Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/02/2024

Điểm báo Pháp - Chiến hạm Nga tiếp tục bị đánh chìm

RFI tiếng Việt

Chiến hạm Nga tiếp tục làm mồi cho drone Ukraine trên Hắc Hải

Chỉ trong hai tuần lễ, hai chiến hạm Nga đã bị Ukraine tiêu diệt ở Hắc Hải, trong khi trên bộ tình hình Avdiivka đang nguy ngập. Moskva liên tục phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng để nhấn chìm Ukraine trong đêm đen. Số hiếm hoi trẻ em bị Nga bắt cóc được giải cứu tố cáo bị tẩy não. Sắp tới dịp kỷ niệm hai năm Putin đưa quân sang xâm lược, báo chí Pháp hôm nay 15/02/2024 có nhiều bài viết về tình hình Ukraine.

drone1

Một quân nhân Ukraine kiểm tra kết nối của drone trước khi cho hoạt động ở gần tiền tuyến tại Zaporizhzhia, ngày 02/02/2024. Reuters - Stringer

Ukraine diệt thêm chiến hạm Nga ở Hắc Hải, Avdiivka nguy kịch

La Croix chú ý đến sự kiện "Thêm một chiến hạm mới của Nga bị Ukraine phá hủy tại Hắc Hải", chỉ hai tuần sau khi làm hư hại nghiêm trọng một tàu Nga khác. Chiến tranh đã kết thúc đối với chiếc Caezar Kunikov. Đã bị thiệt hại nặng hồi tháng 3/2022, chiếc tàu đổ bộ đồ sộ này đêm 13 rạng 14/02/2024 lại bị nhiều drone hải chiến Ukraine tấn công ngoài khơi Crimea. Theo tình báo quân đội Ukraine, chiếc tàu Nga đã bị chìm sau khi vụ nổ xé toạc sườn bên trái. Điều trớ trêu của lịch sử là chiếc tàu mang tên sĩ quan nổi tiếng của Hồng quân, 81 năm sau lại bị tiêu diệt đúng vào ngày Caezar Kunikov tử trận.

Trong một video, nhiều drone tấn công Magura V5 có thể mang theo 200 ký chất nổ bay ngoằn ngoèo về phía chiếc tàu Nga, tương tự như vụ phá hủy tàu chở hỏa tiễn Nga Ivanovets cách đây hai tuần ở phía tây Crimea. Một thiệt hại nặng nề cho Moskva, vẫn chưa tìm được cách hóa giải những drone hải chiến của Ukraine, rẻ tiền hơn rất nhiều so với chiến hạm.

Có ít nhất 25 trên tổng số 80 chiến hạm của Hạm đội Hắc Hải Nga đã bị tiêu diệt kể từ đầu cuộc xâm lăng. Trong số đó có soái hạm Moskva, bị đánh chìm hồi tháng 4/2022. Nga đành phải sơ tán một phần hạm đội sang phía đông Crimea, nới bớt phong tỏa nhờ đó Kiev lại xuất khẩu được lúa mì. Chiến công lừng lẫy trên biển của Ukraine không bù đắp được cho những khó khăn trên đất liền, do quân Nga hàng ngày dội pháo ồ ạt gấp ba lần bộ binh Ukraine vốn đang thiếu đạn. Tình hình rất nguy kịch ở Avdiivka, hầu như đang bị bao vây. Tướng Oleksandr Syrsky hôm qua cho rằng "vô cùng phức tạp và căng thẳng".

Kremlin làm mọi cách để Ukraine chìm trong bóng tối

Trả lời Libération, luật gia German Galushchenko, bộ trưởng Năng lượng Ukraine nhấn mạnh : "Người Nga đã làm mọi cách để nhấn chìm chúng tôi trong bóng tối". Ông cho biết mùa đông năm ngoái, Nga tấn công ồ ạt bằng hỏa tiễn và drone cả ngày lẫn đêm, làm thiệt hại 50 % cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia lớn nhất Châu Âu bị quân Nga chiếm, không còn sản xuất điện từ tháng 3/2022, đập Kakhovka bị phá sập tháng 6/2023. Tuy vậy qua chiến dịch tái thiết quy mô, Ukraine đã trải qua một mùa đông không bị cúp điện và sưởi.

Bộ trưởng khẳng định Nga có một nhóm chuyên gia về năng lượng trợ giúp quân đội xác định những mục tiêu mang tính chiến lược nhất. Theo ông, đó là tội phạm vì các mục tiêu này không phải là quân sự, mà để cung cấp nước, hệ thống sưởi cho cư dân. Yếu tố quan trọng nhất là phòng không. Năm ngoái, Nga dùng hỏa tiễn Kinjal tức loại địa-không siêu thanh có độ chính xác cao gây thiệt hại lớn. Nhưng nay Kiev có hỏa tiễn Patriot của Mỹ phá hủy được Kinjal.

Moskva đặc biệt nhắm vào các vùng kỹ nghệ để phá hoại kinh tế Ukraine. Theo ông Galushchenko, có một may mắn là Ukraine đã ngắt khỏi mạng lưới cũ để hòa nhập vào mạng điện Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 23/02/2022, tức đúng một ngày trước khi quân Nga kéo sang, nên giảm nhẹ thiệt hại. Ông cho rằng các nước Châu Âu nên giảm mạnh việc nhập khẩu năng lượng Nga vì số tiền này sẽ phục vụ cho cuộc chiến của Vladimir Putin. Kremlin dùng tiền bán khí đốt mua hỏa tiễn, xe tăng, đạn dược để giết người Ukraine. Một ví dụ là Đức chỉ trong một năm rưỡi đã không còn lệ thuộc vào khí đốt Nga.

German Galushchenko đặc biệt quan ngại về nhà máy Zaporizhzhia trong tay Nga : các chuyên viên cao cấp Ukraine không được vào làm việc, nếu xảy ra sự cố sẽ không khác Fukushima, ảnh hưởng đến toàn Châu Âu. Về các chính khách phản đối viện trợ cho Ukraine, nói rằng mỏi mệt về cuộc chiến, bộ trưởng Galushchenko đặt câu hỏi : họ mệt mỏi vì điều gì ? Các vị không bị mất đi bạn bè, người thân, không phải trốn trong hầm trú ẩn khi các hỏa tiễn Nga lao tới. Thái độ này không chỉ bất công mà còn thiển cận : nếu Ukraine thất bại trong cuộc chiến tranh vệ quốc này, Putin sẽ không dừng lại ở đây.

Bắt cóc trẻ em Ukraine : Nga gây tội ác chiến tranh

Cũng về Ukraine, Le Figaro có bài điều tra với "Những lời chứng xúc động của những trẻ em Ukraine bị người Nga bắt cóc". Đặc phái viên tờ báo gặp gỡ các em trong dịp đến Latvia tham dự hội nghị quốc tế dành cho hồ sơ trẻ em Ukraine bị bắt đưa sang Nga hay những vùng tạm chiếm. Các nhà quan sát cho rằng Kremlin vừa muốn làm hại thế hệ tương lai của Ukraine, vừa để bù đắp vào dân số đang sụt giảm.

Oleksandr Radchuk, tức "Sashko", 11 tuổi, đang sống hạnh phúc với gia đình ở Mariupol thì quân Nga tiến vào, biến thành phố xinh đẹp này thành bình địa. Em bị thô bạo tách khỏi người mẹ trong một "trung tâm thanh lọc", không được nói cả lời từ biệt. Trong một bệnh viện Donetsk, Sashko chung phòng với một thương binh Nga luôn lặp lại những tuyên truyền trên truyền hình. Người này và bạn bè nói với em là quốc gia Ukraine cũng như dân chúng không còn tồn tại, đất nước đã hoàn toàn bị chiếm đóng và em cũng tưởng thật. Sashko được cứu thoát nhờ một nữ y tá đã chấp nhận đưa tên em lên mạng xã hội, do đó bà ngoại em là Liyudmilla Syrik nhận ra. Bà gõ tất cả mọi cánh cửa, kể cả viết thư cho tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ivan và Maksim là hai trẻ mồ côi sống sót ở Mariupol, bị đưa đi dự "trại hè" ở ngoại ô Moskva cùng với 31 trẻ khác. Ba em liên lạc được với gia đình, số các bé còn lại chưa đến 9 tuổi không biết gì đã bị đưa đi mất biệt. Bohdan Yermokhin 16 tuổi, được cấp hộ chiếu Nga lập tức và đưa đi làm con nuôi một gia đình, được đối xử tử tế nhưng bị tẩy não. Cậu được giải thoát đúng lúc nhận được lệnh triệu tập của ủy ban quân sự, để đi chiến đấu chống lại tổ quốc mình. Số 388 trẻ em may mắn được giải cứu chỉ là một số rất nhỏ so với ước tính từ 20.000 đến 300.000 trẻ Ukraine bị bắt đưa sang Nga. Phía Moskva nói rằng đã "sơ tán" 740.000 em "vì lý do nhân đạo".

Tổng thống Zelensky đề ra kế hoạch mang tên "Đưa trẻ em trở về", nhưng không ít em bé đã bị thay đổi tên họ, có nguy cơ vĩnh viễn không còn tìm được dấu vết. Hội nghị không phải ngẫu nhiên được tổ chức tại Latvia : đất nước này đã từng chịu đựng tội ác chiến tranh tương tự thời Liên Xô. Cựu nữ tổng thống Vaira Freiberga khi mới 6 tuổi đã cùng với gia đình di tản sang Tây Âu lúc đất nước bị xâm lăng, đến năm 66 tuổi mới hồi hương. Dân biểu Châu Âu Sandra Kalniete nằm trong số 60.000 gia đình Latvia bị đày sang Xibêri, bị nhồi sọ để thành "con người xô-viết".

Châu Âu lo sợ trước "trận cuồng phong" Trump

Les Echos hôm nay chạy tít "Quốc phòng : Sự thức tỉnh của Châu Âu". Chi tiêu quân sự của châu lục tăng cao chưa từng thấy, và đáp lại tuyên bố của Donald Trump, tổng thư ký NATO nhắc nhở "Hoa Kỳ chưa từng đơn độc tham chiến". Giáo sư Thierry Tardy trên Le Monde nhận xét : "Trận bão Trump khiến Châu Âu đối mặt với thách thức chưa từng có từ 1945". Theo ông, có ba khả năng nếu Hoa Kỳ không bảo vệ Châu Âu.

Thứ nhất, thụ động quan sát như trong nhiệm kỳ đầu của nhà tỉ phú, hy vọng "cơn lốc Trump" sẽ đi qua. Thứ hai, làm mọi cách để người Mỹ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ đều nhìn nhận là Châu Âu đã nổ lực đủ để được bảo vệ, thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng và ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ kể cả về Ukraine. Thứ ba, mối nguy bị bỏ rơi mạnh đến nỗi các nước Châu Âu chấp nhận vạch ra con đường để tiến tới một cộng đồng an ninh quốc phòng chung. Như vậy cả Hoa Kỳ của Donald Trump và Nga của Vladimir Putin - đồng minh chủ chốt và kẻ thù chính của Châu Âu - đã thúc đẩy bước ngoặt.

Đối với dân biểu Châu Âu Nathalie Loiseau, sẽ sai lầm nếu coi nhẹ những tuyên bố của Trump, cho rằng dưới ánh mặt trời chẳng có gì mới. Trump II sẽ dữ dội hơn Trump I rất nhiều vì không còn những "người lớn" có thể can gián. Nhưng cựu tổng thống Mỹ có phần đúng ở một điểm : Châu Âu chưa tăng cường đúng mức quốc phòng – dù tình hình đang được cải thiện dần. Từ năm 2017 tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cổ vũ chính sách tự chủ chiến lược Châu Âu, ý tưởng bị chỉ trích trước đây đã chứng tỏ là đúng đắn.

"Văn hóa đình công" của ngành đường sắt làm dân Pháp tức giận

Về thời sự nước Pháp, La Croix đăng ảnh các tình nguyện viên với dòng tựa "Háo hức trước Thế vận hội". Còn sáu tháng nữa ngày hội lớn của hành tinh sẽ khai mạc tại Paris, dù có nhiều chỉ trích về việc tổ chức, những người yêu thích thể thao bày tỏ lòng tự hào khi Thế vận hội sẽ diễn ra tại thủ đô nước Pháp. Le Monde lo ngại "Giao thông, nỗi lo lớn nhất của Thế vận hội" trước việc vận chuyển hàng trăm ngàn hành khách. Le Figaro đưa tựa chính "Cuộc đình công của các kiểm soát viên SNCF gây phẫn nộ lớn". Từ ngày mai đến Chủ nhật, họ ngưng làm việc đúng vào kỳ nghỉ của học sinh, trong khi đã được nhượng bộ rất nhiều.

Bài xã luận của tờ báo nhấn mạnh, sắp đến Thế vận hội và gia hạn nhiệm kỳ tổng giám đốc, "văn hóa đình công" nơi công ty nhà nước này chẳng có giới hạn nào cả. Có vẻ như tân bộ trưởng giao thông bị bất ngờ trước cuộc đình công mới ở tập đoàn đường sắt SNCF, nhưng ông là người duy nhất. Khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, ông sẽ thấy rằng mỗi lần người dân Pháp mừng lễ Giáng Sinh, Mardi Gras hay Saint-Valentin, các nghiệp đoàn đường sắt lại có truyền thống là chận các đoàn tàu không cho đi. Hàng ngàn gia đình mơ được nghỉ mát vài ngày phải ở lại trên sân ga.

Sự phẫn nộ của hành khách không làm lung lay các nghiệp đoàn cánh tả CGT và Sud-rail. Những người cầm đầu nhởn nhơ trên các đài truyền hình, nhân danh bảo vệ dịch vụ công, họ thản nhiên tổ chức những vụ phá rối năm này sang năm khác. Từ những cuộc đình công lớn toàn quốc cho đến mấy chục vụ nho nhỏ tầm địa phương, mỗi ngày đầu độc cuộc sống của hàng ngàn người. Điểm đặc thù so với tất cả những đơn vị khác : tại SNCF đình công đã trở thành phương thức thương lượng. Cuộc sống khó khăn đến thế nơi SNCF để phải xung đột bằng ấy lần chăng ? Lương nhân viên đã được tăng từ 17 đến 21% trong ba năm qua, riêng lương kiểm soát viên đã tăng thêm 500 euro một tháng chỉ trong hai năm, cộng với tiền thưởng và trợ cấp nhà ở. Họ luôn được hưởng chế độ hưu bổng đặc biệt mà phải nhiều thập niên nữa mới chấm dứt được. Còn hành khách và người đóng thuế phải gánh số nợ 35 tỉ euro của SNCF.

Trí thông minh nhân tạo : Các nước dùng chữ tượng hình bị tụt hậu

Trên lãnh vực trí thông minh nhân tạo (AI), Les Echos cho biết ba nước Châu Á Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đang rất vất vả để ChatGPT có thể "học" được các ngôn ngữ không phải theo mẫu tự la-tinh này, nhất là tiếng Nhật, Hoa, Khmer.

Tuy các LLM (mô hình ngôn ngữ) của OpenAI có thể dịch khá chuẩn khoảng mấy chục thứ tiếng, nhưng trong tiếng Nhật chẳng hạn ChatGPT không thể nào viết được các email như người. Có vô số cách nói lịch sự, cách xưng hô theo tôn ti (tuổi tác, vai vế, quan hệ xã hội…) mà trí thông minh nhân tạo không đủ độ tinh tế. Các tập đoàn điện tử và vi tính Nhật Bản với sự khuyến khích của chính phủ đã huy động vài trăm kỹ sư, mấy chục triệu đô la để huấn luyện lại thuật toán.

Ở Hàn Quốc, công ty Naver và Kakao phát triển LLM bằng tiếng Hàn, còn Trung Quốc có tập đoàn Baidu và Alibaba. Nhưng tại Trung Quốc, vướng mắc chính là nạn kiểm duyệt. Khi tìm kiếm bằng tiếng Hoa giản thể, "Thiên An Môn" không có câu trả lời. Ở Đài Loan không bị kiểm duyệt nhưng lượng dữ liệu số hóa bằng tiếng Hoa phồn thể lại quá ít. Les Echos kết luận, các nước dùng một ngôn ngữ đặc thù và ít có trao đổi sẽ bị chậm chân trong cuộc cách mạng trí thông minh nhân tạo.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 82 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)