Châu Âu chỉ trích phát biểu của Donald Trump về NATO
Thu Hằng, RFI, 12/022024
Phát biểu "Mỹ không bảo đảm an ninh cho NATO" của cựu tổng thống Donald Trump tiếp tục bị chỉ trích gay gắt. Ngày 12/02/2024, trước cuộc họp của các ngoại trưởng, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell khẳng định NATO không thể là "một liên minh theo lựa chọn" vì theo ông "một liên minh quân sự không thể hoạt động tùy theo cảm hứng của tổng thống Mỹ".
Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell tại Kiev, Ukraine, ngày 07/02/2024. AP - Efrem Lukatsky
Ông Josep Borrell không "bình luận về những ý tưởng ngu xuẩn được đưa ra trong chiến dịch tranh cử ở Hoa Kỳ", ý muốn nói đến những phát biểu của ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa hôm 10/02 khi nêu khả năng không bảo vệ các nước thành viên NATO thiếu đóng góp cho quốc phòng. Trước đó, trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá phát biểu của ông Donald Trump "gây tổn hại cho an ninh của NATO, trong đó có Hoa Kỳ và đẩy quân nhân Mỹ và Châu Âu vào rủi ro cao".
Những phát biểu của ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa bị chủ nhân Nhà Trắng đánh giá trong một thông cáo là "thảm hại và nguy hiểm" vì "bật đèn xanh cho (tổng thống Nga) Putin gây thêm chiến tranh và bạo lực, để tiếp tục cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào một Ukraine tự do và mở rộng cuộc xâm lược của Putin đối với dân tộc Ba Lan và các nước vùng Baltic".
Về phản ứng của Ba Lan, nước ở cửa ngõ Liên Hiệp Châu Âu và sát sườn Ukraine, quốc gia đang bị Nga xâm lược, thông tín viên RFI Martin Chabal tại Warszawa cho biết thêm :
"Chính phủ Ba Lan đã thể hiện lo lắng ngay lập tức. Bộ trưởng Nội Vụ Ba Lan bày tỏ "Donald Trump kêu gọi trao thẳng Châu Âu cho Putin". Trong khi Liên Hiệp Châu Âu ngày càng lo về kịch bản khả năng Nga tấn công Châu Âu, những lời phát biểu của ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa gieo rắc nghi ngại trong tâm trí những nước nằm sát cửa ngõ với Ukraine.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cố gắng trấn an mọi người. Ông hứa sẽ duy trì liên minh vững mạnh nhất có thể giữa Hoa Kỳ và Ba Lan, dù chủ nhân Nhà Trắng là ai. Ông cũng nhấn mạnh Ba Lan không bị những phát biểu của ông Donald Trump nhắm đến. Warszawa dành gần 4% GDP cho quốc phòng, đủ để Hoa Kỳ, trong trường hợp Donald Trump làm tổng thống, can thiệp trong trường hợp Ba Lan bị tấn công.
Nhưng Warszawa gắn bó với khẩu hiệu của NATO : "Một người vì mọi người, mọi người vì một người". Và nếu Ba Lan nằm trong số học trò ngoan thì những trò ngoan này cũng lo cho các nước Châu Âu láng giềng không chi đủ theo chỉ trích của Donald Trump, như Pháp và Đức chẳng hạn, hai nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu mà tân chính phủ Ba Lan đang tìm cách thắt chặt quan hệ sau thời gian đảng dân túy Pis nắm quyền. Những nước này có thể sẽ thảo luận về những phát biểu của ông Donald Trump ngay thứ Hai này (12/02), trong cuộc họp Tam giác Weimar, gồm ba nước Đức, Pháp và Ba Lan".
Ngày 12/02, khi được hỏi về những phát biểu của ông Donald Trump, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov đã từ chối bình luận khi nói rằng ông "làm trợ lý báo chí cho tổng thống Putin, chứ không phải cho Trump".
Thu Hằng
************************
Thách thức an ninh thắt chặt quan hệ Pháp - Đức - Ba Lan
Thanh Hà, RFI, 12/02/2024
Thủ tướng Ba Lan, hôm nay 12/02/2024, công du Pháp và Đức trong bối cảnh Châu Âu đang đứng trước nhiều thách thức vì an ninh. Cùng ngày, ngoại trưởng ba nước họp tại ngoại ô Paris. Các bên thảo luận về chiến tranh Ukraine và tìm cách đối phó với chính sách tuyên truyền và bóp méo sự thật của Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa), tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron (P) tham dự cuộc họp báo chung tại Berlin, Đức ngày 08/02/2022. Reuters - Pool
Vào lúc chiến tranh Ukraine sắp bước sang năm thứ ba và ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dọa không bảo vệ các thành viên NATO, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk gặp và hội đàm với tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Olaf Scholz. Paris, Berlin và Warszawa xem việc tăng cường hợp tác an ninh là điều "cần thiết hơn bao giờ hết". Theo một nguồn tin từ chính quyền Ba Lan được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, "Châu Âu cần cùng hành động để đối phó với kịch bản ông Trump đắc cử. Khối này không còn nhiều thời gian và đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải có một cỗ máy công nghiệp quốc phòng hùng hậu". Liên Âu "phải gấp rút hợp lực để cùng sản xuất đạn dược" tránh "bị phụ thuộc vào các nguồn cung cấp khác". Một nhà quan sát ghi nhận, giờ đây, Warszawa không còn xem chính sách tự chủ về quốc phòng của Liên Âu trái ngược và có thể gây mâu thuẫn với đường lối của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Ba Lan đang kỳ vọng thu hút đầu tư của Đức để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Bên cạnh các dự án tăng cường hợp tác sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Liên Âu, ngoại trưởng Pháp, Đức và Ba Lan hôm nay họp tại ngoại ô Paris để bàn về các biện pháp chống tin giả, chủ yếu xuất phát từ Nga. Paris coi đây là một mối đe dọa, gây bất ổn cho các quốc gia bị Nga nhắm tới. Các bên dự trù ra một thông cáo chung vào chiều nay sau cuộc họp.
Giới quan sát ghi nhận đây là thời điểm thuận lợi để Pháp, Đức và Ba Lan đẩy mạnh hợp tác nhằm đối phó một cách "hiệu quả với những thách thức đang đặt ra về mặt địa chính trị cho toàn khối". Paris và Berlin là hai đầu tàu của Liên Âu. Còn Warszawa là một đối tác nặng ký, đại diện cho Trung và Đông Âu. Ba Lan là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng về mặt quân sự.
Thanh Hà
***************************
Ông Trump nói sẽ 'khuyến khích’ Nga tấn công các thành viên NATO không đóng tiền
James FitzGerald, BBC, 11/02/2024
Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ "khuyến khích" Nga tấn công bất kỳ thành viên NATO nào không chịu đóng tiền cho liên minh quân sự phương Tây này.
Ông Donald Trump phát biểu tại cuộc mít tinh ở South Carolina
Cựu Tổng thống Donald Trump kể có lần ông đã nói với lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO rằng ông sẽ không bảo vệ quốc gia không chịu đóng tiền cho tổ chức này nếu quốc gia ấy bị Nga tấn công và sẽ "khuyến khích họ (Nga) làm bất cứ điều quái quỷ gì mà họ muốn".
Các thành viên của NATO cam kết sẽ bảo vệ bất kỳ quốc gia nào trong khối một khi quốc gia ấy bị tấn công.
Nhà Trắng đã gọi những ý kiến trên của ông Trump là "kinh hoàng và mất kiểm soát".
Phát biểu trong một cuộc mít tinh ở South Carolina vào thứ Bảy, ông Trump cho biết ông đã có lời tuyên bố như vậy trong một cuộc họp lãnh đạo các nước NATO.
Ông nhớ lại rằng lãnh đạo "một nước lớn" đã đưa ra tình huống giả định rằng nước của ông ta không đáp ứng nghĩa vụ tài chính của khối NATO và bị Moscow tấn công.
Ông Trump nói lãnh đạo đó đã hỏi liệu Mỹ có đến giúp đỡ đất nước của ông ta trong tình huống ấy không và điều đó khiến ông Trump phải mắng cho một trận.
"Tôi đã nói : ‘Ngài không thanh toán ư ? Ngài lơ là nghĩa vụ ư ?’... 'Không, tôi sẽ không bảo vệ ngài, thực sự thì tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Ngài phải thanh toán’".
Một người phát ngôn của Nhà Trắng nói rằng cựu tổng thống đang "khuyến khích các chế độ sát nhân thực hiện xâm lược đối với các đồng minh thân thiết nhất của chúng ta" và đánh giá những ý kiến trên là "kinh hoàng và mất kiểm soát".
Người phát ngôn này nói thêm rằng tuyên bố trên "đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, đe dọa ổn định toàn cầu và nền kinh tế nước Mỹ".
Ông Trump, ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa cho vị trí ứng cử viên chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, từ lâu đã chỉ trích NATO và cái mà ông coi là gánh nặng tài chính quá mức đối với Mỹ trong việc đảm bảo công tác bảo vệ cho 30 quốc gia khác.
Nga đã tiến hành cuộc xâm lược toàn diện tại Ukraine vào năm 2022, sau khi ông Trump rời khỏi vị trí tổng thống. Ông từng than phiền về số tiền Mỹ đã chuyển cho Ukraine, một quốc gia không phải là thành viên NATO.
Theo số liệu từ Nhà Trắng hồi tháng 12/2023, Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho Ukraine nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - tổng cộng hơn 44 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào năm 2022.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, các đảng viên Cộng hòa đã chặn mọi khoản tài trợ mới – với yêu cầu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ qua đường biên giới phía nam và sau đó đã bác dự luật sửa đổi được đệ trình vào đầu tuần này.
Tại cuộc mít tinh hôm thứ Bảy, ông Trump đã hoan nghênh việc bác bỏ dự luật và nói rằng các đề xuất của Tổng thống Biden là "thảm họa".
Hai vấn đề này hiện đã được tách biệt thành công, có nghĩa là các thượng nghị sĩ hiện có thể thảo luận về tiền viện trợ cho Ukraine một cách riêng lẻ.
James FitzGerald
Nguồn : BBC, 11/02/2024