Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/08/2018

Điểm báo Pháp - Kêu gọi Mỹ và Ấn Độ cảnh giác với Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Báo Anh : Chuyên gia kêu gọi Mỹ và Ấn Độ cảnh giác với Trung Quốc

Trang bìa các tạp chí ra tuần này không có một điểm chung nào : từ các đề tài xã hội như "Những người lạc quan mới" trên L’Obs, "Khí hậu" trên Courrier International, cho đến chân dung nhà văn Anh George Orwell trên Le Point, hay chính khách cực hữu Ý Matteo Salvini trên L’Express. Riêng tuần báo Anh The Economist thì chú ý đến "Tình yêu hiện đại", phản ánh qua xu thế "tìm kiếm tình yêu và bạn đời" qua internet.

canhgiac1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng với đồng nhiệm Cộng Hòa Dominicana Miguel Vargas tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 01/05/2018. Bắc Kinh luôn tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại "sân sau" của Mỹ. Ảnh minh họa Reuters/Damir Sagolj/Pool

Tuy nhiên, những ai quan tâm đến Châu Á, không thể không chú ý đến hai lời cảnh báo về tham vọng bành trướng của Trung Quốc được nêu bật trên trang "Thư độc giả" của The Economist.

Mỹ phải cẩn thận với Trung Quốc tại vùng biển Caribbean

Dưới tiểu tựa "Trung Quốc bành trướng", tuần báo Anh trích đăng ý kiến của Willem Oosterveld, chuyên gia phân tích chiến lược thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược La Haye (Hà Lan), cảnh báo Mỹ về sự lơ là hiện nay trước các động thái của Trung Quốc tại vùng Trung Mỹ.

Theo chuyên gia Hà Lan, tương tự như đối với Châu Âu và Châu Phi, Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc cũng đã đến vùng bờ biển Caribbean, như đã được The Economist ghi nhận ngày 28/07 trong bài "Cổng vào thế giới".

Thường được coi là sân sau của Mỹ, vùng Caribbean ngày càng biến thành "tử huyệt" của Hoa Kỳ. Lợi dụng cơ hội vùng này bị Washington bỏ bê về mặt chiến lược trong nhiều năm, Bắc Kinh đã lao vào xây dựng quan hệ với nhiều quốc gia ở đấy. Một loạt các đại sứ quán mới của Trung Quốc đã mọc lên trong toàn khu vực, một trong những cơ sở lớn nhất nằm ở Cộng Hòa Dominica nhỏ bé, một quốc gia chỉ có 74.000 dân.

Các chính quyền vùng Caribbean không có nhiều tài nguyên thiên nhiên để cung cấp cho Trung Quốc, nhưng họ lại là những người rất háu đường xá, sân vận động, trường học, bệnh viện và dĩ nhiên là các dinh tổng thống và tòa nhà Quốc Hội.

Chuyên gia Hà Lan báo động : Ví dụ ở khu vực Nam Thái Bình Dương cho thấy là các cuộc tấn công kinh tế của Trung Quốc thường kèm theo động thái leo thang quân sự hóa khu vực. Một diễn biến tương tự có thể xảy ra ở Caribbean trong những năm tới.

Hiện nay, vẫn còn quá sớm để nói là phải chăng Trung Quốc đang củng cố sự hiện diện ở vùng biển Caribbean để trả đũa việc Mỹ cho Hải quân tuần tra ở Biển Đông. Thế nhưng, nếu một lúc nào đó mà Bắc Kinh tăng tốc khống chế khu vực, thì Washington sẽ phải tự hỏi tại sao Mỹ lại ngủ quên trong khi Trung Quốc củng cố một vị trí chiến lược quan trọng ngay dưới mũi mình.

Ấn Độ cần động viên "Vòng Cung Dân Chủ" để kháng lại Trung Quốc

Cũng quan ngại trước các tham vọng bá quyền của Trung Quốc, nhưng tại vùng Ấn Độ Dương, phó đề đốc đã về hưu người Ấn Độ Anil Jai Singh, phó chủ tịch hiệp hội hàng hải Ấn Độ Indian Maritime Foundation tại thành phố Noida (Ấn Độ), đã xuất phát từ "thất bại" của khối ASEAN trong việc thành lập mặt trận đoàn kết chống tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, để cảnh tỉnh chính quyền New Delhi.

Nhận định của vị tướng Hải quân Ấn Độ đã về hưu này đối với Hiệp Hội Đồng Nam Á ASEAN rất nghiêm khắc : "Trung Quốc đã thiết lập được quyền sở hữu vững chắc đối với Biển Đông, và khó có thể nhượng bộ bất kỳ nước nào khác. Bắc Kinh sẽ có thể buộc ASEAN làm theo ý Trung Quốc, vì các cố gắng rời rạc để ngăn chặn việc đó đều không hiệu quả. Khuyết điểm của ASEAN đã bị phơi bày một cách trần trụi".

Đối với nhà quan sát người Ấn Độ, các hành vi của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương hiện nay cần được kềm chế vì Bắc Kinh đang mở rộng sự hiện diện trong vùng thông qua các căn cứ hải quân, trong khuôn khổ một chiến lược tổng thể nhằm áp đặt quyền thống trị hàng hải của Trung Quốc trên toàn cầu.

Theo ông Singh, Hải quân Ấn Độ có thể kềm hãm sự hiện diện hải quân của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương vào lúc này, nhưng sẽ gặp khó khăn rất nhiều nếu Hải quân Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh với tốc độ hiện tại. Cuộc tranh chấp biên giới Trung-Ấn trên bộ đã có từ lâu, mà Trung Quốc cố tình duy trì với những hành vi khiêu khích thường xuyên, cũng hạn chế hành động của Ấn Độ.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia này kết luận : "Các nước trong "Vòng Cung Dân Chủ" (tức là Ấn, Nhật, Úc, Mỹ) cần phải phối hợp hành động nếu mục tiêu là phải duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".

Chân dung chính khách Ý đang làm "Châu Âu run rẩy"

Về trang bìa các tuần báo mới ra, L’Express đã tập trung trên chính khách cực hữu Matteo Salvini, đương kim bộ trưởng nội vụ Ý, được tuần báo Pháp cho là "đang khiến Châu Âu run rẩy".

Nhận xét chung của L’Express về tham vọng của ông Salvini rất rõ ràng : "Ngày càng được lòng dân, người hùng mới của nước Ý giờ đây muốn chinh phục Châu Âu".

Đối với tuần báo Pháp, Matteo Salvini là một người có lời lẽ rất sắc bén, không ngần ngại thóa mạ người khác, và giống như thần tượng của ông ta là tổng thống Mỹ Donald Trump, ông chuyên dùng Twitter để tung ra những tin nhắn độc địa, như đòi "tống cổ ra biển" 600.000 người di cư đang ở Ý, tố cáo tổng thống Pháp Macron là "đạo đức giả", hoặc đánh giá rằng đồng tiền Châu Âu euro là một "tội ác chống nhân loại".

Theo tuần báo L’Express : "Hiểm họa thực sự đối với Lục Địa Già (tức là Châu Âu) chính là ông ta". Tại sao vậy ? Tờ báo giải thích : Lên làm bộ trưởng nội vụ Ý từ ngày 01/06, lãnh đạo đảng cực hữu Lega (hóa thân của Liên Đoàn Phương Bắc) từ 5 năm nay, người được các ủng hộ viên gọi là "Capitano" đã làm đảo lộn chính trường Ý.

Đang vươn lên trong các cuộc thăm dò dư luận, nhà hùng biện xuất sắc này hiện muốn thành lập một "chủ nghĩa dân túy quốc tế". Mục tiêu của ông ta là phá hủy cái Châu Âu đầy tính nhân bản mà ông ta căm ghét hơn bất cứ điều gì khác.

Để làm được điều này, tuần báo Pháp cho là Matteo Salvini có rất nhiều đồng minh : tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Hungary Viktor Orban, thủ tướng Áo Sebastian Kurz, hoặc là bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu Pháp từng thừa nhận là "đã ngây ngất" trước Salvini.

Đối với L’Express, 9 tháng trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, không chỉ Bruxelles, mà cả Paris cũng phải lo lắng về Salvini. Một trong những cố vấn của tổng thống Pháp tóm tắt : "Ở Châu Âu, ông Macron có một vấn đề, và nó mang tên Salvini".

Chưa hẳn là đã quá muộn để chống biến đổi khí hậu

Sau ba tuần nghỉ hè, tuần báo Pháp Courrier International đã trở lại với độc giả bằng một hồ sơ nóng bỏng, hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen : Tác hại cụ thể và đáng kể của tình trạng biến đổi khí hậu ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Courrier International đã trích dẫn một chuyên gia cho rằng "chưa quá muộn" để đề ra giải pháp khắc phục.

Trên một nền màu đỏ cam, với hình vẽ một que diêm đang bốc cháy, gợi lên những vụ hỏa hoạn lớn chưa từng thấy đã và đang diễn ra tại Châu Âu và Hoa Kỳ, tờ báo đã chạy hàng tựa lạc quan "Chưa quá muộn – Il n’est pas trop tard", để đề xuất giải pháp dưới dạng câu hỏi : "Phải chăng là đã đến lúc huy động tổng lực" để chống biến đổi khí hậu ?

Đối với Courrier International, mùa hè năm nay, khí hậu dường như đã hoàn toàn bị trục trặc, với nào là hỏa hoạn, nắng nóng dữ dội, nào là lũ lụt... Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đó, cùng với những tiến bộ trong khoa học, đã góp phần tăng cao nhận thức là biến đổi khí hậu đang hoành hành. Trái với tâm lý bi quan cho rằng đã quá trễ để chống lại các hiện tượng tự nhiên đó, chuyên gia về biến đổi khí hậu Simon Lewis đã khẳng định là tình thể có thể thay đổi : "Nếu chúng ta cùng nhau hành động chung và dấn thân vào lãnh vực chính trị" để chống lại những quan điểm sai trái về khí hậu.

Tuần báo Pháp đã trích dẫn một bài viết của giáo sư Simon Lewis, đăng trên nhật báo Anh The Guardian vào đầu tháng 8, kêu gọi mọi người "Đừng tuyệt vọng, thảm họa do biến đổi khí hậu vẫn còn có thể tránh được".

Đối với giáo sư Lewis, hiện trạng về các tác hại do vấn đề biến đổi khí hậu đang buộc nhân loại đứng trước ba lựa chọn tương tự như trước đây, có thể tóm tắt trong ba từ ngữ : Giảm thiểu ; thích ứng và cam chịu. Giảm thiểu tức là giảm các hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, làm khí quyển bị hâm nóng, thích ứng là thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của môi trường mới mà chính con người đã tạo ra, cam chịu tức là thụ động chấp nhận hậu quả của các hiện tượng mà chúng ta chưa giảm thiểu hoặc lường trước được.

Theo giáo sư Lewis, cần phải trở lại với ba lựa chọn đó để đồng ý rằng việc giảm đáng kể lượng phát thải gây ô nhiễm cũng như việc thận trọng thực hiện các biện pháp thích ứng sẽ giúp chúng ta tránh được rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tại sao những cảnh báo rất đơn giản nói trên đã được đưa ra từ rất lâu mà con người vẫn chỉ giảm thiểu được một chút, thích ứng thậm chí còn ít hơn, trong lúc còn vô số vấn đề đang tồn tại ?

Chuyên gia Lewis cho rằng đó là vì nếu chẩn đoán là một vấn đề khoa học, thì các phản ứng chống biến đổi khí hậu lại không thuộc bình diên khoa học : Dừng khai thác nhiên liệu hóa thạch là một vấn đề pháp lý ; đầu tư vào năng lượng tái tạo là một lựa chọn chính trị ; và hiện đại hóa nhà ở để chống lãng phí năng lượng chống lạnh hay chống nóng phụ thuộc chủ yếu vào khả năng của giới hữu trách chống lại được các nhóm áp lực trong ngành công nghiệp xây dựng.

Chính vì vậy mà giáo sư Lewis cho rằng để đối phó với biến đổi khí hậu, cần phải có tri thức khoa học, phương tiện tài chánh và nhất là quyết tâm chính trị. Hiện nay khoa học và tài chánh không thiếu, còn lại là quyết tâm chống biến đổi khí hậu nơi tầng lớp lãnh đạo chính trị. Và để thúc đẩy giới lãnh đạo chính trị, từng người ở cơ sở phải biết sử dụng tốt lá phiếu của mình chẳng hạn để tác động.

George Orwell, người thấy trước thời đại ta đang sống

Trong loạt hồ sơ về những nhân vật lịch sử nhưng sự nghiệp vẫn có giá trị lớn trong thời kỳ hiện nay, sau thiên tài Leonardo Da Vinci vào tuần trước, tuần này, Le Point đã nói về nhà văn Anh George Orwell được mệnh danh là "Nhà tư tưởng hữu dụng nhất cho ngày nay".

Đối với Le Point, tác giả của quyển sách nổi tiếng 1984, ra mắt độc giả năm 1949, quả là một nhà tiên tri, những khái niệm ông đưa ra hồi nửa đầu thế kỷ 20 đang càng lúc càng được thấy rõ trong thực tế của thời nay, từ chủ nghĩa độc tài, chuyên chế, cho đến chế độ kiểm soát cá nhân mỗi người..., tất cả đều đã được George Orwell đoán trước.

Tạp chí Pháp nhắc lại rằng sau ngày Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, cuốn sách nổi tiếng nhất của Orwell là "1984" đã vươn lên đứng đầu danh mục sách bán chạy nhất trên trang mạng bán hành trực tuyến Amazon.

Điều đó cũng đã từng xẩy ra trước đó, vào năm 2013, khi Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA, tiết lộ sự tồn tại của một số chương trình giám sát công dân trên bình diện rộng tại Mỹ và Anh Quốc. Trong năm 2014, những người biểu tình cách mạng Thái Lan đã giương cao bản sao của cuốn "1984" nhân những cuộc xuống đường.

Ở Pháp, tựa sách này được tái bản dưới dạng sách bỏ túi Folio, cũng là thuộc diện bán chạy nhất, cũng như bản dịch mới qua tiếng Pháp của Josée Kamoun, được nhà xuất bản Gallimard phát hành. Thậm chí ngay cả trường Quốc Gia Hành Chánh ENA nổi tiếng của Pháp cũng đã lấy tên George Orwell đặt cho khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2015.

Cơn sốt hâm mộ Orwell đã bùng lên vào lúc mà trước đó, vào đúng năm 1984, thời điểm diễn ra câu chuyện trong quyển 1984, không ai dám nghĩ rằng tư tưởng của Orwell lại được nghiền ngẫm như vậy, ngoại trừ một số người đang sống bên kia bức tường Berlin, tức là tại các nước xã hội chủ nghĩa, đã lén lút đọc tác phẩm 1984 với cảm giác là quyển sách đã được viết cho chính họ.

Công an tư tưởng

Phải thấy rằng Orwell đã sáng tác trong một bối cảnh thế giới đang cực kỳ căng thẳng : Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít, sự xuất hiện của chủ nghĩa Stalin, nội chiến tại Tây Ban Nha, chiến tranh thế giới... Ngay từ thời điểm đó, độc giả đã nhận ra trong tác phẩm của Orwell cách làm của thời Chiến Tranh Lạnh - một thuật ngữ được Orwell phổ biến rộng -, sự phân chia thế giới do Stalin, Churchill, và Roosevelt chủ xướng, chế độ theo dõi người dân của Đông Đức, sau đó được Mao Trạch Đông áp dụng tại Trung Quốc.

Theo Le Point, sẽ thật là ngu ngốc khi so sánh thời Orwell với thời đại ngày nay, nhưng cũng sẽ là người ngốc khi phủ nhận một số điểm tương đồng trong những gì nhà văn Anh đã nói, với những diễn biến hiện nay.

Sự trỗi dậy của các nền dân chủ phi tự do hoặc nền dân chủ độc tài, như ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Liên Bang Nga, có vỏ bọc dân chủ, nhưng không ngần ngại dùng giầy đinh chà đạp lên mặt các đối thủ của chế chế độ là một ví dụ. Từ ngữ "Big Brother - Ảnh Cả" đã bước vào từ vựng chung toàn cầu để nói về tình trạng giám sát cực kỳ nghiêm ngặt ; những màn hình "Télécran" trong tác phẩm "1984" đã dự báo cho hệ thống video giám sát CCTV cùng lúc với việc các quốc gia dùng truyền hình nhà nước để tung ra những thông điệp tuyên truyền. Thuật ngữ "novlangue" trong "1984", cũng gợi lên loại ngôn ngữ thuần kỹ thuật và được tinh lọc để phục vụ cho một ý thức hệ.

Còn các "Thinkpol" hoặc công an tư tưởng, đảm bảo việc theo đúng hệ tư tưởng của chế độ, đã gợi đến các cơ chế tương tự ở Iran hiện nay, vốn không ngần ngại trừng phạt những ai vi phạm. Còn bộ Chân Lý thì có mục tiêu thực thi khẩu hiệu : "Ngu dốt là sức mạnh".

Sự thật không chính thức, trong bối cảnh đó, đã trở thành điều mà những người bất đồng chính kiến tìm kiếm

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 533 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)