Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/09/2018

Điểm báo Pháp - Ai giết thủ lĩnh Ukraine ly khai

RFI tiếng Việt

Ai giết thủ lĩnh Ukraine ly khai tại Donbass ?

"Dấu hiệu báo động" là tựa bài xã luận trên Le Figaro cảnh giác tổng thống Macron trong mùa học sinh tựu trường và chính phủ trở lại làm việc. Từ Châu Âu cho đến Châu Mỹ, nhiều hồ sơ nóng bỏng khác có thể dẫn đến bất ổn định chính trị và địa-chính trị chiếm các trang quan trọng trên báo chí Pháp ngày 03/09/2018. Liên quan đến Châu Âu, cột trụ cuối cùng của phong trào ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine bị ám sát. Ai là thủ phạm ?

lykhai1

Lãnh đạo nước Cộng Hòa Donesk tự phong, Alexander Zakharchenko, tại Donetsk, 11/8/2014. Reuters/Sergei Karpukhin/File Photo

Ai giết "tổng thống" Cộng hòa Donetsk tự phong Alexander Zakharchenko ?

Tất cả báo Pháp đều đặt câu hỏi này và về hệ quả sau vụ lãnh tụ Ukraine ly khai cuối cùng ở miền đông Ukraine bị ám sát bằng chất nổ trong một quán caphê cạnh "phủ tổng thống" Cộng hòa Nhân dân Donetsk hôm thứ sáu 31/08/2018.

Trước hết, Alexander Zakharchenko là nhân vật như thế nào ?

Theo Le Monde, Alexander Zakharchenko, 42 tuổi, không phải là thủ lĩnh phe ly khai đầu tiên bị ám sát. Từ khi miền đông Ukraine, với sự ủng hộ của Nga, tuyên bố ly khai vào mùa xuân 2014, ít nhất 15 thủ lĩnh quân sự và chính trị bị giết chết. Phe ly khai lên án "khủng bố" và "bọn phá hoại" người Ukraine. Moskva cũng gián tiếp cáo buộc Kiev giựt dây. Một trong những cận vệ của "tổng thống" quá cố biến mất. Biên giới với Nga và phần lãnh thổ còn lại của Ukraine đã được phong tỏa. Tuy nhiên, tại Kiev, Igor Gouskov, một trong những chỉ huy của tình báo (SBU) tuyên bố "vô can" : Alexander Zakharchenko là nạn nhân của tình trạng tranh giành quyền lợi nội bộ và của người bảo hộ Nga.

Báo chí Kiev, hồi tháng 6 năm nay, cho biết ngôi sao của thủ lĩnh phe ky khai đã mờ nhạt vì hậu thuẫn chính ở điện Kremlin là Vlasdilov Sourkov cũng bị hạ tầng công tác, bị Mỹ và Châu Âu trừng phạt như Alexander Zakharchenko. Cũng theo Le Monde, Alexander Zakharchenko, là một thủ lĩnh liều lĩnh, cứng rắn và thủ đoạn. Ông thành công trong việc loại hết những đối thủ có thế lực trong phe ly khai thân Nga kể cả đồng sự "tổng thống Cộng hòa Luhansk" vào tháng 11/2017.

Từ một thợ máy và tham gia vào một đường dây buôn lậu với Nga, Alexander Zakharchenko trở thành doanh nhân thân cận với cựu tổng thống (bị lật đổ) Viktor Yanukovitch, rồi trở thành thủ lĩnh quân sự đứng đầu một tiểu đoàn dân quân, chiếm được lòng tin của điện Kremlin, kiểm soát tất cả các nguồn thu nhập từ viện trợ kinh tế của Nga cho đến "tiền hoa hồng" của doanh nghiệp.

La Croix, cũng thiên về giả thuyết của giới quan sát cuộc chiến Ukraine, theo đó thủ lĩnh ly khai bị nội bộ thanh toán. Le Figaro, trích lời bình luận của một doanh nhân Donetsk cũng nghi ngờ đây là một vụ thanh toán nội bộ hoặc là một cuộc thanh trừng do Moskva chủ trương. Nhưng điều chắc chắn, theo ba nhật báo Pháp, tình hình bất ổn sẽ bất ổn thêm, thỏa thuận hòa bình ký năm 2015 tại Minsk khó có thể tồn tại.

Ống dẫn khí đốt gây căng thẳng ở Châu Âu

Dòng Bắc hải lưu số 2 bắt đầu được xây dựng để cung cấp khí đốt cho Châu Âu vào cuối năm 2019. Nhưng vì liên quan đến Ukraine, hồ sơ này gây căng thẳng giữa Nga và một số nước Liên Hiệp Châu Âu. Mỹ dọa sẽ không đứng ngoài.

Theo Les Echos, vào giữa mùa hè nắng cháy, và 8 năm sau dòng Bắc hải lưu số 1, đường ống dẫn khí đốt thứ hai vận chuyển khí đốt từ Nga cho Châu Âu, không qua Ukraine, bắt đầu được xây dựng. Một chiếc "bắc" của một công ty Ý khởi công đặt móng cho con đường 1.230 cây số dưới đáy biển : dự án trị giá 10 tỷ đôla của tập đoàn Nga Gazprom.

Tuy nhiên, nếu bốn nước Nga, Phần Lan, Thụy Điển và Đức cấp giấy phép thì Đan Mạch từ chối cho đi ngang qua lãnh hải. Hệ quả là đường ống phải dài hơn. Dự án cung cấp nhiên liệu cho 26 triệu hộ gia đình trên thực tế không phải nước nào cũng ủng hộ. Đức và Áo rất muốn dòng Bắc lưu số hai, nhưng Ý chống lại, Pháp không ý kiến, có lẽ để trao đổi gì đó với Đức. Bruxelles cũng có ý riêng : khối lượng khí đốt, 77 tỷ mét khối, từ Nga chuyển đến Châu Âu trong năm 2017, đã giúp cho Ukraine thu được 3 tỷ đôla tiền thuế trung chuyển. Với hệ thống thứ hai, và nếu nhu cầu tiêu thụ của Châu Âu không tăng, thì Ukraine không có đồng nào, theo nhận định của một chuyên gia. Ủy Ban Châu Âu muốn Ukraine có tiền cho ngân sách, thu của Gazprom, thay vì lấy từ ngân sách viện trợ của Bruxelles.

Hoa Kỳ cũng đang "phục kích". Theo Les Echos, Quốc hội Mỹ sẽ chụp lấy dòng Bắc hải lưu số 2 để bài Nga còn Donald Trump sẽ chụp cơ hội này để làm khó chính phủ Đức, bị chỉ trích là không đóng góp nhiều cho NATO và không ưu tiên mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ.

Trung Quốc muốn nhạc "rap" khen đảng

Thời sự Châu Á nổi bật nhất là chuyến công du Israel của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Le Figaro quan tâm bởi vị tổng thống thích cường điệu này buộc phải xin lỗi quốc gia Do Thái từng bị ông đụng chạm cách nay hai năm với lời so sánh : Hitler giết "3 triệu" người Do Thái, nếu Philippines có 3 triệu con nghiện ma túy thì tôi cũng rất sung sướng giết hết. Thực ra thì thủ tướng Israel không quên ơn tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vì trong thời gian qua, ở Liên Hiệp Quốc, Manila nhiều lần không bỏ phiếu bất lợi cho Israel.

Trung Quốc muốn nhạc "rap" không vượt ra khỏi chủ trương của đảng cộng sản : cấm nhạc sĩ, ca sĩ xâm mình, bắt buộc trong lời ca phải tôn vinh đảng. Theo phóng sự của nhật báo cánh tả Libération, nhạc "rap" và các ban nhạc "rap" ở Trung Quốc bị kiểm duyệt làm phong trào "mất trớn". Năm 2017 là năm vàng son.

Chương tình China Has Hip Hop "tài năng mới" thành công vượt mức với 100 triệu khán giả xem trực tuyến hôm đầu tiên và 2,94 tỷ lượt người xem trong tháng tranh tài. Thế nhưng những lời lẽ của ban nhạc chiến thắng là PG One ở Hắc Long Giang như "bột trắng trên bàn" hay là "đây là tiền mặt quà cho bạn" không làm cho đảng cộng sản bằng lòng. Nhạc "rap" bị phê bình là tuyên truyền cho "văn hóa đồi trụy" phương tây, ban nhạc PG One "dẹp tiệm". Một ban nhạc khác ở Tứ Xuyên "nối nghiệp", nhưng chấp nhận tự kiểm duyệt "thích nghi với thời đại, với Đảng".

Đĩa nhạc "Đây là Trung Quốc", do đảng cộng sản bảo trợ biến ban nhạc "CD Rew" thành phát ngôn viên cho các chính sách "lợi ích" của chính quyền. Lời dịch sang tiếng Anh cũng được thu để "tác động" đến công luận quốc tế. Libération kết luận hóm hỉnh : không phải giới lãnh đạo Bắc Kinh chướng tai vì nhạc "rap", mà chính là "những giá trị bị xem là đồi trụy" của Tây phương làm họ khó chịu.

Brazil trước tương lai bất định

Lula bị bác đơn ứng cử, chính trường tái phối trí. Còn năm tuần là đến bầu cử tổng thống tại Brazil. Đảng Người Lao động phải đề cử một ứng cử viên mới gần như vô danh, vì cựu tổng thống Lula ngồi tù và bị bác đơn tranh cử. Theo Le Figaro, cánh tả Brazil đã trù liệu giải pháp B, còn nước còn tát dùng uy tín của Lula để giúp cho nhân vật mới Haddad cơ may vào được vòng hai. Khẩu hiệu "Lula là Haddad, Haddad là Lula" đánh cược vào tâm lý "hoài cổ" của một phần công luận mà theo thăm dò ý kiến, vẫn còn 39% ủng hộ cựu tổng thống cho dù tai tiếng tham ô. Còn theo Le Monde, ứng cử viên mới của cánh tả có ít nhiều cơ may chiến thắng, nếu chinh phục được cử tri cánh trung với diễn văn ôn hòa chừng mực.

Trái đất có thể hồi sinh, nhưng loài người thì không

Trong hồ sơ môi trường, Le Monde dành nhiều trang để mở đầu loạt phóng sự "7 vùng bị ô nhiễm vĩnh viễn" trên địa cầu : Dấu hiệu một hành tinh không sự sống.

Trong phần mở đầu, hai sử gia lịch sử khoa học phát họa diễn tiến của tệ nạn con người gây ô nhiễm từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. Thoạt đầu, những phát minh công nghệ mới gây hưng phấn. Đời sống được cải thiện, mức sống lên cao nhưng không ai ngờ là những hóa chất, những hợp chất mang lại tiện nghi từ quần áo, giày dép là những hàng hóa cơ bản nhất cho đến thuốc diệt cỏ trừ sâu, thực sự là chất độc hoặc thải ra chất độc trong quá trình điều chế. Tiếp theo đó dã tâm che giấu sự thật cúa giới doanh nghiệp với sự tiếp tay của một số khoa học gia bị mua chuộc, giới luật sư chỉ biết có tiền… đã làm cho tình hình nghiêm trọng thêm mà nạn nhân đầu tiên là các thành phố nghèo của người Mỹ da đen, theo bài phóng sự đầu tiên của Le Monde. Nhật báo độc lập trong các số tới sẽ đưa độc giả đến nhiều nước khác.

Tựu trường năm nay có gì lạ ?

Tại Pháp, hôm nay 12 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 đi học trở lại sau hai tháng nghỉ hè. Báo chí khen chê chính phủ :

La Croix hoan nghênh chương trình mới, học sinh tiểu học phải viết chính tả mỗi ngày : đó là bài tập xưa nhất có tương lai hứa hẹn nhất, bởi vì cho phép học sinh đạt được khả năng viết đúng một cách tự nhiên và thói quen đọc lại mỗi khi làm bài.

Trái lại Libération "lật tẩy" chính phủ : bên cạnh chính tả, bộ giáo dục cũng nói đến biện pháp "khảo sát" trình độ học sinh thường xuyên. Nghe qua thì lý tưởng, nhưng ngay trước tựu trường, bộ trưởng giáo dục nói đến "tưởng thưởng giáo chức xứng đáng". Tờ báo đặt câu hỏi : phải chăng khảo sát trình độ học sinh là một cách để khảo sát khả năng giáo viên ?

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 678 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)