marshall Fund ở Đức cho rằng những khó khăn đối nội của ông Trump từ khi cách chức giám đốc FBI James Comey có thể khuyến khích ông tránh gây nên những cuộc tranh cãi để "gặt hái được thành công ngoại giao".
Liệu thành tích ở Cận Đông sẽ được ông Trump tái lập tại Châu Âu hay không ? Câu hỏi này chưa có đáp án, nhưng đó chính là mong đợi của các lãnh đạo Châu Âu.
Trọng Nghĩa