Tổng thống Trump sẽ đánh thuế lên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc trong tuần này (CaliToday, 04/09/2018)
Hoa Kỳ có thể cho áp dụng mức tăng thuế mới vào gần phân nữa tổng số hàng hóa nhập cảng vào Hoa Kỳ hàng năm vào cuối tuần này.
Tổng thống Trump đã đề nghị mức tăng thuế này lên tổng trị giá 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và bắt đầu có hiệu lực vào thứ sáu 07/09/2018 - Ảnh : CNN
Tổng thống Trump đã đề nghị mức tăng thuế này lên tổng trị giá 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và bắt đầu có hiệu lực vào thứ sáu tuần này, nhưng hiện nay người ta vẫn chưa rõ mức thuế gia tăng sẽ là 10% hay 25%.
Nhưng rõ ràng đây sẽ là lần tăng mức thuế quan lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc nặng nề nhất trong năm nay. Trong tháng 7, chính phủ Trump đã cho áp dụng mức tăng thuế 25% lên 34 tỉ đô la hàng Trung Quốc và lại tăng thêm vào 16 tỉ đô la trong tuần trước.
Trung Quốc là bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Hoa Kỳ. Trong năm 2017, gần 506 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc đã được bán cho Mỹ, chính phủ Trump cho hay các biện pháp tăng thuế đối với Trung Quốc là nhằm trừng phạt về những cách thức bất công của Bắc Kinh trong vấn đề mậu dịch song phương với Mỹ, kể cả chuyện ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc cũng phản đòn khi cho tăng thuế 25% lên tổng cộng 50 tỉ đô la hàng hóa Hoa Kỳ nhập cảng vào Trung Quốc, và còn đe dọa sẽ còn tăng thuế như thế cho 60 tỉ đô la hàng hóa Mỹ nữa.
Nhưng các quan sát viên cho là trong cuộc chiến mậu dịch này, phần thua thiệt sẽ là thuộc về Bắc Kinh vì Trung Quốc bán hàng cho Mỹ rất nhiều nhưng nhập cảng lại thì chẳng bao nhiêu.
Chính phủ Trump cho phép ý kiến công luận về chuyện tăng thuế này, nhất là danh sách các mặt hang nhập cảng sẽ tăng giá vì mức thuế mới. Đến thứ sáu tuần này thì ý kiến công luận sẽ chấm dứt và mức thuế quan mới trên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc sẽ có hiệu lực.
Đào Nguyên
******************
Hàng ngàn thường trú nhân Việt, kể cả con lai, có nguy cơ bị trục xuất (CaliToday, 02/09/2018)
Có khoảng 8000 thường trú nhân Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ có thể bị trục xuất về nước trong chính sách di trú cứng rắn của chính phủ ông Donald Trump.
Robert Huỳnh là con trai của một quân nhân Mỹ. Photo Credit : Robert huynh
Robert Huỳnh là con trai của một quân nhân Mỹ mặc dù anh chưa từng biết đến cha mình. Mẹ anh là người Việt Nam, và anh ra đời trong chiến tranh Việt Nam. Vào năm 1984, 9 năm sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, cậu bé Huỳnh 14 tuổi cùng mẹ và các em cùng mẹ khác cha sang định cư tại Louisville theo chương trình Con Lai.
Bây giờ, cậu bé ngày xưa đã là người đàn ông 48 tuổi có con trai và hai cháu nội nhỏ tuổi ở Kentucky. Huỳnh đối diện với khả năng sẽ bị trả lại Việt Nam, đất nước mà mấy chục năm qua, anh không hề quay trở lại vì chẳng còn bà con hay bạn bè thân thích.
Huỳnh là một trong những người Việt có thể đang vướng vào chính sách nhập cư cứng rắn của chính phủ, trong đó gia tăng đáng kể việc trục xuất thường trú nhân hợp pháp có thẻ xanh, chưa vào quốc tịch và có tiền án tiền sự.
Vào những năm 20 tuổi, Huỳnh có dính tới pháp lý. Anh bị tù gần 3 năm do liên can đến buôn bán thuốc lắc. Gần đây, anh bị quản chế 1 năm vì say rượu lái xe, và tiếp tục bị quản chế vì điều hành máy đánh bạc bất hợp pháp cùng bạn gái ở Texas.
Anh thừa nhận mình phạm lỗi, chấp nhận các hình phạt và tìm cách xây dựng cuộc sống ở đây, nhưng giờ thì anh có thể mất hết tất cả. "Mẹ tôi đã 83 tuổi, và tôi muốn ở bên cạnh mẹ khi bà qua đời," Huỳnh chia sẻ qua điện thoại. "Tôi không còn ai thân thích ở Việt Nam, cuộc sống của tôi ở Mỹ".
Robert Huỳnh là con trai của một quân nhân Mỹ. Photo Credit : Robert huynh
Theo con số thống kê, gần 1,3 triệu công dân Việt Nam đã di dân sang Mỹ kể từ khi Cộng sản chiếm miền Nam vào năm 1975. Nhiều người theo làn sóng vượt biên trong những năm cuối thập niên 1970, chấp nhận rủi ro tính mạng để được định cư ở nước khác.
Những người đến Mỹ được cấp thẻ xanh, nhưng nhiều người như anh Huỳnh, thiếu trình độ, thiếu khả năng Anh ngữ hay sự trợ giúp pháp lý cần thiết để có thể vào quốc tịch. Nhiều người đến Mỹ khi còn nhỏ, đi học, làm việc, đóng thuế, xây dựng gia đình. Nhiều thập niên trôi qua, cuộc sống và gia đình họ có thể bị li tán một lần nữa.
Chính phủ Trump, trong chính sách do cố vấn cao cấp về chính sách Stephen Miller đưa ra, đã tái diễn giải thoả thuận đạt được vào năm 2008 giữa chính phủ ông George W. Bush và Hà Nội trong đó ghi, những công dân Việt Nam đến Mỹ trước khi hai quốc gia chính thức giao ban vào năm 1995 sẽ "không được hồi hương". Còn bây giờ thì Tòa Bạch Ốc bảo, sẽ không có sự miễn trừ trục xuất đối với thường trú nhân phạm tội.
Trong khi những người chống đối cáo buộc chính phủ nuốt lời thoả thuận 2008 thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập luận rằng, thoả thuận lưu ý một dòng, hai bên "duy trì quan điểm pháp lý mỗi bên" liên quan đến những người đến Mỹ trước 1995. "Quan điểm của Mỹ là mọi quốc gia có bổn phận phải tuân theo luật pháp quốc tế để chấp nhận công dân nước mình bị nước khác trục xuất hay tống về nước," Bộ Ngoại giao gởi ra thông báo, và từ chối hồi đáp về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Quan điểm của chính phủ Trump là, thoả thuận 2008 không nhằm mục đích bảo vệ một nhóm di dân nào đó khỏi bị truy tố chính trị nếu họ bị hồi hương.
Thay vào đó, chính phủ khẳng định, thoả thuận đạt được sau "một bế tắc" giữa Mỹ và Việt Nam về vấn đề người nhập cư đến Mỹ trước 1995 không được giải quyết, một viên chức cho hay.
"Chúng ta đang ở trong tình huống mà trong một thời gian dài, họ không chấp nhận người hồi hương," viên chức này nói. "Về mặt lý thuyết là, hãy cố tạo ra một hệ thống hoạt động và tìm cách để họ nhận lại ít nhất một số người phạm tội hình sự".
Đại diện Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế Liên bang (ICE), ông Brendan Baedy cho hay, lực lượng ICE tập trung vào "những cá nhân có đe doạ đến an ninh quốc gia, an toàn công cộng và an ninh biên giới.
Những người phản đối chính sách mới nhấn mạnh rằng, những người Việt đang có nguy cơ bị trục xuất là những người tị nạn, chạy trốn khỏi chính quyền cộng sản, và họ xứng đáng được thú thân tại Mỹ.
Hương Giang (Theo Washington Post)