Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/02/2024

50 tỷ Euro cho Ukraine, nhưng cuộc chiến chống Nga sẽ còn kéo dài

RFI tổng hợp

Viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine : Liên Âu đã "dàn xếp" thế nào với Hungary ?

Hoàng Nguyên, Trọng Thành, RFI, 02/02/2024

Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua, 01/02/2024, đã đạt được thỏa thuận viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine chống xâm lược Nga, khoản viện trợ đã bị Hungary ngăn chặn cho đến phút cuối. Thỏa thuật đạt được ngay trong buổi sáng được coi là khá bất ngờ. Liên Âu đã có những thỏa hiệp nào với Hungary và thủ tướng Hungary đã khai thác những gì từ cuộc đối đầu với Liên Âu trong hồ sơ này để khẳng định quyền lực ? Nhận định của thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest.

ukraine0

Thủ tướng Hungary Orban Viktor trong một cuộc họp tại Bruxelles, Bỉ, tháng 12/2023. © Yves Herman / Reuters

RFI : Trước hết, xin anh cho biết những kịch bản được đặt ra trước hội nghị, về phía Hungary và về phía Liên Âu trong hồ sơ 50 tỉ euro viện trợ Ukraine ?

Hoàng Nguyên : Kịch bản thứ nhất là chính phủ Hungary có thể duy trì đến cùng quan điểm của mình, theo đó quyết định về các khoản hỗ trợ tài chính dành cho Ukraine phải được thông qua với sự nhất trí của tất cả 27 thành viên EU, và họ vẫn tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết nếu không vừa ý. Khi đó, khả năng là 26 nước thành viên còn lại sẽ tìm kiếm một giải pháp riêng, ngoài ngân sách EU. Kịch bản thứ hai là các thành viên EU có thể chấp thuận đề xuất mang tính thỏa hiệp của Hungary, rằng hàng năm phải tổ chức thảo luận về khoản viện trợ cho Ukraine, nhưng phần biểu quyết sau đó chỉ cần đa số ủng hộ, chứ không cần 100% phiếu thuận. Kịch bản thứ ba là, giống như tháng 12/2023, ông Orbán cũng có thể rời khỏi phòng họp khi 26 thành viên còn lại của EU biểu quyết.

Những khả năng trừng phạt, trả đũa có thể được áp dụng với Hungary cũng được nhắc tới, nếu ông Orbán vẫn tiếp tục phủ quyết trong hội nghị thượng đỉnh này. Đó là Hungary có thể tiếp tục bị gia tăng "truy cứu" theo Điều 7 của Hiệp ước EU, mà hậu quả nặng nhất là tước quyền biểu quyết của nước này trong Liên Âu. Tiếp theo đó, vì những quan ngại về nhà nước pháp quyền, nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Hội Đồng Châu Âu của Hungary bắt đầu từ tháng 7/2024 sẽ bị hoãn lại cho đến khi các vấn đề được giải quyết, và do đó, Ba Lan, đứng sau Hungary, sẽ đảm nhiệm vai trò này.

Dường như có những trao đổi tại EU nhằm gây cô lập, khiến Hungary lâm vào tình trạng tê liệt tài chính bằng cách giữ lại tất cả các nguồn vốn của Liên Âu. Việc một số quốc gia thành viên EU rò rỉ các ý tưởng khác nhau cho báo chí cho thấy rõ là hầu hết các nước Liên Âu đã hết kiên nhẫn và tin tưởng vào Hungary.

RFI : Tại sao thủ tướng Orbán lại nhanh chóng lùi bước ? Các dàn xếp đã diễn ra như thế nào ?

Hoàng Nguyên : Bên cạnh những hậu quả có thể xảy ra về kinh tế, tài chính, ông Orbán Viktor đã phải chịu áp lực nặng nề từ nhiều phía trước hội nghị thượng đỉnh. Giới lãnh đạo các thành viên Liên Âu cho hay hội nghị sẽ kéo dài chừng nào chưa đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, bằng không chỉ có một kẻ vui mừng, đó là tổng thống Nga Vladimir Putin. Rất nhiều nỗ lực thuyết phục và cả chỉ trích ông Orbán đã diễn ra từ ngày hôm trước, cho tới sáng 1/2, trong đó gay gắt nhất lại đến từ một cựu đồng minh của Orbán, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Thủ tướng Ba Lan cho rằng "không thể hiểu được, cũng chẳng thể chấp nhận được trò chơi tự cao tự đại của Orbán". Theo ông, việc ủng hộ Ukraine là không cần bàn cãi, nên Orbán cần quyết định là có thuộc về cộng đồng hay không, và cần bỏ phiếu theo đó, chứ Hội Đồng Châu Âu không có "kế hoạch B" trong trường hợp Hungary tiếp tục phủ quyết. Nhà lãnh đạo Ba Lan nhấn mạnh, sự chống đối của Orbán không chỉ mang lại rủi ro cho an ninh Ukraine, mà cho cả EU, và thủ tướng Hungary sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của Ukraine nếu vẫn phủ quyết.

Tuy nhiên, có vai trò quyết định là cuộc họp diễn ra tới phút cuối vào sáng 1/2, giữa các vị chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Ủy Ban Châu Âu, cùng lãnh đạo Pháp, Đức và Ý với ông Orbán Viktor, và sau đó, một số thủ tướng khác, trong đó có Ba Lan, Hà Lan và Bỉ cũng nhập cuộc. Một số nhượng bộ từ phía EU đã được đặt lên bàn, đảm bảo cho ông Orbán vẫn giữ được thể diện, vẫn có thể nói là mình đã chiến thắng, trong khi ông Orbán không thể tiếp tục cản trở nỗ lực ủng hộ Ukraine của Liên Âu, và rốt cục đôi bên đã đạt được đồng thuận.

Một số phân tích về sau cho thấy, ông Orbán Viktor ý thức rõ ràng là mình có thể đi xa đến đâu. Trước nay, chưa bao giờ ông phủ quyết tại EU trong một vấn đề mà ông hoàn toàn không được ai ủng hộ. Chiến thuật của ông luôn là khiến các đối tác không thể biết là ông thực sự nghĩ nghiêm túc về vấn đề đang bàn, hay ông chỉ muốn "vòi vĩnh" để kiếm thêm lợi. Khi đạt tối đa điều mình muốn, ông đã lập tức đồng ý. Các đối tác không cần đưa ra lời cảnh cáo về những hậu quả có thể xảy ra nếu thủ tướng Hungary tiếp tục "quậy phá".

RFI : Liên Âu đã có những nhượng bộ cụ thể nào với Hungary ?

Hoàng Nguyên : Trong thực tế, ba thỏa hiệp mà Liên Âu đề xuất để ông Orbán Viktor rút lại quyền phủ quyết đều là những điều mà EU cho là "lặt vặt", không có vai trò đáng kể gì, và điểm chính yếu là ông Orbán sẽ không còn có cơ hội can thiệp vào vấn đề này trong tương lai. Những điều gọi là thỏa hiệp là :

- Uỷ Ban Châu Âu hàng năm sẽ đưa ra báo cáo về gói hỗ trợ Ukraine và nếu cần, lãnh đạo các nước EU sẽ thảo luận về vấn đề này.

- Sau 2 năm, Ủy Ban Châu Âu sẽ tái xem xét các khoản chi cho Ukraine.

- Đảm bảo việc xem xét giải ngân các nguồn tiền EU cho Hungary sẽ diễn ra một cách khách quan và công bằng.

RFI : Thủ tướng Hungary đã buộc phải chấp nhận chủ trương viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine, điều mà ông Orbán đã tỏ ra nỗ lực chống lại đến cùng. Thủ tướng Orbán đã nói gì với người dân trong nước về điều mà một số nhà quan sát cho là "thất bại" này ?

Hoàng Nguyên : Một số đánh giá cho rằng, với những thỏa hiệp này, thực chất ông Orbán "không nhận được gì" và "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc đồng ý hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, từ Bruxelles, thủ tướng Hungary tuyên bố về trong nước rằng ông đã "chiến thắng", vì đã nhận được sự nhượng bộ thích hợp cho những gì chính phủ nước này lo ngại. Thứ nhất, nguồn tiền EU bị giữ lại sẽ không được chuyển cho Ukraine (đây là cách giải thích do chính phủ Hung thêu dệt), và các nguồn ủng hộ cho Ukraine về dài hạn sẽ được đặt dưới sự giám sát .

Như vậy, như nhiều lần đã xảy ra, với người dân trong nước, ông Orbán một lần nữa lại khiến nhiều người tin rằng ông đã bảo vệ được lợi ích của Hungary, vì ông mà Liên Âu phải tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bất thường, vì ông mà những lãnh đạo cao cấp nhất của EU phải lao tâm khổ tứ và đến phút cuối, chính họ là những người thở phào mừng rỡ khi được ông chấp thuận. Phân tích của báo chí cho thấy, ông Orbán vẫn "thành công" trong việc khiến các đối tác hoặc là các đối thủ Châu Âu phải hoang mang, đau đầu vì không biết thực sự ông muốn gì.

Orbán Viktor chưa bao giờ ra khỏi một xung đột mà ở trong thế yếu. Con bài hay nói đúng hơn là đường lối mà ông đặt ra, đối với các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích, là rất rõ ràng. Đó là ông ấy luôn luôn dựng ra các đối thủ, các địch thủ hoặc kẻ thù hoàn toàn không có thực, nhưng nhiều khi do bộ máy truyền thông nhắc đi nhắc lại hàng ngày mà người dân tin tưởng, và họ tỏ ra sợ hãi trước chuyện đó, và họ tin là chỉ có Orbán Viktor mới có thể đứng ra để bảo vệ được họ thôi. Toàn bộ hệ thống truyền thông bị ông ấy thao túng. Chính trường Hungary hiện tại, kể từ 15 năm nay, không có gương mặt nào sáng giá để đối đầu với Orban cả.

Quan hệ Hungary và Ukraine, cũng như các nỗ lực chung của Liên Âu hỗ trợ Ukraine dài hạn cho đến khi nào nước này chiến thắng trong cuộc chiến vệ quốc đặt ra vấn đề. Có thể thấy các định chế của Châu Âu còn nhiều điểm yếu kém, tạm gọi là sơ hở, không đáp ứng được tình hình, nếu một thành viên nào đó luôn có những hành vi gọi là ''gây rối'' như thế, liệu có biện pháp chế tài nào không, để giảm thiểu, hạn chế chuyện đó.

RFI : Gói hỗ trợ 50 tỉ euro và tương lai của quan hệ Hungary – Ukraine

Hoàng Nguyên : Chưa thể khẳng định được sau quyết định này của chính phủ Hungary, mối quan hệ giữa hai nước có được cải thiện đang kể hay không, nhưng các sự kiện vừa diễn ra cho thấy có thể có những hòa dịu nhất định. Cuối tháng 1/2024, ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter lần đầu tiên gặp mặt người đồng nhiệm Ukraine kể từ khi cuộc chiến xâm lược do Liên bang Nga tiến hành xảy ra vào cuối tháng 2/2022. Tâm điểm của cuộc gặp mặt là những quyền lợi mà Hungary muốn đòi hỏi cho cộng đồng Hung kiều ở vùng biên giới hai nước.

Chính phủ Hungary từ nhiều năm nay vẫn coi việc cộng đồng này bị "bạc đãi" - theo cái nhìn của Budapest - là lý do để Hungary ngăn cản mọi bước tiến của Ukraine hướng tới Châu Âu : trong chuyến công du lần này của ngoại trưởng Hungary, phía Hung đưa ra 11 yêu cầu nhằm mục đích phục hồi những quyền lợi của cộng đồng Hung kiều, mà theo Budapest thì họ từng có cho đến năm 2015, nhưng sau đó đã bị tước đoạt. Trong cuộc họp và họp báo về sau đó, quan điểm của Hungary về cuộc chiến xâm lược của Nga cũng được đề cập.

Trái với ông Orbán Viktor, người đã từng nói rằng "Ukraine đã không tồn tại về mặt lãnh thổ", "đã đánh mất nền độc lập", v.v..., ngoại trưởng Szijjártó Péter tỏ ra mềm dẻo hơn khi tuyên bố Hungary trước sau như một ủng hộ nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và liệt kê những hỗ trợ nhân đạo mà Hungary đã và đang thực hiện. Chuyến công du cũng nhằm bàn bạc chuẩn bị cho một cuộc gặp mặt trong tương lai giữa thủ tướng Orbán và tổng thống Zelensky, mà phía Ukraine đánh giá là "một trang mới trong lịch sử hai nước".

Quan điểm của hai nước về việc chấm dứt cuộc chiến còn cách nhau xa, khi Hungary muốn lập tức có một thỏa thuận ngừng bắn, còn Ukraine muốn chấm dứt chiến tranh theo công thức của tổng thống Zelensky (tức là cần quản lý và giải quyết các khủng hoảng nảy sinh do hậu quả của chiến tranh). Tuy nhiên, lá phiếu thuận của ông Orbán, có thể là ánh sáng đầu tiên cuối đường hầm trong quan hệ giữa hai nước, vào lúc Liên Âu khẳng định quyết tâm hỗ trợ Ukraine một cách dài hạn, tới khi nào nước này chiến thắng trong cuộc chiến vệ quốc.

Trọng Thành, Hoàng Nguyên

Nguồn : RFI, 03/02/2024

**************************

Liên Âu không thể giao đạn pháo cho Ukraine đúng tiến độ

Anh Vũ, RFI, 03/02/2024

Quân đội Ukraine đang cần đạn dược mà nhất là đạn pháo và trông chờ chủ yếu vào những hứa hẹn của Liên Hiệp Châu Âu. Dù khoản viện trợ tài chính 50 tỷ euro cho Kiev đã được thông qua, nhưng Liên Âu xác nhận không thể giao đủ số lượng đạn dược cho Kiev theo đúng hẹn đã hứa.

ukraine2

Binh lính Ukraine sử dụng pháo tự hành Caesar do Pháp chế tạo tại chiến tuyến ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 26/12/2022. AP - Libkos

Từ hôm 31/01, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, ông Josep Borrell đã thừa nhận là từ giờ đến tháng Ba, Liên Âu sẽ không thể giao một triệu đạn pháo như đã hứa với Kiev mà chỉ giao thêm được 200 nghìn đầu đạn, tức là khoảng 52% so với kế hoạch. Cho đến hiện tại mới chỉ có 330 nghìn đầu đạn pháo đã được giao. 

Liên Âu không giữ được tiến độ như vậy là bởi trong các kho không còn đủ và các ngành công nghiệp liên quan không hẳn đã mặn mà tham gia. Một loạt lãnh đạo các nước như Đức, Hà Lan, Estonia, Cộng hòa Czech và Đan Mạch đã kêu gọi các nước trong Liên Hiệp Châu Âu "nỗ lực gấp bội" để bảo đảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể kéo dài cho đến hết mức cần thiết. Các lãnh đạo trên đã viết trong một bức thư chung đăng trên nhật báo Financial Times : "Chúng ta cần phải tìm các cách thức tăng tốc cung cấp đạn pháo như đã hứa cho Ukraine".

Nhiều nước như Pháp, Ý, hay Tây Ban Nha bị chỉ trích vì đã không hành động đủ để hỗ trợ quân đội Ukraine. Paris, hồi tháng 01/2024, đã ra thông báo thành lập một liên minh pháo binh để hỗ trợ hiệu quả hơn cho quân đội Ukraine.

Liên Âu đặt mục tiêu trong năm nay sản xuất 1,4 triệu quả đạn pháo. Sang năm 2025 sẽ tăng lên 2 triệu, theo khẳng định của ủy viên Châu Âu Thierry Breton. So với số lượng 7 đến 8 triệu quả đạn pháo Nga bắn xuống Ukraine trong năm qua thì năng lực sản xuất của Châu Âu sẽ còn phải mất nhiều thời gian để bắt kịp.

Liên Hiệp Châu Âu đang rơi vào tình thế buộc phải tăng tốc nhịp độ sản xuất đạn trong khi mà toàn bộ viện trợ của Washington cho Ukraine vẫn bị chặn ở Quốc Hội Mỹ.

Anh Vũ

**************************

Tổng tham mưu trưởng : "Ukraine phải chuẩn bị cho khả năng viện trợ bị cắt giảm"

Minh Anh, RFI, 02/02/2024

Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny, ngày 01/02/2024, kêu gọi Ukraine nên chuẩn bị cho khả năng "viện trợ từ các đồng minh bị cắt giảm" và điều này buộc ông sẽ phải điều chỉnh chiến lược quân sự.

ukraine3

Một tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn sau một cuộc oanh kích bằng tên lửa Nga vào Sloviansk, Ukraine, ngày 27/01/2024. AP - Efrem Lukatsky

Tuyên bố này được vị chỉ huy quân đội Ukraine rất được lòng dân đưa ra trong một bài viết cho đài CNN của Mỹ. Ông Zaluzhny cảnh báo Ukraine "sẽ phải đối phó với nguy cơ suy giảm nguồn viện trợ quân sự từ các đồng minh chính, hiện đang gặp những căng thẳng chính trị trong nước".

Ông Zaluzhny khẳng định Ukraine cũng chưa thể tăng quân số trừ phi Quốc Hội ra quyết định "mất lòng dân" huy động thêm nhiều người, một vấn đề đang gây tranh cãi trong nước.

Quân đội Ukraine đã đề nghị tổng thống Ukraine tuyển mộ thêm nửa triệu binh sĩ để thay thế số quân nhân đã bị kiệt sức, đối đầu với khoảng 600 ngàn quân Nga được triển khai ở Ukraine. Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, Nghị Viện Ukraine đã từ chối thảo luận về một dự luật gây tranh cãi huy động thêm binh lính.

Cảnh báo của tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine được đưa ra vào lúc các lãnh đạo Châu Âu hôm qua vừa đạt được thỏa thuận về khoản viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine, cho đến nay vẫn bị Hungary ngăn chặn.

AFP cho biết, vài giờ sau khi Liên Hiệp Châu Âu thông qua gói viện trợ bổ sung cho Kiev, lãnh đạo khối nghị sĩ Dân Chủ ở Hạ Viện Mỹ, ông Chuck Schumer, thông báo Hạ Viện vào cuối tuần này sẽ công bố một dự án viện trợ mới cho Ukraine.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Nguyên, Trọng Thành, Anh Vũ, Minh Anh
Read 238 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)