Trung Quốc : Cường quốc hàng đầu tại Châu Phi ?
Ngày 03/09/2018, Trung Quốc trải thảm đỏ đón 53 lãnh đạo Châu Phi đến dự thượng đỉnh "Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Châu Phi" lần thứ 7 tại Bắc Kinh. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm theo dõi của một số nhật báo Pháp ngày hôm nay 04/09/2018.
Ngày họp thứ hai của thượng đỉnh "Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi" lần thứ 7 tại Bắc Kinh, ngày 04/09/2018. Lintao Zhang/Pool via Reuters
Tờ La Croix trong mục Tranh luận đặt câu hỏi "Liệu Trung Quốc có là cường quốc hàng đầu tại Châu Phi hay không ?".
Trả lời cho câu hỏi này, cả hai chuyên gia Jean-Joseph Boillot, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế quốc tế CEPII và ông Alain Antil, thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp đều khẳng định là "Có".
Thống lĩnh kinh tế
Đầu tiên hết, ông Jean-Joseph Boillot, phân tích sự việc trên góc độ kinh tế. Theo ông, Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh đến phân nửa thị trường Châu Phi. Tỷ trọng này chỉ ở mức có 4-5% trong những năm 1980. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ đứng đầu các khoản đầu tư và trao đổi thương mại với Châu lục.
Châu Phi giờ không chỉ là nguồn cung nguyên nhiên liệu mà còn là một "thiên đường" tiêu thụ các sản phẩm "Made in China" cho nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng trang thiết bị và phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Và đương nhiên hậu quả của các khoản đầu tư này tại đây là việc Châu Phi tái mắc nợ. Nhưng đối với Châu Phi, đó là những khoản đầu tư cho tương lai. Vấn đề đặt ra là nhiều nước Châu Phi do không có khả năng trả nợ, có nguy cơ phải chuyển nhượng các mỏ khoáng sản như là một giải pháp để hoàn nợ.
Hơn nữa, theo chuyên gia Boillot, trong cuộc đua này tại Châu Phi, rõ ràng phương Tây là kẻ thua cuộc. Hàng hóa phương Tây đắt hơn của Trung Quốc từ 3 đến 5 lần, trong khi mức hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho Châu lục nhiều hơn của Ngân hàng Thế giới. Trong hoàn cảnh này để có thể cạnh tranh, phương Tây nên có những đề xuất đầu tư các dự án với mức giá hợp lý.
Cuối cùng, ông Jean-Joseph Boillot kết luận, Trung Quốc đang đặt ra một thách thức cho cả Châu Phi lẫn phương Tây : Vừa thúc đẩy Châu Phi phát triển kinh tế, vừa thúc giục phương Tây hợp tác tốt hơn với Châu Phi.
Gia tăng vị thế quân sự
Về phần mình, ông Alain Antil cho rằng Trung Quốc không chỉ thể hiện sức mạnh trong lĩnh vực kinh tế, mà đang dần củng cố thế mạnh của mình trong lĩnh vực quân sự tại Châu Phi.
Đương nhiên mục tiêu đầu tiên trong kế hoạch "ve vãn" Châu Phi của Trung Quốc là để không một nước nào tại đây công nhận Đài Loan. Và Trung Quốc gần như đã thành công. Thế nhưng, việc bảo đảm an ninh cho các nguồn cung nguyên nhiên liệu và các Hoa kiều đang sinh sống và làm ăn tại Châu Phi ngày càng trở nên cấp thiết với Bắc Kinh.
Do đó, Trung Quốc tăng cường tham gia các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somalia, các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Hiện Trung Quốc đóng góp đến 2.500 quân trong lực lượng Lính Mũ Nồi Xanh hiện diện tại Mali, Nam Sudan, Congo, Côte d’Ivoire.
Tóm lại, theo ông Alain Antil, sự hiện diện của Trung Quốc tại Châu Phi minh chứng sự tiến triển của những mối tương quan lực lượng mới trong quan hệ quốc tế, với sự trỗi dậy của nhiều nước khác, mỗi nước có một chính sách riêng với Châu Phi.
Gia tăng ảnh hưởng
Cũng về chủ đề này, Les Echos trong bài viết có tựa đề "Tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình bảo vệ mối quan hệ ʺTrung Quốc – Châu Phiʺ", đưa ra một số nhận xét đáng chú ý. Chưa có một lãnh đạo Trung Quốc nào, chỉ trong vòng năm năm cầm quyền, đã bốn lần công du Châu Phi như ông Tập Cận Bình. Và chỉ trong vòng 20 năm lại đây, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu và là một trong các nhà đầu tư chính tại Châu lục.
Trao đổi mậu dịch giữa đôi bên trong năm 2016 là 114 tỷ đô la. Các dự án đầu tư của Trung Quốc, chủ yếu trong phát triển cơ sở hạ tầng được nhiều nước Châu Phi hoan nghênh. Hơn 2.500 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại đây trong nhiều lĩnh vực như khai thác nguyên nhiên liệu, nông nghiệp, xây dựng hoặc viễn thông.
Về phần mình, Le Figaro nhận xét "Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Châu Phi bằng các khoản đầu tư". Chủ tịch Trung Quốc cam kết hỗ trợ thêm 60 tỷ đô la cho sự phát triển Châu lục, trong đó có 15 tỷ cho vay không hoàn vốn và vay không lãi suất, đồng thời xóa bớt nợ cho nhiều nước Châu Phi đang gặp khó khăn.
Để trấn an các nước Châu Phi bắt đầu tỏ ra dè chừng về đầu tư của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình phát biểu đầu tư của Trung Quốc "không kèm theo điều kiện tiên quyết nào, (…) Trung Quốc không can dự vào chuyện nội bộ của Châu Phi và cũng không áp đặt ý muốn của mình".
Chuyên quyền : Tập Cận Bình bị chỉ trích
Liên quan đến tình hình nội bộ Trung Quốc, Le Figaro cho biết "Hành động chuyên quyền của Tập Cận Bình bị chỉ trích ngay cả trong nước".
Theo nhật báo, ngày càng có nhiều trí thức Trung Quốc lên tiếng chỉ trích thái độ chuyên quyền, cách xử lý căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ và các vụ tai tiếng trong nước như vụ thuốc vắc-xin kém chất lượng.
Giới trí thức Trung Quốc đã cảm thấy bất mãn ngay từ việc bắt giữ hàng loạt các luật sư và các nhà đấu tranh nhân quyền hồi tháng 7/2015. Mối e sợ ngày càng gia tăng khi cải cách Hiến Pháp được thông qua hồi tháng 3/2018, cho phép ông Tập Cận Bình nắm quyền mãn đời. Các nhà trí thức chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc chỉ vì sự an toàn cho bản thân mà gieo rắc nỗi hoảng sợ cho người dân trong xã hội.
Trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhiều người lên án chế độ xử lý tình huống yếu kém, khi ngay từ đầu đã tỏ ra hiếu thắng, quá tự tin vào khả năng chịu đựng của nền kinh tế, làm xấu đi mối quan hệ Mỹ - Trung, chiếc chìa khóa làm nên thành công của Trung Quốc từ 40 năm qua.
Biển khơi : Một quy định mới để bảo vệ ?
Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos và La Croix lần lượt có các bài viết đề tựa "Một hiệp định quốc tế mới để bảo vệ đại dương" và "Các cuộc thương lượng đầu tiên ở Liên Hiệp Quốc về quản lý đại dương".
Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc tổ chức một hội nghị liên chính phủ về tương lai của "lá phổi xanh" của hành tinh. Các cuộc thương thuyết sẽ kéo dài từ đây cho đến năm 2020 nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho việc bảo vệ và khai thác nguồn sinh vật đa dạng tại những vùng biển quốc tế.
Đại dương chiếm gần một nửa diện tích địa cầu, là những vùng nước sâu và chưa được biết đến, không thuộc sở hữu của một cá nhân hay quốc gia nào nhưng lại đang thu hút sự thèm khát do giầu nguồn tài nguyên thủy sản và khoáng sản.
Ngoài các quy định về vùng bờ biển và đặc quyền kinh tế, những vùng biển khơi xa, hay vùng biển quốc tế lại chưa có một hiệp ước quốc tế nào được ban hành nhằm bảo vệ các vùng biển xanh bao la đó, ngoại trừ một vài thỏa thuận đặc biệt như thỏa thuận cho phép đánh bắt cá voi chẳng hạn.
Trang nhất các báo Pháp
Đề tài trên trang nhất khá đa dạng. Kết thúc kỳ nghỉ hè, "Macron buộc phải nói rõ đường lối chính sách của ông", Le Monde nhận định. Tổng thống Pháp, được người dân bầu lên vì những lời cam kết thay đổi đất nước, giờ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn nhất trong nhiệm kỳ năm năm của ông.
Les Echos thông báo "Ngân sách : Những điểm sẽ tác động đến sức mua". Ngân sách cho năm 2019 trên nguyên tắc sẽ không có những tác động tiêu cực đến sức mua của người dân. Tuy nhiên, lạm phát tăng trở lại và một số biện pháp xã hội có nguy cơ ảnh hưởng đến sức mua của người về hưu.
Trong lĩnh vực công nghệ, Le Figaro cho biết "Google, một siêu cường đang gây lo ngại". Từ Bruxelles cho đến tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như là một bộ phận nhân viên của hãng Google… ngày càng có nhiều tiếng nói phản đối các tham vọng và quyền lực tài chính của hãng công nghệ California này.
Nhật báo công giáo La Croix trên trang nhất chú ý đến một hiện tượng xã hội : Đó là "Xâm mình đang dần trở thành tập tục". Theo một điều tra của viện thống kê Ifof, thực hiện riêng cho nhật báo, cứ 5 người có một người Pháp đang hay đã từng đi xâm mình. Dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong mối quan hệ với cơ thể.
Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là hàng tít lớn trên Libération, quan tâm đến một cuộc tranh cãi kỳ lạ. "Chính tả : Cuộc chiến mà người Bỉ tuyên chiến". Tiếng Pháp ghi rằng "La guerre que les Belges ont déclarée". Theo ngữ pháp tiếng Pháp, quá khứ phân từ của động từ "déclarer" phải được tương thích về giống và số với bổ ngữ trực tiếp được đặt ở đầu câu, ở đây phải được ghi là "déclarée". Nhưng trong hàng tít, Libération đã gạch bỏ chữ "e" ở cuối từ.
Nguyên nhân là vì một bài diễn đàn của nhiều cựu giảng viên Bỉ đăng trên Libération hôm qua đã làm dấy lên cuộc tranh luận về đơn giản hóa tiếng Pháp. Các vị giáo sư này cho rằng chính tính chất phức tạp trong ngữ pháp tiếng Pháp đã đào sâu thêm tình trạng bất bình đẳng trong các lĩnh vực văn hóa-xã hội.
Minh Anh