Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung : Việt Nam giữa hai làn đạn (RFI, 17/09/2018)
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam. Bài viết đề tựa "Căng thẳng Mỹ – Trung làm suy yếu Việt Nam". Để phòng vệ, Hà Nội muốn gia tăng ký kết các thỏa thuận thương mại, nhất là với Mỹ.
Tại Diễn đàn Kinh tế ASEAN, Việt Nam và Nhật Bản công khai mời gọi tổng thống Mỹ gia nhập trở lại TPP. Reuters/Kham
Nhằm bảo vệ mức tăng trưởng hiện nay 7,1% (chỉ đứng sau Ấn Độ), chính phủ Việt Nam tìm kiếm các giải pháp thay thế. Nguy cơ Hoa Kỳ áp dụng các chính sách bảo hộ, kể cả thiết lập các chuẩn mực an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn khiến chính quyền Hà Nội lo lắng, bởi vì cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều là các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Tùy theo từng năm mà mức trao đổi thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng trao đổi mậu dịch và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ chiếm đến 42 tỷ đô la trong tổng số 215 tỷ. Duy chỉ có một điểm khác biệt : Việt Nam có thặng dư mậu dịch với Mỹ là 29 tỷ đô la, trong khi đó mức thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc là 21,6 tỷ đô la.
Lo ngại các căng thẳng chính trị có thể tác động đến nền kinh tế đất nước, Việt Nam nhân diễn đàn kinh tế ASEAN vừa kết thúc ở Hà Nội đã công khai đề nghị Hoa Kỳ gia nhập trở lại TPP. Một thỏa thuận trao đổi mậu dịch xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã sập cửa ngay ngày ông Donald Trump lên nhậm chức.
Les Echos trích dẫn lại đoạn trả lời phỏng vấn của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hãng tin Bloomberg : "Tôi có giải thích với ông Donald Trump là tôi hiểu mong muốn tái cân bằng mậu dịch. Nhưng những gì chúng tôi cung cấp cho Hoa Kỳ đều có lợi cho người tiêu thụ Mỹ, trong khi mà đầu tư của Mỹ tại Việt Nam cũng có ích cho nền kinh tế của chúng tôi".
Theo nhận định của Les Echos, cho đến lúc này, Việt Nam dùng lá bài "Hoa Kỳ" để làm đối trọng với đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Một thăm dò do Pew Research Center thực hiện năm 2017 cho thấy chỉ có 10% số người dân Việt Nam được hỏi là có một cái nhìn tốt về Trung Quốc, ngược lại tỷ lệ người dân ủng hộ Hoa Kỳ chiếm đến 84%.
Quan hệ Việt – Trung nhiều lúc sôi bỏng. Dự án thành lập các đặc khu kinh tế đã bị người dân phản đối mạnh mẽ, vì bị cho là quá ưu đãi với các nhà đầu tư Trung Quốc. Đó là chưa tính đến tranh chấp trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đến 80% diện tích khu vực, dẫn đến các căng thẳng giữa hai nước, nhất là trong vấn đề khai thác dầu khí.
Minh Anh
*****************
Thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh cam kết "trả đũa" (RFI, 17/09/2018)
Vào lúc tại Washington, tổng thống Donald Trump chuẩn bị thông báo kế hoạch đánh thuế lên 200 tỷ hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ, tại Bắc Kinh, họp báo ngày 17/09/2018 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ trả đũa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh chụp ngày 09/03/2017. Wikipedia
Phát ngôn viên Cảnh Sảng (Geng Shuang) nói : "Nếu Mỹ lại áp dụng các biện pháp đánh thuế mới, Trung Quốc sẽ không có sự lựa chọn nào khác là trả đũa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình". Đây chính là quan điểm mà Bộ Thương mại Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra. Quan chức này không quên nhấn mạnh rằng "xung khắc leo thang không có lợi cho bất kỳ bên nào" và tới nay, Bắc Kinh vẫn tin tưởng vào một giải pháp duy nhất để giải quyết bất đồng thương mại Mỹ -Trung. Đó là đôi bên phải cùng "đàm phán trên cơ sở bình đẳng và thành thật".
Chính quyền Mỹ đã đánh thuế theo thứ tự 25 % và 10 % vào hai mặt hàng thép và nhôm Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. tháng 7/2018, Washington đi thêm một bước nữa khi quyết định áp thuế 25 % lên 50 tỷ đô la hàng của Trung Quốc. Tổng thống Trump trong những giờ sắp tới sẽ thông báo quyết định về biểu thuế nhắm vào 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ và còn dọa sẽ đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.
Thanh Hà
*****************
Trung Quốc không đàm phán kiểu ‘tự sát’ với Mỹ (VOA, 17/09/2018)
Hôm 17/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp thuế quan mới đánh vào 200 tỷ đôla giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố, theo hãng tin Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai bên nên được diễn ra một cách bình đẳng.
Chính phủ Trung Quốc có thể từ chối không tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại do phía Hoa Kỳ đề xuất, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, nếu chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tờ Wall Street Journal trích lời các viên chức Trung Quốc đưa tin hôm 16/9.
Trước đó, Hoa Kỳ đã đề xuất các cuộc đàm phán thương mại, nhưng đồng thời ra kế hoạch bổ sung đánh thuế đối với 200 tỷ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc, tờ Wall Street Journal đưa tin.
Tờ báo này trích lời một quan chức cấp cao của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia đàm phán kiểu "tự sát" như vậy.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đề xuất thực hiện các cuộc đàm phán thương mại mới bắt đầu vào tầm 20/9.