Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/09/2018

Điểm báo Pháp - Cuộc cách mạng đạo lý sinh học

RFI tiếng Việt

Pháp chuẩn bị một cuộc cách mạng đạo lý sinh học

Tai tiếng ấu dâm trong một số giáo hội Công giáo, ý kiến táo bạo của hội đồng tham vấn đạo lý sinh học Pháp, phát biểu của tổng thống Mỹ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, căng thẳng Nga-Israel tại Syria là những chủ đề trên báo chí Pháp hôm nay.

sinhhoc1

Trẻ sơ sinh tại một bệnh viện. Ảnh minh họa : Getty Image

Trên trang nhất, Les Echos thở phào với tựa : "Quỹ an sinh xã hội sẽ được quân bình trong năm tới" sau 8 năm thâm thủng. Libération hứng khởi với tựa "đạo lý sinh học có biến chuyển". Lo âu, nhật báo công giáo La Croix nhận định "một bước ngoặt cải cách" nhưng cảnh báo "hướng xấu".

Trong bài "Thụ thai, thụ tinh, trợ tử : ý kiến của Hội đồng Tham vấn đạo lý sinh học" Le Monde cho biết trong bối cảnh chính phủ Pháp muốn cho phép mọi phụ nữ có quyền được hỗ trợ y khoa để thụ thai vào dự luật đạo lý sinh học vào cuối năm nay, Hội đồng Tham vấn hướng đến một đạo luật dựa trên niềm tin ở từng cá nhân, tiến bộ khoa học hơn là ngăn cấm". Cụ thể, Hội đồng mở ra nhiều hướng nghiên cứu như là giúp một cặp vợ chống tránh bệnh di truyền cho đứa con tương lai, giúp cho một đôi phụ nữ đồng tính hoặc góa phụ thụ thai với tinh trùng của người chồng quá cố.

Libération hài lòng với những đề nghị mới và cho rằng "nhiều cánh cửa đã rộng mở" nhưng nhật báo cánh tả lưu ý "vẫn còn một nguyên trạng chưa được đánh bật" : đó là trợ tử lúc cuối đời. Cho dù chủ tịch Hội đồng Tham vấn Jean-François Delfraissy, giáo sư đại học y khoa, đề nghị cần phải nhanh chóng có thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng để tiến tới tình trạng công bằng trong xã hội và địa phương trong công việc trợ tử vào cuối cuộc đời", Hội đồng Tham vấn không dám cướp quyền tạo hóa : chỉ ngưng trị liệu, không cho ăn, cứ để cho người không muốn sống nữa trút linh hồn một cách tự nhiên.

Le Figaro cũng nhấn mạnh đến những ý kiến "có thể làm đảo lộn" luật Đạo lý sinh học như là "cho phép thụ thai với tinh trùng người chết, được đồng ý và bảo quản bằng đông lạnh trước" hay là "cho phép đứa bé khi lớn lên tìm biết danh tính người cha hay mẹ sinh học"

Đối với nhật báo công giáo La Croix, thì những ý kiến của các vị cố vấn về thụ thai nhân tạo, xét nghiệm "gen", nghiên cứu phôi, trợ tử là "một khúc quanh" trong xã hội Pháp, nhưng xã hội sẽ đi về đâu ?

Trong bài xã luận "Những hướng đi xấu", La Croix không "phản bác gì những ý kiến được suy tư cẩn trọng", nhưng rõ ràng là Hội đồng Tham vấn, tuy nêu lên những rủi ro và đặt chốt chận, đã không lùi bước trước những chuyện đã rồi. Phải chăng Hội đồng Tham vấn đang đi sai hướng ? La Croix lý giải : Chúng ta chưa đạt đến một thế giới toàn hảo, nhưng đang tiến đến gần. Mỗi cá nhân có quyền tự do quyết định và quyết định theo quan điểm riêng, với những "đường ranh đỏ riêng". Chẳng hạn như chuyện giúp người khác qua đời hay thụ tinh hộ người khác, các nhà cố vấn không đón nhận các ý kiến khác biệt, ngay trong nội bộ của Hội Đồng.

Tại sao Giáo hội Pháp không hành động ?

Tai tiếng ấu dâm trong Giáo hội Công giáo là hồ sơ thứ hai trên báo chí Pháp hôm nay. Le Monde than phiền : Tại sao Giáo hội Pháp không hành động ?

Libération tập trung vào trường hợp Giáo hội Đức mà bản báo cáo được các nhà nghiên cứu công bố một ngày trước kiểm kê được 3.677 vụ trẻ em bị lạm dụng trong suốt 70 năm từ sau thế chiến thứ hai. Hội đồng Giám mục Đức "ân hận và hổ thẹn" vì đã hèn yếu bao che tội ác trong suốt thời gian nay. La Croix cho biết "Giáo hội Đức tiếp tục nỗ lực làm sáng tỏ sự thật".

Nhìn lại nước Pháp, Le Monde đặt câu hỏi : Tại sao Giáo hội Pháp vẫn còn bất động ? Cho dù nhiều vị giám mục ý thức được thảm họa này, cho dù nhiều nơi khác như tại Úc đã có biện pháp quốc gia bồi thường cho các nạn nhân, đã có những nghiên cứu sâu rộng để truy tìm, phát giác tệ nạn lạm dụng thân xác trẻ em ở trong mọi định chế của Giáo hội từ năm 2012. Giáo Hội Mỹ cũng dứt khoát tuyên bố "chấm dứt tình trạng bao che" từ năm 2002, sau một số vụ tai tiến được báo Boston Globe khui ra. Tại Ireland, cuộc điều tra do chính phủ yêu cầu đã kê ra hàng ngàn trẻ em bị cưỡng bức. Tại Pháp, tạp chí "Gia đình Tín đồ Thiên chúa" kêu gọi phải "tổng vệ sinh" trong Giáo hội : bất cứ một linh mục, giám mục nào phạm tội, dù một trường hợp mà thôi, cũng phải từ nhiệm".

Bài xã luận "Giáo hội bị soi mòn vì tai tiếng", Le Monde cũng tỏ ra rất nghiêm khắc : Giáo hoàng Francis được bầu lên vào năm 2013, luôn tỏ ra bảo vệ những người yếu đuối nhưng dường như ngài không ý thức quy mô cơn sóng thần đang làm rung chuyển nền móng của Giáo hội. Gần đây, ngài nhìn nhận "xấu hổ vì những sai lầm nghiêm trọng trong cách tiếp cận và đánh giá tai tiếng này".

Giáo hoàng còn tố giác "tình trạng đồi bại" trong hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, theo Le Monde, những lời ăn năn hối lỗi không còn đủ nữa. Phải có những hành động mạnh mẽ hơn. Như đề nghị của ủy ban do Tòa thánh lập ra là "lập tòa án để xét tội các giám mục thiếu trách nhiệm". Tại Pháp, tân giám mục giáo phận Reims là Eric de Moulins-Beaufort đòi phải có một cuộc "điều tra toàn diện với sự trợ giúp của tác nhân bên ngoài". Điều này hàm ý gì ? Trước quy mô to lớn của nạn ấu dâm, Nhà nước Pháp không thể giả vờ không thấy, Le Monde kết luận.

Quyết định ngoại giao của Vatican với Trung Quốc

Trong lúc Tòa thánh La Mã bị công kích tứ phía thì tại Trung Quốc, Giáo hội thầm lặng sẽ còn "đau khổ hơn" vì một quyết định ngoại giao của Vatican, thỏa hiệp với chế độ áp bức.

Theo tường thuật của Le Figaro, trên máy bay trên đường trở về sau chuyến tông du ba nước baltic về Roma, Giáo hoàng Francis "nhiều lần" chia sẻ là ngài nhận hết mọi trách nhiệm trong thỏa thuận với Trung Quốc theo đó Tòa thánh công nhận Giáo hội do Bắc Kinh kiểm soát, được gọi là "Giáo hội yêu nước". Giáo hoàng gián tiếp trả lời Hồng y Trần Nhật Quân (Hồng Kông), tố cáo Tòa Thánh "bán đứng" Giáo hội Công giáo cho chính quyền cộng sản" bởi vì ngày 22/09 vừa qua, Vatican đã ký một văn kiện cùng bổ nhiệm giám mục với chính quyền Bắc Kinh.

Giáo hoàng giải thích, khi đạt một thỏa thuận qua đàm phán thì mỗi bên phải hy sinh một ít để cùng đi tới. Ngài hiểu là thỏa thuận này sẽ làm nhiều người khổ đau, ngài không quên những người đề kháng, những tín đồ trong Giáo hội thầm lặng, vì trung thành với Tòa Thánh mà bị áp bức từ 1949 đến nay. Tuy nhiên, Giáo hoàng tin rằng tín đồ Trung Quốc có đức tin to lớn, như thánh Phê-rô, như Chúa Giêsu đã nói, đức tin của tín đồ là đức tin của thánh tử đạo để mà đi tới. Đề cập đến quyết định nhìn nhận 7 giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm, Giáo hoàng khẳng định ngài đã "xem xét từng trường hợp một" và chính ngài chịu trách nhiệm về chữ ký trên thỏa thuận, một văn kiện phải mất hàng chục năm chuẩn bị chứ "không phải là ngẫu hứng".

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp khoán đại

Chuyện gì đáng chú ý tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong kỳ họp khoán đại năm nay ? Đó là hồ sơ quốc tế của Les Echos Le Figaro.

Tổng thống Macron dàn trận mới chống tổng thống Trump. Pháp không ký một thỏa thuận thương mại song phương nào nếu không tôn trọng Hiệp định Khí hậu Paris, tựa của Les Echos. Nhật báo kinh tế cho biết thêm, cũng tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ chôn chính sách đa phương, kêu gọi quốc tế cô lập Iran. Le Figaro cũng cùng nhận định "Mỹ tự co cụm" nhưng tổng thống Donald Trump không từ bỏ biện pháp can thiệp, cụ thể là ông hướng mũi súng vào Iran : chế độ giáo quyền tham ô gieo rắt xáo trộn, chết chóc và tàn phá ở Trung Đông và xa hơn nữa . Lãnh đạo Iran không tôn trọng biên giới, chủ quyền các láng giềng…

Tổng thống Trump kêu gọi các nước hỗ trợ người dân Iran nổi dậy. Theo Le Figaro, Donald Trump nói đến thảm họa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng kỳ thực là nhắm vào Iran. Mục tiêu của Mỹ là huy động Liên Hiệp Quốc gây sức ép tối đa để khai tử hiệp định hạt nhân 2015. Khoảng 50 chuyên gia Mỹ công kích chính sách của Nhà Trắng đặt Iran trước vỏn vẹn hai lựa chọn : một là đầu hàng hai là chiến tranh. Trả lời phỏng vấn CNN, ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố không loại trừ kịch bản xung đột trực diện nếu vệ binh Hồi giáo tấn công binh sĩ Mỹ.

Putin : căng thẳng với Israel ở Syria

Le Monde dành một trang lớn cho nước Nga của Putin : căng thẳng với Israel ở Syria, trong khi uy tín của tổng thống hao mòn trong nước

Với tựa : Moskva làm Israel lo ngại khi tăng cường hệ thống phòng thủ của Syria, Le Monde phân tích : từ trước cho đến khi xảy ra vụ phòng không Syria bắn lầm vào máy bay Nga hôm 17/09, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rất khéo léo giữ quan hệ tốt với tổng thống Putin, nhưng chủ nhân điện Kremlin cũng phải bảo vệ quyền lợi Nga và uy tín đối với đồng minh Syria. Chắc chắn, tai nạn thảm khốc này sẽ được Moskva khai thác để xét lại cách thức buộc Irael xuống thang tại Syria. Cơ chế vận hành từ trước đến nay, giữa hai bộ tham mưu có sĩ quan nói tiếng Nga trực tiếp đối thoại, hoạt động tốt nhưng chưa bao giờ hợp tác với nhau, bởi vì Israel không muốn lộ bí mật các phi vụ oanh kích vị trí quân sự của Iran tại Syria. Phi vụ oanh kích lần tới sẽ là cuộc trắc nghiệm thực tế. Bộ tham mưu Israel chắc chắn sẽ cân nhắc bằng cân tiểu ly khi lựa chọn mục tiêu.

Trong khi đó, tình hình chính trị tại Nga không mấy sáng sũa cho đảng cầm quyền. Dự luật cải cách hồi hưu gây câm phẩn trong dân chúng đã làm cho nhiều đảng viên đảng Ngôi Nhà Nước Nga trả giá đắt : 4 tỉnh trưởng bị thua ngược trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật 23/09 vừa qua. Bực tức, chính quyền trung ương trút cơn giận lên nhà đối lập Alexei Navalny : vừa mãn án tù 20 ngày, khắc tinh của tổng thống Putin bị cảnh sát đón ngay cổng nhà giam, bắt đưa sang một tòa án khác. Alexei Navalny cũng kịp thời gian thu một đoạn băng hình khen ngợi những người ủng hộ : "các bạn có thấy không, uy tín đảng cầm quyền rơi 15% trong cuộc bầu cử mới nhất. Bốn tỉnh trưởng của Putin, cho dù được ông ta ủng hộ, đã thất cử. Đó là nhờ các bạn".

Libération, trong trang văn hóa, dành một bài dài về "người phụ nữ cội nguồn nhân gian". Người mẫu bí ẩn của danh họa Courbet được nhận dạng qua một bức thư giữa hai văn hào George Sand và Alexandre Dumas con.

Người phụ nữ dấu mặt khỏa thân, đùi mở rộng, nằm trên giường gây chấn động dân chúng thượng lưu Paris trong cuộc triển lãm năm 1866 là cô Constance Quéniaux, 110 năm sau khi qua đời, đã được thế giới biết đến.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 495 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)