Chính trường Mỹ giã biệt Thượng nghị sĩ John McCain, Thế giới vĩnh biệt nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin ; Vẫn tại Hoa Kỳ, còn có hai sự kiện khác thu hút sự chú ý của công luận thế giới đó là vụ hai cộng sự thân cận của tổng thống Mỹ - Paul Manafort và Michael Cohen - đã nhận tội, gây khó khăn cho tổng thống Mỹ và cuối cùng, hơn 350 linh mục tại Mỹ bị tố ấu dâm. Đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Một công dân Mỹ đến đặt hoa và cờ trước đài tưởng niệm thượng nghị sĩ John McCain ở Hanoï, ngày 26/08/2018. Reuters/Kham
Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh u não, đã từ giã cõi trần tại bang Arizona hôm 25/08/2018. Là một chính khách có uy tín và thế lực, ông rất được giới chính trị gia Mỹ nể trọng, ngay từ trong chính đảng Cộng Hòa cho đến cả đảng Dân Chủ.
Với các đức tính cương trực, kỷ luật, trọng danh dự, yêu tổ quốc, trung thành, ông đã chiếm được tình cảm ngưỡng mộ, kiêng nể, không chỉ trong chính giới Mỹ, mà cả ở nhiều nước cựu thù với Mỹ.
Theo thông tín viên Frédéric Noir, tại Việt Nam, nơi ông từng tham chiến, từng bị bắt làm tù binh và giam cầm trong vòng hơn năm năm (1967-1973), sự ra đi của ông đã gây nhiều xúc động. Bởi vì, chính ông là người đã kiến tạo hòa bình, thúc đẩy quá trình hòa giải tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
"Tại Việt Nam, tin ông John McCain qua đời được tất cả các báo đưa lên trang nhất. Cựu phi công trong chiến tranh Việt Nam được coi là người kiến tạo hòa bình. Ông là một trong những chính trị gia duy nhất, cùng với cựu tổng thống Bill Clinton và cựu ngoại trưởng John Kerry, đã làm hết sức mình để đạt được việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.
Ở Hà Nội, bên bờ hồ Trúc Bạch, nơi mà John McCain bị lực lượng Bắc Việt Nam bắt, sau khi máy bay của ông bị trúng tên lửa và ông phải nhẩy dù, cách nay 51 năm, có nhiều người dân trong những ngày qua, đã đến đặt hoa dưới chân bức tượng được dựng lên để kỷ niệm sự kiện bắt sống phi công Mỹ này.
Bản thân ông McCain đã tới xem bức tượng. Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cựu chiến binh John McCain đã trở thành chính trị gia và ông đã nhiều lần tới thăm Việt Nam. Lần đầu tiên là vào năm 1985, tức là 10 năm trước khi Washington và Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong một lần tới thăm Việt Nam, ông đã gặp lại cựu giám đốc nhà tù Hỏa Lò, vốn nổi tiếng với cái tên Hilton Hà Nội. Ông McCain cho biết là đã bị tra tấn khi bị giam cầm tại đây. Cựu giám đốc nhà tù Hỏa Lò đã bác bỏ những cáo buộc này, nhưng bùi ngùi nhắc lại những cuộc tranh luận kéo dài với cựu tù binh nổi tiếng này về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Giờ đây, Việt Nam ca ngợi vai trò của John McCain trong việc thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai nước".
Aretha Franklin, nữ hoàng nhạc soul, sống mãi với thời đại
Không chỉ có chính trường Mỹ đau buồn vì sự mất mát một cột trụ, mà làng nhạc Mỹ trước đó 10 ngày cũng phải vĩnh biệt một thần tượng âm nhạc, Aretha Franklin. Sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư, bà đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16/8. Với 21 lần đoạt giải Grammy, trong đó có ba giải thưởng đặc biệt vinh danh thành tựu sự nghiệp, Aretha Franklin xứng đáng được mệnh danh là "nữ hoàng nhạc soul".
Aretha Franklin xứng đáng là "nữ hoàng nhạc soul".
Đặc phái viên Eric de Salve cho biết thứ Sáu 31/08/2018, tại Detroit, người hâm mộ đến tiễn biệt lần cuối thần tượng của mình. Tham dự tang lễ của bà còn có sự góp mặt của nam danh ca Stevie Wonder et cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton.
"Trong ba ngày qua, đông đảo người dân Detroit đã tới nghiêng mình trước linh cữu Aretha Franklin để vĩnh biệt bà. Có thể nói cả thành phố này đã tưởng niệm bà, nơi mà nữ ca sĩ rất gắn bó.
Hôm thứ Năm, linh cữu của bà được quàn tại nhà thờ New Bethel nhỏ bé, nơi mà cha của bà đã là mục sư quản nhiệm. Cũng chính tại nhà thờ này mà Aretha Franklin đã hát những bài Phúc Âm (Gospel) đầu tiên, hàng trăm người ở khu vực nghèo khó này đã hát vang những bài Phúc Âm khi đón linh cữu của bà.
Đó là thời điểm rất xúc động đối với cộng đồng cư dân tại đây, bởi vì nhiều người trong số họ đã biết nữ ca sĩ nổi tiếng này. Lúc sinh thời, Aretha Franklin, mỗi năm quay lại đây ít nhất là một lần, để hát tại nhà thờ, tổ chức phát súp cho người nghèo.
Những người hâm mộ bà, đa phần là người Mỹ gốc Châu Phi, lại một lần nữa ca ngợi bà, đó là sự giản dị, dấn thân đấu tranh bảo vệ các quyền của phụ nữ và các quyền công dân.
Đêm thứ Năm, kết thúc ba ngày để tang là một buổi hòa nhạc rất lớn để tưởng nhớ bà. Lễ an táng kéo dài từ 5 đến 7 tiếng, với sự hiện diện của nhiều nhân vật nổi tiếng như cựu tổng thống Bill Clinton, ca sĩ Stevie Wonder".
P. Manafort và M. Cohen làm D. Trump "ăn ngủ không yên"
Chính trường Mỹ tuy trầm lặng vì sự ra đi của cố Thượng nghị sĩ John McCain, nhưng cũng không thiếu những đợt sóng ngầm. Bởi vì, vào ngày 21/08/2018, tổng thống Donald Trump liên tiếp hứng chịu hai cú sốc tư pháp lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín của ông. Hai cựu cộng sự thân cận của ông đã nhận tội và quy kết tổng thống.
Michael Cohen (trái) và Paul Manafort (phải) làm Donald Trump (giữa) ăn ngủ không yên
Người thứ nhất là Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông bị kết tội gian lận thuế và ngân hàng đối với 8 trên tổng số 18 tội danh mà ông bị cáo buộc.
Người thứ hai là ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump. Người này thừa nhận trước tòa là đã phạm vào 8 tội danh mà ông bị cáo buộc : 6 tội về gian lận thuế và ngân hàng cùng với 2 tội về tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch vận động tranh cử. Đáng chú ý là vị cựu luật sư khẳng định trước tòa là đã vi phạm pháp luật theo yêu cầu của "ứng viên tổng thống" lúc đó, tức là ông Donald Trump.
Trả lời câu hỏi của ban Tiếng Việt đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, nhà báo Phạm Trần từ Washington cho rằng vụ việc chưa kết thúc, cuộc điều tra vẫn còn tiếp diễn :
"Tất cả những chuyện này trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục. Thứ nhất, căn cứ vào những điều họ đã nhận tội trong thời gian vừa qua trước tòa án, tư pháp Mỹ sẽ xử án hai ông này. Thứ hai, cuộc điều tra này còn được tiếp tục. Và cuộc điều tra này vẫn sẽ có liên hệ đến hai ông này. Đó là diễn tiến cho đến giờ này, và có thể còn có những biến cố khác nữa.
Nhưng người ta vẫn tiếp tục cuộc điều tra về vấn đề ông Donald Trump, về ban vận động tranh cử của Donald Trump có liên hệ gì với sự phá hoại của nước Nga, và vấn đề sử dụng tiền tranh cử như thế nào để mà trả cho hai người phụ nữ đó, có vi phạm luật hay không.
Nếu có vi phạm, thì ông Trump sẽ nguy hiểm. Đối với ông Paul Manafort, là người phụ trách cuộc vận động tranh cử cho ông Donald Trump trong giai đoạn đầu, có liên hệ tới nước Nga như thế nào… tất cả những chuyện này vẫn được tiếp tục điều tra".
Mỹ : Hơn 350 linh mục bị tố phạm tội ấu dâm, lịch sử tái diễn
Một sự kiện khác cũng gây chấn động tại Mỹ, ngày thứ Ba 14/08/2018, tư pháp Mỹ cho công bố kết quả một cuộc điều tra, kéo dài trong vòng hai năm, cáo buộc hơn 350 linh mục phạm tội ấu dâm đối với khoảng 1.000 trẻ tại bang Pennsylvania.
Giáo hoàng Francis coi những linh mục phạm tội ấu dâm là những kẻ phạm tội ác
Theo báo cáo này, hầu hết tất cả những vị linh mục trên đều được Giáo hội che chở. Tuy những người có liên quan sẽ không bị đưa ra xét xử do đã hết thời hạn thụ lý, khởi tố, nhưng trong một cử chỉ hiếm hoi, hai ngày sau khi điều tra được công bố, giáo hoàng Francis đã có phản ứng mạnh mẽ lên án vụ này.
Trả lời phỏng vấn đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, ông Antoine-Marie Izoard, cựu giám đốc trang mạng I. Media tại Roma, và hiện là giám đốc tờ Gia đình Công giáo, lấy làm tiếc rằng lịch sử tái diễn, gợi nhắc lại vụ bê bối giáo hội Mỹ trong những năm 2000.
"Lại thêm một vụ bê bối nữa. Tại Hoa Kỳ, những vụ bê bối như thế này đã từng xẩy ra trong những năm 2000, như ở Boston và một số số giáo phận khác. Giáo hoàng thời đó là John Paul đệ nhị không muốn biết đến, nhưng cuối cùng, ngài cũng phải nghe thấy.
Cộng sự thân cận nhất của ngài vào thời đó là hồng y Joseph Ratzinger, người sau này trở thành giáo hoàng. Hồng y Ratzinger đã nói đó là một vụ bê bối tầm cỡ thế giới, bê bối về sự nhất quán của Vatican, một giáo hội luôn khẳng định ủng hộ, bênh vực người yếu kém nhất và chính ngài Ratzinger đã tuyên bố không châm chước, bao che cho bất kỳ ai.
Nay lại có thêm một vụ bê bối mới và chính giáo hoàng Francis phải cắt bỏ ung nhọt này. Nếu không, mọi người không tin và nghi ngờ sự nhất quán trong các thông điệp của Vatican.
Do vậy, giáo hoàng Francis tuyên bố cần phải cắt bỏ ung nhọt này, kêu gọi mọi người tố cáo những kẻ phạm tội ác. Điều đáng chú ý là ngài coi những linh mục phạm tội ấu dâm là những kẻ phạm tội ác, đồng thời, ngài còn tố cáo những hành động bao che cho các tội ác đó. Ngài chỉ rõ trách nhiệm của một số giáo phận trên thế giới, tố cáo việc bao che bảo vệ tầng lớp chức sắc trong giáo hội, tố cáo việc bưng bít, co cụm, khép kín. Đó là điều không thể chấp nhận được".
Minh Anh