Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/02/2024

Điểm báo Pháp - Donald Trump, cú sốc cho NATO

RFI tiếng Việt

Donald Trump, cú sốc cho NATO, mối đe dọa cho Ukraine

Theo các báo Pháp ngày 14/02/2024, nếu Donald Trump đắc cử, rủi ro Hoa Kỳ ra khỏi NATO ít hơn là việc Trump ký với Nga một hòa ước tạm bợ, giúp Moskva giữ lại những lãnh thổ đã chiếm của Ukraine bằng vũ lực. Trump quên rằng Điều 5 NATO chỉ được kích hoạt có một lần trong lịch sử sau sự kiện ngày 11 tháng 9, nhờ đó Hoa Kỳ được các đồng minh trợ giúp để chống khủng bố, và Châu Âu chủ yếu mua vũ khí của Mỹ.

nato1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp NATO tại Watford, Anh, ngày 04/12/2019. AP - Francisco Seco

Nguy cơ Trump áp đặt hòa bình "không công chính"

Khủng hoảng nhà ở, thất nghiệp, lễ tưởng niệm cựu bộ trưởng Robert Badinter - người suốt đời đấu tranh bỏ án tử hình tại Pháp. Mối lo quốc phòng tại Châu Âu sau tuyên bố nẩy lửa của ông Donald Trump về NATO, chiến tranh ở Trung Đông và Ukraine là những đề tài được bàn luận nhiều hôm nay, 14/02/2024.

Trong bài xã luận "NATO, nước Mỹ trước hết", La Croix nhận thấy việc Hạ Viện Mỹ từ chối thông qua viện trợ quân sự cho Ukraine lẫn tuyên bố khiêu khích của Donald Trump khiến Châu Âu cảm thấy bất an.

Khó thể hình dung một tổng thống Mỹ rút khỏi NATO, vì thị trường Châu Âu là sống còn cho kỹ nghệ vũ khí Hoa Kỳ. Nhưng điều này cho thấy Châu Âu không còn có thể dựa vào đối tác duy nhất là Mỹ. Khi đặt lại vấn đề Điều 5 Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương ( các nước sẽ trợ giúp khi một thành viên bị xâm lược ), Trump đã biến một thỏa thuận của lòng tin thành một " deal " của các doanh nhân, theo những lợi ích trước mắt.

Liệu cú đòn này có kích thích ý tưởng quốc phòng chung Châu Âu hay không ? Hiện giờ thì hãy còn xa, vì một quỹ chung đã được thành lập nhưng chưa nhận được bao nhiêu, và đa số nước Nam Âu, Đông Âu tiếp tục nghĩ rằng sẽ được Washington che chở khi mua vũ khí Mỹ. Nếu Donald Trump đắc cử, rủi ro Hoa Kỳ ra khỏi NATO ít hơn là việc Trump ký với Nga một hòa ước tạm bợ, giúp Moskva giữ lại những lãnh thổ đã chiếm bằng vũ lực. Ukraine sẽ là bên bị thiệt thòi nhất, và phía sau là cả Châu Âu.

"Cú sốc Trump" cho NATO

Nói về "NATO : Cú sốc Trump", Le Monde cho rằng lâu nay Châu Âu vẫn ảo tưởng về an ninh, nay phải đối mặt với hai thế lực hủy diệt là Putin và Trump. Tuy không phải là lần đầu tiên, nhưng điểm khác biệt là lần này Donald Trump gieo rắc nghi ngờ về giá trị của Liên minh trong lúc Châu Âu đang cần hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ răn đe của NATO bị lung lay khi đối thủ không sợ sẽ bị trả đũa nếu tấn công.

Cũng không nên coi nhẹ lời đe dọa của Trump, vì thời điểm trùng hợp với việc các dân biểu Cộng Hòa ngăn chặn viện trợ cho Kiev, và cuộc phỏng vấn dài lê thê ông Putin tại Moskva do Tucker Carlson, một người ủng hộ Donald Trump, thực hiện. Cuộc xâm lăng Ukraine đã mở mắt cho Tây Âu. Một cách trễ tràng, họ nhận ra thế giới đã thay đổi.

Điều 5 chỉ mới kích hoạt một lần để NATO giúp… Mỹ

Nhưng liệu Donald Trump có thể hủy diệt NATO hay không ? Cũng theo La Croix, do từ lúc còn là tổng thống, Trump đã nhiều lần đe dọa như vậy, nên cuối năm 2023 Quốc Hội đã thông qua một dự luật ngăn cản các tổng thống đơn phương rút Hoa Kỳ khỏi NATO nếu không được Thượng Viện chấp thuận.

Chuyên gia địa chính trị Alexandra de Hoop Scheffer, thuộc German Marshall Fund, nhận định Donald Trump không thể phá hủy NATO, nhưng muốn gây bất ổn cho liên minh quốc tế này, làm lung tay nguyên tắc căn bản của mọi liên minh quốc phòng. Hoa Kỳ có lợi gì khi làm Liên minh Bắc Đại Tây Dương yếu đi ? Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, nhấn mạnh, nếu các thành viên không bảo vệ lẫn nhau thì sẽ gây tổn hại cho an ninh của toàn thể kể cả Hoa Kỳ.

Alexandra de Hoop Scheffer cũng cho rằng Trump không biết đánh giá những lợi ích mà Hoa Kỳ có được từ NATO. Donald Trump chỉ nhìn thấy những gì Mỹ phải chi ra, mà quên rằng Điều 5 phòng vệ tập thể chỉ được kích hoạt có một lần kể từ năm 1949, sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001 của Al Qaeda trên đất Mỹ. Nhờ đó mà Hoa Kỳ đã được các đồng minh trợ giúp để tiến hành các chiến dịch chống khủng bố ở không phận Châu Âu và Địa Trung Hải. Cựu tổng thống cũng quên rằng Châu Âu chủ yếu mua vũ khí Mỹ, nhất là đơn đặt hàng càng ồ ạt sau cuộc xâm lăng Ukraine. Donald Trump hướng về lớp cử tri Mỹ đã chán ngán với toàn cầu hóa. Đối với Alexandra de Hoop Scheffer, cung cách khiêu khích này trước hết là để đánh động.

Hoa Kỳ, đồng minh quân sự hùng mạnh không thể thay thế

Theo Le Monde, "Hoa Kỳ luôn cần thiết cho việc bảo vệ Châu Âu", vì hiện nay châu lục này vẫn chưa có đủ phương tiện từ hậu cần đến trang thiết bị để có thể răn đe và tự vệ hiệu quả trước Nga. Một nhà ngoại giao cho rằng nếu Mỹ rút lui sẽ là hồi kết của NATO.

Ông Camille Grand, thuộc Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhắc nhở, sự đóng góp chính của Hoa Kỳ không còn được tính bằng số lượng quân nhân đóng tại Châu Âu và các vũ khí hạng nặng như thời chiến tranh lạnh. Trong thời buổi hiện nay là sự trợ giúp về tình báo, giám sát, vận chuyển hàng không chiến lược, tiếp liệu trên không, tấn công sâu, phòng không, quan sát và liên lạc trên không gian. Các nhà nghiên cứu Max Bergmann và Otto Svendsen của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định, những khiếm khuyết trên khiến Châu Âu càng lệ thuộc vào Washington, kể cả những hoạt động quân sự căn bản.

Mỹ cũng mang lại hai thế mạnh, trước hết là "chiếc dù nguyên tử". Tuy có bàn về việc mở rộng răn đe nguyên tử của Pháp cho toàn châu lục, ông Grand cho rằng "Pháp không có khả năng thay thế Hoa Kỳ để trang bị bom Pháp cho phi cơ đồng minh, chưa kể kho vũ khí của Mỹ thì không nước nào có thể sánh nổi". Thêm vào đó là năng lực triển khai nhanh chóng một số lớn lực lượng được đào tạo bài bản. Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất có toàn bộ sức mạnh quân sự hoàn chỉnh.

Thụy Điển, Ba Lan, Đức, Đan Mạch đều nêu ra khả năng Nga tấn công một nước NATO. Ước tính Moskva mất từ 4 đến 8 năm để tái trang bị sau cuộc chiến ở Ukraine, một khoảng thời gian rất ngắn để quân đội các nước đầu tư lớn nhằm giúp mình và giúp Ukraine. Trong khi đó chỉ có 11/30 nước đồng minh đạt mức chi quân sự 2% GDP trong năm 2022. Đức và Hà Lan lâu nay không nỗ lực và bị Donald Trump chỉ trích, bảo đảm rằng mục tiêu này sẽ đạt được trong năm 2024. Một nghiên cứu mới đây của Daniel Fiott, thuộc Vrije Universiteit Brussel, cho biết Châu Âu cần chi ra 300 đến 400 tỉ euro một năm, và nếu Hoa Kỳ đứng ra xa, phải chi 4 đến 5% GDP.

Estonia lo "tự cứu mình trước khi NATO cứu"

Những nước láng giềng nhỏ bé thì đã lo tự vệ. Le Figaro cho biết ba quốc gia vùng Baltic sẽ xây dựng một phòng tuyến để đối phó với khả năng Nga tấn công NATO trong thập niên tới. Estonia và hai nước bên cạnh dự kiến đầu tư 60 triệu euro xây 600 boong-ke từ nay đến 2025, dự trữ vũ khí. Một viên chức Estonia giải thích, Nga đang nhanh chóng xây dựng lại lực lượng nên phải tranh thủ thời gian đang có.

Hôm qua, Moskva ra lệnh truy nã nữ thủ tướng Kaja Kallas và một số quan chức khác của Baltic và Ba Lan vì "sỉ nhục ký ức của Nga". Bà Kallas đánh giá đây là chiến thuật đe dọa thường lệ. Cơ quan tình báo Estonia cho rằng Kremlin có thể đẩy nhanh xung đột với NATO. Quân đội Nga có thể tăng lên 1,15 đến 1,5 triệu người từ nay đến 2026, với khoảng vài chục đơn vị tác chiến và hậu cần mới được tung vào. Riêng tại biên giới với Estonia, lực lượng Nga sắp được tăng gấp đôi, lên 40.000 quân trong khi quân đội Estonia chỉ có 7.000 quân nhân.

Nỗi niềm những người vợ góa của tử sĩ Ukraine

Tại Ukraine trên lãnh vực xã hội, Le Monde đề cập đến một khía cạnh khác : "Sự cô đơn của những người vợ lính góa bụa". Hàng ngàn phụ nữ nhận được tiền tử tuất quá lớn đã bị ganh tị, thậm chí thù địch. Trên 70.000 quân nhân Ukraine đã hy sinh ngoài mặt trận, theo ước tính của Mỹ, nhiều người trong số đó để lại vợ góa con côi.

Iryna Bondariva đã ngất xỉu lập tức khi được báo tin chồng tử trận ở Mykolaiv, và nay chiếc áo khoác nhà binh của anh vẫn được treo trên mắc. Anna Fratkina xem đi xem lại những hình ảnh, video kỷ niệm, sợ rằng sẽ quên đi tiếng nói của chồng, một năm rưỡi sau khi anh hy sinh ở Kramatorsk... Nỗi đau của họ bắt đầu khi được báo tử và sau đó là một thử thách khác : nhận diện xác, nếu người lính không bị mất tích. Mặc cho gánh nặng tang tóc, những người phụ nữ này lại bị ganh ghét.

Ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng, tổng thống Volodymyr Zelensky loan báo vợ của các tử sĩ sẽ được trợ cấp 15 triệu hryvnias (370.000 euro). Số tiền này quá lớn tại một nước mà lương trung bình chỉ có 14.800 hryvnias (365 euro), cho dù còn phải chia sẻ với cha mẹ của người quá cố và các con. Ban đầu tử tuất được cấp một lần, nhưng chiến tranh kéo dài, nay trợ cấp được phát hàng tháng để khỏi đè nặng lên ngân sách, với điều kiện đã đăng ký kết hôn và sống chung ít nhất năm năm. Mykola Storozhuk, phó chủ tịch tổ chức phi chính phủ Veteran Hub ở Odessa co biết tất cả đều ngạc nhiên trước số tiền quá lớn.

Đành rằng mạng sống là vô giá, nhưng tiền tuất như vậy gần gấp đôi ở Hoa Kỳ. Nhất là lại gấp 23 lần so với các góa phụ của những người lính ngã xuống ở Donbass năm 2014 : trên 13.000 quân nhân Ukraine tử trận trong tám năm. Storozhuk nhận xét, sự khác biệt này gây sốc. "Có lẽ chính phủ muốn khuyến khích tòng quân và tin rằng cuộc chiến không quá dài như vậy. Nhưng họ đã không nghĩ đến những gia đình đã mất người thân trước 2022, và không đánh giá đúng rủi ro đối với ngân sách". Một dự luật đã được đưa ra để lấp bớt khoảng cách, nhưng hiện tại đang được treo, vì tất cả phải dành cho chiến trường.

Iran : Chú hề trong sân triều hai hoàng đế Putin và Tập

Le Figaro coi Iran như "tên hề của vua Putin và vua Tập", có vai trò múa men ở cạnh sườn để làm nhẹ đi áp lực nơi trung tâm. Với cánh tay nối dài là những nhóm phiến quân trong khu vực, Tehran đang chơi trò nguy hiểm là gây bất ổn ở Cận Đông và Trung Đông. Đối với tổng thống Joe Biden, đang bận rộn trong cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, vấn đề Iran khá đau đầu. Làm thế nào khống chế được một kẻ thù khó thể răn đe nhưng không rơi vào một vòng xoáy mà Hoa Kỳ vẫn muốn tránh bằng mọi giá : Chiến tranh với Iran ? Từ sau cuộc cách mạng Hồi Giáo 1979, Washington vẫn chưa có được chiến lược đối phó, khiến chế độ Tehran càng được thể.

Đang xuống dốc về kinh tế và bị chống đối trong nội bộ, chế độ Iran gắn chặt với Nga và Trung Quốc để chuẩn bị cho lúc khó khăn, nhất là nếu Donald Trump quay lại nắm quyền. Với Moskva, Tehran có được sự hỗ trợ về ngoại giao, còn với Bắc Kinh là thương mại. Tờ báo ghi nhận, Biden tấn công vào các phe tay sai của Tehran, nhưng tránh đánh vào lãnh thổ Iran. Ngược lại lễ kỷ niệm 45 năm nước Cộng hòa Hồi giáo ngày 11/02/1979 tuy diễn ra với những khẩu hiệu truyền thống đòi tiêu diệt nước Mỹ và Israel nhưng không bạo lực. Một chuyên gia nhận xét : "Iran đã có quá đủ những vấn đề để không gánh thêm, và từ nay đến tháng 11, mục tiêu của Tehran là lấp đầy ngân sách để tiếp tục trụ lại".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 174 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)