Giang hồ ‘Đường Nhuệ’ xộ khám trong bối cảnh nào
Nguyễn Hùng, VOA, 29/04/2020
Vụ đầu gấu 49 tuổi Nguyễn Xuân Đường, còn được gọi là Đường ‘Nhuệ’, bị bắt ở Thái Bình cùng vợ và một số đàn em khác thu hút sự chú ý vô cùng lớn của dư luận trong hai tuần qua. Chỉ cần điểm qua vài bài đăng trên Facebook của truyền hình VTC đã thấy sức nóng của vụ việc.
Vợ chồng Đường Nhuệ. Hình trích xuất từ website báo Tiền Phong.
Video ‘[h]àng xóm kể bị Đường 'Nhuệ' đánh đập, doạ giết ngay tại trụ sở công an’ được trên năm triệu lượt xem cùng gần 8.000 chia sẻ. Clip ‘[m]ặc dù làm công an nhưng con trai chủ doanh nghiệp Lâm Quyết vẫn bị đàn em Đường Nhuệ đuổi đánh’ có hai triệu lượt xem, hơn 9.000 chia sẻ và trên 5.000 bình luận. Video ‘Vợ Đường Nhuệ livestream chửi bới cán bộ, làm loạn tại Sở Tư pháp TP. Thái Bình’ thu hút hơn bốn triệu lượt người theo dõi cùng hơn 14.000 bình luận.
Trong video phát trực tiếp từ Sở Tư pháp Thái Bình về chuyện không được tham gia đấu giá một số lô đất hồi tháng 7/2019, bà Nguyễn Thị Dương, 40 tuổi, từ chỗ xưng tôi chuyển sang mày tao và nói : "Làm người phải có một tí lương tâm chứ còn đừng vì tiền mà bán rẻ lương tâm. Cả một đời đi làm việc mà để thế này ô uế lắm, nghe chưa… Đời còn dài lắm, luật nhân quả không bỏ một ai".
Trong video người ta cũng nghe tiếng con của bà Dương nói với một người "trước chú hay đến nhà cháu lắm nhỉ" và rằng người đó giờ "giở trò". Theo báo chí Việt Nam, người trả lời bà Dương trong video phát trực tiếp, ông Phạm Văn Hiệp cũng đã bị bắt vì được cho là có liên quan tới cặp vợ chồng Dương và Đường. Ông Hiệp, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tỉnh Thái Bình bị tạm giam cùng một nhân viên của trung tâm và hai nhân viên quản lý đất đai khác.
Đối với ông Đường, một đoạn ghi âm ông này doạ giết một chủ doanh nghiệp, người nợ tiền tay giang hồ, cũng được đăng tải : "Bố mày bắt được mày bố chặt chân mày ngay ngày đấy [khi ông Đường đi tìm ‘con nợ’] con chó hiểu không… Bố mày kể cả bố mày ăn thịt mày luôn. Tao xác định luôn một thằng em tao lên đường… Bố mày chơi đến cỡ nào mày biết rồi".
Hiện giờ cuộc điều tra đang diễn ra và cho tới nay mới chỉ xác định được ông Đường "chơi đến cỡ" giám đốc trung tâm dịch vụ đấu giá tỉnh. Nhưng trong tin đăng trên Facebook về vụ bắt các nhân viên công quyền liên quan, Báo Công an Nhân dân cũng ghi "hiệu quả từ chủ trương Giám đốc CAT không phải là người địa phương". Giám đốc công an Thái Bình hiện nay là Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, 45 tuổi, người nhậm chức hồi tháng 11/2019. Trang tin VietNamNet viết thêm : "Trước khi được điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường là Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Thượng tá Nguyễn Thanh Trường sinh năm 1974, quê Hải Dương".
Ông Trường nhậm chức chỉ một tháng sau khi có tin trên báo chí về chuyện Phó Giám đốc Công an Thái Bình, Đại tá Trịnh Đình Thành, được thăng chức giám đốc thay chỗ của Đại tá Nguyễn Văn Minh. Ông Minh từng là phó giám đốc Công an Hưng Yên cho tới khi về Thái Bình hồi tháng 11/2016 và tới tháng 10/2019 đã về thay vị trí ông Trường bỏ trống ở cục cảnh sát quản lý trại giam. Không có giải thích nào về chuyện tại sao ông Trường lại không về thay thế vị trí của ông Minh ngay mà phải hơn một tháng sau mới được cử về thay Đại tá Thành.
Trong diễn biến mới nhất, Thượng tá Cao Giang Nam, Phó Giám đốc Công an Thái Bình, người được cho là đã ký quyết định huỷ điều tra vụ ông Đường và đàn em bị cáo buộc đánh người gây thương tích ngay tại trụ sở công an phường hồi năm 2014 đã có quyết định chuyển công tác, theo báo Lao Động. Trước đó tờ này cũng đã từng bình luận "xã hội đen không thể hoạt động nếu không có chống lưng, hoặc làm ngơ từ phía cơ quan chức năng".
Vụ việc ở Thái Bình cũng xảy ra trong bối cảnh Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang tới gần. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây được báo chí dẫn lời nói chọn nhân sự cần tránh tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây". Không rõ ông Trọng có ý thức được rằng đảng của ông ngang như con cua và cái càng của nó chính là lực lượng công an. Nếu như nhiều đơn thư tố cáo vợ chồng Dương, Đường rơi vào hố đen thì nhiều khiếu nại của người dân đòi những quyền căn bản cũng bị cái càng công an quắp xuống hố hết cả. Đất nước có Dương, Đường như ngày hôm nay không phải không có công của ông tổng bí, người dùng tư duy của thế kỷ 19 để trị nước trong thế kỷ 21.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 29/04/2020
Cựu quân nhân Mỹ và người con gái Việt bán ve chai mong ngày gặp mặt
An Hải, VOA, 29/04/2020
Vào cuối tháng 10/2019, ông Keith Rockwood, một cựu quân nhân Hoa Kỳ hiện đang ngụ tại thành phố Webster, bang Massachusetts, nhận được một cuộc điện thoại từ nữ tình nguyện viên DNA của tổ chức phi lợi nhuận Amerisians Without Borders (AWB) hỏi rằng ông có từng đến Việt Nam hay không. Ông trả lời "Có". Đầu dây bên kia cho biết rằng nhiều khả năng ông có một người con gái hiện đang ở Việt Nam.
"Nhận được cuộc điện thoại tôi rất ngạc nhiên ! Nhưng tôi không bị sốc vì tôi từng có linh cảm trong nhiều năm qua rằng đó là một khả năng", ông Rockwood, hiện là một trung sĩ cảnh sát làm việc tại trường College of the Holy Cross, nói với VOA Tiếng Việt.
Vào tuổi đôi mươi anh thanh niên Rockwood rời thị trấn Webster ở bang Massachusetts gia nhập Hải quân Hoa Kỳ. Và vào mùa Giáng sinh năm 1966 khi làm nhiệm vụ tiếp tế trên tàu số YFU-70 thuộc đơn vị tàu đổ bộ LCM-876 của Hải quân Hoa Kỳ đồn trú khu vực Đà Nẵng, anh đã phải lòng người con Huế tên Phan Thị Việt Hồng.
Kết quả của mối tình trai chiến binh Mỹ và gái Việt tại Đông Hà, Quảng Trị là sự chào đời của cô con gái tên Phan Thị Tuyết Thu vào ngày 18/08/1967, sau này đổi tên là Trần Thị Thu, và đổi năm sinh là 1965 vì nhiều lý do. Khi ấy ông Rockwood đã kết thúc nhiệm vụ ở chiến trường Việt Nam và đã quay về Mỹ.
Bà Thu năm nay 53 tuổi, hiện sống bằng nghề buôn bán ve chai và đi làm thuê ở một vùng quê hẻo lánh ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Trong suốt hơn 50 năm, bà sống trong nỗi đau là thân phận con lai, mặc cảm vì bị xa lánh, và nghèo túng vì không được học hành tử tế. Bà nghĩ rằng suốt đời bà sẽ chẳng tìm được cha, và đối với bà hình ảnh người cha qua lời người mẹ kể lại đó là một người lính tiếp vận của Hải quân Mỹ, mà đôi bên chỉ biết nhau trong thời gian ngắn ngủi giữa lúc chiến trường loạn lạc.
Bất ngờ vào giữa năm 2018, em gái của bà Thu gặp một thành viên trong nhóm AWB - Hộ i Tình lai Không Biên giới, một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ giúp hỗ trợ những "Anh Chị em Lai" ở Việt Nam thực hiện xét nghiệm DNA để tìm cha ở Mỹ, và gợi ý bà Thu tiến hành làm xét nghiệm, dù bà nghĩ rằng hy vọng tìm được cha rất mong manh.
Bà Trần Thị Thu kể lại câu chuyện làm xét nghiệm DNA với VOA :
"Họ thử DNA cho tôi vào tháng 11/2018 và đến 10/2019 thì tôi nhận được tin là đã tìm được cha của tôi. Tìm được cha, ôi, tôi mừng quá là mừng !"
"Nhờ Hội giúp mà tôi tìm được cha. Xúc động lắm không biết nói gì hơn", bà Thu chia sẻ.
Ông Jimmy Miller, người sáng lập AWB, cho VOA biết : "Khi cho thử DNA thì cho kết quả cô Thu là con lai. Khi thử qua công ty Ancestry thì cho kết quả tương thích với kết quả DNA của ông Rockwood. Ông Rockwood thử một lần nữa qua Family Tree thì kết quả cũng tương thích với DNA của cô Thu. Ông ấy rất là vui".
Hội Tình lai Không Biên giới sử dụng xét nghiệm DNA để xác định gần 400 người con lai vẫn còn bị kẹt ở Việt Nam như trường hợp của bà Thu, vận động và hỗ trợ việc định cư sang Mỹ cho họ.
Vào 5 năm trước, ông Rockwood đã sử dụng xét nghiệm DNA của Ancestry cốt để tìm gốc gác gia phả của mình, nhưng không ngờ rằng kết quả cho biết có sự tương thích với DNA của cô Thu, một người phụ nữ đang mong đợi tìm cha ở Mỹ. Điều này khiến ông vừa ngạc nhiên vừa hạnh phúc, nhất là nhận được sự trợ giúp nhiệt tình từ Hộ i Tình lai Không Biên giớ i do ông Miller làm Chủ tịch.
Ghi nhận sự hỗ trợ chân tình từ ABW, ông Rockwood nói : "Anh Jimmy Miller hỗ trợ tôi rất nhiều và tôi biết ơn anh ấy. Anh ấy đang lo thu xếp việc làm giấy tờ. Và sau đó tôi sẽ gửi một lá thư và cam kết thừa nhận về mối quan hệ cha con có công chứng để gửi cho Tổng lãnh sự quán và các giấy tờ khác để con gái tôi cùng chồng và hai đứa con của họ đến Hoa Kỳ nếu họ muốn".
"Hằng ngày tôi trò chuyện rất vui với Thu và hai đứa con gái của Thu, với sự hỗ trợ dịch thuật của Google", ông Rockwood nói với VOA.
"Tôi rất nôn nóng được gặp con gái và gia đình. Tôi có kế hoạch vào ngày 1/6 này sẽ sang đó cùng với con trai út của tôi, tức là em trai của Thu", ông Rockwood nói.
Tuy nhiên, theo bà Thu, kế hoạch về Việt Nam của cha bà và cuộc hội ngộ cha con vào đầu tháng 6 tới có thể bị hoãn lại một thời gian vì biến cố dịch Covid-19.
Bà Thu chia sẻ tâm sự của bà về tình phụ tử thiêng liêng : "Ông nói rằng ông thật sự không biết có con trên đời, chứ ngày xưa mà mẹ con cho ba biết mẹ con đã có bầu thì ba có khả năng xin gia hạn ở Việt Nam thêm một năm nữa".
"Ông nói rằng trong mấy chục năm qua trong thâm tâm của ông lúc nào cũng suy nghĩ là ông còn bỏ quên một thứ gì đó ở Việt Nam, trong lòng ông bất an vì cứ nhớ hoài ký ức Việt Nam".
"Tiếp xúc với ông nhưng tôi không biết tiếng Anh. Cha và con cứ nhắn tin qua lại và nhờ Google dịch, chứ tôi không nghe được tiếng của ông".
"Tối qua ông nhắn rằng ông chỉ muốn virus Covid-19 biến mất càng nhanh càng tốt để cho ba sắp xếp chuyến đi của con qua bên đó càng sớm càng tốt", bà Thu cho biết thêm.
"Hiện giờ thì chúng tôi đang giúp làm giấy tờ để cho cô Thu và gia đình đi Mỹ", ông Miller cho VOA biết.
Ông Miller nói : "Chiến tranh Việt Nam chấm dứt 45 năm rồi, cùng với sự tang thương, chết chóc, và chia ly… nhưng đây là câu chuyện có kết cuộc đẹp. Chúng ta nên chia sẻ câu chuyện đẹp cho thế giới biết".
Ông Miller cho VOA biết gần đây Hộ i tình lai Không biên giới đã đưa ra một kiến nghị kêu gọi Tổng thống Donald Trump đưa ra những nỗ lực mới để đưa những người con lai về nước.
"Bốn mươi năm năm sau, Hoa Kỳ vẫn còn nghĩa vụ quay trở lại Việt Nam, thu dọn tẩy độc, tìm kiếm hài cốt của những người mất tích trong chiến tranh…, trong khi con cái của họ vẫn kẹt lại ở Việt Nam, và hiện vẫn đang còn sống. Vậy nên, chúng ta cần phải đưa những người con này về nhà".
Thông báo của AWB :
Vào ngày 30/04/2020 tới đây, AWB sẽ kết thúc chương trình thử DNA đã kéo dài suốt 7 năm qua tại Việt Nam. Tuy nhiên, những ai biết rằng mình là con lai và đã ghi danh với AWB trước thời gian này vẫn sẽ được tiếp tục xét nghiệm.
An Hải
Nguồn : VOA, 29/04/2020
Tổng thống Trump sẽ đánh thuế lên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc trong tuần này (CaliToday, 04/09/2018)
Hoa Kỳ có thể cho áp dụng mức tăng thuế mới vào gần phân nữa tổng số hàng hóa nhập cảng vào Hoa Kỳ hàng năm vào cuối tuần này.
Tổng thống Trump đã đề nghị mức tăng thuế này lên tổng trị giá 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và bắt đầu có hiệu lực vào thứ sáu 07/09/2018 - Ảnh : CNN
Tổng thống Trump đã đề nghị mức tăng thuế này lên tổng trị giá 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và bắt đầu có hiệu lực vào thứ sáu tuần này, nhưng hiện nay người ta vẫn chưa rõ mức thuế gia tăng sẽ là 10% hay 25%.
Nhưng rõ ràng đây sẽ là lần tăng mức thuế quan lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc nặng nề nhất trong năm nay. Trong tháng 7, chính phủ Trump đã cho áp dụng mức tăng thuế 25% lên 34 tỉ đô la hàng Trung Quốc và lại tăng thêm vào 16 tỉ đô la trong tuần trước.
Trung Quốc là bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Hoa Kỳ. Trong năm 2017, gần 506 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc đã được bán cho Mỹ, chính phủ Trump cho hay các biện pháp tăng thuế đối với Trung Quốc là nhằm trừng phạt về những cách thức bất công của Bắc Kinh trong vấn đề mậu dịch song phương với Mỹ, kể cả chuyện ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc cũng phản đòn khi cho tăng thuế 25% lên tổng cộng 50 tỉ đô la hàng hóa Hoa Kỳ nhập cảng vào Trung Quốc, và còn đe dọa sẽ còn tăng thuế như thế cho 60 tỉ đô la hàng hóa Mỹ nữa.
Nhưng các quan sát viên cho là trong cuộc chiến mậu dịch này, phần thua thiệt sẽ là thuộc về Bắc Kinh vì Trung Quốc bán hàng cho Mỹ rất nhiều nhưng nhập cảng lại thì chẳng bao nhiêu.
Chính phủ Trump cho phép ý kiến công luận về chuyện tăng thuế này, nhất là danh sách các mặt hang nhập cảng sẽ tăng giá vì mức thuế mới. Đến thứ sáu tuần này thì ý kiến công luận sẽ chấm dứt và mức thuế quan mới trên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc sẽ có hiệu lực.
Đào Nguyên
******************
Hàng ngàn thường trú nhân Việt, kể cả con lai, có nguy cơ bị trục xuất (CaliToday, 02/09/2018)
Có khoảng 8000 thường trú nhân Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ có thể bị trục xuất về nước trong chính sách di trú cứng rắn của chính phủ ông Donald Trump.
Robert Huỳnh là con trai của một quân nhân Mỹ. Photo Credit : Robert huynh
Robert Huỳnh là con trai của một quân nhân Mỹ mặc dù anh chưa từng biết đến cha mình. Mẹ anh là người Việt Nam, và anh ra đời trong chiến tranh Việt Nam. Vào năm 1984, 9 năm sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, cậu bé Huỳnh 14 tuổi cùng mẹ và các em cùng mẹ khác cha sang định cư tại Louisville theo chương trình Con Lai.
Bây giờ, cậu bé ngày xưa đã là người đàn ông 48 tuổi có con trai và hai cháu nội nhỏ tuổi ở Kentucky. Huỳnh đối diện với khả năng sẽ bị trả lại Việt Nam, đất nước mà mấy chục năm qua, anh không hề quay trở lại vì chẳng còn bà con hay bạn bè thân thích.
Huỳnh là một trong những người Việt có thể đang vướng vào chính sách nhập cư cứng rắn của chính phủ, trong đó gia tăng đáng kể việc trục xuất thường trú nhân hợp pháp có thẻ xanh, chưa vào quốc tịch và có tiền án tiền sự.
Vào những năm 20 tuổi, Huỳnh có dính tới pháp lý. Anh bị tù gần 3 năm do liên can đến buôn bán thuốc lắc. Gần đây, anh bị quản chế 1 năm vì say rượu lái xe, và tiếp tục bị quản chế vì điều hành máy đánh bạc bất hợp pháp cùng bạn gái ở Texas.
Anh thừa nhận mình phạm lỗi, chấp nhận các hình phạt và tìm cách xây dựng cuộc sống ở đây, nhưng giờ thì anh có thể mất hết tất cả. "Mẹ tôi đã 83 tuổi, và tôi muốn ở bên cạnh mẹ khi bà qua đời," Huỳnh chia sẻ qua điện thoại. "Tôi không còn ai thân thích ở Việt Nam, cuộc sống của tôi ở Mỹ".
Robert Huỳnh là con trai của một quân nhân Mỹ. Photo Credit : Robert huynh
Theo con số thống kê, gần 1,3 triệu công dân Việt Nam đã di dân sang Mỹ kể từ khi Cộng sản chiếm miền Nam vào năm 1975. Nhiều người theo làn sóng vượt biên trong những năm cuối thập niên 1970, chấp nhận rủi ro tính mạng để được định cư ở nước khác.
Những người đến Mỹ được cấp thẻ xanh, nhưng nhiều người như anh Huỳnh, thiếu trình độ, thiếu khả năng Anh ngữ hay sự trợ giúp pháp lý cần thiết để có thể vào quốc tịch. Nhiều người đến Mỹ khi còn nhỏ, đi học, làm việc, đóng thuế, xây dựng gia đình. Nhiều thập niên trôi qua, cuộc sống và gia đình họ có thể bị li tán một lần nữa.
Chính phủ Trump, trong chính sách do cố vấn cao cấp về chính sách Stephen Miller đưa ra, đã tái diễn giải thoả thuận đạt được vào năm 2008 giữa chính phủ ông George W. Bush và Hà Nội trong đó ghi, những công dân Việt Nam đến Mỹ trước khi hai quốc gia chính thức giao ban vào năm 1995 sẽ "không được hồi hương". Còn bây giờ thì Tòa Bạch Ốc bảo, sẽ không có sự miễn trừ trục xuất đối với thường trú nhân phạm tội.
Trong khi những người chống đối cáo buộc chính phủ nuốt lời thoả thuận 2008 thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập luận rằng, thoả thuận lưu ý một dòng, hai bên "duy trì quan điểm pháp lý mỗi bên" liên quan đến những người đến Mỹ trước 1995. "Quan điểm của Mỹ là mọi quốc gia có bổn phận phải tuân theo luật pháp quốc tế để chấp nhận công dân nước mình bị nước khác trục xuất hay tống về nước," Bộ Ngoại giao gởi ra thông báo, và từ chối hồi đáp về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Quan điểm của chính phủ Trump là, thoả thuận 2008 không nhằm mục đích bảo vệ một nhóm di dân nào đó khỏi bị truy tố chính trị nếu họ bị hồi hương.
Thay vào đó, chính phủ khẳng định, thoả thuận đạt được sau "một bế tắc" giữa Mỹ và Việt Nam về vấn đề người nhập cư đến Mỹ trước 1995 không được giải quyết, một viên chức cho hay.
"Chúng ta đang ở trong tình huống mà trong một thời gian dài, họ không chấp nhận người hồi hương," viên chức này nói. "Về mặt lý thuyết là, hãy cố tạo ra một hệ thống hoạt động và tìm cách để họ nhận lại ít nhất một số người phạm tội hình sự".
Đại diện Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế Liên bang (ICE), ông Brendan Baedy cho hay, lực lượng ICE tập trung vào "những cá nhân có đe doạ đến an ninh quốc gia, an toàn công cộng và an ninh biên giới.
Những người phản đối chính sách mới nhấn mạnh rằng, những người Việt đang có nguy cơ bị trục xuất là những người tị nạn, chạy trốn khỏi chính quyền cộng sản, và họ xứng đáng được thú thân tại Mỹ.
Hương Giang (Theo Washington Post)
Gary Wittig gặp Huỳnh Thị Chút khi trở lại Việt Nam trong đợt đưa quân ra chiến trường lần 2. Một cô bé đã ra đời sau khi người lính Mỹ rời Việt Nam. Gần 50 năm sau, cả 3 người được đoàn tụ trên đất Mỹ.
Tấm ảnh chụp với bà Huỳnh Thị Chút khi 2 người quen nhau ở Camp Tien Sha, Đà Nẵng, mà ông Gary Wittig giữ lại hơn 48 năm qua. Họ đã gặp lại nhau trên đất Mỹ cùng với người con gái của họ sau gần 5 thập kỷ.
Cuộc đoàn tụ diễn ra đầu tháng này khi bà Chút lần đầu tiên đặt chân tới nước Mỹ để gặp lại người đàn ông mà nay đang nằm trên giường bệnh và hô hấp qua ống trợ thở. Cô con gái của họ, Nguyễn Thị Kim Nga – nay đã 48 tuổi, bay từ Nebraska tới trước đó để đoàn tụ với bố mẹ mình.
Giây phút bà Chút được gặp lại ông Gary sau 48 năm mất liên lạc tại 1 căn nhà ở ngoại ô Atlanta, theo người cháu gái của Gary, Christine Gimmey, rất là "tuyệt diệu. Không từ nào diễn tả nổi giây phút đó".
"Bà Chút đặt tay lên tay chú Gary rồi bắt đầu massage phần ngực của chú. Họ nhìn nhau và mỉm cười. Họ chỉ ngồi đó không nói gì và mỉm cười".
Ông Gary và bà Chút đã sử dụng Facetime nói chuyện vài lần trước khi được thực sự cầm tay nhau tại một ngôi nhà ở ngoại ô Atlanta, Georgia.
Dù đó là cuộc hội ngộ sau gần nửa thế kỷ nhưng họ không thể nói với nhau được nhiều chuyện bởi cả 2 ông bà đều không nói được ngôn ngữ của nhau.
Bà Chút và ông Gary cũng giống như nhiều phụ nữ Việt Nam và những người lính Mỹ khác, gặp nhau trong một cuộc chiến tranh không mong muốn kéo dài hàng thập kỷ, có lẽ sẽ không bao giờ tìm lại nhau nếu không phải bởi một đứa con chung như chị Nga.
Tương tự chị Nga, hàng trăm ngàn trẻ lai của những binh lính Mỹ và phụ nữ Việt Nam đã được sinh ra trong cuộc chiến và phải chịu cảnh không cha không mẹ hoặc bị phân biệt đối xử. Mặc dù hầu hết những người con lai đều đã được sang Mỹ hoặc được gia đình Mỹ nhận nuôi, không mấy người tìm được cha ruột của mình như chị Nga.
"Chúa đã gửi thiên thần đến cho tôi", người cha ấy gọi con gái mình là "Angel".
Mối tình không hẹn ngày gặp lại
Khi quay trở lại Việt Nam vào năm 1968 sau khi từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ tại Đà Nẵng lần đầu vào năm 1967-1968, ông Gary lúc đó 23 tuổi, tình nguyện tới Việt Nam vì "mức lương hậu hĩnh".
"Việt Nam là đất nước đẹp, có nhiều đồi núi, cây cối và biển. Nó cũng giống như nước Mỹ", ông Gary nhớ lại khi nằm trên giường tại ngôi nhà nhỏ ở khu Riverdale, ngoại ô thành phố Atlanta, Georgia.
Ông cũng nhớ rằng bà Chút "lúc đó rất đẹp".
Trong lần quay trở lại thành phố miền Trung, ông là tài xế xe quân đội cho Camp Tien Sha, nơi Huỳnh Thị Chút, lúc đó 19 tuổi, đang làm lao công.
"Nhiều lính Mỹ đến rửa xe. Họ mang xe đến rồi bỏ đó đi khi nào xong mới quay trở lại lấy. Nhưng ông (Gary) thì ở lại", bà Chút kể lại những khoảnh khắc 2 người lần đầu gặp nhau ở trại hậu cần Hải Quân Mỹ ở Đà Nẵng – lúc đó được gọi là Camp Tien Sha. "Mặc dù xe không bẩn, ông Gary vẫn mang đến rửa", bà Chút, nay đã 69 tuổi, tủm tỉm cười khi nhớ lại những lần ông Gary cùng té nước rửa xe, "làm tôi ướt hết, rồi ông ôm tôi xin lỗi". Tình cảm giữa 2 người nảy nở từ đó mặc dù cả hai không nói được nhiều chuyện với nhau. Ông Gary không nói được tiếng Việt ; bà Chút chỉ biết 1 chút tiếng Anh bồi.
Ông Gary Wittig bên chiếc xe của mình ở Đà Nẵng. Bà Chút nói "ông thường mang xe đến cho bà rửa" thậm chí khi xe vẫn sạch.
Bà Chút lúc đó đã có chồng và một người con trai. Chồng bà là một quân nhân Việt Nam Cộng hòa. Nhưng chuyện tình của bà Chút và ông Gary đã vượt quá những gì mà họ cho là "vui chút chút".
"Vui chút chút", nhưng bà Chút có thai. Bà nói ông Gary có lần đưa bà tới 1 bệnh viện ở Đà Nẵng để siêu âm thai.
Nhưng ông Gary, giờ đây gần như không thể đi lại được, lại không nhớ điều này. Ông nói khi đang đeo ống thở oxy vì suy phổi rằng ông biết bà Chút mang thai đứa con của mình và biết đó là con gái nhưng đó cũng là lúc thời gian ở Việt Nam của ông kết thúc.
Người chồng Việt của bà Chút biết chuyện của 2 người và rằng vợ mình đang mang thai đứa con của người lính Mỹ nhưng không phản đối. Ông đã đón bà ở bệnh viện với đứa con lai Mỹ và coi nó như con đẻ của mình, theo lời bà kể.
Còn phía bên kia bờ đại dương, ông Gary bắt đầu cuộc sống mới ở quê nhà. Sau khi rời Việt Nam năm 1969, ông Gary tới Las Vegas và tiếp tục nhiệm vụ lái xe tại đó 1 năm, nơi ông nói "có một thời gian tuyệt vời". Đó cũng là lúc bà Chút sinh đứa con gái của ông.
"Có con vẫn nuôi bình thường. Không oán trách ai. Mình làm mình chịu".
Bà Chút nói về quyết định sinh đứa con với ông Gary
Nằm trên giường bên cạnh 1 bình ôxy, ông Gary nói với giọng ngắt quãng giữa những cơn ho, rằng dù cho lúc đó đứa con của ông đã được sinh ra thì ông cũng không thể mang nó về Mỹ vì những thủ tục rất phức tạp để xin tị nạn cho mẹ con bà Chút.
Giống như nhiều cuộc tình chớp nhoáng của những người lính Mỹ và các cô gái Việt trong chiến tranh lúc đó, ông Gary về nước không hẹn ngày gặp lại.
Với bà Chút, đó cũng là một mối tình thoáng qua vì bà là người phụ nữ đã có chồng và không bao giờ nghĩ có ngày gặp lại nhau. "Cuộc sống lúc đó khổ lắm, chỉ lo đi làm thôi".
Nhưng bà xác định, "có con vẫn nuôi bình thường. Không oán trách ai. Mình làm mình chịu".
Bà Chút hồi tưởng lại ý nghĩ lúc đó rằng "con mình sẽ không bao giờ qua được Mỹ".
Trước khi rời Việt Nam, ông Gary đã để lại cho bà Chút những tấm ảnh của ông cũng như ảnh 2 người chụp chung, cùng tấm thẻ quân nhân, nhưng bà đã đốt hết khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Từ đó, bà mất hết dấu vết của Gary.
Giấc mơ Mỹ
Lớn lên cùng với 3 người anh em cùng mẹ khác cha ở Me Pu, Bình Thuận, chị Nguyễn Thị Kim Nga cho rằng mình may mắn vì không bị bố dượng đối xử phân biệt. Tuy nhiên chị thường bị bọn trẻ cùng lứa trong làng trêu ghẹo.
"Tôi thấy tủi nhưng không oán trách ai vì mình là con lai. Chỉ tự hỏi sao mình không có cha. Ở xóm duy nhất mình là con lai. Không ai như mình".
"Có lúc muốn tự tử".
Chị Nguyễn Thị Kim Nga nói về những ngày tháng thất vọng không làm được giấy tờ sang Mỹ
Khi sinh chị Nga, bà Chút cũng gặp nhiều kỳ thị vì đứa con lai của mình. Bà không nhận được trợ cấp quần áo cho em bé như những người mẹ có con bình thường khác. Bà nói "nghèo khổ lắm, không có cơm ăn, không có quần áo mặc".
Chị Nga cũng đã phải bỏ học khi chưa biết đọc biết viết để phụ giúp gia đình kiếm sống. Sau khi cha dượng mất, mẹ chị một mình nuôi 4 đứa con.
Chính điều đó đã thôi thúc chị tìm cách sang Mỹ để tìm người bố mà chị chưa bao giờ biết mặt.
Nhưng sau 3 lần làm thủ tục không được – trong đó có lần đầu tiên chị làm đám cưới giả với một người không quen biết – chị thấy tuyệt vọng.
"Có lúc muốn tự tử", chị nói vậy với những giọt nước mắt lăn trên má.
Nhưng chính lúc thất vọng nhất trong cuộc đời, chị gặp được người chồng mà bà Chút ca ngợi là một người con rể rất tốt.
"Nhờ nó mà Nga đi được sang Mỹ và tìm được bố", bà Chút nói.
Chị Nga cuối cùng đã tìm được cha mình. Ông Gary nói DNA của 2 cha con ông có độ trùng khớp đến hơn 99%.
Biết được mong muốn tìm cha của vợ mình, anh Nguyễn Quế quyết tâm tìm cách đưa gia đình sang Mỹ. Sau 6 năm tìm hiểu từ những lần "lên Sài Gòn và gặp luật sư" và tiêu tốn hết số tiền tích cóp được, anh đã tìm ra cách. Đó là đưa chị Nga vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh để xác nhận là con lai.
Và gia đình chị làm được thủ tục nhập cư sang Mỹ.
Cuộc sống mới của gia đình chị Nga bắt đầu khi 2 vợ chồng và 1 đứa con nhỏ sang định cư tại Ohama, tiểu bang Nebraska, vào năm 2000.
Nhưng đó cũng là lúc chị Nga phải quên đi ước mơ tìm cha bởi gia đình chị đến Mỹ "với 2 bàn tay trắng".
"Ba người với một vali quần áo và không có gì", chị Nga nói.
Hai vợ chồng chị bắt đầu với công việc đóng gói tại một tiệm bánh của người Mexico ở Omaha. Đã có lúc anh Quế phải làm 2 việc và sau khi cửa hàng này đóng cửa, chị Nga đã chuyển sang làm cho 1 tiệm làm nail. Nhưng họ cũng đã kịp sinh ra thêm 2 đứa con – một con gái giờ đã 14 tuổi và một con trai giờ đã 12 tuổi. Chồng chị nay đã có việc làm ổn định – làm lao công trong 1 trường học ở Omaha.
Nước Mỹ đối với gia đình chị Nga là một giấc mơ bởi vợ chồng chị đã thoát cảnh nghèo khó khi còn sống ở một vùng quê ở Việt Nam. Giờ đây chị Nga, không biết chữ và tự cho mình là "khù khờ", cùng chồng con có một căn nhà, xe hơi và trở thành công dân Mỹ.
Tuy nhiên, giấc mơ tìm bố của chị vẫn còn xa vời vì "không có một manh mối nào để tìm cha" và "nhiều người tìm cha mà không được".
Nhưng đến đầu năm nay, một người bạn của chị Nga, cũng là con lai tìm được cha thông qua dịch vụ so sánh DNA.
Hy vọng đã trở lại với chị dù chị nghĩ rằng có thể cha đã không còn trên cõi đời này nữa hoặc không biết "ông có chấp nhận mình không".
"Người con duy nhất"
Trở lại quá khứ. Năm năm sau khi từ chiến trường Việt Nam trở lại Mỹ, Gary cưới vợ. Khi nhắc về người vợ đã mất vì bệnh ung thư vú vào năm 2006, mắt ông Gary dường như sáng lên và ông nói "Giá mà tôi lấy lại được 30 năm của cuộc hôn nhân đó".
Gary và vợ, Linda, không có con.
Ông Gary, giờ đây 72 tuổi, chưa bao giờ cho ai trong gia đình biết về người con của ông ở Việt Nam. Nhưng cháu gái của ông, chị Christine Gimmey, nói chị nhớ rằng "dì Linda có lần nói với chúng tôi, khi đó tôi 14 tuổi, rằng chú Gary có một người con ở Việt Nam".
Và những người trong gia đình chị đã không bao giờ nhắc lại điều này cho tới gần đây khi một thám tử DNA gửi cho chị tin nhắn về một người con lai Việt đang tìm bố Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
Đó là ngày 31/3/2017, chỉ vài tuần trước lễ Phục Sinh, chị Christine nói.
DNA của chị Nga và ông Gary có độ trùng khớp đến hơn 99%.
"Đó là người con duy nhất của tôi", ông Gary nói về chị Nga, người mà ông đặt tên là Angel.
Chị Nga là người con duy nhất của ông Gary. Ông gọi cô con lai Việt là Angel.
Mỗi lần có chị Nga bên cạnh giường chăm sóc và cầm tay mình, ông Gary giường như trở nên sống động hơn và luôn mỉm cười.
Mặc dù đã sống ở Mỹ 17 năm, chị Nga không thể hiểu hết những gì người cha Mỹ nói với mình. "Có những cái tôi không hiểu hết", chị nói khi trò chuyện với chúng tôi giữa những lần cho ông Gary uống thuốc hay giúp ông vào nhà tắm.
Tuy vậy ông Gary nói "cô ấy hiểu tôi hơn cả tôi hiểu cô ấy", và với ông, sự kết nối bằng tình cảm và ánh mắt là đủ.
Nhưng trước khi chị Nga tìm được bố mình, theo câu chuyện, Gary chưa từng bao giờ trở lại Việt Nam hay có ý định tìm mẹ con chị. Với ông, ký ức về Việt Nam là "khoảng trống". Ông Gary cho rằng chính phủ không nên đưa những thanh niên trẻ như ông lúc đó tới Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn đăng ký tình nguyện sang Việt Nam lần 2 vì ông biết số tiền ông được trả sẽ như thế nào.
Những gì ông kể với cô cháu gái Christine về Việt Nam là công việc của ông tại một đơn vị công binh hải quân Mỹ có biệt danh Seabees. Ông không bao giờ kể về câu chuyện của ông với một người phụ nữ Việt Nam tại nơi làm việc ở Đà Nẵng. "Chỉ có bố tôi biết chuyện này", chị Christine nói. "Kể cả dì Linda cũng không được chú Gary cho biết".
Nhưng sự xuất hiện của chị Nga không gợi lại cho Gary những ký ức về Việt Nam. Ông nói chỉ bởi vì trong những tháng qua ông luôn cầu nguyện để Chúa đưa đến cho ông 1 thiên thần.
"Tôi không có con. Không phải vì (Linda). Không phải vì tôi. Cô ấy không thể có con". Chính vì vậy mà Gary rất vui mừng khi "Người đưa Angel" đến với ông.
"Khi nó ở bên cạnh, tôi có mọi lý do để mỉm cười", ông Gary nói với đôi mắt mơ màng và tự nhận mình là người sùng đạo. "Từ ngày có Angel, tôi như thấy mình trên thiên đường thứ 7".
Chúa dẫn lối
Với thân phận người con lai không cha, lớn lên trong nghèo khó và nhiều lần không làm được giấy tờ đi Mỹ, chị Nga đã thấy rất đau khổ và kém may mắn.
Là một người Công giáo, chị nghĩ rằng "Chúa đã sắp đặt đời sống của mình" như thế.
Nhưng vì có lòng tin ở Chúa, chị nói, Chúa đã dẫn dắt chị tìm được cha.
"Chưa bao giờ thấy Chúa bất công với mình. Chương trình của Chúa đã dẫn dắt mình. Có lúc mình muốn tự tử vì thất vọng. Nhưng rồi Chúa cho mình gặp người chồng lo cho mình mọi thứ và tìm được cha".
Giờ đây mặc dù đã "toại nguyện" vì "Chúa cho ba mẹ đoàn tụ với mình", chị Nga lại ao ước "giá mà mình tìm được cha sớm hơn để chăm sóc cho ông". Chị nói nếu tìm gặp được "bố Gary" sớm hơn có lẽ ông đã không lâm vào cảnh ốm yếu thế này.
Giây phút đầu tiên chị Nga gặp bố Gary của mình. Họ đều cầu nguyện Chúa. Chị Nga tìm được bố và ông Gary được Chúa đưa tới một "Thiên thần".
Sau nhiều năm nghiện rượu và thuốc lá, nhất là sau 2 lần trở về từ Việt Nam, Gary mắc bệnh chai phổi trong 10 năm qua và phải đeo ống thở oxy trong 3 năm trở lại đây. Một lần ngã đã làm ông nhập viện với tình trạng suy tim và giờ đây hầu như không thể đi lại được.
Anh Nguyễn Quế, chồng chị Nga, cũng có chung niềm ao ước đó. Anh ước, giá mà anh chị tìm được ông sớm hơn thì ông đã không còn là một người cô đơn với một cuộc sống không có vợ con chăm sóc.
"Hầu như ngày nào Angel cũng gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe chú Gary", chị Christine nói đến khoảng thời gian chị Nga phải quay về Nebraska để làm việc và chăm sóc gia đình riêng của chị. "Và Angel luôn nhắc ông uống nước".
Chị Christine luôn nói về cô em họ mới của mình với nụ cười rạng rỡ trên môi. Chị nói, mọi người trong gia đình chị chưa gặp chị Nga nhưng đã biết và rất vui vì ảnh hưởng của chị Nga tới chú Gary của chị.
Kể từ khi Nga trở thành thành viên trong gia đình, Christine bắt đầu tìm đọc về tập tục và văn hóa Việt Nam cũng như tìm hiểu về cuộc chiến tranh mà chú cô từng tham dự. Christine tìm hiểu cả số phận của những người con lai Mỹ - Việt như chị Nga, người em họ mới của mình.
Cuộc chiến Việt Nam đã khiến bao gia đình ly tán, gây chia rẽ triền miên giữa lòng nước Mỹ và giữa lòng Việt Nam. Nhưng cuộc chiến ấy giờ đây đã khép lại với ông Gary và bà Chút. Dù 2 ông bà không được ở bên nhau lâu nữa, nhưng cái kết có hậu đã mang lại hạnh phúc cho cô con gái khi chị Nga đã có 1 người cha và 1 gia đình mới cũng như ông Gary đã có được 1 "thiên thần" vào lúc cuối đời.
Chị Nga thấy mình may mắn bởi còn nhiều người con lai như chị vẫn còn đang trên đường tìm cha của mình.
Và sự trùng phùng này, như chị Nga và người chị họ mới – Christine – mong muốn, sẽ truyền cảm hứng và hy vọng cho họ.