Ông Trump sắp đánh thuế 200 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc (VOA, 16/09/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ thông báo việc áp thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ đôla, sớm nhất là ngày 17/9.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một sự kiện hôm 7/9.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump cho biết như vậy hôm 15/9.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng bước đi mới này có thể chỉ khoảng 10%, tức là thấp hơn so với tỷ lệ 25% mà chính quyền Mỹ đã cân nhắc cho lần đánh thuế này".
Reuters cho biết rằng Nhà Trắng không phản hồi ngay trước yêu cầu bình luận của hãng này.
Danh sách các sản phẩm trị giá 200 tỷ đôla sẽ bị đánh thuế gồm có các sản phẩm công nghệ, các sản phẩm điện tử, hàng hải sản cũng như ghế ngồi trên xe ôtô dành cho trẻ em.
Hiện chưa rõ chính phủ Mỹ có bỏ bất kỳ hàng hóa nào trong danh sách được công bố hồi tháng Bảy hay không.
Hôm 14/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters nói rằng ông Trump "đã nói rõ rằng ông và chính quyền của mình sẽ tiếp tục có các hành động nhằm xử lý các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc".
Theo Reuters, ông Trump đã chỉ đạo cho các trợ lý xúc tiến việc áp thuế, dù Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán về thương mại với Bắc Kinh.
******************
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung : Washington vẫn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược (RFI, 14/09/2018)
Tại Nhà Trắng, Donald Trump trên mạng Twitter ngày 13/09/2018 bác bỏ tin của báo tài chính Wall Street. Tờ báo này trích dẫn lời bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin cho biết Hoa Kỳ mời Trung Quốc trở lại bàn đàm phán về mậu dịch.
Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai cường quốc kinh tế thế giới đang lao vào cuộc chiến thương mại. Reuters/Jason Lee
Nhưng nguyên thủ Mỹ khẳng định vẫn duy trì đường lối cứng rắn với Bắc Kinh trên hồ sơ này. Ông Trump bồi thêm : Wall Street đã "nhầm" khi loan tin nói trên. Mỹ "không chịu áp lực để phải đàm phán với Trung Quốc mà chính Trung Quốc mới đang chịu sức ép trên vấn đề này(…)"
Trong khi đó, thống kê của Bắc Kinh được công bố ngày 14/09/2018 cho thấy đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2018 tăng chậm hơn so với năm 2017, đạt 5,3 % và đây là mức thấp nhất từ nhiều năm qua. Phải chăng kinh tế Trung Quốc bắt đầu mệt mỏi vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ ?
Chuyên gia Julian Evans Pritchard thuộc cơ quan tư vấn Capital Economics đánh giá "tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng đi xuống". Ngân hàng Namura của Nhật cũng nói đến hiện tượng "hụt hơi" của kinh tế Trung Quốc và lo ngại tình hình có thể "còn xấu thêm".
Thanh Hà
***************
Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác đang 'tẩy chay' Trung Quốc (BBC, 14/09/2018)
Trong nhiều tháng gần đây, Đức, Pháp, Anh, Liên Hợp Âu Châu, Úc và Nhật Bản đều có vẻ cùng hợp lực chống lại sức mạnh đồng tiền Nhân dân tệ, dẫn chứng vì lý do an ninh quốc gia, theo tờ Bưu điện Hoa Nam .
Trung Quốc có đang bị các cường quốc 'ghẻ lạnh' ?
Hồi tháng Tám, chính phủ Đức lần đầu tiên sử dụng quyền "phủ quyết" để không cho hãng Yantai Taihai, một chuyên sản xuất thiết bị hạt nhân của Trung Quốc tiếp quản công ty chuyên về hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức.
Vào tháng Năm, Canada cũng không cho phép một đơn vị của China Communications Construction thâu tóm công ty xây dựng Aecon của nước này
Tất cả chỉ vì một mối lo ngại : an ninh quốc gia.
Đang có một phong trào lan tỏa trên toàn cầu, kêu gọi sự cảnh giác về các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ, theo nhận định của một số chuyên gia.
Khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ thống lĩnh ngành công nghệ cao trong 7 năm tới, với chương trình "Made in China 2025" thì đối với phương Tây, đó nghe như "một lời tuyên chiến",Jeremy Zucker, chuyên về thương mại quốc tế tại Washington nói với tờ Bưu điện Hoa nam.
Kết quả, khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc lần đầu tiên đã giảm tổng thể trên toàn thế giới kể từ 2002, xuống còn 124,6 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh điểm là 196,15 tỷ USD năm 2016, theo như thông tin từ Hội nghị về Thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc.
Hồi tháng Tư, một cơ quan giám sát của Anh đã cảnh báo chính phủ không nên với ZTE của Trung Quốc, sau khi Mỹcấm ZTE mua linh kiện của nước này trong 7 năm.
Khoản đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ của Trung Quốc cũng giảm kỷ lục, với trong nửa năm nay chỉ đạt 1,8 tỷ USD, tức tụt hơn 90% so với năm ngoái, và thấp nhất trong 7 năm qua, theo Rhodium Group.
Tổng thống Donald Trump cũng thông qua việc mở rộng Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) vào tháng trước.
Và động thái đã lan rộng các nước thuộc Liên minh Châu u, với Đức và Anh đang lên một số dự luật và chính sách sau khi chứng kiến nhiều thương gia Trung Quốc thâu tóm được các tập đoàn khổng lồ của hai qốc gia này.
"Về lâu dài thì đồng tiền của Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách vươn ra ngoài - và thế giới biết rằng nó cần những đồng tiền của Trung Quốc. Nhưng hiện giờ, chủ nghĩa bảo hộ đang lên và nó không chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ", Edward Mermelstein, một cố vấn về đầu tư nước ngoài tại New York cho biết.